Sinh ngày 24.01.1945 tại Bạc Liêu
Mất ngày 04.10.2022 tại Salzburg
(Nhằm ngày 09.09 năm Nhâm Dần)
Sau tròn ba năm dọn về Wien từ tháng 9.2019 vừa xong thì đại dịch Covid-19 bùng phát. Đến nay tôi mới trở lại Salzburg khi được tin buồn hết sức bất ngờ, anh Trần Trinh Hiếu là thân phụ của cháu Mai Châu đã qua đời vào ngày 04.10.2022 sau hơn một tháng nằm viện. Ba mẹ Mai Châu là một trong những gia đình ở Salzburg mà đến nay dù đã ba năm chưa gặp lại nhưng vợ chồng chúng tôi vẫn giữ mối giao hảo thân tình cùng sự quý mến như anh chị em trong nhà. Cho nên ngay sau khi được tin vào tối ngày 05.10 vợ tôi đã gọi thăm chị Hiếu để chia sẻ, an ủi cũng như xoa dịu phần nào nỗi buồn đau của chị khi một người thân yêu nhất trong đời mình vừa nằm xuống.
Sáng hôm sau tôi báo tin cho Viễn rồi gọi thăm Mai Châu. Khi cháu nhận ra tiếng nói của người gọi thì tôi cũng vừa nghe được tiếng khóc của Mai Châu ở bên kia đường dây, như thể lòng mình cũng đau nhói trước cảnh chia lìa và mất mát quá lớn. Tiếng Mai Châu nhỏ nhẹ: -“Chú đi lâu quá con không gặp lại nên thật bất ngờ. Cho con gởi lời thăm và chúc thím sức khỏe. Con thật ấn tượng với thím nên không thể nào quên được. Con xin cảm ơn chú thím rất nhiều”.
Đến buổi tối cùng ngày tôi đã được Viễn cho những thông tin về Chương Trình Lễ Tang sẽ được bắt đầu vào lúc 11 giờ ngày 12.10.2022 tại Bestattung Jung trên đường Innsbrucker Bundesstraße 44. Anh chị Bảy Đặng Đình Tài cũng có mối thâm tình với anh chị Hiếu trên ba thập niên qua nên cũng muốn đi Salzburg với vợ chồng chúng tôi. Ngoài ra, Viễn cũng cho biết Tang quyến không nhận phúng điếu nên chúng tôi gồm năm gia đình (Wien 2, Salzburg: Hạnh, Huệ, Loan) nói nhỏ với nhau là nên lặng lẽ để nhờ Viễn đặt một lẵng hoa, hy vọng ‘Ông anh mê nhạc’ sẽ hết sức thông cảm cho sự lựa chọn có phần khó khăn này.
Tối ngày 10.10 chị Hiếu đã không nén được cảm xúc khi nghe vợ tôi báo tin là chiều mai anh em chúng tôi bốn người sẽ về Salzburg trước một ngày cho rộng rãi thời gian để ghé thăm chị rồi sau đó đưa anh chị Bảy về nhà Huy, là con trai duy nhất còn ở Salzburg và đang trông coi Restaurant HUY - COOK & EAT trên đường Münchner Bundesstraße. Những thông tin này Viễn cũng đã biết để ba gia đình anh em lại có dịp họp mặt một lần nữa như trong lần ‘Hội Ngộ’ đầu tiên vào tháng 9.2021 tại Wien.
Anh chị Bảy ở cách nhà tôi chưa tới 4 km nên việc thăm viếng, đưa đón rất thuận tiện và nhanh chóng. Sáng hôm đó đúng giờ hẹn anh chị và cháu Thanh, là con gái út đã chờ sẵn trước nhà để giúp ba mẹ lên xe. Tuổi anh chị nay đã gần tám mươi, chân yếu tay mềm nhưng vẫn không quên những gói quà tình nghĩa mang về Salzburg lần đầu tiên sau hơn một năm ‘tái định cư’ ở Wien.
Buổi sáng 11.10 trời thủ đô nắng lên sớm hơn mọi ngày nhưng đến trưa mây che suốt gần 200 km, đây cũng là lúc xe tôi có chút trục trặc bất thường ở cây số 230 tính từ Wien, khi chân ga không còn điều khiển được tốc độ. Tôi dừng lại để kiểm tra xe, thấy an tâm vì mới khám xe định kỳ mỗi năm vào cuối tháng 8.2022 vừa rồi. Lúc này còn chừng hơn 60 km nữa mới đến Salzburg, chạy tiếp chừng vài chục cây số tôi cảm thấy ổn và hy vọng sẽ không có sự cố gì nữa cho đến nhà chị Hiếu trên đường Zauner Gasse lúc 13:15 giờ.
Trong khi ba người mang hoa quả vào nhà thì tôi đã tìm được chỗ đậu xe vừa lúc Khải ra đón tôi vào nhà. Chị Hiếu quá cảm động đón chào khách phương xa đến thăm rất ân cần. Mai Châu đang cắm hoa, sắp dĩa trái cây và chào chú với đôi mắt ướt đẫm buồn thiu!
Kolpinghaus, 15.09.2013
Gia đình anh chị Trần Trinh Hiếu đến Salzburg năm 1982 với bốn người con. Chị Hiếu (nhủ danh Nguyễn Thị Mai) sinh năm 1946, quê ở Long Xuyên. Vài năm gần đây tuy sức khỏe có phần giảm sút nhưng tinh thần chị vẫn đủ mạnh mẽ để cùng với các con chăm sóc anh cho đến ngày cuối đời. Nhớ những năm 2013 đến 2018, vợ chồng anh chị và chị Nghĩa Linh (chị ruột anh Hiếu) đã có nhiều lần đến tham dự những ngày lễ lớn như Phật Đản và Vu Lan được tổ chức tại Salzburg. Ngoài ra vợ chồng Khải và Mai Châu đã đôi ba lần đưa ba mẹ đến họp mặt với nhóm G7 vào những dịp Văn nghệ vui xuân, đồng thời tham gia vào những buổi sinh hoạt ngoài trời trên thảm cỏ xanh bên bờ hồ Salzachsee. Ở Salzburg ai cũng biết anh Hiếu là người hiền lành, ít nói nhưng đam mê âm nhạc nên chẳng bất ngờ hay ngạc nhiên khi thường gặp anh chị trong hai ba gia đình từ Salzburg lên Wien ngồi chung hàng ghế xem chương trình Văn Nghệ Xuân do Hội Phật tử Việt Nam tại Áo thường tổ chức vào mỗi dịp xuân về. Cách đây chừng 6 năm, tôi còn nhớ có một lần vợ chồng tôi và Hồ Văn Viễn đến thăm chị ở bệnh viện Barmherzige Brüder Salzburg, là một điều bất ngờ mà chị chưa bao giờ nghĩ tới, khi vừa trải qua một ca phẫu thuật sinh tử.
Hai chị em tâm sự khá lâu rồi nghe vợ tôi an ủi: -“Chị ráng nằm dưỡng bệnh, khi nào xuất viện chị thích ăn gì em sẽ nấu rồi mang tới nhà thăm chị luôn”. Vợ tôi đã giữ lời hứa và lời hứa này đã gây ‘ấn tượng’ với Mai Châu từ đó, đến giờ cháu vẫn còn nhớ. Nhiều năm sau mỗi lần có dịp chuyện trò thăm hỏi chị thường nhắc lại tình cảm ấy như vẫn còn lưu giữ với thời gian. Nay thì chị em và chú cháu gặp lại nhau trong bối cảnh khác, tuy lòng buồn nhưng thật ấm áp khi chúng tôi đang đứng trước di ảnh của Một Người Vừa Nằm Xuống, thắp nén hương nguyện cầu cho hương linh sớm được siêu thoát.
Chúng tôi dùng cà phê để thêm phần tỉnh táo vì còn ba cuộc hẹn nữa trong chiều nay nên chừng 14:30 giờ chào tạm biệt chị Mai, Khải & Mai Châu và Hồng Hảo, hẹn gặp lại vào ngày hôm sau.
Trước hết là đưa anh chị Bảy đến Restaurant Huy cách đây chỉ hai cây số. Hôm nay thứ ba là ngày nghỉ thường lệ nhưng Huy đã có mặt ở đó để đón ba mẹ. Thấy lượng lưu thông hai chiều phía trước kẹt xe vì ngành giao thông đang mở rộng tuyến đường nối liền Salzburg với Freilassing nên chúng tôi không ngồi lâu rồi chào anh chị và Huy để tiếp tục cuộc hẹn thứ hai là về Itzling nhận phòng khách sạn trên đường Itzlinger Hauptstraße, gần khu vực Bahnhof. Từ khách sạn về nhà vợ chồng Viễn Hạnh cũng không xa, chừng vài phút xe.
Chúng tôi nghỉ ngơi chừng một tiếng đồng hồ rồi chuẩn bị cho cuộc hẹn thứ ba lúc 17 giờ. Trước giờ hẹn khoảng nửa tiếng, tôi muốn chạy một vòng qua thành phố để xem có gì đổi thay sau ba năm chưa về lại. Đầu tiên là ghé qua Lehen thăm căn nhà cũ trên đường Friesachstraße, nơi đã cất giữ biết bao nhiêu là kỷ niệm buồn vui suốt ba mươi năm vợ chồng cùng các con xây dựng cuộc sống mới cho đến ngày về hưu, thì cũng được xem như là một nửa cuộc đời của gã thuyền nhân tỵ nạn đã gắn bó với thành phố cổ kính và hiền hòa, an vui như là quê hương thứ hai của mình. Gần đến nhà cũ tôi chạy chậm vừa tầm mắt trông lên tầng ba chung cư thấy các khung cửa sổ đóng kín, vẫn màu vôi cũ chưa phai, khu vực này yên tĩnh và vắng người thì đã quá quen thuộc từ thế kỷ trước cũng như hôm nay trở về thăm, chẳng thấy ai quen biết qua đường để dừng lại hỏi thăm một đôi câu.
Tôi chạy tiếp trên đường Rosengasse, ngang qua Siêu thị Interspar rồi đến nhà chị Hiếu một lần nữa để lấy túi đồ bỏ quên. Nhìn đồng hồ chỉ còn năm phút nên chạy về hướng C&A trên đường Saint Julien Straße và dừng trước khu nhà cao tầng của vợ chồng Viễn Hạnh trên đường Bayerhamer Straße vừa đến giờ hẹn lúc 17 giờ.
Chúng tôi được Viễn đón lên nhà ở trên tầng ba chừng vài phút thì anh chị Bảy cũng được Huy đưa tới. Vậy là hôm nay bốn anh chị từ Wien xuống đã có mặt đông đủ theo lời mời của vợ chồng Viễn Hạnh. Chúng tôi dùng cà phê và thưởng thức bánh ngọt cho chính tay Hạnh làm và nhiều loại bánh ngon miệng cùng không khí chuyện trò rất vui cho đến 18 giờ thì Viễn dẫn phái đoàn đi ăn tối ở Restaurant Santa Fe trên đường Wiener Bundesstraße, đặc biệt với món Steak nức tiếng thơm ngon, thật xứng với lượng khách đặt bàn không còn chỗ trống vào thời điểm đầu tuần mà chúng tôi đã trông thấy vào tối hôm đó.
Vì thời gian còn sớm mà câu chuyện trên trời dưới đất, chuyện cũ chuyện mới không ai chịu kết thúc nên cuối cùng đồng ý kéo về nhà Viễn một lần nữa. Trên bàn vẫn còn bánh trái hồi chiều nhưng Hạnh lại mang thêm nhiều món nữa cùng trà nước để tiếp tục câu chuyện cho đến gần 22 giờ vợ chồng tôi đưa anh chị Bảy về nhà. Vậy là một ngày ‘bận rộn’ ở Salzburg kết thúc, ngày mai mới thật sự là quan trọng.
Sáng ngày 12.10 ngủ dậy thấy mừng với thời tiết tốt, nắng đã lên rất thuận tiện cho buổi lễ. Chừng 9:30 giờ chúng tôi thu dọn đồ đạc, trả phòng rồi lên xe. Hai anh em không hẹn mà cùng đến Bestattung Jung một lần, khi tôi đậu xe thì Viễn đang vào cổng, trên xe có Hạnh và Nhung, lúc đó chưa tới 10 giờ. Nhung đến từ Plainfeld, là vùng thảo nguyên xinh đẹp và hữu tình đã được vợ chồng Hoàng & Nhung chọn làm nơi an trú lâu dài, chỉ cách Salzburg chừng 15 km. Đây cũng là địa điểm được anh Lê Hùng Cẩn thuê giúp hội trường để tổ chức Đại Lễ Vu Lan vào tháng 8.1995, được sự chứng minh của TT Thích Trí Minh đến từ Na Uy với sự tham dự của Phật tử Salzburg cùng các vùng phụ cận và đặc biệt là có bốn xe của Phật tử đến từ Wien.
Sau đó gia đình Tang Lễ cũng vừa đến, Bà Quả phụ Trần Trinh Hiếu (Nhũ danh Nguyễn Thị Mai), Trần Trinh Hồng Hảo và con, v/c Dương Minh Khải & Mai Châu và con, v/c Trần Trinh Phú và con, v/c Trần Trinh Thiện Giang và con. Nhà quàn đã mở cửa có nhân viên canh gác, tôi và Viễn phụ giúp mang nước suối vào trước sân. Bước vào bên trong điểm gây chú ý đầu tiên là lẵng hoa lớn nổi bật với hoa hồng đỏ phủ kín quan tài với hai dòng chữ: “Thương Nhớ Anh Nhiều - Vợ Của Anh”. Phía trước quan tài bên dưới là một lẵng hoa hình trái tim với hai màu trắng đỏ và bốn lẵng hoa nữa được dựng hai bên quan tài.
Khoảng 15 phút sau đó khi hai bàn thờ Phật và Hương linh được các cháu bài trí hương án đầy đủ, năm cây đèn cầy được thắp lên, mùi hương khói bắt đầu lan tỏa cùng những bông hoa tươi đẹp đủ màu sắc và ánh nến lung linh khiến căn phòng trở nên rực sáng, không khí trang nghiêm theo từng bước chân của thân quyến, bà con, Phật tử, bạn bè, thân hữu lòng đầy cảm xúc trước di ảnh Người quá cố, thắp nén hương thay lời tiễn biệt, nguyện cầu cho hương linh sớm được vãng sanh nơi miền Cực Lạc.
Tôi ở Salzburg khá lâu nên đã đến thăm viếng Nhà quàn Jung nhiều lần. Tuy nhiên nay có sự khác biệt là số người đến tham dự đông hơn, những khuôn mặt quen thuộc nhiều hơn và đặc biệt là thân tình hơn. Ngoài bà con Phật tử, đồng hương Salzburg, còn có những người đến từ Plainfeld, Tirol, Laimbach và xa nhất là chùa Pháp Tạng với ba nữ Phật tử mà tôi quen biết là quý Đh. Vinh, Diệu và Nhung cùng lẵng hoa ghi dòng chữ: “Phật Tử Chùa Pháp Tạng - Thành Kính Phân Ưu”. Đó là chưa kể một số người Áo ở Salzburg và người Đức đến từ München. Ước tính số người tham dự có thể tròn con số 100.
Cũng nhờ vậy mà vợ chồng tôi đã gặp lại các thành viên của nhóm G7. Ngoài gia đình Viễn Hạnh thường liên lạc còn có Hoàng Xuân Vẻ & Đại Huyền, Huỳnh Ngô Quân & Hồ Thị Huệ, Nguyễn Hồng Loan, Lâm Tấn Sĩ & Mỹ Hoàng và Dương Minh Khải & Mai Châu. Chỉ mấy hôm trước đây trong lần gọi thăm và chia buồn với Mai Châu, sau khi hai chú cháu chấm dứt câu chuyện, Mai Châu đã nhắn trên WhatsApp:
-"Con cảm ơn Chú Thím rất nhiều. Chú ơi, khi nào Chú Thím về Salzburg chơi, mình họp G7 nữa nghe Chú ? Nhớ quá luôn”. Sau những dòng tin của Mai Châu, đến sáng ngày 07.10 nhận được cuộc gọi của Lâm Tấn Sĩ:
-“Em Sĩ đây anh Long, em đang đi làm, có nghe anh chị về Salzburg dự lễ mà không biết đi với phương tiện gì. Nhưng nếu anh chị về bằng xe lửa thì anh cho tụi em biết ngày giờ để đi đón”.
Những dòng chữ của Mai Châu, cuộc gọi của Sĩ làm vợ chồng tôi quá xúc động trước tình cảm của G7 vẫn nồng ấm làm nhớ những lần họp Nhóm để chuẩn bị cho những ngày lễ khi có quý Thầy đến Salzburg lúc nào cũng vui, mà vui nhất là đã vài lần, có đến ba bốn gã đàn ông dùng sức mạnh tranh nhau trả tiền ở quày cà phê McDonald’s trên đường Sterneck Straße. Vì vậy mà bây giờ bỗng nhiên cảm thấy nôn nao với chuyến đi Salzburg trong vài ngày tới, tự hỏi sẽ làm gì chỉ với một đêm hai ngày ngắn ngủi?
Khi còn 10 phút nữa là đến giờ làm lễ, mọi ánh mắt hướng về Đại Đức Thích Trung Lưu, trụ trì chùa Tâm Giác, München khi thầy xuất hiện, sau đó là Sư cô Thích Nữ Thiền Châu, cũng đến từ bên Đức. Thầy Trung Lưu tôi đã gặp một lần vào tháng 3.2018 khi chúng tôi gồm bốn Phật tử từ Salzburg về thăm chùa ở Kirchseeon. Qua những lời thăm hỏi, Sư cô Thiền Châu biết tôi là người Huế nên đã giới thiệu: -“Sư cô là người làng Kim Đôi, Huế nhưng không nói tiếng Huế”, Sư cô cười, nghĩa là Sư cô đã xa quê, xa Huế lâu lắm rồi nên không còn nhớ ‘chi mô răng rứa’ nữa. Chúng tôi nói chuyện chỉ vài phút rồi chào thầy và Sư cô, đúng lúc Thượng Tọa Thích Viên Duy, trụ trì chùa Pháp Tạng cùng đến với vị Cao Tăng được giới thiệu là Lama Tây Tạng, Gshe Tsewang Dorje. Sau đó thầy Viên Duy dựng khung ảnh Phật A Di Đà phía trước quan tài và buổi lễ Di Quan Hỏa Táng bắt đầu lúc 11 giờ.
Anh Trần Trinh Hiếu, sinh ngày 24.01.1945 tại Bạc Liêu. Vào thời trai trẻ, anh đã có một cháu gái sinh năm 1962 lúc anh 17 tuổi, trước khi ly hôn với người vợ đầu. Bé gái đó là Trần Trinh Hồng Hảo mà khi chúng tôi từ Wien xuống đã gặp ở nhà chị Hiếu chiều hôm trước, nay đã tuổi 60 đến từ Canada, và cũng là người đọc lời Tri Ân và Cảm Tạ, đồng thời mời quý Thầy, Sư cô cùng tất cả bà con đến dùng buổi cơm trưa với gia đình ở nhà hàng HUY trên đường Münchner Bundesstraße 107.
Đến năm 1968, chàng trai trẻ hào hoa Trần Trinh Hiếu 23 tuổi trong màu áo lính đã gặp và kết hôn với người nữ quân nhân xinh đẹp Nguyễn Thị Mai, đang phục vụ Tổng đài Liên đoàn 65 Khai thác Truyền tin Diện địa ở thành phố Châu Đốc. Và cũng ở thành phố này, năm 1969 bé Trần Trinh Mai Châu chào đời.
Gia đình anh chị Hiếu chuyển về Biên Hòa từ năm 1972, đến năm 1979 có thêm cháu út trai, tất cả là hai trai hai gái. Ba năm sau, gia đình sáu người được chị Nghĩa Linh bảo lãnh theo diện đoàn tụ đến Salzburg vào năm 1982.
Trở lại với Lễ Tang khi tất cả mọi việc đã được chuẩn bị. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham dự Lễ Di Quan Hỏa Táng ở Salzburg có đến bốn vị chư Tôn Đức, Ni chứng minh. Thầy chủ lễ Viên Duy và Ngài Lama Tây Tạng đứng ở vị trí bên trái. Thầy Trung Lưu và Sư cô Thiền Châu bên phải. Gia đình Tang quyến đối diện quan tài. Các con cháu có thể chưa bị ba mẹ phạt quỳ gối lần nào nên lúc đầu có hơi lúng túng, nhưng sau đó đã giữ vững được chừng một tiếng đồng hồ thì phải khen là các cháu rất giỏi, góp phần vào kết quả của ngày Tang lễ đã được cử hành trọng thể và chu đáo, cùng chư Tôn Đức, Ni tăng sức chú nguyện cho hương linh sớm được siêu thoát.
Phần còn lại của hội trường là những hàng ghế được quý bà con và Phật tử xa gần đến dự lễ ngồi kín lắng nghe trong im lặng. Điều này đã nói lên được sự ưu ái, thương mến của quý chư Tôn Đức, Ni và đại chúng đến thăm viếng, tiếc thương và chia buồn cùng Tang quyến khi một người thân thiết nhất trong gia đình đã về nơi an nghỉ cuối cùng.
Phần cuối của buổi lễ dành cho đại diện của gia đình là Trần Trinh Hồng Hảo đọc lời Tri Ân và Cảm Tạ đến quý chư Tôn Đức, Ni và quý bà con Phật tử, thân hữu và bạn bè xa gần. Đồng thời mời tất cả quý vị, bỏ chút thì giờ quý báu đến dùng bữa cơm trưa với gia đình. Tiếp theo là đạo từ của ba vị chư Tôn Thượng Tọa chủ lễ Thích Viên Duy, Đại Đức Thích Trung Lưu và Ngài Lama Tây Tạng. Sau cùng là cháu Thiện Giang thay mặt gia đình Tri Ân và Cảm Tạ quý thân nhân và bạn hữu người Áo và Đức đã đến tham dự và chia buồn cùng gia đình Tang quyến bằng tiếng Đức.
Sau 13 giờ, bà con chờ nhau thắp một nén hương trước khi chia tay. Viễn ở lại chờ chị Hồng Hảo và Mai Châu xong việc rồi cùng đi sau, tôi chở anh chị Bảy và Hạnh về nhà hàng trước. Không lâu sau đó, phòng phía trong dành cho khách của gia đình Tang lễ đã có một số bà con người trước kẻ sau đến khá đông, cùng với chị Mai và con cháu. Chúng tôi ngồi bàn ngoài hướng ra cửa chính với anh chị Bảy, Viễn Hạnh và Huy chừng một tiếng đồng hồ, gặp lại nhiều người quen và một số các em nhóm G7 trước khi về Wien. Nghĩ đến 300 km đường dài cũng hơi ngại nên không thể thiếu ly cà phê cho ‘sáng mắt’ trên đường về trong đêm tối.
Chúng tôi gặp lại chị Mai và Mai Châu trước khi ra xe lúc 16 giờ. Mai Châu ôm lấy thím Long khóc như đứa trẻ làm cho vợ chồng tôi nghẹn lời. Đúng vậy, nhìn dòng nước mắt của người con hiếu thảo, dễ làm chúng ta tê buốt tâm hồn.
19:30 giờ chúng tôi về đến cửa ngõ Wien, ai cũng mừng đã trải qua ‘một chuyến bay đêm’ bình an vô sự. Tôi gọi ngay cho Salzburg báo tin vui, không quên cảm ơn vợ chồng Viễn Hạnh đã đón tiếp các anh chị “Việt kiều gốc Vienna” quá nồng hậu và thân tình.
TUỆ LAM
Wien, 28.10.2022