Dienstag, 27. Februar 2018

HÃY CHO ANH


Hãy cho anh lời nói dịu hiền
Hãy cho anh thương nhớ triền miên
Để khi đêm lạnh buồn chăn gối
Anh tưởng là mình vẫn có duyên.

Hãy cho anh một nửa nụ cười
Một bàn tay mỏng lúc chia phôi
Một câu nhắn gởi dù rất nhẹ
Là đủ cho anh say đắm rồi.

Hãy cho anh những giờ còn lại
Rất buồn nhưng vội kẻo tàn phai
Ngày đi sao ngỡ như sương sớm
Tan nỗi âm thầm trong nắng mai.

Hãy viết cho anh một vài lời
Để còn ấp ủ khi đôi nơi
Anh mang theo cả trời thương mến
Nhớ bóng em qua giữa cuộc đời.

NGUYỄN SĨ LONG

Mittwoch, 14. Februar 2018

NGÔN NGỮ MÙA XUÂN



 tặng M.

Mùa xuân nói với nhau thì thầm
Ngôn ngữ đầu năm giữa mênh mang
Chờ ai áo mỏng về trong nắng
Cát bụi hôm nay cũng rộn ràng.

Mùa xuân đùa trên những nụ hoa
Vàng tươi chen lẫn tím hoa cà
Thiên thanh màu lá xanh như ngọc
Bồn chồn len lén bước theo xa.

Mùa xuân hôn lên bàn tay em
Mười ngón đơn sơ da thịt mềm
Có chi trong đó mà sao ấm
Gợn sóng ân tình nghe rất quen.

Mùa xuân vờn những sợi tóc dài
Em vẫn hồn nhiên trong sớm mai
Nụ cười chưa đủ làm xao xuyến
Bằng hai hàng lệ ướt đôi vai.

Mùa xuân về nhuộm mắt em xanh
Bờ môi ôm kín phút an lành
Sao em ngơ ngác thay lời nói
Để nước mắt hồng cứ chảy quanh ?

Mùa xuân đưa em đến nơi đây
Như cánh chim xa trở lại bầy
Bao năm còn đó vòng tay mở
Chào đón em về trong ngất ngây.

Hôn nhé xuân tràn một chút mưa
Đêm nay đón lại lễ Giao thừa
Quỳ trước anh linh dòng Âu Lạc
Thắp nén hương nguyền non nước xưa.

NGUYỄN SĨ LONG
Wien, 21.02.1991  

Sonntag, 11. Februar 2018

BA VẬN ĐỘNG VIÊN TÝ HON


    Vào lúc 22:19 giờ ngày 09.02.2018 (cùng ngày khai mạc Olympic PyeongChang 2018, Nam Hàn) tôi nhận được tin nhắn và một đoạn Video của Chân Như : "Gia đình con cùng anh Vũ & Lan Anh và Robert Tina Timo đến St. Corona am Wechsel. Bắt đầu đi lúc 11:00 giờ, xe anh Nô bị trục trặc kỹ thuật chết máy, gọi Arbö đến. Sau đó để xe cho người ta kéo đi, gia đình con đi ké xe Robert và anh Vũ".
    Trong đoạn Video có ba vận động viên trượt tuyết tí hon nuớc Áo: dẫn đầu Ân Lai 12 tuổi với áo đỏ quần cam, giữa là Timo lên 10 và sau cùng Tina 7 tuổi áo xanh.


Samstag, 10. Februar 2018

TẾT QUÊ NHÀ TẾT QUÊ NGƯỜI*


    Năm nào cũng vậy, vài hôm trước ngày cuối năm âm lịch, gia đình chúng tôi lo sửa soạn đón Tết như lau chùi bàn thờ, mua hoa quả và đồ nấu để chuẩn bị lễ cúng từ biệt năm cũ và đón ông bà về cùng con cháu vui một năm mới vào chiều 29 hoặc 30 Tết. Tuy xa quê hương đã trên 10 năm nhưng lúc nào gia đình cũng duy trì tục lệ này; trước là để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, phong tục tập quán và sau nữa là để cho các con sinh sống ở nơi đất khách quê người còn biết đến những nghi lễ mà ông bà chúng ta đã để lại.
    Tôi không chú trọng mấy đến ngày Tết dương lịch dù rằng có rất nhiều thì giờ để mua sắm và vui chơi. Ngược lại, thường thì những ngày Tết ta lại rơi vào những ngày giữa tuần nên việc ăn Tết” của người Việt ở nước ngoài ít nhiều bị hạn chế vì sáng hôm sau còn phải đi làm. Năm nay ngày 30 Tết lại nhằm vào thứ sáu nên rất thuận lợi, buổi chiều có đủ thì giờ để cúng cuối năm, khuya đón giao thừa rồi xông đất, phải tận hưởng ngày cuối tuần như một ngày Tết ở quê nhà vì hiếm khi được một dịp như thế.
    Nhắc đến chuyện cuối năm và đạp đất tôi lại nhớ cách đây chín năm, khi vợ và hai con tôi vừa sang Áo theo diện đoàn tụ vào năm 1991, tuy gia đình tạm ở trong một căn nhà nhỏ, chỉ đủ chỗ cho một bộ Sofa, hai tủ đựng quần áo và một giường tầng cho hai cháu gái, nhưng vẫn có không gian để tiếp khách và chưng bày lễ vật. Lệ thường vào ngày cuối năm, vợ chồng con cái phụ nhau vào việc nấu nướng, sắp hoa quả và bánh trái lên bàn. Sau khi những món ăn được nấu xong, tôi thay mặt gia đình đứng chủ lễ, với lòng thành kính tưởng nhớ đến Ông Bà, Tổ Tiên, đến những người thân khuất mặt và nguyện một năm mới an lành và hạnh phúc.
    Trong mấy năm ở nơi căn nhà này, tôi được một việc thuận tiện là làm ca chiều cho nên năm nào cũng lo chu đáo hai buổi lễ vào chiều cuối năm và đón giao thừa y như ở quê nhà thuở xưa ba mẹ tôi đã cùng con cháu và ông bà đón những ngày xuân thật đầm ấm khi còn ở nơi chôn nhau cắt rốn, tức là nơi nguyên quán của dòng Họ, sau đó là thành phố Huế. Riêng tôi khi trưởng thành còn có một quê hương nữa là Sài Gòn, nơi mà tôi lập gia đình trước khi vượt biên ra nước ngoài.
     Thuở đó, ba tôi được thừa hưởng di sản của Nội để lại nên có rất nhiều ruộng vườn, chưa kể căn nhà ngói với một khoảng sân rất rộng để ba tôi trồng hoa chụp hình quanh năm và những ngày Tết. Ba tôi là một người thợ chụp hình nhưng rất khéo tay về trồng cây cảnh để làm phông cho nghề nghiệp của ông. Tôi còn nhớ là vào dịp Tết, thời tiết ở phía đông bắc thành phố Huế thường có nắng nhưng hơi lạnh, vậy mà những chậu cúc, thược dược và vạn thọ ba tôi trồng như hẹn ngày cùng nở để đón xuân. Nhà tôi tấp nập bà con thăm viếng, khách đến chụp hình và xem hoa. Cùng thời gian đó ba tôi có làm việc Xã (thời Đệ nhất Cộng hòa gọi là Đại diện Xã) nên bạn bè ba tôi rất nhiều. Ba chụp hình, mẹ tiếp khách chu đáo với những món ăn như dưa món, củ kiệu với bánh tét bánh chưng. Những chậu hoa thỉnh thoảng được xê dịch đây đó theo ý khách và vừa tầm mắt nghệ thuật của người thợ nhiếp ảnh. Những năm đó ba tôi tuổi khoảng ba mươi lăm và tôi lên mười.
    Sau cách mạng tháng 11.1963 làng tôi mất dần an ninh, hai ba năm liền vào những ngày Tết ba tôi phải đi lánh mặt ban đêm vì sợ Việt cộng về hoạt động. Từ đây chính là thời gian đánh dấu những ngày đen tối vì liên tiếp xảy ra những trận đụng độ giữa lính Quốc gia và Cộng sản, ngày bom đạn đêm pháo kích. Nhà cửa, ruộng vườn và người thiệt hại vô kể, mỗi lần Tết đến mang theo nỗi bất an chứ không còn vui và thanh bình như khi xưa. Tháng 6.1965 gia đình chúng tôi trốn lên Huế, một cuộc vượt làng lên phố vào lúc nửa đêm khá mạo hiểm không thua gì những người vượt biển sau năm 1975.
    Tại Huế, qua thời gian khó khăn ban đầu, ba mẹ tôi dồn hết sức lực dựng được một căn nhà mới. Chưa đầy ba tháng sau, hai mươi lăm ngày đêm bom đạn tết Mậu Thân đã thiêu rụi căn nhà và toàn bộ phim ảnh như là tài sản của gia đình. Ba tôi thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, tôi và người em cũng xém bị trúng đạn pháo kích ngay khi vừa rời nơi trú ẩn được vài phút. Tiếng súng Mậu Thân kết thúc, những người không còn chỗ ở phải tạm sống nơi trường học mấy tháng để chờ chính phủ trợ cấp vật liệu xây dựng lại nhà cửa. 


    Những năm sau đó ba tôi bỏ nghề chụp hình nhưng không quên những cành mai. Cũng như ở quê làng, tại thành phố mẹ tôi nhanh nhẹn thích nghi với đời sống mới, mở một tiệm tạp hóa nho nhỏ buôn bán và chăm sóc các con. Những ngày Tết mẹ làm đủ thứ bánh mứt, ba thì sai bảo lau chùi lư hương, đèn đồng và mỗi chiều chiều hai cha con chúng tôi ra phố, ngay chân cầu Trường Tiền gần chợ Đông Ba để xem chợ hoa. Thành phố Huế trong khoảng thời gian này còn thanh bình, không có lính Mỹ hiện diện nên đời sống của người dân vẫn trầm lặng, hiền hòa. Các quán cà phê nhạc đa số là sinh viên, học sinh. Hàng chợ hay trường học đi đâu cũng thấy màu trắng trong những chiếc áo dài, bất kể ngày thường hay ngày Tết.
    Không có gì vui bằng đi xem chợ Tết nếu thích hoa, yêu hoa và ghiền hoa như ba tôi. Ba tôi đi không biết mỏi chân, thong thả ngắm nghía từng cành một như đang tận hưởng một mùa xuân chỉ riêng với hoa, đặc biệt là hoa mai. Tôi thì thích xem hàng quán và người qua lại. Đến tối chợ hoa vẫn đông người, ít ai chịu bỏ về sớm khi chưa chọn được cho mình một cành hoa vừa ý. Tôi còn nhỏ nên không thể hiểu ba tôi chọn một cành mai theo tiêu chuẩn nào. Vậy mà năm nào cũng như nhau, chiều ba mươi cho đến những ngày Tết, hoa nở rất đều và đẹp, ít rụng, có lúc được chín cánh, như báo về một điềm lành và may mắn cho năm mới. Ba tôi có lần đã nói như vậy.  
    Trong mấy ngày Tết, từ lúc còn nhỏ cho đến lúc khôn lớn, anh em chúng tôi vẫn được ba mẹ tặng món quà đầu năm. Đó là những tờ giấy bạc còn mới nguyên, thẳng nếp được để dành từ nhiều tháng trước, chờ dịp Tết để tặng con cái vui chơi mấy ngày xuân.
    Tôi sống ở Huế được chín năm rồi sau đó vào Sài Gòn, những năm sau ngày lập gia đình tôi mới có dịp đón những ngày xuân ở thủ đô. Đường phố, hàng chợ tấp nập người mua sắm, những chiếc xe lam và xích lô máy từ sáng sớm đã nối đuôi nhau về những chợ hoa giao hàng. Đường Nguyễn Huệ trăm hoa đua nở, đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, chợ Bến Thành…hàng ngàn người chen chân. Dưa hấu đầy vựa được bày bán khắp mọi nẻo đường. Từng nhà, dù gia cảnh thế nào đi nữa, ai cũng rộn ràng sửa soạn đón xuân. Chính vì vậy mà cái không khí ngày Tết nếu không muốn nói là một sự chuẩn bị đổi đời thì ít ra cũng là một niềm hy vọng đổi thay tốt lành hơn, may mắn hơn trong năm mới. 


    Hồi đó nhà tôi ở cạnh đường Trương Mình Giảng, một con đường chính nhưng bề ngang lại hẹp nối quận 3, Phú Nhuận và Tân Bình với Sài Gòn. Bình thường đã có lúc kẹt xe, chưa nói đến ngày 29 hoặc 30 Tết có lúc xe hai chiều phải nhích từng bước. Tiếng còi xe, tiếng máy nổ, tiếng người huyên náo cho đến nửa đêm vẫn chưa dứt. Thật là một hoạt cảnh vui nhộn đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân Việt. Nếu không còn được sống nơi quê nhà với gia đình, với bà con xóm giềng và bè bạn, mỗi khi nhắc đến vẫn không cầm được cảm xúc như thật gần gũi với kỷ niệm, nơi mà từng góc phố, từng tên đường nghe như đã thân quen và nhớ về.
    Trong trí nhớ tôi vẫn hình dung được những tập tục ở quê làng có những nét tương đồng với thành thị. Đó là những ngày nhộn nhịp trước Tết khoảng 2 đến 3 tuần, nhà nhà dọn dẹp sơn quét, lư hương đèn đồng được mang ra đánh bóng, chiếu mền được giặt giũ sạch sẽ, mọi đồ đạc trong nhà được xếp lại gọn gàng ngăn nắp từ trong ra ngoài. Nhà nào cũng có hoa quả, bánh mứt, hạt dưa, một nồi bánh chưng, bánh tét nấu từ chiều tối cho đến sáng hôm sau mới xong. Canh chừng nồi bánh suốt đêm, có khi cả nhà ngồi quanh bếp lửa, trẻ nhỏ thì vui đùa, người lớn còn có bao nhiêu công việc khác làm mãi chưa xong. Ngày cuối năm, mọi người trong nhà ai nấy đều phải tắm gội sạch sẽ, thay áo quần mới. Trước giờ giao thừa, gần xa đó đây đã nghe tiếng pháo như hiệu lệnh thôi thúc nhắc nhở mọi người thời gian đang được thu ngắn lại từng giây. Pháo nổ càng dòn, không có pháo lép, xác tan tơi tả là những điềm lành, may mắn bên cạnh những kiêng kỵ cần phải giữ như tránh đừng để bể ly chén và không quét rác trong ba ngày Tết...để tiền tài, của cải và những vận may được giữ lại trong nhà suốt năm.
    Ở miền Nam sau giao thừa, khi tiếng pháo bắt đầu lắng dịu, cả nhà đứng quanh bàn cùng xẻ trái dưa hấu để “đoán trước” vận may trong năm mới trước khi lên Chùa lễ Phật, hái lộc xin xăm cho tới hai ba giờ sáng ngoài đường vẫn còn người đi lại tấp nập.
    Cho đến bây giờ, tuy rằng sống nơi đất khách quê người, thời tiết và sinh hoạt không trùng hợp với quê nhà nhưng tôi lúc nào cũng nghĩ rằng “nhập gia thì tùy tục”, sống nơi nào thì ít nhiều cũng phải theo nơi đó. Đất nào thì có linh khí nấy. Do đó việc đón giao thừa theo giờ giấc nơi mình đang sống cũng phù hợp với sự vận hành mà qua bao năm chúng ta đã hòa nhập trong đó. Với ý nghĩ như thế nên nhà tôi năm nào cũng chuẩn bị một mâm lễ vật để đón giao thừa và tự xông đất nhà mình với niềm tin sẽ mang lại sự may mắn. Làm sao người viễn xứ khỏi chạnh lòng khi quỳ trước bàn hương nơi quê người mà tưởng nhớ đến quê mình. Có năm ngoài trời tuyết rơi đầy đường, đôi khi không cầm được nước mắt khi nghĩ tới quê nhà và những người thân.
    Một chặng đường hơn mười năm xa Sài Gòn, xa cái không khí Tết bên quê nhà quả là một thiệt thòi rất lớn không những chỉ riêng tôi mà vợ con và gia đình cũng đã mất đi những dịp gặp gỡ để hàn huyên tâm sự. Ai mà không mơ được đón một cái Tết nơi quê nhà để tìm lại những ồn ào đáng yêu mà ở nước ngoài chẳng bao giờ có được. Lúc đó chắc chắn là tôi sẽ dành nhiều thì giờ để lên Chùa lễ Phật, thăm viếng để bù lại những ngày Tết ở quê người trong mùa đông tuyết rơi lạnh lẽo, không bà con ruột thịt, không bạn bè tâm đắc, không bầu cua cá cọp và vắng tiếng cười đùa hay rượu chè sát phạt vui xuân.
    Giờ đây, có chăng chỉ là những đêm đông cùng vợ con thắp nén hương lòng đón năm mới trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê về một Mùa Xuân Trên Quê Người.

TỊNH UYÊN
*Trích NS Hoa Sen số 13, Xuân Canh Thìn, tháng 2.2000
  

Samstag, 3. Februar 2018

MƯA XUÂN



Mưa xuân xuống đậu ở cành mai
Hoa buồn nhớ ngọn gió heo may
Trời xuân cây lá hình như ngủ
Thuyền đậu sông chờ bóng trăng mây.

Ta nhớ tóc em cũng xuân này
Xõa xuống ngang vai má hây hây
Tiễn đưa lòng rộn mà không nói
Mắt mãi u buồn nghĩ chi đây?

NGUYỄN SĨ LONG
Huế, Xuân Đinh Tỵ - 27.02.1977

 

CHÚT XUÂN GỞI MẸ

Con khôn lớn mẹ hao gầy mệt mỏi
Ngày con đi mắt mẹ lại quầng thâm
Thương mẹ hiền thao thức những đêm thâu
Chữ Trung Hiếu con quyết lòng báo đáp.

Xin gởi mẹ chút mùa xuân tỵ nạn
Giữa cảnh trời mây núi biển bao quanh
Thật kính cẩn vòng tay con đứng lặng
Đêm Giao thừa ôm nỗi nhớ quê hương.

NGUYỄN SĨ LONG
Palawan, 2.1988