Sonntag, 28. Oktober 2018

TRẦN ĐAN HÀ ĐỌC: MẸ HIỀN



Đôi Lời Giới Thiệu:
    Đan Hà & Trần Đan Hà là bút hiệu của nhà thơ Trần Văn Huyền, sinh năm 1945 tại Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Vượt biên đến Palawan, Philippines. Định cư ở tỉnh Reutlinger, Đức vào năm 1983. Cộng sự viên Báo Viên Giác Hannover. Hiện tôi có một tác phẩm của Trần Đan Hà trên kệ sách là thi tập “Tìm Trong Yêu Dấu”, Viên Giác xuất bản năm 1997.
    Được nhà thơ Trần Đan Hà đọc và giới thiệu thi tập Mẹ Hiền với độc giả Viên Giác trong số báo 227, tháng 10.2018 là hết sức bất ngờ và thật vinh dự. Đây là một bài viết được tác giả dành nhiều tâm tình cùng thì giờ để chọn lọc và trích dẫn, trong đó đặc biệt có hai bài Mẹ Mãi Là Mùa Xuân và Huế Xưa. 
    Chân thành cảm ơn nhà thơ Trần Đan Hà và nay gởi đến bạn đọc xa gần. 

TRẦN ĐAN HÀ ĐỌC: MẸ HIỀN*

    Qua anh Phù Vân tôi hân hạnh được biết thi hữu Nguyễn Sĩ Long hiện ở Áo, là tác giả thi phẩm Mẹ Hiền, xuất bản tháng 6.2018. Và tôi được một bản gởi tặng. Xin có đôi lời cảm nhận sau khi đọc cùng lời vô vàn biết ơn.
    Mẹ Hiền, hai tiếng này nghe thân thương, êm ái, ngọt ngào biết bao. Bởi chúng ta ai cũng có sự hiện diện của mẹ hiền trong tâm. Mẹ hiền là suối mát, là giọt sương mai tưới tẩm cho hoa lá cỏ cây. Mẹ Hiền là nguồn yêu thương đang chảy bất tận trong huyết quản của chúng ta. Mẹ Hiền là hương hoa, đường mật, bánh kẹo, sữa ngọt hiến tặng cho nhu cầu tuổi nhỏ. 
    Có một lần tôi nghe thầy Nhất Hạnh định nghĩa về mẹ như sau: “Ý niệm về mẹ không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành…”     
    Trong chúng ta có ai đi xa mà không một lần nhớ mẹ? Nhất là trong hoàn cảnh tha hương này. Tuy mỗi người mỗi khác nhưng chung quy đều thể hiện một tấm lòng khao khát được uống no nê tình yêu thương của mẹ. Đối với người Phật tử thì sự thể hiện ấy qua hình ảnh mùa Vu Lan Báo Hiếu, là dịp để cho người con được cài lên ngực một bông hồng hiếu hạnh, để tỏ lòng biết ơn cha mẹ còn hiện tiền và tưởng niệm song thân đã quá vãng. Nhắc nhở đến công ơn sinh thành dưỡng dục mà suốt cuộc đời này có mấy ai báo đáp cho nổi? Vì ca dao nhân gian nói: "Mẹ thương con biển hồ lai láng. Con thương mẹ tính tháng tính ngày"! Nghe thật xót xa lắm phải không ? Nhưng thực tế chuyện tình đời là như vậy, biết sao!
    Thi hữu Nguyễn Sĩ Long có lẽ được sinh ra trong "Chiếc nôi văn hóa tuy cổ xưa nhưng đầy nhân bản, chịu ảnh hưởng và ràng buộc bởi Tứ đức tam tùng, Công dung ngôn hạnh" (Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh là câu răn mình). Thế cho nên hoài niệm của anh về mẹ thật khác người, tuy giản dị bình dân, nhưng rất tỉ mỉ nhắc lại những giây phút thần tiên trong đời. Bằng lời ngợi ca về mẹ chân chất mộc mạc nhưng uyên áo vô cùng. Thấm đậm biết bao là tình. Tình thương ấy mãi chảy trong anh như một nguồn suối mát. Cho nên anh luôn cảm nhận và chỉ thấy mẹ là biểu tượng đẹp nhất: "Mẹ mãi là mùa xuân".
    Chúng ta hãy bước vào khung trời hoài niệm mẹ của anh để cùng cảm thông:
“Chín tháng cưu mang hai mươi năm nuôi dưỡng
Con ra đời trong tổ ấm tình thương
Ở quanh con không có bốn mùa thay đổi
Chỉ một mùa xuân bên tay mẹ, mảnh vườn”.
    Hình ảnh mẹ là mang nặng đẻ đau, nâng niu bú mớm, tần tảo nuôi con. Ngày ngày siêng năng chăm bón những liếp cải vườn cà. Mồ hôi mẹ đã đổ xuống rất nhiều nơi mảnh vườn yêu thương dịu ngọt, thoang thoảng một mùi hương tươi mát của mùa xuân. Anh mang mùa xuân của mẹ ra đi để còn nhớ mãi công đức sanh thành dưỡng dục. Hay mùa xuân của mẹ đã chảy mãi trong anh bằng những giọt yêu thương bắt nguồn từ thời thơ ấu, chỉ cần nhắm mắt để tận hưởng:
“Con nhắm mắt mỗi lần ôm vú mẹ
Nuốt từng dòng sữa ngọt say mê
Mẹ cúi xuống mắt tròn xoe âu yếm
Giọt lệ mừng chảy xuống má tê tê”.
    Thử hỏi còn cảm giác nào sung sướng cho bằng “nằm nhắm mắt ôm vú mẹ” để tận hưởng. Chỉ nhớ đến giây phút tận hưởng này thôi cũng đã thấy nguồn năng lượng hạnh phúc vô biên của tuổi nhỏ.
    Những hoạt cảnh tiếp theo cũng không kém phần trân trọng và yêu dấu muôn đời:
“Mẹ đút cho con từng miếng cơm muỗng cháo
Thức suốt đêm khi con sổ mũi nhức đầu
Mẹ đan cho con từng bao tay chiếc áo
Bên cuộc đời dù trăm nỗi bể dâu”.
    Sự hy sinh của người mẹ thật vô bờ bến. Nếu không nhắc lại những chi tiết cụ thể ấy, mà chỉ chung chung ‘công đức sanh thành dưỡng dục’ thì e rằng không mấy ai cảm nhận được tình mẹ sâu sắc!
    Đến công trình giáo dưỡng cũng bắt đầu từ những bài học vỡ lòng. Đơn giản nhưng thiết thực nhất, cần thiết nhất qua tình tự của những người Mẹ Việt Nam:
“Mẹ dạy cho con từng lời nói bước đi
Mẹ dạy cho con cầm cây bút chì
Mẹ dạy cho con vòng tay kính cẩn
Cúi đầu chào thưa gởi mỗi lần đi”.
    Những làng quê miền Trung là hình ảnh của nương dâu ruộng lúa, của con sông bờ đê, của lũy tre chiều ru gió. Phía sau rặng tre thường nghe văng vẳng tiếng võng đưa giữa trưa hè kĩu kịt, hòa cùng tiếng ru trẻ ầu ơ: “Ru con con théc cho muồi. Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu. Mua vôi chợ Quán chợ Cầu. Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh…”. Âm thanh ấy nghe một lần là nhớ dù thời gian phôi pha và không gian ngăn cách:
“Quên sao được những câu hò giọng hát
Rất chan hòa trong giấc ngủ âm thanh
Lời mẹ ru có vị ngọt chất lành
Con khôn lớn vẫn nhớ từng nhịp điệu”.
    Dư âm của điệu hò câu hát ấy vẫn còn ghi đậm trong tâm. Vì đây cũng là âm thanh ngọt ngào như tiếng sáo diều muôn thuở, tạo nên hoạt cảnh êm đềm thôn xóm. Nhưng cảnh êm đềm ấy chợt biến mất, khi giặc tràn qua xóm làng gây nên cảnh tang tóc:
“Quên sao được xóm làng xưa xơ xác
Ngày đạn bom đêm pháo kích kinh hồn
Mẹ cõng con khắp đường quê tan nát
Xót xa nhìn nhà cháy ở quanh thôn”.
    Bối cảnh lịch sử chiến tranh ấy bây giờ nhắc lại chỉ thêm đau lòng. Nhưng nếu không nhắc lại thì làm sao mà hình dung được tấm lòng của mẹ đối với con trong những lúc tản cư lánh nạn?
“Im tiếng súng mẹ thở phào nhẹ nhõm
Nhưng ngờ đâu con mẹ phải ra đi
Đời mẹ chưa vui bây giờ thấp thỏm
Sợ tin buồn sau cánh cửa chia ly”.
    Chiến tranh đã gây biết bao tang thương, đổ vỡ không bao giờ có thể hàn gắn được. Cùng thấy thêm cảnh mẹ già tựa cửa ngóng trông con đang còn ngày đêm ngoài chiến trận…và sau nầy trôi nổi tha hương:
“Con bất hạnh trên dòng đời trôi nổi
Thiếu mẹ hiền như mất cả mùa xuân
Con cúi đầu xin một lòng tạ lỗi
Ngày đầu năm không có mặt quây quần”.
    Sau chiến tranh lại thêm cảnh biệt ly. Nghe sao mà não lòng quá. Ôi thân phận của một nước nhược tiểu. Đã trải qua không biết bao nhiêu cơn phong ba bão táp đã ập xuống trên mảnh đất Mẹ Việt Nam. Thế nhưng nguồn hy vọng đang réo gọi trong con với lời nguyện cầu mẹ được :
“Sống trăm tuổi bạc đầu nhưng vẫn khỏe
Đợi con về trong khúc khải hoàn ca”.

    Hoài niệm tiếp theo là quê hương và tuổi trẻ, thời cắp sách đến trường vui với bạn bè thầy cô, thời hoa mộng ấy đẹp như khung trời cũ, em xưa. Đã một thời dìu bước anh đi vào đời. Quê hương của anh có dòng sông Hương êm đềm trôi xuôi chở theo bao huyền thoại đẹp. Những con đường có lá me bay, có hàng phượng vĩ, và có những tà áo trắng tinh khôi của các nữ sinh Đồng Khánh:
“Có những cơn mưa giữa ngày mùa hạ
Lối em về hoa phượng rụng đầy tay…”
    Lối em về đẹp não nùng với hai hàng cây bên đường che mát. Trên cao những nhánh phượng trổ bông đỏ cả một góc trời. Chân bước đi mà ngỡ như trôi theo dòng sông soi bóng nhuộm vẻ đẹp muôn màu. Có rất nhiều điều yêu dấu rồi anh sẽ kể trong “Huế xưa”:
“tôi đưa em qua những con đường
phượng vĩ và nhãn lồng
có ao cá
có hồ sen nở rực lúc hừng đông
như thành phố được thắp muôn ngàn ngọn nến”

Cũng có lúc:

“leo mấy chục bậc thang lên cửa Ngọ Môn
ngắm Quốc Kỳ bay cao trong gió
ngồi hóng mát những lúc sang hè
nhìn những hàng cây lắc nhẹ
bên trời hoa sứ nở
và thích nhất
là ngắm những cặp tình nhân
ngồi kín đáo dưới những bức thành rêu phủ
hay bên những gốc cây, bờ hồ, tảng đá
(họ hôn nhau mùi mẫn và
                                   dễ thương chi lạ!)"


    Tuổi học trò là tuổi mộng mơ. Đi lang thang mà không biết đi đâu, đến mà không biết rằng mình đến:
“Huế xưa,
tôi đưa em ra ngoài thành qua cửa Đông Ba
rẽ trái là đường Đào Duy Từ...
đến trường Nguyễn Du thăm vài người bạn
đôi lúc em muốn dừng trên cầu nhìn xuống Bến Tượng 
để xem những con đò nằm sát bên nhau thân mật
rẽ phải là đường Phan Bội Châu
phía bên ni có tiệm mì Châu Anh
tiệm cháo lòng Vĩnh Phú
tiệm bò tái Đồng Xuân Lâu
phía bên tê là tiệm mè xững Song Hỷ
nổi tiếng khắp hoàn cầu
(em hảo ngọt tha hồ mà
                           mang vào lớp học)"
..........
"Huế và tôi,
Hình như có rất nhiều duyên nợ
chỉ riêng em cũng đủ ‘tắt thở’ đây rồi
chiều lại chiều chở em tận xa xôi
qua cầu Vạn Xuân viếng thăm chùa Thiên Mụ
đứng bên nhau đôi lòng khấn nhủ
xin ơn trên tác hợp vợ chồng...
………
    Dòng Hương Giang mơ màng xuôi chảy dưới chân núi Ngự, là biểu tượng của tình cha nghĩa mẹ (như nước trong nguồn chảy ra) vẫn luôn êm đềm theo năm tháng. Cũng là biểu tượng cho quê hương và Mẹ. Huế xưa có muôn màu muôn vẻ. Có lễ hội nguy nga của các tôn giáo muôn đời kính ngưỡng. Có những ngày Tết cho phố phường khoe sắc, phô hương. Có những ngôi trường vang danh một thời, đã trải dài qua bao thế hệ được đào tạo thành người hữu dụng cho Quốc gia Xã hội. Có những con đường thơ mộng đã dìu nhiều thế hệ đi qua. Có Văn hóa Cung đình trộn lẫn với Văn học Dân gian tạo nên một nền văn minh hòa đồng của dân tộc. Có những loại thực phẩm được chế biến theo lối gia truyền, cho nên sau này dầu có đến đâu rồi cũng không sao có đầy đủ hương vị đặc biệt riêng của Huế. Thế nhưng nghiệt ngã thay Huế xưa cũng có những ngày tang thương biến đổi, đang đổ xuống bởi bom đạn chiến tranh, bởi hận thù phân hóa: 
“Huế xưa,
mỗi ngày thêm chất đắng
chiến tranh về rung chuyển nhịp đò đưa
bên nớ bên ni
tay vẫy dần thưa
em ở lại nhạt nhòa đời son trẻ
nhịp cầu qua sông gãy đôi tình thơ bé
mùa hè sang lửa đỏ phủ kinh hoàng
bồng bế nhau đi rời phố xuôi Nam
vẫn không khỏi trời tháng tư ác nghiệt
giã từ em
mùi trinh nguyên tinh khiết
những ngón tay đan cứng nghẹn lời
ngày tôi đi thương nhớ quá đôi môi
và ánh mắt như ngàn sao theo đuổi
làn tóc em
làm sao tôi quên nổi
trôi dịu hiền
như sóng nước Huơng Giang..."
    Tất cả những nguyên liệu vừa ngọt ngào vừa đằm thắm của Huế đã nuôi lớn cuộc đời không phải chỉ là giai đoạn. Mà là mãi mãi ghi khắc trong tâm lòng biết ơn sự sáng tạo của nhiều thế hệ đi qua. Của nhiều bà mẹ không ngớt lo toan, tính toán làm sao cho con mình không thua kém bạn bè. Của chiều dài của lịch sử có ngọt bùi có cay đắng trộn lẫn vào nhau. Cho người còn nuôi hy vọng: “qua cơn khổ cực đến ngày thái lai”.
    Ngày sinh nhật sáu mươi tuổi, anh ngồi suy nghiệm cuộc đời còn hiện diện đến ngày nay là nhờ nhiều nhân duyên. Những người đã cho anh hình hài vóc dáng, đã nuôi dưỡng lớn khôn, đã dạy dỗ nên người đều là những ân nhân tương tác. Được gói ghém trong 55 bài thơ, 36 tấm hình màu phong cảnh và các bản nhạc được phổ thơ của các thân hữu như bản Mẹ Hiền, Thuyền Em Trên Biển Đông, Sài Gòn Bản Tình Ca Muôn Đời…Cám ơn anh đã đem đến những hương vị ngọt ngào, tươi mát, trong sáng và tinh khôi bằng những trang thơ rất dễ thương, và sau cùng thêm lời cảm tạ:
“Hôm nay về giữa sáu mươi
Tạ ơn nhân thế tạ đời cưu mang
Quê hương còn lắm cơ hàn
Thơ xin nhận bớt đôi phần đắng cay…”

    Một tấm lòng rộng mở trang hoài niệm. Một lời cảm tạ đến tất cả những nhân duyên tác thành. Và xin nhận bớt những bất hạnh của mẹ cha và của quê hương dâu biển cuộc đời để tỏ lòng hiếu hạnh.
  
TRẦN ĐAN HÀ
*Báo Viên Giác Hannover, số 227, tháng 10.2018