Vào 7 giờ sáng ngày
10.09.2017, chúng tôi gồm 5 anh em
trong nhóm G7 đã có mặt ở Hội trường St. Vinzenz Pallotti nằm trên đường Hans
Sachs Gasse để trang hoàng phòng lễ, căng banderole, dựng bàn thờ, sắp đặt chỗ, bàn ghế từ bên trong cho đến bên ngoài hội trường và cuối cùng là nhà bếp để
chuẩn bị cho Đại Lễ Vu Lan, Phật Lịch 2561, sẽ được Đại Đức Thích Viên Duy, trụ
trì chùa Pháp Tạng chứng minh diễn ra vào lúc 11 giờ.
Khoảng 8:30 giờ đã xong
những phần chính nên đh. Viễn và Khải ở lại. Sĩ, Quân và tôi về trước để phụ
giúp quý bà nội trợ đang còn nấu nướng ở nhà. Lúc mang thức ăn ra hội trường
chừng 10 giờ thì có một số Phật tử Salzburg đã đến, rồi thấy anh chị Phương từ
Tirol lên, quý đh. Loan & Cường, và Hương & Ân phụ xách giúp đồ nấu và
‘phụ tùng’ vào nhà bếp, trông mọi người ai cũng vui vẻ vì lâu quá không gặp dù
ở chung một thành phố. Vào cửa chính thật bất ngờ gặp lại anh chị Tèo từ Linz
xuống, tính lại thời gian thì gần 20
năm mới hội ngộ nên thăm hỏi nhau rất nồng nhiệt. Cạnh cầu thang thấy anh chị
Bảy đang trò chuyện với anh chị Hiếu và anh chị Quang cùng một số cô bác xa gần
người nhớ kẻ quên. Khoảng 10:30 giờ ở khu vực gần quầy nước và cà phê khá nhộn
nhịp khi Phật tử Salzburg đến đã khá đông, chúng tôi thấy các em và các cháu
đang cùng mọi người phụ giúp nhà bếp hay ở quầy Buffet. Gần 10:45 giờ được tin
chiếc xe Bus đưa Thầy và Phật tử Wien
tham dự ‘chuyến hành hương’ thành phố Salzburg có chút trở ngại nên 11 giờ mới
đến điểm hẹn. Khi cùng một số Phật tử đi ra hướng sân vận động cũ để đón phái
đoàn, tôi gặp Giáo sư Phó Tiến sĩ Kurt Krammer đang trên đường đến hội trường,
là khách mời của Khải và Mai Châu. Tôi có chút quen biết với ông Krammer vào
niên khóa 1993-1994 khi hai cô con gái nhà tôi học lớp Giáo lý Phật giáo do ông
giảng dạy cho học sinh tại Salzburg. Ở Áo, Phật giáo được công nhận là một tôn giáo chính thức từ năm 1983 nhưng mười
năm sau mới có lớp Giáo lý đầu tiên với 5 học sinh vào mùa thu 1993. Nhân
chuyến thăm Áo quốc của Đức Đạt Lai Đạt Ma, Gs Krammer đã hướng dẫn nhóm học sinh Phật học của ông đi Graz để chiêm
ngưỡng vị Phật sống vào cuối tháng 6.1995. Tôi chào ông Krammer vừa xong thì
phái đoàn Phật tử cũng đang từ Tulpenstrasse đi tới. Thấy mọi người ai cũng
tươi tỉnh chào hỏi dù ngày hôm qua tại chùa Pháp Tạng, Đại lễ Vu Lan cũng đã
được tổ chức vào buổi chiều cùng với chương trình văn nghệ đến tối, vậy mà hôm
nay về Salzburg vẫn rất thoải mái là điều hết sức vui mừng.
11:25 giờ thầy Viên Duy cử
hành Nghi thức Đại Lễ Vu Lan với khoảng
110 Phật tử về tham dự, trong đó có 2 Vùng phụ cận là Linz và Tirol. Riêng Đạo
tràng Wien mỗi khi ở Salzburg có lễ thì Phật tử thủ đô thường ‘đóng góp nhân
lực’ từ 1 hoặc 2 xe Bus, mà ấn tượng nhất là vào năm 2011, Đại lễ Vu Lan đã
được tổ chức vào ngày 10.09 tại hội trường Laufenstrasse (hội trường nhỏ chỉ
bằng một nửa so với lần này). Dù được ‘tin vui bất ngờ’ nhưng G7 vẫn chuẩn bị
đầy đủ 180 phần cơm hộp để đón tiếp 2 xe Bus từ Wien xuống. Sau lễ, Ban tổ chức
đã hướng dẫn phái đoàn đi tham quan thành phố. Năm nay chùa Pháp Tạng tổ chức
chuyến đi cho 54 Phật tử, trong đó có
một gia đình Phật tử Việt 4 người ở Hy Lạp trở về thăm Wien cũng đi theo đoàn.
Có lẽ đây là lần đầu tiên thầy trò ngôi chùa mới làm chuyến vân du về một thành
phố du lịch nổi tiếng ở miền tây nước Áo, nơi đó Đạo tràng Salzburg luôn nhiệt
tình và hiếu khách.
Mỹ Uyên (Salzburg)
Sau cử hành Đại Lễ Vu
Lan là phần Thuyết Pháp, Nghi thức Bông
Hồng Cài Áo và cuối cùng là phần văn nghệ gồm 6 tiết mục (Wien 4 & Salzburg
2) với những ca khúc về Mẹ trong Lễ Báo Hiếu đã khiến người nghe tuôn trào cảm
xúc lúc Mỹ Uyên với bài ‘Phận Xa Cha Mẹ’ được cất lên cùng những tiếng nấc
nghẹn ngào làm đứt quãng lời nhạc nhưng vẫn thiết tha qua tiếng đàn đệm của đh.
Lê Tuấn. Cả trăm ánh mắt không rời cô giáo Uyên trên sân khấu khi nước mắt long
lanh trong từng câu hát. Cả hội trường xúc động, không ai hẹn ai, cùng lau nước mắt…
Bé Trinh (Wien)
Chương trình văn nghệ
kết thúc lúc 13:15 giờ sau tiếng hát thật dễ thương của Bé Trinh, tiếp theo là mời quan khách
và Phật tử dùng Buffet trước cửa hội trường. Hai chiếc bàn dài được ghép lại để
có mặt bằng lớn đặt nồi cơm điện và những món chay của G7 và đồng bào Phật tử
cúng dường: hủ tiếu xào, món kho thập cẩm, sườn chiên giòn & sả ớt, canh
chua, tàu hũ dồn, mắm Thái (chay), rau xào, xôi vị, rau củ kho chay, mì căng sả ớt, gỏi, xôi, cà ri, cà tím um, bánh khoai mì nướng, rau câu trái cây, bánh
tiêu...Riêng nồi bún bò Huế phải đặt trong bếp để giữ nóng nên Ban ẩm thực đã
nhanh tay làm mỗi mâm khoảng 6 tô rồi đưa qua cửa thông từ bếp ra ngoài, cạnh quầy
Buffet. Chúng tôi thấy quý Phật tử ai cũng thoải mái đứng chờ đến phiên mình,
và đây chính là khoảnh khắc thật vui, thật đẹp khi mọi người chuyện trò thăm
hỏi nhau trong một ngày lễ mà đôi khi ba bốn năm mới có một lần.
Bên cạnh quầy Buffet còn
có một chiếc bàn nữa được dành độc quyền cho đh. Nguyễn Hồng Loan, một thành
viên G7 giới thiệu 6 loại bánh ngọt và
nồi chè (hình trên). Ngoài ra, đh. Loan còn làm 51 phần bánh cuốn
được đóng hộp dành tặng phái đoàn Phật tử Wien để lót lòng trên đường trở về Chùa
vào buổi chiều tối.
Sau giờ ngọ trai, đại
chúng tụng một thời kinh nữa rồi trở lại phần văn nghệ. Theo lời yêu cầu của
thính chúng, Thầy Viên Duy đã trình bày hai bài hát, trong đó tôi chọn bài ‘Đêm
Tụng Kinh Pháp Hoa’ nghe Thầy hát rất hay. Chương trình văn nghệ
chấm dứt lúc 15:30 giờ, tiếp theo là chụp hình lưu niệm, trước khi chia tay bà
con Phật tử xa gần và tiễn phái đoàn Wien lên xe Bus ra trung tâm tham quan
thành phố Salzburg.
Trên đường trở về Wien,
phái đoàn đã nghỉ chân trên xa lộ lúc trời chưa tối để thưởng thức món bánh
cuốn Nguyễn Hồng Loan. Xe Bus đưa phái đoàn Phật tử Wien về đến Chùa bình an lúc 21:30 giờ
cùng ngày.
Sau Đại lễ Vu Lan, BTC
nhận được nhiều lời ngợi khen thân tình. Thay mặt Phật tử Salzburg, chúng tôi
xin nhận tấm lòng ưu ái của quý vị về một Ngày Vu Lan với nhiều cảm xúc nhưng
chắc không tránh khỏi sơ sót, xin niệm
tình tha thứ cho.
NSL
Sbg, 16.09.2017
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen