Hè năm nay tôi không lấy ngày nghỉ vào tháng 7 như
mọi khi mà chờ đến tháng 8 khi mùa nắng ấm vẫn đang còn kéo dài và oi bức hơn ở
Âu châu so với năm trước. Ở Salzburg hè năm nay lượng khách du lịch tăng vọt và
dòng người về phương nam từ các nước tây và bắc Âu vẫn không thuyên giảm cho
nên nhiều tuyến đường xuyên quốc gia xuống miền bắc Ý hay Croatia vẫn còn bị
kẹt xe vào những ngày cuối tuần.
Đầu tháng 8, con rể tôi báo cho biết đã tìm được nhà
ở miền nam Croatia. Nghe chuyến đi phải vượt gần cả ngàn cây số nên tôi cũng
hơi ngán nhưng rồi hai tuần sau đó vợ chồng tôi và con trai đã có mặt tại Wien,
ngủ ở nhà con gái để sáng hôm sau lên đường, vặn đồng hồ báo thức lúc 7 giờ
sáng để có thời gian thong thả phê pháo trước khi bắt đầu một tuần nghỉ hè xa
hơn so với những lần trước ở miền bắc nước Ý.
Chừng 8:15 giờ sáng ngày chủ nhật 14.08.2016 cả gia
đình gồm 6 người đã sẵn sàng mang đồ ra xe gồm 3 người từ Salzburg lên, Như là
con gái đầu , Nô con rể và cháu ngoại Ân Lai 10 tuổi. Chiếc xe 7 chỗ khi chưa
có hành lý thì trông thật rộng rãi vì dư một chỗ, nhưng khi những chiếc túi
xách, máy móc, nồi cơm điện, đồ nhà bếp, phao tắm...lúc đầu thì chất lên xe
theo thứ tự nặng trước nhẹ sau, nhưng khi hết chỗ thì cố nhét nên đã nhanh
chóng lấp đầy những khoảng trống kể cả dưới chân của băng ghế sau. Có vẻ như
đây cũng là nét đặc thù của người Việt khi đi chơi bất cứ là xa hay gần đều
muốn dọn nguyên căn nhà đi theo hoặc mang đủ thứ như đồ ăn và đồ nấu bún phở mì
gói tiêu hành tỏi chanh đường muối ớt thì không thể nào quên và không thể nào
thiếu. Riêng con gái biết bố già ghiền cà phê nên lúc nào cũng có sẵn coffee to
go mang theo. Còn nữa, mấy lần trước có mang theo bộ bài xì lát và vài bộ tứ
sắc nhưng lần này thì không thấy, chắc là vì ít người thiếu tay.
Đúng 8:30 giờ xe lăn bánh lấy hướng Graz Slovenia
Zagreb. Nếu không tính đoạn đường từ Salzburg lên Wien 300 cây số, thì từ Wien mượn đường Slovenia rồi mới xuôi nam ngang
qua thủ đô Zagreb trước khi đến Lopar thuộc đảo Rab là 600 cây số phải mất ít
nhất 7 tiếng đồng hồ nếu không bị kẹt xe. Trong những năm trước chúng tôi đã có
ba lần nghỉ hè ở Lignano và Bibione mà lần gần nhất và cũng là lần đáng nhớ
nhất vào tháng 8 năm 2011 nhân chuyến thăm Áo của người em trai tôi từ Sài Gòn
sang nên gia đình chúng tôi đã lên một chương trình chỉ có bốn tuần lễ “đi
không kịp nghỉ chân” thật vui nhộn và có nhiều kỷ niệm khi đến thăm các thành
phố như Wien, München, Paris và hai thành phố biển của Ý là Bibione và Venedig.
Cả tuần nay thời tiết có những cơn mưa trong những
ngày nắng nóng nên buổi sáng chủ nhật trời mát, những con đường chính trong thủ
đô vẫn còn chút vắng vẻ như đang trong cơn say ngủ cuối tuần. Khi ra xa lộ đã
thấy có nhiều xe mang bảng số Áo, Đức, Ba Lan, Tiệp...nhập chung trong dòng
giao thông với tốc độ cho phép không quá 130 km/h. Áo cũng là nước có tiếng đồn
xa đặt nhiều trạm Radar không những trên xa lộ mà còn ở các con đường được cho
là quan trọng phải kiểm soát tốc độ thuộc vùng đông dân cư trong thành phố. Vậy
mà từ lúc ra khỏi Wien cho tới bây giờ tôi có để ý hay không mà khi đã sắp đến
biên giới Slovenia vẫn chưa thấy trạm Radar nào cả.
Trong lúc tôi sửa soạn đồ nghề chụp hình cũng là lúc
Nô đang chuẩn bị rẽ vào cây xăng trên con đường làng hai bên trồng nhiều bắp và
hoa cỏ dại. Đây vẫn còn là địa phận Áo, có nhiều xe các nước lân cận ghé đổ
xăng và nghỉ ngơi trước khi sang biên giới. Chúng tôi nghỉ chừng hai mươi phút
rồi lại tiếp tục chạy vài cây số là đến trạm dừng để mua tem đường. Chừng 11:50
giờ không ngờ qua khỏi biên giới khá thoải mái vì đoàn xe xếp hàng tương đối ít và
kiểm soát viên thấy bảng số Áo đã vẫy tay cho đi mà không kiểm tra hộ chiếu.
Slovenia nằm ở phía nam Áo, tên chính thức là Republic Slovenia, thủ đô có tên
rất khó đọc là Ljubljana. Slovenia tách khỏi Nam Tư và tuyên bố thành lập một
quốc gia độc lập vào ngày 25.06.1991, dân số khoảng trên 2 triệu người theo
thống kê năm 2007.
Chúng tôi rất vui khi qua trạm đầu tiên tương đối
nhanh chóng để rồi sau đó chừng 50 phút đã bỏ lại sau lưng nước láng giềng với
những thửa bắp nằm chen nhau dưới chân những ngọn đồi thông thoai thoải chạy
thụt lùi để vào biên giới Croatia. Chỉ chờ 10 phút là qua trạm, từ đây đến thủ
đô Zagreb chỉ còn 65 cây số nên đã không lâu sau đó vào lúc 13:20 giờ thì xe chúng
tôi đã đậu trước Shopping City One, một trong những trung tâm mua sắm của
Zagreb. Zagreb vừa là thủ đô vừa là thành phố lớn nhất của nước Cộng Hoà
Croatia (Republic Hrvatska) với dân số 4 triệu rưỡi người vào năm 2004, đồng
Kuna là đơn vị tiền tệ. Cũng như Slovenia, Croatia tuyên bố độc lập và trở
thành một quốc gia có chủ quyền vào ngày 25.06.1991.
Nắng và nóng đó là cảm giác đầu tiên khi đặt chân
xuống thành phố này khi thời tiết không dưới 30 độ với ánh nắng chói chang vào
buổi trưa của một ngày chủ nhật nhưng bãi đậu khá nhiều xe. Bước vào lối chính
thấy lượng khách cuối tuần đi mua sắm cũng nói lên được vị thế của một Shopping
Center. Vì không có chủ ý mua sắm nên chỉ dạo qua cũng dễ dàng nhận thấy được
nét tương tự bên Áo với một số cửa hàng hiệu và siêu thị quen tên như
Interspar, Peek&Cloppenburg, DM, H&M...
Chúng tôi dùng bữa trưa ở tầng trên, nơi có
McDonalds và rất nhiều hàng quán để chọn lựa, cũng có món ăn hương vị Á đông
được phục vụ nhanh nhẹn mà đa số là các cô gái với chiếc mũ lệch cùng bộ đồng
phục kín đáo như tiếp viên hàng không đã gây được sự chú ý của những người
khách phương xa mới đến.
Tôi cầm tay lái lúc rời Zagreb đúng 14:30 giờ khi đã
bỏ lại đằng sau một chặng đường dài 370 cây số. Muốn đến Lopar trong lộ trình
tiếp theo phải chạy 230 cây số nữa xuyên qua nhiều thành phố, làng mạc cùng
những ngọn đồi nối chân nhau như bất tận trên 100 cây số cho đến khi xuống sâu
theo hướng tây nam thì càng thưa dần những đồi thông xanh ngát để thay vào đó là
nhiều loại cây rừng chen nhau trên từng vách đá khiến tài xế phải tập trung vào
tay lái khi xe chạy quanh co theo sườn núi và lên dốc xuống đồi liên tục để đến
Senj, một ngã ba tiếp giáp bờ biển luôn chờ đón du khách từ mọi hướng tới.
Từ Senj, nếu bạn muốn đến Lopar, một bãi tắm nằm
trong đảo Rab thì xin vui lòng rẽ trái với đoạn đường 41 cây số chỉ cho phép
chạy với tốc độ 60 km/h dọc theo bờ biển để đến bến phà Stinica. Vé qua phà cho
xe từ 5 đến 7 chổ là 190 Kuna, xe dài và nhiều chỗ ngồi hơn thì phải trả nhiều
tiền hơn. Chuyến phà chở chúng tôi chỉ chờ chừng 30 phút và cộng thêm 10 phút
nữa khi ngồi trên “du thuyền” ngắm biển chiều với cảnh trời bao la là du khách
đã có mặt ở phía bên kia bờ đảo Rab, một phố cảng mà gần suốt cả ngày ai cũng
nô nức muốn đặt chân ở điểm cuối cùng.
Chúng tôi mướn nhà ở Lopar nên còn 26 cây số đường
làng chạy ngang qua những khu vực có cư dân với nhiều bảng hiệu nhà cho thuê
nằm trên vùng đất mà hai bên bờ được biển kềm chặt có bề dài nhưng lại hẹp bề
ngang. Họ trồng cây olive và nho trong vườn hoặc cạnh rừng thưa theo những lối
rẽ quanh co nhưng vô cùng lãng mạn của một quần thể mà du khách dù đứng ở đâu
cũng nhìn thấy đậm màu biển xanh mềm mại uốn mình theo chân những dãy núi lười
biếng đã bao đời chỉ nằm nghe tiếng sóng rì rào.
Bà chủ nhà đón chúng tôi trước sân lúc 19 giờ cùng
với vợ chồng Berla và Tiến, em ruột của Nô cũng xuất phát từ Wien đến chiều hôm qua và đã nhận phòng ở
lầu trên. Vậy là chúng tôi đã chạy gần 11 tiếng, mọi người đều khỏe xuống xe
cùng vui với sự tiếp đón thân tình. Ông chủ từ trên lầu chạy xuống một tay cầm
chai rượu nho (mà sau đó ông giới thiệu là tự làm), tay bên kia ông cầm 5 chung
rượu nhỏ, ông rót từng ly một rồi mời mọi người uống cạn.
Căn nhà rộng chừng 60 mét vuông có 2 phòng ngủ, một
nhà bếp có bàn ăn, một sofa và một tivi. Phía bên ngoài nhà bếp hướng ra sân,
trên thềm nhà rộng rãi đặt một chiếc bàn hình bầu dục đủ cho 10 người, đây là
nơi tôi thường ngồi uống cà phê mỗi sáng sau khi tản bộ một vòng ra biển khi
nắng chưa lên.
Tối hôm đó sau khi mọi công việc dọn đồ và cơm nước
xong cả nhà cùng đi dạo. Trời chưa tối hẳn nhưng trăng đã lên. Chỉ còn đúng ba
ngày nữa là Rằm tháng 7 lại về với thế gian.Vậy là năm nay chúng tôi sẽ không
có mặt trong những khóa lễ cùng với quý Phật tử nhân Mùa Vu Lan Báo Hiếu, Phật
Lịch 2560.
Sáng hôm sau là ngày đầu tuần trời nắng ráo, biển
chỉ cách sân nhà đúng 200 mét, đó là ưu điểm dành cho một người có tính lười
như tôi là rất ngại đi xa để tới bãi tắm như ở Ý. Biển ở đây rất sạch, vừa gần
vừa cạn rất hợp với trẻ con chơi đùa, bắt cá, bắt cua và cũng rất hợp với những
người ở thành phố muốn tập bơi vì ít khi có dịp xuống nước. Nghĩ vậy nên một
tuần lễ lúc nào tắm ở bãi nhà, khi chợt nghe mùi cà phê bay ngang cánh mũi là
tôi vẫy tay chào mọi người. Chẳng ai ngạc nhiên khi tôi quay lưng từng bước
chậm rãi vô nhà. Tôi thích chỗ này chỉ
với một lý do đơn giản như rứa.
Khoảng sau trưa Nô nhận được phôn của Robert, báo
cho biết sẽ đến Lopar chiều hôm nay vì đã tìm được phòng chỉ cách nhà chúng tôi
một con đường nhỏ trong hẻm. Robert là em rể Nô ở tuổi độ 45, có mẹ là người
Serbia và bố là người Áo. Hiện Robert và Trâm đã có hai con: Timo 8 tuổi và
Tina 5 tuổi. Trâm là mẫu người phụ nữ hiền lành và ít nói; chắc nhờ vậy mà Tina
ngoài gương mặt thanh tú và cũng nói ít như mẹ nhưng lại có nụ cười rất dễ
thương của tuổi lên năm. Cháu hiểu tiếng Việt nhưng khi có ai hỏi thì chỉ trả
lời một chữ ngắn gọn là: không!
Hội ngộ lần này là để nối dài thêm những lần gặp gỡ
trước đây với một chàng rể Tây tốt bụng, một người chồng cưng vợ như cưng trứng
và là một người cha tuyệt vời “dành” chăm sóc hai con rất là chu đáo. Hai gia
đình chúng tôi tuy ở xa nhưng thỉnh thoảng gặp nhau vào những dịp sinh nhật và
vui xuân trong dịp Tết, nhờ vậy mà Robert và con trai tôi 20 tuổi đã có mối
giao hảo thân tình, những ngày tắm biển vừa qua ai cũng thấy hai anh em tuy
cách biệt về tuổi tác nhưng tình thân thì đâu cần năm tháng so đo. Rất tiếc là
chiều hôm đó gặp nhau không lâu vì Tina bị mệt nên cả nhà Robert đã không có
mặt vào buổi ăn tối ở quán Feral.
Ngày hôm sau vẫn tắm ở bãi nhà nhưng có thêm Timo và
Tina theo anh Nô và Ân Lai đi bắt cá dọc theo bờ đá gần ngay bãi tắm. Robert và
Alain theo sau trông chừng bọn trẻ, còn quý bà thường thích ra ngoài xa thì mới
thấy được dòng nước trong xanh cùng đàn cá nhởn nhơ bơi lội. Hình như chúng đã
quen chân người nên chẳng còn sợ để tránh, bởi vậy mà các cháu chỉ thả một chút
bánh mì rồi đặt cây vợt phía dưới nước cạn, có khi chưa đợi lâu thì đã thấy một
hoặc vài con vô tư bơi vào vợt mà không hay. Bắt được cá dù lớn hay bé nhiều
hay ít các cháu cũng đều vui mừng rồi bỏ vô trong bao nylon chạy tìm mọi người
để khoe, nhưng chỉ chừng vài phút sau đó thôi, các nàng tiên cá lại được thả
trở về với biển.
Buổi chiều tối hôm đó cả nhà ngồi chuyện trò và ngắm
trăng trước sân, hẹn 10 giờ sáng mai đi San Marino bơi thuyền và leo núi.
Ngày thứ tư 17.08 nhằm ngày rằm tháng bảy. Đúng 10:30
giờ sáng Nô và Robert chở mọi người ra Post đổi tiền, ghé qua siêu thị Konsum
gần đó trước khi ra biển không xa. Từ Lopar chạy chừng một cây số rưỡi là đến
San Marino, đường sá gọn gàng sạch sẽ, xe cộ và người đi lại đông đúc như một
thị trấn. Ở ngã ba đường mà phía trước mặt là biển, rẽ trái chạy chừng hơn 100
mét có bãi gởi xe giá 30 Kuna một ngày. Một Euro đổi được 7,3 Kuna tính ra chừng 4 Euro thì quá rẻ vì ở Wien tùy
nơi phải trả từ 2 đến 2,8 Euro/giờ. Sang phía bên kia đường đi vào lối chính
Millennium có nhiều quán ăn, quán cà
phê và khu vui chơi chỉ nằm cách bãi cát vài bước chân đã có nhiều người dựng
lều và khung cảnh này trông rất giống miền bắc nước Ý với một rừng dù cho thuê
xếp hàng chạy dọc bờ biển dài chừng ba đến bốn trăm mét. So với Lopar thì biển
San Marino lớn hơn nhiều vì còn một khu vực rộng lớn dành cho xe cắm trại và
khu tắm gội nước ngọt gần bên một quán ăn.
Trong lúc dựng lều thì Tiến và Berla cũng vừa đến.
Tiến là em Nô và là anh của Trâm. Trâm đã ít nói nhưng Tiến lại càng nói ít
hơn. Cách đây chừng năm năm thì Tiến vừa là một “hiện tượng” vừa là mối lo cho
gia đình vì đã qua tuổi bốn mươi mà vẫn chưa có người nâng khăn sửa túi. Nhưng
ở đời chuyện gì cũng có thể xảy ra khi chàng gặp Berla, một nữ sinh viên người
Mongolei đang du học tại Wien đã làm cho trái tim chàng chao đảo để rồi sau đó
không lâu khi Tiến bước sang tuổi bốn mươi mốt là lúc Berla xinh đẹp bước lên
xe hoa trong niềm vui của gia đình và bè bạn. Sau bốn năm họ đã có hai cháu
trai: Taylor 4 tuổi và Tommy được 7 tháng. Hai cháu nhỏ đã được đi sang Ai Cập
một tuần lễ cùng với ba mẹ và bà nội trước khi đến Lopar ở thêm hai tuần lễ nữa
rồi mới trở về Wien.
Trước đây tôi đã gặp Tiến nhiều lần khi còn nhỏ, mỗi
lần gặp chào chú rồi biến mất. Ai ngờ dịp này gặp chàng trai trẻ ngày xưa giờ
đã khác hẳn. Từ sáng sớm nghe trẻ khóc thì dậy đút cho con từng miếng ăn, mỗi
ngày hai vợ chồng ôm hai đứa con ra biển khi nắng vừa lên rồi cùng tắm gội và
chơi đùa hàng giờ bên con mà không biết mệt mỏi với mong cầu da thịt con
cái được hồng hào và mạnh khỏe hơn. Rồi khi nắng sắp tàn thì cùng thu dọn lều
trại về cho con ăn và đi ngủ đúng giờ. Tôi không ngăn được xúc động khi một
tuần lễ thấy được tình thương của một người cha cũng cần có đức tính kiên nhẫn
và nghị lực nữa.
Chúng tôi rời San Marino vào buổi chiều sau màn bơi
thuyền vượt biển để sang chinh phục ngọn núi đá ở phía bên kia bờ. Đứng trên
đỉnh núi mới thấy được thiên nhiên là tặng vật vô giá của trời đất dành cho con
người. Dưới bầu trời xanh lơ là đám mây trắng ngủ quên trên dãy núi cao, và
biển chiều đang cùng nhịp với sóng vỗ về cho nhân thế an bình.
Biển San Marino
Mười giờ sáng hôm sau chúng tôi tiễn chân gia đình
Robert về trước một ngày so với dự định rồi sau đó chừng 2 giờ chiều cả nhà đi
thăm phố cảng Rab, một điểm đến cuối cùng trước khi về Wien vào sáng chủ nhật.
Trước khi đến Rab, Nô chạy về hướng Kampor cách
Lopar 17 cây số mất ba mươi phút đường xe, bãi tắm không lớn như San Marino nằm
ngay trước hai Restaurant sát bên đường. Chúng tôi ngồi uống cà phê và ngắm
biển chừng hơn một tiếng đồng hồ rồi nhổ neo về Rab chỉ cách đó chừng 5 cây số.
Rab là thành phố cảng khá nhộn nhịp với nhiều loại
thuyền tàu neo đậu và có dịch vụ chuyên chở du lịch như taxi boat có ghi bảng
giá và lịch chạy dựng ở bên đường phố chính cạnh bờ biển.
Chúng tôi đứng chụp hình trước Zidine Fortress là
quảng trường chính, hai bên có nhiều quán ăn và vài cửa hàng lưu niệm. Song song
với đường phố chính cạnh bờ biển là những con đường nhỏ hơn có thể gọi là hẻm
với nhiều cửa tiệm bán đủ loại hàng của một khu phố đi bộ qua nhiều ngõ ngách
và nếu rẽ phải ở bất cứ ngã tư nào thì đôi chân của bạn bắt đầu leo dốc thoai
thoải và không chừng chỉ mười phút sau đó là bạn đã thấy nhà thờ SV Justin với
một cây đại thụ tàng lá rộng sum sê ngay trước sân. Từ đây bạn sẽ ngắm một vùng
biển bao la và tuyệt đẹp huớng về phương nam.
Chúng tôi trở ra đường phố chính để quay lại bãi gởi
xe sau hơn hai tiếng đồng hồ lang thang trong các ngõ hẻm; đi qua những khách
sạn, nhà hàng sang trọng nhưng vẫn còn vắng khách khi trời chưa tối cho đến
phòng tranh, quán cà phê, cửa hàng tạp hóa, hàng lưu niệm và bến cảng tàu
thuyền..đã tô điểm thêm màu sắc sinh động và sức hấp dẫn của một thành phố biển
thật đẹp và đáng nhớ.
Sáng chủ nhật 21.08 lúc 10 giờ sáng hai gia đình chúng tôi chụp chung một tấm hình kỷ
niệm với ông bà chủ nhà rồi bắt tay từ biệt, chào vợ chồng Tiến & Berla
cùng Taylor & Tommy còn ở lại thêm một tuần nữa. Tạm biệt thành phố biển
khi trên đường ra bến phà vẫn còn vắng người đi lại. Bỏ lại đàng sau những bãi
tắm và hương vị của những ly cà phê mang ra tận biển suốt một tuần trăng đất
khách.Vì đã có tin của Robert từ hôm qua cho nên hôm nay chúng tôi không ngạc
nhiên khi bị kẹt xe ở bến phà đến 75 phút và cho đến 15:40 giờ mới qua khỏi
Zagreb. Chúng tôi ghé vào quán cà phê bên cạnh siêu thị Plodine nghỉ ngơi chừng
40 phút, qua biên giới Slovenia lúc 18:45 giờ và về đến Áo không lâu sau đó
cũng là lúc trời chuyển mưa. Mưa càng lớn thì gió càng mạnh suốt 100 cây số
cuối cùng. Chuyến xe đã đến Wien bình an lúc 22:30 giờ đêm cơn mưa vẫn chưa
dứt.
Khi tôi trở về Salzburg thì mùa trăng tháng bảy đã
qua rồi. Nhớ lại những đêm ở Lopar trên đường về nhà thì ánh trăng cũng theo
chân đến vùng biển vắng, nơi mà chúng tôi đã có những đêm ngắm trăng và tận
hưởng niềm an lạc của ngày hè tuy ngắn ngủi nhưng thật quý giá về một mùa Trăng Phương Nam.
Trăng đêm thường ngủ muộn
Đắp chiếu đợi người thơ
Tiếng sóng nào vi diệu
Quanh năm vỗ đôi bờ...
NGUYỄN
SĨ LONG
Salzburg, 10.09.2016