Samstag, 22. Juli 2017

CHUYẾN ĐI PRAHA


     Hè này nhà tôi chia làm hai nhóm. Gia đình Huệ Nhật ba người đi Texas vào hôm 05.07, còn lại vợ chồng tôi và hai con đi thăm thủ đô nước láng giềng ở miền bắc Áo là Praha cũng nhằm vào ba ngày cuối tuần từ ngày 07 đến 09 tháng 07 năm 2017.
    Để chuyến đi được thong thả, chúng tôi đã lên Wien vào chiều 06.07, hôm sau khởi hành lúc 11 giờ với đoạn đường từ Wien ngang qua Brünn (Brno) để đến Praha chừng 350 km. Khác với chuyến đi Kroatien một tuần lễ vào tháng 8.2016 đồ đạc đầy xe thì lần này chỉ bốn người nên mọi việc khá đơn giản là không lo đến chuyện bếp núc, mà ‘tới đâu hay đó’,  dành nhiều  thì giờ để đi bất cứ nơi đâu mà mình muốn đến. Do vậy đây thật là một chuyến đi khá hấp dẫn khi phải tận dụng thời gian trên từng chặng đường sẽ đi qua.
    Điều bất ngờ là khi ra khỏi Wien chừng 50 km thì bị kẹt xe gần một tiếng trên đoạn đường làng mà hai bên trồng nhiều nho, bắp…bên cạnh những thảm vàng rực rỡ của hoa hướng dương chạy dài cho đến tiếp giáp vùng Wetzelsdorf trước khi qua biên giới Áo - Tiệp ở Drasenhofen vào 13:00 giờ. Đây là điểm du khách dừng chân nghỉ ngơi, tiếp xăng dầu và để mua Vignette, một loại lệ phí xa lộ. Áo năm nay lên giá là 8,90 Euro, Tiệp thì cao gần gấp đôi: 17,20 Euro được phép chạy trong 10 ngày. Dọc theo một đoạn đường gần biên giới có nhiều tiệm, trong đó có một nhà hàng đối diện cây xăng ở phía bên kia đường, với sân rộng cho xe khách và một hành lang bên ngoài rất lớn nhưng vẫn không còn chỗ trống và đặc biệt hơn nữa, khách đặt bàn phải chờ ít nhất một tiếng đồng hồ mới được phục vụ trước khi tiếp tục hành trình trên con đường làng phải mất chừng 40 phút nữa thì mới đến xa lộ.
    Dù vậy chúng tôi vẫn không có gì vội vàng trong chuyến đi khi thỉnh thoảng trên đường gặp phải những cơn mưa bất chợt và mấy mươi cây số sửa đường hướng về thủ đô Praha. 17:30 đến Hotel Majestic Plaza nằm trên đường Stepanska, cách trung tâm Praha 1 chỉ vài phút đi bộ. Hành lý được mang lên phòng ở tầng 4, việc sắp xếp đồ đạc chẳng mất  nhiều thời gian nên sau 18 giờ chúng tôi đã rời Hotel, điểm đến đầu tiên là quảng trường Wenzelsplatz ở cuối đường Stepanska. Đây là nơi mà người dân Praha biểu tình trong cuộc Cách mạng Nhung diễn ra từ ngày 17.11.1989, dẫn đến sự cáo chung của chế độ Xã hội Chủ nghĩa kéo dài 41 năm ở Tiệp Khắc sau những thay đổi thể chế chính trị ở Ba Lan, tiếp đó là Hung rồi cùng sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh đã kéo theo sự tan rã của các nước Xã hội Chủ nghĩa khác tại Đông Âu trong năm 1989. Đó cũng là thời điểm mà nhiều người Việt lao động tại Tiệp đã chạy sang Áo và Đức để tìm cuộc sống mới khi thời cơ ngàn năm chỉ có một. 
    Đây là lần thứ ba con gái nhà tôi đến Praha nên khá rành đường sá và một số địa danh nằm hai bên sông Vltava trong phạm vi phố cổ Praha, với nhiều cửa tiệm, Shop, tranh, cà phê, Pizza, Restaurant và những cửa hàng tạp hóa nhỏ mở cửa đến 23 giờ. Có điều đáng ghi nhận là giao thông rất tốt và không có nạn kẹt xe. Các phố đi bộ liên kết nhau đủ mọi hướng nên việc tùy hứng đi trên bất cứ ngã đường nào cũng thấy có nhiều du khách là điều rất thú vị. Thỉnh thoảng ghé vào Shop để tránh mưa hoặc xem những sản phẩm thủy tinh (cao cấp hơn thì gọi là pha lê) được trưng bày rất đẹp, giá trị về nghệ thuật cũng như chất lượng, là một trong những đặc sản nổi tiếng thế giới của Tiệp. Trời bắt đầu tối và bớt mưa cũng là lúc sắp đến Zebra, nhà hàng Thái & Việt ở phía trước, chỉ cách Prager Pulverturm chừng 100 mét. Chúng tôi dùng bữa tối với món Thái, đậm đà và ngon miệng do một nhóm gồm bốn người Việt đồng hương phục vụ, quán vẫn còn nhiều khách khi chúng tôi ra về lúc 21 giờ và sẽ đóng cửa lúc 23 giờ đêm.
    Nhắc đến những đặc sản của Tiệp thì bia cũng là loại giải khát được nhiều người ưa chuộng quanh năm chứ không chỉ vào những ngày hè nắng nóng, và Tiệp là một trong những quốc gia ở Âu châu nổi tiếng bia ngon và lại rẻ nên đã thu hút du khách thuộc mọi lứa tuổi. Nhưng với giới trẻ, có người đến thăm chỉ với một mục đích duy nhất là uống bia mà nhiều nhất là từ các nước láng giềng như Áo, Đức, Ba Lan...Bởi vậy tối hôm đó trên đường trở về,  con tôi nói ba mẹ nên thử cho biết, vì vậy chúng tôi đã ngồi lại ở quày Bar của Hotel, sau 10 giờ đêm vẫn còn khách ra vào. Tôi thấy phía sau quày, trên kệ tủ chưng hàng chục loại rượu từ Whisky cho đến Campari, Bia và các loại nước giải khát. Bữa ‘tiệc không mồi’ tối hôm đó trả 9,50 € gồm 3 chai Krusovice đen x 2 € và 1 Chardonnay 3,50 €. Nếu so với Salzburg, thành phố tôi đang ở thì giá phải trả là gấp đôi, như ở Restaurant Fuxn thì 1 Fuxn-Bier hay 1 Original Budweiser 0,5L đồng giá 4 €, còn ở Sternbräu-Biergarten thì từ 4,10 đến 4,30 € tùy loại. Như vậy, các nước láng giềng sang Cộng Hòa Sec chỉ để uống bia thôi là chuyện hết sức bình thường và rất có lý. 

Prager Burg

    Sáng hôm sau chúng tôi xuống sảnh dưới tầng trệt dùng điểm tâm rồi sau đó chờ xe. Praha có 1,3 triệu dân, được mệnh danh vừa là thành phố vàng, vừa là thủ đô được ví như viên ngọc quý vô cùng xinh đẹp và thơ mộng, phong cảnh hữu tình của Âu châu nên một chuyến đi chỉ ba ngày thì phải khoanh vùng những nơi ưu tiên để tính đến phương tiện di chuyển. Bởi vậy chúng tôi chọn Taxi và chỉ mất 15 phút là đã có mặt ở ngọn đồi Hradcany bên kia sông Vltava trước quảng trường cách cổng Prager Burg chỉ 200 mét như là một lựa chọn điểm đến đầu tiên. Đây là một trong những lâu đài lớn nhất thế giới trải qua hơn 1.000 năm lịch sử gồm một quần thể các tòa nhà, cung điện, thánh đường và được xem là biểu tượng của nước Cộng hòa Sec, mỗi năm đón nhận chừng 5 triệu du khách viếng thăm. Muốn vào bên trong du khách phải qua kiểm tra an ninh ở cổng phía bên trái, qua một bức tường nữa phía bên phải là một khoảng sân rộng trước Nhà thờ Veitsdom, là nơi cất giữ báu vật của nhà vua Bohemia và cũng là nơi chôn cất các vị vua, quý tộc. Phía sau là Kloster St. Georg màu đỏ gạch là điểm dừng chân cuối trong quần thể trước khi đi qua một con đường nhỏ hai bên có cửa tiệm, nhà hàng và cà phê như là điểm nghỉ chân trước khi tiễn du khách ra khỏi hoàng thành. Chúng tôi ngồi ở Quán cà phê Vườn, từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn tổng thể toàn thành phố có hàng chục nóc Giáo đường và dinh thự cổ kính được phủ một màu ngói đỏ  nối tiếp nhau trước khi nhập cùng đoàn người tham quan đi xuống con đường dốc thoai thoải có vài nghệ sĩ chơi đàn để đến Karlsbrücke chừng nửa giờ đi bộ.
 
 
Nhà Thờ Veitsdom

    Tôi có nhiều dịp viếng thăm Viện Bảo tàng, Nhà Thờ và di tích lịch sử danh tiếng của vài nước ở Âu châu nhưng chưa bao giờ được đặt chân lên một chiếc cầu dành cho người đi bộ ấn tượng như cầu Charles ở Praha, tiếng Sec gọi là cầu Karluv hay tiếng Đức là Karlsbrücke. Cầu dài 516 m, rộng 10 m với 16 trụ cầu, là cây cầu cổ nhất được bắc qua sông Vltava, dọc hai thành cầu là 30 bức tượng Thánh và có hai tháp ở hai đầu như là điểm kết nối giữa Lâu đài Praha với thành phố cổ cùng các khu vực lân cận. Hôm đó chúng tôi đến chừng 13 giờ gặp ngày trời đẹp, phải đi qua một nhà hàng gần chân cầu rất đông khách đối diện với dòng người đi về hướng Lesser Town.


    Khung cảnh tuy nhộn nhịp nhưng không ồn ào, rất nhiều không gian để chụp hình, xem tranh hay ngắm cảnh trên sông Vltava dịu dàng và trầm lắng cùng một vài con tàu đưa du khách thưởng ngoạn những tặng phẩm của thiên nhiên. Một cây cầu đẹp, bắc ngang con sông hữu tình, thường là nơi hẹn hò của những mối tình lãng mạn ngoài đời cũng như trong thơ văn. Dòng thời gian tiếp nối qua nhiều triều đại đã minh chứng là không thiếu những trang tình sử thề non hẹn biển lâm ly bi đát của trai tài gái sắc, và cầu Vltava theo truyền thuyết là chứng nhân cho biết bao chuyện tình thơ mộng nhưng không trọn vẹn của thế gian. Dọc theo thành cầu có nhiều quày hàng lưu niệm, tranh ảnh cùng bóng dáng của những người họa sĩ tài hoa dựng lều đơn sơ hay chiếc dù che nắng, để thực hiện một bức chân dung cho du khách với thời gian ngắn nhất.  


    Chúng tôi dừng trước Old Town khá lâu trước khi qua ngã tư để vào đường Karlova cạnh Klementinum, là tên một thư viện được độc giả bình chọn là một trong những thư viện hùng vĩ nhất thế giới. Đến khu này các con đường trở nên quanh co và nhỏ hơn nhưng khách tản bộ thì không giảm cho đến khi đi ngang qua  Apple Museum Prague rồi lại theo đường Karlova để đến quảng trường Staromestske, là nơi chiếc đồng hồ thiên văn nổi tiếng được khai sinh vào năm 1410, được xem là cổ nhất thế giới đến nay vẫn còn hoạt động và hiện đang được trùng tu. Tuy vậy du khách vẫn tập trung đông đảo để chờ thời khắc chuông báo mỗi đầu giờ, bắt đầu từ 9 giờ sáng cho đến 22 giờ đêm.
    Chúng tôi gặp may là chỉ đợi đúng 10 phút, nhưng không thể đến gần vì quá đông người, chung quanh ai nấy đều sẵn sàng nhìn ngước lên khi đồng hồ điểm 14 giờ. Mở đầu với tiếng gà gáy rồi cùng với tiếng chuông khi 12 vị Tông đồ lần lượt xuất hiện ngang qua hai cửa sổ cho đến vị cuối cùng thì con gà vàng ở phía trên hai cửa sổ gáy một lần nữa đồng thời hai cánh cửa sổ khép lại. Vậy là hết bộ phim dài chỉ trong 30 giây.
    Chúng tôi tiếp tục tản bộ về hướng quảng trường Wenzelsplatz thì gặp một nhóm người trẻ đứng trước Univerzita Karlova đang quảng cáo với khách qua đường hai con rắn trông rất hiền lành, có thể ôm trong tay và quấn trên vai, con trai tôi cũng muốn thử cho biết với giá 200 CZK chỉ chưa đầy 5 phút. Đã 15 giờ, chúng tôi dùng bữa trưa nhà hàng Ý Coloseum ở trên lầu, quán thật yên tĩnh nhìn ra Shopping Center trên đường Vaclavske nhộn nhịp đông người qua lại. Khoảng 17 giờ trở về khách sạn được một lúc rồi sau đó ba mẹ con lại rủ nhau đi Shopping cho đến gần 21 giờ thì bốn người có mặt ở quán Phollow trên đường Krakovska, chỉ cách Hotel vài trăm mét. Chủ là người Việt, tiệm được khai trương hơn một năm nay với thực đơn ba miền đất nước rất phong phú với các món phở, bún bò nam bộ và nem rán mà chúng tôi đã được thưởng thức. Dù không thể nào đi hết những quán của người Việt hay người bản xứ ở Praha nhưng chúng tôi đều cảm thấy vui khi mọi người rất lịch sự và thân thiện.
    Sáng hôm sau ngày 09.07, trên đường trở về Wien chúng tôi có ghé thăm Trung tâm Thương mại Sapa, cách Praha chừng 15 km. Vì đậu xe trước cổng phụ nên phải đi vào bên trong hơi xa thì mới thấy Trung Tâm Dạy Tiếng Việt và Trường Mầm Non Sen Việt ở bên phải, đi thêm nữa phía bên trái là Café Restaurant 999 và một dãy bảng hiệu như Ý Tưởng Vàng, MoneyGram, Kế toán, Vodafone, Chuyển Tiền Về Việt Nam…Vì không có nhu cầu mua sắm nên chỉ đi một vòng xem các khu chợ được phân lô nằm hai bên con đường chính, có mặt bằng rất lớn với đủ loại hàng từ thực phẩm, tạp hóa cho đến rau cải, hoa quả tươi cùng các hàng quán  bánh mì, bánh cuốn…và phở 999, là tiệm ăn cuối cùng trên đất Tiệp mà chúng tôi ghé đến trước khi về lại Áo lúc 13:30 cùng ngày.

    
    Sau chuyến đi Praha ba ngày tôi đã có một cái nhìn khác với Cộng Hòa Séc mà gần nhất là Praha. Nhớ lại cuối năm 1988 khi tôi còn trong trại tỵ nạn Thalham, cách Salzburg 50 km, tôi không có ý định về Wien khi ra trại, lý do đơn giản theo suy nghĩ của tôi lúc đó là vì Áo - Tiệp chung biên giới và chuyện gì sẽ xảy ra nếu có chiến tranh ?  Đúng là tôi lo quá xa cho nên sau 30 năm mới đến Praha thì thật là muộn màng và tiếc nuối. Praha rất đẹp và thơ mộng cho nên chắc chắn một ngày nào đó tôi sẽ trở lại...

NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, 22.07.2017

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen