Chiều ngày 18.08 tôi có cuộc hẹn bất ngờ ở quận 10, nằm trên đường Gudrunstraße quen thuộc mà những năm về trước khi còn ở Salzburg, mỗi lần lên Wien thỉnh thoảng tôi đến đây thường chỉ là thăm viếng nhưng lần này thì khác.
Tôi đậu xe ngay con đường
trước nhà vừa đúng 17 giờ, cũng là giờ hẹn gặp một số đạo hữu trong Ban Chấp
hành và Phật tử chùa Pháp Tạng gồm có: chị Hai (đh. Phạm Thị Hiền), chị Khiếm,
chị Ngọc, hai cô Kim Phượng, Hoa và Chân Như.
Vì để dành sự bất ngờ đến phút chót cho chuyến viếng thăm “hạn chế phổ biến” này nên bảy người chúng tôi đứng ở sân chơi gần nhà để chờ hai nhân vật quan trọng nữa rồi mới biết sẽ làm gì tiếp theo. Đó là đh. Bino và thầy Seelawansa cũng vừa đến. Chúng tôi chụp một tấm hình rồi Bino và Thầy đi vào trước, chừng 5 phút sau đó các chị em sẽ vào sau.
Đến đây thì câu chuyện không còn bí mật nữa mà trở thành một buổi chiều phải nói là “vô cùng ngạc nhiên và sững sốt” theo như lời cháu Nhung, con gái của bác Huỳnh Bửu Phan, khi được quý Thầy và Phật tử đã bất ngờ đến Thăm Viếng và Mừng Thọ nhân ngày sinh thứ 100 của Sư Bác Vạn Bảo mà không hẹn trước, dù bác đã về hưu lâu lắm rồi nhưng trên danh nghĩa cho đến bây giờ vẫn là Hội trưởng, Hội Văn Hóa Xã hội Phật tử Việt Nam tại Áo.
Nhắc thêm một chi tiết
khá vui nữa là khi Bino và Thầy bấm chuông vào
nhà, các con cháu tưởng chỉ hai vị khách thôi nên đóng cửa lại, còn chồng của
cháu Nhung mặc quần ngắn nên tạm thời lánh mặt, ngoài phòng khách bác Phan và cô
con gái đang bối rối tiếp khách chưa biết phải xử sự như thế nào thì lại có người
bấm chuông. Lần này khách đông hơn, có các chị bưng mâm quả y như tiệc cưới quê
mình, lại có thêm người quay phim chụp ảnh nên buổi thăm viếng bất ngờ thêm phần
long trọng và biết đâu không chừng lại có thêm một đoàn thứ ba nữa thì sao ? Các
cháu trai gái thật lễ phép và dễ thương cúi chào khách mệt nghỉ. Bác Phan cũng
không dấu được niềm vui trên gương mặt phúc hậu và hiền từ, đôi tay bác không
ngừng biểu hiện cảm xúc chẳng nói nên lời.
Sau những lời thăm hỏi, chúc mừng rồi chủ khách an vị. Thầy Seelawansa bắt đầu chuẩn bị phần lễ nghi đơn giản với một vài yêu cầu: -một tô nước lạnh, một bình hoa, đèn cầy và một cái kéo. Vậy là ba bốn người “lăng xăng” tìm đồ trong các ngăn tủ, kệ và thấy ai cũng vui với tinh thần “Top Secret“ có tác dụng thì mới phát sinh tình huống mà ông bà mình thường ví von “như gà mắc đẻ” thế này. Cuối cùng và đặc biệt hơn cả khi một món đồ trong nhà không có thì phải ra ngoài sân kiếm, đó là một cành hoa hồng tươi đẹp được chồng cháu Nhung tìm được ở gần chung cư. Tuy phòng khách không được lớn nhưng cũng đủ cho gia đình và khách có tất cả 15 người ngồi vòng quanh để nghe thầy Dr. Seelawansa, vị tu sĩ người Tích Lan, cư trú và dạy học tại Đại học Wien đang hướng mắt về Sư Bác chậm rãi nói, được đh. Bino thông dịch, dưới đây là trích đoạn:
“-Thầy chúc Sư Bác tất cả tốt đẹp, mọi sự vui vẻ trong ngày sinh nhật hôm nay. Sinh nhật đối với chúng ta là rất quan trọng. Bác giờ đã sống 100 năm nhưng thật ra đã 100 năm và 9 tháng rồi theo cách tính của Phật giáo, khi làm sinh nhật này thì chúng ta cũng nên nghĩ đến song thân của mình. Cha mẹ thật ra bây giờ đang sống ở một thế giới khác, thế giới đó đẹp hơn thế giới chúng ta đang sống. Trước hết đời sống hồi xưa rất là giản dị và không cần gì nhiều trong cuộc sống vốn rất nề nếp và tôn trọng thiên nhiên, nên khi Bác ra đời thì đã thu nhận được nguồn năng lực của thời gian đó. Bởi vậy nên thế hệ đó sống lâu hơn bây giờ”.
Thầy nói tiếp: - “Dù mình chúc Bác tất cả tốt đẹp nhưng mà năng lực của chúng ta không mạnh và không cao bằng Bác. Bác có nhiều năng lực hơn mình, đáng lẽ Bác phải chúc lại chúng ta thì mới đúng (thính chúng cười). Vì năng lực của mình không lớn và không cao như Bác, nhưng khi tu tập như tụng kinh thì chúng ta có thể thu được và làm trong sạch năng lực của mình. Khi mình làm được điều này rồi thì càng ngày chúng ta càng có nhiều năng lực hơn, rồi với năng lực đó mình có thể chúc Bác được tốt đẹp cùng những gì mình mong muốn Bác được như ý…”
Bác Vạn Bảo quê ở Trà Vinh, vừa chào đời chỉ vài ngày vào tháng 8 năm 1921 (Tân Dậu) thì được theo gia đình chuyển về Sài Gòn sinh sống cho đến khi khôn lớn và trưởng thành. Tháng 5.1989 bác sang Áo và chỉ một lần duy nhất về thăm Việt Nam vào năm 2010. Năm 1995 bác được bầu vào Ban Chấp Hành, Hội Văn hóa Xã hội Phật tử Việt Nam tại Áo tính đến nay đã 26 năm trên chiếc ghế hội trưởng, cũng là năm bác được thầy Thích Trí Minh chứng minh lễ Xuất Gia và lên chức Sư Bác với Pháp danh Vạn Bảo. Và thật đặc biệt hôm nay khi thầy Seelawansa đang chuẩn bị làm lễ, đúng lúc Hòa Thượng Sư Phụ Thích Trí Minh từ Oslo, Na Uy gọi thăm và chúc mừng Sinh Nhật Một Trăm tuổi của Sư Bác Vạn Bảo.
Thầy chuẩn bị xong,
trước khi đọc kinh Bino giúp Thầy khi kéo dài một sợi dây trắng nhỏ được bắt đầu
từ thầy Seelawansa rồi đi ngang qua đôi bàn tay
của mỗi Phật tử và người cuối cùng là bác Vạn Bảo. Lễ bắt đầu lúc 17:50 giờ, Thầy
cầm chiếc quạt che trước mặt rồi bắt đầu đọc kinh bằng tiếng Phạn, sợi dây trong
lòng bàn tay của mỗi Phật tử như kết chung niềm vui và thương kính của gia đình
cùng một số Phật tử được tham dự buổi họp mặt Mừng Thọ Sư Bác thật gần
gũi và thân tình này.
Sau thời kinh Thầy ban Nước Cúng Phật và cột một đoạn dây trắng vào cổ tay cho mỗi người vừa xong thì có ba cô cháu gái của bác đến thăm, giờ đếm số người tham dự đã lên 18. Tôi không hiểu ý nghĩa của sợi dây được cắt từng khúc rồi cột vào cổ tay là gì nên đh. Bino giải thích: -“khi tụng kinh, nhiều năng lực được chuyển hóa rồi đi vào sợi dây đó, nó sẽ hấp thụ vào cơ thể mình...”
Khoảng 18:30 giờ, trên bàn
chiếc bánh sinh nhật, dĩa xôi cúc và hộp bánh bò do các chị Phật tử mang đến được
sắp xếp lại để chuẩn bị đốt pháo sáng và chụp hình chung. Lần đầu cây pháo bị cắm
ngược trên bánh sinh nhật nên đốt không cháy làm ai cũng tưởng…hư, may là khi
quay đầu đốt lại một lần nữa thì pháo sáng bắn lên cao trông rất đẹp mắt, mọi người
vỗ tay và ước nguyện của con cháu cùng Phật tử là mong Bác vẫn sống khỏe
và tiếp tục “tỏa sáng” thêm 10 năm nữa.
Lợi dụng một chút thời gian chuẩn bị cắt bánh, gia đình và khách chụp hình rồi sau đó tiễn thầy Seelawansa và Bino ra cửa. Chúng tôi ở lại dùng bánh kem, xôi cúc, bánh bò và chuyện trò khá lâu. Qua đó mới thấy được cảm xúc trong ngày Mừng Thọ 100 tuổi là hết sức bất ngờ nhưng ấm cúng khi con cháu sum họp, cầu chúc cha mẹ ông bà sống thọ, đồng thời tỏ lòng biết ơn về công lao sinh thành dưỡng dục của đấng sinh thành.
Riêng tôi rất vui với bài viết về một sự kiện đặc biệt này, vì xưa nay lúc còn ở quê nhà cho đến khi ra nước ngoài đến giờ chưa hề gặp. Cho nên có lẽ đây là dịp quý hiếm trong đời được tham dự tiệc mừng Một Trăm Tuổi của một vị Sư Bác, thì ít nhiều cũng có những giây phút nghĩ về thế hệ chúng tôi tiếp nối sau này thật khó để mong cầu con số Một Trăm.
TUỆ LAM