Dienstag, 21. Juni 2022

KÍNH VIẾNG THẦY


Tổ Đình Từ Hiếu

   Về Huế từ hôm 5 tháng 5.2022 nhưng đến ngày 21.05 tôi mới lên thăm chùa Từ Hiếu, là ngôi cổ tự thuộc phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Đây là một trong bốn ngôi chùa mà thuở học trò chúng tôi thường đến tham dự vào những ngày Tết hay lễ lớn là chùa Diệu Đế, Từ Đàm, Từ Hiếu và Thiên Mụ. Nay sau gần nửa thế kỷ xa nhà, Huế tuy có nhiều đổi thay, tôi thì đã trọng tuổi nhưng vẫn muốn tự mình chạy xe lên Chùa khi vẫn còn nhớ con đường từ Thành Nội lên Nam Giao, là một địa điểm cách Tổ Đình Từ Hiếu chỉ vài cây số.

   Tôi đậu xe ngoài khu vực Chánh Điện không xa, quanh sân chùa trông rất vắng vẻ chỉ thấy chừng ba người đang ngồi chuyện trò và một người phụ nữ tay cầm bó hương và vài chiếc quạt giấy đang đi tới nhìn tôi chào hàng:

   -Chú mua giúp bó hương để vào lễ Phật.

  Tôi hỏi bao nhiêu rồi mở bóp lấy tờ giấy bạc 10.000 đồng, người bán hương nói tiếp: 

   -Trời nắng nóng quá mua giúp cháu cái quạt, tôi lắc đầu cảm ơn rồi đi tiếp. Nhưng chỉ sau vài bước chân tôi thấy có nhiều những quy định được đặt khắp nơi, từ trên bậc thềm cho đến ngoài sân:

    Xin vui lòng đừng đốt hương tại đây 

    Xin vui lòng để giày dép bên ngoài. 

   Tôi nghĩ thầm vậy là mình đã gặp một người bán hương không thật thà, họ đã biết không được đốt trong vùng cấm nhưng vẫn chào mời cho những ai đến viếng chùa lần đầu tiên, chuyện này tôi dễ thông cảm nên chẳng bận tâm. 


    
Chánh Điện

   Tôi tháo giày, bước tiếp lên vài bậc tam cấp rồi cởi áo khoác, mũ bảo hiểm và kính mát đặt xuống nền nhà bóng loáng và sạch sẽ. Riêng bó hương tôi không biết để ở đâu cho phải, cuối cùng để tạm trên thùng Phước Sương. Nhìn ba gian thờ ở Chánh Điện thật yên tĩnh và trang nghiêm từ những bức tượng, ảnh thờ, bài vị, hoành phi, câu đối, liễn thờ cùng chuông mõ được xếp đặt thật ngay ngắn với nhiều vật dụng như chưa bao giờ được biết hay nghe thấy nhưng vẫn có sức thu hút sự chú ý của người xem, trước khi chấp tay thành kính dâng lời khấn nguyện, nghe đâu đó ở trong lòng mình chợt rung lên niềm cảm xúc trở về dưới mái Chùa xưa với niềm mong ước sẽ được đứng trước di ảnh của người Thầy kính mến, tuy chỉ gặp một lần ở thành phố Salzburg, Áo tính đến nay đã hai mươi tám năm nhưng hình ảnh Thầy khi đã thấy, đã nghe, đã đọc sách Thầy viết và đã gặp Thầy ngoài đời thì khó mà quên được, dù nay Thầy đã yên nghỉ nơi quê nhà vào những năm cuối đời. Đó là thầy Thích Nhất Hạnh, đã viên tịch vào ngày 21.01.2022 tại Tổ Đình Từ Hiếu, Huế, ở tuổi 96.


 Di Ảnh Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

  Nhìn đồng hồ lúc đó 13:50 giờ, vào giữa trưa vắng người, chỉ một mình tôi trong không gian tịch lặng này nên đã ghi được nhiều hình ảnh sau khi đã làm xong một việc là thay mặt Phật tử Lê Thị Tuyết ở Vienna, bỏ giúp chị phong bì cúng dường vào thùng Phước Sương rồi chầm chậm đi ra phía sau Chánh Điện. Đây cũng là lúc tôi không biết phải giải quyết bó hương như thế nào thì người bán hương lại xuất hiện, thật nhẹ nhõm khi tặng lại bó hương cho người bán rồi đi tiếp, vừa đi vừa chăm chú quan sát mới cảm nhận được lối kiến trúc giản dị đặc trưng ba gian hai chái truyền thống thường thấy ở các ngôi chùa, mặt trước là nơi thờ Phật mà chúng ta đã thấy ở khu vực Chánh Điện, còn phía sau là nơi thờ Tổ. Vì thế cho đến khi đi hết một dãy nhà nhiều gian như phía trước thì gặp một bàn thờ trong dãy nhà ba gian hai chái nằm ngang, mà gian chính giữa dựa lưng vào tường phía sau đúng là nơi mà tôi muốn tìm. Tôi dừng lại ở đó khá lâu để ngắm di ảnh của Thầy và những gì xung quanh được trưng bày gồm một căn phòng có nhiều ghế cùng những Pháp khí Phật giáo để thực hành các loại Pháp sự của quý Thầy được đặt trên hai chiếc bàn dài và rộng. Không gian nơi đây lại càng yên tĩnh hơn, đã chừng hơn nửa tiếng đồng hồ trôi qua nhưng không thấy một ai ‘lạc bước’ viếng chùa vào giờ nghỉ trưa. Do vậy tôi có nhiều thì giờ và thấy không gì phải vội vàng vì biết đâu sau này sẽ khó có cơ hội trở lại, lúc này lòng cảm thấy thật vui khi đã thực hiện được ước nguyện. 



   Tôi ra ngoài rồi đi loanh quanh xem một số chậu hoa và cây cảnh trước sân cùng một số lăng mộ hai bên khu vực nhà thờ thầy Nhất Hạnh được bao quanh bởi những hàng cây xanh lá kiên nhẫn nằm phơi mình dưới những ngày hè nắng nóng cùng gió thoảng mây trôi bên những đồi thông. 

   Tôi đi ra lối cũ với ý định lấy xe để về nhà, lòng như chứa chất niềm bâng khuâng về những năm tháng cũ trong một ngày mới, hôm nay và tại đây. Nếu hỏi, tôi nhớ gì trong lúc này thì tôi sẽ xin thưa ngay là thầy Nhất Hạnh xa quê hương 39 năm mới trở về cố hương; còn tôi từ năm 1974 rời xứ Huế sống xa gia đình đến nay cũng đã 48 năm, mỗi khi nhớ mẹ là nhớ đến Thầy qua đoản văn Bông Hồng Cài Áo, một cuốn sách nhỏ được Thầy viết vào năm 1962 để vinh danh tình mẹ cao quý và gây cho người đọc trân trọng những gì mà họ có được ngay trong giây phút hiện tại. Và cũng từ đoản văn này một nghi thức vào ngày Rằm tháng 7 Âm lịch mang tên “Bông Hồng Cài Áo” đã ra đời mà cho đến nay Lễ Cài Hoa Hồng đã trở thành đại lễ của người con Phật nhớ về Mẹ trong ngày Vu Lan Báo Hiếu.

   Thiền sư Thích Nhất Hạnh ra nước ngoài từ những năm đầu thập niên 1960, Thầy là người tiên phong trong việc đưa Phật giáo qua Tây phương. Ngoài Tu Viện Làng Mai ở Pháp là cơ sở chính, thầy đã mở nhiều thiền viện và những trung tâm thực hành mà nhiều nhất là ở Mỹ và Âu châu cũng như đi khắp thế giới thuyết giảng và tổ chức những khóa Thiền. Cũng nhờ vậy mà tôi đã được gặp thầy Nhất Hạnh, Ni Sư Chân Không, Sư cô Thoại Nghiêm và Sư cô Diệu Nghiêm nhân chuyến đi giảng Thiền cho người Áo vào hai ngày 4 và 5 tháng 11 năm 1994. Chúng tôi đã được vinh dự đón tiếp phái đoàn chùa Làng Mai, đi thiền hành cùng Thầy và quý Sư cô qua phố cổ Getreidegasse, Salzburg rồi sau đó tham gia một buổi Thầy giảng Thiền cho người Áo và một buổi dành riêng cho Cộng đồng Người Việt khắp nơi trên nước Áo về dự.

   Gần 15 giờ trời bớt nắng tôi chuẩn bị ra về. Niềm hạnh phúc của tôi bây giờ là sắp được cùng Thầy bước đi trên những con đường mà Thầy đã căn dặn các đệ tử:

 "Nếu một ngày thầy mất đừng xây tháp mộ gì cho Thầy, tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng Thầy. Tro cốt Thầy hãy chia đều cho các Thiền viện Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày thầy và các con vẫn đi thiền hành chung".

 

NGUYỄN SĨ LONG

Sài Gòn, 21.06.2022


VÀI HÌNH ẢNH CHÙA TỪ HIẾU














Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen