Montag, 26. Dezember 2016

NÀNG THƠ CỦA CAO ĐỆ

Cao Hữu Tình, Huế 2013

      Ngoài bút hiệu Cao Dân, Cao đệ là một biệt hiệu được bạn bè đặt cho Cao Hữu Tình,  một người  bạn đã  nghỉ hưu  và đang sống với nàng Thơ Thơ cùng con cháu ở Kim Long, thành phố Huế.
     Là bạn học cùng lớp nhưng mấy mươi năm sau, kể từ khi xa trường vào mùa hè 1974, chúng tôi mới nối được liên lạc rồi sau đó bạn bè ở rải rác trên ba châu lục đã cùng nhau thực hiện một cuốn Kỷ Yếu thì mới nói hết được tâm tình qua những sáng tác đủ thể loại thơ, văn, tùy bút, truyện... trong đó có tám bài thơ của Cao đệ mà tôi sẽ chọn vài bài để giới thiệu cùng bạn đọc.
     Cao đệ bắt đầu làm thơ từ lúc nào thì tôi không rõ, nhưng khi chia tay, mỗi người bạn trên từng chặng đường đời cho dù còn ở quê nhà hay lưu lạc nơi xứ người thì ngoài gia đình và quê hương, ít nhiều cũng mang theo hình bóng yêu kiều thuở xưa nào đó hoặc một vài kỷ niệm với bạn bè lúc còn chung lớp, chung trường. Nói đến kỷ niệm thì dường như ai cũng đồng ý với  khoảng thời gian ôm sách vở đến trường là quãng đời đẹp nhất, dễ thương nhất và thơ mộng nhất. Với Cao đệ, chỉ đọc một câu thơ cho bạn bè nghe vào những năm bước chân vào đại học ‘ta đội nón mời em đi uống rượu’ tưởng như gió thoảng mây bay, nhưng đâu có ai ngờ trong số bạn bè cũng còn người nhớ kẻ quên để mỗi khi nhớ Huế nhớ trường nhớ bạn, thì cũng có lúc hình dung Cao đệ như là một chàng trai ở tuổi đôi mươi có khuôn mặt rất ăn ảnh với nụ cười hiền lành; lời ăn tiếng nói đều rất nhẹ nhàng và dễ tánh. Rồi sau đó mấy mươi năm, nhóm bạn bè dù ở xa hay gần cũng nhận ra được nơi bạn mình còn có sự kín đáo và khiêm tốn khi sở hữu một ‘ngõ tàng thơ’ nhưng không biết bao nhiêu tác phẩm, đến nỗi Nguyễn Tấn phải thốt lên “anh chàng kính trắng môi hồng này làm thơ nhiều quá chừng cho nên quên...” Vậy mà trong thời gian thực hiện tờ báo, bạn bè đã kêu gọi cùng nhiều lần nhắc nhở góp bài cũng như kiên nhẫn chờ đợi nhưng phải đến khoảng bốn tháng sau đó, Cao đệ mới chịu gởi chỉ có vỏn vẹn 8 bài thơ. Khi đọc đến bài  Trăng Nước Lung Linh thì tôi không khỏi giật mình khi thấy nhà thơ họ Cao lại một lần nữa “Vẫn nhớ buổi mời em đi uống rượu, nghe em cười xao xuyến mấy mươi năm”. Vậy thì người em năm xưa vào một buổi chiều mưa trên phố Huế, đội chung chiếc nón bài thơ dìu em đi ngang qua trường Luật trên đường Lê Lợi và người em có nụ cười làm xao xuyến mấy mươi năm, rồi lại còn nàng Thơ Thơ bây giờ nữa vị chi là có bao nhiêu hình bóng giai nhân đã đi qua đời chàng?
    Đọc Trăng Nước Lung Linh, dù bạn bè ở phương mô đi nữa thì cũng thấy mình như đang ở đâu đó trong thành phố khi tìm nhau qua hiệu sách, ở cà phê Tôn hay một góc kín đáo trong Đại Nội để học bài thi. Cũng có lúc ngồi quanh bàn cờ tướng Tổng Hội với ly cà phê sữa đá, hoặc thả bộ qua những con đường quen thuộc dưới hàng phượng đỏ, hay có khi dừng chân bên sông Hương trầm mặc để nhìn những tà áo trắng thướt tha bay trong chiều khi trời quên mưa bỗng dưng nắng rồi mưa...và rồi chắc sẽ ghé lại Chè Cồn, một điểm hẹn hò quen thuộc không thể thiếu trong những chiều hè nắng đẹp rồi sau đó chầm chậm bên nhau qua cầu Trường Tiền, ngược phố lên Kim Long viếng thăm chùa Thiên Mụ rồi trở lại sân ga tiễn người đi như cố níu lại một lần cho rõ mặt, để lắc lư thương nhớ cuối chân trời mà hằng chục năm sau vẫn còn xao xuyến trong lòng nỗi nhớ người xưa:

Buổi bạn bè tìm nhau qua hiệu sách
Giọt cà phê đếm chân sáo qua đường
Anh trở lại ngõ vàng xưa đã khuất
Phượng đỏ chiều thương hoa muối bay mưa.

Huế trầm mặc dòng Hương xưa vẫn rứa
Trời quên mưa bỗng dưng nắng rồi mưa
Đường áo trắng vẫn đầy no mắt gió
Tóc buông nào không nửa tím em xưa.

Dưới cội tùng Thế Miếu thả chùm thơ
Ai khẽ nhặt ép vào trang tình tự
Ai thấp thoáng nói cười sau khóm chữ
Đường phượng bay chừ trăng nước lung linh.

Tiếng chim nào sớm gọi mùa trái chín
Nguyệt Biều ơi Lương Quán đã vàng chưa
Mùa hè đi qua Chè Cồn đóng cửa
Anh trở về lặng ngắm bóng chim di.

Linh Mụ xứ khói vờn quanh cửa tịnh
Anh dắt em đến nhặt “vụn tà” rơi
Nay đỉnh tháp cháy chiều vòi vọi
Em hư vô về cuối nẻo chuông rền.

Phố người đông anh quạnh lối không em
Nắng mộng du chầm chậm phía Trường Tiền
Hỏi sông nước có lưu tình kỷ niệm
Nhịp cầu cong không nón cũng nghiêng che.

Cuối con đường là sân ga đưa tiễn
Nào ai hay còi rúc phía bờ tôi
Cố níu lại một lần nhìn rõ mặt
Để lắc lư thương nhớ cuối chân trời.

Răng mà rứa phố xưa thôi chào hí
Anh ra đi rồi trở lại biết bao lần
Vẫn nhớ buổi mời em đi uống rượu
Nghe em cười xao xuyến mấy mươi năm.
(Cao Hữu Tình – Trăng Nước Lung Linh)

    Chỉ nụ cười của em mà Cao đệ phải xao xuyến đến mấy mươi năm đã làm tôi nhớ lại bốn năm học ở trường Luật. Trong nhóm bạn thân gồm mười sinh viên thì chỉ có ba bạn là đã có người giữ dùm trái tim non dại của lứa tuổi đôi mươi, đó là Nguyễn Đức Tâm, Phạm Như Tân (hai bạn đang ở Mỹ) và tôi. Có lẽ vì vậy mà ba đứa chúng tôi hình như không chú ý gì mấy đến các nàng tiểu thư đài các cùng lớp mà đa số đều có nhan sắc mặn mà và dĩ nhiên là ‘rất Huế’. Trong lúc đó thì có hai bạn đã phải lòng hai ‘người đẹp trường Luật’, ở mức độ nào thì không rõ nhưng khi Trần Thiện Tú có một lần sau giờ học thấy em đi bên kia đường Lê Lợi, người đẹp vẫn đi nhưng lâu lâu quay lại nhìn khiến chàng ta khi vừa về tới nhà thì bỗng dưng đầu óc như tinh tú quay cuồng nhưng đêm đó cũng đã làm được bài thơ với một câu duy nhất: “dáng em đi hương đài các bay dài theo đại lộ”. Câu thơ này chỉ là phần mở đầu cho một câu chuyện tình đơn phương và rất kín đáo mở ra sau này để bạn bè ai cũng biết, tuy không đi đến đâu vì tình chỉ đẹp khi còn dang dở của một người bạn rất hiền về chuyện tình ái. Người đẹp thuở xưa hiện đang ở Mỹ. Trần Thiện Tú qua Pháp năm 1985, ở thành phố Limoges cùng vợ và con gái. Tuy chưa được lên chức lên ông bà ngoại nhưng cô con gái rượu đã chính thức nối nghiệp cha khi mang về niềm hạnh phúc cho gia đình trong lễ tốt nghiệp trường Luật ba năm trước, và bây giờ đang điều hành một Văn phòng Luật sư ở thủ đô Paris. Riêng tôi và bạn Tú tính đến nay đã 31 năm chưa gặp lại nhau.
    Một người bạn khác là Lê Hiếu Liêm, khi đang học lớp Luật 1, Liêm đã chứng tỏ được mình là một sinh viên giỏi trong bài thuyết trình được giáo sư và bạn cùng lớp khen ngợi, và cũng năm đó Liêm là sinh viên duy nhất ở Huế thi đậu vào trường Quốc Gia Hành Chánh, Sài Gòn. Khi chuyển trường vào Sài Gòn học, bạn vẫn không quên bóng hình người đẹp mang dòng họ hoàng tộc Tôn Nữ mà mình đã thầm thương trộm nhớ nên trong thi phẩm đầu tay “Quê Ta Huế Anh Hùng Ơi” xuất bản ở Sài Gòn vào năm 1973 đã ghi lại cảm xúc thật ấn tượng khi nhìn đôi mắt em mà như thấy cả mấy ngàn năm về trước:“đôi mắt em, đôi mắt người tôn nữ, đẹp hồng hào như lịch sử bốn ngàn năm”, chỉ cách đây không lâu, nhóm bạn chúng tôi đã được xem tấm hình của nàng Tôn Nữ năm xưa ấy, hiện sống ở Mỹ.
    Về sự nghiệp thì Lê Hiếu Liêm đã tốt nghiệp Đốc sự Hành chánh (trường QGHC/SG) & Cử nhân Luật khoa (Đại học LK/SG 1974), Tiến sĩ Luật khoa Chuyên ngành Bang giao Kinh tế Quốc tế (Đại học Sorbonne, Pháp 1978). Ngoài ra đã có hơn 10 tác phẩm đã xuất bản với bút hiệu Lý Khôi Việt. Không ai ngờ một người bạn đa tình, thường hay đứng nhìn trời nhìn đất mơ mộng, và đa tài lại mất sớm tại San Jose, California khi sự nghiệp vẫn còn dang dở, hưởng dương 56 tuổi, để lại vợ và con trai tại Mỹ trong niềm tiếc thương vô cùng của gia đình và bè bạn.
    Các bạn khác như Nguyễn Văn Nuôi, Nguyễn Phi Hoàn, Nguyễn Tấn, Trần Hoa và Cao đệ trong thời gian này, nếu tôi nhớ không lầm, thì vẫn chưa thấy có ai để hẹn hò hoặc để giới thiệu với bạn bè cho đến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 thì Nguyễn Tấn, Nguyễn Phi Hoàn cùng nhập ngũ Khóa 3/72 SVSQ Trừ Bị Thủ Đức, còn Phạm Như Tân Thụ Huấn Khóa 7/72 Sĩ Quan Cảnh Sát, Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Nếu lấy thời điểm vào năm ra trường và bạn bè chia tay là 1974 trở về trước thì chuyện một cô gái Huế vào tuổi đôi mươi là tuổi sách đèn mà đi uống rượu với ‘trai’ là chuyện hiếm khi xảy ra và rất khó tin. Giới nam nữ học sinh, sinh viên chúng tôi thời đó rất mẫu mực, đi thưa về trình, cuộc sống lành mạnh không rượu chè và rất ham học. Nói về các cô gái Huế luôn vẫn là hình ảnh đẹp từ chiếc nón lá cho đến mái tóc thề, tà áo tím đều rất nên thơ, dịu dàng và đoan trang...Bởi vậy nghi vấn về một câu thơ sau mấy mươi năm lửa hạ chia xa giảng đường khép cửa thì khó mà xác định ai là những nàng Kiều trong thơ được Cao đệ mời đi uống rượu ? Vì vậy nay không truy cứu nữa, mà nên cho rằng bạn thân mến của tôi đã thật sự có lý khi mời em qua quán ven sông gần chợ An Cựu để thưởng thức món bánh bèo tôm chấy uống rượu nếp than thì cũng là hương ngát một đường trăng buổi nớ tuyệt vời rồi.

Giọt sen hồ Tịnh nhắc mình nhớ
Ngõ Tàng Thơ buồn cháy tuổi đôi mươi
Dấu đạn còn in thềm vôi cũ
Sen khép mùa mặt nước vẫn lưu hương

Tiếng ai cười nỡ bên hoa rứa
Sương lấp thời gian kín nẻo chờ
Hương ngát một đường trăng buổi nớ
Lung linh hoài thành quách miếu đền xưa

Dường như có gió qua rừng quế
Trút lệ Huyền Trân tím phố phường
Nước non ngàn dặm đau lòng đất
Hay hồn Ô Lý thác còn vương

Ai đứng đó bóng soi dòng lịch sử
Lạnh đỉnh Thương Sơn tiếng thở dài
Ai thổi hồn thiêng vào đáy nước
Để ngàn năm tóc bạc vẫn còn bay

Lửa hạ chia xa giảng đường khép cửa
Mấy mươi năm dằng dặc bóng quê nhà
Bạn bè ơi lai láng trăng hàn mặc
Nước vĩnh hằng Cửu Đỉnh ngóng khơi xa
(Cao Hữu Tình – Bóng Quê Nhà)

    Nếu Trăng Nước Lung Linh là những thước phim đầy ắp kỷ niệm của thời đi học thì Bóng Quê Nhà là những băn khoăn trăn trở của hậu thế khi tác giả khéo mượn giọt sen hồ Tịnh, ngõ Tàng Thơ, Cửu Đỉnh... để đưa người đọc trở về thăm lại những di tích và địa danh nức tiếng Thần Kinh, vùng đất mà bảy trăm năm trước Công Chúa Huyền Trân có công mở nước, đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử để ngày nay đau lòng nhìn giọt sen hồ Tịnh đang suy tàn mà nhớ đến ngõ Tàng Thơ, một công trình trên hồ Học Hải (cạnh hồ Tịnh Tâm), chính là Tàng Thơ Lâu, được xây dựng năm 1825 dùng làm nơi lưu trữ công văn, nay đang dần đi vào quên lãng và khối lượng sách khổng lồ của Tàng Thư Lâu đã thất thoát gần hết (Wikipedia.org).
    Sau khi đọc thơ của Cao đệ; Nguyễn Phi Hoàn, tác giả của thi tập Mùa Thu Còn Đó, xb ở Canada 2010 đã có nhận xét đầu tiên: "Thơ rất hay nhưng vài bài mình không hiểu tác giả nói gì, chỉ biết là rất thơ. Mong nhận thêm vài bài nữa họa may mới hiểu nhau..."
    Và ý kiến của bạn Nguyễn Đức Tâm, Cao Học Quản Trị Thương Mại (Master of Business and Administration) năm 1993 ở Tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ:
   “Lần đầu tiên gặp Tình tôi đã nhận ra nét lãng mạn trên khuôn mặt của người bạn, dáng dấp của một nghệ sĩ trí thức, với cặp kính cận, mái tóc đen dài và dường như CHT luôn luôn nhoẻn miệng mỉm cười. Bạn cũng là người ít nói và có nói cũng rất nhỏ nhẹ. Hình ảnh đó vẫn còn gần như y nguyên cho đến ngày nay.
    Sau này có nhiều lần nghe và đọc thơ của Tình tôi lại nhận ra rằng thơ của bạn mình có trình độ rất cao vì rất trừu tượng. Đây là những bài thơ nặng tình với quê hương đất nước cũng như khắc khoải với văn hóa, dân tộc. Sau nhiều năm xa cách, tôi đã có dịp gặp lại Tình vào những lần về thăm Huế, con người và suy nghĩ của CHT đã không thay đổi gì lắm, có một điều đáng nói là ngày nay Tình không những yêu thích làm thơ mà đã và đang hạnh phúc với nàng Thơ, người bạn trăm năm của CHT. Tình-Thơ, 2 cái tên nghe thật êm”.
    Đúng vậy, Cao đệ không những đang hạnh phúc với nàng Thơ Thơ mà còn có một người bạn hiền tri kỷ Nguyễn Tấn nữa. Nguyễn Tấn và Nguyễn Phi Hoàn là hai cựu chiến hữu đã cùng phục vụ trong binh chủng Không Quân tại phi trường Đà Nẵng từ 1973 cho đến cuối tháng 3.1975 khi Đà Nẵng tan hàng. Từ trại học tập cải tạo, hai bạn đã may mắn trở về nhà với hình hài nguyên vẹn vào năm 1977 và cả hai đã phải chia tay để bước vào ngã rẽ mới trong cuộc đời: Nguyễn Phi Hoàn xuôi Nam tận Miền Tây sinh sống bằng nghề vá lu một thời gian, còn Tấn thì ở lại Huế làm nghề ‘thợ lặn’ như bạn đã có lần tâm sự: “Mình và Hương Duyên quen nhau tại nhà mình ở Mai Thúc Loan. Vì Duyên là bạn thân của Tuyết em gái mình, cô ta về nhà mình chơi được má mình khen và có ý chấp thuận vào thời điểm 1980. Mình thì ngày ngày ngâm mình dưới nước bắt cá nhưng tối về lại làm thầy mở lớp học gồm 10 em lớp 9, dạy Toán và Lý Hóa để kiếm thêm tiền. Cũng có thể và chắc là nhờ vậy mà cô ta cảm kích về điều đó...rồi từ đó hai đứa mình yêu nhau. Có một thời gian mình đi buôn bán cá giống thì cô ta cũng chở cá bằng 2 cái thùng gánh nước trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi theo mình hơn mấy chục cây số. Bán cá xong về cất thùng rồi vi vu cà phê hoặc cao lầu mì cũng thấy đời vui chán!"
    Trở lại mùa hè 1974 khi Liêm tốt nghiệp ở Sài Gòn; Tâm, Tú và tôi tốt nghiệp ở Huế thì Nguyễn Văn Nuôi, Trần Hoa và Cao đệ ở lại trường một năm. Cho đến lúc trường Luật đóng cửa vào  năm 1975 thì Nuôi và Hoa vào Sài gòn học tiếp Đại học Kinh tế. Còn lại Cao đệ một mình lạc lõng giữa xứ thơ nên đã bỏ ý định vào Kỹ sư Hàng hải để chuyển sang trường Đại học Sư phạm. Đây có thể là điểm khởi đầu cho chuyện tình ‘Tình Thơ’ khi Cao đệ đang học lớp Quản lý Giáo dục đã có dịp làm quen với Tôn Nữ Thơ Thơ trong một buổi đi chơi rất nhiều bạn mà trong bài thơ Bàn Tay Hương Lửa đã ít nhiều biểu lộ niềm cảm xúc trước một vì sao lạ:

Khi anh thấy quê hương mình dưới đó
Nhìn người đi như chim bỏ lại rừng
Ngóng biển khơi xa
Nhìn bờ đá dựng
Và vầng trăng nghiêng bóng đổ hờn căm

Có con chim trên thành cổ xưa
Về hót trong ta trăm điệu buồn bã
Biết làm sao nguôi
Nỗi nhớ vô bờ
Giữa tháng ngày nghiệt ngã
Em
Em chợt đến
Như một vì sao lạ
Mà thân thương như đã tự bao giờ

Người về đây
Trùng phùng cơn hạnh ngộ
Một bàn tay hương lửa rất nên thơ
Từ trùng khơi
Mịt mùng thương nhớ
Ta về đây gối ngủ giữa yêu thương
Thương em
Thương cả thời thơ dại
Biển rộng sông dài trên gối chăn.
(Cao Hữu Tình – Bàn Tay Hương Lửa)

    Có một điều thú vị khi Tình và Tấn là bạn học ở trường Luật thì Thơ Thơ học ở trường Kiểu Mẫu còn Hương Duyên học ở trường Đồng Khánh. Sau đó Duyên và Thơ cùng trường Đại học Văn Khoa. Năm 1975 cả hai chuyển sang Đại học Sư phạm và sau lễ tốt nghiệp đôi bạn lại được dạy chung một trường. Cao đệ thì tốt nghiệp năm 1976, dạy môn sử địa ở Huế cho đến ngày về hưu vào năm 2012.
    Trong lúc ở Sài Gòn vợ chồng chúng tôi có cháu đầu lòng vào năm 1979 thì ở Huế đôi uyên ương Tình Thơ làm lễ thành hôn. Phù rể không ai khác hơn là Quốc Huy Nguyễn Tấn và nàng Hương Duyên xinh đẹp đã đóng vai phù dâu trong ngày vui của đôi bạn chí thân. 

    
    Trong dịp về Huế vào mùa hè 2013 tôi đã có lần đầu cùng bạn Tấn lên thăm ‘căn nhà màu tím’ nằm bên sông Bạch Yến, làng An Ninh Thượng của vợ chồng Tình Thơ (hay đọc ngược lại là Thơ Tình cũng hay) đã có ba con, hai trai một gái và một cháu ngoại. Thơ Thơ vẫn thế, trông như trẻ mãi bên vườn hoa tươi thắm của hoa tường vi, hoa thủy tiên, hoa súng trong hòn non bộ và gần chục loài hoa khác như đón chào khách phương xa trong niềm vui hội ngộ.
    Khi ba đứa ra ngồi quán Ven Sông bên bờ sông Bạch Yến gần nhà Cao đệ, có lúc tôi như đã mênh mang theo lời thơ quyện trong khói thuốc của bạn hiền khi nghĩ trên thế gian này cũng có điều kỳ lạ nhưng không kém phần kỳ diệu, như một người phái nam được đặt tên Tình đã là điều khác thường. Khác thường hơn nữa là trong số chừng 50 triệu con người cùng ngôn ngữ nhưng khác phái, chàng Tình đã chọn đúng tên nàng Thơ để cưới làm vợ thì quả thật là điều hết sức diệu kỳ như có bàn tay của nhân duyên sắp đặt, để nàng Thơ Thơ là của Cao đệ chăng ?

NGUYỄN SĨ LONG
26.12.2016

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen