Freitag, 30. Juni 2017

DƯ ÂM MÙA PHẬT ĐẢN


  Chánh Điện Chùa Pháp Tạng

     Sau Đại Lễ Phật Đản Phật Lịch 2561 được tổ chức trọng thể tại chùa Pháp Tạng, Wien vào ngày 07.05.2017 vài hôm, Phật tử Salzburg liền báo tin vui đến thầy Viên Duy là đã thuê được hội trường cho Đại Lễ Vu Lan, sẽ tổ chức tại thành phố Salzburg vào ngày 10.09 sắp tới, để một đạo tràng có tiếng là khiêm tốn và trầm lặng ở miền tây nước Áo lại một lần nữa được đón tiếp quý Phật tử tỉnh nhà và các vùng phụ cận về dự, sẽ được Đại Đức Thích Viên Duy, trụ trì Chùa Pháp Tạng chủ trì cùng quý Chư Tôn Đức khách mời, mà khi viết bài này chúng tôi vẫn chưa được rõ danh tánh. 

    Pháp Tạng là tên gọi của một ngôi chùa mới của Hội Văn Hóa Xã Hội Phật Tử tại Áo, được tạo mãi vào tháng 7.2016 từ một tòa nhà 2 tầng có diện tích 316 m2 tọa lạc tại quận 23, mà cho đến nay vẫn đang trong thời gian sửa sang và đưa vào sử dụng từng phần. Ngoài những ngày lễ định kỳ hằng tháng được bắt đầu từ tháng 1.2017, thì Đại Lễ Phật Đản Phật Lịch 2561 vừa qua vào ngày 07.05.2017 tại chùa Pháp Tạng sẽ được nhớ đến như là một ngày lễ lớn đầu tiên, về ý nghĩa cũng như tổ chức, được sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Trí Minh cùng quý Đại Đức Thích Viên Tường, ĐĐ Thích Viên Chiếu (Chùa Khuông Việt, Na Uy), ĐĐ Thích Hạnh Hòa (Niệm Phật Đường Viên Âm Nürnberg, Đức) và ĐĐ Thích Viên Duy.
    Ba hôm trước lễ, tối ngày 04.05 tôi nhận được tin của đh. Lê Tuấn cho biết là đã ra phi trường đón Hòa Thượng về chùa, nghe quý Thầy có ý định đi thăm Hallstatt vào ngày mai nên tôi cũng đã chuẩn bị trước là sẽ nhập đoàn ngay tại Hallstatt, một thị trấn nhỏ nhưng nổi tiếng đẹp, nằm bên hồ Hallstätter See chỉ cách Salzburg 75 cây số.
    Khoảng 11 giờ trưa hôm sau tức ngày 05.05 tôi cùng đh. Huệ Giác lên đường, mưa lâm râm vẫn chưa dứt từ chiều hôm qua nên phải mang thêm áo, dù, nón để phòng khi thời tiết xấu. Tôi chạy ra hướng Hof bei Salzburg, xem số km đã chạy trên Navi thì cũng tính được cuộc hẹn với Tuấn khoảng 12:30 giờ ở một bãi đậu xe đã định trước sau khi qua hầm là rất khả thi. Và thật vậy, khi tôi đã chạy qua khỏi Hallstatt Tunnel chừng hai trăm mét, rẽ phải tìm chỗ đậu thì cũng vừa trong tầm nhìn phía trước, thấy Hòa Thượng đang mở cửa xuống xe, tiếp theo sau là thầy Viên Tường và Viên Chiếu, cuối cùng là Tuấn. Chúng tôi rất vui mừng được gặp lại Sư phụ sau ba năm tính từ Đại Lễ Vu Lan vào tháng 9.2014 ở thủ đô Bratislava, Slowakei đến nay và thêm một niềm vui nữa là cuộc hẹn đã được thực hiện đúng như dự tính.
 
  ĐĐ Viên Tường, HT Thích Trí Minh, ĐĐ Viên Chiếu

    Tôi phải bỏ lại máy ảnh trong xe vì thấy trời nhiều mây và mưa có vẻ như đang mạnh hơn khi chúng tôi bắt đầu đi ngược trở lại về hướng bến tàu gần trường HTL. Đây là đoạn cuối của đường Seestrasse nhưng được xem như điểm xuất phát của phố đi bộ, nằm sát bờ hồ mà phía bên kia là những dãy núi bao quanh, lặng lẽ chở che dân làng quanh năm no ấm thanh bình. Sư phụ khoát áo choàng, quấn khăn mỏng và mũ beret cùng tông cà phê sữa trông rất ấm áp và chẳng ngại mưa rơi nên chiếc iPhone đã được nhanh chóng cầm tay xông pha chiến trường với tốc độ bấm máy thật đáng sợ. Thầy Viên Tường quay Livestream, được phát sóng trực tiếp, rất tiếc là trời không đẹp cho lắm. Ba người còn lại cũng không bỏ lỡ cơ hội làm phó nháy trong những lúc trời quên mưa như để làm vừa lòng du khách thưởng lãm cảnh đẹp trên con đường nhỏ san sát cửa tiệm, hàng lưu niệm, cà phê, nhà hàng bên cạnh những căn nhà gỗ, tường hoa từ nhiều thế kỷ trước dựa lưng vào núi Dachstein nhìn ra hồ Hallstätter See quanh năm thơ mộng, bàng bạc mây trôi ở mọi hướng nhìn. Thỉnh thoảng Sư phụ dừng chân xem những mẫu hàng gây sự chú ý được bày trong cửa tiệm, hay kiểm tra lại đạn dược để phòng khi ‘săn bắn’ cho nhẹ bớt hầu bao, hoặc tìm cảnh đẹp chụp chung và đôi khi còn tạo dáng cho mọi người thêm phần hào hứng khi có đến 6 chiếc smartphones thi nhau nhả đạn đến nỗi quên mất là trời nắng ít mưa nhiều theo chân phái đoàn từ nãy đến giờ vẫn chưa dứt. 
    Khi chúng tôi đến quán Pizza ở ngã ba đường Badergraben thì đồng hồ chỉ 2 giờ chiều, bên ngoài phố xá rộn ràng đông người qua lại.
Trong lúc chờ đặt Pizza, Sư phụ lấy túi xách có nhãn hiệu của tiệm tạp hóa trên đường Seestraße bày lên bàn, mọi người cùng nhìn và đếm được 6 chai nhỏ và một chai có chiều cao như chai rượu đỏ Bordeaux của Pháp nhưng đường kính chỉ gần bằng chai Heineken 0,33L. Sư phụ tặng đh. Huệ Giác 3 chai gồm: gewürz Salz, Granatapfel Likör và Honig (Dusch & Schaumbad). Ba chai tiếp theo cũng giống như vậy, Sư phụ tặng đh. Lê Tuấn. Chai còn lại lớn nhất là Olivenöl, sư phụ khui ra để cùng thưởng thức với những dĩa vegetarische Pizza vừa được mang ra còn nóng hổi. Mọi người lần lượt cầm chai Olivenöl trải một lớp dầu trên miếng Pizza sền sệt như mật ong, thì đã nghe mùi vị thơm cay hấp dẫn, kẻ trước người sau đều có cảm giác hương nồng vị ngọt trôi nhanh vào cõi thiên thu nhẹ nhàng lúc nào chẳng hay!
  Vì thời gian không còn nhiều nên sau 15 giờ chúng tôi quay lại đường cũ, trở về nơi xuất phát để đến trạm cáp treo gần đó. Nơi đây chỉ cần vài phút là chúng tôi đã có mặt trên đỉnh núi để ngắm cảnh thay vì muốn khám phá mỏ muối thì phải đi bộ chừng nửa cây số. Sau khi đi qua chiếc cầu để đến trước nhà hàng, bước xuống vài bậc tam cấp là đã thấy chiếc cầu lơ lửng mà tôi tạm gọi là cầu treo, giữa trời mây bao la trong cơn mưa sương. Từ đây vừa ngắm phong cảnh vừa bấm máy mà góc độ thu hình tưởng như không có nơi nào đẹp hơn khi nhìn xuống mặt hồ, thị trấn Hallstatt trở nên nhỏ nhắn như nằm gọn dưới chân trong thung lũng, được bao quanh chỉ toàn núi xanh và mây trắng thênh thang.
 
   cầu treo

    Nhìn đồng hồ gần 16:30 giờ, chúng tôi trở lại trạm cáp treo chờ  xuống dưới. Phái đoàn dừng chân trước Salz Shop để Sư phụ chọn một cây đèn có hình tháp được làm bằng muối màu đỏ sậm pha tím rất đẹp, là một đặc sản có lịch sử hàng ngàn năm của một thị trấn nhỏ nước Áo. Đến nay Hallstatt vẫn là một trong những ‘hòn ngọc’ của Âu châu, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1997. Đã đến lúc phải tạm biệt Hallstatt, chúng tôi về đến Wien khoảng 19:45 giờ cùng ngày.

    Chiều hôm sau nhằm ngày thứ bảy, chúng tôi cùng đh. Lê Tuấn và Huệ Nhật đến thăm Chùa, rồi sau đó đón Sư phụ đi một vòng qua nhiều quận của thủ đô Wien trước khi đến thăm bác Vạn Bảo, Hội trưởng Hội VHXH Phật tử tại Áo. Cách đây chưa đầy một năm, vào tháng 10.2016, tôi và Tuấn đã có lần đến thăm và đón Bác về quận 23 thăm ngôi chùa mới lần đầu tiên, gặp lúc chùa đang làm hệ thống sưởi ở lầu Chánh Điện. Mấy tháng sau đó bác bệnh mà cao điểm là vào tháng 3.2017 phải nhập viện và đã may mắn vượt qua được cơn hiểm nghèo. Hai vợ chồng bác hiện ở quận 10, hằng ngày được con cháu săn sóc rất chu đáo. Nay có Hòa Thượng đến thăm hai bác mừng lắm, kể lại chuyện ốm đau và thăm hỏi đến mọi người. Sư phụ qua câu chuyện thân mật đã mang đến niềm vui và sự lạc quan cần có khi tuổi già sức yếu, trông bác ốm hơn nhưng sức khỏe đã dần bình phục.

  Sư Bác Vạn Bảo (phải)

     Nhắc đến mối thâm tình giữa hai vị Sư Phụ và Sư Bác thì không thể không nhắc đến 22 năm về trước, khi Thượng Tọa Thích Trí Minh, Phương Trượng chùa Khuông Việt, Na Uy đã thay thầy Khánh Anh đến Áo chứng minh Đại Lễ Phật Đản vào giữa 1995 thì cuối năm bác Huỳnh Bửu Phan được bầu vào chức vụ Hội trưởng Ban Chấp hành Hội VHXHPTVN tại Áo. Một thời gian sau Bác đã được thầy Khuông Việt chứng minh lễ Xuất Gia và lên chức Sư Bác với Pháp danh Vạn Bảo. Tính đến nay bác đã bước qua tuổi 96 với 22 năm vui buồn cùng Hội Phật tử Áo quốc. 

    Khoảng 19 giờ chúng tôi chia tay hai bác ra về, trong lúc Tuấn lái xe về quận 19 thì Huệ Nhật gọi cho nhà hàng Hương Việt đặt chỗ. Chủ tiệm là một ngôi sao khá quen thuộc của thành phố Wien, đó là ca sĩ Thanh Tùng, cũng vừa là MC trong những chương trình Văn Nghệ Xuân của Chùa. Anh đã tự tay nấu ba món chay, mất khá nhiều thời gian và tâm huyết nên rất ngon miệng, được Thầy khen và hẹn sẽ trở lại khi nào đến Áo. Chúng tôi đưa Sư phụ về đến chùa sau 10 giờ đêm. Ngày mai sẽ được mong chờ như là một dấu mốc quan trọng về buổi lễ đầu tiên tại ngôi chùa mới Pháp Tạng. 
 
 Phật Tử Linz
 
    Hôm sau chủ nhật trời đẹp và có nắng. Con đường hai chiều chạy ngang trước cửa chính vào chùa rộng và thoáng vì đối diện là một khu vườn có nhiều cây. Quanh chùa vẫn còn nhiều chỗ đậu xe mặc dù sau 10 giờ Phật tử xa gần đã đến khá đông. Từ Salzburg có 4  người: vợ chồng tôi và Mai Châu & Khải, Linz có 10 người về dự lễ, phần nhiều trong số này là những gương mặt quen cũ lâu nay mới gặp lại. Ở tầng trệt, phòng ăn đông đảo và nhộn nhịp hiếm có trước đây, nhiều tiếng cười nói và chuyện trò vui vẻ. Ai muốn lên Chánh Điện trong lúc này phải chịu khó chen lấn thì mới đi qua được hành lang phía sau rồi lên lầu…Vậy rõ ràng là ngày lễ đầu tiên ở ngôi chùa mới đã thật sự mang đến niềm hân hoan vượt cả mong ước của mọi người. Đã sắp đến giờ làm lễ, một số Phật tử phải đứng ở phòng áo tràng có cửa thông với Chánh Điện và cả ngoài hành lang lầu 1 vì không còn chỗ, một số khác và trẻ con còn dưới phòng ăn ở tầng trệt và một ít bên ngoài, cộng chung có thể lên đến 180 người. 
    11 giờ : Buổi lễ được khai mạc với Nghi Thức Tụng Kinh Phật Đản. Sau đó Đại Đức Thích Viên Duy mở đầu với lời giới thiệu thành phần khách tham dự, gồm có Đại Đức Thích Hạnh Hòa đến từ Niệm Phật Đường Viên Âm, Nürnberg (Đức). Tiếp đến là hai thầy tháp tùng cũng là đệ tử của Hòa Thượng Trí Minh: thầy Viên Chiếu, dịp này là lần đầu tiên đến Áo. Với thầy Viên Tường thì thầy Viên Duy đặc biệt giới thiệu: ‘thầy Viên Tường thì rất nổi tiếng ai cũng biết (đại chúng cười và vỗ tay), vì đã đến Áo nhiều lần’. Tiếp theo thầy nhắc lại chương trình buổi lễ trước khi cung thỉnh Hòa Thượng ban bố thời thuyết pháp cho Đại Lễ Phật Đản Phật Lịch 2561.
    12 giờ Thuyết Pháp: Nhớ lần đầu tiên Phật tử Áo được đón tiếp Thượng Tọa Thích Trí Minh chủ trì Đại Lễ Phật Đản được tổ chức tại Wien ngày 28.05.1995, cũng là năm đánh dấu sự gắn bó lâu dài của Thầy đối với sinh hoạt Phật sự để ngày một đi lên so với những năm mới thành lập Hội. Sau một thời gian khá dài, với việc Đại Đức Thích Viên Duy được Hòa Thượng Sư phụ bổ sứ sang Áo vào năm 2010 như có thêm nhân duyên để cùng với Hội Phật tử Áo biến giấc mơ thành hiện thực về ngôi chùa Pháp Tạng mà hôm nay được Hòa Thượng quang lâm chứng minh. Đó chính là nhờ Công Đức Cao Dày của Hòa Thượng cùng Chư Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni và Phật tử, nên trong đạo từ, Thầy đã chia sẻ niềm vui cùng đại chúng nhân Đại Lễ Phật Đản đầu tiên được tổ chức tại chùa Pháp Tạng: ‘...như quý Chư Tăng Ni, Phật tử có mặt ở đây cũng đều biết Niệm Phật Đường Minh Tịnh trước kia là tạm thời, ở đậu ở nhờ, mỗi tháng tốn tiền tốn gạo mà cũng không được chu đáo. Mỗi từng bước đi lên, nay nhân duyên hội đủ, Đại Đức Viên Duy đã được Tam Bảo gia hộ và toàn thể Phật tử chư Tăng hộ niệm, nhờ vậy mà nơi Đạo tràng này được sinh khởi, được lấy tên là Pháp Tạng. Một ngôi chùa không phải lớn lắm so với quê hương hay những nơi đất đai rộng rãi, nhưng mà đối với nước Áo, như vậy quả thật là một điều y hiếm và rất đẹp vừa là thiên thời.Vào thời buổi khó khăn ở xứ lạ quê người mà chúng ta cũng xây dựng được một ngôi bảo tự như vầy là một Pháp vũ trang hoàng. Thứ hai nữa là địa lợi, trong lòng thành phố các Phật tử đi lại tiện lợi và Áo cũng là trung tâm của Âu châu, do đó quý Thầy lai vãng cũng dễ dàng. Sau nữa là nhân hòa, tất cả Phật tử chúng ta đã đồng lòng chung sức, nhờ vậy chỉ mới nghe đây mà ngôi chùa đã đến. Như vậy công đức của Thầy, của quý đạo hữu và thập phương đạo hữu quả thật là vô cùng to lớn. Sự hiện diện trong ngày Đại Lễ Phật Đản 2561 chính là năm Đản Sanh lần thứ 2641 của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, có đông đủ Chư Tăng và Phật tử như thế này thật là y hiếm, tôi cho là một điều rất là quý hóa, xin tán thán bằng một tràng pháo tay sự hiện diện của quý vị…
    12:30 giờ Nghi Thức Tắm Phật: Đã được Hòa Thượng cùng chư Đại Đức cử hành rất trọng thể. Lễ Tắm Phật là một trong những nghi thức khá phổ biến vào lễ hội Phật Đản trong nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau. Đại chúng đứng hàng dọc người trước kẻ sau chờ đến lượt mình, mỗi lượt hai người, một tay chắp trước ngực và một tay múc nước từ bồn tắm Phật trong tư thế thành kính, trang nghiêm và nhẹ nhàng từng động tác. Xong, chắp tay xá trước khi nhường chỗ cho người tiếp theo: ‘nhờ việc tắm tượng như thế, chúng sanh trong hiện đời được nhiều phước báu thù thắng, sở nguyện thành tựu, quyến thuộc được an ổn, mau thành chánh giác’. Hôm đó đại chúng tham gia đông đảo, có rất nhiều các em các cháu kiên nhẫn đứng trong hàng chờ đợi đến lượt mình. Lễ Tắm Phật đến gần giờ dùng cơm mới kết thúc.
    13:30 giờ Dùng Cơm. Phòng ăn ở tầng trệt người ngồi kẻ đứng, đông đến nỗi không có lối đi. Trên bàn, thức ăn đã được ban Trai soạn phục vụ hết sức đầy đủ nhưng không có chỗ ngồi nên nhiều người ra phía sau, cùng đứng dùng cơm với nhà bếp cho vui. Trước cửa chùa cũng có một số Phật tử mang thức ăn ra ngoài nên đã được lưu ý để tránh cái nhìn không tốt của người qua đường, nếu có. Đây cũng là điều để Ban tổ chức ghi nhận và có cách giải quyết cho những buổi lễ sắp tới.
 
    Sau Lễ Quy Y

    14 giờ Lễ Quy Y: Trong Đại Lễ Vu Lan ngày 16.09.2012 Hòa Thượng Khuông Việt đã chủ trì lễ Quy Y cho 12 Phật tử ở Salzburg, là một con số vào thời điểm đó đã thấy khá nhiều. Nhưng nay tại chùa Pháp Tạng lên đến 17 Phật tử. Số đông ở đây ngoài niềm vui lại có nỗi mừng, vì trong hàng Phật tử tại gia quy y Tam Bảo, làm sáng danh Tam Bảo, cố gắng phát huy trí tuệ và đạo đức, đóng góp tích cực vào những hoạt động hoằng dương Phật pháp và làm lợi ích cho xã hội. 

    16 giờ Lễ Phóng Sanh thả cá: Được tổ chức bên bờ sông Donau cạnh chùa Nhật Bản (Friedenpagode), rất đông Phật tử từ chùa vân tập về địa điểm với phương tiện riêng. Mấy năm trước khi còn Niệm Phật Đường Minh Tịnh, lễ Phóng sanh thả cá đã được tổ chức nhiều lần cho nên mọi người tham gia khá tích cực, vui vẻ và thoải mái bên dòng sông xanh nổi tiếng đẹp và trong lành của một buổi chiều nắng ấm cho đến khi đại chúng vừa chụp xong hình lưu niệm ở chùa Nhật thì trời bỗng dưng mưa to gió lớn, mọi người đã cùng nhau nhanh chân chạy kịp về phía bãi xe gần đó.

    Đã gần hai tháng sau lần về Wien dự lễ Phật Đản mà đến nay như vẫn còn dư vị của niềm vui. Vui vì đồng bào Phật tử khắp nơi trên nước Áo nay đã có một mái chùa để có cơ hội gặp gỡ và cùng nhau tu tập, sinh hoạt Phật sự sẽ được thuận lợi hơn. Rồi mai này khi tổ chức được kiện toàn, sẽ có nơi cho lớp trẻ vui chơi, học hỏi và cũng là nơi nương tựa ấm áp cho tuổi già về sau. Gần một năm vừa qua có thể nói công việc sửa sang gần như đã làm mới hoàn toàn ngôi nhà cũ, từ hệ thống sưởi nền trên Chánh Điện Tam Bảo và hệ thống sưởi nền cả tầng sinh hoạt phía dưới, rồi đến làm mới hệ thống điện nước cho cả ngôi chùa. Thế nên, mọi chi phí cho việc sửa sang cũng từ đó mà phát sinh thêm, trong lúc Quỹ Chùa thì đã cạn. Thật lòng mà nói, không có tiền thì chẳng khác chi gặp một bài toán hết sức nan giải.
     Nhân ghi lại đôi dòng về ngày Đại Lễ Phật Đản, PL 2561 được tổ chức tại chùa Pháp Tạng, Wien; chúng tôi xin mạo muội thiết tha kêu gọi quý Phật tử và Đồng hương khắp nơi, phát tâm ủng hộ kẻ ít người nhiều, giúp đỡ  cho việc sửa sang Ngôi Chùa Mới sớm hoàn thành viên mãn. Xin chân thành cám ơn tất cả quý vị.

NGUYỄN SĨ LONG

Salzburg, 30.06.2017


PHÁP TẠNG ĐẠO TRÀNG
A-1230 Wien, Seybelgasse 4
Email : vienduy@gmail.com
Tel : 06605034321

Mọi sự cúng dường xin vui lòng gởi về :
Kultur Sozialverein Vietnamesisch Buddhisten in Österreich
Kontonummer : 28264366600
BIC : GIBAATWWXXX
IBAN : AT272011128264366600

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen