Freitag, 25. August 2017

CHÂN DUNG MẸ


 
    Có thể nói ở đất nước chúng ta, Phật giáo là một tôn giáo của đại chúng, đã ăn sâu trong lòng dân tộc có tinh thần hiếu đạo từ ngàn xưa. Vì vậy vào những ngày lễ hội như Mùa Vu Lan, ngày nay không chỉ dành riêng cho những người con Phật, mà đã là ngày hội chung cho cả mọi người Việt nam.
    Là người Phật tử, mùa Vu Lan Báo Hiếu là một dịp và cũng là một quãng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng rất quý báu nếu không muốn nói là rộn ràng và háo hức để chúng ta nhớ về mẹ, nghĩ về mẹ và đây cũng là cơ hội mỗi năm có một để tỏ lòng hiếu thảo với mẹ cha.
    Sẽ là ý nghĩa hơn nữa, trang trọng và thân tình hơn nữa khi cùng với thiện nam tín nữ tham dự nghi thức Cài Hoa Hồng trong ngày Đại Lễ Vu Lan để có được những giây phút lắng lòng dành cho mẹ. Dù vui hay buồn khi một màu hoa được cài trên áo, chắc chắn trong tâm thức của mỗi người tham dự đều có sự cảm nhận thật ấm áp của tình mẹ con. Và cũng chính trong ngày Lễ Báo Hiếu long trọng này, những trái tim đều hướng về mẹ của mình, để cùng thổn thức và cất cao lời tri ân Đấng Sinh Thành.
     Hoa Hồng Trắng dịu dàng dành cho những ai đã không còn được cha mẹ cận kề hôm sớm.
    Hoa Hồng Đỏ cho những người may mắn còn mẹ, còn cha. Xin hãy trân trọng niềm vui sướng của mình.
    Nghi thức Cài Hoa Hồng cho chúng ta một không gian mà mọi người có chung một niềm suy nghĩ về Mẹ! Cho dù ở lứa tuổi nào đi nữa cũng đều cảm thấy hạnh phúc để nhớ lại những kỷ niệm khi còn thơ ấu như đã cùng mẹ vui đùa hay đã được mẹ dẫn đi Lễ Chùa nhằm vào Mùa Vu Lan, hoặc khi đã khôn lớn trong mái ấm gia đình. Đó là những ngày tháng thật êm đềm được sống bên mẹ và lớn lên trong từng bước chân chuẩn bị vào đời.
    Khi nhắc đến mẹ, nhớ về mẹ thì bất kể chúng ta là ai, không phân biệt tuổi tác và địa vị trong xã hội, tất cả đều bỗng trở nên nhỏ bé như thuở còn thơ dại nằm lọt trong vòng tay ấm áp cùng lời ru ngọt ngào chan hòa tình thương yêu của mẹ:
Chín tháng cưu mang hai mươi năm nuôi dưỡng
Con ra đời trong tổ ấm tình thương
Ở quanh con không có bốn mùa thay đổi
Chỉ một mùa xuân bên tay mẹ, mảnh vườn.
    Không phải ai cũng có may mắn sống cả cuộc đời gần gia đình. Bởi vậy nếu có dịp đi xa, mới thấy quý những ngày trở về thăm mẹ vì chẳng biết phải cần bao nhiêu thời gian để bù đắp được những tháng ngày xa cách.
     Nhưng với tâm tình bao lâu ấp ủ và mong đợi chắc sẽ không ngăn được cảm xúc, để qua đó thấy và hiểu được lòng mẹ nuôi con như biển trời lai láng, những lúc ốm đau mẹ chính là người thầy thuốc tuyệt vời, thức suốt đêm với con, và cả cuộc đời vì con:
Mẹ đút cho con từng miếng cơm muỗng cháo
Thức suốt đêm khi con sổ mũi nhức đầu
Mẹ đan cho con từng bao tay chiếc áo
Bên cuộc đời dù trăm nỗi bể dâu.
    Khi ta có lòng thương kính với mẹ thì chính là lúc ta hình dung được hình ảnh thiêng liêng của mẹ đã biểu hiện khi con vừa mở mắt chào đời, cho đến những năm tháng nuôi nấng dạy dỗ ta nên người.
    Với niềm cảm thông là khi lớn khôn lớn có gia đình, có nuôi con thì mới biết đêm dài và hiểu được những hy sinh của mẹ từ khi còn ấu thơ cho đến trưởng thành là cả một hành trình dường như vô tận với nhiều nhọc nhằn và đôi khi còn có cả nước mắt:
Mẹ dạy cho con từng lời nói bước đi
Mẹ dạy cho con cầm cây bút chì
Mẹ dạy cho con vòng tay kính cẩn
Cúi đầu chào thưa gởi mỗi lần đi.
    Trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều người để thương yêu và quyến luyến, nhưng mẹ là hình ảnh đẹp nhất và vĩ đại nhất trong tâm hồn của chúng ta.
    Không ai có thể nói hết, diễn tả hết những điều tuyệt vời về một người mẹ.
    Không ai có thể hiểu hết công khó và nghị lực của một người cha.
    Đời sống sẽ mang lại nhiều ý nghĩa cao đẹp hơn chừng nào chúng ta luôn là một người con hiếu thảo để đền đáp Ơn Nghĩa Sinh Thành:
Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là Đạo con.

NGUYỄN SĨ LONG

Donnerstag, 17. August 2017

CÔ BẠN NHỎ NGƯỜI DƯNG


    Cuộc hành trình về Việt Nam làm từ thiện của gia đình “Chân Quê” bắt đầu vào mùa Chay năm 2016 (theo lịch người Công Giáo); lần này chúng tôi cũng bảo trợ từ A đến Z cho cựu Thủy Quân Lục Chiến Brad Bennett (tham chiến trong thập niên 60) cùng hai người con trai của ông: Tony và Andy Bennett đi cùng.
    Trên đây là lời mở đầu cho một bài viết đăng trên Việt Báo của tác giả DBN về Những Người Con Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ thăm Việt Nam và Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa. Xin trích: “Mục đích là cho thế hệ con cháu của Vietnam Veteran thăm lại vùng Cồn Thiên, Quảng Trị và thị trấn Dạ Lê, Thừa Thiên, Huế; nơi thân phụ của họ cùng các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã từng đổ máu, mồ hôi, chết trận hoặc bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trường; cho chúng cảm về khí hậu nóng cháy da người cùng môi trường vô cùng khắc nghiệt tại miền Trung (vùng đất cày lên đá sỏi). Đồng thời, gia đình “Chân Quê” hướng dẫn chúng đi làm từ thiện, trao hiện kim, quà bánh đến các thầy cô, bảo trợ học bổng và mua tặng bàn ghế, dụng cụ học sinh cho trường Nguyễn Tri Phương cũng như dẫn chúng đi thăm từng nhà dân thuộc Ấp Chính An, Phong Chương, Phong Điền, Huế. Những chỗ khi xưa đầy xác lính, xác người già, trẻ em, mênh-mông chất-chồng bên lũy tre làng, trên những cánh đồng xanh nhuộm đỏ máu chiến tranh.  Nơi mà ngày nay người dân quê vẫn dùng trâu để cầy bừa, trẻ em đôi khi không có giầy dép mang đi học. Nơi chưa có những tòa nhà, hotel, resort, các quán nhậu, karaoke, tiệm cà phê trá hình hay các tụ điểm trác táng ăn chơi chen chúc xô bồ,  mất trật tự như ở phố thị tại Hà nội hay Sài gòn bây giờ. 
    Gia đình “Chân Quê” tặng nửa triệu Vietnam Đồng cho từng nhà dân nghèo tại Ấp Chính An, Phong Chương, Phong Điền, Huế. Cuối tháng 2.2016”.
    Ấp Chính An hay làng Chính An nói ở trên là quê tôi, nơi Tổ tiên Ông bà đã lập nên một dòng Họ Nguyễn lâu đời, cách Huế về phía bắc chừng 40 km. Sau 1975 cho đến nay, cuộc sống ở những vùng nông thôn xa thị thành vẫn còn khó khăn, nên nhiều gia đình đành phải rời bỏ quê lên tỉnh hay xuôi Nam sinh sống. Có lẽ làng Chính An đến nay vẫn còn là một trong những ‘địa danh thời hậu chiến’ nên đã gây được sự chú ý của gia đình Chân Quê và hai người con Cựu Thủy Quân Lục Chiến, ông Brad Bennett. Chuyến đi này đã mang đến một dịp may hiếm có cho bà con làng Chính An khi nhận được sự giúp đỡ của gia đình Chân Quê ở tận bên Mỹ. Riêng tôi chỉ đọc qua bài viết nhưng đã rất xúc động vì có sự trùng hợp quá bất ngờ khi nhớ đến giai đoạn cao điểm của làn sóng người vượt biển 30 năm trước ở các trại Tỵ nạn Đông Nam Á là Pulau Bidong, Galang và Palawan. Lúc đó, ngoài sự giúp đỡ của Cao Ủy Tỵ Nạn cùng các quốc gia cũng như những tổ chức, hội đoàn và cá nhân trên thế giới, còn có một nữ thuyền nhân rất kín tiếng về những món quà tinh thần quý báu được gởi từ Australia đến các trại Tỵ nạn mà cho đến nay tôi vẫn còn nhớ.  
    Thuở đó tôi ở trại Tỵ nạn Palawan đã được 14 tháng, một hôm nhận lá thư được gởi từ Victoria, Úc đề ngày 01 tháng 8 năm 1988: “Thưa anh Trưởng ban, tôi đã nhận được thư anh và thư Bích Hồng báo đã nhận được các số báo Xuân mà tôi đã gởi. Nay tôi xin gởi tiếp một số nhật báo ở Úc và một tập thơ của nhà thơ Hoàng Phong Linh (Võ Đại Tôn), cũng như các anh bên Cựu Quân Nhân có gởi tặng phòng TTVH tờ báo của gia đình CQN tại Melbourne, Úc Châu. Xin anh và các bạn đừng ngại liên lạc để tôi có điều kiện giúp đỡ đồng bào tại trại Tỵ nạn Palawan về gởi báo chí cũng như băng nhạc để ‘truyền thông văn hóa’ Việt Nam tại hải ngoại. Nếu anh được đi định cư ở Đệ tam quốc gia thì xin nói lại với người thay anh đừng quên liên lạc với tôi để nhận báo chí cũng như các tài liệu để phát thanh. Tôi hy vọng Giáng Sinh năm nay sẽ ghé thăm Palawan của anh và đồng bào mình bên đó. Thân ái, BN.”
    Tôi viết thư cám ơn về gói bưu phẩm và sau đó vào tháng 10 lại một lần nữa nhận được hai băng nhạc và một số tài liệu cho dịp Giáng Sinh và Xuân cùng với lời nhắc về Hội CQN Palawan chưa gởi danh sách hội viên cho Hội CQN Úc châu. Sau vài lần thư đi tin lại, chúng tôi rất cảm kích trước sự giúp đỡ nhiệt tình của ‘cô gái tốt bụng’, dù chưa gặp nhưng vẫn giữ mối giao hảo qua thư từ để biết thêm tin tức liên quan đến vấn đề tỵ nạn thì được BN tâm sự: “Nghe anh kể về những sinh hoạt của trại rất Việt Nam tính làm tôi thật nhớ những ngày còn ở Bidong và Sài gòn. Hơn 7 năm xa xứ, tôi hoài nhớ một thứ tình quê hương cố hữu của người mình, đó là một lý do tại sao tôi muốn sống một phần cho những người Việt còn ở các trại Tỵ nạn chưa đi định cư. Cuộc sống đôi lúc có những lúc tuyệt vọng cùng cực với sự chán ngán nơi xứ người xa lạ, nhưng khi nghĩ lại đồng bào mình đã hy sinh cả mạng sống để ra đi thì tôi lại cố gắng đứng lên mà bước tới. Từ khi liên lạc được với Bích Hồng, tôi đã hân hạnh làm quen với đồng bào mình ở Palawan, còn ở Bidong và Galang tôi vẫn làm ‘bổn phận nhỏ mọn’ là gởi những món ăn tinh thần thường xuyên qua bên đó”.
    Hình như BN cũng có chú ý đến trường hợp của tôi là đơn lẻ và hiện chưa có nước nào nhận nên đã có lời khuyên: “Anh ở Sài gòn mà ở đâu vậy? Chị và hai cháu còn bên nhà ư, sao anh ‘quá dại’ khi đi có một mình? Tôi hy vọng khi anh được định cư thì việc đầu tiên là phải lo việc bảo lãnh cho gia đình anh nhé. Anh biết tại sao không, ở đây rất nhiều thảm cảnh: vợ đi trước, chồng ở lại hoặc chồng đi trước vợ ở lại thì khi ra ngoại quốc họ phản bội nhau thật cấp kỳ, chừng khi người ở bên nhà trốn qua sau rồi sinh ra hận thù thật nhiễu nhương! Anh nên nghĩ đến và chú trọng vấn đề định cư của anh hơn, đừng bỏ cuộc. Nếu cần tôi giúp gì được tôi sẽ giúp, anh nghĩ sao?”
    Cũng nhờ những dòng thư qua lại nên mới biết BN là cựu học sinh Trưng Vương, gia đình bố mẹ và anh chị còn ở Tân Định Sài gòn, là cựu thuyền nhân trại Bidong trước khi sang định cư ở bang Victoria, Úc vào năm 1981. Đây cũng là năm BN đón cái Tết Việt nam đầu tiên khóc đến sưng cả mắt vì chẳng thấy gì gọi là Tết cả, và trong thời gian buồn khổ nhất này, cô đã sáng tác hai bài Tỵ nạn ca (1 và 2). Cô đã có một thời gian làm ở hãng may mặc rồi đi hát như là một Job qua nhiều tiểu bang nước Úc: Sydney, Adelaide, Brisbane, Tasmania và Melbourne cho đến khi lập gia đình vào tháng 2.1987 thì giảm bớt, thỉnh thoảng mới đi hát cho cộng đồng, party, đám cưới và bạn bè. Cũng chính trong môi trường văn nghệ mà cô đã gặp vị phu quân tương lai đến từ Japan trong một buổi Concert vào mùa hè 1985, quen nhau hơn một năm rồi làm đám cưới, hiện giờ chưa có baby vì còn đi du lịch nhiều. Điều làm tôi chú ý và mến phục là sự nhiệt thành của người phụ nữ đã có gia đình khi một mình dấn thân vào công tác thiện nguyện với sự khiêm nhường và kín đáo thì không phải ai cũng làm được. Bởi vậy nên ít nhiều tôi cũng đã có sự tò mò muốn biết ‘nàng là ai’ khi mỗi lá thư từ Victoria đến như là niềm vui thư tín: “tôi đang viết tập truyện ngắn lấy tên là ‘Những khúc quanh đời Tỵ nạn’, bút hiệu của tôi là Bê En và Ngày Xưa Trần Thị. Cuộc đời thật sự như là một quyển truyện dài với nhiều tình tiết éo le, tôi thích viết để ghi lại một khoảng nào cái thực của đời sống mình, cũng như anh thích sáng tác thơ để nói lên cái uẩn khúc của tâm hồn. Tôi nghĩ những người có chút máu nghệ sĩ trong người thì dễ thông cảm nhau. Bởi vậy theo tôi thì anh và các bạn khi còn ở trại cần sáng tác nhiều hơn nữa vì anh phải biết là khi đi định cư khó mà còn tâm hồn để sáng tác vì bị biến chất theo đồng đô la nhanh vô cùng”.
    Tôi cảm thấy phân vân vì bị quyến rũ về lòng tốt và sự nhiệt tình của cô gái thật quá bất ngờ, rồi trong vài hôm sau đó có tin hồ sơ xin định cư của tôi đã được chấp thuận và chỉ hai tuần nữa là sẽ lên đường. Đây là sự may mắn được chờ đợi từ lâu nhưng đã làm cho ngày chia tay thêm ngậm ngùi, bịn rịn kẻ ở người đi, biết bao giờ mới được gặp lại nhau? Trước ngày đi tôi báo tin mừng cho gia đình, người thân và một số bạn bè. Riêng với BN, tôi gởi thêm hai bản nhạc sau khi biết là một số bài thơ tôi kèm trong lá thư trước đã được BN gởi cho báo Chuông Sài gòn ở Victoria, cô viết: ‘rất vui khi được làm người giới thiệu thơ anh đến độc giả Úc châu, anh nhớ gởi tiếp nếu có những sáng tác mới’.  
    Tôi đến Wien vào mùa đông tuyết lạnh giữa tháng 12.1988 nhưng mãi đến tháng 3.1989 mới nhận được thư đầu tiên của BN khi đang ở trong trại Tỵ nạn. Có ai ngờ trên bước đường phiêu bạt, ngoài gia đình để hướng đến một ngày mai đoàn tụ, thì BN như bóng hồng thấp thoáng đã mang đến những dòng thư ấm áp tình người không khác gì được gặp lại bạn cũ nơi quê hương thứ hai. Có lẽ BN hiểu được tâm trạng của tôi lúc đó nên sau khi đọc xong lá thư mới nhất trên miền đất còn xa lạ này, tôi lại càng trân trọng hơn về những ưu ái mà cô đã dành cho tôi khi viết: “Biết anh buồn và bỡ ngỡ với cuộc sống mới nên thư liền, ưu tiên cho ‘cựu sinh viên’ đấy nhé…Hôm nhận thư anh báo rời trại gặp lúc tôi quá bận rộn với những công việc cuối cũng như đầu năm. Phần tổ chức văn nghệ, dạ vũ, đại nhạc hội; phần các Hội đoàn ở đây mời đi hát tứ lung tung. Rồi bây giờ tôi lại nhận làm việc cho chính phủ nữa, Job này gọi là ‘Children’s Services Officer’. Anh biết tôi phải làm gì không? Sáng 9h phải có mặt ở văn phòng, điện thoại để make appointment với mấy cái nhà trẻ rồi đến nói chuyện với họ để xem việc học hành của trẻ con Việt Nam mình đến đâu. Rồi cả ngày tôi phải đến những vùng đông dân Việt Nam cư ngụ để phỏng vấn họ. Cuối tuần phải viết Report để gởi lên Government nữa. Rồi phải dẫn Ban nhạc đi hát đám cưới bạn bè (mùa này người ta cưới nhau nhiều quá).Tôi ước ao phải chi anh ở Australia chớ không phải Austria thì anh sẽ share công việc văn nghệ cho tôi có tốt hơn không? 
    Từ bất ngờ này cho đến ngạc nhiên khác, cô gái có tên BN giờ đây không còn là nữ thuyền nhân bình thường như tôi nghĩ nữa. Những điều được cô kể ra như có một thời gian ‘buồn khổ nhất’ nên hai bản nhạc Tỵ nạn ca đã ra đời và đi hát trên khắp nước Úc thì không phải là ca nhạc sĩ hay sao? Rồi còn viết lách nữa thì ít nhiều cũng có duyên văn nghệ cho đến những việc tổ chức dạ vũ, đại nhạc hội hoặc dẫn cả ban nhạc đi hát đám cưới bạn bè hay cho hội đoàn…thì cũng đã là người của công chúng. Chưa kể nay lại làm việc cho chính phủ nữa thì đôi lúc tôi phải tự hỏi: Cô ấy đã lấy thì giờ ở đâu cho gia đình và lo chuyện tiếp tế sách báo giúp các trại Tỵ nạn? Trong các công việc mà BN vừa kể, tôi thích nhất là đến những khu đông dân cư người Việt để phỏng vấn và viết Report, đó là nghề phóng viên, nhà báo. Tôi đã mơ ngành này thời còn trung học nhưng hầu như suốt cả cuộc đời chưa một lần có cơ hội, và lần này cũng vậy, ước ao của BN lại một lần nữa làm tôi bần thần như giấc mộng đẹp nhưng khó thành.     
    Cuối tháng ba tôi được anh Vũ Văn Hùng đón về thành phố Linz, lần đầu tiên trên xứ người đi làm được nửa tháng thì thất nghiệp. Đến giữa tháng 5.1989 lại được người quen rủ nên về Salzburg, chỉ vài tháng sau đó đã  hoàn tất thủ tục bảo lãnh gia đình khi hội đủ điều kiện về nhà cửa và công ăn việc làm. Thấy yên ổn ở một thành phố có nét cổ kính giống Huế nên đã chọn nơi đất lành chim đậu cho đến bây giờ. Có điều là chỉ chừng một năm sau khi rời Palawan, vì thay đổi chỗ ở đến ba lần nên đã mất dần liên lạc với hầu hết bạn bè và người quen, nhưng tôi vẫn còn may mắn khi được BN hỗ trợ tinh thần từ sách báo, băng nhạc và lần đầu tiên được đọc một sáng tác của BN ‘Như vẫn còn mùa xuân’ (trích trong Những khúc quanh đời Tỵ nạn), cho đến những lá thư thường bắt đầu với dòng chữ: ‘BN quá bận rộn…’ nhưng rồi chẳng những không quên người bạn ở trời Tây mà còn an ủi, khuyên lơn và thăm hỏi về chuyện bảo lãnh, sinh hoạt, đi làm, khí hậu...và cũng có lần gợi ý là nếu thấy ở bên đó khó khăn và buồn tẻ thì nên tìm cách đi nước khác như Mỹ hay Úc chẳng hạn…nhưng ‘trước hết thì phải có nghị lực hơn nữa, có gì ưu tư thì san sẻ, đừng nản chí vì ít ra anh cũng còn một nhỏ bạn (người dưng) bên này’.

 
Elvis Phương & Bê En

     Cũng nhờ cô bạn nhỏ người dưng mà tôi biết được một số sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở Úc trong nhiều lãnh vực có BN tham gia. Về văn nghệ thì trong tháng 3.1989, Ban nhạc Uptight sang Úc với Elvis Phương, Khánh Hà, Thanh Tuyền và Anh Tú. BN khen Uptight chơi ‘sạch và perfekt’ vô cùng với 2000 khán giả Việt tham dự. Cũng nhờ có đêm văn nghệ này mà lần đầu tiên tôi được thấy cô bạn nhỏ xuất hiện trong tấm hình chụp chung với ca sĩ Elvis Phương mà cô gởi tặng. Sau đó là những ngày lễ lớn hàng năm đã mang lại cho BN sự bận rộn đến tắt thở trong tháng tư với Văn nghệ Quốc Kháng, Giỗ tổ Hùng Vương và bầu lại Ban chấp hành Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Victoria. Sau nữa là việc Sở, việc nhà cùng với ‘đứa con tinh thần’ cần được chăm sóc mà một ca sĩ như BN phải nghĩ tới là cô nàng đang thu một cuộn băng gồm những bài hát xưa và nay được thích nhất, chậm lắm thì một hai tháng nữa tôi sẽ nhận được tape nhạc này.
    Trong thư tháng 5 BN cho biết là tập truyện ‘Những khúc quanh đời Tỵ nạn’ đang gặp ‘khúc quanh’ vì hình bìa đang nhờ hoạ sĩ Vi Vi vẽ giúp, một phần cũng vì quá bận rộn nhưng bù lại đã sáng tác thêm Tỵ nạn ca 3 vừa xong là có cơ hội hát ngay cùng với bài ‘Thuyền em trên Biển đông’ (Thơ NSL, Nguyễn Huy Thanh phổ nhạc) trong Chương trình ‘Tiệc Họp mặt của Ủy ban Yểm trợ Quốc tế cho Người Việt Tự Do của Ls Nguyễn Tấn Sĩ và một số Luật sư ở Victoria. Một việc khá quan trọng khác mà cô đã và đang làm là tổ chức một số Show văn nghệ, dạ vũ, quyên tiền cho chương trình định cư của người Việt Tỵ nạn tại Canada. Bước qua tháng 6 BN bận đến muốn nín thở luôn vì đang làm cái ‘survey’ về tình trạng trẻ con Việt Nam không đến trường vì hoàn cảnh hay vì gia đình…rồi họp hành, các hội đoàn và bận nhất là chương trình Tuần lễ Tỵ nạn, kế đến là ngày Quân lực 19.6 và có thêm gia đình Hải quân nhờ tổ chức dạ vũ, tiếp tân. Đến đây thì cô ấy không còn nói BN quá bận rộn…như thường lệ mà than: ‘Ông Trời thật bất công khi ban cho anh một cuộc sống quá nhàn rỗi đến mức độ buồn chán còn BN thì lu bu với trăm công ngàn việc, thật là unfair’. Tôi rất cảm động với lời ‘than oán’ của cô ấy, tuy bận rộn nhưng đôi lúc cũng có khoảng trống ở Sở làm để viết thư thì quả thật là rất quý giá. Tôi rất thích đọc thư BN vì cô ấy viết với tâm tình tươi trẻ và sống động, đề tài chính là những Jobs mà cô đang làm, được tác giả đưa người đọc từ bàn làm việc cho đến nhà trẻ, trường học, công sở, bệnh viện, sân khấu, cùng với những khuôn mặt cộng đồng lính cũng như dân hay những buổi họp hành, bầu bán cho đến các trại Tỵ nạn và những khu đông người Việt sinh sống. Mỗi lá thư là một hoạt cảnh đầy màu sắc như thế thật sự nơi tôi đang sống không có. Qua đó mới thấy là khả năng tác nghiệp của cô bạn nhỏ người dưng thật tài tình và bản lãnh của người phụ nữ trẻ tuổi nhưng luôn sẵn lòng phục vụ đồng bào Tỵ nạn. Cùng trong thời gian này, BN cho biết đã nhận rất nhiều thư Palawan mà không có thì giờ để đọc nên đã chuyển hết cho anh Nguyễn Hưng Đạo là trưởng gia đình CQN giúp. Riêng cá nhân tôi thì đã liên lạc với Hội CQN Palawan qua anh Nguyễn Cư từ lâu về việc lập danh sách, còn BN thì đã nhờ hội CQN ở Úc liên lạc và vận động với hội Cựu Chiến Binh Úc để làm bảo lãnh cho các anh em CQN tại Palawan.
    Tháng 9 nhận được thư đề ngày 11.08, đây cũng là lá thư cuối của năm 1989 và lần này không phải BN rất bận mà…bệnh. Mọi công việc dồn lại vì phải nằm viện và về nhà an dưỡng một tuần lễ rồi sau đó chỉ còn một tuần nữa thôi là đến Đại nhạc hội sẽ diễn ra vào ngày 19.08 với sự góp mặt của các ca sĩ Giao Linh, Tuấn Vũ, Sơn Ca, Ngọc Lan từ Mỹ và Canada sang. Họ nhờ BN làm Speaker và hát nhưng còn tùy vào sức khỏe. Ngoài ra có thêm một tin quan trọng nữa là sau kỳ họp vào ngày 13 và 14.6 vừa qua ở Genève, Cao Ủy LHQ đã quyết định số phận Tỵ nạn Việt Nam quá rõ ràng. Dù vậy ‘BN và một nhóm thân hữu đang hết sức cố gắng vận động chính phủ nhận thêm người tỵ nạn đến sau ngày 14.6.1989, đang chờ trả lời. Phải vận động họp hành, đến gặp những nhân vật trong Bộ Di trú. Phức tạp và rối như tơ vò nhưng vẫn phải làm vì đau lòng lắm khi thấy người Việt Tỵ nạn phải điền đơn ký tên để trở về VN tại các trại Đông Nam Á. Vấn đề này cũng làm BN suy nghĩ thật nhiều nên ông xã nói: ‘sao em cứ lo chuyện Social bao đồng không vậy?’ Do đó mà đã có lúc bị cấm không được lo lắng nhiều quá chuyện thiên hạ vì bác sĩ dặn tránh những suy nghĩ thì tốt nhất… Rồi cuối cùng đâu cũng vào đó’.
    Tháng 4.1990 tôi dọn đến căn nhà được chính phủ cấp ở Liefering, Salzburg. Lòng mừng vô hạn khi nghĩ tới vợ con đoàn tụ sẽ có nơi ăn chốn ở ổn định, rồi một tháng sau đó nhận được thư nhà báo cho biết là hồ sơ bảo lãnh đang xúc tiến tốt đẹp, thêm một niềm vui nữa là có thư BN sau 5 tháng cô bé im hơi lặng tiếng làm tôi lo lắng không biết chuyện gì đã xảy ra ? Đã có lần BN nói, cô rất sợ những tháng cuối và đầu năm vì luôn bận rộn. Năm nay cũng vậy, sau hai ngày Hội chợ và Văn nghệ thành công thì vào cuối tháng 2, cô cũng vừa viết xong truyện ngắn ‘Cô giáo Uyên’ là gởi  ngay, với ngụ ý là dành cho tôi sự ngạc nhiên khi một ‘busy girl’ như BN mà vẫn có thì giờ để sáng tác. Phải nói BN rất đa tài và nghệ sĩ tính cộng thêm một chút lãng mạn nên cô rất khéo léo dựng bố cục câu chuyện thật hấp dẫn. Bài ‘Cô giáo Uyên’ sau đó được tác giả cho phép, tôi đã gởi cho Nguyệt San Độc Lập ở Đức và được đi trong số 7/90 ra ngày 06.08.1990 với bút hiệu Ngày Xưa Trần Thị, BN rất vui khi cũng nhận được số báo này ở Úc. Đến đây thì cô bạn nhỏ hình như đã quên rồi những ngày lễ hội mệt nhọc để nhận thêm một Job nữa, đó là cộng tác viên ở Đài phát thanh do Nhóm Việt Nam thiện nguyện phụ trách, mỗi tuần 3 lần (2,4,7), mỗi lần 1 giờ để phát thanh cho đồng bào mình nghe, có đông thính giả vì đây là một nhu cầu rất cần thiết cho người Việt. Hiện Nhóm đang vận động xin thêm một số giờ trên Đài truyền hình Sắc tộc, đang được đồng bào ủng hộ. Lúc đọc tin này tôi có phần e ngại về vấn đề sức khỏe vì cô ấy đã có quá nhiều công việc như lời cảnh báo của ông xã vài tháng trước. Nhưng đến lá thư nhận vào tháng 7.1990 thì tôi lại rất ngạc nhiên khi BN cho hay đang đi học trở lại, năm thứ nhất ngành Multicultural và Social Worker, thuộc đại học La Trobe University, tiểu bang Victoria. Chương trình học 15 tiếng 1 tuần (lớp chiều và tối), trong thư nghe cô tân sinh viên rên như sấm nhưng đã trải qua 4 Essays, mỗi Essay 2000 chữ và Exam trong lớp cho 3 Units là vừa xong học kỳ 1. Đến thư đề ngày 13.11.1990 cô lại hoan hỉ báo tin: ‘Sorry vì quá bận rộn, BN đã qua các kỳ thi, thế là xong năm thứ nhất. Nghỉ hè nhưng vẫn còn đi làm với hàng ngàn công việc xã hội, tỵ nạn chất chồng đang chờ’. Nghe đến chuyện học hành tôi ủng hộ ngay, vì cách đây 15 năm mình đã từng dang dở chuyện sách đèn ở quê nhà, rồi cho đến ngày được đi định cư ở nước thứ ba, thì Áo không phải là môi trường phù hợp cho những ai muốn thăng tiến trên đường học vấn như ở Mỹ, Canada hay Úc mà BN đang theo đuổi. Dù sao tôi cũng vui khi có phút giây nhớ về khung trời cũ, để mừng và chúc cho cô cựu nữ sinh Trưng Vương ngày nào thừa kiên nhẫn đi đến cuối con đường đã chọn. Trong lá thư cuối năm này, cô còn báo thêm một tin vui nữa về lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập Sở làm Vicseg, được tổ chức vào ngày 1.11 có Minister Education xuống nói chuyện trước 200 người tham dự với phần văn nghệ do BN phụ trách đã thành công tốt đẹp, mọi người ai cũng ngạc nhiên không ngờ văn nghệ Việt Nam hay đến như vậy. Đích thân ông Minister cũng có lời khen tặng BN, còn bà Boss thì khoái chí cho cả bọn đi ăn trưa vào ngày hôm sau.
    Đó là những dòng chữ rất hào hứng của BN để kết thúc một năm tuy mệt nhọc nhưng tràn ngập niềm vui cùng những dự tính cho năm tới. Nhưng chừng hai tháng sau đó, lá thư đề ngày 15.01.1991 quá sức bất ngờ với tin chẳng lành: ‘BN ly thân với ông xã đã 2 tháng nay, chờ 10 tháng nữa mới ra tòa xé hôn thú. BN đã dọn ra apartment ở riêng, vẫn đi làm và tháng 2 sẽ đi học trở lại. Đời sống phải làm lại từ đầu với tư cách của một independent. Chắc anh ngạc nhiên lắm khi mà BN không có hạnh phúc với cuộc hôn nhân này! Sorry vì thư này đến anh quá trễ, cũng như mang chuyện không hay để kể anh nghe. Thôi thì hãy cứ vui như mọi ngày anh Long nhỉ ! Buồn quá, không viết dài được, thông cảm nhé. Luôn chúc anh tìm thấy được niềm vui và nhiều nghị lực trong cuộc sống hiện tại.’ 
   Đây cũng là thư cuối cùng tôi vẫn còn giữ được đến nay đã 26 năm, như là những dòng lưu bút thân tình của Cô Bạn Nhỏ Người Dưng đã dành cho một cựu thuyền nhân tỵ nạn xa nhà, với tấm lòng luôn trân trọng và tri ân.
 

NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, 15.08.2017

Freitag, 11. August 2017

LỤC BÁT MÙA THU

 Ảnh Internet
                    

Gởi Ngày Xưa Trần Thị

Thà như chớ lấy họ Trần
Thì đâu chịu cảnh nhớ gần thương xa
Thà như em nói yêu ta
Thì đâu đến nỗi phong ba kiếp này.

Gịot Lệ

Nhớ người giọt lệ chẳng còn
Nỗi đau tan ngấm trong lòng từ xưa
Trăng sao thắp ngọn nến thừa
Cùng trông để ngỡ ta vừa mất nhau.

Gọi Người

Đêm thu trăn trở gọi người
Khói bay tưởng cụm mây trời phiêu diêu
Lập lòe đốm lửa đăm chiêu
Trăng pha màu lạnh cô liêu thổi vào.

Ngắm Sông

Hai hàng cây đứng hai bờ
Một người đếm lá dật dờ trên sông
Bao nhiêu lá. Bấy nhiêu lòng
Nước trôi vô định. Có không đường về?

NGUYỄN SĨ LONG