Dienstag, 25. April 2017

NGỌN ĐÈN TRƯỚC GIÓ

  tranh Dương Đình Sang (100x140, 2004) 

    Sáng ngày 29 Tết trời xứ Huế đã tạnh mưa, vài tia nắng ban mai cũng đủ thắp lên được niềm hy vọng cho mọi gia đình đang chờ đón những ngày xuân ấm áp trở lại. Tuy mới về thăm gia đình chỉ hai ngày nhưng tôi đã nghe được bà con than vãn là suốt ba tháng mùa đông vừa qua Huế với những cơn mưa dai dẳng đã ảnh hưởng và thiệt hại không ít đến mùa màng, chợ Tết, phố hoa…cho đến những ngày cận Tết. Và thật đúng như vậy trong chuyến bay đầu tiên của ngày từ Sài Gòn, khi tôi bước chân xuống phi trường Phú Bài vào lúc 1:50 giờ khuya 27 Tết thì bầu trời Huế như chìm trong cơn mưa, mưa gần như là chuyện thường tình vào mùa đông mà từ lâu ai sống ở Huế cũng đều biết là, Huế ngoài nét đẹp cổ kính và thơ mộng, Huế còn đẹp và thi vị hơn trong những cơn mưa dầm mưa dề, mưa từ bên ni trôi qua bên tê rồi chảy sang tận bên nớ cho đến khi mô thúi đất rồi lại chuyển qua mưa phùn, là cơn mưa mỗi sớm mai lất phất nhẹ hạt đầu xuân thường thấy mỗi khi qua cầu Trường Tiền hay thả bộ trên đường Lê Lợi. Vậy thì tính đến nay tôi đã trên ba mươi năm ở xa thành phố mưa bay này rồi mà chưa một lần về thăm trong dịp Tết thì phải nói là nhớ lắm, cho nên mới chọn một chuyến bay đêm, tuy bất ngờ nhưng rất là như ý khi đang ngồi ở Tân Sơn Nhất mà biết ngoài nớ đang mưa. Và rồi chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau đó, suốt đoạn đường từ phi trường Phú Bài về đến nhà trong Thành Nội, chàng trai xa Huế thuở nào nay đã được nhìn mưa rơi trong trời đêm hiu quạnh mà nghe lòng nôn nao khó tả khi biết sắp được gặp lại người mẹ đang chờ con trên giường bệnh.
    Trời vẫn còn mưa khi xe về đến nhà lúc 2:30 giờ sáng, Diệu mở cửa và Việt giúp mang hành lý vào nhà kế bên phòng mẹ không đèn, im lặng. Tôi đi thật nhẹ vì sợ mẹ thức giấc nhưng rồi chẳng chờ lâu, mẹ chầm chậm cùng với cây gậy bước ra cửa: -Con về rồi à ? –Dạ, con mới về mạ. Tôi ôm mẹ trong vòng tay còn hơi lạnh rồi nhẹ nhàng xoa lên phần da thịt khô khan của mảnh đời còn lại nay đau mai yếu mà chẳng nói được lời nào cho đến khi thấy mẹ không được khỏe nên đã dìu vào phòng. Mẹ nằm xuống, con ngồi bên, trông nhạt nhòa bóng mẹ giữa đèn khuya cho đến khi người đã yên giấc thì mới rời phòng và thức cho đến sáng.
    Mưa vẫn không dứt, sau trưa em Diệu cùng với hai cháu Đô và Anh Đào trải chiếu giữa nhà gói bánh chưng, tôi lãnh phần cột dây còn mẹ khi mô khỏe thì ra ngồi cạnh tôi sắp bánh vào nồi. Nếu đem khung cảnh này để so với những ngày Tết thuở xưa thì chắc là còn thiếu bóng dáng của ba tôi đâu đó khi người còn sinh tiền. Mới đó mà đã hai mươi hai năm ngày ba tôi qua đời, để lại vợ góa và đàn con côi tám đứa, người đông kẻ tây. Nếu như hôm nay được ngồi bên mẹ dưới mái ấm gia đình mà mơ thêm một mùa Xuân họp mặt đông đủ con cháu nữa thì quả thật là không dễ chút nào.
    Cơn mưa nặng hạt lúc nửa đêm và bếp lửa nồi bánh chỉ còn giữ lại chút than hồng sau 1 giờ khuya. Theo tiếng gà gáy sáng mưa giảm dần cho đến trưa 28 Tết thì tạnh hẳn. Mọi người đổ xô ra đường mua sắm như chạy loạn, xe máy bóp còi inh ỏi. Chợ hoa ở Phu Văn Lâu trăm người bán vạn người mua, kẹt xe y như giao thông ở Sài gòn. Những chậu mai, cúc, lan, đào…ế ẩm ngủ quên trong những ngày mưa lạnh nay thức dậy chẳng cần điểm tâm nhanh chóng trau chuốt lại nhan sắc chào hàng. Tôi và Diệu có mặt đúng vào thời điểm đó và không có gì vui bằng sau gần một tiếng đồng hồ hai anh em bước dài bước ngắn mới chọn được một chậu mai vàng vừa ý mang về nhà. Hy vọng đây là một món quà rất ý nghĩa dâng lên hương hồn thân phụ trong những ngày xuân về.   
    Khi chậu mai được đặt ở phòng khách, tôi và các em ngắm tới ngắm lui cho đến khi tạm vừa lòng thì mạ bước ra, trông nét mặt khỏe hơn đêm qua nhiều. Mạ ngồi yên một lúc, nhìn qua ngó lại như người chơi hoa sành điệu rồi hỏi: -Con mua mấy rứa ? -Dạ 200 mạ. -Chà, rẻ hè. Mấy anh em nhìn nhau che miệng cười, hình như mạ không hiểu vì răng các con cười vui nhưng cũng cười theo. Các anh em đều biết tính mạ hà tiện và thường ‘đau bụng’ khi nghe đến số tiền nhiều nên phải nhanh miệng sale giá rẻ nhất để mạ khỏi tiếc. Thật ra chậu hoa tính thêm phí chuyên chở thì số tiền mua gấp năm lần tôi đã nói dối mẹ. 
    Với ba tôi thì ngày Tết phải có một cành mai, còn ông nội thì trong những ngày kỵ giỗ thường chú trọng và chỉ cho con cháu cách sắp xếp và dọn dẹp bàn thờ cho sạch sẽ, cách chưng hoa quả, hương đèn và cả một vài nghi lễ cúng vái nữa. Cũng nhờ vậy mà dù sống ở nước ngoài hay khi về thăm quê nhà tôi luôn nghĩ mình đã làm được một phần nào bổn phận với Tổ tiên ông bà cha mẹ khi chia sẻ cho mọi người sự may mắn mà mình có được hôm nay thì cũng nhờ vào ân đức của người đi trước. Năm nay dù mẹ bệnh nhưng các con cháu đã chuẩn bị và có mặt đầy đủ trong ngày cuối năm đón Ông Bà vào trưa 29 Tết. 
     Ngày 30 Tết khá lặng lẽ vì các em trai tôi ở Sài gòn chưa ra kịp, tôi thì chưa cảm nhận được điều gì vui trong ba ngày xuân cả như thể là Tết xưa và nay có gì đó khác biệt ngoài những ngày được gần gũi và chăm sóc mẹ trên giường bệnh, may là mẹ ngày càng khỏe vì thời gian tôi ở Huế cũng không còn bao lâu nữa khi vợ tôi sẽ cùng với các em ra Huế thăm vài ngày rồi cũng phải giã từ mẹ để ra đi.
    Tối hôm qua Diệu đã về nhà để hôm nay lo tất niên bên chồng. Sau trưa, trong lúc Việt đang dọn bàn ngoài sân để khuya nay đón giao thừa thì mẹ cũng đi loanh quanh nhà dọn dẹp rồi ra sau vườn cho gà ăn, trông sức khỏe mẹ có khá thêm đôi chút. Tôi nhâm nhi ly cà phê chiều rồi gọi thăm bà xã và Thúy. 
 
     
   Ở Sài gòn cũng chẳng có tin gì vui khi vợ tôi và Thúy (em vợ ở Houston về) báo cho biết đã mấy hôm me không được khỏe cho lắm. Có hai cô con gái từ xa về chăm sóc đã hơn mười ngày rồi mà cho đến hôm nay người mẹ vẫn chưa nhận ra con, nay thì gọi cô, mai thì gọi chị...đây là một chuyện thật đau buồn vì mẹ vợ tôi đã lẫn nhiều ở độ tuổi 86 so với lần gần nhất khi vợ chồng tôi cùng với Thúy về thăm nhà vào mùa hè 2015 thì me vẫn còn nhớ con nhớ rể và sức khỏe khá hơn bây giờ nhiều. Bao nhiêu lo lắng cho mẹ già, cho gia đình và chuẩn bị cho ngày Tết rồi cũng đến, hôm nay hai chị em thật bận rộn với một ngày cuối năm và riêng vợ tôi, đây là lần đầu tiên về quê ăn Tết sau 27 năm theo chồng xa xứ. Rồi chỉ còn ba hôm nữa thôi, hai chị em sẽ ra phi trường đón Sơn, chồng của Thúy về đến Sài gòn vào ngày mồng 2 Tết, là người em cột chèo của tôi và cũng là vị khách cuối cùng của hai gia đình ở Huế và Sài gòn trong dịp Tết Đinh Dậu.
    Trở lại câu chuyện ngày xuân ở Huế khoảng 10 giờ đêm 30 Tết, khi tôi và Việt dọn bàn cúng ngoài sân thì thấy xóm giềng đã có một vài nhà đốt giấy vàng mã đủ loại đủ màu như áo quần, xe hơi, nhà lầu, xách bóp đều có...Hồi xưa ông bà mình tin rằng, thứ gì mà người trên dương thế dùng thì dưới âm phủ cũng có nhu cầu, kể cả tiền giấy 1 dollar Mỹ in đẹp như tiền thật mà tôi đã được thấy trong lần về quê này. Vào buổi họp mặt trưa hôm qua tôi được cả nhà giao việc xông nhà hay còn gọi là đạp đất, bởi vậy nên chừng 10 phút trước giao thừa tôi ăn mặc khá chỉnh tề rồi đi ra khỏi nhà, thấy hai bên đường nhà lớn nhà nhỏ đều ‘nghi ngút khói hương’, bàn cúng rất nhiều hàng đồ vàng mã, có vài nhà đặt trên bàn một đôi giày màu vàng cao cổ thật lớn cùng nhiều thứ khác mà trước đây tôi chưa hề thấy bao giờ.
    12 giờ khuya đường vắng xe cộ, vài cửa hàng tạp hóa phía bên vườn cam cũ cho tới gần chợ vẫn còn mở. Tôi tản bộ từ trường Nguyễn Trãi (trường Phan Sào Nam cũ) đến chợ Tây Lộc rồi thư thả trở về nhà, bỏ hết những chuyện đời xuôi ngược để chờ  đón một năm mới sở cầu như ý.
    Liên tiếp bốn năm ngày Tết đầu xuân trời nắng đẹp lạ thường, tôi ở nhà chuyện trò với mẹ và lo tiếp khách. Mỗi sáng thức dậy sớm tôi xuống nhà dưới vào thăm mẹ trước, có khi cho mẹ uống thuốc hay những gì mẹ cần rồi mới xem đêm hôm qua  hoa mai đã nở thêm được bao nhiêu bông mới, rồi sau đó pha cà phê, thường chỉ uống một mình vì các em tôi không dám chê cà phê tôi mang về mà chỉ nói rằng cà phê bên Áo lạt quá, không đủ phê...Nhưng vào sáng mồng 1 Tết thì khác, tôi đang chuẩn bị pha trà thì anh Hà đến, là anh em bạn dì chỉ chênh nhau vài tuổi và anh đã về hưu. Cách đây hai năm vào tháng 1 năm 2015 trong chuyến du lịch Âu châu của vợ chồng anh cùng cháu trai, ba vị khách quý đã ghé thăm Vienna hai ngày và tất nhiên là anh đã có dịp thưởng thức vài món ăn, uống vài ly bia nổi tiếng của Áo và cà phê bên đó rồi, vì thế nên tôi biết anh sẽ không bao giờ từ chối lời chào bằng một ly cà phê cả.
    Ngày hôm sau Sơn từ Houston về đến Tân Sơn Nhất 10 giờ sáng thì Tuấn, em trai từ Sài gòn ra đến Huế 2 giờ chiều, vài ngày sau sẽ có Khánh và Kỳ ra nữa, nếu không tính hai thành viên còn lại ở xa không về được thì cũng xem như là đã đủ mặt anh em trong mấy ngày xuân ở Huế. Trong số khách đến thăm ngày mồng 2 Tết có cháu Hải Hoàng cùng chồng và hai con, Hải Hoàng là con gái thứ 2 của Diệu, cách đây hai năm cháu đã khai trương quày vé Ấn Tượng Châu Á (asiaimpressiontravel.com), Phòng 512 Chung cư Xuân Phú, Huế nên đã giúp các cậu rất nhiều về việc tìm các chuyến bay khá tốt và nhanh chóng. Tôi vẫn ở nhà với mẹ cho đến sáng mồng 4 Tết thì hai bạn Tấn và Tình đến thăm, ba chúng tôi hôm đó ngồi quán nhà uống ly cà phê đầu tiên trong lần hội ngộ này để rồi hẹn sáng mai sẽ gặp lại một lần nữa sau khi các bạn đồng môn trường Luật Huế viếng thăm linh cữu Luật sư Vĩnh Thái, cựu sinh viên Luật khoa (khóa 1964-1967) đã tạ thế vào sáng mồng 1 Tết năm Đinh Dậu.
    Tôi và Diệu phải chờ đến ngày mồng 8 Tết thì mới ra làng Ngoại được vì sau mồng 4 Tết ngày nào cũng mưa. Hôm chạy xe từ nhà ra cửa An Hòa, qua khỏi cây số 17 thì trời chỉ mưa lâm râm nhưng khi vừa đến chợ An Lỗ thì mưa lớn, từ đây chỉ cách làng Hiền Sĩ chỉ 5 cây số là đến nhà Ngoại. Dù mưa không ngừng nhưng chẳng bao lâu sau đó đã thấy cây cầu xe lửa bắc ngang sông Bồ là đã gần đến nhà Ngoại. Làng Hiền Sĩ nổi tiếng với những vườn chuối xanh tươi quanh năm; mít, thanh trà, thơm, đậu, mè…thì nhà nào cũng có. Trạm đầu tiên vào thắp nhang ở nhà ông bà Ngoại, giờ đây chỉ còn lại bà chị dâu góa phụ hôm sớm hương đèn cùng miếu nhỏ trước sân thờ cậu tôi mà mấy chục năm qua được tiếng là rất linh thiêng. Công việc hằng ngày của chị là chăm bón  khu vườn hoa quả rau trái với mức thu nhập cũng đủ sống qua ngày, rồi sau đó đến thăm hai gia đình chị em bạn dì cũng không xa. Từ thuở nhỏ ở làng Chính An cho đến khi vô Huế, các chị và anh em chúng tôi tuy ở xa nhưng vẫn giữ mối giao hảo tốt cho đến bây giờ.
    Cách đây mấy hôm, Tấn có đưa cho tôi mang về nhà xem ‘Cõi Riêng Trong Tranh Dương Đình Sang’ do chị Thanh Quyên, vợ của họa sĩ tặng, xuất bản ở Huế tháng 10.2012 cùng thời gian với cuộc triển lãm tranh của cố họa sĩ Dương Đình Sang gồm 27 tác phẩm sơn dầu vào ngày 27.10.2012 tại Trung Tâm Văn Hóa Phương Nam, số 15 Lê Lợi Huế, sau khi người họa sĩ tài danh mất vào năm 2005. Họa sĩ Dương Đình Sang sinh năm 1950 ở Huế, tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế năm 1971. Chỉ ba năm sau, người họa sĩ trẻ tuổi đó đã có cuộc triển lãm đầu tay cùng với họa sĩ Đinh Cường tại Hội Việt Mỹ, Huế vào năm 1974 và cho đến năm 2000 họa sĩ Dương Đình Sang đã có nhiều lần triển lãm riêng và chung ở trong nước và quốc tế như Pháp, Đan Mạch, Hồng Kông, Hoa Kỳ…

 Niệm Khúc, tranh Dương Đình Sang

    Cõi Riêng Trong Tranh Dương Đình Sang dày 48 trang, gồm một số tranh cuối đời của họa sĩ chưa có tên, khổ vuông, giấy cứng mở đầu với bài viết của họa sĩ Bửu Ý: Cõi Riêng Chung Của Dương Đình Sang, trang tiếp theo là một bài thơ của Đinh Cường: Đoạn Ghi Nhớ Dương Đình Sang, ghi lại kỷ niệm về lần cùng Sang đi thực tế ở vùng Đá Trắng, Thạch Hãn, Quảng Trị để vẽ sau năm 1975 và cuối trang bìa sau, họa sĩ Đinh Cường viết: ‘đi vào thế giới hội họa của Sang là đi vào một không gian thuần khiết và mãnh liệt, thơ mộng và chân thật’.
    Vậy là trong dịp Tết này chúng tôi gặp lại nhau ba lần nhưng chỉ loanh quanh trong Thành Nội, chưa ra khỏi cửa Đông Ba cho nên cũng chưa chạy qua trường Luật để thăm lại Cây Đa Trường Cũ. Gặp hai bạn từ hôm ở nhà tôi rồi sau đó gặp lại trưa mồng 5 Tết, vào lúc trời mưa ở quán Vườn Quế, số 10 đường Thạch Hãn. Thật hiếm khi được ngồi cùng bạn trong cảnh mưa xuân bên khung cửa sổ nhìn qua phía bên kia đường, chờ ly phin đen thời khắc cũng xứng với làn khói thuốc nhãn hiệu Sài Gòn lãng đãng cùng gió mưa, và hôm nay là ở Tứ Phương Vô Sự phong cảnh hữu tình, lấm tấm hơi xuân như cơn mưa phùn chưa tìm được lối về. Hàng cây sứ bên bờ tường mà chúng tôi có chụp vài tấm hình, khiêm nhường nhìn hoa Tết nở khắp nơi theo bước chân khách đi tìm chỗ, rồi tình cờ ngồi lại bên chùm hoa tím nhạt chưa biết tên, Cao đệ bảo là hoa bâng khuâng, hỏi ra mới biết bạn mình là tay ‘chơi hoa’ trứ danh ở Huế, rành cả trăm họ hàng nhà hoa, hoa nào cũng biết, bông nào cũng đẹp cũng xinh không thể kể hết...
    Tôi và Chiến về Phú Bài gặp buổi chiều nắng đẹp, Chiến là cháu bên vợ từ Đà Nẵng ra sáng hôm nay với chiếc xe 7 chỗ để đưa ba mẹ (Chiến thường gọi thân mật như rứa) đi đây đó trong mấy ngày ở Huế và sau đó là tiếp tục cuộc hành trình vào Đà Nẵng. Chừng 17 giờ đã thấy Sơn đẩy hành lý ra cửa, trông vợ và hai em đều khỏe. Thật là vui mừng gặp lại Sơn sau 21 năm, vẫn trẻ trung và đẹp trai như ngày nào. Thuở ấy vào năm 1996 khi Alain, cậu út nhà tôi được 8 tháng, gia đình năm người đã bay sang Cali thăm người chị rồi sau đó sang Houston ba tuần lễ, thăm gia đình anh chị Hai rồi Sơn còn đưa tôi đi thăm cô dượng ở Dallas. Cũng nhờ chuyến thăm này mà Alain đã có thêm một người mẹ, không ai khác hơn là má Thúy, có biệt danh là Thúy Điệu, đã dành nhiều tình thương cho cậu con trai bên Áo mà bây giờ đã 21 năm hai mẹ con vẫn chưa gặp lại nhau. Đó là những gì vẫn còn nhớ cho đến lần hội ngộ này trên đất Huế, thiệt là trái đất vẫn tròn. Với Thúy thì vào mùa hè 2015 khi em về một mình trong chuyến bay từ Houston đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất cùng ngày với vợ chồng tôi nhưng chỉ cách nhau ba tiếng đồng hồ. Thúy đến trước nên đã ở lại sân bay để chờ đón bà chị rồi cùng về nhà luôn. Bởi vậy đã có một cuộc gặp bất ngờ khi Thúy không hề biết tôi có mặt trên chuyến bay hôm đó. Tôi đẩy hành lý ra sau và cố tình né nên Thúy không thấy, chờ hai chị em mùi mẫn ôm nhau trong nước mắt rồi sau đó tôi mới xuất hiện. Hình như có ai đó đã nói rằng, những người phụ nữ má lúm đồng tiền và đẹp thì rất giàu cảm xúc chiều mưa, Thúy có cả hai thứ đó nên thật tình không lạ chút nào khi tôi cũng khóc theo trong vòng tay của cô em mít ướt! 


    Lần này về có thêm một nhân vật mới là Sơn do đó chuyến đi này không phải chỉ có mục đích thăm nhà hay vui Tết mà chính là các con có thời gian gần gũi nhiều hơn chăm sóc cho hai người mẹ tuổi già sức yếu như ngọn đèn trước gió, gần được ngày nào hay ngày đó vì chẳng biết lúc nào mẹ sẽ rời bỏ con cháu để ra đi không một lời nhắn nhủ.
     Thật vậy trước chuyến bay của vợ chồng tôi đúng một tuần lễ thì nhận được tin mẹ nhập viện vì bị té xỉu ngoài đường. Cũng còn may là lúc tôi về đến nhà trước và sau Tết thì mẹ đã dần bình phục và cho đến hôm nay đã khỏe nhiều khi có con dâu và vợ chồng Sơn Thúy về thăm. Chủ và khách người ngồi kẻ đứng quanh phòng khách, mạ bị lãng tai nên ai muốn nói gì với mạ thì phải ngồi gần hoặc to tiếng. Mai vừa ngồi xuống kế bên thì mạ hỏi :-Răng các con không về ăn cơm? -Dạ, mạ đã khỏe chưa, chúng con ngại chuyến bay về trễ sợ ở nhà chờ... Mạ nhìn qua Thúy: -Có chồng con về nữa? -Dạ mạ, rứa mạ nhớ tên con không? -Nhớ chơ, Thúy! Một bên Mai, một bên Thúy, hai vòng tay ôm lấy mạ thân thiết, nồng nàn.
    Chúng tôi đặt khách sạn ở nam sông Hương, hôm sau lúc 7 giờ sáng vợ chồng tôi và Chiến đã có mặt ở nhà mạ để ra làng Chính An, xã Phong Lộc cùng với ba chú em trai Tuấn, Việt và Khánh. Xe chạy qua cầu An Lỗ rẽ phải theo hướng Quảng Điền, ngang qua làng Lai Hà mà xưa kia tôi và cô Út đã học xong hai lớp đệ thất và đệ lục ở trường Tam Giang. Nay sau hơn 50 năm vật đổi sao dời nên đã không còn dấu tích hay phương hướng để nhận ra trường cũ cho tới khi đến địa phận làng Chính An thì xe phải chạy chậm vào một con đường nhỏ rồi mới đến nhà chú Gia. Xe đậu ở đó, vào quán chào cô chú, mua thêm hương rồi mấy anh em đi bộ xách theo hoa quả trên con đường đất cát gần một cây số thì mới tới khu mộ phần của gia đình và họ hàng  từ nhiều đời trước cho đến con cháu hữu vị vô danh đều ở quanh đây, nơi yên nghỉ cuối cùng của một đời người. Hoa và trái cây được đặt trên thềm tấm bia của ba tôi nay trông vẫn còn mới và tốt, nét chữ khắc sâu vẫn còn đẹp và rõ ràng. Mỗi người đốt nén hương cung kính tưởng nhớ thân phụ, ông bà, cô bác và những phần mộ xung quanh cũng là bà con xóm giềng hôm sớm có nhau.
    Từ làng Chính An về đến Huế đã 11 giờ nên mọi người đồng ý sẽ ăn trưa trên đường đi, có một quán khá nổi tiếng chỉ cách Truồi chừng mấy phút xe. Khoảng sau 1 giờ trưa chúng tôi chuẩn bị rời quán Bà Sửu trên quốc lộ 1, quán đông khách nhưng phục vụ khá tốt, nhanh nhẹn và sạch sẽ. Gần đến cầu Truồi xe chạy chậm, trước mặt là lũy tre xanh nghiêng bóng chạy dài như tô điểm thêm nét thơ mộng cho một dòng sông khá danh tiếng đã đi vào lòng người qua những vần điệu ca dao:
Nước sông Truồi vừa trong vừa mát
Gái sông Truồi vừa đẹp vừa ngoan

  
    Nhà ôn mệ có vườn rộng sân dài, trồng nhiều chuối, mít và ổi, có năm về thăm vào mùa hè thấy một nửa vườn được trồng mía sắp đến mùa thu hoạch. Nhìn vào căn nhà thoáng mát tuy đã nhuốm màu thời gian nhưng vẫn thấy giá trị về cách xây dựng và trang trí thời xưa với cột nhà sáng láng, gồm một dãy có ba bàn thờ liên kế kê sát tường sau, trông rất đẹp mắt và trang trọng. Hai chị em thắp hương cúng Phật trước khi bước vào bên trong rồi đứng trước di ảnh thân phụ thật lâu, lau nước mắt.
    Ba vợ tôi là người con rất hiếu thảo, đã để tang mẹ bốn năm trước khi qua đời tại Sài gòn vào năm 1995, hưởng thọ 65 tuổi và được đưa về an táng nơi đã sinh ra để được gần quê cha đất tổ theo như ý nguyện. Chín năm sau đó, đến lượt Ôn ra đi, về sum họp với người bạn đời cùng con trai trưởng nơi mộ phần bên dòng sông Truồi hiền hòa trong mát, có chè Truồi thơm ngát quanh năm, có dâu tươi mít ngọt cùng với xóm làng sum sê cây trái:
Xứ Truồi ngọt mít thơm dâu
Anh đi làm rể ở lâu không về.  
    Vì mộ nằm rải rác trên đoạn đường ‘khá nhiều chông gai’ khoảng nửa cây số nên chúng tôi đã bắt đầu lễ cúng từ mộ Ba là xa nhất rồi trở lại mộ Ôn, Mệ và sau cùng là hai mẹ con Lệ Thủy nằm sát bên nhau. Thủy là người con thứ tám, theo chồng ra Huế ở trong thời kỳ thai nghén đứa con thứ hai. Tôi nhận được tin buồn hai mẹ con Thủy qua đời tại Huế khi đang còn ở trại Tỵ Nạn Palawan, Philippines vào tháng 10 năm 1987 khi em 21 tuổi và nay đã tròn ba mươi năm ngày hai mẹ con qua đời. 
    May mắn cho chúng tôi là thời tiết hôm đó đẹp hơn cả mong đợi. Khoảng 16:30 giờ xe chạy, ghé quán cà phê và về đến Huế gần 18 giờ chiều, trời bắt đầu chuyển mưa.
    Liên tiếp ba ngày sau hôm ra Chính An và về Truồi trời mưa suốt. Cũng như mọi buổi sáng, tôi và Sơn xuống tầng dưới khách sạn hoặc ra trước đường Nguyễn Công Trứ có nhiều hàng quán điểm tâm. Hai cô thường dậy muộn vì thức khuya, vừa uống cà phê vừa trang điểm nhanh lắm cũng chừng hai tiếng, hai cô thường không yêu cầu dùng điểm tâm vì sợ...mập, sẽ mất đi dáng dấp thanh tú của con gái Truồi vừa đẹp vừa ngoan, nhưng vào buổi tối thì cùng đi ăn mì gõ…cho vui với hai ông xã. Rồi chải tóc, thay đồ…nên sớm nhất cũng phải 10 giờ mới ra khỏi nhà. Đó là những ngày bình thường không có việc, không có hẹn hò với ai nên hai cô chẳng làm bận tâm hai ông xã dễ tính, niềm vui của hai anh là chỉ thích mỗi ngày chừng bốn hay năm ly cà phê vừa ở nhà vừa ngồi quán là đủ.
    Chiều ngày 9.2 qua nhà mạ dùng cơm tối thì gặp trời mưa to gió lớn, Mai ngồi với mạ ở phòng khách có một cánh cửa sổ quên đóng, gió thổi mạnh nên tối về trúng gió. Mạ thì từ hồi chiều đã mệt rồi và hơi chóng mặt nên tối lại trở bệnh. Ba chị em trở về khách sạn còn tôi ở lại để sáng mai cùng với Việt đưa mạ đi bệnh viện kiểm tra cho yên tâm. 
    Sáng hôm sau, trước 8 giờ ba mạ con đã có mặt ở phòng khám, người già được ưu tiên nên khỏi phải xếp hàng. Sau khi qua ba phòng: thủ tục, xét nghiệm và tim mạch, phòng cuối cùng đã cho kết quả là: -Giảm chỉ số lưu huyết não bán cầu não trái, giảm lưu lượng mạch máu não bên trái vùng chẩm trán. Chắc nhờ toa thuốc đúng bệnh nên đến tối mẹ đã hết chóng mặt, ngồi dậy và đi đứng bình thường cho đến ngày hôm sau, khi chúng tôi sang thăm và dùng cơm trưa trước khi vô Đà Nẵng thì sức khỏe mẹ đã khỏe nhiều cho đến ngày tôi trở về Áo vào đầu tháng 3.2017.
    Gần ba tuần lễ sau khi về đến Huế, ngày giã từ cố đô trời cũng mưa tầm tã như khuya 27 Tết. Không ai biết được ngày mai sẽ ra sao nhưng tôi thật vui mừng là hôm nay mẹ đã khỏe để chuyện trò lần cuối rồi tiễn chân các con trong nỗi xúc động và tiếc nuối. Những ngày Tết dường như đã qua nhanh đến nỗi chẳng lưu lại chút gì để người đi mang theo ngoài lòng ray rức phải xa mẹ lúc này, cầu xin cho mẹ được bình an.   
    Ngay buổi chiều đầu tiên khi đến Đà Nẵng, chúng tôi đã được vợ chồng Ky và Gái (ba mẹ của Chiến) và các em Hòa, Bé, Thanh và Út Lan đón tiếp rất nồng hậu, thậm chí muốn giữ các anh chị ở lại luôn chứ không cho về khách sạn nữa. Nhà Ky ở đường Hải Phòng, phường Chính Gián nên không xa khách sạn Moonlight và lại gần phi trường. Cũng do không thể từ chối được tấm lòng quý mến khách của các em nên chúng tôi đã một hai lần trở lại chơi và vào ngày cuối, trước khi ra phi trường đã đến thăm một lần nữa, dùng cơm trưa, uống cà phê rất ngon rồi chia tay. Ky là em bạn dì của Mai và Thúy, hồi còn nhỏ trước 75 đã có một thời gian ở Sài gòn với gia đình các chị, do đó sau mấy mươi năm gặp lại nên rất quý mến nhau. Trời ở Đà Nẵng khi mưa khi nắng bất thường, tuy không đi được nhiều nơi nhưng vợ chồng Ky cùng với các em trong gia đình đã đưa các anh chị đến viếng thăm khu mộ phần của gia đình bên Ngoại ở Điện Tiến, Điện Bàn.
    Ngoài những lần dùng điểm tâm và cà phê ở khách sạn, có những lúc ngồi quán thì ngày đầu tiên tìm đến cà phê Caracoli ở đường 3 tháng 2, một lát sau có thêm Út Lan chở bạn tới để chia bớt cơn mưa bên ly cà phê kiểu Ý Bialetti Moka cũng khá thú vị. Đã có lần đến cà phê Không Gian Xưa, nổi tiếng với kiến trúc tuy có bề thế hơn nhưng không đủ khung cảnh trầm lắng như Vỹ Dạ Xưa hay Nam Giao Hoài Cổ ở Huế, dù sao cũng đã có một đêm đáng nhớ chuyến về thăm các em lần này. Cà phê Highland thì được Sơn đánh giá là ngon, đậm đà và có hương vị, địa điểm tốt cho nên tôi và Sơn đã có đôi lần trở lại đây, hai anh em chịu khó ngồi đốt thêm vài điếu thuốc, ngắm tàu bè qua lại để khỏi đi theo làm phiền quý cô muốn ghé thăm các trung tâm mua sắm Vincom, Parkson…Sau cùng là quán cà phê sát bên khách sạn Moonlight, mở cửa suốt ngày nên thường mua mang về phòng mỗi khi có khách đến chơi vào buổi tối. 

  Chùa Linh Ứng, Đà Nẵng

    Còn hai ngày cuối, trời bắt đầu mưa nhẹ khi xe đang chạy về hướng biển Sơn Trà đi Chùa Linh Ứng, cách Đà Nẵng chừng 10 km. Về nơi dấu chân in cát này, vào mấy chục năm trước đã có ‘Một lần ngồi trước biển Sóng xô cuộc đời nhau Buồn vương trên môi lạnh Tình xa đến bạc đầu’...Từ bờ biển rì rào tiếng sóng suốt một đoạn đường dài qua nhiều nhà hàng hải sản là có thể nhìn thấy tượng Đức Phật Quán Thế Âm cao 67 mét ở Bãi Bụt, Sơn Trà. Chùa được khánh thành vào tháng 7 năm 2010 và được biết đến như là ngôi chùa đẹp, lớn và trẻ nhất trong ba ngôi Linh Ứng Tự ở Đà Nẵng. Chùa Linh Ứng Bãi Bụt còn nổi tiếng là ngôi chùa có tượng Đức Phật Quán Thế Âm cao nhất Việt Nam.
    Khác với mùa hè 2015, lần này chúng tôi trở lại thăm Chùa vào những ngày xuân nên trong sân cúc vàng nở rộ bên những chậu quất trái trĩu cành màu vàng đậm óng ánh trong cơn mưa lất phất. Tuy thời tiết không được tốt nhưng vẫn đông khách thập phương thư thả ngắm cảnh, chụp hình từ ngoài sân, cho đến chánh điện và ở quày hàng lưu niệm.
     Hôm sau đang trên đường tới Hội An thì được tin nhắn từ Sài gòn, me bệnh. Em gái Thu nói đã mấy hôm nay me không được khỏe, nhưng vì sợ các anh chị lo nên không báo. Hội An cách Đà Nẵng 30 km về phía nam, hiện nay là một điểm du lịch khá nổi tiếng của Việt Nam với du khách ngoại quốc. Nghe tin me bệnh, mấy anh em như chẳng còn gì vui nên không vào khu đi bộ, mà chỉ chạy qua thành phố một vòng trước khi ra biển uống cà phê rồi trở về Đà Nẵng nghỉ ngơi và chuẩn bị cho chuyến bay vào Sài Gòn chiều mai.
 
 
Biển Hội An
 
   Trở lại Sài gòn thì khác, cả tuần lễ hai chị em luôn ở bên me, lo ăn uống thuốc men và chịu khó chuyện trò, thỉnh thoảng đùa giỡn vì me vẫn còn nghe rõ và vẫn còn đi đứng được nên trí nhớ chắc chưa đến mức tàn lụi, thì biết đâu sẽ có giây phút xuất thần trở lại nếu người chăm sóc hàng ngày kiên nhẫn tiếp xúc để đánh thức trí nhớ như đang chìm dần trong bóng đêm. So với me ở Sài Gòn thì mẹ tôi ở Huế nay đã khả quan hơn nhiều, vậy mà khi chia tay cho đến bây giờ, tôi vẫn còn  lo lắng là sau chuyến đi này tôi có còn cơ hội để được gặp lại mẹ một lần nữa hay không ?
    Trước một ngày Sơn Thúy đi Cần Thơ cùng với gia đình bên nội vào ngày chủ nhật, thì sáng thứ bảy vợ chồng tôi cùng hai em được bạn Trần Lý, nhà từ Gò Vấp đến đón về Miền Đồng Thảo, một quán cà phê và điểm tâm ngay cổng xe lửa số 8, Phú Nhuận, gần căn nhà cũ của gia đình trước khi Sơn đi vượt biên vào cuối năm 1987, chỉ sau tôi vài tháng qua ngã Campuchia rồi sang Thái Lan. Tôi thấy Sơn xúc động khi được ‘trở về mái nhà xưa’ bất ngờ, dù biết rằng giờ chẳng còn ai ở đó nhưng Sơn tỏ ra chăm chú hướng mắt nhìn và chỉ tay về khu nhà cũ cho đến nhà hàng bò 7 món Ánh Hồng rất nổi tiếng trước 75 nay đã đóng cửa nằm đối diện với tiệm cà phê Miền Đồng Thảo, trước kia đều thuộc về gia đình của một người bác trong dòng họ. Được bạn Lý giới thiệu ở đây bún bò Huế ngon lắm mà nhớ đêm xem văn nghệ ở Trống Đồng rồi taxi chạy qua Phố Tây Bùi Viện, dọc một đoạn đường nhiều quán nhậu và gái trẻ cùng Tây ba lô nhưng không tìm được quán ăn thích hợp nên cả đoàn sáu người đi bộ khá lâu mới thấy được tiệm phở Quỳnh ngay góc đường Phạm Ngũ Lão. Gần 1 giờ khuya, ai cũng đói nên cùng một lời khen ngon! Và sáng hôm nay ngồi ở Miền Đồng Thảo thì có chút gì đó đặc biệt, chỉ nhìn cách trình bày dĩa rau và tô bún cùng sự sạch sẽ và tươm tất thì chắc bạn đã nghĩ ngay rằng sẽ trở lại lần nữa dù chưa hề cầm đũa.
    Chỉ còn bốn ngày nữa là chúng tôi trở về Mỹ và Áo, trưa hôm nay cả nhà thở phào nhẹ nhõm với kết quả khám nghiệm của bệnh viện là me tôi bị rối loạn tiêu hóa. Ai cũng lo lắng vì ngày về đã gần nên vợ tôi đang tính đến chuyện đổi vé nếu sức khỏe me không tốt. Thấy hai chị em không được vui nên tôi và Sơn mang bầu tâm sự ra ngồi quán G, chia sẻ chuyện đời như là kỷ niệm mang theo cho nặng thêm hành lý. Uống cà phê xong, hai anh em về thường ngồi trên băng ghế đá trước cửa nhà như hai ông bảo vệ không lương, rồi khi có các em các cháu đến chơi, quán G lại thêm việc làm với vài ly coffeetogo nữa, một ngày lại đi qua.
    Trước hôm Sơn Thúy đi me khỏe trở lại, cũng là ngày họp mặt gia đình, mọi người vui mừng thấy me ăn ngon miệng, ngủ đầy giấc. Lần trước vào mùa hè 2015 vợ chồng tôi cũng đưa Thúy ra sân bay, năm đó me còn hiểu được lời chào của con, còn cảm xúc khi mẹ và con rơi trào nước mắt. Lần này mẹ vẫn còn nghe tiếng con chào, vẫn thấy con khóc nhưng chẳng nhận ra được đứa con vô cùng hiếu thảo và thương yêu gia đình. Me ngồi sững, hai bàn tay vuốt ve, như đang cố nhớ nhưng bất lực. Xe đã tới, vợ chồng tôi đưa Sơn Thúy ra phi trường trong tiếng khóc nấc nghẹn ngào của cô em gái. Cuộc chia ly nào cũng buồn và đau đớn.
    Chiều hôm sau, tôi gọi thăm Mạ và gia đình ở Huế trước khi chuẩn bị ra phi trường. Chính tôi cũng không ngờ về khoảnh khắc từ giã của vợ và me tôi còn đớn đau hơn thế và cũng không ngăn được nước mắt.
    Phòng me lúc đó chừng 15:45 giờ, có bà U, Thu, Thủy (vợ Thắng). Mai bước vô thấy me đang nằm trên giường, tôi đứng bên cửa:
    -Con đi nghe me, Mai cúi xuống, khóc, nắm một bàn tay xoa xoa thì me ngồi dậy, khi Mai ôm me và khóc lớn hơn thì me không còn xưng hô cô hay chị như thường ngày nữa mà xưng con:
    -Con đừng khóc, ôi chao tội con tui, tội con tui, con đừng khóc!
    Mai quá bất ngờ và bàng hoàng khi hôm nay me mới nhận ra con gái nên quá xúc động càng khóc to hơn rồi quỳ xuống úp mặt trên đầu gối mẹ, bỗng nhiên me xốc nách kéo Mai lên vừa khóc vừa nói:
    -Con ngồi đây với me, con đừng bỏ me mà đi, đừng bỏ me, con đừng bỏ me!
    Nước mắt tôi nhạt nhòa khi thấy Mai ôm cứng me kêu gào thảm thiết. Sợ Mai quá xúc động có thể không tốt cho chuyến bay nên tôi đã cố gắng đưa Mai ra ngoài và an ủi: -Em à, được nghe me nói, được thấy me khóc là hạnh phúc lắm rồi, hy vọng thế nào rồi sẽ có ngày gặp lại...

NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, 24.04.2017