Sonntag, 15. Juli 2018

THI TẬP MẸ HIỀN


LỜI TÁC GIẢ
    Tính đến ngày 01.07.2018, trang Blog NSL tròn hai tuổi với trên 70 bài viết gồm các thể loại : văn (truyện, bút ký) và thơ như là dấu tích thời gian được góp nhặt trong hơn 40 năm trên từng chặng đường buồn vui từ quê nhà cho đến hải ngoại. 
    Trong hầu hết những bài thơ cũ thì Mẹ Hiền là bài  được độc giả đọc nhiều nhất trong 7 tháng vừa qua. Đó cũng là một trong những lý do để tác giả chọn đặt tên cho tác phẩm đầu tay vừa mới hoàn thành, nay giới thiệu cùng độc giả xa gần.
    Xin gởi đến bạn đọc bài ‘Lời Ngỏ' để có chút khái niệm về nội dung thi tập Mẹ Hiền, Trằm Sen xuất bản, tháng 6.2018 tại Áo.

LỜI NGỎ

    Thời gian sẽ không còn bao lâu nữa khi tuổi mẹ đã cận kề 90, như nhắc nhở về tâm nguyện từ thuở nào là những năm tháng cuối đời mẹ, tôi sẽ thực hiện một tác phẩm văn nghệ đầu tay như là món quà để dâng tặng và tri ân. Nhớ từ thuở xưa lên năm lên mười khi chiến tranh chưa đến miền quê hiền hòa, tôi đã có những tháng ngày sống thật êm đềm bên mẹ, được nghe những lời ru con tha thiết ngọt ngào hay những câu thơ mẹ ngâm nga khi ngồi đan áo vào mỗi đông về. Phải chăng những ca từ và sự rung động ấy đã được chuyên chở trong những lần mẹ dắt con tìm hầm trú ẩn, hay trên chuyến tàu ly hương thì đứa con tha phương mới khai mở niềm cảm xúc qua thi ca mà mẹ đã trao tặng cho con từ thuở ấu thời.   
    Chính vì vậy mà sau bao lần lỡ hẹn, mùa hè năm nay thi tập Mẹ Hiền như đã thuận duyên để ra đời, gồm những bài thơ được viết từ những năm còn ‘thơ dại’ lúc rời ghế nhà trường cho đến khi bước vào đời mà tính đến nay đã trên bốn mươi năm, biết bao thăng trầm buồn vui qua mỗi chặng đường, mà chặng đầu tiên vào mùa đông 1974 khi xa Huế đã ít nhiều mang theo kỷ niệm về câu chuyện tình lúc tuổi ngoài đôi mươi:
'Em đi chiều ấy buồn nhan sắc
Chôn kín ngày thơ lệ hai hàng
Nhớ nhau sóng vỗ gào tóc bạc
Trùng dương xanh thẳm nhuộm màu tang’.
(Tình Đầu - Sài Gòn, 9.1976, không có trong thi tập)
    Nếu chín năm sống ở Huế là thiên đường của tuổi học trò thì Sài Gòn là nơi thử thách bước thành công tương lai. Tiếc thay là mộng ước đẹp như chân trời buổi sớm mai đã tan theo mây khói trước những tang thương của thời cuộc đổi thay, thì chuyện buồn vui cũng dần phôi pha theo cơn lũ thời gian để có một lần khi trở lại Huế trong dịp Tết Xuân Đinh Tỵ, nhìn nhánh mai vàng trong cơn mưa phùn giữa một mùa xuân kém tươi mà nhớ người thương ở Sài Gòn trong giây phút tiễn đưa:
‘Ta nhớ tóc em cũng xuân này
Xõa xuống ngang vai má hây hây
Tiễn đưa lòng rộn mà không nói
Mắt mãi u buồn nghĩ chi đây ?’
(Mưa Xuân - Huế, 1977)
    Mưa Xuân là bài mở đầu trong thi tập. Ngoài bảy bài về Mẹ, phần còn lại hầu hết là những bài thơ tình đã thủy chung cùng với tác giả qua các nẻo đường quê hương đất nước, từ Nam ra Trung hay lạc bước xuôi về Miền Tây để rồi một sớm mai thức dậy thấy mình phiêu diêu giữa hàng dừa xanh, nghe tiếng sóng rì rào bên cuộc đời nổi trôi trên quê người trước bao cảnh hợp tan tan hợp như hình bóng giai nhân thấp thoáng đó đây trên đường đời phiêu bạt:
‘Anh đứng bên này của ước mơ
Vòng tay khép lại tháng năm chờ
Biển xa lồng lộng chim bay mãi
Anh vẫn yêu hoài một dáng thơ’.
(Giữa Đời Anh - Palawan, 12.1988)
    Từ đây thơ là những đêm trăng cô quạnh nghe biển ru hời, là tháng ngày dài thấp thỏm trong trại Tỵ Nạn mong ngóng tin nhà, là ly cà phê cùng bằng hữu kết đơm tình nghĩa khó quên. Hay khi không còn nghe tiếng sóng vỗ về thì những đêm nằm viện thao thức mà nhớ những lần chia tay trong nước mắt. Rồi mùa đông sang tuyết rơi ngập lòng, thơ vẫn ấm áp nhẹ nhàng như dòng suối tắm mát tâm hồn, không ai oán sầu muộn hay buồn chán trách móc cuộc đời. Luôn mang đến cho người đọc những thiết tha và thi vị cuộc sống, như tình mẹ và tình yêu đôi lứa vẫn luôn hiện hữu thì cũng đến lúc thơ nở nụ cười hạnh phúc vào những ngày đầu xuân 1991 trên quê hương mới, dù không mai vàng đua nở nhưng vẫn trọn vẹn một lòng chờ mong ngày sum họp:
‘Mùa xuân đưa em đến nơi đây
Như cánh chim xa trở lại bầy
Bao năm còn đó vòng tay mở
Chào đón em về trong ngất ngây’.
(Ngôn Ngữ Mùa Xuân - 2.1991)
    Thi tập Mẹ Hiền được xem như là một món quà văn nghệ với 55 bài thơ, 162 trang được in trên khổ 10,5 cm x 15,0 cm với 36 tấm ảnh màu. Sách được trình bày trang nhã, vừa một bàn tay nên rất gọn nhẹ, dễ mang theo và có thể đọc ở bất cứ nơi đâu: trong lớp học, trên xe buýt hay vào những dịp nghỉ hè. Bạn đọc sẽ tìm thấy trên từng trang thơ chan chứa ân tình, nồng nàn và bền bỉ như tiếng sóng xa đưa vẫn ngàn năm thầm thì mời gọi…  

NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, 06.06.2018
E-mail : silong@gmx.net
            Bìa Sau           

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen