Dienstag, 22. Dezember 2020

CÂU CHUYỆN CUỐI NĂM

    Vào những ngày cuối tháng 9.2020 có một số bà con Phật tử biết tin mẹ của vợ chồng anh chị Khiếm và chị Lan đang được điều trị ở bệnh viện, Wien. Vì phải cách ly để phòng chống Covid nên ngoài thân nhân thì không một ai được phép viếng thăm, do đó tin tức về bệnh tình của Bà Ngoại rất hạn chế. Tôi là người xóm giềng ở gần nhà chị Khiếm nhất, nhưng cháu Lan Anh mới là người báo tin Ngoại đã qua đời vào lúc 0:20 giờ khuya 30.09, nhằm ngày 14.08 năm Canh Tý, hưởng thọ 91 tuổi.

   Ngay sau khi được tin, vợ chồng chúng tôi đã gọi chia buồn cùng anh chị Khiếm và gia đình. Vào buổi chiều tối, đh. Phó Hội trưởng Lê Tuấn và đh. Phạm Thị Hiền (chị Hai) đã thay mặt Ban Chấp hành để cùng với một số Phật tử đến thăm viếng, chia buồn, thắp hương và cùng tham dự buổi lễ Cầu Siêu lúc 18:15 giờ với gia đình Tang quyến, gồm anh chị Khiếm và cháu gái; chị Lan và cháu Nhung cùng con trai. Với Phật tử thì ngoài chị Hai (chủ lễ), Lê Tuấn còn có cô Ngọc, Kim Phượng, Thảo, Hoa, Lan Anh và vợ chồng chúng tôi.

   Thời điểm Ngoại ra đi rơi vào lúc chính phủ các nước đang chuẩn bị đối phó sự trở lại mạnh mẽ của Covid-19 mà số ca nhiễm ngày càng tăng vào cuối tháng 9. Áo ghi nhận 772 ca dương tính, riêng ở Wien có 327 ca trong 24 giờ vào ngày 30.09.2020. Hôm sau chúng tôi tham dự lễ Cầu Siêu một lần nữa (01 tháng 10) cũng vào giờ đã định với người tham dự đông hơn, trong số đó có vợ chồng con trai của Ngoại từ Pháp về. Phật tử thì ngoài Ban Hộ niệm như hôm qua, còn có Vũ, Huệ Nhật cùng một số bà con ở Wien.

   Đến sáng ngày 5 tôi vừa được chị Khiếm báo tin Lễ Di Quan Hỏa Táng sẽ diễn ra vào ngày 7 ở Feuerhalle Simmering, thì vào hôm sau lúc 12 giờ trưa ngày 6 tháng 10, vợ chồng chúng tôi nhận một cuộc gọi của người em trai từ Sài Gòn báo tin: ‘-Mạ bị té gãy xương đùi phải, anh Việt vừa báo tin trong lúc đưa mạ đi cấp cứu ở bệnh viện Trung Ương Huế’.

Bệnh viện Trung Ương Huế

   Có lẽ đây là tin mà gia đình ai cũng lo sợ nhất, vì từ bấy lâu nay mạ tôi mỗi năm nhập viện không dưới hai ba lần đều do bị té. Lúc thì té ngoài đường trong những năm về trước khi còn đôi chút sức khỏe lúc đi chợ, còn những năm gần đây tuy được con cháu chăm sóc cẩn thận hơn và hạn chế đi lại thì vẫn thường té ở sân trước hay vườn sau hoặc thậm chí ngay trong nhà. Mỗi lần như vậy đều rất nguy hiểm vì có thương tích nên phải gọi taxi đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, như có Ơn Trên che chở, mạ tôi đều thoát nạn ‘thần kỳ’ khi mà người nhà đã nhiều lần được chứng kiến đều cho là hết sức may mắn và phước đức. Những lần đó đôi lúc bệnh nhân chỉ nằm viện một hai ngày hoặc lâu lắm thì cũng chừng mười ngày là được xuất viện về nhà bình an và đi lại bình thường.

   Nhưng lần này thì khác khi tôi chưa hình dung được mức độ nặng nhẹ như thế nào nên phải gọi ngay về Huế sau khi được tin chẳng lành. Dù sao cũng được yên tâm phần nào khi biết mạ đang được sơ cứu trước khi có sự chẩn đoán của bác sĩ vào ngày mai.

   Sáng hôm sau tôi dậy sớm hơn thường lệ để gọi về nhà hỏi thăm sức khỏe của mạ thì hay tin sáng nay mạ đã được lấy máu xét nghiệm và siêu âm tim. Vì bệnh nhân đã trọng tuổi nên phải theo dõi cho đến ngày mai (8.10) bác sĩ sẽ hội chẩn rồi quyết định phẫu thuật hay không ?

   Do đã có tin tức về sức khỏe của mẹ già nên tôi tạm gác nỗi lo để chuẩn bị cùng vợ và Huệ Nhật đi Feuerhalle Simmering ở quận 11. Đây là lần thứ hai tôi đến địa chỉ này nên cũng không khó tìm chỗ đậu xe lúc 12:10 giờ, rồi sau đó được Vũ hướng dẫn đến hội trường.

   Lúc đó thấy có một số bà con như đang còn đợi chờ người quen ở bên ngoài, chúng tôi thật nhẹ đi vào những hàng ghế bên trái khi tiếng chuông mõ vừa bắt đầu, thì đã cảm nhận được bầu không khí thật trang nghiêm và ấm áp như có đôi vòng tay Hương Linh đang ôm lấy con cháu và những người thân yêu lúc sinh thời trong giây phút tiễn biệt trên đường về Cõi A Di Đà, người ở lại thì vô vàn thương tiếc ngậm ngùi.

   Buổi lễ đã được thầy Viên Duy, trụ trì chùa Pháp Tạng chứng minh với khoảng 50 người tham dự. Về phía gia đình Tang Lễ có thêm  người con trai ở Pháp về, và cô con gái Mai (vợ Quang) từ Thái Lan cũng về kịp mà vợ chồng chúng tôi gặp lại khi lễ kết thúc vào lúc 13:45 giờ cùng ngày. 

     Feuerhalle Simmering  

   Chúng tôi nán lại giây lát khi mọi người thu dọn vật dụng trước khi ra xe. Trong lúc có vài nhóm dừng trước sân để chào tạm biệt thì chị Lan dặn dò: “-Sau khi đi dự đám tang các em không nên về nhà liền, hãy đi chợ hoặc tìm quán cà phê chuyện trò thong thả rồi mới về nhà”. Nghe lời chị Lan, ba người chúng tôi và Vũ & Lan Anh hẹn gặp lại nhau ở tiệm cà phê Der Mann gần nhà.

   Nhớ vào tháng 9 năm ngoái, khi từ Salzburg dọn về quận 23 Wien, tôi quá bất ngờ khi biết Ngoại đang sống với vợ chồng anh chị Khiếm là xóm giềng mới, hai nhà cách nhau chỉ vài chục mét. Lúc đó vì đang dọn nhà bộn bề công việc nên chưa qua thăm được nhưng cũng đã gặp anh chị để có dịp kết tình bà con lối xóm. Anh Tú hơn tôi chừng 5 tuổi, trông rất khỏe mạnh và vui tính trong một lần tôi qua thăm Ngoại và anh chị vào dịp Tết Canh Tý.

   Giờ Ngoại đã đi xa, rồi mai đây khi tiếng chuông Chùa ngân vang trở lại, không biết chúng con sẽ tìm Ngoại đang ngồi nơi đâu để nghe Ngoại nói: “-con à, các bài của con Ngoại đọc hết rồi...” Hoặc vào những ngày lễ lớn như Phật Đản và Vu Lan, thấy vắng khách phương xa thì Ngoại hỏi Huệ Nhật: “-sao không thấy ba mẹ con lên ?"

   Ngoại là vậy, ít nói nhưng tình cảm, chúng tôi thương kính không khác gì một người Mẹ. Người còn là một độc giả của tôi trên Báo Viên Giác Hannover từ nhiều năm qua. Dù đã ngoài 90 nhưng đôi mắt Ngoại vẫn còn sáng, nghe rõ từng tiếng và trong giao tiếp thì rất minh mẫn, tinh tế.

   Ngày mùng 1 Tết năm Canh Tý nhằm ngày 25.01.2020, gia đình chúng tôi con cháu đông đủ đã cùng đại chúng Lễ Phật trước Chánh Điện chùa Pháp Tạng; sau đó dùng cơm chay rồi chơi Lotto với Ngoại và rất đông Phật tử tham gia. Ai có ngờ đâu, đây cũng là lần cuối được ngồi gần bên Ngoại, thấy Ngoại vui trong ngày Đầu Xuân bên con cháu, trước khi chọn ngày lành tháng tốt an nhiên về Cõi Phúc.

   Trở lại câu chuyện ở bệnh viện Trung Ương Huế, sau hai ngày đợi chờ mạ tôi đã trải qua ca phẫu thuật nối ghép xương bắp đùi bị gãy thành công vào lúc 19 giờ tối (giờ VN), ngày 08.10.2020. Cho đến lúc này xem như mạ đã vượt qua được ít nhiều cơn đau và những khó khăn nhất lúc ban đầu để ổn định và dần phục hồi sức khỏe. Rồi không lâu tin vui lại đến, mạ tôi được xuất viện hôm 14.10, chỉ một ngày sau khi mưa bão giảm dần và nước lụt đã rút khỏi sân nhà ở trong Thành Nội, Huế.

   Cùng với thời gian này các tỉnh Miền Trung gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi từ ngày 7 tháng 10 tùy địa phương, đã có những cơn mưa kéo dài cùng với gió bão, lũ lụt và sạt lở tàn phá gây thiệt hại nặng nề từ nhân mạng cho đến tài sản và đời sống của dân chúng. Theo thống kê trong đợt 1 tính đến ngày 13.10 đã có 18 người mất tích và 23 người tử vong với trên 135.000 hộ bị ngập lụt, chưa kể hoa màu, ruộng vườn và khoảng 150.000 gia súc, gia cầm bị chết và mưa lũ cuốn trôi.

   Có nghe và biết những tổn thất của đồng bào vùng lũ về nhân mạng cũng như của cải vật chất, thì mới thấy người dân ở thành phố rủi ít may nhiều. Như ở Huế trong mấy ngày lúc mạ tôi nhập viện nhằm trong mùa đại dịch Covid cùng mưa bão quét ngang khiến ai cũng lo lắng khi đường sá ngập lụt, cây to bị gió lớn xô bật gốc rễ, giao thông bị gián đoạn và thiệt hại về nhà cửa hoa màu cũng không ít, nhưng chắc sẽ không khốn khổ bằng cảnh ‘màn trời chiếu đất’ của những người dân quê hay bản làng đường xa heo hút bị lũ cuốn trôi nhà cửa và đôi lúc cả tài sản cùng sinh mạng thì quá đau thương !      

   Do tình hình ‘máu chảy ruột mềm’ trước Khúc Ruột Miền Trung trong mưa lũ ngày một dâng cao và thiệt hại về người và của rất lớn nên cộng đồng người Việt trong và ngoài nước, từ cá nhân cho đến tổ chức, đoàn thể, tôn giáo…đã tích cực đóng góp cũng như hỗ trợ tài vật khẩn cấp cứu nguy đến những vùng gặp nạn ở Miền Trung với hàng trăm chuyến xe cứu trợ cùng thiện nguyện viên mỗi ngày đã không ngại đường xa cách trở để tiếp tế lương thực nhanh chóng đến đồng bào ruột thịt.

   Ngoài ra còn có sự đóng góp qua hình thức trực tiếp hay qua một số Nghệ sĩ, Ca sĩ và Mạnh Thường Quân trong cũng như ngoài nước sẽ được đồng bào Miền Trung nhớ đến Ân Tình của họ trong mùa lũ lụt lịch sử 2020.

   Trong số hàng trăm chuyến xe cùng hàng ngàn tấn nhu yếu phẩm ra miền Trung cứu trợ nạn nhân lũ lụt, thì Đà Nẵng đóng góp thêm hai xe của nhóm Từ Thiện “Hướng Về Miền Trung” khoảng 10 người do vợ chồng Tuấn (Ky) và Hoàng Hoa (Gái), là em bạn dì của vợ tôi đã đứng ra vận động, quyên góp mà lúc ban đầu chỉ ‘truyền miệng’ trong phạm vi bà con ở Đà Nẵng mà thôi, nhưng không ngờ đã nhanh chóng lan tới bên Mỹ, được Ms Thuy Nguyen chủ tiệm Lily Nails ở Houston cùng nhân viên nhiệt tình ủng hộ, rồi sau đó Áo cũng có Wien và Linz góp thêm đốm lửa hồng nhỏ nhoi với mong ước ấm lòng bà con không may mắn lúc nhà xiêu mái dột trong mưa lũ.

    Đoàn Từ Thiện Đà Nẵng (Hoàng Hoa, áo xanh quần vàng)  

   Đúng theo dự tính, đoàn cứu trợ Đà Nẵng đã lên đường ra Trung vào ngày chủ nhật 25.10.2020. Điểm đến đầu tiên là Truồi, Phú Lộc, Huế rồi sau đó là Phong Điền, Quảng Trị. Mỗi nơi đến đều được liên lạc trước để nhờ địa phương tìm giúp những hộ khó khăn, rồi khi gần đến Đoàn sẽ gọi tập trung ở một địa điểm nào đó thuận tiện trong làng xã. Chuyến đi này Đoàn mang theo 120 phần quà, mỗi phần gồm 1 đòn bánh tét làng Chuồn (nổi tiếng rất ngon), 1 chai xì dầu, 1 chai nước mắm, 5 lon cá hộp và 300 ngàn tiền mặt riêng cho 35 hộ ở Truồi và mỗi phong bì 200 ngàn cho 85 hộ ở Phong Điền (50) và Hiền Lương (35). Đoàn cứu trợ về đến Đà Nẵng thì trời đã tối. Ai cũng vui vẻ, hài lòng về một chuyến đi trong mưa gió bão lụt ngập trời nhưng mọi người đã làm hết sức mình để chia sẻ và mang lại một chút niềm vui đến những mảnh đời bất hạnh đang đứng trước một cuộc sống sẽ rất khó khăn về lâu dài. 

 bánh tét làng Chuồn

   Chiều 26.10 cô em Hoàng Hoa gởi cho tôi mấy tấm hình trong chuyến đi của Đoàn Từ Thiện Đà Nẵng và thay mặt đồng bào vùng lũ lụt, gởi lời tri ân đến những Lòng Hảo Tâm trong và ngoài nước, đã bảo trợ cho chuyến đi “miếng khi đói bằng gói khi no” được thành công tốt đẹp.

   Trở lại với câu chuyện dài nhiều tập chưa có hồi kết về Coronavirus Vũ Hán suốt gần một năm qua đã gieo rắc kinh hoàng khủng khiếp cho nhân loại, không phân biệt già trẻ lớn bé, tính đến nay đã có trên 78 triệu ca nhiễm và trên 1,7 triệu ca tử vong đã kéo theo sự tàn phá nặng nề kinh tế và xã hội trên toàn cầu. Nước Áo tuy chỉ gần 9 triệu dân nhưng từ ngày 01.10 đến 01.11 đã ghi nhận 1.159 người tử vong, 68.330 ca nhiễm, tính trung bình mỗi ngày thêm 2.277 ca dương tính. Do đó chính phủ phải áp đặt các biện pháp hạn chế trở lại, sẽ có hiệu lực vào lúc 0:00 giờ ngày 03.11.2020.

 bé Tiên, Huệ Nhật, Alain, Huệ Thiện, Ân Lai

   Tuy nhiên, vào khoảng 20:20 giờ ngày 02.11, cũng là hôm sinh nhật của cậu con trai út nhà tôi tròn 25 tuổi, trong lúc cả gia đình đang ngồi xem lại những đoạn phim được quay từ lúc cậu bé Alain mới chập chững biết đi, thì có cuộc gọi của em trai Bino báo tin: “ở trung tâm thành phố Wien đang bị khủng bố”.

   Quá kinh ngạc với nửa tin nửa ngờ vì thủ đô Wien xưa nay chưa hề xảy ra sự cố nào liên quan đến những vụ xả súng hàng loạt cùng những tổn thất về sinh mạng như ở Mỹ và một số nước trên thế giới. Cuối cùng thì tai nghe không bằng mắt thấy, màn ảnh TV rung động với những pha rượt đuổi trên những con phố đông người đang tìm lối thoát. Rồi một clip ngắn được quay từ cửa sổ trên cao, cho thấy một tên khủng bố mặc đồ trắng vừa đi vừa chạy chầm chậm đã bắn nhiều phát đạn một cách tàn bạo vào một người dân đi bộ gục chết bên đường. Trong lúc đó cảnh sát và xe cứu thương xuất hiện khắp nơi như chiến trường di động cùng một số diễn biến được báo chí ghi nhận:

   Khoảng 20 giờ đêm 02.11, tiếng súng vang lên ở Innere Stadt, Vienna. Chừng 10 phút sau đó rất đông cảnh sát đã đến can thiệp khi xác định được có 6 nơi nổ súng, tất cả đều nằm gần nhau.

   Giới chức có thẩm quyền cho biết là có nhiều kẻ tấn công, trong đó có một người bị cảnh sát bắn hạ, ít nhất một người khác đang lẫn trốn. Tay súng được trang bị đầy đủ vũ khí bị cảnh sát hạ gục là một thanh niên 20 tuổi, ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), từng bị kết án năm 2019 vì mưu toan sang Syria. Nhà riêng của người này đã bị lục soát và giới chức thu được những tư liệu video. Người này có đeo một băng chất nổ giả trên người. Chính quyền cho biết đã tiến hành 18 cuộc khám xét và bắt giữ 14 người thân cận với hung thủ.

   Cảnh sát Áo truy lùng ít nhất là một nghi phạm sau các vụ tấn công bằng súng ở thủ đô Vienna khiến 4 người thiệt mạng và 17 người khác bị thương. Những người thiệt mạng gồm hai phụ nữ và hai đàn ông. Một người nữ là nhân viên phục vụ chạy bàn. Người thứ hai tử vong trong bệnh viện do bị thương quá nặng. Các nạn nhân khi đó đang có mặt ở một khu vực có đông người tới các quán bar, nhà hàng, gần thánh đường Do Thái giáo ở trung tâm Vienna. Cảnh sát đã phong tỏa một số con phố và tăng hiện diện tại khu vực. Phụ huynh được yêu cầu giữ con cái tại nhà trong hôm thứ ba, nếu có thể. Sự việc xảy ra chỉ vài giờ trước khi Áo áp lệnh hạn chế mới trên toàn quốc nhằm khống chế tình trạng gia tăng lây nhiễm coronavirus. Do đó đã có nhiều người đang đi ăn uống trước khi lệnh giới nghiêm vào lúc nửa đêm có hiệu lực. 

Sebastian Kurz (Thủ Tướng Áo)

   Thủ tướng Sebastian Kurz đã cung cấp một số chi tiết: “Họ được trang bị rất nhiều vũ khí, gồm cả súng tự động. Họ đã được chuẩn bị một cách rất chuyên nghiệp. Đây rõ ràng là một vụ tấn công khủng bố”, đồng thời tưởng nhớ đến bốn nạn nhân đã thiệt mạng và những người bị thương trong vụ tấn công “thô bạo”. Trước sự hiện diện của Tổng Thống Alexander Van der Bellen, vị Thủ tướng trẻ đã đến đặt vòng hoa tại Schwedenplatz, quảng trường nơi diễn ra các vụ tấn công vào tối thứ hai vừa rồi.

   Vụ khủng bố đã gây xúc động và là sốc lớn trong dân chúng cũng như bị thế giới lên án mạnh mẽ. Chính phủ đã tuyên bố ba ngày quốc tang, với việc treo cờ rủ và một phút mặc niệm vào giữa ngày. Các trường học cũng dành một phút tưởng niệm các nạn nhân trong sáng thứ tư.

   Sau vụ khủng bố vào ngày 02.11, thủ đô Wien nói riêng và toàn nước Áo nói chung dần trở lại sinh hoạt bình thường khi các các biện pháp hạn chế mới vẫn còn hiệu lực, đồng thời với số lượng ca nhiễm ngày càng cao mà đỉnh điểm được ghi nhận 9.568 ca dương tính trong ngày 13.11.2020. Sau đó số ca nhiễm đã giảm đều mỗi ngày, cho đến 21.12 số ca dương tính được ghi nhận là 1.519 và 53 ca tử vong trong 24 giờ.

   Dù vậy, chính phủ Áo chỉ nới lỏng trong hai ngày 24 và 25.12 khi cho phép 10 người được gặp nhau, không có khoảng cách bắt buộc và khẩu trang. Sau hai ngày lễ Giáng Sinh Áo sẽ áp dụng trở lại các biện pháp cách ly trong vòng một tháng nhằm đề phòng làn sóng dịch thứ ba. Lệnh tái phong tỏa kỳ này có hiệu lực kể từ ngày 26.12.2020 đến 24.01.2021.

   Covid-19 vaccine cũng là một đề tài được đề cập đến nhiều trong thời gian gần đây, thì nay đã có tin vui cho mọi lứa tuổi là sau khi được cơ quan dược phẩm châu Âu bật đèn xanh vào hôm qua, 21.12.2020, cho việc sử dụng vaccine của Pfizer & BioNTech trên toàn lãnh thổ châu Âu, Ủy Ban Châu Âu cho biết là chiến dịch tiêm chủng sẽ bắt đầu vào chủ nhật 27.12 một cách có phối hợp tại 27 quốc gia thành viên. Riêng ở Áo, trước tiên sẽ được thực hiện tại các viện dưỡng lão và người già từ ngày 27 tháng 12. Các nhóm đối tượng khác sẽ chỉ được tiêm chủng trong năm 2021.

   Một năm 2020 quá nhiều biến cố cùng những hệ lụy đau thương, bệnh tật, thất nghiệp và thiếu thốn cho hàng triệu triệu con người sắp kết thúc. Dù Mùa Giáng Sinh năm nay có thể không trọn vẹn như ý, nhưng chúng ta hãy cố quên đi những mất mát, buồn phiền và khổ đau nếu có, để cùng người thân đón một Mùa Giáng Sinh 2020 vui tươi, hạnh phúc, an lành và chào đón năm mới 2021. 

NGUYỄN SĨ LONG

Samstag, 26. September 2020

NHẠC LÍNH

   Ảnh Internet   

   Cuối năm 1970, một ca khúc được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Vũ Hữu Định với tiếng hát Thái Thanh đã được đón nhận thật ấm áp và không lâu sau đó rất nổi tiếng, là bài ‘Còn chút gì để nhớ’:

Em Pleiku má đỏ môi hồng/Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/Nên tóc em ướt và mắt em ướt/Nên em mềm như mây chiều trong...

   Lời bài hát nhẹ nhàng, khoan thai, tiếc nuối làm tôi nhớ về lần ghé thăm miền Cao Nguyên đất đỏ vào tháng 7.1970. Trong chuyến đi này, trước khi trở lại Huế, tôi đã từ Sài Gòn bay lên Pleiku thăm gia đình người cô ruột đã đến đây lập nghiệp từ năm 1966. Chỉ hai ngày sau đó tôi và người anh gặp tai nạn trên tuyến đường Pleiku-Kontum khi một chiếc xe Jeep của lính không quân đụng xe Honda do anh tôi cầm lái. Cũng may người anh chỉ bị thương ở chân còn tôi thì bất tỉnh nhân sự. Cả hai được xe nhà binh đưa đến bệnh viện Pleiku cấp cứu và điều trị. Sau chừng một tuần lễ nằm viện thì mới biết thành phố ‘may màem đời còn dễ thương’ này có nhiều quán cà phê với không gian rất lãng mạn và ấm cúng mỗi khi chiều tắt nắng, cũng là lúc màn đêm lành lạnh buông xuống núi đồi lãng đãng khói sương. Bởi vậy khi nghe bài nhạc thì mới hiểu được tâm trạng của những người trai nơi tiền đồn xa xôi và chắc rằng, bất cứ người lính xa nhà nào khi đến đóng quân ở xứ này đều sẽ trở thành thi sĩ:

Xin cảm ơn thành phố có em/Xin cảm ơn một mái tóc mềm/Mai xa lắc trên đồn biên giới/Còn một chút gì để nhớ để quên'.

   Trong thời gian đó nhạc Trịnh đã rất thịnh hành, được nghe nhiều ở quán cà phê nhạc. Nhưng những bài nhạc lột tả được hình ảnh và cuộc đời gian khổ của người lính Việt Nam Cộng Hòa cũng đã nhanh chóng được quần chúng đón nhận qua các tiếng hát nổi tiếng như Hà Thanh, Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Hương Lan, Mai Lệ Huyền, Nhật Trường, Duy Khánh, Chế Linh, Hùng Cườngtrên Đài Phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội và đài Tự  Do được phổ biến rộng rãi. Tuy không phải ai cũng thích hoặc nghe được nhạc lính, nhưng mỗi gia đình người dân thời đó gần như ai cũng có người thân trong quân ngũ nên ít nhiều vẫn còn trong ký ức của mỗi người, để rồi dù cho quê nhà hay ra hải ngoại, không ít người Việt tha hương đã mang theo và giữ gìn cho đến bây giờ. Có thể nói dòng nhạc lính như là vừa gần gũi vừa là thói quen thân thiết đã len lỏi từ sông rạch cho đến ngõ hẻm, con phố rồi đến xóm làng mà chiếc radio là gạch nối đầu tiên cho sự lan tỏa tự nhiên rộng rãi và lâu dài đã gần nửa thế kỷ trôi qua.

   
    Nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam trước 1975 có rất nhiều loại mà chúng ta có thể kể đến là: nhạc tiền chiến, nhạc kháng chiến, nhạc vàng, nhạc xanh, nhạc đỏ, nhạc tình, nhạc lính, nhạc trẻ…Riêng nhạc lính có một dòng ‘tiểu sử’ rất đặc biệt, khi người lính Cộng Hòa cuối cùng buông súng, đi cải tạo thì nhạc lính vẫn còn được hát chui, nghe lén và sinh tồn cho đến ngày nay, dù đã hơn bốn thập kỷ qua chẳng một ai còn thấy bóng dáng của những người lính năm xưa ?

   Chúng ta có thể nói bên cạnh dòng nhạc vàng phát triển mạnh từ thập niên 1960 cho đến 1975 ở Miền Nam với âm điệu nhẹ nhàng, mộc mạc, dễ hiểu dễ nhớ được đông đảo quần chúng ưa chuộng, thì nhạc lính cũng là một loại nhạc vàng, cũng còn được gọi là nhạc tình khi thể hiện nỗi lòng riêng tư, ước mơ và hy vọng của tình yêu lứa đôi được lồng trong tình yêu quê hương thời chiến của người lính đang gánh vác trách nhiệm gìn giữ nước nhà mà chúng ta dễ nhận thấy nơi người trai trong thời loạn.

   Tính đến tháng 4.1975 đã có hàng trăm ca khúc viết về lính và đời lính cùng với một đội ngũ sáng tác đông đảo. Trong số đó có nhiều nhạc sĩ, cũng là những người lính đang xông pha trên chiến trường như Nguyễn Văn Đông, Trần Thiện Thanh, Anh Bằng, Lam Phương, Song Ngọcbên cạnh các tác giả đương thời như: Duy Khánh, Nhật Ngân, Y Vân, Lê Dinh, Trúc Phương, Trầm Tử Thiêng, Phạm Thế Mỹ, Phạm Đình Chương, Châu Kỳ, Trịnh Lâm Ngân, Trường Sa, Minh Kỳ, Hoài Linh, Hàn Châu…Trong đó, Trần Thiện Thanh không những là người nhạc sĩ viết nhạc lính nhiều nhất mà còn là một trong bốn ‘tứ trụ nhạc vàng’ gồm các nam ca nhạc sĩ Nhật Trường, Duy Khánh, Chế Linh và Hùng Cường đã một thời thành công vang dội trên sân khấu ca nhạc Sài Gòn trước 1975. Đồng thời cũng phải nhắc đến bốn cặp đôi song ca danh bất hư truyền với Nhật Trường - Thanh Lan, Duy Khánh - Hương Lan, Chế Linh - Thanh Tuyền và Hùng Cường - Mai Lệ Huyền, vẫn lừng lẫy tiếng tăm cho tới bây giờ cho dù có người còn kẻ mất. Họ đã để lại cho hậu thế một kho tàng âm nhạc phong phú từ nhạc vàng cho đến nhạc lính, mà sau mấy thập kỷ trôi dạt ra xứ người tưởng như đã không còn đất sống, nhưng nay vẫn còn chỗ đứng trong lòng người dân Việt ở quê nhà cũng như khắp nơi trên thế giới.

 

    Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy mỗi một bài nhạc lính là một câu chuyện của người trai trước thời cuộc, hay ở đời thường của một xã hội thu hẹp trong quan hệ tình cảm gia đình và đôi lứa. Ở đó có niềm vui và nỗi buồn, có chia ly và sum họp, có chờ mong và nhung nhớ trong nước mắt tiễn đưa, hẹn thề, ước mơ và cùng lạc quan hướng về tương lai.

1. Đáp Lời Sông Núi:

   Nói đến đời lính người ta thường nghĩ đến chiến tranh bom đạn, chia ly và mất mát. Người trai từ giã gia đình, từ biệt người thân để ra chiến trường mà không hẹn ngày trở về. Mới nghe thì thật là bi quan nhưng không hẳn như vậy. Người trai lên đường để gánh vác trọng trách, họ có lý tưởng và trách nhiệm khi đất nước lâm nguy, nên dù có chia tay trong nước mắt thì người người vẫn hàng hàng lớp lớp ra đi quyết giữ lời thề:

‘Còn đây đêm cuối cùng/Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha/Ngại khơi nước mắt nhạt nhòa môi em/Người đi giúp núi sông hàng hàng lớp lớp chưa về/Người người nối tiếp câu thề dành lấy quê hương'. 

(Nguyễn Văn Đông, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp)

2. Tình Nhà Tình Chiến Hữu:

   Người mẹ thường nghĩ, khi con khôn lớn trưởng thành dù ở độ tuổi nào đi nữa thì vẫn là đứa con ngoan bé bỏng ngày xưa mẹ đã tay bế tay bồng. Phận làm con cũng vậy, không ai có thể thay thế người mẹ trong nỗi nhớ thương khi xa cách. Do đó dù trên chiến trường vì nước quên mình xông pha nối theo chí hùng ngàn năm, thì mẹ vẫn là nơi vững chắc nhất, bình yên nhất để nhớ về:

'Từ nhỏ con chưa xa vắng quê nhà mẹ ơi/Một buổi xa con nhớ thương chắc mẹ chẳng vui/Biết con đi rồi nhà cửa vắng thêm một người/Ôi mẹ vì con từng hy sinh cả cuộc đời/Mẹ ơi Tổ quốc trông chờ tình con/Đổ tiếng chiêng khua trống dồn/Bên nợ bên tình làm sao vuông tròn/Mẹ ơi lửa khói mang sầu biệt ly/Mẹ đón con yêu sẽ về trong ngày thái bình/Lạy mẹ con đi’.

(Anh Bằng, Lạy Mẹ Con Đi)

   Thế rồi sau bao tháng ngày ấp ủ khi giã từ đất mẹ lên đường từ ly gìn giữ cho đời, với nhiều nỗi lưu luyến để mong một mai chan hòa niềm vui, cũng là ngày suối lệ đoàn viên trên lối về đất mẹ:

Mẹ ơi chỉ còn đất mẹ mà thôi/Để con còn đi gìn giữ cho đời/Đã mang trong lòng kiếp con người/Phải thương nhau hoài chớ quên lời/Mong một ngày mai chan hòa đất mẹ niềm vui /Chiều nay lối về đất mẹ là đây/Đường xưa còn ấp ủ bóng trăng gầy/Có nghe đêm trường tiếng ru hời/Có nghe đêm trường tiếng ai cười/Suối lệ đoàn viên giữa lòng đất mẹ triền miên’. 

(Duy Khánh, Lối Về Đất Mẹ) 

     Có những người trai vừa từ giã sân trường, chia tay bạn của tuổi học trò hoa mộng thì lại vào quân ngũ. Đời lính dầm mưa dãi nắng, rày đây mai đó có khi quên mất những ngày xuân đang về giữa lúc quân hành, thì cũng là khi nhen nhúm tình người chiến binh trên khắp các mặt trận. Đó là tình đồng đội cùng chiến tuyến đã nhanh chóng nảy sinh và trở thành chiến hữu trên chiến trường sống chết có nhau. Vì vậy, dù mùa xuân có về khi quê hương đang còn tiếng súng thì người lính lòng xót xa con xuân này vắng nhà, dẫu biết là mẹ chờ em trông về một mùa xuân đoàn tụ:

‘Con biết bây giờ mẹ chờ em trông/Nhưng nếu con về bạn bè thương mong/Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường/Không lẽ riêng mình êm ấm/Mẹ ơi con xuân này vắng nhà/Mẹ thương con xin đợi ngày mai'.

(Trịnh Lâm Ngân, Xuân Này Con Không Về) 

3. Tình Yêu Lứa Đôi:

   Quả thật hình ảnh người lính phong sương rất oai hùng trong màu áo trận, mà trên mọi nẻo đường đất nước trong thời loạn thì sự xuất hiện của họ là không hiếm hoi. Với người em gái hậu phương, được làm ‘người yêu của lính’ là niềm hãnh diện đi bên cạnh cuộc đời của những người trai sương gió đang giữ gìn non sông gấm vóc trong thời chiến. Do vậy nên dù ở bất cứ nơi nào và hoàn cảnh nào đi nữa, người lính vẫn có lúc nhớ đến người yêu trên đường dừng quân, hay nhắc tên em muôn ngàn lần để mơ ước một ngày tròn tơ duyên với người yêu của lính:

Nếu em không là người yêu của lính/Ai sẽ nhớ em chiều dừng hành quân/Ai khẽ nhắc tên em muôn nghìn lần/Để thấy cánh sao gần/Không đẹp bằng hồn mắt giai nhân/Hỡi người em gái Gia Long ơi/Hỡi người em chốn xa xôi áo trinh thơm mùi giấy/Có khi anh ngỡ là mình quen nhau từ kiếp trước/Đến bây giờ mơ ước tròn tơ duyên để má em thêm hồng…'

(Trần Thiện Thanh, Người Yêu Của Lính)

   Xuân qua hè tới thu về rồi mùa đông trở lại lạnh lẽo nơi tiền đồn xa xôi heo hút. Từng chiếc áo len như tấm chân tình ấm áp từ hậu phương được gởi ra sa trường cùng muôn vạn niềm thương mến. Áo tuy không dày nhưng lòng thêm ấm những khi hành quân. Đó cũng là sự biểu lộ tình yêu đôi lứa và gói ghém tâm sự cùng ước một chiều nắng đẹp tình đất nước và hạnh phúc tương lai:

‘Nhớ mùa đông đến em ngồi đan áo ấm ra sa trường/Áo tuy không dày nhưng lòng thêm ấm những khi hành quân/Cho em mơ có một chiều nắng đẹp tình đất nước/Người về vui hạnh phúc tương lai/Áo đan xong rồi, nhớ cho em gởi muôn vạn niềm thương’.

(Trường Sa, Chuyện Tình Người Đan Áo)

   Mùa đông đi qua rồi mai đào lại nở mang mùa xuân trở về trên khắp quê hương. Dù nơi biên cương súng vang rền nhưng người lính vẫn hy vọng và chờ mong một ngày kết hoa đón pháo rượu nồng mừng duyên tơ hồng, hòa theo lời ca nhịp nhàng với vạn niềm yêu chứa chan:

‘Anh ơi em mơ thấy anh về trong rộn ràng/Đôi tim hân hoan kết se duyên thắm nồng nàn/Hòa theo cung đàn có lời ca nhịp nhàng/Vạn niềm yêu chứa chan/Em ơi biên cương súng vang rền anh ngỡ rằng /Quê hương thân yêu đón xuân về pháo rượu nồng/Mừng duyên tơ hồng, chúng mình nên vợ chồng/Là ngày anh ước mong‘

(Minh Kỳ, Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương) 

 

4. Lạc Quan - Vui Tính và Yêu Đời:

   Lính có một cuộc sống kỷ luật và năng động nhưng rất lạc quan với lý tưởng và trách nhiệm. Họ luôn sẵn sàng cho mọi tình huống khi ở đơn vị hay ra chiến trường. Không những thế, dù nơi tiền đồn heo hút hay dừng bước giữa hoang vu, bên con suối hay đèo cao dốc thẳm, những người lính đã không thiếu niềm vui khi cùng đồng đội chiều chiều ra bờ vắng ngắm mông lung, có người thì ước ao, có người thì khát khao và có người thì nằm đếm sao hay ba lô làm bàn ghi vội những dòng thư khi nhớ em thật đầy:

Ƭhư của lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em/Ƭhư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình/Ƭhư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay/Nhưng thư của lính ghi giữa rừng câу khi nhớ em thật đầy…Ƭhư của lính thư không được dài như mong ước đâu em/Ƭhư của lính chấm dứt ở dâу, sau khi đề thêm hai chữ hôn em’.

(Trần Thiện Thanh, Tình Thư Của Lính)

    Dẫu biết ‘tình thư của lính’ như đám mây chiều vân du cuối trời và có thể chẳng bao giờ đến tay người nhận, nhưng ‘lính mà em’ không dừng lại ở đó. Khi lính yêu em và yêu đời thì không ai có thể cản ngăn lính vẽ vời một đám cưới nhà binh linh đình ngay giữa Sài Gòn mà Cô Dâu là ‘một nàng Tiên trong dáng học sinh’ sẽ đẹp tuyệt vời, được bạn bè nhà trai hiên ngang cùng đoàn xe Jeep, xe tăng, tàu bay hộ tống với dàn quân nhạc dẫn bước Cô Dâu thật sang trọng, hai bên nhà trai nhà gái vui vẻ cả làng:

Một nàng Tiên trong dáng học sinh/Cười duyên liếc chiến binh đa tình/Ngời đôi mắt biếc xuân thanh bình/Nhìn bầu trời xanh xanh/Nghe trong tim tràn niềm yêu lính/Rồi sau khi cưới em sẽ cùng anh đi xa/Hai đứa mình vui trăng mật đậm đà/Nhà đơn vị anh bên suối trăng hoa đẹp xinh/Trời mây một cõi riêng của bọn mình

(Vũ Chương - Minh Kỳ, Đám Cưới Nhà Binh)

    Tôi được nghe live nhạc lính vào giữa năm 1976 khi đang hẹn hò với Sương Mai ở Sài Gòn. Nàng có khiếu về ca hát và thuộc rất nhiều loại nhạc trong đó có nhạc lính. Dường như trời phú cho Sương Mai có chất giọng rất hợp với tôi, làm chàng trai xứ Huế mến thương, nên mẹ từ Huế đã phải vào hỏi vợ cho con trai vào mùa hè 1977. Lễ thành hôn được tổ chức tại Sài Gòn vào mùa Noël cùng năm.

   Đến tháng 1.1979 khi có con đầu lòng thì tôi đã nghe và thuộc gần như toàn bộ những bài mà vợ đã hát trước và sau ngày cưới. Những năm gần đây đã có lúc nghe lại thì làm sao mà không nhớ Sài Gòn vào thời buổi ấy, nơi mà tôi đã sống 13 năm với nhiều kỷ niệm buồn vui trước khi ra nước ngoài vào năm 1987.

   Khi nhắc về những ca khúc viết cho lính với tiếng hát Sương Mai thuở nào có lúc chỉ dành cho một người nghe, thì nhớ nhất là vào những đêm nằm bên vợ, nghe nàng hát chưa hết bài thì chàng đã thở đều cho đến khi gà gáy sáng.

NGUYỄN SĨ LONG