Sonntag, 30. Dezember 2018

LỤC BÁT CUỐI NĂM

    Vườn hoa Mirabell, Salzburg
 WIEN
                 tặng Lê Nguyễn
Hai năm mới ghé một ngày
Thuốc chưa cháy hết đã quay trở về
Còn bao nhiêu chuyện cà kê
Năm sau trở lại ta thề phải say.

SCHWECHAT
                                   tặng M.
Nửa đêm thức giấc đợi người
Giọt sương làm nghẹn môi cười của em
Nụ hôn chưa thấy đã thèm
Bốn con mắt đỏ, bóng đèn lặng câm.

LINZ
                     tặng Vũ Văn Hùng
Chúc mừng bạn vẫn yêu đời
Duyên tình thắm thiết vạn lời bướm hoa
Khi mô có một mái nhà
Nhớ treo tranh tặng là ta vui rồi.

VÖCKLABRUCK
                                    tặng Gabi
Mấy năm xa vợ xa nhà
Đêm nằm bệnh viện nhớ tà áo xưa
Có em da trắng tóc thưa
Sớm hôm thăm hỏi cũng vừa lòng đơn.

GRAZ
                      tặng Hùng & Yến
Ừ thôi đóng cửa tìm môi
Vòng tay đủ ấm cho người cô thân
Bốn mùa là những ngày xuân
Bóng hình nhập một châu trân cũng thừa.

SALZBURG
                           tặng ta
Ở đây đất lạ người thưa
Năm người mười ý khó vừa lòng nhau
Buồn buồn ta dạo bên cầu
Chân về ngõ vắng nghe sầu tha hương.

NGUYỄN SĨ LONG
1991 

Freitag, 21. Dezember 2018

RÊU PHONG

 
Rêu phong (tranh Lê Văn Tấn, 11.2018)

Em muốn về ư với quê mình
Với thành rêu phủ với tường xinh
Còn đâu áo trắng bao năm trước
Nón lá nghiêng vành giữa thần kinh ?
(NSL, Em đã về chưa)

    Rêu phong là bức tranh thứ hai tôi được xem trong những ngày cuối của tháng 11, cũng là lúc Lê Nguyễn tạm gác bút để kết thúc năm 2018 với 15 tác phẩm bao gồm nhiều chủ đề. Ngay thời điểm này nếu nhìn ở góc độ nghệ thuật, thì mới thấy người nghệ sĩ đôi khi không cần giới hạn về tuổi tác, lúc tuổi càng cao thì càng say mê và sức sáng tác càng khỏe. Với Lê Nguyễn, trong những năm trở lại đây trước và sau khi về hưu, có tháng anh đã hoàn thành đến bốn tác phẩm, tính trung bình mỗi tháng có hai ba đứa con tinh thần ra đời.  
    Bốn câu thơ trên được Lê Nguyễn trích trong khổ thứ hai của bài ‘Em đã về chưa', đăng trên báo Làng Văn tính đến nay đã gần ba mươi năm mà Lê Nguyễn vẫn còn nhớ như mượn ý tưởng để làm đề tài, dù Huế không còn xa lạ khi anh đã về thăm hai lần: 
   -‘may mắn là không lần nào bị mưa dầm thối đất, xứ của mưa buồn thúi ruột, xứ của lũ lụt triền miên, tôi đến vào mùa hạ cháy da. Dưới cơn nắng hạ kinh hồn, tôi đã đứng trên cầu Tràng Tiền, giữa dòng sông Hương nhìn con nước trôi xuôi, những làn gió mát từ dưới sông đưa lên mơn trớn da mặt, thật dễ chịu. Xe taxi chở chúng tôi đi cũng đã chạy qua con đường rợp bóng mát hàng phượng vĩ, nơi có trường Quốc Học, Đồng Khánh. Một thời qua văn thơ tuổi học trò tôi đã từng đọc rất nhiều các văn thi sĩ gốc sông Hương núi Ngự. Hình như đất này là của các văn nhân thi sĩ hay sao ấy, đọc đâu cũng thấy cũng gặp. Chẳng bù với quê nhà của tôi, mấy chục năm mới xuất hiện một đôi người. Có phải tại đất Huế buồn quá chăng ?
    Lê Nguyễn quê Bến Tre, xa quê hương mấy mươi năm mà cũng biết đến màu tím Huế và những cơn mưa dầm thối đất, xứ của mưa buồn thúi ruột…và tất nhiên trước khi chọn chủ đề về Huế thì thế nào anh cũng ‘nghiên cứu' rất kỹ, nhất là các cô gái Huế từ mái tóc cho đến nụ cười…Bởi vậy khi ngắm ‘Rêu phong’ thì người trai xứ Huế thuở nào nay xa quê không khỏi chạnh lòng xao xuyến khi người trong tranh và cảnh vật đẹp như giấc mơ của thuở tuổi học trò. Nhớ những con đường phượng bay bên tường thành phong kín rêu xanh, nhớ chiếc nón bài thơ nghiêng nghiêng mái tóc dài tha thướt, nhớ tà áo xưa một thời hoa gấm lụa là, nhưng tình đời cũng không kém phần oan nghiệt chia xa: 

’Tôi phận bạc như rêu phong thành nội 
Em kiêu sa trên nhung gấm lụa là 
Đời đã lỡ không môn đăng hộ đối
Sao cam đành đôi ngã chia xa’
(Tùy Anh, Hương Lửa Nghìn Sau).

  Nón lá (tranh Lê Văn Tấn, 04.2014)

    Cám ơn Lê Nguyễn đã tặng tác giả bài thơ 'Em đã về chưa' một tác phẩm đẹp tuyệt vời. Hy vọng trong tương lai nếu có dịp nào đó về thăm quê nhà thì cũng nên trở lại Huế thêm một lần nữa, để người thích tranh vẫn còn được nhìn thấy Huế trên từng nét bút tươi trẻ và nồng nàn bên cõi trời Tây.

NGUYỄN SĨ LONG
21.12.2018

Montag, 10. Dezember 2018

CHUYẾN HÀNH HƯƠNG PHƯƠNG BẮC*

  Chánh Điện Chùa Khuông Việt

    Suốt 30 năm định cư tại Áo từ cuối năm 1988 cho đến nay, tôi chỉ có một lần lên miền bắc Âu trong chuyến thăm ba ngôi chùa gồm: chùa Viên Giác (Hannover, Đức); chùa Khuông Việt (Oslo, Na Uy) và chùa Quảng Hương (Aarhus, Đan Mạch) do Hội Văn hóa Xã hội Phật tử Việt Nam tại Áo tổ chức vào mùa hè 2002. Gần một năm trước đó, trong Đại lễ Vu Lan PL 2545 được Hòa Thượng Thích Trí Minh chủ trì tại Niệm Phật Đường Lorbeergasse, Wien vào ngày 15.09.2001, Ban Chấp hành Hội và bà con Phật tử đã vô cùng hoan hỉ nhận lời mời của Hòa Thượng sang thăm chùa Khuông Việt vào mùa hè năm tới.
    Những ngày cuối tháng 6, Đại lễ Phật Đản 2546 tổ chức vừa xong là chuẩn bị ngay cho chuyến đi xa 10 ngày. Đạo hữu Phó hội trưởng Lê Tuấn làm Trưởng đoàn với danh sách ngoài 50 Phật tử, còn có sự tham dự của Đại Đức Seelawansa, là vị tu sĩ người Tích Lan cư trú và dạy học ở Wien. Chuyến xe được khởi hành vào sáng sớm 12.07 từ thủ đô Wien ngang qua Salzburg ở miền tây nước Áo rồi lấy hướng lên miền bắc Đức và điểm dừng là chùa Viên Giác Hannover lúc 21:30 giờ cùng ngày với chặng đầu tiên trên tuyến đường Wien Salzburg Hannover hơn 1.000 cây số nhưng thấy mọi người đều khỏe. Đêm hôm đó tuy khách thập phương về Chùa khá đông nhưng quý Thầy đã chuẩn bị chỗ ngủ rất chu đáo. Nhận phòng xong, chúng tôi người trước kẻ sau gặp nhau ở chánh điện Lễ Phật trước khi chia tay chừng 1 giờ sáng. Tôi và một số đạo hữu thấy mình vẫn còn tỉnh táo và cũng muốn khám phá ngôi chùa đã làm nên tiếng tăm của một vị Thầy, nên thả bộ trước sân khá lâu trước khi đi ngủ. Lúc đó tôi như thể đang đợi chờ hay tìm kiếm một ‘người quen chưa gặp' mà chỉ hai hôm trước đây sau khi liên lạc mới biết là anh sẽ không có mặt trong Khóa Tu Gieo Duyên trùng thời gian đoàn hành hương Phật tử Áo quốc đến chùa Viên Giác. Đó là Đạo hữu Nguyễn Hòa, tên thật của nhà thơ Tùy Anh, là người mà cho đến khi viết bài này vẫn chưa chưa có duyên hội ngộ.
    Ngày 13.07 phái đoàn đã được quý Thầy hướng dẫn ra hồ ngắm cảnh, chụp hình và tham quan thành phố. Hôm sau dậy sớm lúc 5 giờ sáng để tiếp tục chặng đường cuối, đến Oslo vào lúc nửa đêm 14.07.2002 và đã được Hòa Thượng Khuông Việt cùng quý Tăng Ni đón tiếp và chăm sóc chu đáo. Ngày 15.07 buổi sáng đi leo núi và buổi chiều thăm Vigeland Park, chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi nhưng được Thầy dẫn đi khắp thành phố Oslo, một thành phố với nét đẹp hiền hòa và thân thiện. Giờ vẫn còn nhớ là mỗi sáng bên thiện nam chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn để cùng thưởng thức hương vị của một loại trà đặc biệt thơm ngon do chính Hòa Thượng pha chế với đôi bàn tay như ảo thuật.

  Chùa Quảng Hương

    Sau bốn ngày được tiếp đón nồng hậu, chúng tôi chia tay Thầy cùng Tăng Ni và Phật tử chùa Khuông Việt trong bịn rịn vào ngày 18.07 để trên đường trở về còn ghé Đan Mạch thăm Đại Đức Thích Giác Thanh (đệ tử thầy Khuông Việt) trụ trì chùa Quảng Hương. Thêm một lần nữa chúng tôi được đón tiếp như những vị khách quý làm mọi người hết sức cảm động, lại được Thầy dẫn đi thăm Legoland để xem những tác phẩm nghệ thuật vô cùng độc đáo rồi sau đó phải nói lời tạm biệt. Thầy Giác Thanh trước đây đã có một lần sang thăm hai đạo tràng Wien và Salzburg vào năm 1994 nên ai cũng thấy thân tình, tiếc là đoàn phải trở lại Hannover trước khi về Áo vào ngày 21.07.2002.

Chùa Viên Giác

    Ngày 20.07 đoàn hành hương Phật tử Áo một lần nữa trở lại chùa Viên Giác ngủ qua đêm và lần này được gặp Hòa Thượng Phương Trượng. Đạo hữu Phó Hội trưởng Lê Tuấn là người đã có nhiều dịp tiếp xúc với Hòa Thượng Thích Như Điển trước đây qua các sinh hoạt Phật sự vì vậy mà buổi tọa đàm Thầy dành cho phái đoàn hết sức tự nhiên và vui vẻ, sau đó Thầy dẫn mọi người ra sân trước vườn sau để chụp hình và giới thiệu những khu đất quanh Chùa với những dự tính trong tương lai.
    Sáng sớm ngày 21.07.2002 đoàn chúng tôi lại khăn gói lên đường, mang theo niềm vui trở về nhà sau chuyến viếng thăm ba ngôi chùa Viên Giác, Khuông Việt và Quảng Hương với lòng biết ơn sâu sắc về những ân tình mà quý Thầy cùng Tăng chúng đã dành cho đoàn hành hương Phật tử Áo quốc. 
    Đã mười sáu năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ vì tiếc nuối cuộc hẹn với nhà thơ Tùy Anh đã không thành. Vậy thì chắc sẽ chờ dịp thăm bắc Âu một lần nữa hay chăng?

NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, 08.08.2018 
* Trích: Báo Viên Giác Hannover, số 228, tháng 12.2018.   

Samstag, 1. Dezember 2018

MỘT MÌNH



Mỗi đêm chân bước về nhà
Sương khuya từng giọt như sa vào lòng
Một mình đứng giữa hư không
Tường vôi trắng mịn mênh mông bến bờ.

Mỗi đêm là một bến mơ
Dư âm sót lại hững hờ cách ngăn
Một mình nghe gió thở than
Nín hơi thở nhẹ đêm trăng vẫn tàn.

NGUYỄN SĨ LONG