Donnerstag, 23. Dezember 2021

SỔ TAY HAI KHÔNG HAI MỘT

   Sổ Tay Hai Không Hai Một ghi lại một vài câu chuyện ở Áo trong năm 2021, mở đầu với lịch tiêm chủng vaccine Covid-19 mà cả Khối Liên Hiệp Châu Âu đã tốn nhiều thời gian hội họp, bàn thảo để có quyết định vào ngày 21.12.2020, khi được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu cho phép sử dụng vaccine  của Pfizer BioNTech trên  toàn  lãnh thổ với 27 quốc gia thành viên. Ở Áo, trước tiên sẽ được thực hiện tại các viện dưỡng lão và người già từ ngày 27 tháng 12. Các nhóm đối tượng khác sẽ được tiêm chủng trong năm 2021.

   Qua năm 2021 vợ chồng chúng tôi ở trong nhóm tuổi 65/70 nhưng phải đến ngày 3 tháng 4 mới được tiêm mũi vaccine Pfeizer đầu tiên ở Trung tâm Tiêm chủng Vaccine Covid-19 Austria Center Vienna. Hai tuần sau khi tiêm mũi thứ nhất, vợ tôi nhận được tin báo về ngày hẹn chích mũi thứ hai, còn tôi thì không. Con tôi gọi nhiều lần đến những giới chức liên hệ nhưng chỉ nghe hứa hẹn mà không có kết quả. Cuối cùng đến ngày hẹn 24.3 của vợ (đúng ba tuần sau mũi thứ nhất) tôi cũng đi theo với mong muốn là đội ngũ y tế họ sẽ giải quyết vì đây không phải là lỗi của người dân chờ được tiêm chủng đúng lịch.

   Hôm đó có con gái đi với ba mẹ, tôi mang theo giấy tờ đầy đủ như lần đầu. Ở quày thứ nhất họ không giải quyết, lý do đơn giản vì tôi không có hẹn qua Email, vợ tôi dĩ nhiên không gặp trở ngại gì. Chúng tôi ba người vẫn đi tiếp vào trong và dùng thang cuốn xuống bên dưới. Con tôi ghé vào bàn đầu tiên ở tầng hầm với giấy tờ và trình bày đầu đuôi câu chuyện. Ở đó có hai người làm việc và một nam nhân viên nhận hồ sơ, ghi chép rồi sau đó đưa cả ba người chúng tôi đến bàn tiếp theo để làm thủ tục tiêm chủng. Chúng tôi rất vui và cám ơn sự nhiệt tình của chàng trai trẻ. Đi tiếp đến bàn cuối cùng thấy nhiều người xếp hàng nhưng không phải đợi lâu vì đội ngũ y tế đông hơn nên chờ nhanh hơn ba tuần trước.

   Với gia đình chúng tôi 7 người thì Như thuộc diện ưu tiên nên được chích mũi thứ nhất vào cuối tháng 2.2021, vợ chồng tôi xong mũi thứ hai vào ngày 24 tháng 4 và đến cuối tháng 11 thì trong gia đình đã có 5 người chích xong mũi thứ 3. Còn lại hai thành viên tuổi dưới 30 có Alain chích mũi thứ 3 vào ngày 11.12, Ân Lai 15 tuổi sẽ chích vào tháng 2.2022.

   Đến tháng tư thời tiết ấm áp trở lại nên chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cho công việc cuốc đất trồng rau với diện tích chỉ 14 m2 chia làm 7 lô nhỏ, mỗi lô 2 m2 như năm ngoái. Năm nay tôi dành một lô để trồng hoa mùa đầu tiên thử nghiệm. Đây là năm thứ hai nên việc sửa soạn đất, chọn giống, gieo giống, bón phân, tưới cây đều đã có một chút kinh nghiệm, do đó mọi việc đều dễ chịu hơn và kết quả qua các con số ghi nhận được nhiều hơn.

  

 

  Trong các loại giống chọn trồng trong mùa này như rau muống, mồng tơi, tần ô, xà lách…được thu hoạch xen kẽ thì trong một tuần thường san sẻ cho con cháu vì hai ‘lão nông gia’ không thể nào tiêu thụ hết. Ngoài ra còn cây lê Nhật Bản, sơ ri, lại có sả, rau thơm thì từ tháng 6 cho đến tháng 10 cây lá vẫn còn tươi tốt dù thời tiết bắt đầu đổi thay. Riêng 5 chậu ớt đặt trước sân được trồng như một loại cây cảnh nhưng cho trái lớn trái nhỏ đủ loại, đủ màu sắc trĩu cành trông thật đẹp mắt và vui thích nhưng đến tháng 11 cũng phải cắt hết cho vào ngăn đông vì số lượng nhiều so với nhu cầu hàng ngày.

   Cuối tháng 5 bất ngờ vào ngày 27.05 được Chân Như báo tin cô Kim Liên mới qua đời nên tôi đã gọi ngay cho Bino và được xác nhận cô Kim Liên tên thật Hồ Kim Liên, là người bạn đời của anh Hồ Văn Luông, sau một thời gian chữa trị bệnh viêm phổi cấp Covid-19 nhưng đã không qua khỏi. Nhờ nhận được chương trình Tang Lễ nên vào sáng ngày 30.05 lúc 10:45 giờ tôi đã đến chùa Pháp Tạng để tham dự buổi lễ Cầu Siêu cho Hương linh Hồ Kim Liên sinh năm 1959, đã từ giã cõi đời vào ngày 26.05.2021, nhằm ngày 15.04 năm Tân Sửu, hưởng dương 62 tuổi.

  Dịp này, đây cũng là lần đầu tôi gặp để Chia Buồn cùng anh Hồ Văn Luông và gia đình về nỗi buồn đau mất mát này. Nói là lần đầu bởi trong thời gian phụ trách tờ Nội San Hoa Sen của Hội Phật tử ở Wien từ năm 1995 cho đến sinh hoạt Phật sự ở Wien những năm gần đây, tôi chỉ gặp chị Kim Liên một lần, còn anh Luông thì chưa. Dù anh và tôi có thư từ qua lại vài lần khi anh định về thăm Salzburg nhưng có lẽ vì anh bận rộn công việc nên chúng tôi vẫn chưa gặp nhau.

   Với báo Hoa Sen thì hai anh chị đóng góp bài vở khá thường xuyên. Giang Hồ là bút hiệu của anh Luông, chị Kim Liên dùng hai bút hiệu cho văn thơ là Kim Liên (văn) và Lê Thị Cuối Cùng (thơ).

HOA BÁC ÁI

Tôi chơi vơi giữa dòng sông trần thế

Cuộn quanh mình những sai lạc lầm mê

Nghiệp chướng rong rêu chân quấn nặng nề

Ngàn nhân quả vỗ về từng đợt sóng

 

Nghe luân lưu giữa cuộc đời giấc mộng

Chìm nổi trôi trong mấy độ luân hồi

Năm tháng dài từng dòng lệ mặn môi

Xin cúi xuống và gục đầu sám hối

 

Nhành dương liễu bên bờ tầm tay với

Vớt tôi lên ra khỏi bến bờ mê

Nhạc từ bi đưa đón nẻo tôi về

Hoa Bác Ái đong đầy lời kinh niệm

 

Cây tình thương mở vòng tay yêu mến

Ánh đạo vàng chiếu rọi ngõ từ tâm

Xóa dần tan bao nghiệp chướng thăng trầm

Cho hạnh phúc nở ngàn Hoa Bác Ái. 

LÊ THỊ CUỐI CÙNG

NHÀ HẠNH PHÚC 

Tình đi mất chợt một hôm trở lại

Như đông tàn chợt đón gió xuân sang

Như một hôm bỗng nở cánh mai vàng

Và nắng ấm với khung trời xuân thắm

 

Anh ánh mắt chứa chan tình sâu thẳm

Anh môi cười nồng cháy nốt ruồi duyên

Anh vòng tay che chở rất êm đềm

Em xao xuyến như thuở vừa mới lớn

 

Không uống rượu sao nghe hồn say đắm

Không ngủ mê mà như sống trong mơ

Anh cho em nguồn hạnh phúc tình cờ

Hương ngào ngạt ướp ngày mưa tháng nắng

 

Tim đôi ta tình nồng hương đằm thắm

Và cuộc đời là hoa tắm nắng xuân

Lòng rộn vui mơ pháo cưới tưng bừng

Ta êm ấm trong căn nhà hạnh phúc. 

LÊ THỊ CUỐI CÙNG

Chị Mai - Chị Nghĩa Linh (Salzburg, 9.2013)

   Đầu tháng 7.2021 là thời gian được người dân Áo mong chờ khi lệnh phong tỏa đã được gỡ bỏ, gia đình chúng tôi đang dự tính đi đâu đó vài ngày để ‘giải khuây’ thì sáng ngày 02.07 được chị Bảy ở Salzburg báo tin chị Hai Nghĩa Linh đã qua đời vào ngày hôm qua 01.07.2021, sau một thời gian sức khỏe sút kém nên đã không qua khỏi vào tuổi 84

   Được tin, vợ tôi gọi thăm vợ chồng anh chị Hiếu rồi sau đó tôi liên lạc với Viễn để biết thêm tin tức, cả hai đều là chỗ thân tình mấy mươi năm qua khi gia đình chúng tôi ở Salzburg. Anh Trần Trinh Hiếu là em trai chị Nghĩa Linh giờ đã tuổi 76, chị Mai (vợ anh Hiếu) cho biết là đến lúc này vẫn chưa có chương trình Tang Lễ vì còn sớm cho nên phải đợi tin của con gái chị Nghĩa Linh có thể vào ngày mai.

   Chị Nghĩa Linh quê ở Lục Tỉnh, sinh năm 1937, xuất ngoại sang Âu Châu từ năm 1968 để theo học ngành Xã hội học trước khi kết hôn với vị Giáo sư Đại học người Đức, giảng dạy ở Salzburg. Chồng chị Nghĩa Linh nổi tiếng là một người trí thức hiền từ và dễ chịu trong mắt người Việt, rất tiếc là tôi chưa được gặp lần nào, bởi vì giữa tôi và chị Nghĩa Linh tuy có giao tiếp chỉ trong chừng mực.

   Mãi đến năm 1993 khi tôi thi bằng lái xe thì mới nhờ chị thông dịch. Trong ba người có bằng thông dịch ở Salzburg thì chị là người đầu tiên và cũng là người lớn tuổi nhất. Theo những người đến trước kể lại, chị đã giúp cho nhiều đồng hương đến định cư từ đầu thập niên 1980 mà trong những năm gần đây, mỗi khi có ai đó nhắc đến chị đều biểu lộ lòng quý mến và biết ơn .

   Chị Nghĩa Linh giỏi ba ngoại ngữ Anh Pháp Đức, nhờ giỏi tiếng Đức nên chị đã quen biết nhiều ‘yếu nhân’ trong chính quyền và nhờ tài ngoại giao của chị nên mới thành lập được Hội Cộng Đồng Người Việt tại Salzburg. Chị cũng góp công lớn khi lần đầu tiên Hội CĐ Người Việt tổ chức được lễ Giáng Sinh 1982, trong đó chị tài trợ và ủng hộ rất nhiệt tình bất cứ sự kiện nào ở Salzburg liên quan đến người Việt.

   Vào những năm tháng đầu tiên có người Việt đến Salzburg sinh sống, chị đã mở tiệm tạp hóa gần Bahnhof (ga xe lửa), nằm phía sau cây xăng đối diện với C&A trên đường Saint Julienstraße. Tuổi thọ tiệm tạp hóa không lâu vì các mặt hàng Á Đông cũng như rau cải không đầy đủ như bây giờ, lại phải đi xa tận bên München mua hàng cũng là một trở ngại nữa để đóng cửa. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, khi Hội Người Việt có tổ chức sự kiện hay tiệc tùng vui chơi, thì cửa hàng tạp hóa chị Nghĩa Lĩnh là nơi cung cấp những gì mà Ban Tổ Chức cần đến, tất cả đều miễn phí.

   Vợ chồng chị Nghĩa Linh có ba người con. Hai người con trai ở hai thành phố Wien và München, khi chồng qua đời chị sống với gia đình người con gái mà tôi đã gặp một lần ở nhà chị cho tới bây giờ. Những thông tin trên về chị Nghĩa Linh đã được chị Hiếu và em Hồ Văn Viễn cung cấp. Cám ơn chị và em Viễn rất nhiều.

   Từ sau những năm 2012, chúng tôi trong Nhóm G7 gặp chị nhiều hơn khi cùng tham gia sinh hoạt Phật sự trong những ngày lễ Phật Đản và Vu Lan được tổ chức ở Salzburg. Cũng trong năm này, đạo tràng Salzburg được đón tiếp Hòa Thượng Thích Trí Minh cùng ba Đại Đức Minh Tánh, Hạnh Vân và Viên Duy chứng minh Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu vào ngày 16.09.2012 được tổ chức tại hội trường Laufenstraße 36. Dịp này đã có 12 Phật tử Phát tâm Quy Y với Hòa Thượng Thích Trí Minh, trong số đó người cao tuổi nhất là đh. Nghĩa Linh và nhỏ nhất là cháu Ân Lai 6 tuổi.

   Vậy là sau những lệnh phong tỏa rồi nới lỏng tùy theo tình hình dịch bệnh nên gần như đã ảnh hưởng toàn xã hội mà trong đó vấn đề đi lại được kiểm soát gắt gao. Do vậy gia đình tôi cũng như bao nhiêu người khác “đi ra rồi lại đi vào” nên chưa rời khỏi thủ đô từ ngày đầu tiên chuyển đến Wien cho đến tháng 7.2021, tính ra đã 1 năm 10 tháng thì mới có kỳ nghỉ hè ngắn ngủi đầu tiên chỉ 5 ngày ở Kärnten, Áo. Cùng tham gia trong chuyến đi này có 9 người với gia đình Vũ 4, Bino 3 và vợ chồng chúng tôi.

   Đoàn xe ba chiếc khởi hành lúc 12 giờ ngày 13.07 lấy hướng Klagenfurt, đến Velden Wörthersee khoảng 16:20 giờ. Nhận phòng ở Kärnten Appartements trên đường Keutschacher Straße 131. Đây là một dãy nhà hai tầng với khoảng 15 phòng đủ tiện nghi với bãi đậu xe và sân vườn thoáng mát, cách hồ Velden Wörthersee chỉ vài phút xe, nơi mà chúng tôi đã ghé ăn kem, đi dạo cặp bờ hồ thuộc khu vực Schloss Velden và Casino Velden ngay buổi chiều mới đến.

   Sáng ngày 14 chúng tôi đến chân Tháp quan sát Aussichtsturm Pyramidenkogen gặp lúc hai bãi đậu xe không còn chỗ và trời sắp mưa nên quyết định đi thăm Minimundus, một địa danh của Kärnten còn được gọi là ‘Thế giới thu nhỏ’ hay là ‘Thế giới tý hon’ với kiến trúc đẹp sắc sảo như nguyên mẫu mà bất kỳ lứa tuổi nào đi nữa cũng có thể đến đây để khám phá và chiêm ngưỡng trên 160 kỳ quan thu nhỏ tại ‘Thế giới tý hon’ Kärnten mà không cần phải đi vòng quanh trái đất.

               


 

   Hôm sau trời mưa nên chỉ có Bino, Như, Ân Lai và bé My chạy xe đạp từ trưa cho đến chừng 16 giờ về nhà. Ngày cuối 16.07 đi xem sở thú Rosegg rồi đến thành phố Klagenfurt nghỉ chân dùng bữa trưa, uống cà phê rồi thả bộ vòng quanh vài con phố, về nhà sau 18:30 giờ. Buổi tối sau khi cơm nước xong có năm người là tôi, Bino, Vũ, Ân Lai và Khánh My đi Villach xem phim Black Widow (Góa phụ đen) xuất 21 giờ, người xem rất đông đa số là giới trẻ. Về đến nhà lúc nửa đêm.

   Sáng ngày 17.07 chúng tôi dậy sớm hơn thường lệ để thu dọn đồ đạc và trả phòng rồi cùng khởi hành lúc 10:30 giờ. Vợ chồng tôi trở về nhà, còn hai gia đình Bino và Vũ  tiếp tục đi Ý thêm một tuần nữa trước khi trở lại Wien ngày 25.07.2021. Vì thời tiết không được tốt, có gió mạnh và mưa suốt 300 km nên từ Wörthersee, Kärnten về Wien chỉ chạy với tốc độ cho phép từ 80 đến 100 km/h do đó phải mất đến 4,5 tiếng. Khi còn cách thủ đô Wien chừng 30 km thì cơn mưa mới giảm dần.

   Trở lại với tình hình dịch bệnh của tháng 7 sau khi mở phong tỏa, tuần đầu tiên ghi nhận chỉ từ 60 đến 120 ca nhiễm, nhưng ngày cuối của tháng 7 đã ghi thêm 538 ca. Dù vậy thời gian này tình hình vẫn còn thuận lợi nên vợ chồng Lê Nguyễn và Hoàng Thanh đã đến thăm theo lời mời của vợ chồng tôi ngày 31 tháng 07. Hôm đó nhà tôi con cháu đông đủ, lại có thêm gia đình Vũ Lan Anh và Bino với vợ chồng Tấn đều là chỗ quen biết nên đã có một buổi tối chuyện trò rất vui vẻ.

   Ngày 18.08 một cuộc viếng thăm và chúc thọ nhân Sinh Nhật thứ 100 của Sư bác Vạn Bảo Huỳnh Bửu Phan, đặc biệt là sự có mặt của Dr. Seelawansa cùng tám đạo hữu trong Ban Chấp Hành và Phật tử chùa Pháp Tạng đã mang đến cho Sư bác Vạn Bảo và gia đình niềm vui bất ngờ và ấm cúng.

   Cuối tháng 8 vợ chồng tôi nhận một tin vui được chờ đợi đã lâu là gia đình anh chị Đặng Đình Tài gồm ba người đã chuyển về Wien ở quận 23 để sống gần con cháu lúc tuổi già sức yếu. Do vậy vào giữa tháng 9 khi gia đình Viễn Hạnh ghé thăm, chúng tôi mới có được lần hội ngộ đầu tiên của ba gia đình Salzburg khi tôi dọn về Wien vừa tròn hai năm.

   Để kết thúc tháng 9.2021 vợ chồng tôi và Chân Như đã có chuyến ‘xuất ngoại’ đầu tiên trong mùa dịch, cùng đi có gia đình Vũ & Lan Anh và Kim Phượng sang Bratislava mua hàng Á Đông. Để các bà các cô thoải mái mua sắm gần đó, tôi và Vũ ngồi ở quán Hải Phòng vào giờ trưa đông khách. Hai chú cháu  nhâm nhi cà phê chuyện trò cho đến chừng 14 giờ các cô mua sắm vừa xong rồi cùng các cháu ăn trưa. Đây cũng là lần đầu chúng tôi được thưởng thức món bún chả Hà Nội và bún cá Hải Phòng rất ngon miệng, trước khi trở về Wien sau 15 giờ cùng ngày.


   Bước qua đầu tháng 11, Bino báo tin là để kỷ niệm Lễ Vía Đức Phật Dược Sư thành đạo, Đạo tràng chùa Pháp Tạng sẽ long trọng tổ chức Khóa Lễ Cầu An thọ trì Kinh Dược Sư  dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Trí Minh vào ngày chủ nhật 07.11.2021. Đây là lần đầu gặp lại Thầy từ tháng 5.2019 trong dịp lễ Phật Đản ở chùa Pháp Tạng.

   Chúng tôi đến sớm nên đã có chút thời gian chuyện trò thăm hỏi anh chị Hai, chị Khiếm cùng quý đạo hữu trong Ban Ẩm thực và cũng đã được gặp Hòa Thượng trước khi lễ Cầu An thọ trì Kinh Dược Sư bắt đầu lúc 10:30 giờ. Trên Chánh Điện có Hòa Thượng và Thượng Tọa trụ trì cùng 30 Phật tử. Xong lễ ở dưới phòng ăn có khoảng 10 người. Rất tiếc là chuyến thăm của Hòa Thượng Thích Trí Minh ở Wien chỉ ba ngày nên các dự tính khác đều phải gác lại.

   Nếu theo tuổi thật thì tháng 11 năm 2021 tôi 70, gia đình có dự tính làm một bữa tiệc nhỏ trong khoảng chừng 14 người mà thôi. Nhưng sau đó tôi thật tình không biết là con cháu lại “bày vẽ” thêm nên đã có đông hơn số người dự tính lúc ban đầu, được tổ chức ở nhà hàng Ebi, quận 21 vào ngày 20.11.2021. Đến giờ hẹn tôi quá bất ngờ khi thấy có gia đình Viễn Hạnh Vy và Nam đến từ Salzburg, một thành phố ở miền tây nước Áo xa 300 km. Marc từ Oberösterreich, Hương Giang và Hữu Đạo từ Linz gần 200 km. Ở Wien có Ông Bà Sui là anh Lê Văn Ty & chị Tuyết Nguyễn và bé Tiên. Anh Đặng Đình Tài & chị Nga cùng đi với vợ chồng tôi. Mỹ Dung. Gia đình Vũ Lan Anh  & Khánh My và Khánh Vy dù có chuyến đi chơi xa nhưng cũng đã về kịp. Các con cháu nhà tôi có Bino Lê Tuấn, Chân Như và Ân Lai, Kiều Nam và Alain. Và cuối cùng bên tôi là người vợ rất kín đáo “bật đèn xanh” để con cháu dành cho tôi một sự ngạc nhiên bất ngờ.

   Ở đời thường có rất nhiều chuyện buồn cười, bực bội hay ngạc nhiên khi gặp sự cố bất ngờ. Nhưng với Sinh nhật thì bất ngờ nào cũng mang lại niềm vui, cùng tấm lòng quý mến chân tình để trân trọng và cảm ơn. 

NGUYỄN SĨ LONG

Samstag, 27. November 2021

HAI BÀI THƠ

   Trên giấy tờ tôi sinh năm 1952 ở làng Chính An, là nơi nguyên quán mà bất cứ ai trong tờ khai tiểu sử hay lý lịch đều ghi đầy đủ như khi ghi danh trường lớp, trong đơn xin việc hay giấy tờ tùy thân. Theo năm tháng lớn khôn ba mẹ mới nói cho con nghe là tôi có năm sinh thật là 1951 (Tân Mão), cầm tinh con Mèo, nơi sinh là thành phố Huế. Sau 10 ngày mở mắt chào đời bên dòng Hương Giang trên đường Huỳnh Thúc Kháng, dì và mẹ đã thuê xích lô đưa con về quê ngoại ở làng Hiền Sĩ cách Huế chừng 25 km. Thời gian này làng Ngoại mất an ninh nên hai mẹ con được ngoại và dì chăm sóc chừng tám tháng trước khi về làng nội Chính An, xã Phong Lộc, quận Phong Điền, Thừa Thiên, Huế.

   Tôi đã trải qua thời thơ ấu mười ba năm đáng nhớ ở quê nhà, chín năm lớn lên ở Huế với một vài câu chuyện tình như những trang tiểu thuyết lãng mạn của tuổi học trò trước khi tiếp bước trưởng thành ở Sài Gòn cho đến khi cưới vợ sinh con, đã có nhiều dịp tham dự hoặc tổ chức sinh nhật cho con cháu trong gia đình. Tuy vậy tôi thường không chú ý hay mặn mà cho lắm về việc mỗi năm cần phải tổ chức một lần sinh nhật cho mình để “vui thêm một tuổi” như con cháu hoặc một số bạn bè gần xa.

   Cho đến những tháng cuối năm 2021 khi Coronavirus bất ngờ trở lại, tuy mạnh mẽ hơn năm trước nhưng bố mẹ đã tiêm mũi vaccine thứ ba vào đầu tháng 11, nên dù nhớ hay quên hoặc “không muốn gì cả” thì vẫn còn được vợ con nhắc đến là phải làm một chút gì đó mừng Sinh nhật Bảy Mươi của Bố Già. Bởi vậy, các con nhà tôi thừa biết một khi dịch bệnh vẫn còn ở mọi ngõ ngách trong thành phố thì chắc chắn một điều là ông Bố sẽ còn ngại ra đường và tránh hội họp đông người, nên đã âm thầm viết một “kịch bản” khác cho thích hợp hơn, mà kết quả thật là hoàn hảo cho đến phút chót. Thế nên trong phạm vi giới hạn của bài viết, tôi xin được chưa nhắc đến những người đã tham dự trong lần họp mặt này (không chỉ ở Wien mà còn có các em, các cháu đã vượt đường xa về chung vui), để gởi đến bạn đọc hai bài thơ của hai nữ sĩ ở Wien, một Già một Trẻ viết tặng tôi trong dịp sinh nhật Bảy Mươi: Mừng Sinh Nhật Chú Long của chị T. Nguyễn và Bảy Mươi của Chân Như.

    
Hai Chị Sui

   Chị T. Nguyễn sinh năm 1946 (75 tuổi), quê ở Huế, sống ở Qui Nhơn trước khi ra nước ngoài cùng chồng và 4 con vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 ở Sài Gòn trên tàu Trường Xuân, sau đó cập bến Hong Kong. Ở Hong Kong chưa đủ năm thì được chính phủ Áo nhận và không bao lâu đã đến Mödling, một thành phố cách Wien 16 km chỉ một tháng trước mùa Giáng Sinh 1976. Khi đời sống trên đất khách quê người ổn định chị sinh thêm một bé gái (3 trai 2 gái), làm ở hãng Philips trên 10 năm rồi nghỉ vì lý do sức khỏe.

   Tháng 2.1991 tôi và một số người quen từ Salzburg lên Wien để đón vợ con theo diện đoàn tụ, và thật bất ngờ khi chị cũng có mặt ở phi trường để cùng đón vợ con nhà tôi trong ngày sum họp. Ân tình ấy từ ba mươi năm qua nhưng vợ chồng chúng tôi vẫn còn nhớ và trân trọng cho tới bây giờ. Ngày 20.11 vừa rồi chị lại dành cho tôi một bất ngờ nữa khi tâm sự với vợ tôi trong bàn tiệc: -“Với ai thì tui không đi dự mô, nhưng sinh nhật 70 của chú Long thì tui phải đi để tặng chú bài thơ mà tui đã làm trong ba ngày liền, mệt muốn xỉu luôn...”  Đến đây thì chắc bà con ở Wien có nhiều người quen biết tác giả bài thơ “Mừng Sinh Nhật Chú Long” không ai khác là chị Tuyết Nguyễn, cũng là chị Sui của vợ chồng chúng tôi từ năm 2004. Cảm ơn tấm lòng và những lời khen tặng của người chị kính mến, hiền lành Tuyết Nguyễn và nay giới thiệu cùng bạn đọc.

MỪNG SINH NHẬT CHÚ LONG


Chúc mừng sinh nhật chú Long

70 tuổi thọ tưởng còn thư sinh

Trông người tên đẹp dáng thanh

Vợ con yêu quý bạn bè mến thương

Tài năng lại cũng có thừa

Văn thơ đủ loại vang danh một thời

Tánh tình nhỏ nhẹ chân thành

Gia đình hạnh phúc cửa nhà đẹp xinh

 

Hôm nay sinh nhật chú nè…

Chúc chú khỏe mạnh, trẻ hoài đó nghen.

 

Chị Tuyết Nguyễn 

Chân Như

   Với Chân Như thì trong những năm vừa qua Bố già đã đăng lại trên Blog NSL một số bài viết của Chân Như đi trong Nội San Hoa Sen từ năm 1995 đến 2003 do Hội Văn Hóa Xã hội Phật tử tại Áo xuất bản gồm: Tâm Thanh Tịnh, Ơn sinh thành, Ký ức quê nhà và Lớp Việt ngữ. Lần này Chân Như tặng Bố một bài thơ lục bát gồm ba khổ vừa viết xong đúng vào ngày sinh nhật, được in lên Thiệp trong hôm đó nên chưa kịp đặt tên, nay Bố tạm lấy tên là Bảy Mươi:

BẢY MƯƠI


Bảy mươi năm kiếp con người

Dòng đời xuôi ngược khóc cười đã qua

Giờ đây con cháu đầy nhà

Vợ hiền chăm sóc mắm cà có nhau

 

Cuộc đời dù lắm bể dâu

Trăm thương ngàn nhớ vì lâu chưa về

Mẹ già cùng với làng quê

Phương xa vọng ngó bộn bề lo âu

 

Bên ta bút sách giải sầu

Vườn đào ong bướm sắc màu hân hoan

Tràn đầy sức khỏe an khang

Là điều mong ước cả làng mến trao.

 

NGUYỄN SĨ CHÂN NHƯ

Wien, Ikea Westbahnhof

17.11.2021

   Trước khi khép lại bài viết, không quên gởi lời cảm ơn đến các anh chị em quý mến cùng con cháu ở Wien, Salzburg và Oberösterreich đã không ngại đường xa đến chung vui Mừng Sinh Nhật 70 với gia đình chúng tôi, được tổ chức tại Wien ngày 20.11.2021, thật ấm cúng và thân tình.

NGUYỄN SĨ LONG