Dienstag, 17. Oktober 2023

VIẾT TỪ PALAWAN

Chùa Vạn Đức - Palawan 1987


ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU:

   Mỗi khi có việc cần xem lại những cuốn Album hoặc một số thư từ cũ tôi thường nhớ về Palawan, một trại Tỵ nạn ở Philippines mà khi tàu chúng tôi đến đã có 3.000 thuyền nhân Việt Nam, được nuôi ăn ở, học chữ, học nghề, học ngoại ngữ và tham gia sinh hoạt thiện nguyện…để chờ đi định cư ở một nước thứ ba khi hồ sơ đã được chấp thuận. Thời gian ở đảo mỗi cá nhân hay gia đình đều khác nhau dưới cách nhìn của các Phái Đoàn Nhận Người Tỵ Nạn đến Trại phỏng vấn. Do vậy đã có người chỉ ở vài ba tháng đã được rời Trại, có người một hai năm, nhưng cũng có người trên năm, bảy năm vẫn chưa được đi định cư đã dần trở nên bình thường vào thời điểm khi tôi còn ở trại cuối năm 1988.

   Trong thời gian ở đảo tôi rất siêng viết thư cho vợ con, gia đình và một số bạn bè xa gần. Bên nhà vợ con tôi cũng vậy, vợ còn lưu giữ giấy tờ và thư từ rất kỹ nên sau gần bốn năm gia đình được đoàn tụ, trong số hành lý mang theo đi nước ngoài còn có gói quà đặc biệt là rất nhiều hình ảnh và thư từ mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa xem hết. 

   Nay đã trên ba thập niên nhưng tôi vẫn cần đến những trang thư ấy để xem cho biết thuở đó, gã thuyền nhân tỵ nạn xa gia đình, xa vợ con đã viết gì từ Palawan hơn ba mươi năm trước? 


VIẾT TỪ PALAWAN


Chân Như - Kiều Nam, Sài Gòn 1989


Palawan, 06.06.1987

   Hai con của ba thương,

  Tối hôm qua ba vừa gởi thư cho mẹ, những người phụ trách trên tàu đã nhận trên 400 lá thư để gởi giúp về Việt Nam và bà con trên thế giới. Sau gần một tuần lễ rẽ sóng Biển Đông, sáng nay khoảng 7 giờ tàu Cap Anamur cứu người vượt biển đã đến cảng Palawan, Philippines. Hiện ba còn ở trên tàu vì chiều nay lúc 2 giờ các nhân viên người Phi ở cảng chỉ nhận 220 người lên đảo thôi. Vậy là tối nay cơm nước xong (ba làm phụ bếp) lại có thì giờ viết thư cho hai con đây. Ngày mai là chủ nhật rồi nhưng cũng mong là họ vẫn làm việc để đưa ba vào đất liền. Nơi con tàu đang neo đậu xung quanh là những đảo có núi cao và mây trắng phủ đầy như tuyết, nhiều chiếc tàu lớn hai ba tầng đèn sáng ra vào cảng trông như những nhà lầu biết chạy. Nhìn những cảnh này ba lại nhớ mẹ và hai con, tiếc là hôm nay ba  chỉ có một mình, giá như có mẹ và hai con thì ba thật hạnh phúc biết mấy.

   Có nhiều ngày đêm liền ngồi trên thuyền vượt biển khi chưa được tàu Hải quân Pháp vớt đôi lúc ba nghĩ dại là biết đâu sẽ không gặp lại vợ con nữa, không phải chỉ một mình ba mà ai cũng nghĩ như thế. Đến khi thoát nạn mọi người đều tin có Trời Phật che chở vì hiếm khi hải tặc đã lên tàu mà mình được sống sót.

   Ba bốn ngày liền mặt mũi ba thật xơ xác, áo quần dính dầu mỡ vì ngồi bên thùng phuy dầu, lại còn ôm bé Thảo khi cháu không được khoẻ và có lúc lo cho bé Trang nữa khi Trang vì quá sợ mà bị ngất sau khi thấy ba tên hải tặc nhanh chóng thu gom tiền bạc nhưng không bắt bớ ai, khoảng chừng 10 phút sau đó họ có vẻ vội vàng xuống tàu và rời đi khi biển trời như đã chìm trong bóng tối, may quá một chỉ vàng ba dấu trong lưng quần nên không mất.

   Sau khi tắm rửa trên tàu Pháp ba đã nhận một chiếc áo thun mới. Những thứ ba mang theo đã rơi rớt dần khi chuyển tàu hai ba lần, riêng đồ đeo tay bị tên hải tặc đến gần ba rồi chỉ vào cái đồng hồ, ba hiểu ý rồi rất bình tĩnh đưa cho nó mà chẳng có chút sợ hãi nào và cũng không có gì gọi là tiếc của khi mạng sống của chừng 100 người trên tàu chưa biết ra sao!

   Khi sang tàu lớn ba nhận được 4 cái quần áo lót, khăn mặt, kem đánh răng Colgate, bàn chải, đôi dép, xà phòng thơm, 2 quần đùi, 1 dao cạo râu và một ít bì thư và giấy để gởi thư về nhà. Như vậy áo quần mặc trên tàu rất thoải mái, thấy ai cũng chỉ mặc quần đùi và áo lót, thậm chí chỉ mặc chiếc quần đùi thôi. Ngoài ra người ta còn phát nệm, chiếu và mền để nằm; chén, ly, muỗng, nĩa để ăn.

   Giờ ba kể cho hai con nghe về việc ăn uống trên tàu. Khi được tàu La Moqueuse mới vớt, các chú đầu bếp Pháp cho ăn trưa cơm nấu nhừ với thịt, buổi tối ăn cháo cá (ăn no tùy thích), buổi sáng uống cà phê sữa (uống thoải mái), thỉnh thoảng họ còn mời thuốc lá nữa. Khi qua tàu lớn buổi sáng họ chỉ phát mỗi người một trái táo, bữa trưa mình nấu cơm ăn với thịt bò, lạp xưởng, pâté, thịt heo, trứng, thịt gà. Có những bữa ăn thịt độn với cơm, nghĩa là cơm ít thịt nhiều, ăn không hết đôi lúc có người phải đổ xuống biển thật là phí phạm. Ở trên tàu gạo thì tha hồ nhưng với bếp điện nên không thể nấu dư thừa được khi khẩu phần ăn trên 600 người. Mấy bữa nay ba phụ trong bếp với một số anh em được cử ra để chia cơm, do vậy các chú trong nhóm cũng đỡ khổ và bé Thảo lúc nào cũng có trứng để ăn những khi Thảo không ăn thịt. Ba nghĩ là tuổi của Trang và Thảo chỉ lớn hơn hai con một chút thôi. Hai cô bé ngoan lắm, ít nói, cả ba chú cháu hình như không ai biết bơi vậy mà bố mẹ Trang Thảo tin tưởng gởi con nhờ ba đưa đi biển thì phải nói là người gởi, người nhận và hai cháu gái trên dưới 15 tuổi ai cũng có sự cam đảm phi thường. 

   Đến nay là ngày thứ 12 ba xa nhà, xa mẹ và hai con, ba nhớ mẹ và hai con lắm. Bù lại ba cũng cảm thấy rất hãnh diện với công việc mà ba mẹ tính toán đã thành. Mẹ đã hy sinh cho ba rất nhiều qua những lần ra đi nhưng không ít lần phải trở về. Lần này ba hứa với các con là sẽ lo cho mẹ và hai con đầy đủ và ngày đoàn tụ càng sớm càng tốt.

   Những đêm vừa rồi nằm trên tàu trong chuyến hải hành gần một tuần lễ, người lớn kẻ nhỏ ai cũng nhớ nhà nên kể cho nhau nghe nhiều chuyện trên trời dưới đất để quên đi những lo âu đang chờ ở phía trước, trong đó có chuyện vượt biên. Câu chuyện của ba phải bán căn nhà làm vốn liếng cuối cùng để đi vượt biên, thuê nhà cho vợ con ở lại Sài Gòn rồi ra đi một mình làm mấy chú em trong nhóm cảm phục, họ nói ba phiêu thiệt!

   Hai con của ba thương, vắng ba mấy bữa nay chắc trong nhà buồn lắm. Ông nội chắc đã ra Huế rồi, các con có lo lắng cho ba không? Ba cũng nôn nóng và mong được sớm vào đất liền để đi đánh điện tín. Hai bên đều sốt ruột thôi thì huề nhé. Ba đi được là điều hết sức may mắn không thể nói sao cho cạn niềm vui trong khi còn biết bao nhiều người vẫn tìm cách ra đi và chờ cơ hội.

   Ba mẹ muốn lo cho các con nhiều hơn nữa nhưng hiện giờ khả năng của mẹ chắc chưa có. Nay đang dịp hè các con nên học thêm chút đỉnh để khi vào lớp phải học giỏi như khi ba còn ở nhà. Mẹ thì không có thời gian nên chú Ty có nhiệm vụ thay ba để dạy hai con học thêm. Có kết quả mỗi học kỳ nhớ báo cho ba biết để mừng.

   Hiện giờ ba chưa lên đảo nên phải chờ hai hoặc ba ngày nữa thì mới gởi thư này để mẹ và hai con có địa chỉ để gởi thư cho ba. Sau khi đánh điện tín về nhà, nếu còn tiền ba sẽ mua cho hai con chiếc cặp để đi học trong niên khóa mới (không có thì đành chịu và đừng buồn hai con nghe).

   Thư cho hai con tạm dừng nơi đây, có gì ba sẽ viết thêm. Chúc hai con ngoan và sức khỏe, chăm học và luyện thêm tiếng Anh vì có thể dùng đến khi ba mẹ con được ba bảo lãnh ra nước ngoài.

   Hôn hai con, Ba. 



Sương Mai - Sài Gòn 1989

PALAWAN, 15.06.1987

   Em và hai con thương,

   Hôm đang ở trên tàu anh đã gởi một lá thư về nhà rồi và sau một ngày nhập trại gởi thêm một thư nữa. Bây giờ thì em chắc cũng đã nhận được điện tín, mừng thì mừng nhưng lo cũng không ít, phải không em? Việc nhà nay không có anh thì em phải quán xuyến mọi điều, thôi cố gắng lên em nhé, đừng buồn nữa, mọi việc và những ngày tháng khó khăn rồi cũng sẽ qua đi, hãy kiên nhẫn và chịu đựng, sự lựa chọn nào cũng có niềm đau.

   Đến nay đã được một tuần trên đảo, một vài ngày đầu căng thẳng nghĩ suy và chọn lựa xoay quanh việc đi định cư, nhưng đi nước nào đó là một câu hỏi khó khăn nhất cho những ai mới đến. Có qua đây mới thấy rõ việc định cư dễ hay khó còn tùy theo cách được nhập trại như thế nào: 

-Tấp đảo (có nghĩa là ghe tàu mình tấp vào một đảo của Phi), 

-Hay được tàu vớt (như trường hợp tàu Cap Anamur của Pháp và Đức vớt). Anh sẽ kể cho em nghe rõ như thế này:

-Nếu là tấp đảo thì việc xin đi các nước Mỹ, Úc, Canada có phần dễ dàng hơn vì dù ít dù nhiều ba nước này cũng có liên quan đến người Tỵ nạn như có thân nhân, cựu quân nhân, những người đã có một thời gian làm cho Mỹ…

-Nếu là tàu vớt (như tàu Cap Anamur) thì những người được vớt thuộc trách nhiệm của Pháp và Đức phải lo cho đi định cư.

   Vì vậy nếu tàu anh đi từ Cần Thơ một mạch tới Bidong, Galang hay Palawan thì việc đi Mỹ, Úc hay Canada rất dễ, có thể từ 6 đến 8 tháng là đi thôi. Ngược lại, nếu anh được tàu Pháp và Đức vớt thì việc xin đi ba nước kể trên rất là khó khăn, có thể chờ từ ba, bốn năm chưa thể đi được vì Mỹ, Úc và Canada xét rất khó, bởi một điều rất dễ hiểu là ai cũng muốn đến các nước giàu mạnh. 

   Do đó, anh được vớt là tàu Cap Anamur của Pháp và Đức thì họ phải có trách nhiệm phải lo cho mình đi định cư tùy theo sự lựa chọn giữa Pháp hay Đức mà thôi. Nếu ai cứ khăng khăng chờ Mỹ, Úc hoặc Canada phỏng vấn thì trong khi chờ đợi nhớ mua cây dừa trồng trước nhà, khi nào có trái ăn rồi hãy đi thì cũng chưa…muộn, anh mới đến đảo chỉ một tuần thôi mà đã biết đồng bào tỵ nạn còn có thêm một nhóm đặc biệt là “diện trồng dừa” nữa.

   Ngày 11.6 vừa rồi có 200 người đi Pháp, họ xuống chiếc tàu đã chở trên 600 người vào cảng Palawan mấy ngày trước, đó là chiếc Rose Schiaffino để ra khơi trưa hôm đó. Trong chuyến đi này có Trang, Thảo con gái anh chị Cúc. Các cháu nhỏ đi Pháp thì có tương lai, được chính phủ bảo trợ ăn học và nghề nghiệp, còn người lớn tuổi như anh được biết ở Pháp công ăn việc làm rất khó khăn, lại thêm chuyện bảo lãnh gia đình vợ con ở Việt Nam là không hề dễ dàng.

   Trong mấy ngày đặt chân lên đảo đầu óc rất căng thẳng là vì thế, nó đặt cho mình một lựa chọn là Pháp hay Đức. Cuối cùng anh chọn Đức vì đành chịu ở đảo từ 4 đến 6 tháng hay ít hơn để được đi Đức với mong muốn bảo lãnh vợ con được nhanh chóng là đúng ý mình hơn cả, với lại đời sống và trợ cấp ở Đức cao hơn, lâu dài hơn. Các anh người Việt theo tàu đi cứu người tỵ nạn nói như thế này: -Những người qua Đức được học tiếng Đức một năm, trong khi học được phân phối nhà ở, hưởng trợ cấp cao và được trang bị mọi phương tiện để sinh hoạt, trong khi đi học không được làm bất cứ việc gì khác, vậy mà cũng có dư tiền để gởi về nhà.

   Ngày hôm qua anh có tên trong danh sách khoảng gần 40 người được gởi đi Manila (Tòa Đại sứ Tây Đức ở Manila) để xin thêm Visa, hy vọng chưa tới 6 tháng những ai được đăng ký sẽ lên đường sang Tây Đức. Em cứ yên tâm chờ đợi, sớm muộn gì anh cũng đi thôi, đi Pháp và Đức coi như ưu tiên cho những người được tàu Cap Amamur vớt.

   Những ngày ở trên tàu Rose Schiaffino anh cứ tưởng tượng Palawan là một đảo hiu quạnh, ít người, ghê rợn như có người bàn tán. Trái lại không phải thế, đảo cũng khá rộng. Trại tỵ nạn người Việt nằm cạnh sân bay, sát bờ biển và cách trung tâm thành phố chừng 4 km, từ trại đến phố chỉ mất 2 Pesos (bằng 80 đ VN). Ở phố chính có chợ, siêu thị, nhà hàng. Các cửa hàng, siêu thị hàng gì cũng có, những người ở lâu họ nói giá cả ở Palawan cao hơn so với Việt Nam.

   Hiện trại Palawan có chừng 3.000 người Việt, mỗi hộ trung bình từ 8 đến 10 người ở trong một căn nhà chừng 18 m2, có bếp và sàn nước. Nhà có hai phòng và một cái gác nhỏ, anh và Huy Thanh (cũng người Sài Gòn) được chia về khu 4 nhà chị Trang (người Phú Khánh), chị là người vui tính, có 4 chú thiếu niên khoảng chừng 15, 17 tuổi ở chung. Chị Trang hiện có cháu nhỏ 3 tháng, chồng chị qua Úc trước và chị cũng sắp đi trong vài tháng tới.

   Khu vực anh ở gần trung tâm, có cơ quan làm việc cùng nhiều ban ngành, Nhà Thờ, Chùa, thư viện, 2 quán cà phê và nhà phát thực phẩm nên là rất tiện lợi và sạch sẽ, mỗi tối ăn cơm xong có thể đi qua bên kia đường là tới thư viện, đến chùa Vạn Đức cũng không xa.

   Về ăn uống hàng ngày vào sáng thứ hai lãnh gạo cho cả tuần (khoảng 15 lon/tuần), còn thức ăn thì 9 giờ mỗi sáng phải đi lãnh, hai tuần mới nhập phiếu thực phẩm chung với hộ mình ở. Nói tóm lại ăn uống thì tạm được, bình thường như ở nhà mình, bữa nay cá thì mai thịt, trứng, mỗi tháng có cấp đường để nấu chè một lần, có củi để đun nhưng không đủ phải mua thêm.

   Hai hôm nay tinh thần được ổn đôi chút nên mới viết và kể lể lê thê như rứa. Sáng nay đã học giờ tiếng Đức đầu tiên, tối về học bài và học thêm tiếng Anh. Tóm lại ở đây chỉ việc ăn và học, xách nước, viết thư, thỉnh thoảng làm thơ cho đỡ trống vắng, ngoài ra đừng nghĩ, đừng lo thì tinh thần được bình yên. Anh sẽ hết sức cố gắng học cho có kết quả, hy vọng là như thế.

   Anh đi trong đợt vừa qua thật là may mắn vì được tàu vớt trong chuyến cuối cùng của năm nay. Hôm 11.6 tàu chở 200 người đi Pháp là họ về luôn kể cả những con tàu con như La Moqueuse đã vớt anh, lại nghe tin các đảo ở Indonesia và Mã Lai cũng vậy nên xem ra việc đi đứng trong cuối năm nay rất khó. Các nước thứ 3 thì không muốn nhận thêm người Tỵ nạn nữa nên các trại quá đông, anh qua đây rồi mới hú hồn hú vía vì có quá nhiều hiểm nguy như đã chờ sẵn trên đường đi. Có chuyến chỉ còn một người duy nhất sống sót, có chuyến tàu hư máy lênh đênh trên biển 91 ngày đêm, chỉ còn một vài người may mắn được cứu thoát.

   16.06: Hồi tối viết chưa xong thì trời đã khuya, điện chỉ có lúc 5 giờ chiều đến 9 giờ tối là cúp, mọi gia đình ai muốn học hoặc thức khuya đều phải thắp đèn dầu. Và bên ngọn đèn dầu leo lét chẳng khác gì ở nhà những đêm cúp điện anh lại thao thức khó ngủ, phần thì nhớ em nhớ con, phần thì hai quán nhạc cà phê réo rắt những tiếng hát giọng vàng như Khánh Ly, Lệ Thu, Elvis Phương, Hương Lan…với những bài hát từ cái thời xa xưa mấy chục năm nay lại vọng về làm cho mình nhớ và buồn làm sao! Nhà lại nằm cạnh bờ biển chưa tới hai trăm mét nên về khuya khi không gian tĩnh lặng thường nghe được tiếng sóng rì rào vỗ về làm thêm nhiều nỗi thao thức nhớ nhà. Đến sáng chưa dậy, mắt chưa mở hẳn thì nhạc đã lọt vô mùng, vậy là phải nán lại đôi chút để thưởng thức, không nghe cũng không được. 

   Hiện nay Văn phòng Cao Ủy chưa lập hồ sơ cá nhân nên chưa biết phải gởi giấy tờ gì qua. Khi nào có thư anh cần gì rồi em gởi sau cũng được. Ở trại có ba ngày nhận thư gởi đi và có ba ngày để phát thư cho đồng bào. Thấy người ta nô nức đi nhận thư mà nôn quá, cứ ước gì có một lá thư nhà thì vui biết mấy, bởi thế ngay sau khi nhận lá thư này, anh không cần bất cứ gì khác hơn là thư em, thư con và thư nhà…nhớ viết cho anh biết đầy đủ từ khi anh đi đến giờ ba mẹ con cùng gia đình thế nào và cuộc sống buồn vui ra sao? 

   Luôn cầu mong cho em và hai con sức khỏe. Bên này anh đợi thư từng ngày từng giờ kể cả trong giấc ngủ cũng chập chờn ánh mắt em trên từng trang giấy nhạt nhòa nước mắt yêu thương.

   Hôn em và hai con. 


NGUYỄN SĨ LONG

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen