Sonntag, 12. April 2020

CHÙA LÀNG TÔI

  Chùa Chính An - 8.2018

    Lúc 13 tuổi tôi cùng gia đình rời làng vào Huế giữa năm 1965. Đây là lần đi không hẹn ngày trở lại vì ở thôn quê tính từ năm 1963, cuộc chiến Quốc Cộng ngày càng lan rộng, bom đạn đã lấy đi không biết bao nhiêu sinh mạng con người cho đến ngày Miền Nam mất vào tháng 4.1975.
    Nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, dù có phôi pha nhưng trong ký ức tôi vẫn còn nhớ đôi điều về thời thơ ấu. Từ căn nhà, sân trước vườn sau cho đến hồ ao, thửa ruộng, đàn gà và chim muông dường như thường thấy khắp nơi trên những con đường làng quanh co thôn xóm, trên lối về bến chợ hay chuyến đò xuôi dòng ra phá Tam Giang. Rồi còn nữa, mái trường của mấy năm bậc tiểu học và ngôi chùa Làng, nơi mà thuở xưa lúc tuổi chưa đến 10, đã được theo mẹ lên chùa lễ Phật. Đây cũng là ngôi chùa duy nhất của xã Phong Lộc thời đó nằm trên hương lộ chính nối liền các thôn xã gần xa trong quận huyện. Phong Lộc là tên gọi có từ xưa trước khi tôi ra đời, nhưng sau 1975 chính quyền mới đổi thành xã Phong Chương gồm có 9 thôn (làng): Năm thôn cũ trước 1975 là Mỹ Phú, Chính An, Trung Thạnh, Đại Phú và Lương Mai. Bốn thôn mới là: Bàu, Ma Nê, Nhất Phong và Phú Lộc.
    Một hai năm đầu trở lại Huế, là nơi tôi chào đời đã làm tôi vui thích. Vết thương chia cắt quê nhà như đã lành lặn khi có nhiều dịp cùng bạn học viếng thăm đền đài lăng tẩm và nhiều ngôi chùa cổ kính ở Huế thì lòng như được khuây khỏa khi nhớ về ngôi chùa Làng quê giờ đây trong ức và chẳng biết lúc nào mới được về thăm nguyên quán.
    Bước sang năm thứ ba ở Huế thì Tết Mậu Thân, một mùa xuân tang chế cho người dân Cố Đô. Gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng vì cháy nhà nhưng vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Cha mẹ tôi giờ đây chỉ còn hai bàn tay trắng, để một lần nữa làm lại cuộc đời cùng đàn con tuy chưa khôn lớn, nhưng có vẻ ngày càng lanh lợi hơn khi chạy giặc tránh bom đạn.
    Bốn năm sau, lúc các con ăn chưa no lo chưa tới thì Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 một lần nữa ập đến kinh hoàng. Dân chúng từ tỉnh địa đầu giới tuyến cho đến Thừa Thiên Huế tháo chạy khi Cổ thành Quảng Trị thất thủ, ai nấy đều bỏ nhà cửa bồng bế nhau tìm đường thoát thân. Gần như đồng bào ở Huế chỉ có một con đường sống duy nhất là chạy vào Đà Nẵng, đều chung cảnh ăn nhờ ở đậu, lo lắng, bất an khi cuộc chiến đã đến hồi khốc liệt. Báo chí Sài Gòn ngập tin tức về những trận đánh một sống một còn của đôi bên. Lệnh Tổng động viên như lời cảnh báo xã tắc lâm nguy, là trai thời loạn phải gánh vác sơn hà. Nhưng tôi không nằm chung với số bạn bè cùng lớp lên đường nhập ngũ vì còn đủ tuổi học tiếp. Hai năm sau đó vào mùa hè 1974, chúng tôi là những người bạn đồng khóa ít ỏi còn lại nhận bằng tốt nghiệp, trong lúc các bạn theo đường binh nghiệp, thì nay đã là Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mang trọng trách Vì nước Vì dân trong thời ly loạn.
    Để tiếp tục việc học, tôi cùng một số bạn vào Sài Gòn cuối năm 1974. Mấy tháng ở thành đô hoa lệ lo nơi ăn chốn ở, ghi danh trường lớp, chưa quen thầy bạn thì những tháng đầu năm 1975 tin tức chiến sự dồn dập mỗi giờ, như thời khắc cảnh báo sự sống của người bệnh chỉ đếm từng giây: Sài Gòn ra đi nhẹ nhàng. Di chúc không kịp viết. Giấy báo tử đã có sẵn lúc 8 giờ sáng, ngày 30 tháng 4.1975.


    Trước ngày Sài Gòn sụp đổ gần hai tháng, tôi đã là thiện nguyện viên của một Tổ chức Từ thiện Phật giáo, được chuyển qua công tác cứu trợ trước tình hình mới, nên đã quen với những chuyến đi xa trong vai trò điều nghiên thực tế để lập dự án cứu trợ khi Đồng bào Nạn nhân Chiến cuộc dừng chân trước cửa ngõ Sài Gòn ngày càng đông. Nhờ vậy mà trên những chặng đường lưu lại ở Tây Ninh, Long Khánh, Vũng Tàu nên đã biết thêm trên quê hương mình có rất nhiều ngôi chùa đẹp và khang trang, gợi nhớ những gì đã đi thăm ở Huế và mái chùa Làng đến nay đã đúng mười năm chưa trở lại. Đây cũng là một trong những lý do thôi thúc người xa nhà dự tính cho một ngày về thăm quê cũ.
    Phải đến lần thứ ba về Huế, tôi mới được cùng gia đình trong chuyến về thăm quê vào mùa xuân 1977. Không có gì bất ngờ hơn khi thời gian cách biệt thôn làng chỉ trên mười năm mà đổi thay khủng khiếp. Chính mẹ tôi cũng ngỡ ngàng trước sự xa lạ đến nỗi không tìm ra con đường về nhà cũ vì sự hoang tàn đổ nát vẫn còn rõ nét qua từng hố bom chưa lấp, dấu đạn chưa nhòa và thôn xóm xơ xác như chưa bao giờ có bàn tay ai khâu vá những vết tích tang thương của chiến tranh. Khu vườn nhà tôi đã có chủ mới, còn mái Chùa xưa mà chúng tôi mong muốn tìm kiếm thì nay chỉ còn lại một đống gạch ngói ngổn ngang vô chủ.
    Hơn hai mươi năm sau, được sự đóng góp tài lực của dân làng cùng bà con Phật tử thôn Chính An với một thời gian dài chuẩn bị, vào năm 1998 ngôi chùa mới được xây dựng lại trên nền đất cũ. Nhưng phải đến năm 2017, gia đình Phật tử mới báo tin vui khi có Thầy về nhận chức vụ Trụ Trì chùa Chính An, cũng là chỗ dựa tinh thần của Phật tử gần xa, mang lại sự an lạc cho mọi người. Giữ gìn và phát triển từ bi hỷ xả, thăng hoa đời sống tâm linh và Phụng Sự Tam Bảo.
    Một ngày trong tháng 8.2018 tôi và người em trai từ Huế về thăm làng. Lần nào cũng vậy, dừng chân ở nhà bà con thăm hỏi đôi câu, uống tách trà rồi đi bộ vào vùng cát trắng có nhiều hoa rừng và cỏ dại, ngang qua hồ Trằm Sen ngắm cảnh trời mây sông nước, cũng là nơi ghi dấu kỷ niệm vào năm 1965, mẹ đã cùng các con bỏ làng đi qua đây giữa đêm khuya để vào Huế, trước khi đến thăm và thắp hương khu Lăng mộ Tổ tiên Ông bà không xa.
    Nắng đã lên cao, anh em chúng tôi trở về theo lối cũ qua ngõ Trằm Sen để ra đường chính. Từ nơi đây khách phương xa còn hai điểm đến nữa là viếng thăm ngôi nhà Thờ họ Nguyễn và chùa Chính An trên cùng một con đường. Nhìn lá cờ ngũ sắc bay cao trước sân Chùa cạnh tượng đài Đức Quán Thế Âm nhân từ, những ngày tháng cũ bên mẹ hiền dưới mái chùa xưa như thoáng hiện về. Biết nói cùng ai nỗi mừng vui đã mấy mươi năm xa vắng mong chờ !

NGUYỄN SĨ LONG
Tháng 4.2020