LỜI NGỎ
Mùa Xuân Trong Khói Súng là một Tuyển Tập thơ văn được tác giả chọn lọc những bài viết từ năm 1987 ở trại Tỵ nạn Palawan, Philippines cho đến khi định cư ở Áo vào cuối năm 1988 và tới nay đã trên ba mươi lăm năm.
Đây là những câu chuyện với nội dung được kể lại sát với thực tế về những gì đã xảy ra ở trong và ngoài nước mà tác giả đã có một thời cư trú nhưng không liên tục như ở Huế (1965-1974), Sài Gòn (1974-1987), Palawan (1987-1988) và cuối cùng là ở Áo từ tháng 12.1988 cho tới bây giờ.
Cũng như hàng ngàn gia đình khác ở Miền Nam, tuổi thơ của tôi là những ngày cùng mẹ cha và các em chạy giặc. Chiến tranh không phải chỉ ở chiến trường mà nó còn làm thay đổi cuộc sống của người dân từ thị thành cho đến thôn quê. Do vậy, dù tôi không phải là người lính khi còn nhỏ dại nhưng đã ngửi được mùi thuốc súng và đã may mắn sống sót không biết bao nhiêu lần dưới những làn đạn và những trận pháo kích sống còn trước khi được người mẹ can đảm dẫn một đàn con ra đi trong đêm tìm đường trốn thoát khỏi vùng chiến sự để vào Huế năm 1965. Rồi chỉ ba năm sau đó khi tôi mười sáu tuổi, chiến tranh đã vào thành phố Huế trong Tết Mậu Thân năm 1968. Biến cố kinh hoàng đó với cầu Trường Tiền bị giật sập và những thiệt hại khác như là một vết thương nhức nhối khó lành đã được ghi lại theo ký ức và cũng là tựa sách cho Tuyển Tập thơ văn “Mùa Xuân Trong Khói Súng” này.
Tiếp theo là Mùa hè đỏ lửa 1972, đồng bào từ Quảng Trị và Huế bỏ nhà cửa chạy vào Đà Nẵng lánh nạn, lệnh Tổng động viên được ban hành. Trong khi một số bạn bè phải lên đường nhập ngũ thì tôi và một số sinh viên khác còn đủ tuổi để tiếp tục việc học cho đến khi tốt nghiệp vào mùa hè năm 1974, mở ra cánh cửa tương lai được kỳ vọng cho đường học vấn trong thời chiến. Thế nhưng thật không may khi tôi có mặt ở “Cửa ngõ Sài Gòn” trong những ngày cuối tháng 4.1975 đã chứng kiến sự mất còn của một thực thể mà mình phải chọn một hướng đi khi cuộc sống đã lật qua trang mới. Thời điểm đó tôi tuy đang ở Sài Gòn nhưng đã thừa hưởng được lòng kiên nhẫn của mẹ để quyết tâm làm lại cuộc đời mình, khi một lần nữa đặt niềm tin vào giấc mơ mà nhiều lúc cảm thấy là hoang đường. Tuy nhiên phải trên mười năm để theo đuổi niềm đam mê không mệt mỏi mới có hồi kết, vào một sáng đẹp trời khi bình minh vừa ló dạng trên Biển Đông, hơn một trăm nụ cười đã nở trên môi hân hoan chào đón tàu Cap Anamur xuất hiện cứu người vượt biển và đưa về Trại Tỵ nạn Palawan, Philippines 642 thuyền nhân vào sáng ngày 06.06.1987.
Ngày ấy bây giờ đã trên ba thập niên nhưng tôi vẫn nhớ mãi không khí vui tươi, thân thiện khi những thuyền nhân mới đến lần lượt được đưa từ Bến Cảng nhập trại có rất đông bà con nồng nhiệt chào đón ở cổng trại với những lời thăm hỏi thân tình không khác chi một ngày hội lớn của những người Việt ly hương đồng cảnh ngộ nơi xứ người.
Trong gần 19 tháng ở Trại Palawan ngoài việc thường xuyên liên lạc với gia đình và đi học, tôi còn tham gia khá nhiều công tác thiện nguyện, nhờ vậy nên đã hiểu được đôi điều về đời sống và sinh hoạt của Trại để làm hành trang lên đường sang Áo định cư vào tháng 12.1988. Sau đó vào những năm ở Salzburg tôi đã ghi lại một số sự kiện này qua văn thơ để giờ đây được góp thêm một vài câu chuyện ở Trại Tỵ Nạn Palawan trong tuyển tập “Mùa Xuân Trong Khói Súng”. (Trước mũi thuyền, Như một lời tri ân, Hãy cho anh, Nhớ Palawan, Ký ức Palawan, Viết từ Palawan), với 68 sáng tác (thơ: 42, văn: 26), 78 tấm hình màu, 290 trang.
Nhắc đến Áo thì không thể không nói đến Salzburg. Là một thành phố du lịch ở phía tây nước Áo cách thủ đô Wien 300 km, nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp như Pháo đài Hohensalzburg, Salzburger Dom, Schloss Mirabell, Mirabellgarten, Mozarts Geburtshaus, Phố đi bộ mua sắm Getreidegasse…là những điểm đến rất đông du khách nằm bên bờ sông Salzach chia đôi thành phố tương tự như dòng sông Hương lững lờ chảy qua Hoàng Thành Huế.
Cũng ở thành phố Salzburg tôi đã gặp lại vợ và hai con sau nhiều năm ‘tạm chia tay’ nên mới có ngày đoàn tụ trong nước mắt vào tháng 2.1991. Ở đây gia đình chúng tôi đã có một cuộc sống trên ba mươi năm thật êm đềm và hạnh phúc cùng với các con đến nay đều trưởng thành.
Khi Tuyển Tập “Mùa Xuân Trong Khói Súng” được xuất bản thì ‘Hai Người Mẹ’ của vợ chồng chúng tôi đã qua đời. Me Sài Gòn đã từ giã cõi tạm vào mùa xuân năm 2019, con cháu nội ngoại gần xa đều có mặt để ‘Tiễn Mẹ’ về nơi an nghỉ cuối cùng, thượng thọ 87 tuổi. Đến mùa đông năm 2022 ở Huế, Mẹ tôi cũng ra đi bên dòng Hương Giang thơ mộng, nơi mà thuở xưa Mẹ thường ngồi đây để thêu dệt những ước mơ của thời con gái, thượng thượng thọ 93 tuổi.
Với trên hai mươi sáng tác dành cho Mẹ và Huế cùng bạn bè ngày cũ đã một thời ngồi ‘Dưới Tàng Lá Cây Đa’ trường Luật trong Tuyển Tập “Mùa Xuân Trong Khói Súng”, đã nói lên được bao nỗi buồn vui và tiếc nuối của một người con xứ Huế xa quê xa nhà từ khi tuổi còn đôi mươi, thì nay lại càng xa thêm trên mỗi nẻo đường về quê cha đất tổ, đã vắng bóng người Mẹ Hiền thương yêu ngồi chờ mong con như thuở nào.
Tuệ Lam NGUYỄN SĨ LONG
Wien, tháng 1.2024
silong@gmx.net