Huế và Salzburg có những
nét đẹp và tương đồng đến lạ lùng, nên mỗi lần về thăm nhà vào những năm đầu
tiên, nếu hành lý nhắm còn chỗ nhét được thì tôi thường mang theo một hai cuốn
Album và một vài tấm ảnh chụp nơi mình đang sống cho cả nhà xem. Người thích xem nhất là mạ tôi muốn
thấy con cháu ở quê người xứ lạ vì đôi ba năm mới về thăm nội một lần. Còn tôi thì lúc nào về nhà mạ cũng
thường tìm những cuốn ảnh cũ rích đang nằm ở đâu đó mà từ lâu lắm rồi ít ai đụng
tới nên bị ẩm mốc và hư hại rất nhiều, để vừa xem vừa chọn tấm hình nào đẹp hoặc
chưa hư thì mang về lưu giữ. Đây cũng là việc mà thuở xưa lúc còn sinh tiền, ba
tôi cẩn thận cất giữ phim ảnh và những cuốn tiểu thuyết võ hiệp (truyện chưởng) đối với ông đều rất quý. Và
thật không uổng công trong lần trở lại Huế lần gần nhất vào tháng 2.2019 năm ngoái, tôi đã tìm được một
tấm ảnh của Sương Mai, do chính tôi chụp ở Salzburg khi vợ con đã sang Áo được vài
tháng theo diện đoàn tụ vào đầu năm 1991.
Nhìn tấm ảnh mà nhớ lại những ngày chân ướt chân ráo trên quốc gia thứ ba. Để có một nơi cư trú được gọi là ổn định, tôi phải mất trên hai năm. Từ khi đến Áo vào giữa tháng 12.1988 cho đến đầu năm 1991 đã có năm lần thay đổi chỗ ở: trước tiên là trại Tỵ Nạn Thalham (đến cuối tháng 3.1989). Sau đó đầu tháng 4 về Linz khoảng một tháng rưỡi nhưng đi làm chỉ hai tuần rồi thất nghiệp. Lần thứ ba vào ngày 19.05.1989 về Salzburg ở cùng với ba cựu thuyền nhân là Thanh, Thành và Loan cũng từ trại Tỵ Nạn Palawan sang, trên đường Rudolf Biebl Straße 43. Ngày 22 tháng 8.1990 chuyển qua Aribonenstraße 37 và lần thứ 5 lại chuyển một lần nữa khi tôi được Bộ Nội Vụ Áo cấp nhà vào tháng 2.1990. Đây là căn hộ một phòng 23 m2 nằm trên tầng 4 cũng là tầng cuối cùng ở đường Bessarabierstraße 47. Tiền nhà mỗi tháng 913 Schilling (chưa đến 100 USD thời đó). Vào mùa đông căn phòng ấm nên không cần sưởi do ở tầng cao và hai bên đều có nhà ở. Lúc đi xem nhà thấy vừa ý nên đã bằng lòng sang lại đồ đạc của người chủ trước gồm: bộ Sofa, bếp, 2 tủ và 1 bàn. Diện tích nhà tuy nhỏ, nhưng với người độc thân thì như thế là tạm ổn nên chỉ mua thêm chiếc máy giặt rồi thôi. Những nhu cầu khác không thiết yếu nên chờ vợ con qua rồi tính sau.
Ở Salzburg thời đó tương đối dễ kiếm việc làm, nhờ vậy tôi đã có công việc ổn định từ tháng 6.1989 ở hãng Schokolade Mirabell, Grödig, nên khi có giấy chủ quyền nhà là đủ điều kiện để nộp hồ sơ bảo lãnh gia đình, mà vợ con là diện ưu tiên số 1. Hồ sơ được gởi qua tòa Đại sứ Áo ở Jakarta, mọi giao dịch bằng thư bảo đảm, chỉ tốn tiền tem. Ngoài trả phí thông dịch giấy tờ, thì không có bất cứ một khoản nào khác từ Áo cho đến Jakarta, Indonesia.
Chưa đầy bốn tháng sau khi nộp hồ sơ thì ngày 18.06.1990 nhận được tin vui từ Jakarta. Tòa Đại Sứ Áo báo tin là hồ sơ bảo lãnh đã hoàn tất. Thời gian tới họ sẽ gởi về cho gia đình ở Việt Nam, trong đó có giấy phép nhập cảnh của ba mẹ con.
Tin vui này được báo về nhà đã trở thành tin nóng; cho nên từ ngày đến ngày khác, từ vợ con cho đến cả hai gia đình nội ngoại ai cũng mong chờ, đến nỗi lúc vợ sắp ‘kiệt sức’ không thể chờ được nữa thì giấy phép nhập cảnh tới vào ngày 01.10.1990. Vợ viết cảm tưởng lúc đó: ‘thật không làm sao nói hết nỗi vui mừng của em và hai con, cả nhà ai cũng vui theo và reo hò’. Rồi suốt một tuần ngày nào vợ cũng chạy công việc, lên đường Nguyễn Du lo giấy tờ…, sau cùng là giao cho Dịch Vụ tiếp tục hồ sơ đến ngày có giấy phép xuất cảnh và chuyến bay là điều mong đợi càng nhanh càng tốt.
Trong khi ở Sài Gòn vợ con chuẩn bị những gì cần thiết cho một ngày sắp rời Việt Nam thì ở Salzburg, vào tháng 12.1990 tôi trở lại ngân hàng ký thêm một khoản vay nữa để mua TV và đầu máy làm quà cho hai con. Tôi được người quen giới thiệu đến tiệm của ông Peter ở Zillnerstraße 18 (gần LKH), mua 1 TV Multisystem Grundig 63 cm và 1 Videorecorder Panasonic NV 35. Cộng chung giá thành 24.980 Schilling, trả trước 12.980 S. Số tiền còn lại 12.000 S trả góp trong một năm.
Vào ngày 17.02.1991 nhận được điện tín vợ cho biết đã có chuyến bay sang Áo, cùng ngày giờ và địa điểm để chuẩn bị đón tiếp. Như vậy tính từ khi rời gia đình về Cần Thơ đi vượt biên ngày 26.05.1987 ở bến Ninh Kiều cho đến khi đoàn tụ vợ con ngày 21.02.1991 là 3 năm 8 tháng 27 ngày. Đây là một chuyến đi tuy gặp không ít những hiểm nguy và bất trắc, nhưng trên đường đời muôn vạn nẻo cũng cần có thêm ý chí và sự nhẫn nại thì đôi khi những điều may mắn lại đến bất ngờ.
Để đón vợ và hai con từ Sài Gòn trên chuyến bay đến phi trường Vienna lúc 8:30 giờ sáng ngày 21.02.1991, nên chiếc xe 9 chỗ phải khởi hành từ Salzburg lúc 3 giờ sáng. Ngoài tôi còn có anh chị Việt & Hạnh cùng hai con và Khương. Ở phi trường Wien thật bất ngờ gặp lại chị Tuyết cũng đến chia vui ngày gia đình sum họp. Vợ chồng, cha con gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi trong nước mắt. Có xúc động nào hơn khi những tháng ngày mong đợi dài lâu cùng những lo âu xa vắng, thì những vòng tay hội ngộ dường như vẫn không đủ che lấp suốt bao năm cách biệt mong chờ. Dù sao thì tôi cũng có thêm niềm vui sướng nữa khi nghĩ đến lời hứa trước khi ra đi giờ đã thành hiện thực.
Trên đường trở về Salzburg ba mẹ con quá mệt nên ngủ ngon. Tôi thì nhớ lại từ lúc sang Áo đến giờ chỉ gặp vợ chồng chị Tuyết một lần, vậy mà chị đã dành thời gian đi đón một gia đình chưa thân quen là việc hết sức cảm động và quý báu. Đâu có ai ngờ 13 năm sau, hai gia đình chúng tôi kết thông gia như là mối duyên của đôi bên thân thiết cho tới bây giờ.
NGUYỄN SĨ LONG
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen