Samstag, 26. September 2020

NHẠC LÍNH

   Ảnh Internet   

   Cuối năm 1970, một ca khúc được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Vũ Hữu Định với tiếng hát Thái Thanh đã được đón nhận thật ấm áp và không lâu sau đó rất nổi tiếng, là bài ‘Còn chút gì để nhớ’:

Em Pleiku má đỏ môi hồng/Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/Nên tóc em ướt và mắt em ướt/Nên em mềm như mây chiều trong...

   Lời bài hát nhẹ nhàng, khoan thai, tiếc nuối làm tôi nhớ về lần ghé thăm miền Cao Nguyên đất đỏ vào tháng 7.1970. Trong chuyến đi này, trước khi trở lại Huế, tôi đã từ Sài Gòn bay lên Pleiku thăm gia đình người cô ruột đã đến đây lập nghiệp từ năm 1966. Chỉ hai ngày sau đó tôi và người anh gặp tai nạn trên tuyến đường Pleiku-Kontum khi một chiếc xe Jeep của lính không quân đụng xe Honda do anh tôi cầm lái. Cũng may người anh chỉ bị thương ở chân còn tôi thì bất tỉnh nhân sự. Cả hai được xe nhà binh đưa đến bệnh viện Pleiku cấp cứu và điều trị. Sau chừng một tuần lễ nằm viện thì mới biết thành phố ‘may màem đời còn dễ thương’ này có nhiều quán cà phê với không gian rất lãng mạn và ấm cúng mỗi khi chiều tắt nắng, cũng là lúc màn đêm lành lạnh buông xuống núi đồi lãng đãng khói sương. Bởi vậy khi nghe bài nhạc thì mới hiểu được tâm trạng của những người trai nơi tiền đồn xa xôi và chắc rằng, bất cứ người lính xa nhà nào khi đến đóng quân ở xứ này đều sẽ trở thành thi sĩ:

Xin cảm ơn thành phố có em/Xin cảm ơn một mái tóc mềm/Mai xa lắc trên đồn biên giới/Còn một chút gì để nhớ để quên'.

   Trong thời gian đó nhạc Trịnh đã rất thịnh hành, được nghe nhiều ở quán cà phê nhạc. Nhưng những bài nhạc lột tả được hình ảnh và cuộc đời gian khổ của người lính Việt Nam Cộng Hòa cũng đã nhanh chóng được quần chúng đón nhận qua các tiếng hát nổi tiếng như Hà Thanh, Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Hương Lan, Mai Lệ Huyền, Nhật Trường, Duy Khánh, Chế Linh, Hùng Cườngtrên Đài Phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội và đài Tự  Do được phổ biến rộng rãi. Tuy không phải ai cũng thích hoặc nghe được nhạc lính, nhưng mỗi gia đình người dân thời đó gần như ai cũng có người thân trong quân ngũ nên ít nhiều vẫn còn trong ký ức của mỗi người, để rồi dù cho quê nhà hay ra hải ngoại, không ít người Việt tha hương đã mang theo và giữ gìn cho đến bây giờ. Có thể nói dòng nhạc lính như là vừa gần gũi vừa là thói quen thân thiết đã len lỏi từ sông rạch cho đến ngõ hẻm, con phố rồi đến xóm làng mà chiếc radio là gạch nối đầu tiên cho sự lan tỏa tự nhiên rộng rãi và lâu dài đã gần nửa thế kỷ trôi qua.

   
    Nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam trước 1975 có rất nhiều loại mà chúng ta có thể kể đến là: nhạc tiền chiến, nhạc kháng chiến, nhạc vàng, nhạc xanh, nhạc đỏ, nhạc tình, nhạc lính, nhạc trẻ…Riêng nhạc lính có một dòng ‘tiểu sử’ rất đặc biệt, khi người lính Cộng Hòa cuối cùng buông súng, đi cải tạo thì nhạc lính vẫn còn được hát chui, nghe lén và sinh tồn cho đến ngày nay, dù đã hơn bốn thập kỷ qua chẳng một ai còn thấy bóng dáng của những người lính năm xưa ?

   Chúng ta có thể nói bên cạnh dòng nhạc vàng phát triển mạnh từ thập niên 1960 cho đến 1975 ở Miền Nam với âm điệu nhẹ nhàng, mộc mạc, dễ hiểu dễ nhớ được đông đảo quần chúng ưa chuộng, thì nhạc lính cũng là một loại nhạc vàng, cũng còn được gọi là nhạc tình khi thể hiện nỗi lòng riêng tư, ước mơ và hy vọng của tình yêu lứa đôi được lồng trong tình yêu quê hương thời chiến của người lính đang gánh vác trách nhiệm gìn giữ nước nhà mà chúng ta dễ nhận thấy nơi người trai trong thời loạn.

   Tính đến tháng 4.1975 đã có hàng trăm ca khúc viết về lính và đời lính cùng với một đội ngũ sáng tác đông đảo. Trong số đó có nhiều nhạc sĩ, cũng là những người lính đang xông pha trên chiến trường như Nguyễn Văn Đông, Trần Thiện Thanh, Anh Bằng, Lam Phương, Song Ngọcbên cạnh các tác giả đương thời như: Duy Khánh, Nhật Ngân, Y Vân, Lê Dinh, Trúc Phương, Trầm Tử Thiêng, Phạm Thế Mỹ, Phạm Đình Chương, Châu Kỳ, Trịnh Lâm Ngân, Trường Sa, Minh Kỳ, Hoài Linh, Hàn Châu…Trong đó, Trần Thiện Thanh không những là người nhạc sĩ viết nhạc lính nhiều nhất mà còn là một trong bốn ‘tứ trụ nhạc vàng’ gồm các nam ca nhạc sĩ Nhật Trường, Duy Khánh, Chế Linh và Hùng Cường đã một thời thành công vang dội trên sân khấu ca nhạc Sài Gòn trước 1975. Đồng thời cũng phải nhắc đến bốn cặp đôi song ca danh bất hư truyền với Nhật Trường - Thanh Lan, Duy Khánh - Hương Lan, Chế Linh - Thanh Tuyền và Hùng Cường - Mai Lệ Huyền, vẫn lừng lẫy tiếng tăm cho tới bây giờ cho dù có người còn kẻ mất. Họ đã để lại cho hậu thế một kho tàng âm nhạc phong phú từ nhạc vàng cho đến nhạc lính, mà sau mấy thập kỷ trôi dạt ra xứ người tưởng như đã không còn đất sống, nhưng nay vẫn còn chỗ đứng trong lòng người dân Việt ở quê nhà cũng như khắp nơi trên thế giới.

 

    Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy mỗi một bài nhạc lính là một câu chuyện của người trai trước thời cuộc, hay ở đời thường của một xã hội thu hẹp trong quan hệ tình cảm gia đình và đôi lứa. Ở đó có niềm vui và nỗi buồn, có chia ly và sum họp, có chờ mong và nhung nhớ trong nước mắt tiễn đưa, hẹn thề, ước mơ và cùng lạc quan hướng về tương lai.

1. Đáp Lời Sông Núi:

   Nói đến đời lính người ta thường nghĩ đến chiến tranh bom đạn, chia ly và mất mát. Người trai từ giã gia đình, từ biệt người thân để ra chiến trường mà không hẹn ngày trở về. Mới nghe thì thật là bi quan nhưng không hẳn như vậy. Người trai lên đường để gánh vác trọng trách, họ có lý tưởng và trách nhiệm khi đất nước lâm nguy, nên dù có chia tay trong nước mắt thì người người vẫn hàng hàng lớp lớp ra đi quyết giữ lời thề:

‘Còn đây đêm cuối cùng/Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha/Ngại khơi nước mắt nhạt nhòa môi em/Người đi giúp núi sông hàng hàng lớp lớp chưa về/Người người nối tiếp câu thề dành lấy quê hương'. 

(Nguyễn Văn Đông, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp)

2. Tình Nhà Tình Chiến Hữu:

   Người mẹ thường nghĩ, khi con khôn lớn trưởng thành dù ở độ tuổi nào đi nữa thì vẫn là đứa con ngoan bé bỏng ngày xưa mẹ đã tay bế tay bồng. Phận làm con cũng vậy, không ai có thể thay thế người mẹ trong nỗi nhớ thương khi xa cách. Do đó dù trên chiến trường vì nước quên mình xông pha nối theo chí hùng ngàn năm, thì mẹ vẫn là nơi vững chắc nhất, bình yên nhất để nhớ về:

'Từ nhỏ con chưa xa vắng quê nhà mẹ ơi/Một buổi xa con nhớ thương chắc mẹ chẳng vui/Biết con đi rồi nhà cửa vắng thêm một người/Ôi mẹ vì con từng hy sinh cả cuộc đời/Mẹ ơi Tổ quốc trông chờ tình con/Đổ tiếng chiêng khua trống dồn/Bên nợ bên tình làm sao vuông tròn/Mẹ ơi lửa khói mang sầu biệt ly/Mẹ đón con yêu sẽ về trong ngày thái bình/Lạy mẹ con đi’.

(Anh Bằng, Lạy Mẹ Con Đi)

   Thế rồi sau bao tháng ngày ấp ủ khi giã từ đất mẹ lên đường từ ly gìn giữ cho đời, với nhiều nỗi lưu luyến để mong một mai chan hòa niềm vui, cũng là ngày suối lệ đoàn viên trên lối về đất mẹ:

Mẹ ơi chỉ còn đất mẹ mà thôi/Để con còn đi gìn giữ cho đời/Đã mang trong lòng kiếp con người/Phải thương nhau hoài chớ quên lời/Mong một ngày mai chan hòa đất mẹ niềm vui /Chiều nay lối về đất mẹ là đây/Đường xưa còn ấp ủ bóng trăng gầy/Có nghe đêm trường tiếng ru hời/Có nghe đêm trường tiếng ai cười/Suối lệ đoàn viên giữa lòng đất mẹ triền miên’. 

(Duy Khánh, Lối Về Đất Mẹ) 

     Có những người trai vừa từ giã sân trường, chia tay bạn của tuổi học trò hoa mộng thì lại vào quân ngũ. Đời lính dầm mưa dãi nắng, rày đây mai đó có khi quên mất những ngày xuân đang về giữa lúc quân hành, thì cũng là khi nhen nhúm tình người chiến binh trên khắp các mặt trận. Đó là tình đồng đội cùng chiến tuyến đã nhanh chóng nảy sinh và trở thành chiến hữu trên chiến trường sống chết có nhau. Vì vậy, dù mùa xuân có về khi quê hương đang còn tiếng súng thì người lính lòng xót xa con xuân này vắng nhà, dẫu biết là mẹ chờ em trông về một mùa xuân đoàn tụ:

‘Con biết bây giờ mẹ chờ em trông/Nhưng nếu con về bạn bè thương mong/Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường/Không lẽ riêng mình êm ấm/Mẹ ơi con xuân này vắng nhà/Mẹ thương con xin đợi ngày mai'.

(Trịnh Lâm Ngân, Xuân Này Con Không Về) 

3. Tình Yêu Lứa Đôi:

   Quả thật hình ảnh người lính phong sương rất oai hùng trong màu áo trận, mà trên mọi nẻo đường đất nước trong thời loạn thì sự xuất hiện của họ là không hiếm hoi. Với người em gái hậu phương, được làm ‘người yêu của lính’ là niềm hãnh diện đi bên cạnh cuộc đời của những người trai sương gió đang giữ gìn non sông gấm vóc trong thời chiến. Do vậy nên dù ở bất cứ nơi nào và hoàn cảnh nào đi nữa, người lính vẫn có lúc nhớ đến người yêu trên đường dừng quân, hay nhắc tên em muôn ngàn lần để mơ ước một ngày tròn tơ duyên với người yêu của lính:

Nếu em không là người yêu của lính/Ai sẽ nhớ em chiều dừng hành quân/Ai khẽ nhắc tên em muôn nghìn lần/Để thấy cánh sao gần/Không đẹp bằng hồn mắt giai nhân/Hỡi người em gái Gia Long ơi/Hỡi người em chốn xa xôi áo trinh thơm mùi giấy/Có khi anh ngỡ là mình quen nhau từ kiếp trước/Đến bây giờ mơ ước tròn tơ duyên để má em thêm hồng…'

(Trần Thiện Thanh, Người Yêu Của Lính)

   Xuân qua hè tới thu về rồi mùa đông trở lại lạnh lẽo nơi tiền đồn xa xôi heo hút. Từng chiếc áo len như tấm chân tình ấm áp từ hậu phương được gởi ra sa trường cùng muôn vạn niềm thương mến. Áo tuy không dày nhưng lòng thêm ấm những khi hành quân. Đó cũng là sự biểu lộ tình yêu đôi lứa và gói ghém tâm sự cùng ước một chiều nắng đẹp tình đất nước và hạnh phúc tương lai:

‘Nhớ mùa đông đến em ngồi đan áo ấm ra sa trường/Áo tuy không dày nhưng lòng thêm ấm những khi hành quân/Cho em mơ có một chiều nắng đẹp tình đất nước/Người về vui hạnh phúc tương lai/Áo đan xong rồi, nhớ cho em gởi muôn vạn niềm thương’.

(Trường Sa, Chuyện Tình Người Đan Áo)

   Mùa đông đi qua rồi mai đào lại nở mang mùa xuân trở về trên khắp quê hương. Dù nơi biên cương súng vang rền nhưng người lính vẫn hy vọng và chờ mong một ngày kết hoa đón pháo rượu nồng mừng duyên tơ hồng, hòa theo lời ca nhịp nhàng với vạn niềm yêu chứa chan:

‘Anh ơi em mơ thấy anh về trong rộn ràng/Đôi tim hân hoan kết se duyên thắm nồng nàn/Hòa theo cung đàn có lời ca nhịp nhàng/Vạn niềm yêu chứa chan/Em ơi biên cương súng vang rền anh ngỡ rằng /Quê hương thân yêu đón xuân về pháo rượu nồng/Mừng duyên tơ hồng, chúng mình nên vợ chồng/Là ngày anh ước mong‘

(Minh Kỳ, Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương) 

 

4. Lạc Quan - Vui Tính và Yêu Đời:

   Lính có một cuộc sống kỷ luật và năng động nhưng rất lạc quan với lý tưởng và trách nhiệm. Họ luôn sẵn sàng cho mọi tình huống khi ở đơn vị hay ra chiến trường. Không những thế, dù nơi tiền đồn heo hút hay dừng bước giữa hoang vu, bên con suối hay đèo cao dốc thẳm, những người lính đã không thiếu niềm vui khi cùng đồng đội chiều chiều ra bờ vắng ngắm mông lung, có người thì ước ao, có người thì khát khao và có người thì nằm đếm sao hay ba lô làm bàn ghi vội những dòng thư khi nhớ em thật đầy:

Ƭhư của lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em/Ƭhư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình/Ƭhư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay/Nhưng thư của lính ghi giữa rừng câу khi nhớ em thật đầy…Ƭhư của lính thư không được dài như mong ước đâu em/Ƭhư của lính chấm dứt ở dâу, sau khi đề thêm hai chữ hôn em’.

(Trần Thiện Thanh, Tình Thư Của Lính)

    Dẫu biết ‘tình thư của lính’ như đám mây chiều vân du cuối trời và có thể chẳng bao giờ đến tay người nhận, nhưng ‘lính mà em’ không dừng lại ở đó. Khi lính yêu em và yêu đời thì không ai có thể cản ngăn lính vẽ vời một đám cưới nhà binh linh đình ngay giữa Sài Gòn mà Cô Dâu là ‘một nàng Tiên trong dáng học sinh’ sẽ đẹp tuyệt vời, được bạn bè nhà trai hiên ngang cùng đoàn xe Jeep, xe tăng, tàu bay hộ tống với dàn quân nhạc dẫn bước Cô Dâu thật sang trọng, hai bên nhà trai nhà gái vui vẻ cả làng:

Một nàng Tiên trong dáng học sinh/Cười duyên liếc chiến binh đa tình/Ngời đôi mắt biếc xuân thanh bình/Nhìn bầu trời xanh xanh/Nghe trong tim tràn niềm yêu lính/Rồi sau khi cưới em sẽ cùng anh đi xa/Hai đứa mình vui trăng mật đậm đà/Nhà đơn vị anh bên suối trăng hoa đẹp xinh/Trời mây một cõi riêng của bọn mình

(Vũ Chương - Minh Kỳ, Đám Cưới Nhà Binh)

    Tôi được nghe live nhạc lính vào giữa năm 1976 khi đang hẹn hò với Sương Mai ở Sài Gòn. Nàng có khiếu về ca hát và thuộc rất nhiều loại nhạc trong đó có nhạc lính. Dường như trời phú cho Sương Mai có chất giọng rất hợp với tôi, làm chàng trai xứ Huế mến thương, nên mẹ từ Huế đã phải vào hỏi vợ cho con trai vào mùa hè 1977. Lễ thành hôn được tổ chức tại Sài Gòn vào mùa Noël cùng năm.

   Đến tháng 1.1979 khi có con đầu lòng thì tôi đã nghe và thuộc gần như toàn bộ những bài mà vợ đã hát trước và sau ngày cưới. Những năm gần đây đã có lúc nghe lại thì làm sao mà không nhớ Sài Gòn vào thời buổi ấy, nơi mà tôi đã sống 13 năm với nhiều kỷ niệm buồn vui trước khi ra nước ngoài vào năm 1987.

   Khi nhắc về những ca khúc viết cho lính với tiếng hát Sương Mai thuở nào có lúc chỉ dành cho một người nghe, thì nhớ nhất là vào những đêm nằm bên vợ, nghe nàng hát chưa hết bài thì chàng đã thở đều cho đến khi gà gáy sáng.

NGUYỄN SĨ LONG

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen