Samstag, 21. April 2018

ĐƯỜNG VỀ CÕI PHÚC*


    Vợ tôi vắng nhà vào cuối tháng 3, nên chỉ một mình tôi đi Linz hôm 08.04 để tham dự ngày Cúng tuần lần thứ ba cho Tang lễ anh Vũ Văn Tiều, qua đời vào ngày 18.03.2018 tại bệnh viện Linz. Đây là lần thứ năm tôi đến thăm nhà vợ chồng Loan chỉ trong vòng sáu tuần. Lần đầu tiên vào hôm 26.02 trên đường về Salzburg từ Wien đã ghé qua Linz, một thành phố rất quen thuộc từ ba mươi năm trước, khi rời trại Tỵ nạn Thalham vào cuối tháng 3.1989 tôi đã được anh Vũ Văn Hùng đón về ở chung, vừa được nửa tháng thì hãng đóng cửa mất việc làm nên dọn về Salzburg ở với Loan cùng ba cựu thuyền nhân Palawan một thời gian. Loan và tôi ở cùng trại Palawan nhưng đến Áo trước vào năm 1987. Khi Loan dọn về Linz sau ngày thành hôn với chú rể Vũ Văn Tiều, hai gia đình chúng tôi tuy ít gặp nhưng vẫn giữ mối giao tình rất tốt cho đến nay, nhờ vậy mà tôi biết Tiều là một người dễ mến, rất tình nghĩa với bạn bè và rộng rãi trong giao tiếp. Tiều sinh năm 1960, đến Áo năm 1989 cùng với em gái. Lần gặp gần nhất là trong dịp lễ Phật Đản ở chùa Pháp Tạng, Wien vào tháng 5.2017, bởi vậy khi ghé thăm lần này tôi đã quá bất ngờ và sửng sốt vì chưa tròn một năm mà Tiều lại suy sụp nhanh như thế! Gặp lại vợ chồng tôi Tiều mừng lắm, vẫn nhiệt tình như thuở nào nhưng sức lực thì đáng lo ngại chứ không phải chuyện buồn vui nữa. Vợ mang ra nửa chén cháo nhưng chồng chỉ húp được hai muỗng rồi thôi. Thuốc lá và chè xanh như là người bạn đời mấy chục năm qua nhưng cũng đành từ bỏ sau lần giải phẫu cắt hết bao tử vào tháng 11.2015, sau một thời gian không mong đợi là biến chứng làm suy thận, phải phẫu thuật nội soi để đưa đường nước ra ngoài. Thấy anh đi lại tuy chậm rãi với hai ống dây ngang lưng nhưng vẫn còn lên xuống cầu thang mà không cần các con giúp đỡ. 

       
    Vợ chồng chúng tôi ở lại dùng cơm thì mới thấy cô em Loan ngày nay giỏi hơn ngày xưa rất nhiều về việc bếp núc, thế mới đúng với câu nói của nhân gian mà Loan mượn để ví von:‘Trăng khuyết rồi trăng lại tròn chứ anh!’ Chúng tôi rất vui khi gặp lại hai cháu Tina 17 và Selina tuổi 13 vừa đi học về, xinh đẹp và lễ phép. Nhớ vào năm 2009 Loan Tiều mời chúng tôi sang London chơi một tuần có Alain đi theo, nên nay Tina vẫn còn nhớ hai bác và anh Alain lần đó, còn Selina thì gần mười năm trước còn nhỏ nên đã quên, dù vậy các cháu vẫn ngồi lại nói chuyện với hai bác rất thân thiện. Con lớn của Loan Tiều là Sarah 20 tuổi đang học ở Wien, em kế là Bảo 18 tuổi đang học nghề điện, tiếp theo là Tina và Selina như vừa nhắc ở trên. Ghé thăm lần này chú Tiều ngồi lâu nhưng không thấy mệt, trong câu chuyện tôi tìm cách trấn an người bệnh khi nhắc đến nền y học tân tiến, chỉ là vấn đề thời gian kiên nhẫn chữa trị mà thôi. Có nỗi buồn nào hơn khi người bệnh vừa cười vừa nói đùa một câu xa xôi: ‘chú Tiều nay lên bờ xuống ruộng rồi thì đâu có làm gì được nữa…’ Mà thật là đúng như vậy vì chỉ chừng mười ngày sau đó vào hôm 08.03 cũng trên đường từ Wien về ghé thăm thì thấy chú Tiều yếu hơn lần trước, chỉ ngồi được một lúc rồi phải nằm ở băng ghế cạnh bàn ăn, mệt mỏi nhưng thỉnh thoảng cũng góp chuyện và cho tôi biết là ngày thứ hai tới sẽ nhập viện trở lại. Khi đứng dậy chào về, tôi vỗ nhẹ trên vai Tiều như thể hiện sự thân thiết anh em và rồi thêm một lần bất ngờ nữa nhưng không dám nói khi cầm một cánh tay của người bệnh, vì trong nắm tay tôi lúc ấy chỉ có da bọc lấy xương !
    Đến vài ngày sau thì được tin Loan báo cho biết là ông xã đã được nằm lại bệnh viện. Tôi rất mừng vì nghĩ rằng ở đó sẽ được chăm sóc, ăn uống và thuốc men chắc tốt hơn ở nhà. Đâu ngờ chỉ vài ngày sau vào chiều thứ sáu, khi Sarah mang tin vui từ Wien về là đã thi đậu bằng Zahntechnik thì vào hôm sau thứ bảy chính là buổi họp mặt cuối cùng ở bệnh viện tuy không ai triệu tập nhưng có đông con cháu và bạn bè viếng thăm thì Loan mới được Tiều báo một tin rất quan trọng nhưng đã quá trễ: ‘giờ mắt anh nhòa không rõ nữa rồi…chỉ thấy thằng Bảo thôi vì nó cao’. Loan nghĩ bụng chắc mắt đã có vấn đề mấy ngày nay rồi nhưng sao không nói? Vậy mà khi nghe tin con thi đậu, bố Tiều vui mừng khi nhiều lần hối thúc vợ dẫn các con đi ăn. Niềm vui và sung sướng ấy của người cha với bốn đứa con còn thơ dại cũng là lúc nỗi đau đớn tận đáy lòng bởi biết mình sắp vĩnh viễn ra đi khi đôi mắt đã mờ dần ngay trong buổi tối hôm đó. Tiều đã cố gắng chịu đựng một mình nên không muốn vợ ở lại bệnh viện vì vậy Loan đã không nghe được một lời trăn trối nào của chồng cho đến khi từ giã cõi đời vào lúc 1:10 giờ sáng 18.03.2018. Ở Salzburg sáng hôm đó tôi dậy sớm như thường lệ nên khi thấy số của Loan gọi lúc 6:20 giờ là biết có chuyện chẳng lành. Đúng vậy, Loan đang khóc bên kia đường dây. Vợ tôi vội vàng gọi cho Thu Tâm và ba người chúng tôi đã đến bệnh viện Linz lúc 10:15 giờ.
    Nhờ sự hướng dẫn của Kỳ nên chúng tôi đã tìm ra phòng. Được biết cô Rung, Kỳ và Minh đã có mặt ở bệnh viện lúc 7 giờ sáng, khi chúng tôi vào đến hành lang thì đã thấy có nhiều người đứng bên ngoài. Bên trong phòng rộng chỉ có một giường, năm mẹ con Loan cùng mẹ con và cháu cô Lời, anh Châu đang có mặt trong thời khắc đau buồn tiếc thương đó. Nhìn các cháu khóc trong cơn xúc động mấy ai cầm được nước mắt khi thấy Bảo, tay thì ôm vai mẹ an ủi nhưng mắt thì không rời bố đang nằm bất động trên giường, các em vừa khóc vừa thay nhau bóp đôi bàn tay vẫn còn mềm mại và ấm áp, đặc biệt những ngón tay dài buông xuôi như bỏ lại cho thế gian để về cõi khác. Thật là một thước phim không dàn dựng nhưng xoáy tận tâm can và cũng chẳng phải ghi hình nhưng chắc vẫn còn nhớ mãi. Sau đó hai chị em Loan và Lời thoa dầu cho chồng cho anh rồi gia đình mang đồ liệm để trong phòng theo sự chỉ dẫn của nhân viên trực trước khi mọi người về nhà lúc 12 giờ theo quy định của bệnh viện.
    Tôi về nhà Loan với một số bà con để cùng với Châu, Kỳ và Minh dựng bàn thờ, các cháu thì lo tìm khung và ảnh, quý bà thì ngoài vợ tôi và Thu Tâm còn có Phượng, Hà trong bếp. Đến chiều tối có thêm bạn bè tới thăm, trong số đó vợ chồng cô Rung Tý, Yến Cự, Lộc Chinh, Sĩ Nô, chú Tư và một người được chờ đợi nhất vào chiều tối hôm đó là cô Oanh, đã được anh Trọng chở đến. Nhờ vậy mà đã có thời kinh do cô Oanh chủ trì được bắt đầu lúc 18:30 giờ. Đó là một ngày mất mát và buồn đau cho gia đình và bè bạn nhưng tất cả mọi việc đều suôn sẻ như ý. Chúng tôi về đến Salzburg khoảng 22 giờ.
    Đúng một tuần sau, không như những ngày giữa tuần mưa và tuyết rơi, vào buổi sớm mai thứ bảy 24.03 trời có nắng đẹp khi 7:15 giờ vợ chồng tôi và Thu Tâm đã lên xe để một lần nữa trở lại Linz tiễn đưa một người em, người bạn, người đồng hương về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Friedhof Ebelsberg vào lúc 11 giờ trưa. 


    Chúng tôi cùng đại gia đình Tang lễ đến nghĩa trang lúc 9:30 giờ, ở Nhà Quàn đã có một số bạn hữu đến rồi, trong số này có vợ chồng Dũng và Cảnh Thê là chỗ thân tình xưa nay, cùng một số anh chị em đang trang hoàng bàn cúng, hoa trái, nhang đèn và cho đến 10:10 giờ gia đình Tang lễ tiếp bà con đến thăm viếng, thắp nhang và chia buồn. Sau đó, vào lúc 11:10 giờ, Đại Đức Thích Viên Duy, trụ trì chùa Pháp Tạng, Wien đã cùng với Ban Hộ Niệm Linz cử hành lễ Cầu Siêu cho hương linh và đông đảo thân nhân, Phật tử, bạn hữu cũng thành tâm góp lời cầu nguyện cho người quá cố sớm được vãng sanh miền Cực Lạc. Đến 11:50 giờ, Tang gia đọc Lời Cảm tạ và  sau Lễ hạ huyệt lúc 12:00 giờ, bà con lần lượt đến trước mộ phần vái chào tiễn biệt – một xẻng đất, một cành hoa cho người quá cố an giấc ngàn thu. 
    Sau đó khoảng 12:30 giờ, ba cô Mai, Kim Phượng, Loan và các con cùng đh. Lê Tuấn đưa Thầy về nhà Tang chủ làm lễ Xả tang theo yêu cầu của gia quyến.
    Chi tiết vài phút cuối khi đoàn Tang lễ ra nghĩa trang ở phía trước, những ngôi mộ rất gọn về kích thước, đẹp về xây dựng và hài hòa từ vật liệu cho đến màu sắc nên trông rất yên lành và dễ chịu cho hơn 120 khách tham dự, nhiều hơn dự đoán vì có một số vị chưa được gặp bao giờ. Khi quan tài được bốn người khiêng trong từng bước chắc chắn và trang trọng rồi được đặt một bên huyệt mộ, người tiễn đưa đã chọn cho mình một vị trí rồi cùng hướng mắt về nhịp mõ lời kinh hòa trong tiếng khóc của những vành khăn tang mà đa số là những mái đầu xanh trẻ dại với những tiếng nấc nghẹn ngào như báo hiệu giờ phút tiễn biệt đã gần kề rồi chẳng bao giờ gặp lại. Trong số những vị khách từ xa đến, ở Salzburg ngoài vợ chồng tôi và Thu Tâm còn có Chính Nga, Thúy và Phượng. Ở Wien xuống có Lê Tuấn và Kim Phượng cùng đi với Thầy, một người quen tên Tuấn nữa, Hòa và cô Rơi. Ở Linz gần nhất xin nhắc đến bốn gia đình xóm giềng người địa phương. Tôi ở Linz chưa tròn hai tháng trong năm 1989 nhưng cho đến nay vẫn còn giữ liên lạc với các gđ. Cảnh Thê, Võ Ngọc Dũng cùng các em ‘mới lớn’ nhưng rất rất giỏi giang và nhiệt tình đó là Kỳ Phượng, Minh Hà và Sĩ Nô. Tiếp đến là nhóm thân hữu mà tôi vẫn thường gặp trong các chương trình văn nghệ: Vàng Dung, Thu Lộc, vợ chồng Ánh, Hiển Trọng. Dịp này biết thêm anh Lan cùng các cô chú Tư, Yến Cự, Rung Tý, Lộc Chinh và Linh, trước đây cũng là người quen khá lâu ở Salzburg cùng Ban Hộ Niệm trong ngày Cúng tuần hôm 08.04.2018.


    Trở lại với Friedhof Ebelsberg vào những phút cuối cùng. Nếu không tính những thành viên trong gia đình thì Võ Ngọc Dũng và anh Nghĩa (hai anh đều chụp hình) là người cuối rời nghĩa trang, lúc đó là 12:50 giờ. Trong lúc chụp cho các cháu những tấm ảnh sau cùng thì có Minh Hà chờ để dẫn tôi đến Restaurant Wok Grill, nơi mà gia đình Tang lễ mời tất cả bà con đến nghỉ chân và dùng bữa cơm thân mật trước khi về nhà, tôi còn được biết thêm là Bố Mẹ Minh cũng được an nghỉ nơi đây.
    Tính từ buổi sáng đầu tiên ở bệnh viện hôm 18.03 cho đến khi kết thúc vào chiều 24.03.2018, đã có rất nhiều vấn đề được giải quyết mà phần nhiều nhờ các em các cháu và bạn bè giúp sức nên trong lúc Tang gia bối rối dù mọi việc đều tốt đẹp nhưng chắc sẽ không tránh được thiếu sót, xin bà con xa gần rộng lòng thông cảm và niệm tình tha thứ cho. 
    Chúng ta có thể kiểm chứng ở bệnh viện thì nhân viên trực hôm đó chủ nhật rất lịch sự dù khách đến thăm viếng rất đông, sẵn sàng giúp đỡ mọi việc khi có yêu cầu, vui vẻ và nhã nhặn cho đến phút cuối mọi người rời bệnh viện lúc 12 giờ trưa. Về An táng: cùng thời điểm đó ở Salzburg cũng có Tang lễ nhưng phải mất ba tuần chờ đợi mới có hẹn trong lúc ở Linz chỉ đúng một tuần, lại gặp ngày thứ bảy trời nắng ráo và người đến tiễn đưa rất đông. Địa điểm An táng: Tôi nghĩ không có nơi nào đẹp và tốt hơn Friedhof  Ebelsberg: có tầm nhìn thoáng đẹp từ mọi phía, cách nhà chỉ 3 km, việc thăm viếng thuận lợi như đi dạo ở công viên; đường lớn, từ chỗ đậu xe vào đến mộ vừa tròn hai phút. Về Hộ Niệm: Ở một thành phố đông người Việt, tuy chưa có một đạo tràng chính thức nhưng cô Oanh, một Phật tử ở Linz đã nhanh chóng lập một Ban Hộ Niệm mà không ai khác hơn chính là những người trong gia đình và bạn hữu thường đến thăm viếng và kinh tụng vào mỗi chiều tối, trước khi hương linh được Thầy, vợ con, gia đình, bạn hữu xa gần và xóm giềng tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng thì không phải ai cũng có được. Tiễn đưa anh lại thêm phần bùi ngùi xúc động trong nước mắt, nhưng vợ con anh, gia đình anh, bạn bè anh đã rất mãn nguyện khi giờ đây anh đang thong dong giữa trời cao mây trắng trên Đường Về Cõi Phúc.

NGUYỄN SĨ LONG
19.04.2018
*Những câu chuyện về Tang lễ thường mang đến nỗi buồn, xem hình ảnh chắc sẽ làm buồn 
thêm. Người viết xin thay vào đó một vài loại Pháp khí Phật Giáo, là những dụng cụ để thực 
hành các loại Pháp sự, để dâng cúng lên chư Phật hoặc làm trang nghiêm Đạo tràng hay làm
dụng cụ trợ ích trong tu tập. Có thể kể một số Pháp khí như chuông, mõ, tràng hạt...
(Nguồn: Pháp Duyên Shop, //phapduyen.com/phapkhi)

Samstag, 14. April 2018

BÂNG KHUÂNG

  Đường Phượng bay (Thành Nội Huế)

Bâng khuâng nhớ lũy tre làng
Đàn trâu thong thả chiều tàn trên sông
Quanh năm lúa trổ đầy đồng
Đò qua bến chợ má hồng cô thôn.

Bâng khuâng tiếng cối dập dồn
Câu hò giã gạo giữa vườn trăng lên
Những ngày tuổi nhỏ nôi êm
À ơi…con ngủ mẹ hiền hái rau.

Bâng khuâng nhớ dáng cây cầu
Bèo trôi lơ lửng ngồi câu cá về
Nắng vàng qua những bờ đê
Cò bay trắng cả làng quê thanh bình.

Bâng khuâng hàng phượng rung rinh
Ép hoa trang vở tỏ tình vu vơ
Thương em chiếc nón bài thơ
Lụa nghiêng tà áo dài bờ tóc bay.

Bâng khuâng nhớ dáng ai gầy
Năm xưa e thẹn bàn tay rút về
Đường xưa inh ỏi tiếng ve
Hè sang đi dưới hàng me trĩu cành.

Bâng khuâng nhớ những đêm thanh
Tiếng chuông ngân giữa mênh mang đất trời
Bâng khuâng nhớ bước vào đời
Quê hương khói lửa lòng người héo hon.

Bao năm thao thức mỏi mòn
Lối về Quê Mẹ vẫn còn mù khơi
Người đi cách biệt phương trời
Làm sao nói hết cuộc đời ly hương !

NGUYỄN SĨ LONG

Samstag, 7. April 2018

HAI MƯƠI NĂM MỘT MÁI TRƯỜNG

 
Universität Wien

    Vào những ngày cuối tháng 1.2018, gia đình chúng tôi có một tin thật vui, nếu như tin này đến chừng hai năm trước thì chắc tôi sẽ không chậm một giây phút nào để gọi về báo cho mẹ tôi ở bên nhà chia vui cùng con cháu. Bây giờ mẹ không còn khỏe như trước đây, nghe và nói khó khăn hơn vì suốt ngày này cho đến tháng khác, ít có người để chuyện trò thăm hỏi nên có lúc tưởng mẹ như vừa điếc lại vừa câm. Bởi vậy nếu thời gian này, việc mẹ quên con cháu ở xa và nhất là cô cháu gái mà mẹ thường hay hỏi thăm về việc học khi mô xong thì cũng là bình thường. Dù vậy tôi vẫn còn chút an ủi với niềm vui khi nghĩ về mẹ mình ở tuổi xế chiều mà vẫn còn nhớ đến chuyện học hành của các cháu thì rõ ràng có thương yêu thì mới có lo lắng và hỏi han. Người được bà nội thường thăm hỏi chính là Chân Như, là cô cháu gái mà khi 12 tuổi đã cùng mẹ và em gái Kiều Nam 8 tuổi về Huế thăm gia đình bên nội trước khi ba mẹ con sang Áo vào tháng 2 năm 1991.
    Nhớ trong thời gian vợ con mới qua có rất nhiều việc để làm như các thủ tục về cư trú, trường học, phương tiện đi lại...Quan trọng nhất khi vào giữa tháng 3.1991 hai chị em được hai trường Hauptschule Taxham và Volksschule Liefering 2 nhận vào học. Hơn ba năm sau, ngày 13.09.1994 Kiều Nam khai giảng lớp 1b Hauptschule Lehen, còn Chân Như thì ngày 14.09.1994 ghi danh vào trường  Bundeshandelsakademie II với chương trình học 5 năm và đã hoàn tất Tú tài vào ngày 22.06.1999. Trong thời gian này nhờ có sự hướng dẫn và giúp đỡ của anh Lê Tuấn nên đầu tháng 10.1999 Chân Như đã lên thủ đô để ghi danh Uni Wien và đến ngày 10.11 nhận phòng trọ ở đường Mayerhofgasse 3, 1040 Wien như là điểm khởi đầu ở trường Đại học Dược với cuộc hành trình khá dài mà cả gia đình không ai có thể biết được khi nào xong hay là lúc nào bỏ cuộc?

    
    Việc học như được nối dài thêm khi lễ Thành Hôn của Chân Như & Lê Tuấn được tổ chức vào tháng 7.2004. Đúng hai năm sau hai bên nội ngoại hân hoan chào mừng cháu Ân Lai ra đời vào tháng 6.2006, đồng thời với việc học dường như bị gián đoạn trong vài năm liền. Vợ chồng chúng tôi trong thời gian này không mấy vui vì biết có nhiều trường hợp về các cô cậu sinh viên khi có việc làm thêm, có tiền tiêu xài thì bắt đầu lơ là rồi sau đó bỏ luôn việc học. Nghĩ đến con mình chắc cũng không tránh khỏi vì khi đã làm vợ, làm mẹ thì có vô số bổn phận và trách nhiệm trong đời sống thường nhật phải lo toan nên chẳng còn thì giờ đâu để nghĩ đến chuyện học hành, chưa kể đến chuyện phải tìm việc làm nữa. Cũng may mắn là Chân Như không phải lo những chuyện ấy vì được ông xã ‘bảo trợ’ và khuyến khích vợ nên ở nhà để lo học, chăm sóc con. Ngoài ra, dù bận rộn nhưng cũng có thời gian sinh hoạt Phật sự, thỉnh thoảng cùng Kiều Nam tham gia Văn nghệ Thính phòng hay Văn Nghệ Xuân trong những dịp Tết do Hội Văn hóa Xã hội Phật tử Việt Nam tại Áo tổ chức.

  Kiều Nam, Wien 15.12.2011

    Nhưng thật bất ngờ, khi Kiều Nam cùng gia đình và vài người bạn đi nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 12.2011, thì cũng là lúc Chân Như có vẻ như bị thôi thúc nên chẳng bao lâu đã ‘bùng nổ’ trở lại với kết quả là đã qua được nhiều môn quan trọng, trong đó phải kể là vào Wintersemester 2014 (từ 01.10.2014 đến cuối tháng 02.2015) đã xong phần Labor, tiếp theo là viết Luận văn tốt nghiệp trong Sommersemester 2015 (từ 01.03 đến 30.09.2015). Vào tháng 6.2015 bản thảo Luận văn đã nộp cho Giáo sư Mag. Dr. Christoph Wawrosch duyệt, nhưng thầy đã không có một lời hứa hẹn là sẽ xong vào thời gian nào. Chính nhờ có những kết quả trên nên cuối năm 2015 Kiều Nam báo tin là chị Như chỉ còn hai môn nữa là xong. Chúng tôi hết sức vui mừng khi nghe con sắp xếp được việc học và việc nhà như đi chợ, nấu ăn, đưa đón nhà trẻ và với hàng chục công việc linh tinh khác cùng với sự trợ giúp tích cực của gia đình bên nội, để có thời gian trở lại trường lớp là cả với một nghị lực phi thường. Bởi vậy suốt mấy năm sau đó vợ chồng tôi không hỏi con bao giờ xong nữa, vì hỏi rồi cũng chẳng giúp được gì mà lại vô tình làm cho con lo lắng thêm.
    Nhưng rồi lại thêm một năm chờ đợi sắp trôi qua khi tháng 12.2016 đã mang đến nhiều bận rộn cho vợ chồng Chân Như khi đang thu xếp đồ đạc để chuẩn bị dọn nhà vào đầu năm dương lịch, cùng với tin là con đã có ngày thi trước Noël nhưng không cho biết chính xác lúc nào. Rồi đến ngày 14.12.2016 nhận được tin:‘xin thông báo cả nhà là hôm nay con quyết định ngày mai chưa đi thi vì chưa thuộc hết được bài vở, phần thắng không nhiều vì hai môn thi nhập lại trong một ngày, phải đậu cả hai môn mới được, chứ một được một rớt vẫn là rớt. Mong cả nhà đừng buồn nhé, người mệt mỏi nhất và muốn cho mau xong là chính con, nhưng khả năng chưa cho phép. Thôi thì cùng nhau vui sinh nhật bà Ngoại Ân Lai và Noël đã, rồi tháng giêng miệt mài tiếp. Con chỉ cần thêm thời gian và kiên nhẫn thì sẽ làm được. Con hứa’.  


    Ngày lại ngày trôi qua cho đến ba tháng sau đó khi chúng tôi không còn nhớ đến việc thi cử của con nữa thì lúc 10 giờ sáng ngày 07.04.2017 được tin của con: ‘xin thông báo cho cả nhà là môn thi con đã đậu rồi’. Cả nhà thở phào nhẹ nhõm, mừng cho con qua được một chặng đường dài với nhiều thử thách.
    Việc làm tiếp theo của Chân Như lúc này là đã liên lạc với Giáo sư Wawrosch để biết thời gian nào là có thể nhận được Luận văn chuẩn bị in ấn, đồng thời được phép tìm việc làm dù chưa nhận được bằng vì còn phải ra trước Hội đồng Giám khảo một lần nữa, nếu qua được ải cuối cùng này thì mới chính thức được nói lời ‘từ giã sân trường’. Và cũng thật là may mắn, Chân Như đã xin được việc làm sẽ bắt đầu trong tháng 8 trước khi cùng chồng con đi nghỉ hè ở Mỹ bốn tuần vào đầu tháng 7.2017. Khi trở về Áo ngày 28.07 thì chỉ nghỉ được ba hôm là đã đến 01.08 để có một ngày làm việc đầu tiên trong đời ở một Apotheke (Pharmacie) ngoài Floridsdorf, thời gian làm việc chỉ trong một tháng là chấm dứt. Rồi đến tháng 10 nhận được Luận văn từ Giáo sư Wawrosch, tiếp sau đó lo việc in và ôn lại bài vở để chờ ra trước Hội đồng Giám khảo vào đầu năm tới vào ngày 26.01.2018.
    Hôm đó Chân Như không cho ai đi theo để tránh bị phân tâm trước Hội đồng Giám khảo gồm ba vị Giáo sư: Một Bà chuyên về Dược thảo và hai Ông chuyên về Thuốc. Điều quá bất ngờ khiến Chân Như hết sức vui mừng và xúc động khi thí sinh Nguyễn Sĩ Chân Như được hai vị giáo sư chấm điểm 1, còn vị thứ ba đến tham dự chỉ với tư cách nhân chứng, ông không hỏi và cũng không cho điểm. Vào 10:57’ giờ nhận được tin mừng:‘chiến thắng vẻ vang!!!’, chỉ bốn chữ ngắn ngủi thôi nhưng cả nhà đợi dài cổ suốt mười mấy năm trời! Lúc đó chúng tôi đang ở Salzburg, để mừng con nên đã quyết định nhanh chóng là sẽ đi Wien bất ngờ ngay trong chiều nay, do đó vào lúc 20:45 giờ chúng tôi đã có mặt ở nhà Vũ & Lan Anh trong sự ngạc nhiên lẫn vui mừng của con và bạn bè hôm đó. Chừng một tháng rưỡi sau chúng tôi lại lên Wien một lần nữa vào giữa tuần để ngoài gia đình còn có Robert và Lan Anh cùng đến tham dự lễ trao Văn bằng Tốt nghiệp tại Universität Wien. 
    Lễ Akademische Abschlussfeier có ban nhạc phụ diễn, đã được hai vị Giáo sư chủ trì lúc 10 giờ ngày 07.03.2018 cho 12 Tân khoa ngành Dược (9 nữ và 3 nam) với khoảng 80 người tham dự. Vị Giáo sư mở đầu với câu chuyện chừng mười lăm phút rồi sau đó lần lượt mỗi Tân khoa lên chạm hai ngón tay bên phải trên Zepter và nói lớn: ‘Tôi xin thề’. Ý nghĩa của việc chạm hai ngón tay là: ‘sau này đi làm việc luôn nhớ đến là phải có trách nhiệm với nghề nghiệp, làm công việc giúp ích xã hội và không để lương tâm cắn rứt’. Sau đó các Tân khoa từng người một lên nhận văn bằng (được cuộn tròn trong ống giấy), dừng lại trước hai vị Giáo sư để cùng trao đổi vài câu xã giao thăm hỏi trong giây lát. Ngay từ khi buổi lễ được bắt đầu, ông phó nhòm đã bấm máy liên tục cho đến khi kết thúc khoảng 11 giờ. 


    Chúng tôi ở lại vài phút chụp hình ngay trong phòng hội để lưu giữ một vài kỷ niệm về ngôi trường cùng chặng đường hai mươi năm theo chân con với không ít buồn vui. Niềm hạnh phúc của bậc phụ huynh không phải chỉ với thành công con em đã gặt hái được, mà hãy nhìn vào sự say mê học tập với nỗ lực và lòng kiên nhẫn bên cạnh tình thương yêu và trợ giúp của gia đình cùng bè bạn.

NGUYỄN SĨ LONG
07.04.2018