Samstag, 31. März 2018

NHỚ PALAWAN


Vẫn nghe sóng vỗ từ bên ấy
Với những rong rêu với cỏ cây
Nhớ hàng dừa xanh bên quán nước
Ngồi ngắm biển mà mắt nồng cay.

Vẫn còn nhớ hôm vào Barrack
Đêm chong đèn viết vội dòng thư
Bao nỗi khổ dường như biến mất
Trong hàng rào chờ đợi định cư.

Vẫn còn nhớ ngôi trường Việt Ngữ
Tiếng đánh vần con trẻ vô tư
Cô giáo miệng đọc tay viết bảng
Thầy dạy em học giáo khoa thư.

Nhớ mỗi đêm nghe loa phóng thanh
Đây chương trình ‘Vài phút tâm tình’
Lời diễn đọc ngọt như tiếng mẹ
Lòng nhớ quê hương nhớ gia đình.

Vẫn còn nhớ những sáng phi trường
Bao bàn tay vẫy bao luyến thương
Người đi trong nắng xôn xao ấy
Kẻ ở còn mang nhiều vấn vương.

Nhớ phố Puerto Princesa
Đường đi qua chợ với vườn hoa
Nhớ chuyến xe ra từ cổng trại
Một bước lang thang lại nhớ nhà.

Vẫn còn nhớ bạn bè chiến hữu
Bây giờ ai kẻ ở người đi
Thương cho ‘những gương mặt kỳ cựu
Bao năm rồi chưa được định cư !’

Vẫn còn nhớ quán Coffee Shop
Với menu hương vị quê nhà
Mỗi lần ghé lòng như ngây ngất
Mùi bún bò từ bếp bay ra.

Vẫn nghe sóng vỗ từ bên ấy
Dù có bao năm tình cũng đầy
Vẫn nghe mằn mặn từ trong biển
Có nước mắt em đợi tháng ngày.

NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, 28.05.1989

Freitag, 23. März 2018

NHẮN MỘT NGƯỜI Ở NORWAY


Bảy năm còn nhớ một người
Đôi tay thật mịn nụ cười thật duyên
Biển xanh trong mắt em hiền
Thơ anh đã một lần nghiêng ngả rồi.
                            
Bảy năm hoang lạnh bờ môi
Sóng xô ghềnh đá mỏi đôi cánh chờ
Đêm về ngồi dệt ước mơ
Làm con chim hót trên bờ vai em.

Mùa đông như đã dài thêm
Tuyết bay vương mái tóc thề nguyên khôi
Bảy năm thân phận nổi trôi
Bắc Âu em đến trung Âu anh về.

Cách nhau chừng đó sơn khê
Những lúc băng giá em về ai đưa?
Giờ anh còn chút hương xưa
Tàn đông vẫn nhớ chiều mưa năm nào.

NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, 1.1996 

Sonntag, 18. März 2018

MÁI CHÙA XƯA


    Khoảng 10 giờ sáng thứ bảy ngày 10.3 chúng tôi gồm bốn Phật tử từ Salzburg đã về thăm chùa Tâm Giác ở Kirchseeon, München. Ngay trước chùa lúc đó, thầy Trụ trì đang cùng với một số Phật tử dọn dẹp sân trước vườn sau vì hiện tại chùa đang trong công tác  sửa chữa, được khởi công từ tháng 8.2017 đến nay. Chúng tôi chào thầy Trung Lưu và thầy Hữu Bình (thầy từ Việt Nam sang) cùng quý đạo hữu đang làm việc, trong đó có một người mà trên đường chưa tới chùa tôi đã nhắc đến thế nào cũng gặp vì hôm nay là ngày cuối tuần, đó là đh. Trần Sao, một người em quen biết từ mấy chục năm qua cùng thành phố cũng như thường gặp nhau khi có sinh hoạt Phật sự ở Salzburg hay ở München lâu nay. Tuy cũng có phần bất ngờ, nhưng rất vuihai anh em gần nửa năm mới gặp lại từ sau lễ Vu Lan được tổ chức ở Salzburg vào tháng 9 năm ngoái.
    Chúng tôi vào Chánh điện lễ Phật ở phía sau vì phòng trước đang làm hệ thống sưởi. Đây là một công việc rất trọng đại mà thầy Trung Lưu đã ấp ủ từ lâu thì nay đang được thực hiện. Đó là xê dịch Chánh điện sát tường phía sau là để tránh trên lầu 1 có phòng sinh hoạt đúng vị trí của Chánh điện bên dưới, sau nữa là toàn phòng sẽ được rộng rãi hơn khi hoàn thành trong chương trình tu sửa từng phần một vì ngân quỹ nhà chùa hiện nay rất eo hẹp. Do nhu cầu sửa chữa nên trước và sau sân chùa đã phải đổi dời vài vị trí như tượng Phật Quan Thế Âm và tháp Chuông được thỉnh ra phía sau, bên tượng Đức Phật Thích Ca nằm chính giữa được lát toàn đá trắng. Ngọn đồi sau chùa không lớn nhưng nơi an vị tượng Phật A Di Đà trên đỉnh cao như bức tường thành thêm phần vững chắc quanh năm mưa nắng chở che mái chùa và mang lại niềm vui, đạo tràng an lạc. 

  Đại Đức THÍCH TRUNG LƯU

    Nhìn hai Thầy và các Phật tử làm việc trong một ngày cuối tuần lòng chúng tôi ai cũng cảm kích, trong số đó có cả gia đình các anh chị đến từ thành phố khác xa từ 150 cho đến 170 km. Tuy đang làm việc nhưng Thầy đã cùng các Phật tử phương xa chụp vài kiểu hình. Cảm động hơn nữa là thầy đã hai lần mời lên lầu uống trà rồi ở lại chùa dùng cơm trưa. Tôi thì chẳng có gì vội khi vợ chồng đạo hữu Thành Tâm rủ hôm nay sang thăm chùa rồi sau đó đi Orient Shop, mọi người ai cũng làm việc nên cũng có chút e ngại, nhưng thấy sự ân cần của Thầy cùng các Phật tử dù chưa lần gặp mà đã quý mến nên chúng tôi lên lầu định uống ly cà phê rồi đi. Ai ngờ khi vừa đặt ly cà phê vừa pha xong và ngồi xuống bàn thì được quý đạo hữu trong nhà Bếp mời khách mỗi người một tô cháo, tiếp sau đó là dĩa bánh mì xắt lát rồi một tô lớn Ragout do chị Dung nấu được mang ra. Chúng tôi không những chẳng làm khách mà còn thiệt tình thưởng thức hương vị chay của chị Dung và anh Hoàng vì…quá ngon. Chưa hết, anh Hoàng ngoài món cháo còn giới thiệu thêm chả giò, khô nai thật giống…ngoài đời nên anh đã phải làm thêm ba hộp cho khách xa mang về nhà. Nhân tiện xin cám ơn chị Dung, anh Hoàng, em Sao và hai vị nữ đạo hữu có mặt hôm đó nhưng chưa biết tên.
    Trong lúc chúng tôi đang ngồi ở bàn ăn chuyện trò với Sao và anh Hoàng thì có chị Hóa đến, được biết chị là thành viên trong Ban chấp hành và sau đó khi chúng tôi chuẩn bị đi thì chị Nga đến. Vậy là những lần trở về thăm mái chùa xưa trong vài năm trở lại đây, nay không còn gặp nữa những Phật tử mà gia đình chúng tôi đã quen biết từ năm 1995 khi còn Niệm Phật Đường Tâm Giác ở thành phố München, ngoại trừ anh chị Hương Ân, gia đình đh. Trần Sao và một số Phật tử đến từ Salzburg.
    Trở lại chừng hai mươi năm trước, một trong những kỷ niệm tôi còn nhớ đến giờ là ngoài những ngày lễ bình thường mà chúng tôi về tham dự, còn có một khóa lễ quan trọng với sự có mặt của hai vị thầy khả kính là Thích Như Điển và Thích Trí Minh đồng chứng minh cho Đại lễ Rằm Hạ Nguyên và Thọ Bát Quan Trai, cũng nhờ vậy mà sau đó hai con gái nhà tôi cùng ba người bạn ở Salzburg đã nhận lời mời của gia đình Phật tử Chánh Tín về cuộc cắm trại trong ba ngày vào mùa hè 1999 với các anh Bình (còn được gọi là Bình Sữa), Thành, Hưng, Dũng, Điệp, Sơn, Tiến, Tâm, Ngự Lâm và Ngự Sử…Trong số các Phật tử ở trên, thì Thành và Hưng tôi đã có dịp gặp lại trong lần Thượng Tọa Thích Pháp Hòa từ Canada đến München giảng pháp do Đạo tràng Liên Hoa tổ chức vào ngày 25.06.2017 ở Sozial Zentrum.


    Cho đến năm 2001, NPĐ Tâm Giác đã trở thành chùa Tâm Giác khi mua được một căn nhà hai tầng ở đường Wasserburgerstrasse, Kirchseeon cách München chừng 30 km. Từ đó đến nay đã 17 năm với bốn vị Thầy trụ trì tiếp nối. Đầu tiên là Đại đức Thích Từ Trí, sau đó có hai thầy nữa rồi mới đến thầy Trung Lưu từ năm 2011 cho đến nay. Đã nhiều năm qua khi về chùa tôi chỉ được gặp Thầy vài lần, đa số là trong những dịp Tết. Với ngôi chùa xưa thì không thay đổi gì mấy, nhưng người cũ thì rất tiếc là thời gian không chịu dừng lại để ai đó nhắc đến gia đình Phật tử Chánh Tín mà nhớ đến hai anh em Ngự Lâm và Ngự Sử thì Thiện Học Huỳnh Hồng Ngự Sử, sinh năm 1976 được biết đến như là một nhà thơ lấy tên làm bút hiệu. Thời gian tôi quen với Ngự Sử là vào năm 1997, Ngự Sử thuở thiếu thời sống trên Cù lao Tây giữa giòng Tiền Giang, sau đó vào Sài Gòn học và sang định cư tại München lúc 14 tuổi, thời điểm đó chàng sinh viên đang học Kinh tế và là thư ký của Chi hội Phật Tử. Ngự Sử làm thơ khi còn rất trẻ, vừa hai mươi tuổi nhưng đã có một gia tài vô giá với trên 50 sáng tác đủ thể loại về thơ tình.
    Chúng tôi chào thầy Hữu Bình cùng quý Phật tử trên hành lang lầu 1 khoảng 12 giờ, trước khi xuống dưới tìm thầy Trung Lưu nhưng không thấy. Dầu vậy, trên chặng đường từ chùa đi München rồi trở về Salzburg; tôi vẫn còn nặng lòng với ấn tượng thật đẹp khi được gặp vị tu sĩ khoác áo nâu sồng vào một buổi sáng cuối tuần, mải mê Phật sự cho sân chùa tỏa ánh hào quang.
 
NGUYỄN SĨ LONG
18.03.2018

RẠNG RỠ

Và bên đây cũng mùa xuân bên ấy
Không là hương gió vẫn gọi mời say
Nghìn lá nõn e ấp chờ nắng mới
Như tay người chờ nắm lấy tay ai.

Em hai mươi hay chỉ vừa mười tám
Thôi, biết chi những mơ ước âm thầm
Mười ngón thơm tho xoe tròn trong nắng
Buông rơi xuống lòng ta tất cả xuân.

Trời xanh cao tha hồ chim hót dạo
Ngỡ là em đang nói mấy câu thương
Bụi hồng vàng mềm lên từng nếp áo
Ai bước đi cứ ngoảnh mặt trông chừng.

Chính hôm nay ta bỗng vừa gặp lại
Chút gì xa và một chút gì gần :
Dường đã rõ sao còn thắc mắc mãi
Màu nắng mới hay gò má giai nhân ?

NGỰ SỬ      

Samstag, 10. März 2018

GÓP NHẶT Ở SALZBURG

 
Salzburg by Night (Ảnh Lê Tuấn)

NHÌN TRỘM
Một hôm đứng giữa nắng vàng
Liếc mắt nhìn trộm cô nàng tóc nâu
Ngực tròn, hai má đỏ au
Mắt xanh rớt lại mấy câu thơ này.

Ở PHỐ MOZART
Nhà ông Mozart hiển linh
Năm châu đỗ lại chụp hình dạo thăm
Từ nơi chăn chiếu ông nằm
Còn vương tiếng nhạc xa xăm gọi hồn.

KHÁCH VÀ TA
Công viên khách ngắm ngàn hoa
Ta ngồi mé cỏ ngắm ta một mình
Bao năm trong cõi vô minh
Vẫn chưa trả hết nợ tình xưa nay. 
BÊN SÔNG
Bên sông đốt thuốc chờ trăng
Thấy ai như bóng chị Hằng sang chơi
Cầm tay mời chị cùng ngồi
Cỏ non nín lặng ngắm đôi nhân tình.

SALZBURG BY NIGHT
Trăng về ngủ trọ lâu đài
Thành cao sương lạnh phố vài người qua
Chiếc cầu sáu nhịp trông xa
Cũng hao hao giống quê nhà, cố đô. 
NHỚ BẠN
Năm xưa chung một mái trường
Hút chung điếu thuốc cùng thương một người
Hôm nay cách biệt phương trời
Thuốc thơm cũng nhạt giữa đời lưu vong.

NGUYỄN SĨ LONG

Sonntag, 4. März 2018

DON HỒ IN VIENNA

 
Ca sĩ Don Hồ

    Tôi đến Wien sớm một ngày vào trưa 23.02.2018  là do yêu cầu của anh Nô nhờ giúp một số việc vì chương trình văn nghệ năm nay số ca sĩ được mời tham dự đông hơn. Ngay buổi chiều hôm đó tôi đưa anh Alain Vũ đến nhà anh Thành ở Haberlgasse (Niệm Phật Đường Minh Tịnh cũ) trước 18 giờ để tập dợt Show trình diễn Áo dài. Buổi tối, khi Chân Như và tôi trở lại Haberlgasse khoảng 19:30 giờ thì được anh Nô nhờ tôi đưa ca sĩ Don Hồ về khách sạn và thêm một yêu cầu nữa cho sáng mai là Don Hồ và một người nữa muốn đi xem sông Donau với một vài thắng cảnh ở Wien nếu có thời gian. Yêu cầu này hơi  khó vì tôi không phải là cư dân ở Wien, vì vậy tôi đã đề nghị anh Nô nên gọi cho Kiều Nam cùng tham gia thì sẽ tốt hơn.
    Tối hôm đó sau cuộc gọi của anh Nô, khoảng 23 giờ Kiều Nam đã liên lạc với chị Diệp và sáng hôm sau 24.02 hai cha con chúng tôi đến đón cô Thanh Lê vào lúc 09:40 giờ, cô chính là người mà tối hôm qua tôi đã gặp ở phòng tập nhưng lúc đó chưa biết tên. Được biết Thanh Lê đến từ Berlin, Đức. Cô là em ruột của Phạm Đức Thành, một nam nghệ sĩ đàn bầu nổi danh định cư ở Canada, đã và đang cộng tác với trung tâm Thúy Nga Paris. Lần này cô đến Áo cũng để trình diễn đàn bầu với bốn tiết mục, dù chưa được nghe nhưng cô đã trấn an: “hy vọng là Thanh Lê sẽ không làm mọi người thất vọng”. Từ nhà Diệp, chỉ 15 phút sau đó ba người chúng tôi đã có mặt ở Hotel Karl Wirt đúng 10 giờ như tôi và Don Hồ đã hẹn từ tối hôm qua. Nơi anh ở chỉ cách hội trường Casablanca, đường Perfektastrasse ở quận 23 chỉ vài phút xe. 

    
    Tối hôm qua Don Hồ không được khỏe lắm, khi lên xe anh nói cảm thấy lạnh, nhức đầu, và hơi khan tiếng làm tôi lo lắng và nhớ đến ca sĩ Như Quỳnh cách đây ba tháng khi cô đến Wien cũng có vấn đề sức khỏe ngay sau đêm diễn Dạ Vũ Giáng Sinh 2017 vào ngày 26.12.2017 chỉ chừng năm sáu tiếng đồng hồ trước khi rời Áo vào buổi chiều hôm sau. Hôm đó khoảng 10 giờ sáng ngày 27.12, tôi nhận được ít nhất là bốn cuộc gọi của anh Nô từ sở làm, việc tiếp theo là chở Chân Như đến Restaurant Wok Time ở quận 23 sau khi tìm được một hộp thuốc theo toa mà Như Quỳnh đang cần, cô ca sĩ cho biết vì đi diễn dài ngày nên thuốc không đủ dùng, đó là lý do khiến cô bị mệt vì thiếu ngủ nên xe Cứu thương cũng đã được gọi đến chỉ sau chúng tôi chừng vài phút. Ngồi trong xe tôi thấy ca sĩ Tuấn Anh mang ba lô đứng chuyện trò với các anh trong ban nhạc trước cửa nhà hàng dường như đang đợi chờ ai đó. Chân Như cùng lên xe cứu thương giúp thông dịch, Như Quỳnh đã được bác sĩ và một đội ngũ y tế bốn người khám và chăm sóc gần một tiếng đồng hồ ngay trong xe Cứu thương ở cạnh nhà hàng, rồi sau đó hai chị em Như Quỳnh và Tường Khuê được Chân Như dẫn đến xe tôi đang đậu gần đó trong tình trạng sức khỏe đã trở lại bình thường. Chúng tôi đã đưa hai chị em đến nhà ga xe lửa quận 10 lúc 14:40 giờ, dù vẫn dư thời gian nhưng Chân Như đã cùng Như Quỳnh và Tường Khuê nhanh chân tìm đến điểm hẹn trước khi tàu chạy sau 15 giờ. Lúc đó dù vội vàng nhưng hai chị em khi xuống xe vẫn không quên bắt tay và cám ơn chú với giọng Huế làm mình tưởng như là…bà con. Trông Như Quỳnh vẫn xinh đẹp như thuở nào mà tôi đã có lần gặp ở München cũng trong chương trình ca nhạc chừng mười năm qua. 

  Don Hồ - Kiều Nam - Thanh Lê

     Hôm nay thấy yên tâm khi Don Hồ bước ra cửa Hotel với nụ cười xã giao và tiếng chào buổi sáng nghe rất khỏe với áo Mantel đen, quần Jean và khăn quàng xám đen rất dài đủ sức quấn vài vòng chống lạnh từ cổ cho đến đầu. Kiều Nam cầm tay lái và nói cho Don Hồ biết những nơi dự định sẽ đến thăm. Xe rời Hotel Karl Wirt lúc 10:15 và đến núi Kahlenberg ở quận 19 chưa tới 11 giờ. Trời đẹp như nắng hè đã trở lại nhưng đôi bàn tay thì lạnh buốt trên độ cao gần 500 mét. Từ bãi đậu xe chúng tôi đi bộ ngang qua nhà thờ St. Josefskirche rồi rẽ trái, thấy một nhóm người đang đứng hàng ngang cạnh tiệm cà phê để chụp hình, nhìn xuống dưới là thành phố Wien như được quét một lớp sơn trắng dưới bóng nắng trái mùa nhưng rất đẹp. Đứng ở góc độ này thì bị chói sáng, nên trong lúc cùng đi dọc theo bên trái tiệm cà phê để ra phía sau thì Don Hồ gắn Cellphone trên Selfie Stick. Từ triền núi này mới thấy được sông Donau ở bên trái nằm tê cứng trong thời tiết -4 độ C dưới làn tuyết trắng lạnh lùng trùm kín thủ đô Wien như vẫn đang còn say ngủ. Don Hồ chụp nhiều cảnh khi quay mặt về hướng sông Donau, chúng tôi ở đó chừng 15 phút rồi khi đã vào tiệm Café Kahlenberg mà vẫn còn cảm giác hơi lạnh mang theo, trong khi nhìn ra bên ngoài thấy vài người ngồi như bất động nhìn trời cao đất rộng trong thời tiết giá lạnh của một ngày mùa đông có nắng đẹp trời. 
    Chúng tôi rời Kahlenberg lúc 12:20 giờ, điểm tiếp theo là về quận 1 phải mất khoảng 40 phút mới đến phố đi bộ Kärntner Strasse hướng về nhà thờ Stephansdom sau khi gởi xe ở Garage gần nhà hàng Sài Gòn. Con đường này tôi đã đi qua nhiều lần nên khá quen thuộc với hàng trăm thương hiệu, rất đông người xuôi ngược bất kể nắng hay mưa, hè sang hay đông về. Điều đặc biệt với tôi là tiệm cà phê Aida trên lầu 1, ngồi ở đây để thưởng thức một ly cà phê ngon, ngắm dòng người qua lại là điều hết sức thú vị, chỉ cách một đoạn đường ngắn nữa là tới nhà thờ. 
    Đối với Don Hồ có lẽ là khác, trên đường đi tôi thấy anh chưa lần nào nhìn chăm chú vào một cửa tiệm và cũng không có ý định vào bất cứ Shop nào, có lẽ vì đôi mắt và đôi tay không hề rời Selfie Stick. Khi đến trước nhà thờ Stephansdom nắng ấm hơn đôi chút nhưng gió mạnh, Don Hồ phải dựng Selfie Stick nhiều lần, có khi chưa kịp tạo dáng và bấm máy thì gió đã bất ngờ thổi bay. Don Hồ chụp khá nhiều trong nhà thờ dù rất đông người trước khi chúng tôi trở về đường cũ, ghé Restaurant Sài Gòn dùng bữa trưa với món phở, bún bò Huế lâu chừng một tiếng đồng hồ rồi cùng đi lấy xe đưa Don Hồ trở lại Hotel lúc 16 giờ.
    Còn hai việc nữa tôi phải làm là đưa Thanh Lê đến hội trường, rồi gọi cho Như biết để nhờ một người ra trước bãi đậu xe khiêng giúp hai thùng hàng của mẹ vợ anh Nô từ miền viễn tây gởi lên Wien ủng hộ quày thực phẩm của chị Hai trong đêm văn nghệ. Xong tất cả mọi việc, tôi và Kiều Nam về đến nhà ở quận 16 trước 17 giờ. 

                                   
     Tôi trở lại hội trường lúc 17:50 giờ, từ lối vào chính đã nghe được tiếng cười nói nhộn nhịp từ quày vé Tombola, bàn lắc bầu cua cá cọp nhiều người tham gia, nhìn thẳng vào phòng ăn các bàn đã hết chỗ trống, ngoài hành lang các quày nước, cà phê, phở đông khách, các quày thực phẩm bận rộn người mua kẻ bán xen lẫn tiếng chào người quen kẻ lạ. Nhìn vào hội trường đã kín chỗ với con số phỏng đoán từ 1200 đến 1400 người. Chương trình văn nghệ ngoài những tiết mục ca vũ nhạc, múa lân thường lệ, nay còn có đàn bầu, múa, trình diễn áo dài với sự góp mặt của: Ca sĩ - MC Thanh Tùng & Nhã Vy, Phương Son, chị Ánh (múa), Thanh Lê (đàn bầu), Thu Gương, Anh Huân, Tiến Thành, Anh Nhất, Đức Hoài Minh, Alain Vũ Hoàng My (Show diễn Áo Dài), Keyboard: Công Thành, với trên 30 tiết mục, chưa kể chừng gần 10 bài của Don Hồ trong phần Remix cho đến lúc kết thúc chương trình vào lúc 1 giờ khuya. 

  Đh. Lê Tuấn
 
     Cũng như mọi năm, chương trình được sắp xếp rất bài bản nên người viết chỉ lướt qua với ‘thông điệp’ mở đầu của Ban Tổ Chức là Lê Tuấn và Diệp Nguyễn lúc 18 giờ…lời Chúc Tết của thầy Viên Duy…múa lân…và cho đến 19:50 mới bắt đầu phần trình diễn của Don Hồ. 
    Sau những lời chúc Tết, Don Hồ mở đầu với bài Vùng trời bình yên cùng chiếc Áo dài đỏ, quần vàng. Chàng ca sĩ đã bước qua tuổi 52 (Don Hồ nói với tôi là anh sinh năm 1966) nhưng giọng ca vẫn khỏe và mạnh không thua gì sức trẻ MC Thanh Tùng. Năm nay ai cũng khen Thanh Tùng hát hay hơn các năm trước nhiều, điều đó đã được chứng minh trong mỗi bài hát mà anh trình bày, rất được khán giả hoan nghênh. Sau Vùng trời bình yên, những bài kế tiếp trong phần 1 và phần 2 gồm: Chúc xuân, Đầu xuân lính chúc, Xuân này con không về, Đường xa ướt mưa, Điệp khúc mùa xuân, Hình ảnh người em không đợi và Hãy sống cho tuổi trẻ (Say you will). Ở phần 1, Don Hồ đã chuẩn bị 200 bao lì xì đã chia ra nhiều gói được nhét trong túi áo và quần để sau mỗi câu hát của anh, dưới hội trường nơi nào hát theo lớn nhất, rõ nhất thì anh sẽ ném những bao lì xì vào đó để khán giả ‘cùng nhau nhặt’ như là một chút quà xuân và may mắn đầu năm. Ý tưởng này của Don Hồ đã mang đến không khí vui nhộn cho cả hội trường.

 
    Trước 22 giờ khi sắp tới giờ diễn phần 2 của Don Hồ tôi đi ra hành lang rồi tình cờ ngang qua quày bày bán DVD của Don Hồ do hai cô Lan Anh và Thúy An đứng chào hàng, một lát sau có Chân Như đến. Để được chụp một tấm hình Tam Nương trong những chiếc áo dài tuy hơi màu mè hoa lá nhưng xinh đẹp, tôi đã mua một DVD để có lý do nói cho Don Hồ biết, nhờ tam cô nương mà dĩa của anh bán rất chạy…đếm chưa đủ mười ngón tay. 


    Sau phần 2 là giải xổ số Tombola, mọi lô trúng đã có người nhận. Có người trúng kẻ không nhưng chắc chẳng có ai buồn vì đây chỉ là một trò chơi may rủi lấy niềm vui ủng hộ nhà Chùa là chính, bởi vậy 3.000 vé Tombola in ra đã được bà con xa gần ủng hộ hết mình, bán hết khá nhanh trước khi giải được bốc thăm lúc 23 giờ.
 

   Chương trình được tiếp tục với phần 3 hay còn gọi là Remix lúc 24 giờ chỉ với Don Hồ cho đến cuối chương trình. Khi xổ số Tombola vừa xong cũng là lúc bà con xa gần kẻ ở người về vì đêm đã khuya, lạnh lẽo. Người ở lại cũng không ít để cùng với Don Hồ khuấy động hội trường theo từng bước nhảy được mở đầu với bài Dancing All Night, tiếp đến là những ca khúc được anh trình bày chắc là nhiều hơn như tôi ghi dưới đây: Tuyết rơi, Xa em kỷ niệm, Lemon Tree, Trở về mái nhà xưa, Papa và Chân tình là bài cuối khi Don Hồ nhảy xuống hội trường kéo hai chiếc ghế ra giữa, đứng lên rồi cùng hát với mọi người xung quanh, rồi anh đành phải cùng mọi người chấm dứt vì đã hết giờ. Có lẽ phần Remix qua tiếng hát đầy nhiệt tình tuyệt vời của Don Hồ mới là những ca khúc mà hầu hết tôi yêu thích, đó là thời mà âm nhạc như là mạch sống của tình yêu đôi lứa ai cũng phải nếm thử một lần. 

    
    Cũng như ca sĩ Kỳ Phương Uyên, Don Hồ đã trở lại Áo lần thứ hai, cuối tháng 3 anh lại góp mặt trong chương Đại Nhạc Hội Lễ Phục Sinh tại Fürth, Đức Quốc vào ngày 31.03.2018 với những ca sĩ hàng đầu Paris By Night cùng MC Nguyễn Ngọc Ngạn & Nguyễn Cao Kỳ Duyên.

NSL, 04.03.2018