Mẹ Tôi (Huế, 8.2015)
Ngày cuối cùng của tháng 11 năm 2022 tôi nhận được cuộc gọi của em trai từ Huế báo tin mẹ đã ra đi vào lúc gần 10 giờ VN. Dù đã về thăm và ở bên mẹ hơn một tháng trong dịp hè vừa rồi cũng như theo dõi trong những ngày gần đây sức khỏe của mẹ có lúc như đã hơi tàn sức kiệt, nhưng khi được tin mẹ ra đi thì cũng không tránh khỏi nỗi bàng hoàng lúc biết mình giờ đây đã mất mẹ, không còn những buồn vui được tin mẹ ở quê nhà đau yếu hay khỏe mạnh hoặc yên tâm mỗi lần được nhìn thấy mẹ nói cười sau cơn bệnh.
So với lần nhập viện sáu ngày vào đầu tháng 8 vì bị viêm phổi, thì trong tháng 11.2022 bệnh tình mẹ tôi đã ngày một trầm trọng hơn, do đó các em trai ở Sài Gòn đã thay nhau ra Huế để phụ chăm sóc mẹ già. Riêng vợ chồng tôi tuy ở xa nhưng vẫn liên lạc thường xuyên bên nhà để bàn việc hậu sự phòng khi tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Do đó sau khi nhận được tin, ngay buổi sáng sớm hôm đó đã tìm được vé sớm nhất với chuyến bay của hãng Emirates vào tối ngày hôm sau 01.12 và đến Sài Gòn chiều hôm sau. Chặng cuối cùng có thêm người em vợ cùng bay, hai anh em đến Huế vào sáng ngày 03.12.2022.
Hôm đó từ sân bay Phú Bài về đến nhà trời mưa, gặp lúc gia đình đang làm lễ Tiến Linh lúc 10:30 giờ, các em ở xa đã về đông đủ cũng như được gặp một số bà con, láng giềng đến thăm và chia buồn. Tính đến hôm nay đã bốn ngày mẹ nằm yên nghỉ thảnh thơi, bỏ lại sau lưng cả một đời hy sinh cho chồng con trước cuộc sống quá nhiều thăng trầm với biết bao nhiêu cay đắng ngọt bùi tưởng như đã không qua khỏi những lúc nguy khốn bủa vây.
Tôi lên lầu đặt bánh cúng Phật và Ông Bà, thắp hương phòng Thờ rồi đi xuống, trông ra trước sân có mái che là nơi Bàn Tiếp lễ cùng một số bà con, xóm giềng, bạn bè gần xa viếng thăm chuyện trò. Nhìn ra cổng trên khoảng đường rộng trước nhà cũng được dựng lều cho xe và người đi bộ qua lại không bị cản trở trong cơn mưa dầm suốt ngày.
Nhìn quanh nhà mọi thứ như bàn ghế đều thay đổi làm cho phòng khách giờ được rộng gấp đôi. Tủ đặt di ảnh của Mẹ trước quan tài nằm dọc ở vị trí bên phải có đủ không gian cho nhiều lẵng hoa được dựng sít sao quanh tường mang lại sự thanh tịnh và tươi tắn của nhiều loài hoa pha lẫn mùi khói hương trầm thoang thoảng ấm cúng dễ chịu. Chính giữa căn nhà là bàn thờ Phật cùng chuông mõ được phủ một màu vàng hướng ra sân, là nơi vào chiều ngày 05.12 (12.11 Nhâm Dần) sẽ diễn ra một buổi lễ rất quan trọng, là lễ Tịch Điện được Hòa Thượng Thích Tâm Pháp cùng chư Tôn Đức chùa Mật Trí chứng minh.
Chờ xong lễ tôi chào quý Thầy rồi đứng trước bàn thờ Mẹ. Nhìn tấm ảnh được chụp vào mùa hè 2015 khi gia đình chúng tôi về thăm nhà, nay các em chọn làm ảnh thờ. Năm đó mẹ 85 tuổi, sức khỏe còn tốt. Các con cháu gởi tiền về còn biết tiền Euro bán có giá cao hơn Đô la, bóp tiền nho nhỏ và chìa khóa tủ lúc nào cũng để trong túi áo kể cả những khi không đi ra khỏi nhà. Khoảng mười năm trước, thường buổi sáng thức dậy mẹ vươn vai một lúc sau đó đi bộ vô hướng sân bay cũ một vòng rồi về nhà, nhưng đến năm 2005 không đi xa nữa, chỉ loanh quanh trong sân mà thôi. Ngoài ra công việc thường ngày của mẹ trước hết là rất thích đọc báo, tự giặt quần áo của mình, ra vườn sau cho gà ăn rồi đặt nồi cơm khi các con đi làm chưa về, thỉnh thoảng lên chợ Tây Lộc chỉ vài phút đi bộ như là một niềm vui sau nhiều ngày quẩn quanh trong nhà cũng thấy tù túng và buồn. Nhưng niềm vui ấy của mẹ nghe thật đơn giản như không có chuyện gì xảy ra nhưng chính là nguyên nhân của những lần té xỉu trên đường dưới cơn nắng nóng hay trong chợ đã làm cho con cháu nhiều phen hú hồn chạy đi tìm mạ lúc được bà con xóm giềng báo tin.
Một năm mới sắp đến đang được chờ đợi là 2017, vợ chồng chúng tôi và hai em ở Houston hẹn nhau về quê ăn Tết. Điều không ngờ là hai bà mẹ ở Huế và Sài Gòn đều có vấn đề về sức khỏe: Mẹ tôi ở Huế bị té hai lần chỉ trong vòng ba tháng đầu năm. Lần thứ nhất vào dịp trước Tết chừng hai tuần. Lúc tôi về đến Huế khuya 27 Tết mẹ vẫn còn mệt, sức khỏe chưa bình phục nhưng thức đêm chờ đón con phương xa về thăm. Một tuần sau, vợ tôi và vợ chồng em gái từ Sài Gòn ra Huế thì mẹ có đỡ hơn nhưng vẫn còn uể oải. Ngày hôm sau tôi và em trai đưa mẹ đi bệnh viện tái khám, kết quả xét nghiệm tạm thời yên lòng.
Khi vợ chồng chúng tôi đã trở về Áo vào tuần đầu tiên của tháng 3 thì cuối tháng 3.2017 nhận được tin mẹ lại bị té lần thứ hai, lần này nặng hơn và nguy hiểm hơn những lần trước, bị xẹp xương sống. Con cháu ai cũng lo vết thương này khó chữa và việc đi đứng chắc sẽ khó khăn như người bị đột quỵ. Nhưng khác với những gì lo lắng, gần ba tuần sau đó mẹ xuất viện, nằm an dưỡng và điều trị ở nhà cho đến lúc vết thương lành hẳn và đi đứng dần trở lại bình thường.
Trong lúc đó ở Sài Gòn thì me tôi (mẹ vợ) sau gần một tuần chữa bệnh ở nhà không hết nên phải chuyển đến bệnh viện cấp Quận, kết quả xét nghiệm ban đầu là rối loạn tiêu hóa. Mấy hôm sau me ăn ngủ được nên ai cũng mừng, vừa đúng lúc bốn anh em chúng tôi được yên tâm để trở về nhà sau một cái Tết được gặp khá nhiều bà con hai bên gia đình. Gần một năm sau đó, vào tháng 5.2018 me tôi phải nhập viện lần đầu tiên ở bệnh viện Nguyễn Trãi, mở đầu cho một chuỗi lần bệnh tái phát dẫn đến sức khỏe yếu kém và trí nhớ bắt đầu suy giảm so với năm 2015, là năm me tôi vẫn còn là một người bình thường, biết con biết rể ở xa về thăm, mừng mừng tủi tủi thương quý vô cùng. Rồi chỉ hai năm sau me hình như đã quên rất nhanh và quên hết gần như mọi thứ kể cả những người con mà me thương yêu và khắng khít không rời.
Sự thương yêu và khắng khít không rời đó thường dễ thấy ở tình mẹ thương con. Với tôi thì trong mấy mươi năm rời xa tổ ấm, sống ở Sài Gòn rồi định cư ở nước ngoài, niềm nhớ thương ấy với người mẹ hiền tuy xa nhưng thật gần gũi khi nhớ về thuở còn thơ dại như đã in sâu trong tiềm thức nổi trôi theo dòng đời. Và trước ngã rẽ của cuộc sống, mẹ chính là nơi nương tựa và gởi gắm tâm tình qua nét bút để phần nào vơi đi những gì chất chứa trong lòng. Do vậy để có một món quà tặng khi mẹ còn đọc được một vài câu thơ viết về Tình Mẫu Tử, đó là lý do tác phẩm đầu tay Mẹ Hiền được thai nghén và ra đời vào tháng 6.2018.
Khi tập thơ vừa xuất bản được hai tuần thì có tin me tôi ở Sài Gòn nhập viện trở lại vào ngày 24.06 với bệnh tình nặng hơn lần trước. Biết là tình hình cấp bách nhưng tôi phải chờ giải phẫu xong con mắt thì mới rộng đường đi xa. May mắn là mọi chuyện ổn thỏa, vợ chồng chúng tôi về đến Tân Sơn Nhất chiều 12.08.2018, đến Bệnh viện Nguyễn Trãi thăm me trước khi về nhà ở quận 6. Vài hôm sau bất ngờ có tin cuối tháng 8 em Út Thanh Tâm từ Houston về đến Sài Gòn, chị em gặp lại nhau bên giường bệnh suốt một tháng trời cùng chăm sóc mẹ thật là hiếm khi.
Tôi ở lại Sài Gòn bốn ngày rồi ra Huế, có mang theo vài cuốn thơ để tặng mẹ, em út và bạn bè. Khi cầm cuốn sách trên tay một lát, nghe tôi hỏi, mẹ nhìn tôi khi nhận ra em bé mẹ bồng trên tay là tác giả tập thơ khi mới được một năm tuổi, rồi cười. Chỉ bao nhiêu đó thôi là cũng đủ cho tôi thật vui và vô cùng hạnh phúc. Rồi một vài ngày sau, khi tôi đang ở Hotel Hoa Tím trong Thành Nội thì em trai gọi cho biết một tin quá bất ngờ, em gái tôi vừa được phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo, ung thư phổi thời kỳ 2. Sau đó biết em đã nhập viện điều trị một thời gian rồi chuyển về nhà. Dù gia đình đã hết sức chăm sóc, chữa trị nhưng em đã qua đời vào cuối tháng 11.2020 tại Huế.
Trở lại với bệnh viện Nguyễn Trãi thì me tôi đã nhập và xuất viện đến ba lần. Lần sau cùng vào cuối tháng 6.2018 như đã nói ở trên, có thời gian điều trị mất 6 tháng khi vợ tôi và các em đã chăm sóc và có mặt bên mẹ trong những giờ phút khó khăn nhất. Đến ngày 28.12.2018 bác sĩ cho về nhà và chỉ sáu tuần sau đó me tôi đã qua đời vào ngày 11.02.2019 (nhằm ngày 07.01 Kỷ Hợi). Sáng ngày 14.02 vợ chồng chúng tôi đã về đến Sài Gòn, người tiếp theo là em gái và chị dâu ở Houston. Ba chị em được nhìn thấy mẹ lần cuối trước khi nắp quan tài khép lại trong niềm tiếc thương vô bờ. Me tôi được an nghỉ ở Nghĩa trang Phật Bửu Tự, Hóc Môn. Thượng thọ 87 tuổi.
Ở Huế những tháng đầu năm 2020 tình hình sức khỏe của mẹ vẫn tạm ổn trong mùa đại dịch Coronavirus, nhưng vào ngày 6 tháng 10 năm 2020 một lần nữa các con gần xa được tin mẹ phải gọi cấp cứu nhập viện vì bị té gãy xương đùi trên. Đây cũng là lần nặng nhất, đau đớn nhất vì phải chờ quyết định của bác sĩ có được phép phẫu thuật hay không khi bệnh nhân đã qua độ tuổi 90? Và thật may mắn ca mổ thành công cùng thời gian nằm điều trị ở Bệnh viện Trung Ương Huế rất khả quan và được xuất viện vào ngày 14.10.2020. Từ đó trở đi mẹ được “quản thúc” tại nhà vì vết thương chưa lành, sức khỏe chưa bình phục và cũng chưa đủ mạnh để một mình tìm vui ngoài đường hay trên chợ nữa vì đôi chân tuy có khả năng cử động nhưng không thể di chuyển bình thường khi tuổi già sức yếu, nếu không may bị té một lần nữa thì có thể bị tật nguyền hay bại liệt. Cũng vì vậy mà mẹ tuy đã nằm trong ‘tâm thế tĩnh lặng’ nhưng mỗi ngày vẫn dậy được nhưng ngồi không lâu. Thời gian đầu phải cần người phụ đỡ lưng mẹ dậy, bật truyền hình vừa xem, vừa dùng bữa rồi cho mẹ nằm xuống, đôi mắt từ từ nhắm lại và ngủ rất nhanh, mỗi lần lâu chừng hai đến ba tiếng đồng hồ. Dù vậy vẫn còn lo lắng vì sợ mẹ cố gắng ngồi dậy để đi ra ngoài nên phải cột một hàng ghế trước giường để các con mỗi khi vắng nhà được yên tâm cùng với sự trợ giúp của Camera cho đến ngày mẹ nhắm mắt xuôi tay.
Chuyến cuối cùng vợ chồng chúng tôi về quê là tháng 2.2019 lúc mẹ vợ qua đời ở Sài Gòn. Do đó khi mẹ tôi bị té gãy xương đùi trên ở Huế vào tháng 10.2020 gặp lúc đại dịch Coronavirus đang trong giai đoạn cao điểm nên mãi đến đầu tháng 5.2022 vợ chồng chúng tôi mới được trở về thăm gia đình. Chuyến này có người chị dâu và vợ chồng em vợ từ Houston hẹn gặp nhau ở Sài Gòn. Đây là chuyến về quê lâu nhất gần hai tháng rưỡi, và cũng như thường lệ tôi ra Huế trước và ở với mẹ gần năm tuần lễ.
Ở Huế, thường ngày vợ chồng em trai đi làm nên tôi muốn tự nấu ăn để chăm sóc cơm nước cho mẹ mỗi ngày. Trong lúc mẹ vừa dùng bữa vừa xem truyền hình thì tôi ngồi gần bên, thỉnh thoảng lau tay, lau miệng cho mẹ thật thân thiện nhưng tuyệt nhiên lần “hội ngộ” này mẹ không nói một lời và rất nghiêm. Tôi bày đủ cách đùa vui nhưng mẹ cũng không nở được một nụ cười, làm nhớ có một lần mẹ cũng không được vui khi nhắc đến sức khỏe mà đôi lúc con cháu tưởng như mẹ không biết, không nghe, nhưng thật sự mẹ biết và thấy hết nên cũng buồn lòng khi con cháu có đứa không quan tâm tới mình.
Trở lại với nhóm mấy chị em ở Sài Gòn ra Đà Nẵng thăm chơi mấy ngày rồi ra Huế hôm 24.5. Ghé thăm mẹ, đi thăm mộ hai làng Truồi và Chính An, đi chơi Đầm Chuồn Phú Vang, thưởng thức món Huế vài nơi cùng với cô bạn Cựu nữ sinh Đồng Khánh Huế, rồi tất cả trở lại Sài Gòn vào cuối tháng 5.2022. Chuyến về Huế lần này tôi không được vui vì sức khỏe mẹ có suy giảm, mệt mỏi so với đầu năm 2019. Tuy vậy mẹ vẫn còn biết biểu hiện niềm vui qua nụ cười và ánh mắt khi được các con cháu ở nước ngoài gởi tiền về tặng Nội, nội xếp lui xếp tới vài lần rồi cẩn thận bỏ vào bóp nhỏ trong túi áo. Về tai thì khi nói thật lớn mẹ vẫn còn nghe được chứ chưa điếc hẳn. Nhưng chỉ một tháng sau đó mẹ nhập viện một lần nữa khi chúng tôi đã trở về Áo vào giữa tháng 7. Đến cuối tháng 11.2022 mẹ yếu dần, mỗi ngày không ăn được gì ngoài vài muỗng nước cháo, sữa hay nước sâm, nước yến thì cơ thể làm sao đủ dinh dưỡng để duy trì sự sống nên mẹ đã ra đi khá nhẹ nhàng vào lúc 9:50 giờ VN sáng ngày 30.11.2022 (07.11 Nhâm Dần) trong sự chuẩn bị trước khá chu đáo của gia đình. Thượng thượng thọ 93 tuổi.
So với mẹ thì ba tôi mất sớm vào năm 71 tuổi (1925-1996), để lại vợ và 8 con 6 trai 2 gái, tôi là anh trưởng. Vợ chồng chúng tôi có ba con 2 gái 1 trai, hai gái sinh ở Việt Nam, Út trai sinh năm 1995 tại Áo là cháu đích tôn của gia đình. Cháu chưa kịp về thăm thì Ông Nội đã qua đời trước khi con cháu về quê lần đầu vào năm 1998. Em gái kế tôi sinh năm 1957 (mất năm 2020); một người ở với mẹ từ tấm bé, ba người ở Sài Gòn và ba người ở nước ngoài, trong đó em gái áp út vào tháng 9 năm 2022 đã về thăm mẹ ba tuần lễ nên không còn ngày phép. Riêng tôi khi đại dịch Coronavirus lắng dịu cùng lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, đây là lần thứ hai tôi về Huế trong năm 2022 nên dù không được nhìn thấy Mẹ lần cuối, nhưng kịp thời gian để chịu tang Mẹ đã là quá hạnh phúc và mãn nguyện khi gần như cả đời đứa con xa quê chỉ được sống bên mẹ vỏn vẹn hai mươi hai năm từ khi chào đời.
Khi tôi về đến nhà tuy không kịp dự lễ Trị Quan - Nhập Liệm - Bạch Phật Khai Kinh nhưng vẫn còn ba ngày để thức khuya dậy sớm cúng trà bánh cho Mẹ, rồi cùng với gia đình dự lễ Tiến Linh mỗi ngày hai lần (03/04.12), và trong hai ngày đầu tiên này tôi đã được tiếp đón, gặp gỡ và cảm ơn rất đông Bà con, Họ tộc và Làng nước hai bên Nội ngoại, Thông gia, Xóm giềng, Đồng nghiệp cùng những Cơ quan, Xí nghiệp, Cộng đoàn Giáo xứ Áo quốc, Viện Dầu khí Việt Nam, Trường Đại học Y Dược, Bệnh viện Trung Ương Huế, Nhóm Sinh viên Việt Luật Khoa Huế, Các Nhóm cựu học sinh…và bạn bè, thân hữu gần xa đến thăm viếng hay gởi vòng hoa, những cuộc gọi chia buồn trong và ngoài nước cùng sự giúp đỡ của xóm giềng thật là quý hóa khi thời tiết Huế không được tốt với những đêm mưa to gió lớn ít nhiều đã làm gia đình Tang quyến lo ngại.
Theo chương trình thì vào ngày 05.12 có rất nhiều nghi lễ. Ngoài Cúng trà thường lệ lúc 6 giờ sáng còn có 6 lễ gồm: Lễ cáo Tổ đường, Lễ Triêu điện, Lễ Thí thực cô hồn, Lễ Tịch điện, Đại lễ Cầu siêu và Lễ cáo Đại lộ. Vì vậy, với Lễ cáo Tổ đường thì chừng 7 giờ sáng đã có hai xe được cử đi gồm quý Thầy cùng một đạo hữu trong ban Chiêng trống và bốn anh em chúng tôi về Nhà Thờ Họ Nguyễn ở làng Chính An, quận Phong Điền xa chừng 35 km, là nơi mẹ tôi sẽ được An táng vào ngày mai.
Nhà Thờ Họ Nguyễn Quang
Trong lúc chúng tôi dự lễ thì một nhân viên của Dịch Vụ Tang Lễ Nguyễn Bá Báu được hướng dẫn vào khu huyệt mộ để khảo sát địa hình, đi qua hồ Trằm Sen trên con đường nhỏ đất cát pha chừng một cây số thường ngày dành cho người đi bộ, xe máy và xe máy cày. Những tháng mùa đông ở miền Trung thường mưa dầm gió dữ nên bên phía Dịch Vụ (DV) họ cũng đã chuẩn bị dự phòng cho việc Di quan của đội Phu kiệu là rất quan trọng được ưu tiên hàng đầu. Điều tôi thấy được trong những ngày qua công việc của DV là rất chu đáo và nhanh nhẹn cùng với trách nhiệm cao đã mang lại sự yên tâm và tin tưởng của gia đình tang lễ. Một ví dụ là chị phụ bếp của DV rất siêng năng, thường thấy chị làm mà không ăn uống gì cả đã khiến tôi chú ý. Chị cũng biết tôi từ xa mới về, hỏi thăm mới hay là mẹ góa con côi, và rồi chị rất cảm động khi tôi gởi một chút quà làm vui.
Khoảng 8:40 giờ chúng tôi từ làng Nội trở về Huế, trời vẫn mưa không dứt làm thêm lo lắng cho sớm mai Mẹ sẽ ra đi. Nhưng dù cho mưa hay nắng, dù gần hay xa, chúng con sẽ tiễn đưa Mẹ một đoạn đường mà đời người bất cứ ai cũng sẽ đi qua.
Công việc tiếp theo là sân nhà được dọn dẹp thu gọn một số bàn ghế để nhường mặt bằng cho hai lễ buổi chiều là lễ Cúng Thí thực Cô Hồn và lễ Tịch Điện, tuy vậy vẫn giữ lại hai bàn gần Bàn Tiếp lễ cho khách, vài lẵng hoa bên ngoài được chuyển vào trong và xếp gần nhau để có chỗ cho bàn, tủ và phẩm vật…sẽ được DV chở đến lập bàn cúng cho lễ Thí thực Cô Hồn. Nhìn qua những lẵng hoa được trưng bày từ ba ngày trước đến nay vẫn tươi tắn xinh đẹp đậm màu sắc là nhờ những cơn mưa dài mát dịu, khiến người xem không thể không dừng lại để thưởng lãm chẳng khác gì ở một phòng tranh mà không biết tác giả là ai. Cho đến trưa ngày 5.12 số lẵng hoa, vòng hoa, liễn…đếm được con số 40 đã làm cho sân trước sáng hẳn lên khi mặt trời vừa xuất hiện.
Chưa đến 11 giờ nhưng bàn cúng Cô Hồn đã được dựng xong trước sân. Chiếc bàn rộng ở vị trí giữa hai chiếc tủ có chiều cao đáng kể được phủ tấm màn lớn màu vàng cùng hai bức tượng, đèn đồng, hoa, quả, bánh trái, cơm, chè, mì gói, bánh chưng, bánh nậm, giấy tiền vàng mã và đặc biệt có cả bia Huda (một nhãn hiệu nổi tiếng của tình hữu nghị Huế và Đan Mạch), nhìn xuống dưới bàn còn thấy ba xô nước đựng cá phóng sanh.
Lễ Cúng thí Âm linh Cô hồn bắt đầu lúc 15 giờ, được xem như thể hiện lòng từ bi bác ái, bố thí và chia sẻ sự đau khổ của những người bị chết đường, chết oan, chết trẻ...chưa tái sinh và không được thờ cúng đầy đủ nên họ luôn có cảm giác đói khát, sống lang thang vất vưởng từ lâu không thể siêu thoát và đặc biệt là không được người thân cúng kiến phẩm vật cần thiết để họ vơi bớt phần nào đau đớn, khổ cực. Buổi lễ đã được nhị vị Thượng Tọa và Đại Đức chứng minh, có Đạo hữu tu xuất là trợ lý cùng phụ trách Bàn Tiếp lễ. Vì vốn là một tu sĩ nên Đh. Trợ lý đã làm việc rất tốt có nhiều kinh nghiệm với nhiệm vụ trông coi bao quát từ tiếp xúc xã giao, ghi chép Sổ Phúng Điếu cho đến hướng dẫn cúng lạy và rất ăn ý với quý Thầy khi hành lễ cho đến khi đưa quý Thầy ra về. Trong lúc đó thì toàn bộ gia quyến được ngồi trước thềm nhà để theo dõi và lắng nghe, đồng thời buổi lễ đã giữ chân được nhiều bà con, xóm giềng chờ xem và chừng trên mười người đang đứng theo hàng thứ tự dưới mưa trước cổng chờ nhận phẩm vật cúng thí. Tôi thật sự bị cuốn hút vào khung cảnh này khi nhớ lại quãng thời gian ở Sài Gòn trước khi ra nước ngoài, vợ chồng chúng tôi đã có nhiều lần cúng Cô hồn vào ngày Rằm tháng 7 trong tinh thần vui vẻ và sảng khoái khi phải canh chừng vì sợ “cô hồn sống” thường là đám trẻ con trong xóm đang rình rập đâu đó, thấy chủ nhà sơ ý là nhanh tay “chôm” một món đồ cúng rồi cùng nhau bỏ chạy. Nay nhân Lễ Tang của Mẹ, được sự chứng minh của Chư Tăng, những người con của Mẹ được tham dự một Nghi thức Cúng Thí thực Cô hồn thật mãn nhãn và ý nghĩa, làm trái tim chúng con không ngăn được xúc động, vì Mẹ ơi qua bao lần chiến tranh tàn phá, thiêu rụi cửa nhà xóm làng và không ít sinh mạng con người, thì biết đâu giờ đây họ vẫn đang sống vất vưởng không nhà cửa, thiếu ăn thiếu mặc, mà thuở nào gia đình mình trong thời chiến cũng đã có ngày không được cơm no áo ấm như thế !
Trong lúc ở trước sân lễ Cúng Thí thực cô hồn sắp hoàn mãn, thì khoảng 16 giờ ở Phòng thờ trên lầu Hòa Thượng Thích Tâm Pháp cùng Chư Tăng chuẩn bị khai lễ Tịch Điện, là lễ cúng buổi chiều tối trước ngày đưa tang. Tôi được gọi lên quỳ dâng sớ nhận lễ rồi sau đó theo chân quý Thầy xuống nhà dưới cùng con cháu chắp tay dâng lời kinh nguyện hương linh Mẹ Hiền sớm được siêu thoát.
Có rất nhiều nghi thức được thể hiện trong chiều hôm đó, ngoài bác đánh chiêng còn có bộ ba nghệ sĩ trong bộ trang phục đen phụ trách kèn trống phụ họa làm tăng thêm sự chú ý của người dự lễ cùng tính cách trang nghiêm của những lễ bái dành cho con cháu có cơ hội hồi tưởng đến công hạnh của người quá cố. Và điều mà tôi chờ đợi đã tới, khi tất cả con cháu đi theo Thầy chín vòng quanh quan tài để nói lên sự biết ơn về một đời hy sinh của Mẹ, của Bà để con cháu có được ngày hôm nay. Ngoài ra gia đình Tang quyến cùng bà con đã được nghe Thầy giảng một bài Pháp rất hay về công đức của một người Mẹ.
Đêm 05.12 thật dài, mưa lớn và gió mạnh. Thường những lúc khó ngủ thì hồ như thời gian đi rất chậm để kéo dài thêm sự lo lắng về một sự việc quan trọng khiến ai cũng phải thao thức, đó là lễ Di Quan lúc 5 giờ sáng.
Tôi thức dậy trước 4 giờ cúng trà bánh, trong lúc đó thì tất cả lẵng hoa, vòng hoa đã di chuyển ra ngoài. Bàn ghế được mang ra trước đường, chỗ dành cho xe máy có mái che thì nay đặt bàn, ghế để chuẩn bị một mâm bánh chưng thật lớn cho đội phu kiệu dùng điểm tâm, đúng lúc đó tôi cũng đã nhận ra vị Chấp hiệu trong bộ lễ phục màu xanh đỏ rất bắt mắt, ông là Sếp của đội phu kiệu cũng đã có mặt. Ở phía trước đoàn xe chở quý Thầy, Tang quyến và bà con đậu trên đường chính. Ngoài ra có nhiều người quen, xóm giềng và một số người không ngại đường xa mưa gió thuộc hai bên Nội Ngoại đã đến để tiễn đưa Hương linh lần cuối.
Đúng 5 giờ lễ Khiển điện (được cúng trước khi di quan) và Phất trần bắt đầu khi gia đình tang quyến đã ngồi vào vị trí thường lệ mỗi ngày. Ở hàng đầu có ba anh em, tôi ngồi giữa luôn trong tư thế chuẩn bị cúi lạy nhận và dâng sớ. Khi ba tôi qua đời năm 1996 gặp lúc ở xa không về được, nên đây là lần đầu cùng các anh chị, các em và các cháu dự Lễ tang trong gia đình vì đã trên ba mươi năm thật hiếm khi có mặt ở một đám tang nhiều nghi thức như Việt Nam, trong đó Huế trước đây là Kinh Đô của nền văn hóa thời phong kiến nhưng vẫn mang nhiều giá trị nhân văn cho con người. Mặc khác, một Lễ tang được tổ chức thật trang trọng và chu đáo chừng nào thì vừa nói lên được tấm lòng của con cháu chừng đó, vừa giúp cho người quá vãng được yên nghỉ ngàn đời ở bên kia thế giới.
5:27 giờ, gia đình Tang quyến trở lại trước bàn thờ hương linh trong lúc Hòa Thượng chủ lễ tay cầm phất trần đi quanh quan tài một vòng. Phất trần là một loại pháp khí hình dạng như một cây chổi quét bụi có cán, chổi được làm bằng gai hoặc vải cũ, các vị tu sĩ thường mang theo để thể hiện cho sự rũ bỏ bụi trần phiền não, thân tâm an lạc và đồng thời là vật trang nghiêm của các bậc cao tăng trong khi thực thi pháp sự, tang lễ.
Tiếp theo đó là vị Chấp hiệu cùng 16 phu kiệu tiến vào nhà, nối vai nhau đi hai vòng quanh quan tài rồi ra ngoài sân với nhiều động tác đi và chạy chầm chậm mấy vòng theo sau vị Chấp hiệu dường như đang biểu diễn vài chiêu võ thuật rất thu hút người xem.
Sau đó đoàn phu kiệu trở vào một lần nữa, cũng là lúc ban nhạc của bộ ba chiêng trống kèn ngân lên vừa thôi thúc lại vừa da diết não lòng. Vị Chấp hiệu đảnh lễ trước bàn thờ Phật và Quan tài rồi trong khi ra dấu cho em trai tôi bưng khay đèn và bát nhang đi trước, theo sau là tôi bưng di ảnh Mẹ và các con cháu lần lượt ra ngoài sân thì đội phu kiệu lập tức thao tác nhanh khi đặt các đòn gánh Quan tài vào vị trí và sẵn sàng chờ lệnh. Lúc đó tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để biết đây là giờ phút của chia ly, của Mẹ con chia lìa. Ra đi là giải thoát. Hợp tan lẽ vô thường.
Mưa vẫn rơi và gió rì rào trên hàng tre trước ngõ từ đêm qua vẫn chưa dứt. Ai nấy đều mặc áo mưa trước khi có người giúp lên xe chở Quan tài. Lúc đó gần 6 giờ sáng, đoàn xe bốn chiếc chuyển bánh. Bao nhiêu lo âu rồi cũng dần tan biến khi đoàn xe đã vượt qua trên ba mươi cây số trong mưa nhưng chưa gặp trở ngại nào về những dự đoán là khi mực nước dâng cao có thể làm lưu thông trên quốc lộ 1 bị gián đoạn. Thật may mắn là không có cây cầu nào bị ngập lụt hay giao thông bị cản trở. Đoàn xe đến ranh giới làng Chính An lúc 7:10 giờ, chỉ cách điểm hẹn chừng hai phút xe là tới đích, ai cũng mừng như đã vượt qua được một chặng đường khó khăn nhất trong ngày.
Đoàn xe dừng trên hương lộ làng Chính An, gần nhà một gia đình bà con mà mỗi lần về thăm quê hương làng nước, thăm mộ thường ghé đây nghỉ chân, tặng cô chú một chút quà, nhắp một tách trà và mua hương. Giờ thì tất cả bà con xuống đi bộ đến nơi đặt Quan tài chừng 200 mét để sắp xếp đội hình trước khi đến huyệt mộ xa chưa tới một cây số. Vì biết trời mưa sẽ lội qua vài đoạn ngập nước nên ai nấy đều mang giày dép thích hợp cùng nón mũ, dù và áo lạnh. Về lực lượng phu kiệu, DV Tang lễ đã tăng cường thêm bốn người (tất cả 20 phu kiệu) để bảo đảm Quan tài phải đến nơi an toàn. Và thật vậy, lễ Di Quan đã đến đích vào lúc 7:37 giờ và hạ huyệt lúc 7:45 giờ trong cơn mưa nhẹ gió hòa.
Trong lúc đó thì mâm cúng cho lễ An Táng đã sẵn sàng và được ba vị chư Tăng chứng minh và chọn ngày lành tháng tốt đặt viên đá đầu tiên để xây Mộ Phần cho Người Quá Vãng trong vòng 49 ngày phải hoàn tất. Phần sau cùng là đốt giấy tiền vàng mã, thắp hương trước phần mộ Hương linh và Thân phụ nằm kế bên cùng Ông Bà, Cô chú bác, Bà con, họ hàng và những nấm mồ vô danh ở xung quanh trước khi thu dọn và ra về khoảng sau 10 giờ trưa.
Chúng tôi lên xe dành cho gia đình Tang lễ, rất mừng ngày cuối cùng Tiễn đưa Mẹ đã được trọn vẹn và vô cùng biết ơn đến bà con, cô bác, các anh chị, con cháu và họ hàng, làng nước đôi bên, gia đình nội ngoại, xóm giềng và người quen đã không ngại đường xa cách trở gió mưa đến đưa tiễn Hương linh Mẹ tôi về nơi an nghỉ cuối cùng, trong đó có một số anh chị đang ngồi chung xe với anh em chúng tôi trên đường trở vô Huế.
Trước hết bên Nội có người anh là con cô ruột thứ tư, gia đình anh chị ở trong Thành Nội. Cô tôi đã mất nhưng vẫn còn bốn gia đình con cháu ở Huế và hai người con gái lớn ở Mỹ. Tôi đã gặp và chuyện trò với các anh chị khá lâu vì mấy khi có được thời gian như lần này. Với bên Ngoại thì có chị con gái út của người Dì góa phụ có bốn người con, 1 trai 3 gái. Khi người anh tập kết ra Bắc năm 1954 thì ba chị em ở với mẹ cho đến khi Dì qua đời năm 61 tuổi (1913-1974) vì bệnh tim. Sau 1975 chị lập gia đình, hiện giờ sống với con trai ở Huế khi chồng mất sớm. Ngày mẹ tôi qua đời chị đã đến thăm viếng nhiều lần và có mặt gần như tất cả các buổi lễ được quý Thầy chứng minh. Về người anh trai trưởng của chị tập kết 1954 đã vào Nam và hai anh em chúng tôi đã gặp nhau từ năm 1978 ở Sài Gòn, lúc đó anh đang phục vụ trong quân đội. Anh nghỉ hưu sống cùng vợ con ở Huế và qua đời vào tháng 5.2022 vừa qua. Ngoài ra còn có hai người con trai của dì thứ 5. Sau ngày gia đình Dì vào Nam, chồng Dì là Cán bộ cấp Tỉnh làm việc ở thành phố Huế. Dì Dượng có 3 người con, 2 trai 1 gái. Dượng là người có lối sống giản dị, thân thiện với con cháu nên tôi đã có vài dịp tiếp xúc gặp gỡ với tình cảm gia đình. Dì tôi cũng vậy, quý mến con cháu nên hai người con trai của Dì Dượng với anh em chúng tôi khá thân thiện, giúp đỡ cho các em tôi ở Huế có việc làm trong giai đoạn khó khăn sau 1975. Dượng qua đời vào tháng 1.2003 và bốn năm sau đó Dì mất ở độ tuổi 80 (1927-2007) khi tôi ở nước ngoài. Ngày mẹ tôi ra đi, ba anh em đã đến thăm và chia buồn khi tôi chưa về kịp, dù vậy sau nhiều lần đến thăm viếng và đưa tiễn tôi đã gặp lại hai anh sau đó. Đặc biệt hơn cả khi vợ chồng anh chị ở Huế và con trai trong một chuyến du lịch nhiều nước ở Âu châu đã ghé thăm gia đình chúng tôi hai ngày vào tháng 1.2015 ở thủ đô Wien, Áo.
Giờ trở về thăm lại ngôi nhà của Mẹ ở làng Hiền Sĩ mà thời thơ ấu là con út trong gia đình có 6 người con được Ôn Mệ cưng chiều, cho vào Huế học ngành Hộ sinh ở Bệnh viện Trung Ương Huế năm 16 tuổi và mồ côi cha chỉ một năm sau đó. Khi Mệ qua đời tuổi 91 (1888-1979) thì vợ của người cậu thứ hai đi tập kết vẫn sống chung với vợ chồng con trai và các cháu. Cậu mất lúc 57 tuổi (1916-1973) ở ngoài Bắc vì bệnh huyết áp cao. Mợ thì sau nhiều năm bệnh tật đã qua đời năm 1993 ở làng Hiền Sĩ. Đúng mười năm sau (2003) con trai mất, để lại vợ và ba con, 1 trai 2 gái. Các cháu đều đã trưởng thành và có gia đình riêng, ở cạnh vườn nhà Mệ mà hàng chục năm qua gia đình chúng tôi thường về thăm, thắp nén hương tưởng nhớ Tổ Tiên, Ông Bà, Cậu Mợ…Những ngày Tang lễ vừa rồi, con trai của người chị dâu nay đã trên dưới 80 tuổi dành rất nhiều thì giờ vào Huế giúp các chú một vài công việc ngay khi vừa hay tin buồn Bà đã ra đi. Ngoài ra còn hai con gái (Út gái lấy chồng ở Huế) của người chị đầu góa phụ vẫn ở nhà cũ, cách nhà Mệ không xa. Hai chị đã lớn tuổi, đều góa chồng, ở với con, gặp lúc sức khỏe không được tốt nhưng cũng đã vào Huế thắp hương cho Dì. Tôi tuy ở xa nhưng lúc nào về quê cũng ra làng Ngoại thăm tặng quà cho các chị và gặp các cháu một đôi lần.
Trở lại với lễ An Táng vừa dứt, quý Thầy được đưa về trước để chuẩn bị cho một nghi thức cuối cùng là lễ An Linh hay còn gọi là Lễ Thỉnh An Linh Vị, tức là khi về đến nhà sau lễ An Táng phải lập bàn thờ riêng để hương khói thờ phụng trong một năm hoặc ít nhất 100 ngày thì mới được nhập vào thờ chung với Ông Bà. Ngoài ra sau ba ngày An táng còn có lễ Khai Môn, thường được gọi là “mở cửa mả” để Hương linh được phép ra vào “ngôi nhà mới” của mình.
Sau ngày tiễn đưa Mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng, đến Lễ cúng “mở cửa mả” đã được người chú là Chủ lễ vào sáng ngày 08.12.2022 hoàn tất, các em lần lượt kẻ trước người sau trở lại Sài Gòn với công ăn việc làm. Chỉ còn ba anh em, ngoài những lúc về làng để lo việc xây mộ và có lần về thăm quê ngoại Hiền Sĩ, tôi ở nhà thường dậy sớm lo hương khói và cúng trà bánh bàn thờ Mẹ, cúng chay buổi trưa và chiều, món chay thím dâu nấu. Vì đã quen với “cơm chùa” do vậy tôi đã phát tâm ăn chay cho đến ngày cuối ở Huế là khoảng ba tuần lễ, cúng Thất 3 cho Mẹ xong là vào Sài Gòn để trở về Áo.
Ngày 12.12.2022 chừng 12 giờ, người con trai trưởng là em bạn dì của vợ tôi, đã thay mặt ba gia đình anh em ở Đà Nẵng mang một giỏ trái cây đi xe đò ra thăm và thắp hương cho Bác. Hai anh em chúng tôi quen biết nhau lâu lắm rồi, lần nào về Đà Nẵng cũng ghé chơi. Nay thật bất ngờ và rất trân trọng cảm ơn chuyến viếng thăm tình nghĩa này.
Trước ba ngày cúng Thất 3 hai anh em trở về làng thăm Mộ mẹ một lần nữa. Lúc này thời tiết vẫn chưa được tốt nhưng vật liệu xây dựng như gạch táp lô, cát, sạn…đã được nhà thầu chở đến khá nhiều trong khu vực xây dựng.
Lễ Cúng Thất 3 vào ngày 20.12.2022 đã được hoàn mãn như ý với đông đủ con cháu, anh chị em tham dự cũng là ngày cuối của tôi ở Huế trong chuyến đi này. Giờ mẹ đã đi rồi nên không có gì để bận tâm nữa. Có chăng là nhớ và tiếc nuối những nơi mà các con đã chào đời từ thời thơ ấu cho đến khi khôn lớn đều có mẹ cha sớm hôm chung một mái nhà. Với riêng tôi, thời gian hạnh phúc ấy được gói tròn chỉ hơn hai thập niên rồi xa mẹ, xa gia đình, xa quê cho đến bây giờ.
Sau một thời gian thư từ qua lại với Mẹ, tôi tuy không nói hết về cuộc sống ở nước ngoài nhưng hình như Mẹ ít nhiều cũng đã biết là đồng tiền kiếm được thì ở đâu cũng giống nhau, phải có làm mới có ăn, ngoài tính siêng năng còn có sự hy sinh và đôi khi quên cả bản thân mình nữa. Mẹ có thể đã nhìn xa hơn nên thấy được sự thiệt thòi của những người con xa nhà bên trời Tây tuyết lạnh, nên đã trải lòng mà không ngại văn từ trong lá thư được viết vào tháng 3.1996, chừng hai tháng trước ngày ba tôi qua đời vì bị ung thư Amidan, tính đến nay đã 26 năm.
Đây là bút tích hiếm hoi và quý giá của một người Mẹ gần như cả đời nặng trĩu buồn lo mà tôi luôn trân quý và giữ gìn cho đến ngày Mẹ ra đi thanh thản giữa trời xanh mây trắng.
Thư Mạ ngày 04.03.1996:
“Mạ biết hai con rất thương mạ hơn ai hết, biết từ khi con còn học ở Huế chứ không phải là mấy năm nay, con thương mạ đã xong mà M. là dâu mà cũng có hiếu với mạ.
Mạ biết hai con thương cha, thương mạ, thương em trong nhà từ đứa thứ ba cho đến đứa thứ sáu đứa nào không nhiều thì ít con cũng có nuôi. Chưa có chị dâu nào mà tốt như vợ của con.
Mạ biết ơn hai con nhiều, ba sống cho đến ngày hôm nay là cũng nhờ hai con, mạ sướng có áo đẹp cơm no cũng nhờ hai con. Nếu không có hai con qua bên đó thì có lẽ ba bữa ni chết cũng được 2 năm 6 tháng rồi.”
Tuệ Lam NGUYỄN SĨ LONG
Wien, 27.06.2023
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen