NSL, Palawan 1988
Ngay buổi chiều hôm đó
đã có 220 người nhập trại Tỵ nạn Palawan, là trại được thành lập từ năm 1979
thuộc thành phố biển Puerto Princesa, lúc này được biết là trại đang có chừng
3.000 thuyền nhân. Hôm sau chủ nhật nghỉ nên phải chờ đến sáng thứ hai 08.06, số
còn lại trên 200 người đã được đưa vào trại vào buổi sáng. Buổi chiều khám
sức khỏe, khai lý lịch và buổi tối được nhận mùng, xô, kem, xà phòng, nồi, khăn
rồi sau đó được nghỉ tại nhà khách. Cảm giác ngày đầu tiên là thấy mọi người cũ
và mới đều lạc quan, khi vào trại có rất nhiều người chào đón hỏi han và
giúp đỡ thân tình. Sáng hôm sau đi nhận nhà thì gặp Nguyễn Huy Thanh chung tàu
cũng về khu 4 ở nhà chị Trang, gồm có 6 người đều đến từ Nha Trang, đang chờ
phái đoàn Úc tiếp kiến. Trại có 12 khu, mỗi căn nhà lá có thêm tầng gác lửng
với diện tích bằng nửa căn nhà chính, mỗi hộ có thể ở được 10 người. Gần trưa
nghe được thông báo, nên tôi đã cùng một số người đi chung group lên Văn phòng Trung tâm ghi danh đi Tây Đức. Tuy mới đến nhưng chúng tôi đã được người đi
trước khuyên là bây giờ khó lắm, nếu mình không là lính tráng hay công chức chế
độ cũ hoặc không có thân nhân ở nước ngoài thì đừng chờ để chọn ‘nước ngon’ như
Mỹ, Úc, Canada…mà phải chụp ngay nếu có cơ hội như tuần này tàu Cap đến chẳng
hạn. Đôi khi kén chọn có thể khiến anh sẽ trở thành không phải là người trồng
cây…si mà là trồng dừa năm hoặc bảy năm, lỡ cả cuộc đời như đã có rất nhiều
người ở đây, chờ quá lâu nên đã lập gia đình, sinh con, mở tiệm tạp hóa hay bán
cà phê sống qua ngày. Buổi chiều ra phố với Thanh, Thông, Sơn, Nghị và Quý, tôi
có mang theo một chỉ vàng, bán để đánh điện tín và gởi thư về nhà. Không nhớ
hồi đó một chỉ vàng bán được bao nhiêu tiền, nhưng bức điện tín đánh về Sài gòn
trả 98 Pesos (5 dollars Mỹ).
Sáng sớm 10.06 qua quán gần nhà Thông uống cà phê để luôn tiện tiễn Quý, Hằng, Trang và Thảo đi Pháp theo dự tính là khoảng 3 giờ chiều. Mấy cô cháu gái để lại cho chú hai cái nồi. Trang và Thảo là chị em ruột, tuổi dưới 15, là con của vợ chồng anh chị đồng hương chủ tiệm vàng ở chợ Trương Minh Giảng. Chị đã tìm giúp đường dây uy tín và bảo đảm nên tôi đã giúp anh chị dẫn hai cháu gái theo cùng. Tôi khuyên hai cháu nên đi Pháp hoặc Đức vì cả ba chú cháu chẳng có ai ruột thịt ở nước ngoài để nhờ cậy được cả. Nay đưa các cháu đi, thấy mọi người chạy lui chạy tới lăng xăng nên mình cũng lo lắng chẳng biết những người có tên đi Pháp và những ai đã đăng ký đi Đức có đi chung hay không mà từ sáng đến giờ chẳng nghe thông báo? Buổi chiều nghe chuyến đi Pháp dời lại sáng mai nên những người chưa được gọi tên thì vẫn còn hy vọng.
Hôm sau Thanh thức dậy lúc 5 giờ để cùng anh Lý ra tàu Rose Schiaffino nghe ngóng tin tức nhưng chẳng có kết quả. Tôi cũng dậy sớm một mình ra ngồi đợi trước Văn Phòng Cao Ủy nhưng rồi cũng thất vọng nên đã cùng Thông, Sơn, Nghị uống cà phê giải sầu rồi sau đó cả nhóm rủ nhau ra cảng tiễn bạn bè và người quen lên đường. Tuy mới gặp nhau trên tàu hoặc có một vài người nhập trại mới biết nhưng kẻ ở người đi cũng thấy buồn buồn, nôn nao và nhớ nhà, không biết số phận mình rồi sẽ ra sao? Dịp này đã gặp lại một số người cùng nhóm nhưng được chia về các khu khác, trong đó có vợ chồng Hồng & Đỗ Hữu Hoài, một họa sĩ trẻ và hiền lành; cùng Trần Đăng Khoa, như một người em vui tính khi ba anh em kết thân và thường làm việc cùng nhau qua những công tác thiện nguyện trong cũng như ngoài trại.
Sáng sớm 10.06 qua quán gần nhà Thông uống cà phê để luôn tiện tiễn Quý, Hằng, Trang và Thảo đi Pháp theo dự tính là khoảng 3 giờ chiều. Mấy cô cháu gái để lại cho chú hai cái nồi. Trang và Thảo là chị em ruột, tuổi dưới 15, là con của vợ chồng anh chị đồng hương chủ tiệm vàng ở chợ Trương Minh Giảng. Chị đã tìm giúp đường dây uy tín và bảo đảm nên tôi đã giúp anh chị dẫn hai cháu gái theo cùng. Tôi khuyên hai cháu nên đi Pháp hoặc Đức vì cả ba chú cháu chẳng có ai ruột thịt ở nước ngoài để nhờ cậy được cả. Nay đưa các cháu đi, thấy mọi người chạy lui chạy tới lăng xăng nên mình cũng lo lắng chẳng biết những người có tên đi Pháp và những ai đã đăng ký đi Đức có đi chung hay không mà từ sáng đến giờ chẳng nghe thông báo? Buổi chiều nghe chuyến đi Pháp dời lại sáng mai nên những người chưa được gọi tên thì vẫn còn hy vọng.
Hôm sau Thanh thức dậy lúc 5 giờ để cùng anh Lý ra tàu Rose Schiaffino nghe ngóng tin tức nhưng chẳng có kết quả. Tôi cũng dậy sớm một mình ra ngồi đợi trước Văn Phòng Cao Ủy nhưng rồi cũng thất vọng nên đã cùng Thông, Sơn, Nghị uống cà phê giải sầu rồi sau đó cả nhóm rủ nhau ra cảng tiễn bạn bè và người quen lên đường. Tuy mới gặp nhau trên tàu hoặc có một vài người nhập trại mới biết nhưng kẻ ở người đi cũng thấy buồn buồn, nôn nao và nhớ nhà, không biết số phận mình rồi sẽ ra sao? Dịp này đã gặp lại một số người cùng nhóm nhưng được chia về các khu khác, trong đó có vợ chồng Hồng & Đỗ Hữu Hoài, một họa sĩ trẻ và hiền lành; cùng Trần Đăng Khoa, như một người em vui tính khi ba anh em kết thân và thường làm việc cùng nhau qua những công tác thiện nguyện trong cũng như ngoài trại.
Mấy hôm nay có tin Pháp
đang làm hồ sơ cho số thuyền nhân Cap, nghe đâu gần xong, mặc dù số người nhập
trại từ tàu Rose Schiaffino trong vài ngày gần đây đã nhận được vô số điện tín
của thân nhân cùng một nội dung ngắn gọn: đừng đi Pháp! Chiều hôm sau tôi và
Thanh cùng anh Lý gặp được bác sĩ Tuấn, chúng tôi trình bày muốn đi Tây Đức nên
bác sĩ đã ghi tên giúp nhưng không biết đến lúc nào mới được chấp thuận.
Sáng ngày 15.06 khai
giảng lớp Đức ngữ có chừng 10 người học giờ đầu tiên với thầy Ali, mang đến
niềm hy vọng cho một số người ghi tên. Những giờ đầu thấy khó nhưng học viên
quen dần và tỏ ra chăm chỉ thường xuyên đến lớp vì đa số đều trông chờ dù chẳng
có gì chắc chắn cả. Tuần cuối của tháng 6 có một ngày tổng vệ sinh khu 4, buổi
tối trại tổ chức dạ vũ, chiếu phim và văn nghệ do các em oanh vũ và một số đồng
bào tham dự, và đặc biệt có mục dancing có giải thưởng. Vài ngày sau được gọi
chích ngừa và khai lý lịch ở ban Kỷ luật, ra phố gởi thư, mua cà phê, tập bút
để học sinh ngữ, có rất nhiều thứ cần nhưng chưa thể mua được trong lúc này. Về
trại, biết là thư nhà chưa tới nhưng suốt cả tuần vẫn chờ và nghe ngóng, rồi
một ngày đầu tuần 22.06 đi với Hoài ra phố kẻ bảng hiệu cho ông Philippe để dựng
bộ phim về thuyền nhân Việt Nam. Ở trại thì anh em cho biết Văn phòng Cao Ủy
gọi bổ túc ngày sinh trong danh sách xin đi Đức cho những người có thân nhân.
Nếu xét theo diện này thì mình chẳng còn hy vọng vì không có ai bên đó cả. Suy
nghĩ như thế nên tôi không đi. Vậy mà cho đến sáng ngày 26.06 có giờ Đức ngữ
phải nghỉ học vì Văn phòng Cao Ủy gọi bổ túc lý lịch và điền form Đức. Thật là
mừng khi được biết có tên trong danh sách 10 người chính thức. Trên đường trở
về nhà vui buồn lẫn lộn rồi tự nhủ, nếu chờ đến hai hoặc ba tháng sau mới rời
trại thì cũng là may mắn lắm rồi. Buổi tối anh Lý, Thông, Sơn, Nghị nghe tin
nên qua thăm và chúc mừng. Đêm đó thức khuya để viết thư báo cho vợ và gia đình
biết tin vui.
Đầu tháng 7 lớp tiếng
Đức ít học viên hơn mọi khi vì có một số đã chuyển sang Mỹ, có em đã được chụp
hình làm mình cũng nô nức. Tuần sau ghi danh học lớp Anh ngữ rồi ra phố đi làm
với Hoài nhằm ngày 06.07, vậy là vừa đúng một tháng trôi qua ở Palawan. Cùng thời
gian này ai có tên chính thức thức đi Đức thì rất nóng lòng vì Văn phòng Cao ủy
im hơi lặng tiếng nhưng lại được gọi lên điền form lần thứ ba trong hai ngày 08
và 09.07 vừa qua. Ngày hôm sau lớp tiếng Anh khai giảng lúc 6:30 giờ sáng, phải
xin thầy về trước 10 phút để kịp giờ đi làm với Hoài và Khoa, đây là công việc
sơn lại những con tàu ở cảng, mỗi ngày được trả 40 Pesos (2 dollars Mỹ), lương
thường lãnh vào cuối tuần.
Cuối tháng 7 vẫn còn
việc làm, tuy cũng có những lúc mệt mỏi vì thường làm ngoài trời, nhưng mỗi
chiều trên đường về luôn hy vọng có thư nhà làm mình tươi tỉnh lẫn hồi hộp.
Niềm vui và xúc động trong nước mắt rồi cũng đến vào chiều 22.07, lần đầu tiên
nhận được thư vợ, Như, Bảo và Hồng sau 46 ngày nhập trại. Quá sung sướng vừa
đọc vừa khóc, tội nghiệp cho vợ con và gia đình. Thế mới biết phía bên trong
hàng rào của Trại tỵ nạn không có gì vui và sung sướng hơn bằng niềm vui thư
tín, đến nỗi câu: nhất định cư, nhì thư tín ai cũng thuộc lòng và có
không ít người khi đến ngày ra phi trường đi định cư vẫn còn quay đầu lại, nhắc
thật lớn:
-Nè, nhớ nhận thư dùm tui nghe cha nội !
Đếm ngược lại thời gian
thì hai tháng sau khi nhập trại là sôi nổi, lo âu, bận rộn và có nhiều vấn đề từ ăn ở và sinh hoạt, kê khai lý lịch, điền form nhiều lần, khám sức khỏe, học
sinh ngữ, làm thiện nguyện, thư tín, tiếp kiến cho đến chờ ngày rời trại là
những đề mục sốt dẻo nhất rồi cũng từ từ lắng dần vào những tháng sau đó. Vào
tháng 8 tôi đã liên lạc được người chị dâu ở California, chồng chị là anh em cô
cậu, Sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã qua đời ở Pleiku khi vừa ra khỏi
trại học tập cải tạo. Chị một mình đã mang được hai đứa con sang Mỹ và còn lại
hai cháu nghe nói là không kịp tàu nên còn ở Việt Nam, khi tôi đi thì giấy tờ
bảo lãnh các cháu vẫn chưa xong. Nhờ có chị cùng bạn bè giúp đỡ và đi làm nên
đời sống của tôi ở trại được ổn định, đồng thời dễ dàng hòa nhập vào sinh hoạt
của trại như tham gia công tác thiện nguyện, đi lễ chùa Vạn Đức, vào thư viện,
thường ngày đi tắm biển hay ngồi quán cà phê cùng anh em bạn bè là không thể
thiếu thì mới có đủ tinh thần và nghị lực để ‘trồng dừa cho đến ngày đơm hoa kết trái’. Thỉnh thoảng ra phố
gởi thư, xem phim rồi khi trở về trại, có lúc đi vào cổng chính thì mới thấy
được tên gọi của miền đất tạm dung này cũng nghèo khó như quê hương mình nhưng
tự do, với bảng hiệu: PFAC - Philippines First Asylum Center, bên trái là
Coffee Shop, bên phải là trạm gác của lính Phi và kế đó là một địa điểm rất nổi
tiếng mà hằng ngày đồng bào thường nghe trên loa phóng thanh để răn đe những
người không tôn trọng kỷ luật trại: Monkey House/Nhà Khỉ. Đi thẳng vào trong,
nếu là khách tham quan chắc sẽ có giây phút ngạc nhiên khi thấy trại có nhiều
cơ sở hội đoàn và tôn giáo như Chùa Vạn Đức, Nhà Thờ Tin Lành, Giáo hội Cao Đài
và Hòa Hảo, Nhà Thờ Nữ Vương Hòa Bình, cơ sở của CADP, Văn phòng Trung tâm cùng
Văn phòng Cao Ủy Tỵ nạn, Ban Truyền thông Văn hóa…và một sân rộng dùng cho sinh
hoạt chung, cũng là nơi chiếu phim giải trí cho đồng bào vào mỗi cuối tuần;
chưa kể đến Thư viện, trường Việt ngữ 1 & 2 và các ban ngành không xa khu
trung tâm là bao.
Họa sĩ Đỗ Hữu Hoài
(phải)
chụp
trước tác phẩm 'Vượt Sóng' vẽ xong ngày 05.11.1987
Giữa tháng 9 chị Trang
chiêu đãi để lên đường định cư còn tôi vẫn chưa có tin gì của chính phủ Đức.
Nay thì tôi không còn chờ nghe loa phóng thanh hằng ngày như thời gian trước
nữa, cũng như không buồn vì mình chẳng phải là người duy nhất trong trại cùng
hoàn cảnh, tờ khai lý lịch thì thuộc thành phần tứ cố vô thân nên chẳng có gì
phải than thân trách phận, mỗi ngày vẫn như mọi ngày yên tâm đi học. Rồi có
một buổi sáng vào ngày 7.10, ông Cao Ủy Trưởng Jan Top chở Hoài và tôi ra phố
mua đồ vẽ như sơn, cọ, màu và đầy đủ dụng cụ cho người họa sĩ thực hiện những
bức tranh tường trong trại. Và ngay ngày hôm đó chúng tôi liền bắt tay vào
việc, Hoài là người họa sĩ rất tận tâm với nghề nghiệp, còn tôi vừa phụ vừa học
việc theo sự chỉ dẫn của Hoài. Hai anh em cặm cụi làm việc suốt 5 tháng, sau
lưng thì có Hồng lo chuyện bếp núc và đặc biệt hơn nữa, Hồng là một người có
tài nội trợ, nấu ăn rất ngon; biết làm nhiều loại bánh ngọt, bánh tây, bánh
sinh nhật…và ly cà phê của Hồng mà được thưởng thức với điếu thuốc Hope thì
thơm ngon vô cùng! Đến ngày 06.03.1988 bức tranh thứ 6 hoàn thành, và cũng là
bức cuối cùng để ngày mai gia đình Hoài & Hồng được tiếp kiến phái đoàn
Canada. Không lâu sau đó ông Jan Top đã mời chúng tôi một bữa ăn tối ngoài phố.
Đến tháng 11, khi trường
Việt Ngữ 2 sắp khai giảng thì tôi nhận được lời mời cộng tác từ các anh trong
Hội Ái hữu Cựu Quân Nhân QLVNCH tại trại Palawan. Được biết sau một thời gian
vận động với sự giúp đỡ của Sister Pascale Lê Thị Trìu, giám đốc trung tâm
CADP; ông Cao Ủy Trưởng Jan Top Christensen, Sister Hiệu trưởng trường HTC nên
Hội Đồng Đại Diện nhiệm kỳ 24 đã ra quyết định ủy nhiệm cho Hội Ái hữu Cựu Quân Nhân phụ
trách thành lập Trường, có tên gọi là Trường Việt Ngữ 2 với vị Hiệu trưởng đầu
tiên là Giáo sư Ngô Công Minh. Khóa 1 được khai giảng vào ngày 7.11.1987 với
thành phần giảng dạy có 28 vị, đa số tốt nghiệp đại học đủ các ngành: toán, lý,
hóa, sư phạm, kỹ thuật, luật và văn chương với 200 học sinh ghi danh lúc ban
đầu từ lớp 7 đến lớp 12 và sĩ số tăng lên rất nhanh cho đến ngày mãn khóa
27.06.1988 thì có 9 lớp với 432 học sinh, tôi dạy môn Văn lớp 8A. Đến khóa 2, được khai giảng vào ngày
15.07.1988, Gs Trần Thế Trình nguyên là hiệu phó trong khóa 1 lên thay Gs Ngô
Công Minh đi định cư, người anh kết nghĩa Trương Quang Tá giữ chức Hiệu phó, có
số học sinh ghi danh kỷ lục: 967 em với 13 lớp, từ lớp 6 đến 12. Khóa này thiếu
thầy nên tôi đã phụ trách 4 lớp: 7, 7A, 9 và 9A cho đến ngày đi định cư vào
tháng 12.1988.
Nhân nói về trường Việt
ngữ 2, tôi xin được có đôi dòng nhắc lại một chút kỷ niệm là sau khi tới Áo,
đang ở trong trại tỵ nạn Thalham (cách Salzburg 50 km) chưa được ba tháng thì
ngày 08.03.1989 nhận được Đặc san Về Nguồn Xuân Kỷ Tỵ do Trường Việt ngữ 2
Palawan ấn hành gởi tặng. Nội dung thật phong phú gồm những bài Nhận Định, Biên
khảo và những sáng tác văn nghệ của đồng nghiệp, riêng tôi thật không ngờ cũng
có đóng góp ba bài thơ mà trước khi rời trại, tôi đã viết để tặng ban Truyền
thông Văn hóa. Vui và cảm động hơn nữa là những lời thăm hỏi được viết trên
trang sau cùng của tờ báo: ‘Có lẽ khi đặc san này tới tay anh là Trang đã có
mặt tại Bataan, chúc mọi may mắn cho chúng ta và cho tất cả đồng nghiệp của
mình. Hy vọng sẽ biết tin tức của anh sau này’ (Nguyễn thị Kim Trang). ‘Đã
nhận thư Long và bắt đầu ngay việc lập danh sách CQN xin Hội Úc giúp đỡ. Tôi đã
viết thư dài cho Long, chúc Long vui mạnh, sáng tác thật nhiều thơ tình nhé ’(Nguyễn
Cư). ‘Đã nhận được Carte postale của Long nhưng chưa trả lời được, mong Long
thông cảm. Đôi lúc nghe ‘Vài phút tâm tình’ và nhất là được nghe bài của Long
đọc trên TTVH tôi rất cảm động. Chúc Long thành công và hy vọng được nghe những
bài thơ tình của Long nữa tại Mỹ ’ (Trần Thế Trình).
Cho đến Tết dương lịch
1988 thì tôi ở trại đã được 7 tháng, nếu không tính thời gian đi làm với Hoài
và Khoa ngoài phố và cảng mấy tháng hè thì hiện nay tôi có 2 Jobs: đi vẽ với
Hoài từ 7.10 và dạy ở trường Việt Ngữ 2 từ ngày 7.11. Tôi nghĩ vậy là vừa đủ
thời gian vừa học tiếng Anh và lớp Đánh máy chữ nữa. Nhưng rồi một hôm nhận
được lời mời của Văn phòng Trung tâm trên loa phóng thanh nên tôi đã đến gặp
hai anh Vân Hiệp Vân và Nguyễn Tấn Hoan, đều là cựu Sĩ quan cấp Tá Quân Lực
Việt Nam Cộng Hòa, hiện là Chủ tịch Hội Đồng Đại Diện trại, đề nghị tôi đảm trách
công tác Giám sát lương thực. Đây là chuyện hơi bất ngờ nên đã xin hai anh cho
vài hôm để suy nghĩ.
Ngày tôi đến nhận việc ở
ban Lương thực là 23.01, và chỉ bốn tuần sau đó vào cuối tháng 2.1988 tôi lại
đến Văn phòng Trung tâm một lần nữa và gặp anh Vân Hiệp Vân. Anh đã hết sức bất
ngờ khi biết tôi đến thăm để xin thôi việc, anh đã đồng ý khi nghe tôi nói là
công việc này đối với tôi không thích hợp, và tôi sẽ sẵn sàng nhận lãnh công
tác khác khi các anh cần. Không lâu sau đó, từ những ngày đầu tháng 3.1988, sau
khi đã hoàn tất bức vẽ cuối cùng với Hoài, tôi chỉ còn dạy ở trường Việt ngữ 2,
nên đã được Văn phòng Trung tâm bổ nhiệm phụ trách ban Truyền thông Văn hóa của
nhiệm kỳ 26 sẽ bắt đầu từ tháng 6.1988. Ngày tôi đến ‘ra mắt’ để nhận công tác
mới ở ban TTVH, nhằm vào một buổi tối sau khi đi dạy về khoảng 8 giờ, có chừng
25 em đến tham dự tại Văn phòng ở trên lầu, nữ nhiều hơn nam tuổi từ 17 đến 25,
trẻ trung, vui tính và thân mật. Có em còn nói: -Anh nói tiếng Huế nghe dễ thương và mắc cười quá! Kết quả của buổi họp mặt là sự xác định vai
trò và trách nhiệm của ban TTVH không phải chỉ là nơi nhận và đọc thông báo cho
các ban ngành, mời đồng bào đến Văn phòng Cao Ủy để tiếp kiến hay đi khám sức
khỏe...mà phải sử dụng hệ thống phát thanh như là một phương tiện để võ trang
cho đồng bào một tinh thần quang phục quê hương, cổ động sinh hoạt cộng đồng và
nối lại tình tự dân tộc qua lịch sử và văn học nghệ thuật...Thế nên ngay trong
những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ 26, một chương trình mới được lấy tên
là Vài Phút Tâm Tình, đã được phát đi lúc 21:10 giờ, mỗi tuần 5 ngày, để gởi
đến đồng bào những tình cảm quê hương qua thơ văn, truyện ngắn, danh lam thắng
cảnh, di tích lịch sử, thiếu nhi, chuyện bốn phương...bên cạnh các chương trình
đã có sẵn từ các nhiệm kỳ trước như Tiếng Vọng Quê Hương, Tin Việt Nam và Thế
Giới và chương trình Phát Thanh Anh Ngữ. Ngoài ra đã có một tiểu ban nhanh
chóng liên hệ với các tòa soạn và sách báo nước ngoài, các trung tâm phát hành
nhạc để xin yểm trợ, ngõ hầu có thêm tài liệu thực hiện chương trình ngày càng
phong phú hơn.
Ông Cao Ủy Trưởng Jan Top & Trung Tá Fernandez
chúc mừng HĐĐD nhiệm kỳ 26 trong buổi lễ ra mắt
Trong thời gian này, khi đang cùng với ban TTVH soạn thảo và thực hiện các chương trình cùng chủ đề mới, tôi đã được đăng ký đi Áo như là một dịp may thứ hai để một lần nữa chờ đợi cùng với một số thuyền nhân Cap Anamur 3 đã được đăng ký đi Đức nhưng không có may mắn trong năm vừa qua, để vài tháng sau đó mới có dịp nhìn lại mình khi biết về trường hợp của Group 159 người, xuất phát từ Vạn Giả đã được tàu Sonne vớt và nhập trại vào ngày 02.09.1988 vẫn-còn-đường để đến Tây Đức theo như thông báo của Ông Cao ủy Trưởng Jan Top vào ngày 19.09.1988: ‘Gần đây tôi đã thông báo cho các đồng bào rằng chỉ có những đồng bào nào có thân nhân tại Tây Đức mới được chính thức đệ trình đến quốc gia này mà thôi. Điều này hiện nay không còn đúng nữa, ngày hôm nay tôi vừa mới nhận được tin tức cho biết rằng chính phủ Tây Đức vừa đưa ra một sự bảo đảm đặc biệt dành cho tất cả đồng bào gồm 159 người đã được tàu Sonne vớt. Do vậy, tất cả các đồng bào thuộc tàu này dù có hay không có thân nhân ở Tây Đức cũng có thể đi định cư tại Tây Đức. Vào tuần tới Văn phòng Cao Ủy sẽ cho gọi tất cả các đồng bào thuộc group 159 Sonne để cho số PA và cho ghi danh’. Điều này được hiểu là số người thuộc tàu Cap Anamur 3 đã được đăng ký hơn một năm qua có thể đã bị bỏ quên và chắc chắn sẽ không còn cơ hội đi Đức nữa như mong đợi.
Nhìn lại những tháng
cuối cùng của năm 1988, bên cạnh các chương trình có tính cách thường xuyên, ban TTVH cũng đã thực hiện các
chương trình đặc biệt với các chủ đề Những Nẻo Đường Đất Nước, với mục đích đưa
đồng bào trở về thăm quê nhà từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, chương trình Kỷ
Niệm 43 Năm Ngày Thành Lập Liên Hiệp Quốc, chương trình Vinh Danh Người Lính
Việt Nam Cộng Hòa và cuối cùng là thực hiện Đặc San Sóng, ấn bản tháng 11.1988
vừa xong thì đầu tháng 12.1988 tôi có tin là đã được chính phủ Áo chấp thuận
cho định cư cùng với 4 thuyền nhân khác cũng thuộc Cap Anamur 3.
Hai anh Nguyễn Tấn Hoan & Trương Quang Tá
chụp
chung với Ban
Truyền Thông Văn Hóa
ở phi trường Puerto Princesa
Khoảng 10 giờ sáng ngày
14.12.1988, tôi hết sức cảm động khi gặp anh Nguyễn Tấn Hoan và Trương Quang Tá
cùng các em trong ban TTVH đã có mặt ở phi trường Puerto Princesa để tiễn tôi
lên đường định cư, điều mà bất kỳ ai vừa mới nhập trại tỵ nạn cũng đều mơ ước
sẽ sớm có ngày như hôm nay. Vậy là đã 19 tháng trôi qua với biết bao lo âu,
buồn vui của một người tỵ nạn không biết tương lai sẽ về đâu, nhưng với sự bình
tâm kiên nhẫn, học tập và làm việc cho dù không gian của trại tỵ nạn có hạn hẹp
thì cuối cùng ít nhiều cũng đã thực hiện được ước mơ hay hoài bão của mình
trong môi trường mới. Riêng tại ban TTVH, dù chưa đầy 7 tháng cùng sinh hoạt
chung, có em tuy chưa đến tuổi trưởng thành nhưng trong công việc đã thể hiện
được tinh thần trách nhiệm, đề cao sự đoàn kết, thương yêu và đùm bọc lẫn nhau
như anh em và bố con dưới một mái nhà. Và đó cũng là bản chất của ban Truyền
thông Văn hóa nhiệm kỳ 26 năm 1988.
Cho đến hôm nay, tôi vẫn
còn giữ được hình ảnh của các em trong trí nhớ kể từ khi chia tay ở phi trường
Puerto Princesa và mất liên lạc không lâu sau đó. Ngày ấy và bây giờ biết bao
nhiêu đổi thay nhưng nét trẻ trung pha lẫn hồn nhiên của tuổi thanh xuân khó mà
phai nhạt trong lòng người của hầu hết các cộng sự viên ban Truyền thông Văn
hóa thuở đó: Thanh Liên, Thanh Yến, Ánh
Tuyết, Bích Hồng, Diệu My, Thu Phương, Trần Thị Nha, Diễm Quỳnh, Kim Thanh,
Bích Vân, Hồng Vân, Hồng Sơn, Trường Cửu, Thượng Hải, Tấn Huy, Hoàng Long,
Thanh Phong, Quang Phụng, Khắc Thiện, Trí Toàn, Miêng Tồn, Hữu Tuệ, Quốc Toản
cho đến các em thường xưng bố với con là Bích Huệ, Xuân Hoa và đặc biệt cô học
trò Nhã Lan, tuổi vừa 13.
Hôm nay viết về Palawan,
ghi lại đôi dòng ký ức như là để nhớ đến một nơi chốn đầu tiên kể từ ngày xa
lìa quê hương, đuợc đặt chân lên miền đất hiền hòa, bát ngát biển xanh cùng
tiếng sóng đêm đêm vỗ về ngập hồn kẻ tha phương, dù đã 30 năm như vẫn còn vương
vấn đâu đây:
Vẫn nghe sóng vỗ từ bên ấy
Dù có bao năm tình vẫn đầy
Vẫn nghe mằn mặn từ trong biển
Có nước mắt em đợi tháng ngày...
Nước mắt của em và của các con ngày đó nào có khác chi nước mắt của bố bây chừ. Ôi trời cao biển rộng biết phương mô mà tìm…một đàn con lưu lạc ?!
Vẫn nghe sóng vỗ từ bên ấy
Dù có bao năm tình vẫn đầy
Vẫn nghe mằn mặn từ trong biển
Có nước mắt em đợi tháng ngày...
Nước mắt của em và của các con ngày đó nào có khác chi nước mắt của bố bây chừ. Ôi trời cao biển rộng biết phương mô mà tìm…một đàn con lưu lạc ?!
NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, 12.05.2017