Chánh Điện Chùa Pháp Tạng (11.2021)
Ngày 15.07.2016 Đại Đức Thích
Viên Duy, trụ trì Niệm Phật Đường Minh Tịnh đã có thư Tri Ân Và Tán Thán để báo
tin cùng đồng bào Phật tử nước Áo “chúng
ta đã hoàn tất thủ tục cuối cùng là bàn giao chìa khóa nhà. Nghĩa là chúng ta
đã chính thức có được Ngôi Chùa Mới (NCM). Bao nhiêu mong ước đã thành hiện
thực. Đây là một thành quả thật ca ngợi tán thán của mọi người. Chúng con và
chúng tôi kính dâng lên lời cảm tạ và tri ân sâu sắc đến chư Tôn Hòa Thượng,
Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni và toàn thể quý Phật tử xa gần cũng như các đạo
hữu bạn đạo đã phát tâm cúng dường tịnh tài cho việc tạo lập NCM này...”
Câu chuyện về NCM được khởi đầu
vào giữa tháng 12.2015 khi Đại Đức Thích Viên Duy gởi đi một lá Thư Ngỏ báo tin
đến đồng bào Phật tử về một tòa nhà hai tầng lầu 316m2, trị giá 500.000 Euro,
tọa lạc tại thủ đô Wien thuộc quận 23, rất thuận tiện cho việc đi lại. Với
những nhu cầu sinh hoạt tu tập tâm linh cho Phật tử thì đây là một cơ sở không lớn không nhỏ, tương đối đáp ứng đủ một số điều kiện để
trở thành ngôi Chùa khi hai bên thuận mua vừa bán. Với bất động sản thì thủ tục
mua bán thật nhiêu khê có lúc kéo năm bảy tháng mà vẫn chưa xong. Riêng về NCM
thời gian từ lúc bắt đầu cho đến lúc hoàn tất vừa đúng 8 tháng trời, là cũng
vừa sức chờ đợi trong lo âu hồi hộp của mọi người vì có lúc tưởng đã bỏ cuộc
khi đường thủ tục xét duyệt tài chánh phải chạy qua ngân hàng nên cũng không
kém phần rắc rối vì bên mua không có đủ tiền để chồng liền mà phải cần thời
gian để vận động và quyên góp qua nhiều hình thức như cúng dường hay cho mượn
hội thiện. Tuy nhiên, chừng hai tháng sau bức thư ngỏ gởi đi, niềm lo âu từ quý
Thầy cho đến Ban Chấp Hành (BCH) cùng Phật tử đã nhường chỗ cho niềm vui mừng
vì sự đóng góp nhiệt thành không những của đồng bào Phật tử ở trong nước Áo mà
cả những nơi Thầy đi vận động như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Đức đã mang lại
niềm hy vọng lần tạo mãi NCM này sẽ thành công sau mấy mươi năm chờ đợi.
Khởi đi từ ngày Hội Phật giáo
tại Áo được thành lập theo bản Điều Lệ năm 1987 cho đến nay đã gần 30 năm mà
mỗi nhiệm kỳ là hai năm và suốt trong mấy mươi năm đó, địa điểm sinh hoạt Phật
sự của Hội không có nơi nào nhất định: từ những căn hộ của Phật tử cho đến Hội
trường hoặc thuê một căn phòng để làm NPĐ hay những dịp trời đẹp đã có đôi lần
sân vận động, công viên cũng được dùng đến để cử hành lễ khi có quý Thầy đến Áo
trong những mùa lễ lớn.
Trong thời gian này, nhiều nhiệm
kỳ BCH đã không ít lần đệ đạt nguyện vọng thỉnh sư lên Giáo Hội Trung Ương
nhưng mãi đến năm 2010 nguyện vọng của Phật tử nước Áo mới được chấp thuận khi
Đại Đức Thích Viên Duy được Bổ sứ trụ trì Niệm Phật Đường Minh Tịnh từ Hòa
Thượng Thích Trí Minh, Phương Trượng chùa Khuông Việt (Na Uy), theo lời thỉnh
cầu của Hội Phật tử Việt Nam tại Áo.
Trong thời gian tới, sớm hay
muộn thì công việc tu sửa ngôi chùa cũng sẽ hoàn thành và trong khi chờ đợi
chúng ta cũng nên quay về thuở ban đầu để nhìn lại và ghi nhận công đức của
những người đi trước đã dẫn dắt và đặt viên gạch đầu tiên cho người đi sau xây
lên NCM ngày hôm nay như thế nào ?
TT THÍCH MINH TÂM, Wien 1987
Nhắc đến sinh hoạt Phật sự của
Phật tử Áo quốc từ những năm tháng sơ khai thì phải nhớ đến với lòng tôn kính
và ngưỡng mộ một vị ân sư mà khi còn sinh tiền Ngài đã cống hiến cả cuộc đời
cho Đạo Pháp. Tôi xin được phép nhắc đến Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, nguyên
Viện Chủ chùa Khánh Anh, Pháp.
Vào năm 1985 khi mà Hội Phật tử
chưa được thành lập, thầy Khánh Anh (tức Thượng Tọa Thích Minh Tâm) đã đến Áo
chứng minh Đại Lễ Vu Lan lần đầu tiên được tổ chức tại Trung Tâm Phật Giáo
Wien. Sau lễ, trong phần nói chuyện Thầy hỏi: ”Các Phật tử ở đây có muốn mỗi
năm tổ chức một lần lễ Vu Lan không?” Chắc chắn là tất cả mọi người tham dự đều
có chung một câu trả lời. Thầy đã giữ lời hứa khi trở lại Áo vào năm sau, thăm
một vài gia đình Phật tử và cũng nhờ sự gợi ý và vận động nhiệt tình của Thầy
nên đã thành lập được một Ban Chấp Hành Lâm Thời tại nhà đạo hữu Kim Anh. Có
thể nói đây là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho những năm sau đó khi Thầy
một lần nữa trở lại Áo chứng minh cho buổi Lễ ra mắt Ban Chấp Hành thật trang trọng được
chính thức thành lập cùng bản Điều Lệ ngày 04.10.1987 với tên gọi: Hội Văn Hóa
Xã Hội Phật Tử Việt Nam tại Áo. Thành phần trong BCH đã được đạo hữu Hội trưởng
Nhiệm kỳ 1 là Tiến sĩ Tạ Anh Tuấn giới thiệu đến cử tọa cũng tại Trung Tâm Phật Giáo của Áo
quốc.
Cùng thời gian này tôi đang còn
ở trại Tỵ nạn Palawan, Phillipines và cho đến cuối năm 1988 mới đến Wien rồi
được đưa về trại Tỵ nạn Thalham, Salzburg, Áo. Trong túi hành lý đi định cư có
lá thư của anh Trương Quang Tá, trước 1975 nguyên là Đại Uý Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa nhờ tôi trao cho người bà con ở Wien. Anh Tá với tôi vừa là anh em kết
nghĩa vừa là đồng nghiệp khi cùng dạy học ở trường Việt Ngữ 2. Thật là hạnh
phúc khi có thời gian rãnh rỗi ngoài giờ dạy học và các công tác thiện nguyện
khác trong trại, hai anh em thường uống cà phê nghe nhạc và đốt vài điếu thuốc
để tự sưởi ấm lòng nhau khi xa nhà dù thời tiết ở Palawan thường ấm áp và nắng
nhiều hơn mưa. Lá thư anh nhờ tôi chuyển cho người bà con khoảng chừng tháng 03
năm 1989 mới đến tay người nhận, đó là đạo hữu Lê Văn Ty. Chính nhờ có sự gặp
gỡ vì một lá thư tay nên tuy ở xa nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc và cho đến
tháng 11.1990 anh Ty đã mời tôi về Wien tham dự nhân kỳ họp BCH mà anh là đương
kim Hội trưởng. Và cũng từ buổi họp này mà tôi đã có cơ hội bước chân vào Hội
Phật tử trong những năm sau đó.
Trở lại với những sinh hoạt Phật
sự, vào ngày 20.05.1989 tại Trung Tâm Phật Giáo đã tổ chức Đại Lễ Phật Đản gồm
các nhóm Phật Giáo Tích Lan, Nhật Bản, Tây Tạng và Việt Nam. Sau đó, ngày 21.05
tại Friedenspagode (Peace Pagoda) bên bờ sông Donau một chương trình văn nghệ
mừng Lễ Phật Đản đã được tổ chức với sự tham gia của các nghệ sĩ Phật giáo bạn
với các tiết mục như trình diễn âm nhạc, vũ điệu dân tộc... Hội Phật tử Việt
Nam đóng góp với các màn vũ do thiếu nhi trình diễn.
Chỉ ba tháng sau đó mùa Báo Hiếu
lại đến, lần đầu tiên Đại Đức Thích Thiện Huệ được thầy Minh Tâm đặc cử sang
Áo chứng minh Đại Lễ Vu Lan vào ngày 17.08.1989 và năm sau thầy Khánh Anh đã trở
lại với Đại Lễ Phật Đản ngày 03.06.1990, hai năm liên tiếp đều được tổ chức ở
Trung Tâm Phật Giáo Wien.
Qua 1991 là năm đánh dấu bắt đầu
một thập niên sinh hoạt của Hội mở rộng hơn như lần đầu tiên mời ca sĩ nước
ngoài Ngọc Thanh và Anh Khoa đến Wien trình diễn trong chương trình văn nghệ
cúng dường Vu Lan được sự chứng minh của Đại Đức Thích Thiện Huệ vào ngày
30.08.1991. Những năm sau đó thầy Khánh Anh và Đại Đức Thích Thiện Huệ vẫn thay
nhau sang Áo và trong khoảng thời gian này Thượng Tọa Thích Như Điển, Phương
Trượng Chùa Viên Giác Hannover Đức đã
đến Wien chủ trì Lễ Cầu An vào ngày 04.12.1993. Đây là lần đầu tiên tôi
được gặp thầy Viên Giác và mãi cho đến năm 1997 tại Niệm Phật Đường Tâm Giác
München gia đình chúng tôi đã gặp lại nhị vị Phương Trượng của hai ngôi chùa
Viên Giác Hannover và Khuông Việt Na Uy là chủ lễ Rằm Hạ Nguyên và Thọ Bát Quan
Trai do Chi Hội Phật tử Tỵ Nạn München và Vùng Phụ Cận tổ chức vào ngày
08.11.1997. NPĐ Tâm Giác sau này đã mua được ngôi nhà ở Kirchseeon và trở thành
Chùa Tâm Giác München chỉ cách Salzburg chừng 150 cây số.
Gần một năm sau ngày thầy Viên
Giác đến Wien, Phật tử Salzburg lần đầu tiên được đón tiếp thầy Minh Tâm cùng
BCH và Phật tử từ Wien xuống trong niềm vui vô hạn nhân ngày Đại Lễ Vu Lan được
tổ chức tại Bildungshaus, St. Virgil ngày 26.08.1994. Đi cùng đạo hữu Hội trưởng
Lê Văn Ty còn có chị Kim Anh, chị Nguyệt, Nguyễn Hùng, Lê Tuấn và Tiến, có
khoảng 40 Phật tử tham dự, phía khách có ba người Áo trong đó có Giáo sư Phó
Tiến sĩ Krammer. Đối với đạo hữu Lê văn Ty thì lần này cũng là dịp cuối cùng
đưa Thầy Khánh Anh đi xa trước khi rửa tay gác kiếm vào cuối năm nay sau ba
nhiệm kỳ liên tiếp vào lúc Hội có BCH mới trong kỳ bầu cử sắp tới vào năm 1995.
Sau buổi lễ này và theo sự cố
vấn của Thầy, một đạo tràng mới đã nhanh chóng thành hình gồm một nhóm đủ mọi
lứa tuổi tham gia và chuẩn bị đón tiếp phái đoàn Chùa Làng Mai trong hai ngày 4
và 5 tháng 11.1994 cũng tại St. Virgil nhân chuyến sang Salzburg giảng Thiền
cho người Áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đây quả là một sự trùng hợp bất ngờ
với chúng tôi, những người Phật tử ở xa thủ đô như cánh chim lạc đàn chưa bao
giờ nghĩ lại được tiếp đón hai vị đại sư cùng cư ngụ tại Pháp đã đến Salzburg
chỉ cách nhau ba tháng thật là vinh dự và đại hạnh.
HT THÍCH TRÍ MINH (Photo 2014)
Bước sang năm sau cũng là năm
bắt đầu những chuỗi ngày bận rộn của thầy Minh Tâm với ngôi chùa mới được khởi
công xây dựng vào tháng 6.1995 nên Thượng Tọa Thích Trí Minh, Phương Trượng
chùa Khuông Việt, đã thay thầy Khánh Anh đến Áo chứng minh cho Đại Lễ Phật Đản
được tổ chức vào ngày 28.05.1995 tại Wien. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi,
vài gia đình từ Salzburg lên đã được gặp Thầy và cũng là năm đánh dấu sự gắn bó
lâu dài của Thầy suốt hơn hai mươi năm qua cho dù vào năm 2010 Đại Đức Thích
Viên Duy đã vâng lệnh sư phụ xuống núi giúp đời và đã cùng kề vai sát cánh cùng
đồng bào Phật tử nước Áo để có Ngôi Chùa Mới ngày hôm nay.
Vào những tháng cuối năm 1995 có
hai sự kiện nổi bật là Hội đã bầu lại Ban Chấp Hành mới với vị Tân Hội trưởng
là đạo hữu Huỳnh Bửu Phan. Tôi đã có trên hai mươi năm sinh hoạt Phật sự với
Hội, thỉnh thoảng góp mặt trong những kỳ bầu cử BCH mới mỗi hai năm một lần
nhưng chưa khi nào thấy hoặc nghe có ứng cử viên mới muốn ra tranh cử thay bác
Phan để lập một BCH mới. Năm 2016 bác bước qua tuổi 95 và đã 21 năm không những trên chiếc ghế Hội trưởng mà còn được
thầy Khuông Việt chứng minh Lễ Xuất Gia và lên chức Sư Bác với Pháp danh Vạn
Bảo. Đến nay bác vẫn được sự kính trọng và tín nhiệm của Phật tử dù đã nhiều
lần xin về hưu vì tuổi già sức yếu nhưng tăng chúng vẫn chưa chấp thuận.
Cùng thời gian với bác Vạn Bảo
giữ chức Hội trưởng, tôi đuợc BCH giao trông coi tờ Nội san Hoa Sen mà các
nhiệm kỳ tiền nhiệm đã thực hiện đuợc 7 số. Tháng 8.1995 Hoa Sen số 8 ra mắt
bạn đọc với chủ trương không nhất thiết phải có ấn bản định kỳ mỗi năm mà còn
tùy thuộc vào bài vở đóng góp và khả năng tài chánh. Do vậy sau số 15, phát
hành tháng 8.2003 đã phải nói lời tạ từ để thay vào đó là Bản Tin Phật Sự do đh.
Trương Hữu Thiện phụ trách biên tập, phát hành được 12 số rồi cũng chia tay bạn
đọc vào năm 2006.
Một sự kiện nữa đã làm cho Phật
tử của một đạo tràng mới thành lập nô nức khi được tin thầy Trí Minh sẽ sang
Áo cử hành Đại Lễ Vu Lan cho cả hai đạo tràng và đây là lần đầu tiên Thầy đến
Salzburg, từ đó cho đến những năm sau này Thầy thường sang đều đặn hơn mỗi năm
hai lần, Wien sẽ được tổ chức vào ngày thứ bảy và hôm sau chủ nhật Thầy xuống
Linz hay Salzburg tùy theo sự sắp xếp của Thầy và BCH trước mấy tháng.
Hôm đó trên Wien xuống bốn xe. Gia đình chúng tôi mời Thầy cùng phái đoàn dùng cơm trưa trước khi ra hội trường
ở Plainfeld cách Salzburg 15 cây số và lễ sẽ bắt đầu lúc 14 giờ ngày 12.08.1995. Đến mùa Vu Lan 1996 thầy Trí Minh đã cùng với BCH sang thăm Praha vào ngày 6 tháng 9 trước Khoá học Phật
Pháp lần đầu tiên được tổ chức vào ngày thứ bảy và Đại Lễ Vu Lan vào ngày chủ
nhật. Chuyến sang Praha không được như ý vì đi trễ và trời mưa nên chỉ chạy
tham quan một vòng thành phố rồi trở về đến Wien trong đêm.
Sang năm 1998 sau Tết dương
lịch thời tiết khác thường với những ngày ấm áp để đón Tết Mậu Dần, sau đó lại
được đón tiếp thầy Minh Tâm. Dịp này sau một ngày nghỉ ngơi tại Wien, lần đầu
tiên Thầy đã đến Linz làm Lễ Đầu Xuân cùng bà con Phật tử của một đạo tràng mới
vào trưa ngày 28 tháng 02 và buổi chiều Thầy đến Salzburg trước khi trở lại Wien
trong ngày để cùng với Đại Đức Seelawansa, một vị tu sĩ người Tích Lan cư trú
và dạy học tại Đại học Wien, và đồng bào Phật tử làm Lễ Đầu Xuân vào ngày chủ
nhật tại Trung Tâm Phật Giáo.
Vào buổi chiều Thầy đến
Salzburg, nhà tôi được đón tiếp thầy Khánh Anh cùng BCH trước khi đến nhà anh
chị đạo hữu Nguyễn Tấn Phát để cùng đạo tràng Salzburg hoan hỷ chào mừng Thầy
với Lễ Đầu Xuân. Đây là lần thứ hai Thầy đến Salzburg để rồi sau một thời gian
dài tuy Thầy có trở lại Wien nhưng chúng tôi, một số Phật tử Salzburg chỉ được
gặp lại Hòa Thượng Minh Tâm khi tham dự Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ
23 khai giảng vào ngày 22.07.2011 tại Wieselburg, Áo. Không ai có thể ngờ đây
cũng là lần cuối cùng được gặp Thầy. Giờ nhìn lại những hình ảnh khi Thầy sang
Áo cùng những dòng thư thăm hỏi, thủ bút và chữ ký cũng thấy được nét đẹp
thật bay bướm là của một bậc hiền tài.
Chỉ sau hai tuần Thầy Minh Tâm
đến Áo, Ban Chấp Hành Hội nhận được Tâm Thư của Thầy Trí Minh đề ngày
12.03.1998 mà nội dung biểu lộ sự quan tâm và ưu ái đến Hội Phật tử Áo quốc sau
ba năm Thầy là vị cố vấn thuộc hàng Giáo Phẩm Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất Âu
Châu đối với Hội Phật tử tại Áo, dưới đây xin được trích những lời nhắn gởi của
Thầy trong đoạn cuối của Tâm Thư:
“Trong
niềm khao khát và hy vọng lớn sự hòa hợp cùng nhau vai bên vai lòng bên lòng
sát cánh chung lo Đạo, góp mặt giúp đời của quý đạo hữu Phật tử ở Áo, tôi thành
tâm nguyện cầu Hồng từ tam bảo, chư thiên thánh chúng đồng từ gia hộ toàn thể
quý đạo hữu trong ban trị sự Hội, đồng bào Phật tử khắp lãnh thổ Áo luôn thân
tâm thường an lạc, vạn phước tăng long tùy tâm mãn nguyện. Nhất là đạo tâm luôn
tăng tấn phước huệ gắng tu”.
Hai tháng sau đó Đại Đức Thích
Giác Thanh, trụ trì chùa Quảng Hương Đan Mạch đã thay Thầy Trí Minh sang Áo
và Phật tử Salzburg cũng được đón tiếp Thầy trong dịp lễ Phật Đản vào ngày
02.05.1998 và bốn năm sau vào tháng 7.2002 phái đoàn Phât tử Áo trong chuyến
hành hương phương bắc mà nơi đến đầu tiên là chùa Viên Giác Hannover, kế đến là
chùa Khuông Việt và khi trên đường trở về đã có ghé thăm chùa Quảng Hương ở lại
một đêm trước khi về lại chùa Viên Giác Hannover trên đường trở về Áo.
Cuối năm 1998 sinh hoạt Phật sự
lên cao điểm khi thầy Minh Tâm một lần nữa trở lại Wien chứng minh Đại Lễ Vu
Lan PL 2542 và tham dự chương trình văn nghệ cúng dường được tổ chức vào ngày
26.09.1998, đồng thời khép lại một năm nhiều Lễ Hội nhất cho cả ba đạo tràng
Wien, Linz và Salzburg.
Sang năm 1999, trước Mùa Báo Hiếu khoảng hai tháng, BCH và đồng bào Phật tử gần xa đã vô cùng đau buồn và thương tiếc được tin Tiến sĩ Tạ Anh Tuấn, cựu Hội trưởng sáng lập Hội VHXHPT Việt Nam tại Áo đã tạ thế vào ngày 27.07.1999 tại Wien, hưởng dương 54 tuổi.
Đến mùa Vu Lan tháng 9.1999 tôi
mới có dịp lần đầu tiên cùng thầy Trí Minh, BCH và một số Phật tử sang thăm
ca sĩ Anh Khoa ở thành phố Budapest, Hungary. Chuyến đi này đã để lại cho tôi
một kỷ niệm mà khi xảy ra ở Budapest đã làm cho tôi vừa lo âu vừa hồi hộp và
chỉ có một mình tôi trong tâm trạng đó mà thôi. Câu chuyện như thế này: Chúng
tôi chia tay vợ chồng ca sĩ Anh Khoa sau gần hai tiếng đồng hồ được gia chủ đón
tiếp và chuyện trò thân mật với một bữa cơm chay thật ngon miệng. Đoàn xe chạy
ra thành phố đến một quảng trường có chỗ đậu xe rồi đi bộ. Tôi không nhớ tên
quảng trường nhưng bãi xe khá rộng nên còn nhiều chỗ trống, vài chiếc đậu không
ngay hàng thẳng lối và đa số là xe cũ. Tôi khóa xe xong định đi theo đoàn nhưng
khi nhìn sang xe bên cạnh thì thấy vô lăng xe còn được khóa thêm một ổ khóa
vòng nữa. Tôi nhìn sang phải rồi sang trái thì thấy rất nhiều xe đều có ổ khóa
vòng giống nhau! Tôi nghĩ là nếu không có chuyện mất xe như bên Áo thì chẳng có
ai khóa như thế cả. Tôi cảm thấy bắt đầu lo vì đây là ‘đất lạ quê người' mà để
mất một chiếc xe mới mua chưa đầy hai tháng thì biết tính làm sao? Đang nghĩ
đến đó thì vợ tôi gọi: -anh ơi nhanh lên kẻo Thầy chờ ! Chẳng hiểu vì sao lúc đó
tôi có chút chần chừ nửa muốn đi nửa muốn ở lại coi xe nhưng rồi cuối cùng tôi
quyết định: bỏ xe theo thầy! Khi tôi theo kịp thì mọi người cũng vừa tới sân
chính của quảng trường, mọi người vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ còn tôi thì đi
chậm phía sau rồi nghĩ bụng không lẽ một mình ngồi đó để giữ xe thì thật là
không giống ai, nhưng lỡ mất xe thì không ai giống mình! Tôi vẫn giữ khoảng
cách vừa phải để không ai phát giác bộ mặt đưa đám của mình và cũng không nói
cho vợ biết sự lo âu và hồi hộp suốt hơn một tiếng cùng mọi người đi dạo quanh
hồ gần quảng trường. Nơi đây chẳng có gì đặc biệt để xem ngoài những hàng cây
ven hồ đã nhuốm mùa thu sang và dù cảnh có đẹp trời có thanh thì tôi chẳng còn
lòng dạ đâu nữa để mà thưởng thức. Đến khi mọi người quay lại quảng trường là
lúc tôi nhanh chân đi trước với tâm trạng không còn lo nữa mà vô cùng hồi hộp
vì biết rằng chỉ trong giây lát nữa thôi thì cũng biết cuộc đời sẽ ra sao! Và
thật ngạc nhiên là chiếc xe vẫn nằm đó như đợi ông chủ nhát gan trở lại. Mừng
quá tôi lẳng lặng lên xe như không có chuyện gì xảy ra cho đến khi về đến Wien
lúc trời vừa tối.
Trong công tác Phật sự có lúc
chẳng khác chuyện đời là mấy nên lo âu hồi hộp hay vui buồn thì không thiếu
nhưng người Phật tử khi đã dấn thân thì không ngại khó, không than van hay hối
tiếc như mẫu chuyện sau đây tôi xin trích một vài đoạn trong bài “Vu Lan 91”
đăng trên tờ Nội san Hoa Sen của Hội Phật tử
Áo, số 7 tháng 12.1991:
“Để chuẩn bị cho ngày lễ Vu Lan
30.08.1991, tôi xin nghỉ một ngày thứ sáu tức là trước đó một ngày. Tuy hôm nay
được xả hơi nhưng tờ mờ sáng tôi đã thức dậy mặc dù tôi cố kéo dài giấc ngủ
nhưng hai chân tôi nó cứ tự động tuột xuống giường. Tôi xuống bếp pha cà phê,
châm một điếu thuốc, khói thuốc xâm nhập vào cơ thể rồi từ từ thoát ra bay vào
khoảng không biến dần trong hơi lạnh của ban mai. Ngồi một mình trong phòng
vắng, cố định tâm cho đầu óc thảnh thơi đôi chút nhưng hàng chục vấn đề đang
bao phủ quanh tôi từ việc lớn cho tới việc nhỏ, một mình điều động cơ năng
không được quên và thiếu sót, chỉ cần một trở ngại nhỏ không may xảy đến vào
phút chót là thiên hạ đem tôi ra pháp trường xử trảm ngay”.
Trên đây là đoạn mở đầu bài Vu
Lan 91 của tác giả Lê Văn Ty. Ngày mai mới là lễ chính nhưng hôm nay có 3
chuyện để làm: Đạo hữu Kim Liên lái xe sang Budapest đón gia đình ca sĩ Anh Khoa. 13 giờ đh Lê văn Ty vào phi trường
đón Đại Đức Thích Thiện Huệ. 14 giờ anh Tăng vào phi trường đón ca sĩ Ngọc
Thanh từ Hòa Lan qua. Việc đón Thầy đã xong rồi nhưng chưa có tin của hai người
kia nên đã làm anh lo lắng đứng ngồi không yên, anh viết: “ Thấy thầy tới bà
xã tôi lo chuẩn bị cơm nước còn tôi lăng xăng lo giường chiếu cho Thầy. Vừa làm
việc nhưng mắt tôi cứ trông chừng cái đồng hồ, người nóng rang như hỏa lò, ba
giờ, bốn giờ rồi năm giờ vẫn im lìm chưa thấy bóng dáng hay tin tức của những
người đi rước các ca sĩ. Hết đứng bên cửa sổ nhìn xuống đường lại lết đến cái
điện thoại, ruột gan lộn tùng phèo, lo quá hóa ra suy nghĩ loanh quanh...”.
Những
gì xảy ra ở nhà đh Lê Văn Ty trong thời gian đó thầy Thiện Huệ thấy được, nên
chỉ mỉm cười và nhẹ nhàng khuyên bảo: “Anh Ty à, tôi có linh cảm là mọi vấn
đề đều được trôi chảy, không có chuyện gì xảy ra đâu, anh đừng lo”.
Đúng như lời Thầy nói, bao nhiêu
chờ đợi rồi cuối cùng ca sĩ Ngọc Thanh cũng đã được anh Tăng đón về. Đh Lê Văn
Ty nói là hôm đó anh Tăng ăn diện rất bảnh bao để đón người đẹp với chiếc
Toyota mới cắt chỉ. Buổi chiều có tin đh. Kim Liên đang bị kẹt xe nên đến 9 giờ
tối mới về tới Wien và sau đó ca sĩ Anh Khoa được đưa đến kho hàng của anh
Quang để tập dượt cho đến 11 giờ đêm rồi đúng 2 giờ sáng họ mới chia tay: “Không
biết các người trong ban tổ chức ngủ được bao nhiêu, phần tôi từ năm giờ sáng
đã phải dậy. Nhẹ nhàng sợ kinh động giấc ngủ của Thầy và những người khác, tôi
gom góp cho vào bao, thùng những thứ cần thiết mang đến hội trường. Đợi Thầy
thức dậy và cùng dùng điểm tâm với Thầy, xong tôi xin phép Thầy đi lo công
việc. Đi một vòng thâu nhặt các dụng cụ mượn của một số bạn bè chở đến hội
trường cũng đúng 12 giờ trưa. Đúng 14 giờ là lễ Vu Lan dành cho Phật tử, như
vậy tôi chỉ còn hai tiếng đồng hồ để chuẩn bị, một thời gian kỷ lục một mình
tôi phải hoàn tất: trang trí chánh điện, phong cảnh, hoa quả, bánh trái, đèn
đuốc và hệ thống âm thanh cho Thầy làm lễ và thuyết pháp...”
Rồi ngày lễ cũng qua đi và sáng
sớm hôm sau chủ nhật 31.08 đh. Lê Văn Ty tiễn gia đình Anh Khoa với buổi
điểm tâm đạm bạc nhưng thật ấm cúng, anh tâm sự: “Giữa Thầy và chúng tôi ai
cũng thấy hài lòng và mừng cho sự thành công của Hội Phật tử tại Áo, tôi tiễn
gia đình Anh Khoa ra bến tàu và chúc anh thượng lộ bình an. Ba giờ cùng ngày
tôi lại đưa Thầy và ca sĩ Ngọc Thanh lên phi trường, đợi máy bay cất cánh và
cũng là lúc tâm hồn tôi trở lại bình lặng nhất từ mấy tháng qua. Tôi phóng xe
về nhà ăn qua loa buổi tối, nhìn đồng hồ gần 8 giờ, tuy đầu óc thảnh thơi nhưng
thân xác mệt đừ. Tôi đâm đầu vô giường ngủ lấy sức để ngày mai làm trâu đi
cày.”
Quả thật Hội chúng ta ra đời vào
một giai đoạn khó khăn về mọi mặt từ tổ chức, phương tiện, nhân sự và tài
chánh. Tất cả đều còn non trẻ, người Việt định cư tại Wien chưa đông nên có quá
ít người giúp sức và điều khó khăn nhất là chưa có nơi thờ cúng nhất định nên
mỗi lần Thầy đến là phải lo tìm địa điểm tổ chức khác. Thêm vào đó đàn con cháu
thì chưa kịp lớn để nhờ việc nên những dịp lễ mời được Thầy sang thì niềm vui
đến trước rồi lo lắng đã kịp bước theo sau. Cũng có người hỏi: Một buổi lễ chỉ
mấy chục người tham dự thì có chi mô mà lo lắng dữ rứa? Xin thưa là dù không có
nhiều người tham dự nhưng không thể thiếu sự tôn kính thể hiện qua nghi lễ dù
Thầy và quý Phật tử tham dự chẳng ai đòi hỏi chi cả. Việc đầu tiên phải liên
lạc để Thầy sắp xếp công việc rồi mới cho hẹn. Được hẹn của Thầy việc trước hết
là phải lo thuê mướn phòng, gặp được phòng (hay hội trường) vừa ý vừa túi tiền
vừa tiện lợi theo yêu cầu của mình thì không phải dễ. Bởi vậy những việc cần
phải làm để tổ chức một sự kiện như ngày lễ Phật Đản hay Vu Lan thì không thể
kể ra hết vì có cả trăm việc cho nên phải cần nhiều người chia ra vài ban để
phân công trách nhiệm thì mới tránh được nỗi khổ và lo lắng như trong bài của đh. Lê Văn Ty vừa được trích dẫn ở trên.
Năm 1999 cũng là năm kết thúc
thế kỷ 20 mà trong đó nếu tính từ 1985 là năm bắt đầu sinh hoạt Phật sự (khi
Hội chưa chính thức thành lập) thì đã trải qua 15 năm như con thuyền trước
phong ba nhưng đã vững tay chèo vượt biết bao nhiêu thử thách và khó khăn để
bước vào một thế kỷ mới với nhiều hy vọng sáng sủa hơn. Được như vậy là nhờ vào
lòng kiên tâm bền gan vượt khó của Phật tử và sự tương trợ của đồng hương cùng
với sự giúp đỡ dẫn dắt và ủng hộ tinh thần của quý Chư Tôn Đức để Hội Phật tử
Việt Nam tại Áo có chung một niềm vui đã đợi quá lâu, đó là Ngôi Chùa Mơ
Ước đã chờ đến ba mươi năm mới thành sự thật.
Bước sang thế kỷ 21, đêm Văn
Nghệ Mừng Xuân được tổ chức vào ngày 05.02.2000 (nhằm ngày mồng 1 tháng giêng
năm Canh Thìn), đánh dấu một Thiên Niên Kỷ Mới tại hội trường Palais
Eschenbach, Wien. Chương trình có nhiều tiết mục đặc sắc như ca vũ nhạc kịch,
ảo thuật và xổ số và đặc biệt hơn nữa là quầy hàng thức ăn chay với hàng chục
món ăn hấp dẫn thuần túy hương vị quê huơng đã phục vụ hơn 1.000 người đến tham
dự.
Chỉ hai tháng sau những ngày vui
Xuân, Niệm Phật Đường đầu tiên của Hội Phật Giáo Việt Nam tại Áo ở
Lorbeergasse, Wien đã chính thức hoạt động, bắt đầu một chặng đường mới trong
sinh hoạt sẽ đi vào ổn định và nề nếp hơn so với thời gian khó khăn trước đây
đã kéo dài mười lăm năm qua. Ngày ra mắt
15.04.2000 đã quy tụ đông đảo Phật tử khắp nơi đến tham dự, đặc biệt với
sự hiện diện của Đại Đức Seelawansa đã khiến cho buổi lễ thêm phần trang trọng.
Kể từ thời điểm này, NPĐ mở cửa thường xuyên vào cuối tuần và có lịch sinh hoạt
để Phật tử đến tham dự các buổi cầu nguyện, lễ Phật hoặc tổ chức các buổi Cầu
An, Cầu Siêu cho thân bằng quyến thuộc.
Hơn một năm sau ngày Niệm Phật
Đường hoạt động, Bản Tin Phật Sự do đh. Trương Hữu Thiện phụ trách biên tập
(thay thế Nội San Hoa Sen đình bản sau số 15, tháng 8.2003) ra mắt số đầu tiên
vào tháng 10.2001 đã mang đến những thông tin quan trọng không chỉ giới hạn
trong Hội mà còn chia sẻ các sinh hoạt rộng lớn hơn như trong phần Phật Sự có
đưa tin vào ngày 19.02 đến 02.03.2001 phái đoàn Phật tử Việt Nam tại Áo, dưới sự
hướng dẫn của Đại Đức Seelawansa đã lên đường tham dự chuyến hành hương Tích
Lan chiêm bái những thánh tích quan trọng của Phật giáo.
Cũng trong buổi Lễ Truyền Xá Lợi
này, phái đoàn Việt Nam có Hòa Thượng Thích Bảo Lạc từ Úc sang, Hòa Thượng Thích Minh Tâm từ Pháp, Hòa
Thượng Thích Như Điển từ Đức và Hòa Thượng Thích Trí Minh từ Na Uy. Giờ phút
quan trọng là lễ truyền Xá Lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni của Thầy Seelawansa đến
Hòa Thượng Thích Trí Minh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt
Nam, Xá Lợi Đức Phật được cung thỉnh về tôn thờ trong chùa Việt Nam tại hải
ngoại (Chùa Khuông Việt, Na Uy).
Vào ngày 15.09.2001, lần đầu tiên
Hòa Thượng Thích Trí Minh đã chủ trì Đại Lễ Vu Lan được tổ chức tại NPĐ
Lorbeergasse với sự tham dự đông đảo của bà con Phật tử, đặc biệt quý đạo hữu
đến từ Linz và Salzburg. Và cũng trong dịp này Phật tử Áo quốc đã vô cùng hoan
hỷ nhận lời mời của Hòa Thượng sang thăm chùa Khuông Việt vào mùa hè năm sau.
ĐĐ SEELAWANSA & HT THÍCH TRÍ MINH, Wien 30.06.2002
Những ngày cuối tháng 6 và đầu
tháng 7.2002 Phật tử rộn ràng đón tiếp
Thầy Trí Minh và Đại Đức Seelawansa cùng chủ trì Đại Lễ Phật Đản lần đầu
tiên được tổ chức thật trang trọng ngoài trời tại sân vận động Venediger Au,
Wien vào ngày 30.06.2002 với gần 200 Phật tử khắp nơi về tham dự và sau đó là
chuẩn bị cho chuyến hành hương ba ngôi Chùa ở tây bắc Âu. Ngoài tôi và con gái
có tên trong danh sách 50 Phật tử, còn có sự tham dự của Đại Đức Seelawansa mà
trong chuyến đi ngày 12.07, điểm dừng đầu tiên là Chùa Viên Giác Hannover vào lúc 21:30 giờ, sau một ngày trên tuyến đường Wien Salzburg Hannover hơn
1.000 cây số nhưng thấy mọi người đều khỏe. Tuy khách
hành hương về Chùa khá đông nhưng quý Thầy đã chuẩn bị chỗ ngủ rất chu đáo.
Nhận phòng xong, chúng tôi gặp nhau ở Chánh điện lễ Phật trước khi đi ngủ lúc
gần 1 giờ sáng.
Chùa KHUÔNG VIỆT, Oslo Na Uy 16.07.2002
Ngày 13.07 phái đoàn đã được quý Thầy hướng dẫn ra hồ ngắm cảnh và tham quan thành phố. Hôm sau dậy sớm lúc 5 giờ sáng tiếp tục chặng đường cuối, đến Oslo
lúc nửa đêm 14.07.2002 và đã được Hoà Thượng Trí Minh cùng quý Tăng Ni tiếp đón nồng hậu, chăm
sóc từ nơi ăn đến chỗ ngủ, rồi lại được chính Thầy dẫn đi khắp Oslo dù chỉ có
bốn ngày thăm viếng. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ là mỗi sáng khi quý tín nữ
chưa thức dậy thì bên thiện nam đã ngồi quanh chiếc bàn của Thầy để cùng chăm
chú nhìn Phương Trượng châm trà với đôi bàn tay mềm mại uyển chuyển từng động
tác cho đến khi mọi người hai tay nâng chung trà để thưởng thức hương vị của
một loại trà đặc biệt là cả một nghệ thuật, thấy thì dễ nhưng muốn pha chế được
một chung trà tuyệt hảo như thế chắc phải mất đến vài năm đi theo hầu trà sư
phụ. Bởi vậy mỗi khi nghe tin Sư Phụ sắp sang Áo là nhớ đến Sư chú Vạn Đức, nhớ
có một buổi chiều tối phái đoàn được Thầy dẫn ra phố ăn kem, đến khi mọi người rời
quán ra xe để trở về Chùa lúc 22:30 giờ thì thấy mặt trời vẫn chưa lặn, và nhớ
nhất là những chung trà thơm ngon vào mỗi sớm mai...
Sau bốn ngày được tiếp đón nồng
hậu, đoàn hành hương bịn rịn chia tay Thầy và Tăng Ni cùng Phật tử chùa Khuông
Việt vào ngày 18.07, có người ngậm ngùi lau nước mắt và cũng có người nói ở đây
vui quá với những bữa cơm chay thân tình và thật ngon nên không muốn về...
Nhưng rồi chiếc xe buýt đâu có hay biết gì, vẫn vô tư chở đoàn người còn ham
vui đến Đan Mạch thăm Đại Đức Thích Giác Thanh (đệ tử thầy Trí Minh) trụ trì
chùa Quảng Hương. Thêm một lần nữa được đón tiếp như những vị khách quý làm
chúng tôi hết sức cảm động. Ngày hôm sau lại được Thầy dẫn đi thăm Legoland để xem những tác
phẩm nghệ thuật vô cùng độc đáo rồi sau đó phải nói lời tạm biệt. Thầy Giác
Thanh đã một lần thay thầy Trí Minh sang Áo vào năm 1994 nên ai cũng thấy
thân tình, tiếc là đoàn phải trở về chùa Hannover trước khi về Áo vào ngày
21.07.2002.
Chùa QUẢNG HƯƠNG, Đan Mạch 19.07.2002
Lúc trở lại chùa Viên Giác, đh. Phó
Hội trưởng Lê Tuấn là người đã có nhiều dịp tiếp xúc với Hòa Thượng Thích Như
Điển trước đây qua các sinh hoạt Phật sự vì vậy mà buổi tọa đàm Thầy dành cho
phái đoàn hết sức tự nhiên và vui vẻ, sau đó Thầy dẫn mọi người ra sân trước
vườn sau để chụp hình và giới thiệu những khu đất quanh Chùa với những dự tính
trong tương lai. Đây là lần thứ ba tôi được gặp Hòa Thượng Viện Chủ ngay trên
mảnh đất mà Thầy đã khởi công xây dựng nên ngôi chùa Viên Giác từ năm 1989 và
cho đến năm 1993 hoàn thành với kinh phí 5 triệu rưỡi đô la tương đương với 9
triệu Đức mã vào thời điểm đó, do sự đóng góp của bà con Phật tử khắp năm châu
lục. Nhìn vào kinh phí xây dựng ít ai ngờ rằng vào tháng 02 năm 1977 Thầy ra
trường với luận án tốt nghiệp tối ưu của trường Đại học Giáo dục Teikyo tại
Tokyo, Nhật Bản trước khi đến Đức vào ngày 22.04.1977 với visa du lịch. Sau đó
Thầy xin tỵ nạn và được chấp thuận lại ở Đức từ đó cho đến nay (phatda.net). Song song với công tác xây dựng, đào tạo và truyền bá đạo Phật đến
phương Tây, Thầy còn là một nhà biên soạn, dịch thuật (thông thạo 6 ngoại ngữ:
Hán văn, tiếng phổ thông Trung Quốc, Nhật, Anh, Pháp và Đức ngữ) và tính đến
năm 2016 Thầy đã có 66 tác phẩm ra đời, vừa là chủ nhiệm tờ Báo Viên Giác, là một
trong những tờ báo có tuổi thọ, số phát hành lớn và uy tín của cộng đồng Việt
Nam xuất bản ở Hải ngoại, mỗi năm phát hành 6 số đến với độc giả khắp năm châu
đã ba mươi bảy năm qua với 215 số. Chỉ nhìn vào những con số về sách và báo
cũng đủ cho chúng ta tỏ lòng khâm phục về một vị tu sĩ kiêm nhà văn, Hòa Thượng
Thích Như Điển.
ĐĐ SEELAWANSA, HT VIÊN GIÁC, Chùa VG 13.07.2002
Bước qua năm 2003 vào những ngày
Xuân Á Đông trên quê người, những tà Áo Dài Việt Nam đã có dịp phô diễn nét đẹp
truyền thống trong đêm Văn Nghệ Áo Dài Xuân Quý Mùi được tố chức vào ngày 01.02.2003 với sự tham dự khoảng
1.200 người. Trên hàng ghế danh dự có sự góp mặt của Thầy Seelawansa cùng đại
diện hội Phật Giáo Áo, Đại diện Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Wien và Vùng
Phụ Cận, Đại diện chính quyền quận 11, Đại diện một số Đảng phái Áo. Trong
chương trình buổi lễ, hai tiết mục gây sự chú ý nhiều nhất của toàn thể hội
trường là màn Múa Lân và cuộc thi biểu diễn Áo Dài với 23 thí sinh ghi tên tham
dự. Thí sinh đăng quang giải Hoa Hậu Áo Dài trong cuộc thi này là cô Nguyễn Mỹ
Anh đến từ Villach, Á Hậu là các cô Nguyễn Renate (Wien) và Huỳnh Elisabeth
(Wien).
Trở lại với sinh hoạt Phật sự
tháng 5.2003, Đại Lễ Phật Đản được tổ chức trọng thể tại quảng trường
Heldenplatz vào ngày 17.05 trước dinh Tổng Thống Áo (Hofburg) dưới sự chứng minh
của Thầy Trí Minh và hơn 10 vị Tăng, Ni đến từ Tích Lan, Áo, Hung, Tiệp, Đại
Hàn và Nhật Bản. Ngày hôm sau 18.05 là Lễ Mừng Sinh Nhật 50 tuổi của ĐĐ
Seelawansa được tổ chức tại Palais Eschenbach, Wien với sự tham dự của nhiều
quan khách đến từ Đức, Anh, Na Uy, Thụy Sĩ, Tích Lan, Đại Hàn...Trong buổi lễ,
Đại Đức kêu gọi những người có lòng từ tâm, quyên góp cho việc thành lập Trung
Tâm An Lạc và Hòa Bình ở Sri Lanka. Nhiều Phật tử Việt Nam cũng đã hưởng ứng
cúng dường tịnh tài cho mục xã hội đáng khích lệ này. Hai tháng sau đó là đến ngày đón
tiếp Sư cô Minh Viên, đệ tử của Thầy Trí Minh từ Đài Loan, trên đường trở về thăm Na Uy cùng với ba Sư cô Đài
Loan ghé thăm Áo quốc ba ngày từ 25 đến 28.07.2003.
Đây cũng là dịp để Phật tử
tại Áo đáp lại những ân tình mà quý Thầy, Sư cô và Tăng chúng chùa Khuông Việt
đã dành cho phái đoàn Phật tử Áo trong năm vừa qua. Tại Salzburg, phái đoàn đã
đi thăm khu Thành Nội, Mozarts Geburtshaus và Festung. Kết thúc buổi thăm
Salzburg là một vòng dạo qua thành phố, sau đó dùng bữa cơm tối trước khi về
Wien lúc 22 giờ cùng ngày. Tại Wien, chủ nhật 27.07 quý Sư cô đã đến NPĐ tham dự
khóa lễ định kỳ, buổi chiều đi thăm chùa Nhật cạnh bờ sông Donau sau đó lên
thăm núi Kahlenberg. Buổi tối quý Sư cô đã được đưa đi xem một vòng Wien qua
các địa danh quan trọng trước khi về Na Uy vào ngày hôm sau, 28.07.2003.
Bước sang năm 2004, một năm được
mùa lễ hội mở đầu với chương trình Văn Nghệ Xuân Giáp Thân được tổ chức vào
ngày 24.01.2004 tại hội trường Kongresshaus, Wien. Ngoài ngày Đại Lễ Vu Lan (Đại Đức Thích An Trí chủ lễ vào ngày 28.08) tại NPĐ đã có bốn sự
kiện quan trọng:
1. Ngày 18.04 trong buổi Trà Đàm,
các Phật tử đã thảo luận một cách cởi mở cùng Sư Cô Tâm Hạnh về các vấn đề: Tu
hành, Phước đức, Ăn chay, Ý nghĩa cuộc sống, Lẽ vô thường... cũng như cách vượt
qua sinh tử luân hồi, giải trừ nghiệp chướng.
2. Ngày 02.05.2004 khai mạc
chương trình Phật Học lần thứ 2.
3. Ngày 15.05.2004 Hòa Thượng
Thích Trí Minh và Đại Đức Thích Viên Ngộ đã đến thăm Wien và chủ trì các buổi
lễ:
+ Lễ An Vị Phật được tổ chức tại
NPĐ.
+ Lễ Quy Y cho các Phật tử thuần
tâm.
+ Lễ Phật Đản được tổ chức tại
sân vận động Venediger Au. Được biết thầy Thích Viên Ngộ là đệ tử của thầy Trí
Minh, xuất gia tại chùa Khuông Việt hiện là du học Tăng tại Trung Quốc. Trong
chuyến du hành đầu tiên đến Áo thầy có mang theo một số CD nhạc Phật giáo của
nhạc sĩ Viên Giác, đệ tử của thầy Khuông Việt do các ca sĩ chuyên nghiệp hải
ngoại trình diễn. Số tiền thu được từ sự phát hành CD này sẽ đóng góp cho việc
trùng tu sửa Chùa.
4. Ngày 01.08.2004: Đông đảo Phật
tử đã tham dự buổi lễ định kỳ hàng tháng tại Niệm Phật Đường dưới sự chủ trì
của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc (Bào huynh của Hòa Thượng Thích Như Điển) và
Thượng Tọa Thích Như Định. Theo chương trình ấn định phái đoàn Úc Châu gồm bốn
vị Tăng sĩ trong chuyến viếng thăm và hướng dẫn khóa Tu Học Phật Pháp kỳ 16 tại
Ý, sẽ ghé ngang qua thăm đồng bào Phật tử tại Wien từ ngày 31.07 cho đến
03.08.2004. Nhưng rất tiếc vào phút chót, nhị vị Thượng Tọa Minh Hiếu và Tâm
Phương (Khai sáng và trụ trì Tu viện Quảng Đức, Úc), đáp lời thỉnh cầu của Phật
tử tại Luân Đôn nên đã không tháp tùng HT Bảo Lạc trong chuyến viếng thăm NPĐ
của chúng ta (BTPS số 8).
Sau 5 năm Niệm Phật Đường mở cửa
hoạt động (2000-2005), số lượng Phật tử tham dự Lễ định kỳ ngày càng đông, chưa
kể mỗi năm mùa Đại Lễ Phật Đản thường rơi vào những ngày hè nắng ấm được tổ
chức ngoài trời thì con số có khi lên đến từ 150 đến 200 người. Đây là điều
mang lại niềm khích lệ lớn không những cho quý Thầy và BCH mà ngay cả chính
những người tham dự họ cũng thấy được Hội Phật tử tại Áo nay đã ngày một lớn
mạnh theo thời gian.
Khi số Phật tử tham gia ngày càng tăng thì sinh hoạt ngày
càng nhiều, bên cạnh những ngày Lễ định kỳ hàng tháng, quý Thầy và BCH còn phát
thảo và thực hành những khóa tu tập Phật Pháp, Thọ Bát Quan Trai, hướng dẫn
Thiền tập, Trà đàm hoặc tổ chức những buổi tiếp đón Chư Tôn Đức đến thăm viếng
hay tham dự cùng đồng bào Phật tử trong những ngày lễ lớn.
Chính nhờ trên bước
đường Hoằng Dương Phật Pháp của quý Chư Tôn thuộc hàng Giáo Phẩm Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại cùng Chư Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni đã
mang Ánh Đạo Vàng rọi khắp thế gian như được tưới thêm nhân duyên trong mùa
Phật Đản 2005, kỷ niệm ngày Đản Sanh lần thứ 2549 của Đức Từ Phụ để một lần nữa
được đón tiếp Hòa Thượng Trí Minh và vị đệ tử là Đại Đức Thích Viên Duy, lần
đầu tiên cùng Sư phụ viếng thăm Áo quốc vào ngày 07.05.2005 với khoảng 150 Phật
tử khắp nơi về tham dự. Sau buổi lễ, Ban Văn nghệ lần này phần đồng ca hoàn
toàn do quý cô Phật tử đảm nhiệm. Phải nhìn nhận đây là lần đầu tiên chúng ta
được thưởng thức những bài hát ca tụng Lễ Khánh Đản qua những âm thanh chuẩn,
chứng tỏ công sức tập dượt không phụ lòng của bà con Phật tử.
Bên cạnh những giọng ca đang lên
quen thuộc, lần này khán thính giả được nghe thầy Viên Duy, sau khi trả lời
phỏng vấn về những nhân duyên hạnh ngộ với Phật tử Áo trên bước đường tu tập,
đã trình bày một bản nhạc Trung Hoa có nội dung hướng về một thành phố nhỏ như
gởi gắm tâm tư đến thủ đô Wien. Và thật vậy, những tâm tư gởi gắm ấy như hạt
giống gieo đúng Mùa Sen Nở nên năm năm sau Thầy đã trở lại Wien khi vâng lệnh
Sư phụ để chính thức là Trụ trì Niệm Phật Đường Minh Tịnh, Áo quốc vào năm
2010.
Sau năm 2005, sinh hoạt Phật sự
có chiều hướng ổn định và đều đặn với mỗi năm quý Thầy sang hai hoặc ba lần,
chưa kể những ngày Lễ định kỳ hàng tháng cùng các khoá học Phật Pháp, Thiền
tập...nên NPĐ Lorbeergasse tuy đã nhiều lần được sắp xếp lại nhưng cũng không
đủ rộng để đáp ứng được số lượng Phật tử đến Chùa ngày càng đông đảo hơn. Chính
vì vậy nên vào tháng 5.2008 Hội đã thuê được một nơi khác để làm NPĐ mới, đó
là căn hộ và hầm nhà trong một chung cư có diện tích 88 mét vuông ở đường
Tichtelgasse 11, 1120 Wien. Chủ căn hộ đã cho phép Hội mướn trong 4 tháng đầu,
tiền mướn hàng tháng 670 Euro, sau đó có thể mua đứt luôn với giá là 80.000
Euro. Như vậy số tiền phải trả mỗi tháng là 880 Euro với tiền lãi hàng năm là
6%, sau mười năm thì NPĐ sẽ thuộc về Hội Phật tử Việt Nam tại Áo.
Đến tháng 8.2008, BCH đã gởi Tâm
Thư kêu gọi Phật tử và Đồng hương xa gần Phát Tâm đóng góp xây dựng NPĐ tại
Wien, nhưng sau hai tháng vận động, kết quả về sự hưởng ứng của bà con khắp nơi
là không được như mong muốn để có đủ khả năng về tài chánh. Do vậy, BCH đã
quyết định không mua căn hộ đang thuê nữa
để khỏi phí thời gian.
Cũng trong tháng 8.2008, Hòa
Thượng Trí Minh đã đến Linz chủ trì Đại Lễ Phật Đản được tổ chức tại
Schörgenhubstraße 39, 4030 Linz vào ngày 23.08 rồi sau đó lại trở về Wien để
hôm sau ngày chủ nhật 24.08.2008, cùng với Thượng Tọa Seelawansa chứng minh Đại Lễ
Phật Đản tại NPĐ mới Tichtelgasse 11.
Tổng kết sinh hoạt cuối năm 2008
được ghi nhận với nhiều chuyển biến tích cực với Lễ Đầu Năm cùng Hòa Thượng
Thích Minh Tâm, vía Tôn giả A Di Đà và Đại Lễ Vu Lan với Hòa Thượng Thích Trí
Minh, Đại Lễ Phật Đản với Đại Đức Thích Viên Đại (lễ Phật Đản và Vu Lan đồng
thời cũng được tổ chức tại Linz). Ngoài ra còn có Đêm Văn Nghệ Mừng Xuân, Bữa
Cơm Xã Hội, khai mạc NPĐ mới, Thọ Bát Quan Trai (lần thứ nhất) ngày 20/21.09 với
thầy Thích Viên Duy và các khóa học Việt ngữ cho trẻ em cũng đã bắt đầu. Để kết
thúc một năm sinh hoạt Phật sự với hơn 20 buổi lễ hàng tháng, ngày
13/14.12.2008 Thầy Viên Duy đã chủ trì lễ Vía A Đi Đà và Thọ Bát Quan Trai (lần thứ 2).
Vì không mua căn hộ ở
Tichtelgasse nên BCH đã tính đến phương kế lâu dài hơn; đó là vào đầu năm 2009,
NPĐ lại một lần nữa dọn về Haberlgasse 73, 1160 Wien để trở thành NPĐ Minh Tịnh
trong Lễ An Vị Phật được HT Trí Minh và TT Seelawansa chủ trì vào ngày
01.03.2009. Tiếp đến là chương trình Thọ Bát Quan Trai (lần thứ ba) cũng được sự
hướng dẫn của thầy Viên Duy tổ chức vào hai ngày 18/19.04.2009.
Không lâu sau đó là ngày Đản
Sanh của Đức Từ Phụ, để hồi tưởng sự thị hiện của Ngài trên thế gian này, Phật
tử Áo đã hân hoan chào đón HT Minh Tâm trở lại Wien, thăm viếng NPĐ Minh Tịnh
và cùng chứng minh Đại Lễ Phật Đản với TT Seelawansa và ĐĐ Thích Viên Duy vào
ngày 26.04.2009.
ĐĐ THÍCH VIÊN DUY, Trụ Trì NPĐ Minh Tịnh
Bước sang năm 2010, khi tiết
Xuân sắp trở về với nhân loại cũng là
lúc ĐĐ Thích Viên Duy chính thức được Bổ sứ sang Áo Trụ trì NPĐ Minh Tịnh ở
Haberlgasse 73, vừa tròn một tuổi. Trước khi tu học ở chùa Khuông Việt, thầy
Viên Duy là sinh viên trường Đại học Dầu Khí thuộc tỉnh Stavanger, Na Uy.
Đến
năm cuối cùng, khi đang viết luận văn tốt nghiệp thì phải bỏ dở để về lại chùa
Khuông Việt vì sự ra đi đột ngột của Đại Đức Thích Quán Không vào năm 1995.
Tháng 9.2001, Thầy là du học Tăng ở Trung Quốc, năm 2006 trở về Chùa Khuông
Việt với bằng Cao Cấp Hán văn. Trước đây thầy đã có chuyến thăm thành phố Wien
lần đầu tiên vào năm 2005 và đã có dịp làm quen với sinh hoạt Phật sự cùng Phật
tử Áo từ năm 2008, nên khi vừa nhậm chức, Thầy đã nhanh chóng sẵn sàng một
chương trình hành động năm 2010 dày đặc cho cả ba đạo tràng Wien, Linz và
Salzburg mà những năm trước đó và cho đến cả sau này cũng không thể so sánh
được với chừng chục buổi lễ lớn nhỏ như Lễ Đầu Năm (14.02) và Thọ Bát Quan Trai
(lần thứ tư 20/21.03), sau đó Đạo tràng Linz lần đầu tiên được đón tiếp Thầy
Viên Duy chủ trì hai lần với Lễ Cầu An (17.04/10.07) và Đại Lễ Vu Lan vào ngày 18.09.2010.
Tại Wien, Đại Lễ Phật Đản và Vu
Lan đồng thời cũng được tổ chức tại Salzburg và nhiều buổi Lễ định kỳ, Lễ Cầu
An, Cầu Siêu, Vía Quan Âm tại NPĐ Minh Tịnh.
Tại Salzburg, ngay sau khi tổ chức
Đại Lễ Phật Đản vừa xong, để chuẩn bị cho những mùa lễ sắp tới, đạo tràng
Salzburg đã ngẫu nhiên trở thành một Nhóm có tên là G7, gồm 7 gia đình: Hồ văn
Viễn & Hồ Thị Hạnh, Huỳnh Ngô Quân & Hồ Thị Huệ, Dương Minh Khải &
Mai Châu, Lâm Tấn Sĩ & Mỹ Hoàng, Hồng Loan, Hoàng Xuân Vẻ & Đại Huyền
và Nguyễn Sĩ Long & Sương Mai, lâu nay thường xuyên tham gia sinh hoạt Phật
sự như lo mướn hội trường để vui Xuân năm mới, hay tổ chức những ngày lễ khi có
Thầy đến tùy theo sự sắp xếp của Ban Chấp Hành.
Đại Lễ Vu Lan đã được tổ chức
viên mãn tại Wien và Salzburg, điều này nói lên tinh thần Hiếu Đạo của Phật tử
trong mùa Báo Hiếu, vì vậy một tuần sau đó Đại Lễ Vu Lan cũng được tổ chức ở
Đạo tràng Linz để tổng kết một thập niên sinh hoạt với rất nhiều chương trình
đã thực hiện như hành hương Ấn Độ, Pháp, Na Uy, thỉnh tượng của Phật Dược Sư,
Phật A Di Đà, Địa Tạng Vương và Quán Thế Âm Bồ Tát, xây dựng chánh điện, bàn
thờ, dưới hầm, tổ chức Tết, những buổi lễ hàng tuần...
Qua năm 2011, sau Lễ Đầu Xuân và
Lễ Quán Thế Âm Bồ Tát là đến sự kiện nổi bật nhất trong năm với Khóa Tu Học Phật
Pháp Âu Châu kỳ thứ 23 được tổ chức ở Wieselburg, Áo từ ngày 22 đến 31.07.2011.
Gần một tuần lễ trước ngày khai giảng, hai phi trường Linz và Schwechat Wien
tấp nập học viên đến từ mọi nơi để được đón tiếp và đưa về một địa điểm dùng để
triển lãm của thành phố Wieselburg, cách thủ đô Wien gần 100 cây số, nay đã trở
thành một nơi mà “Trong ngày khai mạc
không thấy có một dấu hiệu nào của sự khổ đau cả, mà những tín đồ này đã tụng
kinh, vỗ tay tán thưởng cũng như tươi cười với những vị lãnh đạo của họ. Đây là
một niềm hỷ lạc vô biên của tôi chưa bao giờ nhìn thấy, Ông Thị trưởng
Günther Leichtfried phát biểu, ông nói thêm:..và tôi không thể nghĩ rằng nơi triển lãm này đã trở thành một mái chùa
đẹp đẽ như vậy”.(Báo Kurier ra ngày thứ bảy 23.07.2011 vùng
Niederösterreich, Áo. Tường thuật bởi Julia Schrenk, HT Thích Như Điển
dịch từ tiếng Đức).
Đây cũng là lần đầu tiên một nước Áo nhỏ bé nằm lọt lòng
giữa trung Âu đã đăng cai một sự kiện quan trọng của Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam Thống Nhất Âu Châu với 1.024 học viên tham dự, trong số đó Phật tử Áo đã phá
kỷ lục để dành 'huy chương đồng' với 116 học viên, chỉ sau Đức (229) và Pháp
(201).
HT KHÁNH ANH, CHƯ TÔN, Phật tử Khóa Tu Học Kỳ 23, Áo
Sau Khóa Tu Học Phật Pháp ở
Wieselburg, Phật tử Áo lại được đón tiếp Hòa Thượng Thích Như Huệ, chủ trì Đại
Lễ Vu Lan cùng thầy Viên Duy vào ngày 03.09.2011 tại sân vận động Venediger Au,
Wien. Với đạo tràng Salzburg, được Thầy trụ trì thông báo trước là sẽ có hai xe
buýt từ Wien đến thăm trong dịp Đại Lễ Vu Lan sẽ được tổ chức vào ngày
10.09.2011 ở hội trường Laufenstraße 36, nên Nhóm G7 đã chuẩn bị chu đáo để sẵn
sàng đón tiếp phái đoàn từ Wien và cùng Phật tử Salzburg với 180 phần cơm hộp.
Có thể nói đây là ngày lễ quy tụ Phật tử đông đảo nhất từ trước tới nay. Vì hội
trường quá tải nên quan khách đã nhường chỗ để Phật tử Salzburg dự lễ với ĐĐ
Viên Duy. BTC hướng dẫn phái đoàn đến công viên để nghỉ ngơi và sau đó đã được
phục vụ bữa ăn trưa trước khi được các thành viên trong nhóm G7 đưa mọi người
ra trung tâm tham quan thành phố Salzburg. Trong số khách đến Salzburg lần này,
ngoài BCH cùng đông đảo Phật tử Wien, còn có anh chị Hai, anh Có, và quý đh. Diệp, Thảo, Dung, Như, Trang... cùng ban Trai Soạn đã tiếp sức với đạo tràng
chủ nhà để buổi lễ được thêm phần hoàn mãn tốt đẹp. Ngoài ra còn có một vị
khách trẻ đang trong chuyến viếng thăm thân nhân ở Áo là nam diễn viên điện ảnh
Võ Thành Tâm đến từ Việt Nam.
Sang năm 2012 Phật tử được chào
đón HT Thích Trí Minh và ĐĐ Thích Viên Dũng trong Lễ Rằm Tháng Giêng và HT
Thích Thiện Huệ trong Đại Lễ Phật Đản vào ngày 28.04.2012. Hai buổi lễ này đều
được tổ chức tại Schwenkgasse 22, Wien. Đến Mùa Vu Lan Báo Hiếu, ở Salzburg đã
tổ chức sau Wien một ngày để được đón tiếp HT Thích Trí Minh, chủ trì buổi lễ
cùng với quý ĐĐ Thích Minh Tánh, Thích Hạnh Vân và Thích Viên Duy vào ngày 16.09.2012
ở hội trường Laufenstraße 36. Vì sợ phái đoàn từ Wien xuống không kịp giờ vào
ngày chủ nhật nên BCH đã đưa quý Thầy về Salzburg vào chiều tối thứ bảy.
Buổi
tối hôm đó Nhóm G7 Salzburg đã chờ đón tiếp phái đoàn gồm quý Thầy và một số
Phật tử đi cùng để mời quý khách đường xa dùng bữa cơm chay ở quán Wok,
Lengfelden trước khi đưa quý thầy Minh Tánh, Hạnh Vân và Viên Duy về tạm trú
một đêm ở Vogelweiderhof. Hòa Thượng Trí Minh được đón về nhà đh. Huỳnh Ngô
Quân, cách hội trường Laufenstraße chỉ năm phút đi bộ. Điểm đặc biệt của lễ Vu Lan ở
Salzburg năm nay đông hơn mấy năm trước với khoảng trên 60 người tham dự và có
đến 12 Phật tử Phát tâm Quy Y với Hòa Thượng Thích Trí Minh, trong số đó người
lớn tuổi nhất là đh. Nghĩa Linh và nhỏ nhất là cháu Ân Lai 6 tuổi.
ĐĐ VIÊN DUY, HẠNH VÂN, HT TRÍ MINH, MINH TÁNH
và 12 Phật Tử Salzburg Quy Y ngày 16.09.2012
Bước sang năm 2013, sau Lễ Đón
Giáo Thừa và Lễ Phật Đầu Xuân là Văn Nghệ Xuân Quý Tỵ, Viettalent Final tại hội
trường Casablanca, Perfektastraße 81 vào ngày 16.02.2013, đã qui tụ hơn 1.200
người đến tham dự với phần văn nghệ đặc sắc và xổ số đã làm tăng thêm phần hào
hứng cho người tham dự khi chờ đợi vận may với giải nhất Tombola là một vé máy
bay về Việt Nam. Được biết, Đêm Văn Nghệ Xuân được tổ chức mỗi năm thành công
viên mãn, ngoài nỗ lực của các cô bác anh chị em trong Hội, còn có sự ủng hộ
nhiệt tình về mặt tịnh tài và tịnh vật của một số hãng xưởng, cơ sở thương mại tại Wien.
Cũng như mọi năm, Đại Lễ Phật
Đản vừa qua thì người con Phật lại nô nức khi mùa Vu Lan trở lại, và trong
không khí hân hoan của mùa Vu Lan Thắng Hội đó, Đại Lễ Báo Hiếu đã được tổ chức
tại Hội trường Pfarrer Gatterhölz, Wien vào ngày 14.09.2013. Tại Salzburg, bà
con Phật tử đã đón tiếp hai xe buýt của hai phái đoàn từ Heilbronn, Đức sang và
Wien xuống. Buổi lễ đã được Hòa Thượng Thích Trí Minh cùng Tăng Ni gồm Thượng
Tọa Thích Giác Trí, Thích Hạnh Sa, Thích Quán Triệt, Thích Hạnh Vân, Thích Viên Duy và Sư cô
Thích Nữ Viên Hạnh cử hành trọng thể tại Hội trường Kolpinghaus vào ngày
15.09.2013. Nhờ hội trường lớn và thoáng mát, bãi đậu xe rộng rãi cùng với sân
trước vườn sau, lại gặp ngày trời đẹp nên sau Lễ, bà con Phật tử đã dùng cơm
trưa vừa ở trong hội trường và cả ngoài sân vườn, có khoảng 10 chiếc bàn dài
cho chừng 50 người ngồi. Cũng như năm ngoái, lần này ở Kolpinghaus, BTC cũng đã
được quý đh. trong Ban Trai soạn cùng bà con phục vụ buổi lễ với hơn 150 người
tham dự được thành công viên mãn.
Sau hai ngày Đại Lễ Vu Lan ở
Wien và Salzburg vào giữa tháng 9.2013, chừng năm tuần sau đó bà con Phật tử
nhận được tin buồn của dì Tư, nhũ danh Nguyễn Thị Liên, Pháp danh Liên Hoa đã
về Cõi Phúc vào ngày 22.10.2013. Dì Tư dù đã lớn tuổi, xa quê huơng đã lâu
nhưng vẫn còn thủy chung với giọng Huế. Mà lạ thiệt, chỉ nghe dì Tư nói thôi,
là như thấy cả sông Hương núi Ngự và Mạ trong đó.
Mỗi năm tôi chỉ lên Wien đôi
ba lần để thăm con cháu hoặc vào những ngày Lễ hay Tết, trong những dịp này tìm
thăm dì và các đh. trong ban Trai soạn thì dễ lắm, tìm lối đi thẳng đến quầy
hàng thức ăn và giải khát là có dì ở đó. Gặp lại lúc nào hai dì cháu cũng tay
bắt mặt mừng và có nhiều chuyện để thăm hỏi, thân thiết và quyến luyến như
người nhà. Bên cạnh dì Tư là anh Hai, anh Có...và một người chị lúc nào cũng
trông rất hiền lành là chị Hai (đh. Phạm thị Hiền), Trưởng ban Trai soạn. Ai
cũng mến chị về sự dịu dàng, nể phục về tính tháo vát và giỏi giang tổ chức
những quày hàng phục vụ Văn nghệ Xuân đã hàng chục năm qua, bên cạnh những đồng
sự siêng năng và chịu khó như chị Hai Lớn, chị Lan, Thảo, Cầm, Dung, đh. Hoàng,
Hùng, Phượng...với hàng chục món ăn hương vị quê nhà, để cùng Ban Văn nghệ với
Tuấn Lê, Diệp Nguyễn, Chân Như...trên sân khấu đã mang về nguồn thu
đáng kể cho nhà Chùa, mà mới nhất là trong đêm Văn nghệ Xuân Bính Thân
(27.02.2016) sau khi có tin Hội đang mua nhà để dựng Ngôi Chùa Mới, nên bà con
đã ủng hộ nhiệt tình với số tiền thu được là 16.055 Euro. Có tin là Tết Đinh Dậu
2017 cũng sẽ được tổ chức tại Hội trường cũ, để một lần nữa mong đuợc sự ủng hộ
của bà con Phật tử tiếp tay giúp Hội đã phát tâm thỉnh một pho tượng Bổn Sư
bằng đồng cao 1,99m do một nghệ nhân nổi tiếng từ Nepal đích thân tạc khắc đúc
thành. Ngoài ra còn tu sửa chánh điện, nhà bếp, lắp hệ thống sưởi...nên chi phí
có thể quá con số 100.000 Euro.
Chưa đầy ba tháng sau khi Dì
Tư mất, ngày Tết Cổ Truyền và chương trình Văn Nghệ Xuân Giáp Ngọ lại đến
vào ngày 08.02.2014, đặc biệt có ca sĩ Khánh Ly và Quang Thành từ Mỹ sang nên
hội trường Perfektastraße kín chỗ và quày hàng vẫn đông khách như mọi năm với
người mua kẻ bán thật nhộn nhịp nhưng không thấy Dì ở đó nữa, và rồi lại
nhớ đến Dì với lòng tiếc thương trong khung cảnh rộn ràng của ngày xuân nơi đất
khách quê người. Làm sao mà quên được những chiếc bánh thuở nào đã được Dì gói
ghém cẩn thận như vẫn còn phảng phất dư vị ngọt ngào ở đâu đây...
BRATISLAVA, 07.09.2014
Những ngày Lễ lớn trong hai năm
2014 và 2015 ở Wien có nét mới lạ trong cách sinh hoạt là Hội đã tổ chức lễ
phóng sanh thả cá tại sông Donau chùa Nhật Bản vào sáng thứ bảy trước khi cử
hành Đại Lễ Phật Đản được Hòa Thượng Thích Thiện Huệ chủ trì tại NPĐ Minh Tịnh
vào lúc 16 giờ cùng ngày 24.05, và sáng hôm sau 25.05.2014 tại Budapest. Cùng hai
năm này, đạo tràng Salzburg không có trong chương trình sinh hoạt của Hội nên
vào ngày 06.09.2014, chúng tôi gồm năm gia đình đã lên Wien dự Đại Lễ Vu Lan và
đêm Văn Nghệ. Sáng hôm sau, một chiếc xe buýt của Hội Phật tử và đoàn xe của
Nhóm G7 Salzburg đã theo Hòa Thượng Trí Minh, cùng quý Thượng Tọa, Đại Đức Thích Viên Duy,
Thích Minh Hiệp, Thích Hạnh Thông, Thích Quán Triệt và Thích Hạnh Bổn sang thủ
đô Bratislava, Slowakei chứng minh Đại Lễ Phật Đản cùng với khoảng 70 Phật tử
tham dự được tổ chức ở Asia Center. Tại đây có Cửa hàng thực phẩm châu Á, có
Hanoi Garden với Asean Fast Food &
Restaurant và có một cửa hiệu Beauty Salon Thao Nguyen...
Đây là lần thứ hai sau mười lăm
năm tôi mới có dịp theo Thầy đi thăm các nước láng giềng có cộng đồng người
Việt và cũng có tổ chức Phật tử đang trong giai đoạn hình thành giống như sinh
hoạt Phật sự tại Áo ba mươi năm về trước. Lần đầu tiên đi với Thầy vào năm 1999
sang Hungary thăm ca sĩ Anh Khoa tôi có chuyện lo lắng và hồi hộp vì tưởng đã
mất chiếc xe ở Budapest như đã kể trong phần trước. Lần này Đại Lễ Vu Lan ở
Bratislava cũng có chuyện để ghi nhận nhưng chắc là an tâm hơn. Ngoài số Phật
tử tham dự phần đông từ Wien và Salzburg sang, phần còn lại đa số thuộc về lớp
trẻ, và trong lớp trẻ ấy, thật bất ngờ khi thấy cậu con trai nhà tôi đang ngồi
ngay ngắn trong hội trường, cùng với đại chúng hành lễ Vu Lan. Đã mấy mươi năm
qua ở Salzburg không có Chùa nên tôi thường mang các con đi theo mỗi khi có Lễ
bất cứ ở nơi đâu như München, Linz hay Wien, nhưng đây là lần đầu tiên thấy cậu
con trai chịu ‘ngồi’ là đã có
tiến bộ nên lòng tôi rất vui. Vậy thì những năm tháng ‘tìm chùa Lễ Phật’
đã được đền đáp khi niềm hy vọng đã chớm nở, là lớp trẻ sinh ra ở xứ người theo
thời gian cũng sẽ hội nhập dưới một mái Chùa để nối tiếp thế hệ cha ông trên
con đường duy trì và phát triển Đạo Pháp. Muốn được như vậy thì các bậc phụ
huynh cần tạo cho lớp trẻ có nhiều cơ hội đến Chùa hơn để làm quen với sinh
hoạt Phật sự, và từng bước trưởng thành trong tương lai.
NPĐ MINH TỊNH Wien, 24.01.2016
Vui thay Phật tử nước Áo nay đã
có Ngôi Chùa như mong đợi từ lâu, để được thuận lợi hơn trong việc tu tập theo
lời chỉ dạy của Đức Phật. Nhìn lại ba mươi năm thành lập Hội, những năm khởi
đầu dù thiếu thốn mọi phương tiện nhưng vẫn được quý Chư Tôn Đức khắp nơi không
ngại đường xa vân du Áo quốc, chứng minh hàng trăm buổi lễ và sự kiện trong
sinh hoạt Phật sự cho đến ngày hôm nay. Đó là kết quả lớn nhất về sự thành công
của Hội Phật Tử Việt Nam tại Áo, kẻ trước người sau đã nối tay nhau suốt ba
thập kỷ để xây dựng nên Ngôi Chùa Mơ Ước mà hôm nay đã thành sự thật trong niềm
hân hoan và an lạc.
NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, 09.11.2016