Freitag, 26. Januar 2018

KÝ ỨC QUÊ NHÀ

 
Salzburg 1997 

    Thời tiết bắt đầu với cái lạnh buốt giá đang kéo đến, cảnh vật xung quanh đang chìm trong giấc ngủ mùa đông và bên ngoài tuyết vẫn rơi. Khoảng thời gian từ khi chuẩn bị đón xuân, tiếp đó là những ngày cuối năm lần lượt đến để bước sang năm mới cho đến lúc hương vị của Tết đã tàn, rồi  cũng  im lìm trôi qua. Tôi tự hỏi thầm Xuân tại nơi đây có những ý nghiã gì cho riêng cá nhân mình? Thường thì mùa xuân là dấu hiệu cho một năm mới, cho sự vui mừng lẫn háo hức chuẩn bị đón Tết, là một thời điểm cho mọi người có dịp quây quần với gia đình, người thân vui xuân sau những ngày tháng mệt nhọc, bận bịu với công việc hàng ngày. Nhưng tại nơi đây tôi lại đón Tết với một tâm trạng khác. Cũng vì khi tôi rời xa quê hương nhằm vào dịp Tết nên giờ đây cứ mỗi độ xuân về là thời điểm đ đánh dấu cho thấy được chuỗi ngày sống viễn xứ đã theo năm tháng mà kéo dài thêm. Đó cũng là lúc chợt thấy tâm hồn nao nao, những cảm xúc, nhớ thương và kỷ niệm mà lâu nay bị bỏ quên và đã vùi lấp theo thời gian của đời sống hằng ngày đang tràn về là dịp tìm lại kỷ niệm với tuổi thơ trên quê nhà, tìm lại trong ký ức những gương mặt thân quen nay đã xa cách và những ngày tháng vui vẻ cùng với bạn bè dưới mái trường xưa.
    Tôi sinh ra và lớn lên không những chỉ trong tình thương và sự chăm sóc chu đáo của ba mẹ mà còn của ông bà, cô chú hai bên nội ngoại. Đến tuổi đi học được thầy cô yêu mến, bạn bè chung lớp thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Chung quanh tôi đâu cũng là tình thương. Đối với tôi không có gì hạnh phúc bằng được chung sống với những người mình thương trên quê hương cho đến suốt cuộc đời, cho nên khi đã không còn sống ở quê nhà nữa thì bất cứ thứ gì cũng không thể khỏa lấp được sự mất mát to lớn này.
    Nhớ những ngày còn ở Sài gòn, trong nhà lúc nào cũng vang vang tiếng cười nói xôn xao, cũng vì nhà của ông bà ngoại rất đông con cháu. Những lúc náo nhiệt nhất của đại gia đình này là khi mọi người quay quần bên bàn dùng cơm hoặc vào mỗi buổi tối khi ông bà, các cô chú và và mấy anh em có mặt đầy đủ ngồi xúm lại để tán dóc hay đàn ca. Mặc dù còn nhỏ nhưng đã có máu văn nghệ nên mỗi khi mấy chú đàn cho mẹ hát là tôi rất thích thú và say mê lắng nghe. Những buổi họp mặt trò chuyện trong gia đình lúc nào cũng tràn đầy tiếng cười, giờ phút đó sao mà hạnh phúc và ấm cúng quá. Vào những đêm gió mát trăng thanh cũng là lúc để ngắm sao trời. Trong yên tịnh của màn đêm, ngồi trên sân thượng để lắng nghe tiếng lá đu đưa bởi những làn gió vờn nhẹ để cảm nhận được từng luồng gió mát nhè nhẹ lướt nhanh trên gương mặt mái tóc khiến trong người có cảm giác thoải mái và nhẹ nhỏm. Trên cao là vầng trăng sáng ngời cùng hàng ngàn tinh tú lấp lánh cả một vùng trời dường như đang ru thế gian vào giấc ngủ mộng mị. Cũng không sao quên được cái khung cảnh của những cơn mưa hạ ngắn ngủi đầu mùa, vì khí hậu ở Sài Gòn rất ấm áp, quanh năm đều có ánh nắng mặt trời nên những trận mưa nơi đây không dầm dề hay mang đến cái lạnh. Và đẹp nhất là quang cảnh sau cơn mưa, khi đám mây đen từ từ kéo đi để những tia nắng ấm trở lại chiếu rọi khắp nơi. Dường như cơn mưa đã đem lại tươi mát cho cây cỏ, phố phường và có thể xóa hết những tâm sự hay ưu phiền trong lòng người để thay vào đó niềm vui và sức sống mới. Bầu trời sau cơn mưa càng trong xanh hơn, đâu đó tiếng chim hót líu lo trên cành và trên cây cỏ lá hoa vài giọt mưa còn vương vấn đọng lại.
    Tôi còn nhớ rất rõ cái đêm trước ngày ra đi. Bầu không khí trong gia đình hôm đó không giống như thường lệ nữa, tôi đã đọc được sự bịn rịn và buồn rầu trong ánh mắt của những người thân. Hình như tối hôm đó tôi không ngủ, đêm khuya một mình ngồi ngắm trăng lần cuối, nhưng lần này với một cảm giác lưu luyến tiếc nuối khi nghĩ đến mai này, tất cả chỉ còn là những kỷ niệm đẹp của quá khứ. Đêm hôm đó cũng là lần cuối tôi được ngồi vào lòng ông ngoại và đã khóc vì không muốn xa ông bà và tất cả những người tôi thương. Ngoại đã ôm chặt tôi vào lòng và nói: “Con đừng khóc nữa. Có gì đâu mà khóc, qua đó gặp lại ba, gia đình đoàn tụ rồi vài năm con về lại thăm ngoại“. Tôi gật đầu vội lau nước mắt, lời hứa hẹn hai ông cháu tôi ghi rõ vào tâm trí để khi ra đi trong lòng mang theo một niềm tin sẽ có một ngày hội ngộ. Nhưng ông ngoại giờ đã qua đời, ước nguyện một ngày ông cháu gặp lại nhau đã không thành, tôi đã không được gặp mặt ngoại lần cuối và cũng chưa được quỳ trước mộ thắp nén hương cho ngoại. Một sự mất mát to lớn trong tôi mỗi khi nhớ đến hình dáng ông và những kỷ niệm lúc tôi còn sống bên ông để rồi cho tôi thương tiếc đau buồn thêm khi biết được ông đã ra đi vĩnh viễn.
    Mỗi khi nhớ về quê nhà, tôi thường tìm đọc những cuốn sách nói về đồng quê, vì qua các câu chuyện mô tả khung cảnh thôn làng hoặc kể về đời sống, những kỷ niệm đẹp tại những xóm làng tôi có thể tìm hiểu thêm về cuộc sống của bà con nông dân và để hình dung được khung cảnh thôn quê với nhiều nét đẹp của thiên nhiên mà tôi vì sinh ra và lớn lên ở thành phố nên ít được biết đến. Có được những giây phút đó để cảm thấy như mình đang sống lại trên quê nhà.
    Những thành phố mà tôi được biết đến chỉ có Sài Gòn là nơi tôi sinh ra và Huế. Huế là quê nội và cũng là quê ngoại của tôi, hồi nhỏ tôi vẫn thường được ba mẹ dẫn ra Huế thăm gia đình nội. Nhà của ông bà thoáng mát, yên tịnh và cảnh vật chung quanh rất thơ mộng, hai bên là hai bờ hồ được phủ kín mặt nước với những lớp bèo xanh, đây đó vài cụm sen trắng nhụy vàng tỏa hương thơm ngát. Lối đi vào nhà đã được những hàng tre xanh che rợp bóng mát. Vào những buổi sáng tinh sương khi mặt trời còn ẩn nấp sau những rặng cây đã thấy thấp thoáng bóng người trên vai với cây cuốc ra đồng làm việc và xa xa vài chiếc xuồng đang từ từ ẩn hiện sau lớp sương mai. Mặc dù thời tiết có lạnh hơn Sài Gòn nhưng nơi đây không khí rất trong lành vì chung quanh là cây cối, vườn tược và bờ ao, được bao bọc kiên cố bởi những bức tường thành từ mấy thế kỷ trước. Ở đây sau giờ làm việc mệt nhọc người ta vẫn có được những giờ phút thanh tịnh để nghỉ ngơi hoặc trò chuyện. Riêng tôi chỉ cần ngồi bên khung cửa sổ để ngắm phong cảnh thiên nhiên cũng đủ mang đến cho tôi vài giây phút an bình khó quên. Trung, Nam, Bắc mỗi một vùng đều mang những vẻ đẹp khác nhau, nhưng nói đến vẻ đẹp của thành phố Huế thì người ta nhắc đến sông Hương, núi Ngự, chùa Linh Mụ trang nghiêm thanh tịnh, Thành Nội cùng những di tích lịch sử từ thời xa xưa đến nay vẫn còn và  những chiếc áo dài thướt tha với chiếc nón lá bài thơ của các cô gái Huế trên cầu Trường Tiền. Mặc dầu những lần ra Huế rất ngắn ngủi, nhưng thành phố Huế đã cho tôi nhiều ấn tượng đẹp và đã chiếm một vị trí quan trọng trong thâm tâm tôi.
    Mặc dù đất nước Việt Nam còn nghèo khổ, hàng vạn người dân còn sống trong cảnh lầm than, nhưng trên phương diện tình cảm thì người Việt vẫn là những người giàu tình thương, sống đặt nặng về mặt tình người với người. Đó là phẩm chất tốt mà đã mấy ngàn năm qua vẫn còn tồn tại trong mỗi con người chúng ta. Thiêng liêng và bao la nhất mà thường được nhắc đến qua vần thơ khúc hát là tình mẹ thương con của các bà mẹ Việt Nam, mẹ suốt đời chịu cực khổ nuôi con mong sao cho con lớn nên người. Nhớ đến nàng Tô Thị ôm con  hóa đá trên bờ biển cheo leo vì năm tháng đứng đợi chồng về trong Hòn Vọng Phu là một tiêu biểu cho lòng chung thủy của những người phụ nữ Việt Nam. Hoặc tấm lòng yêu nước của các vị anh hùng lịch sử đã xả thân để bảo vệ đất nước. Chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ cho chúng ta hãnh diện là con cháu dân tộc Việt Nam. Giờ đây người Việt chúng ta đang định cư khắp nơi trên thế giới, nhưng dù có sống cách xa quê nhà vạn dặm nhưng tâm hồn những người con tha phương vẫn luôn hướng về quê huơng xứ sở:
Tha hương nhìn nắng phù du
À ơi đứt ruột lời ru mẹ hiền
Chiều chiều nắng đỗ nghiêng nghiêng
Bóng con ngã hướng về miền trời quê.
(Tuệ Nga)
    Và giờ đây tôi đang sống ở một nơi cách xa quê nhà cả nửa địa cầu. Theo thời gian nên nếp sống và cách sinh hoạt hằng ngày tại đây đã trở thành bình thường, những lạ lùng bở ngỡ lúc ban đầu đã trở thành quen thuộc để hội nhập vào đời sống mới. Lớn lên tại một nước phương Tây, hấp thụ những hiểu biết, kiến thức của nền văn hóa tiến bộ, đôi khi cách suy nghĩ hoặc có vài quan niệm cũng đã không nhiều thì ít ảnh hưởng Tây phương. Mặc dù vậy, những chuỗi ngày đã qua đó của đời sống mới vẫn không đủ dài để che lấp hết nỗi nhớ quê hương, để phải quên đi những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hoặc quen lối sống Tây phương mà quên đi mình là người Việt Nam.

CHÂN NHƯ
Salzburg, 02.1998

Freitag, 19. Januar 2018

NGÀY XUÂN ĐỌC THƯ MẸ


Thư mẹ viết mùa đông
Tiền tem chín ngàn đồng
Tờ pelure thật mỏng
Chở nặng tình nhớ mong.

Ngày xuân thư vừa tới
Cầm lá thư bồi hồi
Chuyện lành hay tin dữ
Nén lòng chưa dám coi.

Mẹ không còn trẻ nữa
Mà nét chữ như xưa
Lời văn ôi ngọt mật
Nỗi buồn chen lưa thưa.

Qua rồi những tháng năm
Sông biển nào cách ngăn
Những tờ thư qua lại
Ảnh mẹ treo chỗ nằm.

Tháng ngày còn rất mới
Như thuở con ra đời
Bên chiếc cầu con phố
Rồi lưu lạc khắp nơi.

Mẹ hình hài nhỏ nhắn
Hôm sớm thường chăm lo
Ngày con rời mái ấm
Cả ngàn câu dặn dò.

Chỉ một lần cách trở
Là ngun ngút đôi bờ
Bên nhà mẹ thương nhớ
Bên này con bơ vơ.

Hôm nay nhận được tin
Mơ ánh mắt mẹ hiền
Con nghe hơi mẹ thở
Còn bao nỗi ưu phiền.

Mẹ viết:
    “Ở quê mình vẫn thế
    đời tăm tối u mê
    mẹ vui làm sao được
    chuyện cơm áo đôi bề.

    Các em con mới lớn
    thấy tương lai tủi hờn
    đều nhất định bỏ học
    mặc ba mẹ khuyên lơn.

    Tuổi mẹ đang về chiều
    gian khổ cũng đã nhiều
    nhìn đàn con tan tác
    lòng mẹ càng cô liêu.

    Mẹ buồn không thể khóc
    nước mắt là châu ngọc
    còn chi hai hàng lệ
    theo năm tháng ê chề.

    Mẹ mong con sớm thành
    ý nguyện với chúng sanh
    đừng lo nhiều cho mẹ
    mà quên chuyện hùng anh”.

Ngày xuân đọc thư mẹ
Man mác mối tình quê
Đời con còn có mẹ
Là mùa xuân vẫn về.

NGUYỄN SĨ LONG

Samstag, 6. Januar 2018

LỤC BÁT MÙA XUÂN


Giao Thừa

Cuối năm tuyết đỗ quanh nhà
Vợ chồng con cái cắm hoa dọn bàn
Giao thừa thắp nén trầm nhang
Chúc nhau thêm tủi số phần ly hương.

Xuân Bên Nhà

Đón xuân cha mẹ họ hàng
Anh em bè bạn xóm làng đều thương
Đứa con phiêu bạt tha phương
Ra đi vẫn nhớ vẫn thương quê nhà.

Xuân Bên Này

Bên này xuân chẳng là xuân
Năm giờ thức dậy áo quần, điểm tâm
Lên xe phóng đến sở làm
Lúc trời chưa dậy, xuân nằm ở đâu?

NGUYỄN SĨ LONG
1994