Budapest
Người Việt Nam tha hương chúng ta dù ở bất cứ nơi đâu
trên đất khách quê người, thì mỗi năm đều đón hai lần năm mới: Tết Tây và Tết
Nguyên Đán. Vào cuối tháng 12 dương lịch, người ở nhà hay những ai đi làm đều
cùng nhịp sống với người bản xứ, tuy có khác nhau về sinh hoạt và phong tục,
nhưng cách sử dụng thời gian vào những ngày cuối tháng và đầu năm không khác
nhau là mấy. Đối với người phương tây, thì lễ Giáng Sinh còn quan trọng hơn cả
Tết Dương lịch, thời gian nghỉ thường là hai tuần. Trong dịp này, người
bản xứ hay cư dân đa quốc tịch, họ thường có những ngày nghỉ vui chơi giải trí
phù hợp với thời tiết mùa đông như đi trượt tuyết hay thăm một
vài thành phố láng giềng mà trong nhiều năm qua họ chưa có dịp đến. Gia đình
chúng tôi thường đi chơi xa vào mùa hè, vì ngại những ngày đông tuyết lạnh nên
chỉ loanh quanh ở các nước láng giềng với Áo, như Hungary vào tháng 9.1999, lúc
các con còn nhỏ gia đình chúng tôi đã có chuyến đi Budapest thăm vợ chồng ca sĩ
Anh Khoa cùng với HT Thích Trí Minh và BCH Hội Phật tử VN tại Áo, hay thỉnh
thoảng sang Munich ở miền nam Đức xem văn nghệ do các nghệ sĩ Việt Nam đến từ
Hoa Kỳ trình diễn.
Mùa Giáng Sinh 2018 năm nay gia đình chúng tôi gồm
năm người (Nô & Như bận
tham dự một sự kiện ở Linz nên vắng mặt), đã có một chuyến đi ba ngày gặp lúc
thời tiết khá tốt, không có tuyết rơi, thoải mái đi bộ hằng giờ với chỉ một vài
cơn mưa nhỏ. Thời gian còn lại trong ngày có nắng đẹp nên rất dễ chịu cho việc
tham quan một vài thắng cảnh trong lần trở lại thủ đô Budapest sau hai mươi
năm, từ chiều 23 cho đến ngày 25.12.2018.
Nhà thờ St. Stephen
Nếu trưa 22.12 trên Xa lộ A1, đoạn đường từ thành
phố Linz đến Wien chừng 170 km kẹt xe chưa từng thấy, thì ngày 23.12 đi từ Wien
chỉ mất ba tiếng đồng hồ để đến Budapest, lúc 13:30 giờ. Từ Hotel President,
chúng tôi dự định sau khi dùng bữa trưa ngoài phố, sẽ đi qua cầu Kettenbrücke
(cầu Xích) để thăm Burgpalast đầu tiên. Nhưng gần 16 giờ thấy trời đã xế bóng
nên chúng tôi đổi hướng vào trung tâm thành phố, ngang qua nhà thờ St. Stephen‘s
Basilica. Đây là nhà thờ được đặt tên để tôn vinh Stephen, là vị vua đầu tiên
của Hungary được phong thánh vào năm 1083. Sau nữa là Christkindlmarkt rất đông
du khách và là nơi tập trung nhiều hàng quán trong khu vực.
Lâu đài Buda
Khoảng 18 giờ chúng tôi lại quay trở lại, trời tối
hẳn nhưng còn thời gian nên đã nhắm hướng cầu Kettenbrücke trên sông Danube, là
dòng sông huyền thoại nổi tiếng dài 2850 km xuất phát từ Đức chảy qua Vienna
trước khi uốn khúc quanh co theo hướng đông rồi chia Budapest thành hai
bờ: bờ tây gọi là Buda và bờ đông gọi là Pest, nơi mà chúng tôi đang đứng
để ngắm Lâu đài Buda bên kia sông (còn gọi Cung điện Hoàng gia) tọa lạc trên
đồi cao sáng rực một góc trời trong đêm đông với thời tiết rất đẹp và dễ chịu.
Gần 10 giờ đêm chúng tôi trở về khách sạn sau khi
dùng bữa tối ở ngoài đường. Có lẽ đây là đêm cuối của hầu hết nhà hàng còn mở
cửa, bởi vậy với những người khách từ phương xa cho dù chưa biết ‘ngày mai sẽ
ra sao' thì hôm nay chẳng có gì để lo lắng, chắc chắn là sẽ không phải 'tuyệt
thực' cho đến khi trở về Wien.
Sáng hôm sau ngày 24.12, lúc 11: 40 giờ chúng tôi đã
ra đường sau khi dùng điểm tâm ở khách sạn. Biết là trời tốt nhưng ai nấy đều
mặc ấm hơn, đầy đủ nón mũ, khăn quàng, bao tay vì phải đi bộ qua cầu
Kettenbrücke với nhiều gió thì rất lạnh. Đến 12:30 giờ nắng lên cao khi chúng
tôi ra khỏi ‘chuyến tàu lửa tốc hành’ bởi hệ thống dây cáp chỉ chừng 5 phút là
đã lên đến quảng trường Clark Adam. Nơi đây nếu chọn hướng đến nhà thờ Matthias
và pháo đài Fisherman's Bastion thì rẽ phải với nhiều quán ăn và cà phê dọc
đường đi bộ chừng một cây số. Chúng tôi nhập vào dòng người nhộn nhịp trông có
vẻ giống ở Altstadt Salzburg, không khí ấy như thổi thêm một làn gió hào hứng
cho những du khách vừa chạm chân quảng trường thì đã thấy bên trái là tượng
linh vật Đại bàng thần thoại trước tòa Lâu đài Buda đồ sộ và oai nghiêm. Dường như mọi người vừa nhìn phong cảnh vừa chụp hình, Selfie stick đưa
lên cao ngắm nghía, hai bà cháu Ân Lai chọn vị trí…rồi cùng bước dọc theo tòa
lâu đài. Đi từ đầu cho đến cuối, thỉnh thoảng nhìn xuống những chiếc cầu bắc
qua sông chạy dài thì mới thấy được nét lãng mạn của dòng Danube như ôm ấp và
thân thiện với Pest hơn, trong khi trên từng bậc thềm của Burgpalast dường như
đều khép kín và lạnh lùng cho dù bên trong Cung điện là Bảo tàng Lịch sử
Budapest, Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia và Thư viện Quốc gia.
Fisherman's Bastion
Chúng tôi trở lại quảng trường Clark Adam, là điểm
nối của Lâu đài với cầu Kettenbrücke bằng hệ thống đường sắt leo núi, ghé nghỉ
chân và uống cà phê trên đường đi bộ,
rồi tiếp tục đến nhà thờ Matthias nằm trước Fisherman’s Bastion thuộc trung tâm
quận Buda, là nơi có tầm nhìn rộng gần như toàn cảnh thành phố Budapest với
phía đông Pest địa hình bằng phẳng được trải rộng và sâu ở cuối chân trời.
Khoảng 14:30 giờ chúng tôi đã xuống đến chân cầu để
trở về bên kia sông. Những người đi ngược chiều gió vẫn còn khá đông khi nắng
dịu dần xen lẫn vài đám mây như chuẩn bị cho cơn mưa sắp tới. Bây giờ mới thấy
việc tìm đến một quán ăn thật là đúng lúc, nhưng phải gần ba giờ chiều mới đến
tiệm Pizza khi đã sắp tới giờ đóng cửa, dù vẫn còn một vài người khách đang
chờ.
Chúng tôi trở về khách sạn trước
16 giờ. Ba mẹ con và Ân Lai xuống hồ bơi ở tầng trệt, sau khi cô con gái đã đặt
bữa ăn tối ở nhà hàng Thái vào lúc 19 giờ trên đường Andrássy khoảng
chừng 15 phút đi bộ, là một trong những đường phố chính có rất nhiều khách sạn, nhà hàng cùng các thương hiệu nổi tiếng.
Hôm sau 25.12, trong khi
chúng tôi chuẩn bị trả phòng lúc 11 giờ thì từ Salzburg có ba gia đình anh em
Hồ Văn Viễn gồm hai xe đang trên đường tới Budapest. Rất tiếc là hai chúng tôi
không thể hẹn hò hoặc đợi chờ nhau được vì thời gian không cho phép.
Đường trở về nhà lúc
nào cũng có cảm giác như gần và nhanh hơn khi giao thông không quá nhiều xe như
trong những ngày lễ. Dù mưa lớn từ biên giới Áo - Hung nhưng chúng tôi cũng đã về
đến Wien lúc 13:30 giờ cùng ngày, như vẫn còn mang theo niềm vui và hình ảnh đẹp của
Budapest cho tới bây giờ.
NGUYỄN SĨ LONG
16.01.2019