Freitag, 22. Oktober 2021

TIẾC NUỐI

Ảnh Internet

    Bước sang năm 1996 gia đình tôi đang ở vào thời điểm khá lạc quan sau 5 năm đoàn tụ, ba thành viên nữ gần như đã thích nghi với đời sống mới, việc học của hai con đã ổn, nợ ngân hàng đến bây giờ không còn là mối lo khi hai vợ chồng đã có việc làm ổn định, nên dự định một chuyến thăm Hoa Kỳ là có thể thực hiện được. Do đó đầu tháng 3 nhà tôi quyết định đặt vé cho chuyến đi bốn tuần lễ vào mùa hè tháng 7.1996, đến Little Saigon, California trước để thăm người chị dâu một tuần, ba tuần còn lại sẽ thăm hai gia đình bên vợ ở Houston và địa chỉ cuối cùng là cô ruột tôi ở Dallas.

   Về phía nhà tôi ở Huế thì vẫn liên lạc thường xuyên nên biết ba tôi từ năm 1994 đã ra vào Sài Gòn nhiều lần để ở lại chữa bệnh. Thời gian đầu trong năm 1995 đã có nhiều kết quả tốt, nhưng trong lá thư đề ngày 19.12 từ Sài Gòn gởi ra Huế ba tôi viết: “-Kỳ này ăn uống hơi yếu, nên hai ba ngày chỉ hầm lấy nước súp ăn với bánh mì”. Do đó ba tôi đã quyết định trở về Huế vào tháng 3.1996 sau lần tái khám cuối cùng, bác sĩ đã cho xuất viện cùng toa thuốc về nhà để tự điều trị. Qua tháng tư sức khỏe ba tôi yếu dần, tách trà và ly sữa buổi sáng có khi nuốt không trôi, dùng bữa khó khăn và giảm cân nhanh chóng. Ngày 1 tháng 5 khi tôi gọi về thăm thì bệnh tình ba tôi đã trở nặng, cũng là lúc mẹ và các con chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu nhất. Và thật vậy chỉ hai tuần sau đó vào ngày 11 tháng 5.1996 ba tôi ra đi nhẹ nhàng khi có vợ con túc trực bên giường bệnh, hưởng dương 71 tuổi, để lại vợ và tám người con đã trưởng thành. Các con cháu ở Sài Gòn về đông đủ, ngoại trừ gia đình tôi ở Áo trong thời gian đó chính phủ đang theo dõi gắt gao những người Việt được cho định cư tại nước Cộng Hòa Áo theo quy chế tỵ nạn và đã có quốc tịch, dù về Việt Nam với bất cứ lý do gì đi nữa, họ vẫn bị tước mất quyền tỵ nạn và có thể bị trả về Việt Nam sau đó.

   Ba tôi được đưa về nguyên quán ở làng Chính An, xã Phong Lộc. Tôi đâu ngờ trong chuyến đi của ba tôi từ Huế vào Long Xuyên rồi trở lại Sài Gòn thăm con cháu cuối tháng 5.1987 gặp lúc tôi đang chuẩn bị về Cần Thơ để đi vượt biên, và cũng là lần cuối cùng hai cha con gặp nhau chỉ được vài ngày. Hình như ba tôi đã linh tính được điều gì bất thường trong chuyến đi “công tác” lần này của tôi với nhiều lo lắng nên ông đã về Huế sớm hơn dự tính. May mắn là tôi đã “đi lọt” khi bức điện tín được gởi từ trại Tỵ nạn Palawan, Philippines đã về đến Sài Gòn sau gần hai tuần lễ trong sự thấp thỏm, lo âu đợi chờ của vợ con và gia đình. Về đến Huế ba tôi hoàn toàn “vô tội” nhưng vẫn được Công an phường mời lên “làm việc” hai lần với lý do vào Sài Gòn đưa con đi nước ngoài.

   Vì đã đặt vé cho chuyến đi Hoa Kỳ trước ngày ba tôi qua đời, do đó sau khi bên nhà mẹ và gia đình đã lo hậu sự cho ba được chu toàn nên vợ chồng tôi yên tâm chuẩn bị kỹ lưỡng kỳ nghỉ hè vì có em bé chỉ mới 8 tháng tuổi, còn hai chị thì nay đã lớn, Chân Như 17 và Kiều Nam 13.

   Trưa 12.07 gia đình 5 người chúng tôi đến phi trường Los Angeles khoảng 14 giờ, được chị Diễm Hương và anh Minh đón về nhà ở vùng Lake Forest, cách Little Saigon khoảng 30 phút xe. Vậy là sau 26 năm mới gặp lại chị, tính từ thời điểm tôi lên thăm Pleiku và bị tai nạn giao thông vào mùa hè 1970. Rồi 18 năm sau, nhờ nối được liên lạc khi chị đã sang Hoa Kỳ, nên tôi đã thật ấm lòng được chị tiếp sức trong thời gian ở trại Palawan trước khi lên đường định cư vào tháng 12.1988 . 

  Gặp lại chị và chuyện trò trên chặng đường chừng hơn một tiếng đồng hồ từ phi trường về nhà làm tôi nhớ ngày xưa chị Diễm Hương là cô nữ sinh Đồng Khánh có nét đẹp quý phái và sang trọng trong mắt tôi thuở ấy khi lần đầu anh Thắng, là anh em cô cậu, đưa chị đến thăm gia đình tôi ở trong Thành Nội vào mùa xuân năm 1967. Sau nhiều lần đến chơi, chị đan một chiếc áo len màu xanh dương rất đẹp mang đến tặng tôi. Thật là vui khi lần đầu được một người “chị dâu tương lai” tặng quà, tôi mừng lắm, khi đó 15 tuổi. Rồi lễ cưới được tổ chức xa, chị về làm dâu nhà chồng ở Pleiku lúc nào tôi cũng không hay. Nhưng sau năm 1975 chị đã là góa phụ khi người chồng, Sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sinh năm 1945, đã qua đời ở Pleiku khi vừa ra khỏi trại học tập cải tạo. Chị một mình đã mang được hai con sang Mỹ năm 1977, còn hai con ở Việt Nam được người dì chăm lo, đồng thời hai cháu vẫn thường xuyên liên lạc với vợ tôi ở Sài Gòn và được xuất cảnh cuối năm 1990, chỉ trước vợ tôi sang Áo vài tháng. Do vậy khi sang thăm chị trong lần này đã gặp đủ các con của chị nên các anh em, con cháu có dịp làm quen tuy chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi nhưng đã cùng đi chơi Disneyland, vài lần ra Phố Bolsa thưởng thức món ăn Việt và mua sắm lặt vặt. Trong số những lần ra phố đó, ngày 14 tháng 7 hai chị em đi thăm chùa Việt Nam ở Los Angeles.  

 Chùa Việt Nam, Los Angeles

   Trên đường đi chị nói: -Biết em có học ở trường Vạn Hạnh trước 75 nên chị dành bất ngờ này cho em. Rồi chị cười, tôi cũng thấy vui dù chưa đoán được điều gì trong sự bất ngờ này.

   Khi sắp tới nơi chị chạy chậm, tôi như vẫn còn đang suy nghĩ mông lung khi đã bước vào cổng Chùa, chị hỏi : -Nghĩ ra chưa ? Tôi lắc đầu chịu thua, chị nói: -Không sao em, mình vào chào Thầy, thầy Thích Mãn Giác chắc em biết.

   Từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác, nhưng tôi cũng kịp nghĩ ngay đến một vị tu sĩ Phật giáo ở trong giới lãnh đạo cao cấp của trường Đại học Vạn Hạnh. Nếu đúng thì đến bây giờ đã trên 20 năm chắc gì tôi sẽ nhận ra?

   Tôi cung kính chào Thầy khi chị Diễm Hương giới thiệu rồi hai chị em cùng ngồi dùng trà. Thầy thân tình hỏi chuyện và vui khi biết tôi trước đây cũng là sinh viên Cao học 1 Phân khoa Khoa học Xã hội ở trường. Thời gian đó thầy là Phó Viện Trưởng Đặc Trách Điều Hành Viện Đại Học Vạn Hạnh cho tới tháng 4.1975 là ngày Sài Gòn sụp đổ.

   Hôm đó trước khi ra về tôi được Thầy ký tặng hai cuốn sách mà Thầy là tác giả: “Bão Qua Cổng Chùa” và tập thơ “Mây Trắng Thong Dong”, đạo hiệu Huyền Không. Lên xe tôi cảm ơn chị Diễm Hương khi được thăm Ngôi Chùa mà chị thường “đi chùa nhiều hơn đi làm” để tu tập trong những năm qua và một ngày vui cùng nhiều bất ngờ khi thật vinh dự được gặp Hòa Thượng Thích Mãn Giác, pháp danh Nguyên Cao, đạo hiệu Huyền Không, sinh năm 1929 tại Cố đô Huế, nguyên quán làng Phương Lang, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

   Thầy Mãn Giác được du học Nhật Bản năm 1960. Cuối năm 1965 sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ, Bộ Giáo Dục VNCH chính thức mời về giảng dạy tại ĐH Văn Khoa Sài Gòn và Huế. Cũng trong năm 1965, Thầy bắt đầu cộng tác chặt chẽ với Viện Đại Học Vạn Hạnh do Hòa Thượng Thích Minh Châu làm Viện trưởng, thầy Thích Mãn Giác Khoa trưởng Phân Khoa Phật Học và Triết Học Đông Phương. Ngoài ra Thầy còn viết nhiều sách và thơ, trong đó tập thơ “Mây Trắng Thong Dong” là một trong năm thi phẩm của Thiền sư thi sĩ Huyền Không được Thanh Văn xuất bản, California 1993. 

Ảnh Internet

   Một tuần lễ ở Little Saigon qua rất nhanh, tuy đã về Houston nhưng cái đầu vẫn còn quay lại để nhớ ba ngày chị Diễm Hương dẫn cả nhà đi “ăn hàng” ở Phố Bolsa. Vợ và các con vui quá chưa thử cho biết thì đã thấy “no mắt” đến nỗi ghé qua Phước Lộc Thọ mà lại “quên mua hột xoàn” khi thấy nhiều hàng quán thức ăn thứ gì cũng có, món nào cũng ngon từ ổ bánh mì Made in Saigon, ly cà phê đá cho đến những ly chè, bịch nước mía lạnh, tô bún bò Huế thơm phức thì làm sao mà ôm cho hết…khi cuộc hành trình còn được tiếp tục về Houston thì cũng có món gây choáng với tô phở “to tổ chảng” như cái chậu sành ở tiệm phở Công Lý, lại có nhân viên phục vụ luôn sẵn lòng chìu khách bồi thêm một chén “nước béo hành trần bổ tim” cho quý ông tăng cường sức khỏe, chưa kể nhà hàng Kim Sơn, đi chợ thì Siêu thị Hong Kong là ưu tiên số 1, rồi mấy lần đi câu cua thật vui và có một ngày đến Phương My Music, Sơn & Thúy đã mua tặng anh chị 20 dĩa CD ca nhạc và Karaoke các loại. Còn anh chị Phúc & Kim Mai thì tặng một Amply Pioneer làm quà mang về Áo.

 Kim Phụng & Kim Mai 

   Hồi đó anh vợ tôi Nguyễn Đình Phúc, thường gọi là anh Hai, là người tiên phong đến định cư ở tiểu bang Cao Bồi Texas năm 1982 sau khi được tàu Mỹ vớt, để vợ và con trai 3 tuổi ở Sài Gòn. Đến cuối năm 1987 và đầu 1988 đến lượt vợ chồng em gái là Thúy và Sơn cùng con gái 7 tuổi vượt đường bộ qua Thái Lan, sau thời gian bị đọa đày khốn khổ rồi cũng may mắn thoát được sang Mỹ trong hai năm 1989 và 1990. Với anh Hai thì sau 10 năm chờ đợi bảo lãnh, vợ con đã được đoàn tụ vào năm 1992. Lúc vợ chồng tôi sang thăm thì hai gia đình tỵ nạn đều đã có nhà cửa, mở hai tiệm nails cùng nhịp sống vươn lên từng ngày, mạnh tay giúp gia đình đôi bên nội ngoại ở Việt Nam được thêm phần sung túc, no ấm. Gần một thập niên sau lần lượt có thêm gia đình cậu Thắng Em 5 người được ra đi theo diện “người tỵ nạn hồi hương được xét nhập cảnh Mỹ” vào năm 2004. Cuối cùng, dì Út Thanh Tâm là thành viên thứ tư trong gia đình được xuất cảnh năm 2005 theo diện bảo lãnh. Từ đây vào dịp Tết hay những ngày lễ, sinh nhật, danh sách con cháu dâu rể tăng đều, nhẩm tính chắc không dưới 20 nhân khẩu.

   Văn Sơn & Lệ Thúy

   Tôi và Sơn là anh em cột chèo, khá thân thiết từ khi còn ở Sài Gòn vì không hẹn mà cùng đến làm rể một gia đình gốc Huế ở quận Phú Nhuận. Chuyến đi nước ngoài của tôi ở bến Ninh Kiều, Cần Thơ được trót lọt nên đã ghi “công đức” của Sơn về một đêm thức khuya dậy sớm để đưa tôi đến điểm hẹn ở Ngã Bảy. Lần hội ngộ này sau chín năm, Sơn lại đưa đi thăm gia đình cô dượng tôi ở Dallas, một thành phố phía bắc cách Houston chừng 400 km.

   Gia đình cô dượng sang Mỹ năm 1994 theo diện HO với 7 người con, nay cô đã 69 tuổi, dượng 71, là Thiếu tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa khi Sài Gòn thất thủ. Trong thời gian dượng vào trại cải tạo sau 1975, đã có hai lần tôi đi với cô lên trại Suối Máu thăm nuôi, đến giờ dượng vẫn nhớ để lâu lâu nhắc lại khi tôi và dượng vẫn liên lạc khá thường xuyên. Qua năm 2021 dượng đã tuổi 96 (sinh cùng năm 1925 với ba tôi) nhưng nghe điện thoại vẫn còn tốt, giọng nói khỏe như tuổi trung niên, trí óc minh mẫn khi nhắc chuyện xưa hàng chục năm trước rõ ràng và rành mạch, đôi mắt còn đủ sáng khi đọc không sót một chữ trên FB, và đáng ngưỡng mộ hơn hết là dượng còn lái xe đi chợ, nấu ăn khi  các con vắng nhà.


Thanh Tâm

     Sau ngày đi Dallas trở về vợ chồng tôi chỉ còn ba ngày nữa là kết thúc chuyến đi. Thu xếp hành lý đâu vào đó rồi cả nhà cùng lên Chùa lễ Phật, thì mới biết thêm là Chùa Việt Nam ở Houston trùng tên với ngôi chùa ở Los Angeles mà chỉ cách đây ba tuần tôi vừa đến thăm với chị Diễm Hương.

   Cuộc sống trở lại bình thường sau một tháng sang Hoa Kỳ thăm người thân trong gia đình. Dù chưa về được quê nhà nơi ông bà, cha mẹ, anh em đang đợi chờ, nhưng chuyến đi đã ghi lại quá nhiều ân tình ở Houston và Dallas, bên cạnh tình thương của người chị đơn chiếc ở Little Saigon không khác gì ruột thịt nơi đất khách quê người lại càng thêm thân thiết và ấm áp hơn.

   Những năm tháng sau đó hai chị em vẫn thường liên lạc, đồng thời chờ chị báo tin dự tính lúc nào sắp xếp được thời gian sang Áo thăm các em. Rồi xuân qua hè tới thu sang cho đến một ngày đông lạnh giá tràn về, đã mang theo buồn đau và tiếc nuối khi nhận được tin dữ người chị Phật tử Nguyễn Thị Kiều Diễm Hương, Pháp danh Như Thanh, sinh năm 1946 tại Kim Long, Huế đã trút hơi thở cuối cùng ở Bệnh viện Saddleback Laguna Hills, California do bệnh nan y, ngày 06.12.1999, hưởng dương 53 tuổi.

   Chị để lại một đàn con mà thuở còn thơ dại đã sớm mồ côi cha từ tấm bé, nay lại đớn đau nhìn người mẹ thương yêu ra đi trước những vành khăn tang trắng.

NGUYỄN SĨ LONG