Montag, 27. Mai 2019

HUẾ XƯA


Huế xưa,
tôi đến lúc vừa tuổi 13
đã biết thương chút chút cô bé tóc bỏ đuôi gà
trong lớp học
em thường mặc chiếc jupe màu mạ non
lúc tan trường tôi đứng nhìn em về
dưới hàng cây trứng cá


Huế xưa,
(vài năm sau)
tôi có chiếc xe Honda C50
chở em đi đi về về mọi ngã
qua các cửa thành Chánh Tây, Cửa Hữu, Gia
Đồ, Cửa Ngăn, Thượng Tứ, Đông Ba, An Hòa
trong Thành Nội
tôi đưa em qua những con đường
phượng vĩ và nhãn lồng
có ao cá
có hồ sen nở rực lúc hừng đông
như thành phố được thắp muôn ngàn ngọn nến
tôi còn đưa em đi chơi hồ Tịnh Tâm
ngắm cá lia thia bơi mệt rồi nằm
và ăn cắp gương sen dấu vội trong túi áo
tôi còn dìu em vào cổng thành Đại Nội
leo mấy chục bậc thang lên cửa Ngọ Môn
ngắm Quốc Kỳ bay cao trong gió
ngồi hóng mát những lúc sang hè
nhìn những hàng cây lắc nhẹ
bên trời hoa sứ nở
và thích nhất
là ngắm những cặp tình nhân
ngồi kín đáo dưới những bức thành rêu phủ
hay bên những gốc cây, bờ hồ, tảng đá
(họ hôn nhau mùi mẫn và dễ thương chi lạ!)

 

Huế xưa,
tôi đưa em ra ngoài thành qua cửa Đông Ba
rẽ trái là đường Đào Duy Từ
có nhiều tiệm nem tré chả lụa
em qua cầu Đông Ba lót ván gập ghềnh để
ghé quán chè Thân, hay đến trường Nguyễn 
Du thăm vài người bạn; đôi lúc em muốn
dừng trên cầu, nhìn xuống Bến Tượng để
xem những con đò nằm sát bên nhau thân mật
rẽ phải là đường Phan Bội Châu
phía bên ni có tiệm mì Châu Anh,
tiệm cháo lòng Vĩnh Phú,
tiệm bò tái Đồng Xuân Lâu
phía bên tê là tiệm mè xững Song Hỷ
nổi tiếng khắp hoàn cầu
(em hảo ngọt tha hồ mà mang vào lớp học)


Huế xưa,
đứng ở Ngã Giữa
là có thể gặp đông đủ
bạn bè, tôn nữ dạo phố ban chiều
người xuôi về Bãi Dâu, Bao Vinh
kẻ ngược lên Nam Giao, Kim Long
thành phố thanh bình
các cô ai nấy hai má đều hồng
tay duyên dáng e ấp vành nón lá
nhìn qua bên nớ
chợ Đông Ba người quen kẻ lạ
bước nhẹ nhàng trong chiếc áo dài xinh
các cậu học trò - mắt sáng như tinh
ngắm và ‘nghễ’
người qua lại Huế xưa, thương dễ sợ !


Huế xưa,
tôi cùng em qua cầu Gia Hội
thẳng xuống Chi Lăng
ở bên nớ có quán bún bò O Rớt
ngon tản thần thường húp hết nước trong tô
ngó xéo rạp chiếu bóng Lido
có quán thịt gà xé phay (quên tên)
(nay còn nhớ mang máng một dĩa ba mươi đồng)


Huế xưa,
tôi cùng em ngược đường lên phố cũ
đi qua Trần Hưng Đạo có tiệm Cỏ May
đứng bên hàng mỹ phẩm của chị
                                         Tôn Nữ Hoàng Mai
Em cứ chọn (mà không mất tiền)
một thỏi son màu đỏ nhạt
cho môi thêm hồng và nụ cười thơm ngát
“anh sẽ cùng em trên đường về khao khát
những nụ hôn như trong đại nội hôm rồi…’’
ngó qua bên tê
người ta ngồi chen nhau trong quán Lạc Sơn
mùi cà phê bay sang tận bên ni đường phố
muốn qua ngay mà chắc chi còn chỗ
(làm răng mà bỏ đi cho được, em hỉ ?)


Huế và tôi,
hình như có rất nhiều duyên nợ
chỉ riêng em cũng đủ ‘tắt thở’ đây rồi
chiều lại chiều chở em tận xa xôi
qua cầu Vạn Xuân viếng thăm chùa Thiên Mụ
đứng bên nhau đôi lòng khấn nhủ
xin ơn trên tác hợp vợ chồng
nhìn qua sông Hương lững lờ yên ngủ
Long Thọ im lìm trong khói biếc vờn quanh
tôi lặng nhìn
trong đôi mắt em xanh
có hình ảnh những nhành tre
lung linh theo sóng nước


Huế xưa,
tôi cùng em nhịp bước
đi bộ qua cầu Trường Tiền
em thường mặc chiếc áo dài màu trắng
có thêu tên hai đứa chúng mình
tay em không rời chiếc nón bài thơ
ở trong cặp
kẹo nougat và ô mai nhiều hơn sách vở
em nhìn xa xa cây cầu Bạch Hổ
đang soi mình trên sóng nước Hương Giang
tôi nhìn em
mái tóc xõa dịu dàng
đôi guốc mộc
ôm thân người vai hạc
em thích đếm những chiếc đò
đậu bến thẳng hàng
và những chiếc bơi qua Thương Bạc
lỏng tay chèo trước Phu Văn Lâu
trôi chầm chậm men sông về Vỹ Dạ
dòng nước trong xanh lặng lẽ qua cầu
rất êm ả như bàn tay người kỹ nữ


Huế xưa,
tôi đưa em dạo qua Lê Lợi
con đường đẹp nhất thành phố
có đại học Văn khoa thiếu nữ áo hoa dài
và trường Khoa học
những chàng trai thường tụm năm tụm bảy
bên giảng đường Karaté vui như ngày hội
có trung tâm Liễu Quán gần thư viện
có những hàng cây xanh lá công viên
chân em đi bước nhỏ như nai hiền
qua hai cổng trường Quốc Học và Đồng Khánh
lũ học trò mái tóc thề óng ánh
áo trắng về kín những đường hoa
đây, đại học Luật khoa
mới hôm nào qua một mùa thi
những hàng tên được khắc trên cây đa trầm mặc
tôi thương quá
giảng đường Phan Văn Thiết thân mật
nằm im lìm dưới tàng lá xanh tươi
dây thân ái như một đời
cột chặt tình bạn hữu


Huế xưa,
vào những ngày lễ lớn
tôi đưa em qua Dòng Chúa Cứu Thế, Phú Cam
hay đi lễ chùa Diệu Đế, Từ Đàm
rồi ngược dốc Nam Giao lên chùa Từ Hiếu
ngồi dưới hàng thông vi vút sáo chiều
nghe tiếng chuông ngân và chim hót
em hát tôi nghe bài ca tuổi ngọc
âm thanh nồng như hai má em thơm
tôi còn đưa em đi thăm
đền đài lăng tẩm
của các vua chúa triều Nguyễn ngày xưa
và lên đứng trên đồi Vọng Cảnh
những ngày nắng cũng như mưa
dưới dãy Trường Sơn kiêu hãnh
để thấy dòng sông Hương
muôn đời trầm lặng

  

Huế xưa,
mỗi ngày thêm chất đắng
chiến tranh về rung chuyển nhịp đò đưa
bên nớ bên ni
tay vẫy dần thưa
em ở lại nhạt nhòa đời son trẻ
nhịp cầu qua sông gãy đôi tình thơ bé
mùa hè sang lửa đỏ phủ kinh hoàng
bồng bế nhau đi rời phố xuôi Nam
vẫn không khỏi trời tháng tư ác nghiệt
giã từ em
mùi trinh nguyên tinh khiết
những ngón tay đan cứng nghẹn lời
ngày tôi đi thương nhớ quá đôi môi
và ánh mắt như ngàn sao theo đuổi
làn tóc em
làm sao tôi quên nỗi
trôi dịu hiền
như sóng nước Huơng Giang

Từ đây chẳng thấy xuân sang
trăm năm đứng ngóng thu vàng lá buông
bao giờ tôn nữ còn buồn
thơ còn chảy giữa dòng Hương ngậm ngùi !

NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, tháng 9.1990

Freitag, 3. Mai 2019

BA NGÀY Ở WARSAW


    Chúng tôi trở lại Wien vào tuần cuối tháng để tham dự một chuyến đi có sự góp mặt của 6 gia đình sống rải rác ở ba thành phố nước Áo. Từ miền viễn tây Salzburg đến Linz và Wien gồm hai mươi người lớn nhỏ được chia làm hai nhóm nhưng cùng bay một ngày, chỉ cách nhau sáu tiếng đồng hồ từ Wien đến thủ đô Warsaw, Cộng Hòa Ba Lan vào ngày 19.04 nằm trong tuần lễ Phục Sinh 2019.
    Điều đáng nói là mấy chục năm nay chưa có chuyến đi nào ‘nhẹ nhàng, dễ chịu và thoải mái’ như chuyến bay này vì mỗi người không có hành lý ký gởi, chỉ một xách tay không quá 8 kg, nên chẳng mất nhiều thời gian để mua sắm hay sửa soạn rườm rà như những lần về quê chẳng hạn. Khỏe hơn nữa thời gian bay chỉ đúng 60 phút là đã đến Warsaw cho nên khi chúng tôi xuống phi trường Warsaw Chopin Airport lúc 20:45 giờ, mất nửa tiếng để về thành phố nhưng vẫn còn thời gian thả bộ ra phố dùng bữa tối ở tiệm To Pho To (đọc là Tô Phở To) có đầu bếp Việt nằm trên đường Widok, chỉ cách đường Bracka, nơi chúng tôi ở chừng ba trăm mét.
    Trong lúc chúng tôi chờ nhà bếp phục vụ cho 11 người khách thuộc nhóm 2 đến từ Áo, thì nhóm 1 gồm ba gia đình có 9 người đến trước vừa dùng bữa ở tiệm Oh! My Pho nằm trên đường Wilzca là vợ chồng Vàng Dung đến từ thành phố Linz, Huy Thúy An (3 người), cùng Vũ Lan Anh (4) đã nhận phòng giúp và xếp đặt hành lý cho nhóm 2 vừa tới. Gia đình Hiển Trọng (3) và cô bạn Cúc cũng ở tầng trệt, còn gia đình chúng tôi gồm 7 người nhận hai phòng ở lầu 1. Tất cả vừa đủ cho 5 phòng và không ai bảo ai, cung điện của Vàng Dung và Huy Thúy An là bộ chỉ huy trong ba ngày đóng quân ở trung tâm thành phố. Đây là một dãy nhà ba tầng lầu thuộc dạng chung cư được thiết kế cho hộ gia đình nên khá tiện nghi với Wifi, TV, tủ lạnh, máy lạnh, nước nóng, coffee capsule, bình nấu nước nóng và đặc biệt phòng bếp hiện đại, đầy đủ các vật dụng cho việc nấu nướng rất hợp với người Việt chúng ta mỗi khi đi đâu cũng không quên mang theo cả quê hương…ẩm thực.
    Chúng tôi rời tiệm Tô Phở To về nhà lúc 23:30 giờ, vào thăm bộ chỉ huy để bàn chương trình ngày mai, chuyện trò và giải khát cùng anh em đến chừng 12 giờ lên phòng. Vậy là đã trôi qua mấy tiếng đồng hồ ở một thành phố không xa lạ về tên gọi, với danh lam thắng cảnh được đánh giá là có nhiều kỳ tích này, thì hôm nay chỉ mới là những bước chuẩn bị cho ba ngày ở thủ đô Warsaw, bắt đầu 8 giờ sáng ngày mai. 

Thứ bảy, 20.04:



    Như đã hẹn từ tối hôm qua, G20 người trước kẻ sau có mặt ở tiệm Mikkeller lúc 8 giờ để dùng điểm tâm trước khi bắt đầu một ngày ‘cuốc bộ’ mà điểm xuất phát là phía sau lưng chung cư, đi ngang qua tiệm Mikkeller chừng hơn 100 m nữa là du khách đã đặt chân lên con đường rộng thênh thang, thoáng mát sạch sẽ được gọi là con đường hoàng gia (Royal Route). Thật ra đây chỉ là một tên gọi để dễ hình dung khi tất cả các địa danh ở Warsaw đều nằm quanh trong địa phận của Royal Route trước đây, bây giờ đã đổi tên là con phố  Nowy Swiat được ‘trang điểm’ khá  đẹp và thơ mộng với chiều dài hàng trăm chậu hoa lớn nhỏ đủ màu sắc rực rỡ được đặt ngay ngắn hai bên lề đường.

    Khoảng 10 giờ đoàn chúng tôi dừng chân ở ngã ba Foksal – Nowy Swiat với tầm mắt hướng về Old Town  chừng  2 km. Bây giờ tôi mới để ý trong nhóm 20 người thì chỉ bảy ông mà sao lại có đến tám bà, vậy còn một ông nữa đi mô ? Trong năm đứa trẻ thì hai trai cùng 12 tuổi chơi với nhau là Jerry và Ân Lai. Còn ba cô bé 5 đến 8 tuổi thì Khánh Vy là em Khánh My (con của Vũ Lan Anh) và Emily (con của Hiển Trọng) vừa gặp nhau tối hôm qua cho đến sáng hôm nay, nhưng rất thân thiết đi đâu cũng nắm tay nhau không rời.


    Lúc này nắng đã lên nhưng vẫn còn hơi sương trong làn gió lành lạnh, mọi người thong thả dạo qua nhiều trung tâm mua sắm, quán cà phê, nhà hàng, trong đó có Mama Pho, Cape Diem, Starbucks…Chỉ riêng các trường Đại học và Viện Bảo tàng Warsaw đã chiếm một vùng đất rộng lớn dọc theo con phố Krakowskies Przedmiescie, nơi có nhiều di tích văn hóa lịch sử của đất nước Ba Lan qua các pho tượng vĩ nhân hay các nhà thờ. Nhưng trước hết hãy ngắm bức tượng của nhà thiên văn Nicolaus Copernicus. Vào thế kỷ 16, ông đã đưa ra giả thuyết trái đất quay quanh mặt trời, chứ không phải mặt trời quanh quay trái đất. Giả thuyết này đã đi ngược lại niềm tin tôn giáo vào thời đó, nhưng đã mở ra một kỷ nguyên mới cho những khám phá sau này.


    G20 chụp nhiều ảnh với bức tượng Copernicus, sau đó là nhà thờ Holy Cross Church, nơi cất giữ trái tim và cũng là nơi ở của nhạc sĩ Chopin. Ngoài ra còn hai ngôi nhà được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 18 là The Church of the Viditandis, dành cho các vị nữ tu và nhà thờ The Church of Carmelites. Từ đây đã đến đoạn đường cuối khi đi qua Dinh Tổng Thống rồi sau đó là pho tượng Adam Mickiewicz, một đại thi hào của Ba Lan vào thế kỷ 19 trước khi đến Phố cổ khoảng 11 giờ. 


    Từ một bức ảnh được chụp từ xa, Phố cổ như một bức tranh vẽ với nhiều màu sắc hài hòa, lòng tôi rộn niềm vui như đang chia sẻ hạnh phúc với một thành phố, với một dân tộc sau bao năm chiến tranh tàn phá, người dân Ba Lan đã xây dựng lại bằng sự kiên nhẫn và tinh thần phục hưng đất nước. Bởi vậy, nếu đứng ở Phố cổ mà ngắm sự tráng lệ của cung điện và lầu đài thì mấy ai ngờ trong thế chiến thứ hai, thành phố Warsaw gần như bình địa, không một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn kể cả các dinh thự và lâu đài Hoàng Gia ngay nơi chúng tôi đang đứng là cung điện xưa kia thuộc các triều đại vua chúa lâu đời của Ba Lan. Do đó, để phục hồi Warsaw trong hoang tàn đổ nát, các nhà xây dựng đã phải nhờ vào và dựa trên các bản vẽ, các bức tranh vẽ về di tích văn hóa cổ xưa để sau hơn nửa thế kỷ dựng xây, ngày nay trung tâm Warsaw dường như đã lấy lại những gì đã mất, y hệt với nguyên bản trước thế chiến thứ hai.


    11:30 giờ chúng tôi đi qua quảng trường và Lâu đài Hoàng Gia, hai công trình được xem là biểu tượng của Warsaw, rồi nhắm hướng nhà thờ St. John trên đường Kanonia, con đường tuy nhỏ nhưng số người dừng lại rất đông khi một ban nhạc đang hát trước nhà thờ. Chúng tôi lại tiếp tục đi và nơi đến là Old Town Market Place, là khu chợ rất thu hút du khách được bao quanh bởi các căn nhà cổ kính và đủ màu sắc tuyệt đẹp, cũng là nơi tập trung buôn bán sầm uất, nhiều quán cà phê, cửa hàng, nhà hàng, phòng trưng bày, cửa hàng lưu niệm và tranh ảnh.


    Đã hơn một giờ loanh quanh nhiều ngõ ngách của Phố cổ, hai cô bé nhỏ tuổi nhất bắt đầu nhõng nhẽo, vậy là bố mẹ thỉnh thoảng phải thay nhau cõng và bế bồng. Rồi cũng đến bức tường thành có tên gọi là Barbican, bề dày của tường 14 m và bề cao 15m, có nơi bị tàn phá trong chiến tranh nhưng Barbican cũng đã được xây dựng lại gần như hoàn toàn. Nếu Barbican là để bảo vệ Phố cổ thì Đài Tưởng Niệm Khởi Nghĩa là điểm đến tiếp theo, nhằm vinh danh và tưởng nhớ những chiến sĩ đã bỏ mình trong cuộc khởi nghĩa năm 1944 hay còn gọi là Khởi Nghĩa Warsaw. Sân tượng đài khá rộng và G20 đã dành vài giây phút ‘tạo dáng' để có vài kiểu hình đẹp làm kỷ niệm. 


    13:00 giờ chúng tôi đã tìm ra nơi nghỉ chân và đó là  Restaurant Mekong trên đường Dluga, chủ người Việt. Nhà hàng có khung cảnh thoáng mát hướng ra con đường rộng và nhiều cây xanh. Chẳng có nhà hàng nào mà không vui khi một lúc phục vụ cho hai mươi người khách. Chúng tôi được tiếp đãi rất tử tế và không phải chờ lâu. Sau khi rời nhà hàng Mekong lúc 14:30 giờ, đoàn được hai hướng dẫn viên Nô và Vũ lên chương trình tiếp theo là ghé qua cà phê Starbucks để một số người mua coffeetogo nhâm nhi trên đường đến Trung tâm Mua sắm Zlote Tarasy, cạnh Cung Văn hóa & Khoa học và cũng gần nhà, nhưng tất cả Shop đều đóng cửa ngoại trừ một vài quán ăn và cà phê ở bên ngoài. Quý bà quý cô ai cũng tiếc nuối vì đã bỏ qua một dịp hiếm có khi hai ngày tới vẫn còn lễ Phục Sinh.


    Ngày đầu tiên hai mươi thành viên lớn nhỏ đều đi bộ nhưng chưa thấy ai mệt, mọi người vui vẻ cười đùa suốt chặng đường về nhà lúc 16:20 giờ.

Chủ nhật, 21.04:

  Tượng đài nhạc sĩ Chopin
  
    Buổi sáng anh Nô có hẹn với chú Dự, một người quen hưu trí tuổi ngoài bảy mươi hiện sống ở Warsaw đến thăm ‘đoàn hành hương Áo quốc’ nên chúng tôi từ 8:30 giờ đã có mặt đông đủ trước nhà gần tiệm Costa Coffee. Lúc chú Dự đến, mọi người vào quán cà phê dùng điểm tâm rồi đi thăm công viên Lazienki. Trời nắng ấm như hôm qua, trong công viên đã có khách vào tham quan nhưng chưa đông lắm. Vì vào cổng phụ nên điểm đầu tiên chúng tôi đến là ngồi nghỉ chân trên những hàng ghế như trong rạp hát để ngắm bức tượng nhạc sĩ Frédéric Chopin quay mặt ra hồ nước rộng. Nhìn toàn cảnh thì đây là một sân khấu ngoài trời, nên vào mỗi chủ nhật từ tháng 5 đến tháng 9 đều có hai xuất trình diễn độc tấu nhạc Chopin cho du khách viếng thăm thưởng thức.
    Chopin là nhạc sĩ thiên tài sinh năm 1810 tại Ba Lan, có cha là nhạc sĩ gốc Pháp, mẹ là người Ba Lan. Tài năng của Chopin phát triển rất sớm nên được so sánh với thần đồng âm nhạc Mozart của Áo. Năm 1831 ông sang Pháp dạy đàn, chơi Piano và soạn nhạc. Do sức khỏe của ông không được tốt nên đã qua đời vì bệnh lao phổi vào năm 1849 tại Paris, thọ 39 tuổi. Theo nguyện vọng của ông trước khi mất, nên trái tim của nhạc sĩ Chopin đã được bí mật đưa về Ba Lan năm 1939 và hiện đang được đặt tại nhà thờ Holy Cross, Warsaw.


    Công viên Lazienki rất rộng lớn nên hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi chỉ mới đi qua một số tượng đài, dinh thự và Cung điện Mùa 'Palace On The Water', là nơi dành cho vua thưởng ngoạn, tuy không đồ sộ nhưng có nét thơ mộng và cũng là một trong những thắng cảnh của thủ đô Warsaw.


    Rời công viên Lazienki chúng tôi đón xe buýt đến dùng bữa trưa ở tiệm phở Mai Hiên nằm trên đường Bakalarska, cách khu trung tâm chừng 7 km. Sau đó ghé qua tiệm Châu Á Huệ Phiên phía bên kia đường trước khi trở về nhà khoảng 16:30 giờ chiều. Trời bắt đầu mưa lất phất từ trạm xe buýt về nhà ngang qua các dãy phố đóng cửa, ngoại trừ một vài quán ăn và cà phê vẫn còn khách. Tuy vậy, sau khi về nhà tôi và Huy vẫn mua được một vài chai bia để tiễn chân nhóm 1 sáng mai vào khoảng 9 giờ chia tay.
    Biết vậy nên hai nhóm đã có mặt ở ‘bộ chỉ huy’ chuyện trò và cũng chưa nghĩ tới chuyện sẽ đi ăn tối ở đâu? Anh Nô ôm cây đàn chờ đã lâu nhưng chưa tìm được ca sĩ, may quá có chú bé Jerry mở màn, sau đó là Alain. Từ đây mọi người lớn nhỏ như được truyền cảm hứng, và sau những lời kêu gọi rất nhiệt tình của quý ông nên tất cả mọi người đều tham gia chương trình ca nhạc không chuẩn bị trước nhưng rất vui qua tiếng đàn của anh Nô và điều hết sức bất ngờ là được nghe nhiều giọng ca hay của các cô trên ba miền nước Áo. Nhưng đặc biệt hơn cả khi cô bé 5 tuổi Emily hát bài Duyên Phận thì căn phòng ai cũng nín thở để nghe, mọi ánh mắt hướng về khuôn mặt dễ thương, tiếng ca rất nhẹ nhàng êm dịu và phát âm tiếng Việt rất chuẩn.


    Show ca nhạc ở Warsaw phải chấm dứt để dẫn các cháu đi ăn tối. Anh Vũ dẫn phái đoàn đến tiệm Tây không xa lắm nhưng đã đóng cửa. Lúc đó khoảng 20:15 giờ, vì sợ các nhà hàng khác cũng đồng loạt nghỉ sớm nên đoàn chia làm ba nhóm: Nhóm theo anh Vũ đến tiệm Pizza, nhóm theo anh Nô & Như đến tiệm Tô Phở To mở cửa 24/24 giờ. Còn lại tám người, Kiều Nam làm thủ lãnh đến tiệm Bulldog Pub, là tiệm ăn Tây gần nhà nhất nhưng phải chờ lâu nhất, đúng một tiếng đồng hồ mới có thức ăn vì nhà hàng quá đông khách, chúng tôi tạm ngồi ở quày rượu để chờ bàn trống. Nhóm cuối cùng về đến nhà sau 22 giờ. Dù vậy, vẫn còn thời gian để nói lời chia tay nhóm 1 sáng mai ngủ dậy sớm để lên đường.

Thứ hai, 22.04:



    Nhóm 2 bay lúc 17:20 giờ nên gần như có một ngày ở Warsaw. Chúng tôi thu dọn hành lý và trả phòng rồi mang xuống tầng trệt gởi chủ nhà, hẹn 15 giờ sẽ trở lại nhận rồi chào tạm biệt Warsaw.
    Sau khi dùng điểm tâm ở McDonald’s gần nhà, nhóm 11 người đi sang Cung Văn hóa và Khoa học nhưng không hy vọng tòa tháp mở cửa vì thứ hai vẫn đang là ngày lễ. Không ngờ vẫn có nhân viên làm việc, khách đi theo nhóm được giảm giá nên chỉ trả 15 Zloty/người. Chẳng đợi lâu, lúc 11:30 giờ chúng tôi đã đứng ở tầng thứ 30 trên tòa tháp cao 230 mét với 42 tầng, 3.000 phòng, nhìn xuống toàn cảnh thành phố Warsaw. Tòa tháp hoàn thành năm 1955, được xem là ‘món quà tặng về tình hữu nghị của nhân dân Sô Viết’. 


    Khác với Praha và Budapest có sông chảy ngang chia đôi thành phố, thì Warsaw là thủ đô và là thành phố lớn nhất Ba Lan có gần 1,8 triệu dân, tuy tọa lạc bên sông Vistula nhưng không gần Phố cổ, vì vậy cũng bất tiện cho những chuyến viếng thăm Warsaw ngắn ngày như chúng tôi lần này.   
    Rời tòa tháp chúng tôi đi bộ dọc theo đường Poznanska, một con đường dài vắng xe vào ngày lễ để đến trung tâm ẩm thực Hala Koszyki ở địa chỉ Koszykowa 63. Đây là khu nhà hàng đủ mọi quốc tịch, từ các món ăn Ba Lan và Âu châu nói chung, còn có các nhà hàng Ấn Độ, Nhật Bản và Thái Lan. Chúng tôi đã chọn thực đơn Thái cho bữa trưa cuối ở Warsaw vì chỉ còn hai tiếng nữa ra phi trường.
    Nhà hàng Tây và Việt ở Warsaw không nhận thanh toán hóa đơn bằng Dollar hay Euro, họ chỉ nhận tiền Zloty Ba Lan (PLN) hoặc trả thẻ. Do đó trong nhóm mỗi gia đình đều có đổi tiền Ba Lan là Zloty chỉ vừa đủ trong ba ngày. Tỷ giá 1 Euro giao động từ 3,8 đến 4,2 PLN, tính trung bình 1 Euro bằng 4 PLN. Nhà hàng Thái ở Hala Koszyki 1 dĩa Pad Thái 30 PLN (7,50 €) trong lúc ở tiệm Tô Phở To: Phở bò tái 17 PLN, Miến xào thập cẩm 19 PLN, Phở xào & Miến xào đậu phụ 15 PLN, Phở xào bò 18 PLN…trung bình phở, miến từ 4 – 5 Euro, so với ở Áo thì rẻ một nửa. Ở tiệm Tây Bulldog Pub thì Bulldog Steak 67 PLN, Filet poledwicy 65 PLN, Burger 25 – 35 PLN, Cheeseburger 27 PLN. Cappy & Fanta 7 PLN…
    Rời Hala Kosziky về nhà chúng tôi vừa đủ thời gian sửa soạn lấy hành lý. Ngồi trên xe buýt tôi chợt nhớ những lần ra phố, đi xe buýt, ở tiệm ăn hoặc ngồi quán cà phê...tôi có nhiều thiện cảm với người Ba Lan khi họ tiếp khách rất lịch sự, các cô gái Ba Lan xinh đẹp và trông rất hiền lành. Ở đâu tôi cũng thấy họ vui vẻ nên thật sự đã gây ấn tượng tốt cho chúng tôi trong chuyến đi thăm Warsaw lần này.
    Cho đến nay tôi vẫn còn nhớ đến ba ngày ở Warsaw là thật tuyệt bên những người quen thân như trong gia đình. Do vậy, gởi nơi đây một lời cám ơn để trân trọng tình cảm này.

TRẰM SEN
Muttertag, 12.05.2019