Dienstag, 21. Februar 2023

DƯỚI TÀNG LÁ CÂY ĐA


Trường Đại Học Luật Khoa Huế (7.2013)


Một vài số liệu và hình ảnh trong bài viết này được trích dẫn từ Tập San Cây Đa Trường Cũ – Kỷ Niệm 60 Năm Ngày Thành Lập Trường Đại Học Luật Khoa Huế (1957-1975). Huế Tháng 8.2017 

   Trân trọng cảm ơn các anh trong Nhóm Chủ Biên:

Nguyễn Duy Hiền – Tôn Thất Quỳnh Bằng – Nguyễn Nhiên

 

   Tôi sinh ra ở Huế nhưng chỉ sống ở thành phố thơ mộng này được 9 năm rồi ‘phiêu bạt giang hồ’, tạm dung thân ở phương Nam trước khi đến định cư nơi đất lạ xứ người, cũng là quê hương thứ hai cho tới bây giờ. 

   Trong 9 năm (1965-1974) tôi cần 5 năm để hoàn tất bậc trung học trước khi ghi danh vào khoa Luật với chương trình cử nhân bốn năm. Trường nằm trên con đường cạnh bờ nam sông Hương, rất gần và cũng rất thân thiện với “lũ học trò mái tóc thề óng ánh / áo trắng về kín những đường hoa”. Đó là đường Lê Lợi, được người Huế ca ngợi là con đường tình lãng mạn đẹp nhất thành phố, mỗi ngày không thể đếm hết có bao nhiêu bước chân nam thanh nữ tú đã qua đây từ các ngôi trường danh tiếng như Quốc Học, Đồng Khánh, Kiểu Mẫu...và các trường Đại học Văn Khoa, Khoa học, Sư phạm, Luật khoa đều quy tụ về đây như là một trung tâm văn hóa đặc thù của đất Thần Kinh khi có thêm Viện Đại Học Huế được thành lập từ năm 1957 gồm 5 phân khoa: Văn khoa, Khoa học, Sư phạm, Luật khoa và Y khoa. 

   Ngày đầu tiên đến trường ghi danh ít nhiều cũng có cảm giác hồi hộp ngó trước nhìn sau. Vì đã trải qua mấy năm hòa nhịp sống với thị thành nên đường Lê Lợi quá quen thuộc, từ Đập Đá cho đến ngã ba đường Nguyễn Huệ gần Ga Huế có nhiều dinh thự, cầu Trường Tiền, bệnh viện, tòa hành chánh, thư viện và nhiều trường học rộng lớn, trong khi khuôn viên trường Luật tọa lạc ở một vị trí rất đẹp nằm đối diện với Viện Đại Học Huế (số 3 Lê Lợi) nhưng khiêm tốn về diện tích với cổng chính quay ra đường Lê Lợi. Đứng ở đây nhìn vào dãy nhà nằm ngang là giảng đường B và các phòng nhỏ. Bên trái là giảng đường Phan Văn Thiết, bên phải là Phòng ghi danh và Văn phòng Ban đại diện Sinh viên. Phía sau cùng là dãy nhà hai tầng lầu, tầng trệt dành cho phòng Tổng thư ký và nhân viên làm việc. Tầng trên, ngoài văn phòng Khoa trưởng và Hội đồng Giáo sư còn có thư viện và phòng đọc sách. Dãy nhà này có cổng phụ bề ngang chừng một mét hướng ra đường Lam Sơn, đây cũng là ngõ đi bộ cho quý thầy thường đến trường từ cư xá giáo sư số 2 Lê Lợi chỉ cách vài trăm mét. Và điều ngạc nhiên hơn cả là tuy cơ sở phòng ốc không lớn nhưng trong sân trường cạnh giảng đường Phan Văn Thiết có một cây đa tàng lá sum sê, thân cây cao lớn chừng hai người ôm không hết, tuổi thọ thật khó đoán, nên hình ảnh ấy từ năm xửa năm xưa cho đến bây giờ đã gắn liền với tên gọi thân thiết là cây đa già vẫn thủy chung như đợi chờ các cô cậu sinh viên thuở nào trở về Huế thăm trường cũ với tình cảm trân quý như còn được giữ lại trước dòng đời bao cuộc đổi thay, nhưng vẫn không quên những ngày đầu tiên chân ướt chân ráo bước vào ngưỡng cửa Đại học ở ngay thành phố mình đang sống nhưng vẫn thấy ít nhiều xa lạ, bỡ ngỡ khi chưa được gặp ai là bạn bè trong sân trường mới. Vui làm sao khi nhóm người trẻ tuổi ăn diện chỉnh tề, những chiếc áo dài thướt tha lịch sự đứng chờ đến phiên mình ghi danh vào trường Luật năm thứ nhất. Cũng có người dạo quanh sân trường quan sát hay đứng dưới cây đa già nhìn tàng lá xanh tươi với nụ cười thích thú làm quen. Chắc chắn ai cũng có niềm vui riêng khi chọn khoa Luật để theo đuổi một giấc mơ hay một hướng đi trong tương lai.

   Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó trên những hàng ghế thường ngày trong giảng đường đã có những lời hỏi chào, những nụ cười tươi trẻ, những bàn tay thân thiện đã kéo chúng tôi gần lại với nhau và theo thời gian trong năm học đầu tiên đã thành lập được một nhóm bạn chính thức là 10 thành viên, có tên gọi là Nhóm Sinh Viên Việt, Luật Khoa Huế. Chàng sinh viên trẻ tuổi Nguyễn Tấn được bầu làm trưởng nhóm nhiệm kỳ đầu tiên vì theo các bạn thì Tấn là người trầm tĩnh, chững chạc và lần đầu tiên được nhận giải vô địch Kỳ Vương Luật khoa niên khóa 1970/1971 được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán.

  Năm đó 1971 Huế vào hè, sinh viên các lớp của trường Luật bận rộn cho việc thi cử sắp tới. Trong thời gian này, chúng tôi cũng có dự tính làm một số báo đặc biệt để kỷ niệm ngày thành lập Nhóm bạn trước khi kết thúc năm Luật 1. Trong một buổi họp đầu tiên của Nhóm để phân chia công việc về viết lách và in ấn, lúc đó Lê Hiếu Liêm phụ trách về báo chí nên đã nhận lãnh công việc này. Tuy chưa bắt tay vào việc nhưng bước khởi đầu đã làm bạn bè nô nức và hứa hẹn đóng góp bài vở càng nhanh càng tốt cho kịp thời gian. Sau đó Liêm đã liên hệ và nhờ sự giúp đỡ của thầy Trương Như Lượng, hiệu trưởng trường Kỹ Thuật Huế, nên Đặc San Kỷ Niệm Ngày Thành Lập Nhóm Việt Và Ngày Tan Trường Luật 1 1970-1971 in ronéo, 52 trang đen trắng đã hoàn thành, đa số là những bài viết của các tác giả tuổi chừng đôi mươi nhưng suy nghĩ đã sớm trưởng thành, thể hiện lòng yêu nước thương nòi, thúc giục lớp trẻ “hãy đứng dậy lên đường cứu nước, giữ nước Việt Nam anh hùng và bất khuất” để cùng nhìn về tương lai “Khai phá tuổi trẻ vĩ đại - Phụng sự quê hương anh hùng”, đã kịp ra mắt vào tháng 8.1971, cũng là tờ báo duy nhất trong suốt bốn năm học từ 1970 đến 1974. 


Huy hiệu trường Đại học Luật khoa Huế*

   Trong năm học đầu tiên hai giảng đường thường kín chỗ vì số sinh viên ghi danh năm thứ nhất rất cao, như niên khóa 1969/1970 có 722 sinh viên, gấp gần 5 lần so với niên khóa 1960/1961 với 161 sinh viên đã ghi danh vào năm thứ nhất. Năm Luật 1 có 8 môn học gồm: Dân luật, Luật hiến pháp, Kinh tế học, Quốc tế công pháp (4 môn toàn niên), Pháp chế sử, Cổ học, Chính trị học, Luật đối chiếu (4 môn bán niên) và hai môn Danh từ kinh tế Anh ngữ, Danh từ kinh tế Pháp ngữ. Với tôi nhớ nhất là những giờ học và thi của thầy Nguyễn Toại và thầy Nguyễn Mạnh Bách. Thầy Nguyễn Toại dạy môn Dân luật năm thứ nhất, thầy đến trường có xe đưa đón, đến đúng giờ và về cũng đúng giờ. Thầy giảng bài chậm rãi, nhẹ nhàng và hình như chẳng chú ý đến việc sinh viên nhiều hay ít, nghe hay không nghe. Đến mùa thi cử ở bên ngoài giảng đường Phan Văn Thiết thường có nhiều sinh viên mang ‘bầu tâm sự biết tỏ cùng ai’ ra ngồi dưới gốc cây đa già xem lại bài vở. Qua năm sau, thầy Nguyễn Mạnh Bách thay thầy Nguyễn Toại để phụ trách môn Dân luật từ luật 2, luật 3 và luật 4 cho đến khi ra trường. Có thể nói thầy Nguyễn Mạnh Bách là vị giáo sư từ Sài Gòn ra chúng tôi học với thầy nhiều giờ nhất và cũng ‘ngán’ nhất trong đội ngũ giáo sư của trường Luật, Huế. Thầy Nguyễn Toại nghiêm nhưng hiền, dễ chịu. Thầy Nguyễn Mạnh Bách nghiêm nghị hơn nhưng rất thu hút dễ nhìn, ẩn chứa một cái gì đó khó diễn tả khiến sinh viên kính nể, tôn trọng mà không dám gần. Trong ba năm học và thi cử mặt đối mặt nhưng chưa bao giờ thấy thầy nở một nụ cười.

   Bước sang năm Luật 2 bạn bè mừng cho Lê Hiếu Liêm đã thi đậu vào trường Quốc Gia Hành Chánh, nhưng buồn vì nhóm Việt đã mất một người bạn giỏi và đa tài phải chuyển trường vào Sài Gòn. Những người bạn còn lại chuyển lớp vẫn 8 môn học trong đó có 4 môn mới là: Hình luật, Tài chánh công, Bang giao quốc tế và Luật hành chính. Tuy bài vở không nhẹ nhàng cho lắm nhưng vẫn dành thời gian để tham gia vào các sinh hoạt của nhà trường như thể thao, du ngoạn và giải Kỳ Vương thường được tổ chức trong lễ hội Tết Nguyên Đán hàng năm. Nhờ vậy mà có tin vui bạn Nguyễn Tấn đánh bại các kỳ thủ để đăng quang ngôi vị Kỳ Vương Luật khoa một lần nữa trong niên khóa 1971/1972. Thật là điều hết sức vui mừng cho nhóm bạn chúng tôi.

   Ngoài ra việc bầu cử Đại Hội Đồng sinh viên Luật khoa (gồm toàn thể sinh viên đang ghi danh theo học), Hội đồng sinh viên, (gồm đại diện các lớp năm thứ nhất, hai, ba và bốn), và Ban Đại diện sinh viên Đại học Luật khoa là cơ quan đại diện cho tập thể sinh viên của trường được bầu theo thể thức liên danh (gồm 1 Chủ tịch, 1 Phó chủ tịch và 1 Tổng Thư ký) trực tiếp và bỏ phiếu kín là không kém phần sôi nổi và quan trọng, trong khi những ‘thế lực bên ngoài’ cũng muốn tranh dành ảnh hưởng trước và sau cuộc đua, ai sẽ đắc cử Tân chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên trong niên khóa mới?

   Năm Luật 2 cũng ghi nhận bước đầu một số thành viên của Nhóm tham gia vào sinh hoạt bầu cử Hội đồng Sinh viên và Ban Đại diện Sinh viên niên khóa 1971/1972, nhờ vậy nên đã có nhiều dịp để kết giao với một số “đàn anh cùng đàn em” như Mai Pha, Trần Đình Sơn Cước, Trần Văn Hòa, Nguyễn Thú, Võ Tiếp, Dương Hồ Chứng, Trần Lý, Lê Văn Hồng, Nguyễn Danh, Nguyễn Trạch, Hồ Ngọc Dũng, Nguyễn Thị Thu Thảo, Hà Văn Khuê, Nguyễn Văn Chu, Võ Văn Hịch, Trần Sáo…Trong số những người bạn trên, với Hồ Ngọc Dũng tôi đến chơi và ở lại nhà bạn đôi ba lần. Với đàn anh Trần Đình Sơn Cước, đã mời đàn em trong một bữa gặp gỡ rất thân mật ở Quán Huế cạnh bờ sông An Cựu. Đây cũng là năm Trần Đình Sơn Cước đắc cử Chủ tịch Ban đại diện SVLK niên khóa 1971/1972. Riêng các bạn trong Nhóm thì đã có nhiều dịp đến thăm nhà tôi, đôi khi ở lại cùng học bài thi nữa.

   Nhà tôi ở trong nội thành gần Vườn Cam Tây Lộc, đi học với chiếc xe Honda Dame C50 thường chạy ngang nhà Tấn trên đường Mai Thúc Loan ra cửa Đông Ba, lên phố Phan Bội Châu qua cầu Trường Tiền. Đôi khi hẹn gặp các bạn ở nhà Tấn rồi cùng nhau ghé cà phê Tôn trước khi đến trường. Thời buổi đó tuổi chúng tôi mười tám hai mươi mà có xe Honda là ‘oai lắm’ khi mỗi cuối tuần thường hẹn hò đưa em lên non tìm động hoa vàng hay tìm chỗ dựa lưng bên sườn đồi nghe tiếng thông reo. Cũng có lúc gặp trời Huế sang xuân thấm ướt những cơn mưa phùn bạc trắng Hương Giang, cùng thời tiết đủ lạnh để ngồi gần nhau hơn bên ly cà phê nghe nhạc Trịnh với những khúc tình ca đánh thức những trái tim non trẻ ‘hãy cứ vui như mọi ngày, dù chiều nay không ai qua đây...’ Chút không gian ấy đôi khi trôi dạt về Cồn Hến, nơi mà những mái đầu xanh ngồi kề vai nhau ngọt ngào ly chè mùa hạ để được ngắm làn môi em thơm ngát hương bắp nổi tiếng Cố Đô. Rồi chẳng có ai đợi chờ nhưng thành phố Huế bỗng nhiên rung chuyển với Mùa hè đỏ lửa cùng lệnh Tổng động viên. Bạn bè bỏ trường bỏ lớp cùng gia đình chạy vào Đà Nẵng với nhiều bất ổn về chuyện học hành và đi lính. Ngày rời Trung tâm Nhập ngũ Đà Nẵng với Giấy xuất trại trở về trường, lớp Luật 2 chỉ còn 10 sinh viên sinh năm 1952 đủ tuổi để học tiếp, nhóm SV Việt chia tay ba người bạn thân thiết Nguyễn Tấn, Nguyễn Phi Hoàn cùng nhập ngũ khóa 3/72 SVSQ Trừ Bị Thủ Đức và Phạm Như Tân Thụ Huấn khóa 7/72 Sĩ Quan Cảnh Sát, Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Mùa hè đỏ lửa đã để lại không ít mất mát cùng với nỗi buồn đau ly tán nên cũng đã ảnh hưởng đến lịch giảng dạy của một số thầy cô mà nhiều nhất là ở Sài Gòn.


   Đối với nhà trường, chúng tôi được biết về đội ngũ Ban giảng huấn luôn được Giáo sư Khoa trưởng Nguyễn Sĩ Hải mời thêm giảng viên như ở các Phân khoa khác thuộc Viện Đại học Huế nói chung từ khi mới được thành lập năm 1957. Thời gian đầu Ban giảng huấn rất ít, hầu hết là các Giáo sư và Tiến sĩ luật khoa tốt nghiệp ở nước ngoài và những chuyên gia hành nghề luật sư, thẩm phán. Đến thập niên 70, giới trí thức khoa bảng được đào tạo ở trong cũng như ngoài nước phát triển mạnh về số lượng cũng như chất lượng gồm một đội ngũ trí thức tài năng và uy tín được giới sinh viên từ Sài Gòn và Huế, là hai Viện Đại học lớn nhất nước ngưỡng mộ và kính phục, nhưng vẫn chưa đủ nhân sự để đáp ứng nhu cầu khi trường Luật Huế, ngoài số giáo sư thường trực có thể kể đến là GS Khoa trưởng Nguyễn Sĩ Hải (Tiến sĩ Luật Quốc tế Công pháp), thầy Nguyễn Toại (Phó Chưởng lý Tòa Thượng Thẩm Huế), thầy Trần Tấn Việt (Luật sư Tòa Thượng Thẩm Huế), thầy Bùi Hòe Thực (Chánh Án Tòa Thượng Thẩm Huế), thầy Phan Xuân Thế (Hội Thẩm Tòa Thượng Thẩm Huế), thầy Võ Nhất Minh (Chánh Án Tòa Sơ Thẩm Đà Nẵng), thầy Nguyễn Văn Liên (Phụ tá Khoa Trưởng), Bác sĩ Trần Kiêm Khoan, thầy Nguyễn Hữu Doãn, thầy Trần Trọng Hân, Phụ khảo Trần Văn Dung…trường còn mời thêm nhiều Giáo  sư, Luật sư và Giảng viên trong đó có một số đang giảng dạy ở trường Luật khoa Sài Gòn trong danh sách có: LS Bùi Chánh Thời, GS Nguyễn Mạnh Bách, GS Vũ Quốc Thúc, GS Nguyễn Văn Trường, GS Phan Tấn Chức, GS Nguyễn Cao Hách, GS Bùi Tường Huân, GS Châu Tiến Khương, GS Phan Xuân Thế, GS Nguyễn Trường, GS Lê Quế Chi, GS Nguyễn Ngọc Huy, GS Trịnh Đình Tiêu, GS Võ Xuân Hân, GS Nguyễn Hữu Lành, GS Vũ Tiến Thu, GS Nguyễn Xuân Lại, GS Nguyễn Quang Quýnh, GS Nguyễn Ngọc Văn, GS Nguyễn Quới, GS Tạ Văn Tài…là những vị ân sư mà sinh viên Luật khoa Huế chúng tôi cho đến bây giờ vẫn luôn nhớ đến với lòng biết ơn. Cũng vì đa số giáo sư trong Ban giảng huấn ở xa cho nên đôi khi một học kỳ có tuần chỉ học năm đến mười tiếng, nhưng khi thầy từ Sài Gòn ra Huế thì học liên tục một đến hai tuần từ sáng cho đến 8 giờ tối, hoặc có lúc mượn giảng đường Karate của trường Đại học Sư Phạm với sức chứa hàng trăm sinh viên.

   Đến năm Luật 3 khó mà biết được trong niên khóa mới còn được bao nhiêu sinh viên sau lệnh Tổng Động Viên. Riêng nhóm SV Việt chỉ con 6 bạn gồm: Cao Hữu Tình, Trần Hoa, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Văn Nuôi, Trần Thiện Tú và Nguyễn Sĩ Long;  vì ngoài sinh viên chuyên cần, còn có sinh viên miễn chuyên cần là những người đã tốt nghiệp trung học thì nay đã là công chức, nhà giáo, quân đội, cảnh sát...không phân biệt tuổi tác đều được ghi danh miễn chuyên cần, chỉ lấy cours về nhà học mà không phải đến trường. Đó là lý do khiến cho trường Luật là một trong những trường Đại học có số sinh viên cao nhất, đặc biệt là vào năm thứ nhất. Mặc khác, từ năm thứ 3 sinh viên phải chọn một trong ba ban là Công pháp, Tư pháp và Kinh tế. Ban Công pháp đào tạo viên chức cao cấp về hành chính, ngoại giao hay những chính trị gia. Ban Tư pháp để trở thành Thẩm phán, Luật sư, Cố vấn pháp luật. Ban Kinh tế đào tạo Kinh tế gia, Chuyên viên ngân hàng và quản trị kinh tế. Về việc chọn một trong ba ban, tôi muốn trở thành luật sư sau khi tốt nghiệp nên đã chọn ban Tư pháp. Ngoài những môn học chung và riêng cho ba ban tại trường, sinh viên ban Tư pháp còn được đi tập sự ở hai Tòa Án là Huế và Đà Nẵng. Riêng Ban Kinh tế được sự cho phép của GS Khoa trưởng, trong năm 1973 sinh viên năm thứ ba và năm thứ tư đã tổ chức “Ngày ra mắt Nhóm Sinh viên Nghiên cứu Kinh tế” để chính thức công bố lý do cùng chương trình sinh hoạt của Nhóm. GS Nguyễn Sĩ Hải đã mời cả GS Viện trưởng Lê Thanh Minh Châu và GS Phó Viện trưởng Nguyễn Văn Hai cùng đến tham dự. Bạn Nguyễn Đức Tâm thay mặt Nhóm đọc diễn văn khai mạc, đã nói lên được sự cần thiết cho sinh viên Kinh tế cùng nhau học tập cũng như kêu gọi các lớp đàn anh chia sẻ kinh nghiệm làm việc để góp phần cho sự trưởng thành của ban Kinh tế, Luật khoa Huế. Cũng nên biết ban Kinh tế năm thứ ba chỉ bảy sinh viên, trong đó có ba thành viên của Nhóm là Trần Thiện Tú, Nguyễn Đức Tâm và Trần Hoa. Và năm 1973 cũng là năm một lần nữa nhận tin vui khi bạn Trần Hoa đã thay mặt đàn anh Nguyễn Tấn (đã nhập ngũ hè 1972) nhận giải Kỳ Vương đầu tiên, ghi thêm một thắng lợi lần thứ ba cho Nhóm SV Việt.

   Sau ngày ra mắt ‘Nhóm sinh viên Nghiên cứu Kinh tế’, sinh viên ban Kinh tế được thầy Khoa trưởng sắp xếp cho một chuyến đi thực tập về quản lý xí nghiệp ở Sài Gòn 2 tuần, được đưa đi thăm các Công ty làm mì gói, làm giấy, bột ngọt, tìm hiểu hoạt động Công ty sản xuất bình điện…Tất cả đều có những giúp đỡ thiết thực.

   Sau những ngày đi thực tập, các công ty và các thầy đã vài lần thay nhau đưa sinh viên đi ăn tối ở những nhà hàng rất sang trọng, cảm động nhất là cô Tăng Thị Thành Trai đã mời cả Nhóm sinh viên kinh tế về nhà cô dùng bữa cơm gia đình. Được biết từ năm 1957 đến 1975, trường có 6 vị Khoa trưởng và cô  Tăng Thị Thành Trai (Tiến sĩ Luật khoa) là nữ Khoa trưởng đầu tiên (1958) và GS Nguyễn Sĩ Hải (Tiến sĩ Luật khoa) là vị Khoa trưởng cuối cùng (1966-1975) của trường Đại học Luật khoa Huế.

   Trở lại bốn năm trước khi tôi ghi danh vào trường Luật niên khóa 1970/1971. Từ năm 1966 trường đã nâng chương trình cử nhân Luật khoa lên bốn năm, thay vì 3 năm như trước đây, cũng là năm GS Nguyễn Sĩ Hải đảm nhận chức vụ Tân Khoa trưởng Đại học Luật khoa Huế. Thầy đã có công chuẩn bị và đặt lại vấn đề cải tiến học trình cử nhân 4 năm của trường, được áp dụng từ niên khóa 1966/1967, trong hai năm đầu gồm 8 môn học và hai môn ngoại ngữ như đã trình bày ở phần đầu bài viết. Đến năm thứ ba riêng ban Tư pháp vẫn có 8 môn: Dân luật, Luật Thương mại, Luật Lao động, Luật Dân sự tố tụng, Kinh tế học, Cổ luật, Luật La Mã và Quốc tế Tư pháp, nhưng đến năm thứ tư mới thật sự ấn tượng về số lượng 15 môn: Dân luật, Quốc tế Tư pháp, Luật Thương mại, Luật Giao thông, Luật Gia đình (phân chia tài sản), Luật Đồng bào Thượng, Luật Hàng không, Luật Hàng hải, Tội phạm học, Hình luật đặc biệt, Thủ tục tố tụng, Phương cách chấp hành, Luật Bảo hiểm, Luật Thuế vụ, Luật đối chiếu. Sinh viên có 4 chứng chỉ trúng tuyển kỳ thi của 4 năm học sẽ được cấp bằng Cử nhân Luật khoa. 

   Năm thứ tư cũng là năm cuối bạn bè chúng tôi có thêm niềm vui khi Trần Hoa đoạt giải Kỳ Vương lần thứ 2, niên khóa 1973/1974. Đây là chiếc “Cup Vàng” thứ 4 của Nhóm SV Việt trước khi bạn bè hạn chế họp mặt ở một vài địa chỉ quen thuộc hay thăm viếng danh lam thắng nổi tiếng của xứ Huế để chuẩn bị thời gian cho khoảng hai tháng trước mùa thi. Một số bạn ở gần nội thành đã chọn đại nội là nơi yên  tĩnh nhất để ôn bài, đồng thời ở nhà thì thức khuya dậy sớm vì việc học thi thường gắn liền với sự kiên nhẫn và ít nhiều cũng có sự lo âu nên đôi lúc cần lắng nghe ông bà ta thường nói gần xa rằng “học tài thi phận” để bình tĩnh đón nhận niềm vui hay nỗi buồn khi tìm tên mình trên ‘bảng vàng’ mà mọi người đều mong đợi. 

   Kỳ thi tốt nghiệp kết thúc với những tiếng thở phào nhẹ nhõm của bạn bè thì cũng có trường hợp hết sức đáng tiếc xảy ra là một anh bạn học khá thân có quyền cao chức trọng trong đời binh nghiệp, bị đánh rớt chỉ với một môn Dân luật của GS Nguyễn Mạnh Bách. Người sĩ quan trẻ nhưng quân hàm lớn, một tay ôm súng và tay còn lại ghi danh miễn chuyên cần nhưng rất chăm chỉ, thường đến trường mỗi khi có những môn học quan trọng. Đó là Trung Tá Hoàng M., Trung đoàn trưởng của một trung đoàn có Bộ chỉ huy đóng ở căn cứ Bastogne mà đã đôi lần sau khi tan học, anh đưa vài người bạn chúng tôi lên thăm chơi và ở lại qua đêm giữa rừng khuya gió hú.



Cây đa già trường Luật

    Sau mấy tháng miệt mài thi cử bạn bè chúng tôi có người vui kẻ buồn. Có người ra đi thì cũng có người ở lại. Có những nàng thơ áo trắng lên xe hoa thì cũng không ít chàng tình si lãng tử “Gom những bờ sông, đại nội, hồ sen / Buộc thật chặt làm hành trang từ giã” xứ Huế như một chuyến đi xa học hỏi rồi sẽ có ngày trở về. Tôi đã có lần vào thăm thủ đô năm 1970 và nay muốn tiếp tục ghi danh bậc Cao học nên ít nhiều cũng có phần tự tin khi trở lại Sài Gòn hoa lệ vào cuối thu 1974. Ai có đâu ngờ thế sự đổi thay, những cánh chim non vừa rời tổ ấm đã gặp phong ba bão tố nhưng vẫn tìm được đất sống trở về thăm nhà, thăm Huế, thăm trường Luật thì than ôi ngày ấy nay còn đâu khi trường đã thay tên đổi họ, không còn được ngồi dưới tàng lá cây đa già quanh năm bóng mát sân trường như thuở nào đùa vui hay ôn bài trong mùa thi cử. Giờ nhìn lại mà xót thương cho thân đa già cô quạnh, ngày một xác xơ nhưng không nửa lời thở than khi cánh cổng trường đã khép lại vĩnh viễn mà nhớ đến quý Thầy Cô cùng bạn bè trường lớp đã mỗi người một phương, trong đó có người Thầy mà tôi rất thương kính cho đến bây giờ. 

   Ngày đó trong bốn năm học tôi được gọi lên văn phòng gặp Thầy hai lần. Lần thứ nhất vào cuối năm 1971, thầy đề nghị tôi tham gia một buổi ghi hình trực tiếp trước sinh viên luật 1. Lần thứ hai, Thầy đặc cử tôi tháp tùng GS Đặng Thị Tám trên chuyến xe đi thăm một ngôi trường ở quận Quảng Điền. Trong hai lần đó có một câu nói của Thầy làm tôi lúng túng vì quá xúc động khi gặp Thầy lần đầu: -“Thầy biết con cùng họ với thầy”. Người Thầy đó chính là GS Nguyễn Sĩ Hải, Khoa trưởng cuối cùng của trường Luật Huế (1966-1975) mà các lớp sinh viên chúng tôi ai cũng ngưỡng mộ, là người Thầy luôn tận tâm tận lực trang bị đầy đủ kiến thức Luật học cho sinh viên. Và trước khi chuẩn bị rời ghế nhà trường Thầy còn căn dặn: “Nếu các con ra đời làm việc với nhiều ngành nghề khác nhau hay giống nhau, nếu có mâu thuẫn thì hãy về dưới gốc cây đa để giải quyết vấn đề”. Thầy còn nói thêm: “Đó là Cây Đa Công Lý”.

   Sau tháng 4.1975 ở Sài Gòn việc học bị gián đoạn chỉ sau vài tháng khai giảng. Cuộc sống trước mắt bấp bênh với tương lai mờ mịt nên phải tự mình thắp đuốc mà đi và thật may mắn đã đến được nơi chốn bình yên trên đất lạ xứ người.   

   Là người sống xa quê hương thì ai cũng có cội nguồn để hoài niệm nên ít nhiều cũng có lúc buồn nhớ gia đình, bà con, bạn bè xa gần cùng những kỷ niệm với Thầy Cô của tuổi học trò. Trong tình cảm bình thường ấy, tôi vẫn luôn nhớ đến người Thầy “cùng họ” trong mỗi lần về thăm nhà, nhiều dịp gặp lại những người bạn thân trong Nhóm Sinh viên Việt từ Sài Gòn cho đến Huế nhưng vẫn không ai biết được Thầy cùng gia đình nay sống ở phương nào? Rồi chỉ là tình cờ nhưng dường như đã có sự trùng hợp kỳ lạ vào giữa tháng 11.2022 khi tôi khởi viết về đề tài “Cây đa trường cũ” nên đã liên lạc với bạn Nguyễn Tấn hiện đang ở Huế để nhờ hỏi dùm tin tức về thầy Nguyễn Sĩ Hải. Câu trả lời của Tấn ngắn gọn: “Sẽ trả lời sau”. 

   Qua tháng 12.2022 tôi vẫn chờ tin nhưng không hối thúc bạn, rồi chỉ hai tuần sau đó Tấn báo tin bất ngờ là vài hôm nữa bạn sẽ gặp người con trai của thầy Nguyễn Sĩ Hải từ Sài Gòn ra Huế. Và đúng như những gì Tấn nói, ngày 21.12.2022 tôi nhận được dòng tin mà nhiều năm qua đã từng chờ đợi: -“Chiều nay gặp Nguyễn Sĩ H., con thầy Nguyễn Sĩ Hải. Thầy mất năm 2004, an táng tại chùa Quảng Bình, Sài Gòn”.

   Tôi cảm ơn người bạn tốt Nguyễn Tấn đã luôn sẵn lòng giúp tôi những lúc cần và nhớ lại trong thời gian học ở trường Luật Huế tôi chưa có dịp nào gặp Nguyễn Sĩ H. Tuy vậy, dù chưa rõ tuổi tác để xưng hô nhưng cũng xin nhận là “người anh em cùng họ”, vì biết đâu vào một ngày nào đó khi tôi lấy chuyến bay về đến Sài Gòn, cùng với tâm niệm Thầy sẽ trợ duyên cho anh em chúng con được một lần hội ngộ nơi mộ phần An Nghỉ Cuối Cùng của Người Quá Vãng, để được thắp một nén hương kính dâng người Thầy cao quý trong trái tim con.

 

NGUYỄN SĨ LONG (1970-1974)

Wien, 20.02.2023

 

*HUY HIỆU ĐẠI HỌC LUẬT KHOA HUẾ

   Huy hiệu chính thức của Đại học Luật khoa Huế xuất phát từ hình mẫu của Luật sư Trần Tấn Việt, tốt nghiệp Đại học Luật khoa Huế khóa 1 (1959-1960), là giảng viên của trường Đại học Luật khoa Huế những năm sau này. Huy hiệu hình tròn có chữ Đại  học Luật khoa chạy vòng quanh. Ở giữa có hình cổng thành cổ màu rêu, cuốn sách, thanh kiếm và cái cân hai màu đen trắng. Ý nghĩa của biểu tượng này được giải thích như sau: 

   “Được thành lập tại miền Hương – Ngự, địa danh tượng trưng bởi Hoàng Thành rêu phong cổ kính (cổng thành màu rêu), Đại học Luật khoa Huế đã truyền bá học vấn (quyển sách) chuyên môn về luật pháp cho sĩ chúng miền Trung, với kỳ vọng góp phần đào tạo những phần tử ưu tú trong giới lãnh đạo (thanh kiếm) nước nhà tương lai và người sinh viên tốt nghiệp Luật khoa Huế sẽ luôn ấp ủ niềm trung thứ, với quyết tâm lấy công lý (cái cân hai màu đen trắng) để an định xã hội”. 

   Nhìn lại huy hiệu trường Luật xưa và cùng chiêm nghiệm ý nghĩa sâu sắc của nó như một hồi tưởng trân trọng.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen