Đôi Lời Giới Thiệu :
Tôi đi vượt biên vào giữa
năm 1987, để lại vợ và 2 con ở Sài gòn. Gần 4 năm sau, vào tháng 2.1991 từ
Salzburg tôi lên Wien để đón vợ và 2 con sang Áo đoàn tụ. Kiều Nam hay còn gọi là
Bé Ty lúc đó được 8 tuổi. Hai cháu đến trường học tiếng Đức, về nhà nói tiếng
Việt để khỏi quên tiếng Mẹ. Vài năm sau gia đình chúng tôi thường sang München
(Munich) lễ chùa Tâm Giác (trước đó là Niệm Phật Đường Tâm Giác), nhờ vậy mà ngoài
sinh hoạt Phật sự vào những ngày lễ lớn, hai cháu còn rèn luyện thêm tiếng Việt
nhờ tiếp xúc với các anh chị trong gia đình Phật tử và bạn bè cùng lớp.
Bé Ty cũng theo chân
người chị Chân Như lên thủ đô Wien học sau khi hoàn tất chương trình 5 năm ở trường
Bundeshandelsakademie II, Salzburg vào năm 2003. Ở Wien, Kiều Nam phải mất 2 năm để đổi
trường. Cuối cùng, WU mới là ngôi trường trao bằng tốt nghiệp vào tháng 12. 2011.
Dưới đây là bài văn đầu
tay của Kiều Nam, được đăng trên báo Hoa Sen (Nội san của Hội VHXHPT Việt Nam
tại Áo) số 13, ấn bản tháng 2.2000, lúc 17 tuổi. Xin trân trọng giới thiệu cùng
bạn đọc.
ÁNH LỬA TRẠI
Nhận lời mời của gia đình Phật tử Chánh Tín về cuộc
cắm trại trong ba ngày tại München, năm chị em chúng tôi đã đáp xe lửa từ
Salzburg vào một buổi chiều hè tháng 8.1999. Trời đẹp, nắng ấm chắc không nhiều
thì ít đã làm an tâm những người bạn của tôi lần đầu tiên xa nhà để tham dự mấy
ngày sinh hoạt ngoài trời mà thật ra từ khi đến định cư tại Áo, chính tôi cũng
chưa có lần nào được gặp nhau trong những ngày hè như thế này.
Vừa rời nhà ga München được mấy bước đã thấy anh Lâm
đang đứng chờ chúng tôi. Sau khi chị tôi và tôi giới thiệu ba cô bạn lần đầu
tiên đến München, anh Lâm đưa chúng tôi đến Niệm Phật Đường Tâm Giác. Tôi đã
cùng với ba mẹ tham dự các ngày lễ nhiều lần ở đây, nhưng hôm nay tự nhiên thấy
một cái gì vui hơn, nô nức hơn về những trò chơi đang chờ chúng tôi vào ngày
mai. Đang suy nghĩ miên man thì xe đã đến trước cổng Niệm Phật Đường. Anh Sử và
anh Hưng khiêng những thùng đồ cần dùng cho buổi cắm trại vô xe. Chúng tôi tới
chào hỏi hai anh và luôn tiện giới thiệu chị Nghi, Maria và Bích cho mọi người
làm quen. Tất cả chúng tôi vào bên trong và được gặp anh Bình dưới nhà bếp.
Chúng tôi gọi anh là ’Bình sữa’ vì có một người cùng tên nữa nên đặt tên như
vậy cho tiện. Sau vài lời chào hỏi tôi ra ngoài phụ anh Hưng cắt rau cải để
chuẩn bị cho anh Bình sữa nấu ăn. Một lát sau thì các anh chị em cũng xuống phụ
một tay, chúng tôi vừa làm vừa đùa giỡn rất là vui. Chúng tôi chia làm hai
nhóm, một nhóm phụ anh Bình nấu ăn còn một nhóm thì dọn chén đũa ra. Đây là lần
đầu tiên tôi được thưởng thức tài nghệ của anh Bình. Ai cũng phải công nhận là
anh Bình nấu đồ ăn chay rất ngon.
Sau khi dùng cơm xong, chúng tôi lái xe tới chỗ cắm
trại, nơi mà mấy anh đang dựng lều lên. Lúc đó các anh chị ở Nürnberg, anh
Thành ở Berlin và các anh ở München đã có mặt đầy đủ. Chúng tôi chào hỏi và
giới thiệu nhau với khoảng 22 người tham dự. Sau khi dựng lều xong thì chúng
tôi đốt lửa trại và ngồi quanh vòng tròn, cùng nướng khoai, ăn chuối, ăn trứng.
Trong nhóm có anh V. Thành nói chuyện rất là tiếu lâm. Anh mà nói chuyện là bắt
buộc người ta phải cười thôi. Anh Thành thấy Bích và tôi 'còn non' chưa biết
'chuyện đời' nên anh chọc hai đứa tới bến luôn. Bích và tôi thì nói không lại
anh nên đành cười huề vốn thôi.
Vì thời tiết trở lạnh nên khoảng 10 giờ đêm chúng
tôi rút quân vô lều lớn. Trong lều chị Loan và chị tôi đã chuẩn bị bánh trái và
nước cho các anh em ngồi lại trà đàm. Đầu tiên thì mỗi người phải tự giới thiệu
mình để cho dễ xưng hô. Sau đó mấy anh nghĩ ra những trò chơi rất vui tươi, các
anh ai cũng đã lớn rồi nhưng mà vẫn chơi các trò chơi với tất cả tâm hồn. Chúng
tôi chơi cái này tới cái kia, mà trò chơi nào cũng đem tới các anh em chúng tôi
những tiếng cười vui vẻ. Khi không còn ai nghĩ ra trò chơi mới được nữa thì
chúng tôi bắt đầu đổi qua ca hát. Anh Sơn thì đàn cho các anh em chúng tôi hát,
nhờ dịp này mà chúng tôi mới khám phá ra những 'nhân tài còn nằm trong lá ủ'
của thành phố München có những giọng hát rất hay. Chúng tôi chơi tới 2 giờ
khuya. Mấy cô con gái thì được ngủ yên giấc ở trong mấy cái lều nhỏ tới sáng,
còn các anh thì phải thay nhau trực cho tới lúc mặt trời mọc, mấy anh thì ngủ
chung với nhau trong cái lều lớn mà chúng tôi đã tham dự trò chơi hồi tối. Vì
chúng tôi đã lấy bánh kẹo ra ăn nên buổi tối đã có một đàn kiến kéo tới, mấy
anh thiệt là vất vả để 'chống lại'. Nếu mà không phải thức để trực thì lại phải
ngủ với kiến! Tuy vậy, qua sáng mai thấy ai cũng rất là tỉnh táo.
Chúng tôi dùng điểm tâm bằng bánh mì và uống cà phê,
sau đó định múa Tai Tschi với anh Dũng, nhưng ai cũng làm biếng hết và hơi mắc
cở nên chỉ chơi bóng chuyền trong vòng tròn để giản gân giản cốt thôi. Một lát
sau thì anh Lâm và anh Sử đến đề nghị chơi Ruck Zuck, trò chơi này phải chia ra
hai đội, mỗi đội phải diễn tả một con thú, nhưng không được nói chuyện. Cứ mỗi
một người diễn tả và một người phán đoán, nếu đoán được thì người đó phải diễn
tả cho người kế tiếp. Đội nào đoán xong trước là thắng. Sau đó anh Sử lại đề
nghị chia chúng tôi ra hai nhóm để phụ anh Bình sữa nấu ăn, một nhóm khác đi
tìm cũi và dựng luới để chơi bóng chuyền. Bích và tôi tự nguyện vô nhóm đi lấy
cũi và dựng lưới. Trong lúc chúng tôi dựng lưới lên thì có nhóm thiếu niên của
GĐPT qua chơi, sau khi làm xong việc rồi chúng tôi rủ các anh chị chơi chung.
Chúng tôi còn giao là đội nào thua thì phại cõng đội thắng từ đầu sân đến cuối
sân. Vì thấy anh Điệp và anh Hưng chơi hay nên tôi lúc nào cũng chạy qua đội
của hai anh, ngu gì mà cõng chứ ? Vì chơi rất vui và các anh chơi hay, hấp dẫn
nên chúng tôi chơi cho tới giờ ăn trưa mới chịu nghỉ giải lao. Đồ ăn chay anh
Bình và các chị nấu ai ăn cũng ngon miệng hết. Tôi thấy anh Bình hơi bị thiệt
thòi, vì ai chơi gì thì chơi, lúc nào anh cũng đứng bên cái lò bếp, bởi vậy đi
đâu mà có anh Bình thì khỏi sợ bị đói. Anh Bình chỉ thật sự an tâm đi bơi
thuyền với chúng tôi sau khi đã 'phục vụ' xong bữa ăn cho tất cả anh em. Chúng
tôi có hai ba cái thuyền bằng phao, mỗi cái chứa được ba hoặc bốn người, tôi
ngồi chung với anh Dũng, anh Tiến và Tâm còn thuyền bên kia thì có anh Điệp,
anh Hưng và Bích. Đáng lẽ chúng tôi định chơi đua thuyền, nhưng đua đâu không
thấy, mới chèo được một khoảng sông thì mấy người ở thuyền phía bên kia bắt đầu
tạt nước chúng tôi. Nước lạnh như vậy mà họ nỡ lòng tạt cho chúng tôi ướt từ
đầu tới chân. Chúng tôi tức quá và dĩ nhiên phải tạt lại, chúng tôi vừa run lập
cập vừa tạt nước cho đến khi họ cũng ướt hết cả người thì chúng tôi mới
vui-lòng-hả-giận. Ai ngờ lúc đang chèo về bến thì anh Bình sữa từ đâu bơi tới
và cho chúng tôi tắm nước lạnh thêm một lần nữa, tiếc một cái là anh đã bơi
dưới sông rồi cho nên tạt nước lại anh cũng vô dụng thôi. Mấy chị đứng tên bờ
thấy chúng tôi chơi bạo quá nên không dám bước chân lên thuyền nữa bước.
Vì thấy thời tiết càng lúc càng lạnh nên chúng tôi
không bơi thuyền nữa. Một lát sau thì các cô, chú, bác ghé tới thăm. Sau khi
dùng cơm chiều xong thì chúng tôi vẫn không chịu ngồi yên và cùng nhau chơi
những trò chơi đua rượt, những trò chơi này từ nhỏ tới lớn tôi chưa hề chơi
qua, chắc mấy anh sưu tầm những trò chơi dữ lắm. Chúng tôi ra điều kiện là đội
nào thua phải cõng, nhưng lần này không được may mắn như lần trước, tôi bị cõng
nhiều hơn là được cõng. Khi trời gần tối, chúng tôi bắt đầu chơi những trò chơi
vòng quanh ánh lửa trại. Khi các cô, chú, bác từ giã ra về thì trời cũng đã
tối dần và cũng bắt đầu mưa nên chúng tôi quyết định vô lều lớn chơi tiếp.
Trước tiên là có một cuộc tranh luận cũng như mỗi
người nói lên những cảm nghĩ riêng của mình
về chủ đề 'hạnh phúc là gì?' Lúc ban đầu thì còn hơi nhút nhát nhưng từ
từ thì cuộc nói chuyện rất là thú vị. Mỗi người có một nhận xét, một cách suy
nghĩ và cái lý riêng của họ. Riêng tôi, vì tôi không có khiếu bày tỏ những suy
nghĩ của riêng mình nên tôi chỉ ngồi đó và lắng nghe anh chị nói chuyện thôi.
Trong lúc này tôi thấy các anh chị rất là chững chạc và có những suy nghĩ rất
đứng đắn. Khi thấy càng lúc càng ít đề tài để nói nên chúng tôi đổi qua chương
trình văn nghệ, từ nhạc trẻ tới hò và cải lương, loại nhạc nào cũng có hết. Tối
hôm nay có tiếng đàn anh Triệu đệm với anh Sơn. Anh Bình thì ngâm mấy câu cải
lương mùi mẫn, còn anh V. Thành thì hò những câu hò tiếu lâm có một không hai.
Tôi được anh V. Thành hát tặng một câu hò nhớ đời: 'Hò ơi…thương Ty không biết
để đâu, để trong lỗ mũi lâu lâu anh hách xì…' Không khí trong lều rất vui tươi,
chúng tôi vừa ăn bánh vừa uống trà và hát hò tới hơn ba giờ sáng. Tôi tuy buồn
ngủ rồi nhưng thấy vui quá nên cũng ráng thức với mọi người.
Tuy hôm trước đi ngủ muộn nhưng sáng hôm sau 7:30 tôi
đã dậy rồi. Vì thấy các người khác vẫn còn ngủ nên tôi nằm ráng tới 8:00 giờ
mới chịu chui ra khỏi lều. Hôm nay không dùng điểm tâm với bánh mì nữa mà là mì
gói, cũng nhờ anh Bình pha chế thêm vào những rau cải nên ăn rất ngon. Sau đó
chúng tôi ngồi trò chuyện một lát rồi dọn dẹp. Ai làm được cái gì thì làm cái
đó, tuy nhiều người nhưng dọn cũng lâu lắm mới xong. Chúng tôi xách đồ ra xe và
lái xe về lại NPĐ sau khi thu dọn xong lều trại và đồ đạc. Mấy anh em ngồi giải
lao một chút thì một lát sau anh Sử đề nghị làm một vòng tròn và anh nói mấy
câu tạm biệt và những lời cám ơn cho sự góp mặt của chúng tôi, những người từ
xa đến.
Phải nói là chúng tôi cám ơn mấy anh ở München mới
đúng, các anh đã cho chúng tôi một cơ hội để gặp bạn bè đồng hương, và trong ba
ngày cắm trại này mấy anh lo cho chúng tôi rất là chu đáo, Anh Sử nói lời giã
từ lúc này vì lo một lát sau còn rất nhiều việc, sợ không có cơ hội để nói
thôi, chứ không có nghĩa là từ giờ phút đó là…đường ai nấy đi. Sau khi trao địa
chỉ cho nhau để giữ liên lạc thì chúng tôi lên xe để tham quan thành phố
München.
Trước tiên các anh dẫn chúng tôi đến Englischer
Garten. Chỗ này lớn lắm với nhiều phong cảnh rất đẹp bên cạnh dòng suối, nước
trong xanh thật tươi mát như cây kem anh Lâm đãi ăn trước khi rời khỏi khu vườn
để dạo trong thành phố một lần nữa trước khi các anh chị tiễn năm chị em chúng
tôi ra nhà ga để về lại Salzburg.
Thời giờ như thể tên bay, mới đó mà đã sáu tháng
trôi qua. Hôm nay ngồi ghi lại vài dòng cảm nghĩ chắc cũng chưa nói hết những
nét đẹp và hữu ích và nhiều kỷ niệm trong lần cắm trại này. Xin gởi lời cám ơn
đến Gia đình Phật tử Chánh Tín và các anh chị đến từ Nürnberg, Berlin. Hẹn một
mùa hè khác…đang tới.
KIỀU NAM