Năm nào cũng vậy, vài hôm trước ngày cuối năm âm
lịch, gia đình chúng tôi lo sửa soạn đón Tết như lau chùi bàn thờ, mua hoa quả
và đồ nấu để chuẩn bị lễ cúng từ biệt năm cũ và đón ông bà về cùng con cháu
vui một năm mới vào chiều 29 hoặc 30 Tết. Tuy xa quê hương đã trên 10 năm
nhưng lúc nào gia đình cũng duy trì tục lệ này; trước là để tưởng nhớ đến ông
bà tổ tiên, phong tục tập quán và sau nữa là để cho các con sinh sống ở nơi đất
khách quê người còn biết đến những nghi lễ mà ông bà chúng ta đã để lại.
Tôi không chú trọng mấy đến ngày Tết dương lịch dù
rằng có rất nhiều thì giờ để mua sắm và vui chơi. Ngược lại, thường thì những
ngày Tết ta lại rơi vào những ngày giữa tuần nên việc “ăn Tết” của
người Việt ở nước ngoài ít nhiều bị hạn chế vì sáng hôm sau còn phải đi làm. Năm nay
ngày 30 Tết lại nhằm vào thứ sáu nên rất thuận lợi, buổi chiều có đủ thì giờ để
cúng cuối năm, khuya đón giao thừa rồi xông đất, phải tận hưởng ngày cuối tuần
như một ngày Tết ở quê nhà vì hiếm khi được một dịp như thế.
Nhắc đến chuyện cuối năm và đạp đất tôi lại nhớ cách
đây chín năm, khi vợ và hai con tôi vừa sang Áo theo diện đoàn tụ vào năm 1991,
tuy gia đình tạm ở trong một căn nhà nhỏ, chỉ đủ chỗ cho một bộ Sofa, hai tủ
đựng quần áo và một giường tầng cho hai cháu gái, nhưng vẫn có không gian để
tiếp khách và chưng bày lễ vật. Lệ thường vào ngày cuối năm, vợ chồng con cái
phụ nhau vào việc nấu nướng, sắp hoa quả và bánh trái lên bàn. Sau khi những
món ăn được nấu xong, tôi thay mặt gia đình đứng chủ lễ, với lòng thành kính
tưởng nhớ đến Ông Bà, Tổ Tiên, đến những người thân khuất mặt và nguyện
một năm mới an lành và hạnh phúc.
Trong mấy năm ở nơi căn nhà này, tôi được một việc
thuận tiện là làm ca chiều cho nên năm nào cũng lo chu đáo hai buổi lễ vào
chiều cuối năm và đón giao thừa y như ở quê nhà thuở xưa ba mẹ
tôi đã cùng con cháu và ông bà đón những ngày xuân thật đầm ấm khi còn ở nơi
chôn nhau cắt rốn, tức là nơi nguyên quán của dòng Họ, sau đó là thành phố Huế.
Riêng tôi khi trưởng thành còn có một quê hương nữa là Sài Gòn, nơi mà tôi lập
gia đình trước khi vượt biên ra nước ngoài.
Thuở đó, ba tôi được
thừa hưởng di sản của Nội để lại nên có rất nhiều ruộng vườn, chưa kể căn nhà
ngói với một khoảng sân rất rộng để ba tôi trồng hoa chụp hình quanh năm và
những ngày Tết. Ba tôi là một người thợ chụp hình nhưng rất khéo tay về trồng
cây cảnh để làm phông cho nghề nghiệp của ông. Tôi còn nhớ là vào dịp Tết, thời
tiết ở phía đông bắc thành phố Huế thường có nắng nhưng hơi lạnh, vậy mà những
chậu cúc, thược dược và vạn thọ ba tôi trồng như hẹn ngày cùng nở để đón xuân.
Nhà tôi tấp nập bà con thăm viếng, khách đến chụp hình và xem hoa. Cùng thời
gian đó ba tôi có làm việc Xã (thời Đệ nhất Cộng hòa gọi là Đại diện Xã) nên
bạn bè ba tôi rất nhiều. Ba chụp hình, mẹ tiếp khách chu đáo với những món ăn
như dưa món, củ kiệu với bánh tét bánh chưng. Những chậu hoa thỉnh thoảng được
xê dịch đây đó theo ý khách và vừa tầm mắt nghệ thuật của người thợ nhiếp ảnh.
Những năm đó ba tôi tuổi khoảng ba mươi lăm và tôi lên mười.
Sau cách mạng tháng
11.1963 làng tôi mất dần an ninh, hai ba năm liền vào những ngày Tết ba tôi
phải đi lánh mặt ban đêm vì sợ Việt cộng về hoạt động. Từ đây chính là thời
gian đánh dấu những ngày đen tối vì liên tiếp xảy ra những trận đụng độ giữa
lính Quốc gia và Cộng sản, ngày bom đạn đêm pháo kích. Nhà cửa, ruộng vườn và
người thiệt hại vô kể, mỗi lần Tết đến mang theo nỗi bất an chứ không còn vui
và thanh bình như khi xưa. Tháng 6.1965 gia đình chúng tôi trốn lên Huế, một
cuộc vượt làng lên phố vào lúc nửa đêm khá mạo hiểm không thua gì những người
vượt biển sau năm 1975.
Tại Huế, qua thời gian
khó khăn ban đầu, ba mẹ tôi dồn hết sức lực dựng được một căn nhà mới. Chưa đầy
ba tháng sau, hai mươi lăm ngày đêm bom đạn tết Mậu Thân đã thiêu rụi căn nhà
và toàn bộ phim ảnh như là tài sản của gia đình. Ba tôi thoát chết trong đường
tơ kẽ tóc, tôi và người em cũng xém bị trúng đạn pháo kích ngay khi vừa rời nơi
trú ẩn được vài phút. Tiếng súng Mậu Thân kết thúc, những người không còn chỗ ở
phải tạm sống nơi trường học mấy tháng để chờ chính phủ trợ cấp vật liệu xây
dựng lại nhà cửa.
Những năm sau đó ba tôi
bỏ nghề chụp hình nhưng không quên những cành mai. Cũng như ở quê làng, tại
thành phố mẹ tôi nhanh nhẹn thích nghi với đời sống mới, mở một tiệm tạp hóa
nho nhỏ buôn bán và chăm sóc các con. Những ngày Tết mẹ làm đủ thứ bánh
mứt, ba thì sai bảo lau chùi lư hương, đèn đồng và mỗi chiều chiều hai
cha con chúng tôi ra phố, ngay chân cầu Trường Tiền gần chợ Đông Ba để xem chợ
hoa. Thành phố Huế trong khoảng thời gian này còn thanh bình, không có lính Mỹ
hiện diện nên đời sống của người dân vẫn trầm lặng, hiền hòa. Các quán cà phê
nhạc đa số là sinh viên, học sinh. Hàng chợ hay trường học đi đâu cũng thấy màu
trắng trong những chiếc áo dài, bất kể ngày thường hay ngày Tết.
Không có gì vui bằng đi
xem chợ Tết nếu thích hoa, yêu hoa và ghiền hoa như ba tôi. Ba tôi đi không
biết mỏi chân, thong thả ngắm nghía từng cành một như đang tận hưởng một mùa
xuân chỉ riêng với hoa, đặc biệt là hoa mai. Tôi thì thích xem hàng quán và
người qua lại. Đến tối chợ hoa vẫn đông người, ít ai chịu bỏ về sớm khi chưa
chọn được cho mình một cành hoa vừa ý. Tôi còn nhỏ nên không thể hiểu ba tôi
chọn một cành mai theo tiêu chuẩn nào. Vậy mà năm nào cũng như nhau, chiều ba
mươi cho đến những ngày Tết, hoa nở rất đều và đẹp, ít rụng, có lúc được chín
cánh, như báo về một điềm lành và may mắn cho năm mới. Ba tôi có lần đã nói như
vậy.
Trong mấy ngày Tết, từ
lúc còn nhỏ cho đến lúc khôn lớn, anh em chúng tôi vẫn được ba mẹ tặng món quà
đầu năm. Đó là những tờ giấy bạc còn mới nguyên, thẳng nếp được để dành từ
nhiều tháng trước, chờ dịp Tết để tặng con cái vui chơi mấy ngày xuân.
Tôi sống ở Huế được chín
năm rồi sau đó vào Sài Gòn, những năm sau ngày lập gia đình tôi mới có dịp đón
những ngày xuân ở thủ đô. Đường phố, hàng chợ tấp nập người mua sắm, những
chiếc xe lam và xích lô máy từ sáng sớm đã nối đuôi nhau về những chợ hoa giao
hàng. Đường Nguyễn Huệ trăm hoa đua nở, đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, chợ Bến
Thành…hàng ngàn người chen chân. Dưa hấu đầy vựa được bày bán khắp mọi nẻo
đường. Từng nhà, dù gia cảnh thế nào đi nữa, ai cũng rộn ràng sửa soạn đón
xuân. Chính vì vậy mà cái không khí ngày Tết nếu không muốn nói là một sự chuẩn
bị đổi đời thì ít ra cũng là một niềm hy vọng đổi thay tốt lành hơn, may mắn
hơn trong năm mới.
Hồi đó nhà tôi ở cạnh
đường Trương Mình Giảng, một con đường chính nhưng bề ngang lại hẹp nối quận 3,
Phú Nhuận và Tân Bình với Sài Gòn. Bình thường đã có lúc kẹt xe, chưa nói đến
ngày 29 hoặc 30 Tết có lúc xe hai chiều phải nhích từng bước. Tiếng còi xe,
tiếng máy nổ, tiếng người huyên náo cho đến nửa đêm vẫn chưa dứt. Thật là một
hoạt cảnh vui nhộn đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân Việt. Nếu không còn
được sống nơi quê nhà với gia đình, với bà con xóm giềng và bè bạn, mỗi khi
nhắc đến vẫn không cầm được cảm xúc như thật gần gũi với kỷ niệm, nơi mà từng
góc phố, từng tên đường nghe như đã thân quen và nhớ về.
Trong trí nhớ tôi vẫn
hình dung được những tập tục ở quê làng có những nét tương đồng với thành thị.
Đó là những ngày nhộn nhịp trước Tết khoảng 2 đến 3 tuần, nhà nhà dọn dẹp sơn
quét, lư hương đèn đồng được mang ra đánh bóng, chiếu mền được giặt giũ sạch
sẽ, mọi đồ đạc trong nhà được xếp lại gọn gàng ngăn nắp từ trong ra ngoài. Nhà
nào cũng có hoa quả, bánh mứt, hạt dưa, một nồi bánh chưng, bánh tét nấu từ
chiều tối cho đến sáng hôm sau mới xong. Canh chừng nồi bánh suốt đêm, có khi
cả nhà ngồi quanh bếp lửa, trẻ nhỏ thì vui đùa, người lớn còn có bao nhiêu công
việc khác làm mãi chưa xong. Ngày cuối năm, mọi người trong nhà ai nấy đều phải
tắm gội sạch sẽ, thay áo quần mới. Trước giờ giao thừa, gần xa đó đây đã nghe
tiếng pháo như hiệu lệnh thôi thúc nhắc nhở mọi người thời gian đang được thu
ngắn lại từng giây. Pháo nổ càng dòn, không có pháo lép, xác tan tơi tả là
những điềm lành, may mắn bên cạnh những kiêng kỵ cần phải giữ như tránh đừng để
bể ly chén và không quét rác trong ba ngày Tết...để tiền tài, của cải và những
vận may được giữ lại trong nhà suốt năm.
Ở miền Nam sau giao
thừa, khi tiếng pháo bắt đầu lắng dịu, cả nhà đứng quanh bàn cùng xẻ trái dưa
hấu để “đoán trước” vận may trong năm mới trước khi lên Chùa lễ Phật, hái lộc
xin xăm cho tới hai ba giờ sáng ngoài đường vẫn còn người đi lại tấp nập.
Cho đến bây giờ, tuy
rằng sống nơi đất khách quê người, thời tiết và sinh hoạt không trùng hợp với
quê nhà nhưng tôi lúc nào cũng nghĩ rằng “nhập gia thì tùy tục”, sống nơi nào
thì ít nhiều cũng phải theo nơi đó. Đất nào thì có linh khí nấy. Do đó việc đón
giao thừa theo giờ giấc nơi mình đang sống cũng phù hợp với sự vận hành mà qua
bao năm chúng ta đã hòa nhập trong đó. Với ý nghĩ như thế nên nhà tôi năm nào
cũng chuẩn bị một mâm lễ vật để đón giao thừa và tự xông đất nhà mình với niềm
tin sẽ mang lại sự may mắn. Làm sao người viễn xứ khỏi chạnh lòng khi quỳ trước
bàn hương nơi quê người mà tưởng nhớ đến quê mình. Có năm ngoài trời tuyết rơi
đầy đường, đôi khi không cầm được nước mắt khi nghĩ tới quê nhà và những người
thân.
Một chặng đường hơn mười
năm xa Sài Gòn, xa cái không khí Tết bên quê nhà quả là một thiệt thòi rất lớn
không những chỉ riêng tôi mà vợ con và gia đình cũng đã mất đi những dịp gặp gỡ
để hàn huyên tâm sự. Ai mà không mơ được đón một cái Tết nơi quê nhà để tìm lại
những ồn ào đáng yêu mà ở nước ngoài chẳng bao giờ có được. Lúc đó chắc chắn là
tôi sẽ dành nhiều thì giờ để lên Chùa lễ Phật, thăm viếng để bù lại những ngày Tết
ở quê người trong mùa đông tuyết rơi lạnh lẽo, không bà con ruột thịt, không
bạn bè tâm đắc, không bầu cua cá cọp và vắng tiếng cười đùa hay rượu chè sát
phạt vui xuân.
Giờ đây, có chăng chỉ là
những đêm đông cùng vợ con thắp nén hương lòng đón năm mới trong nỗi nhớ nhà,
nhớ quê về một Mùa Xuân Trên Quê Người.
TỊNH UYÊN
*Trích NS Hoa Sen số 13,
Xuân Canh Thìn, tháng 2.2000
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen