Sonntag, 24. November 2019

KỂ CHUYỆN DỌN NHÀ


     Một buổi sáng như mong chờ rồi cũng đến khi chúng tôi có cuộc hẹn với hãng nhà GSWB Salzburg vào ngày thứ sáu cuối tuần đã được diễn ra suôn sẻ. Đây có thể xem như là dịp gặp gỡ sau cùng liên quan đến nhà cửa ở một thành phố tuy là nơi đất khách quê người nhưng tôi đã sống tròn ba mươi năm. Nhìn căn nhà và xóm giềng lần cuối rồi lên xe, chúng tôi còn thêm một việc nữa với A1 Telekom Austria trên đường Alpenstrasse trước khi ra xa lộ đi thủ đô Wien, đồng hồ lúc đó chỉ 10:30 phút, ngày 27.09.2019.
    Cùng vào lúc này hai xe của Bino và Huệ Thiện chở đầy những thùng đồ và vật dụng cũng đang trên đường có thể sắp qua Linz vì chạy trước tôi khoảng một tiếng sau khi làm thủ tục trả căn hộ ở khu Lehen cho GSWB đã hoàn tất vào lúc 9 giờ sáng. Với tôi có thể đây là một ngày khó quên bởi vì dọn nhà là một công việc mới nghe qua thì nhẹ nhàng và hấp dẫn vì ai cũng nghĩ là sẽ chuyển đến một nơi chốn nào đó mới mẻ, vừa ý và tiện lợi hơn. Nhưng ngoài những gì được gọi là nô nức đó, gia đình chúng tôi còn có thêm niềm vui bởi sau mấy mươi năm ‘an cư lạc nghiệp’ thì nay mới có sự đổi thay như mong muốn, nhưng cũng thật vô cùng bất ngờ với một núi công việc làm mãi không xong nếu chẳng có con cháu phụ giúp đỡ đần bố mẹ già trong thời gian từ khi chuẩn bị thay đổi chỗ ở cho đến khi ổn định thì cũng phải mất vài tháng.
    Khi xe chạy ngang Shopping Center Europark, là trung tâm mua sắm lớn nhất của Salzburg, nếu đếm ngược thời gian thì chỉ trong phút giây nữa thôi gia đình chúng tôi sẽ không còn là cư dân của thành phố du lịch nổi tiếng của Áo với bao kỷ niệm buồn vui, ít nhiều cũng để lại đâu đó những ân tình cùng sự quyến luyến kẻ ở người đi trên quốc gia định cư trông bề ngoài thì rất thênh thang nhưng cũng có nhiều khúc quanh trắc trở trên mỗi nẻo đường đi tới. Từ trại tỵ nạn Thalham vào tháng 12.1988 vừa tròn một mùa đông lạnh giá với nhiều lo lắng nơi đất lạ xứ người, sau đó là thành phố Linz với mấy tuần ngắn ngủi rồi đến tháng 5.1989 về Salzburg tìm nơi cư trú và việc làm cho đến khi vợ con đoàn tụ vào tháng 2.1991 với năm lần dọn nhà thì mới được gọi là yên bề gia thất cho đến bây giờ đã tròn ba thập niên.
    Sau khi ghé Linz chừng một tiếng đồng hồ, chúng tôi tiếp tục chuyến đi thì nhận được tin hai xe trước gồm ba anh em là Bino lái chiếc LKW thuê hãng Avis, Huệ Thiện và em trai Alain chạy chiếc PKW đã cùng về đến nhà ở quận 23, Wien khoảng 13 giờ. Vì đã hẹn trước nên có thêm hai bạn học của Alain đến giúp nên tất cả đồ đạc trên hai xe được mang hết vào nhà trước khi tôi đến lúc 15:15 giờ. Mọi người thở phào nhẹ nhõm dù ai cũng biết rằng đến đây chỉ mới xong 50% đoạn đường gian khó mà thôi. 
    Để có một ngày như hôm nay tuy mệt nhọc nhưng ai cũng mừng vì đã qua được nhiều chặng đường không dễ dàng cho lắm từ khi Huệ Nhật giúp đăng ký hãng nhà Gesiba từ năm 2014, rồi hai chị em thay ba mẹ để cùng theo dõi dự án, liên lạc qua Email, chờ đợi tin báo, chọn lựa, lấy hẹn xem nhà...và cũng đã có đôi ba lần chúng tôi từ Salzburg lên Wien để cùng đi với các con nhưng đã không ít lần thất vọng mà nhiều nhất là vào hai năm trở lại đây trước khi nhận được tin vui vào những ngày đầu tháng 7.2019.
    Hôm đó vào sáng sớm ngày 05.07, trong lúc chờ đến giờ đi làm Huệ Nhật đọc được một tin quan trọng mà bấy lâu nay mong chờ nhưng không thấy, nên chuyển ngay cho Huệ Thiện Email của Gesiba về một căn nhà ở quận 23 mà ngày hôm nay là hạn chót để đăng ký. Từ sở làm Huệ Thiện nhanh chóng liên lạc với Gesiba nên đến trưa hôm đó ở Salzburg chúng tôi được xem Videoclip, hình ảnh về căn nhà mà Huệ Thiện vừa đi xem: -‘Hôm nay là ngày cuối, xem xong ba mẹ trả lời cho con ngay trong chiều nay’. 
 

    Kể từ hôm đó Huệ Thiện liên lạc trực tiếp với Gesiba và sau chừng một tuần chờ đợi, ngày 15.7 gia đình chúng tôi được hẹn đến xem căn chung cư ba phòng 76 m2, sân và vườn 90 m2 được xây dựng vào những năm 1999-2000 ở khu Liesing, quận 23 nằm trên con đường khá yên tĩnh, cách trạm U6 Erlaa không tới mười phút đi bộ. Thật ra đây là một địa chỉ không xa lạ cho lắm vì mấy năm nay vào mùa Giáng Sinh và Tết Dương lịch thường có các chương trình Đại Nhạc Hội Dạ Vũ được tổ chức ở Casablanca trên đường Perfektastrasse. Còn nữa, từ khi Chùa Pháp Tạng đi vào sinh hoạt vào năm 2016 thì mỗi độ đông chưa qua xuân đã tới đều có Đêm Văn Nghệ Mừng Xuân, trong số khán giả năm nào cũng kín hội trường có không ít đồng bào Phật tử phương xa như Salzburg, Linz…về tham dự.
    Trong lúc đó ở Salzburg, sáng 23.07 GSWB đã đến kiểm tra và hướng dẫn những việc cần làm cho ngày trả nhà vào cuối tháng 9, trước khi chúng tôi đi Wien ngay buổi chiều hôm đó vì sáng mai 24.07 có hẹn đến văn phòng Gesiba ở đường Eßlinggasse, quận 1 để lập hồ sơ trước khi chính thức ký và nhận giấy chủ quyền nhà vào ngày 14.08.2019.
    Wien 23 là quận cuối cùng nằm ở phía nam thủ đô Wien, nơi có một trung tâm mua sắm với tên gọi là SCS (Shopping Center Süd) lớn chưa từng thấy trên đất Áo cách nhà tôi chỉ năm phút xe. Tuy là một quận được khai sinh non trẻ, đất rộng người thưa nhưng SCS quy tụ trên 300 Shops quen thuộc cũng như chưa từng nghe thấy. Khách hàng có thể đi chợ ở Interspar, Merkur, Lidl, Billa…rồi nhập vào dòng người mua sắm nhộn nhịp ở Peek&Cloppenburg, Swarovski, Boss, Hervis, Humanic, H&M, Jack Wolfskin, Lacoste, Saturn...hoặc tiện đường thì ghé qua Leiner, Ikea hay Lutz...là những thương hiệu quen thuộc ở Áo xưa nay được Huệ Thiện khi lãnh trách nhiệm trang trí nội thất, đã cùng ba mẹ và các anh chị đến SCS nhiều lần trước và sau khi cả gia đình nghỉ hè ở Croatia từ 15.08 đến 24.08.2019.
    Đúng một tháng sau khi đi xem nhà, chúng tôi đã có ba chuyến lên Wien mang theo khoảng hai mươi thùng đồ gởi tạm ở nhà các con từ sách vở, báo chí, phim ảnh, album, băng cassette, video…cho đến thư từ, tranh ảnh, áo quần, mền gối hoặc bất cứ đồ gì nằm trong tầm tay mà chưa dùng tới là cho vô thùng. Mỗi thùng khoảng 10 đến 15 kg, được đánh số thứ tự cùng tên loại để dễ tìm kiếm khi cần.
    Ở Salzburg, vấn đề giấy tờ với các cơ quan chức năng liên hệ tôi cũng đã làm xong từ cuối tháng 7 nên sau kỳ nghỉ hè trở về chúng tôi ở lại Wien ba ngày để nhận chìa khóa vào hôm 26.08, dành một ngày dọn dẹp sân vườn và cùng với các con đi xem bếp giường tủ bàn ghế ở SCS. Được biết người chủ cũ đã dọn đi chừng bốn tháng nên hãng nhà đã sửa sang sơn quét lại, ngoại trừ gần 60 m2 nền nhà gồm phòng khách và hai phòng ngủ thì chủ nhà mới được phép tự lót nền theo ý muốn với sự hỗ trợ của hãng nhà trong mức độ cho phép.

  Alain 3 tuổi (Salzburg 1998)

    Trong lúc ở Wien các con chuẩn bị mua vật liệu để lót nền nhà thì vợ chồng chúng tôi và Alain cùng về Salzburg chiều 28.08. Alain sinh vào mùa đông năm 1995, chỉ sau một năm khi gia đình chúng tôi bốn người từ Liefering dọn qua Lehen cho tới bây giờ vừa đúng hai mươi lăm năm. Alain trải qua tuổi thơ trong căn nhà này, ở một thành phố có nét đẹp cổ kính từ lầu đài cho đến con sông chiếc cầu y như xứ Huế mà tôi mang theo trong ký ức. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi cũng thấy buồn khi nhìn những bộ giường tủ và bàn ghế nay là những món quà tặng đã có người nhận lần lượt được tháo gỡ rồi ra đi thì dù ít dù nhiều cũng là kỷ niệm. Vì tất cả tủ giường bàn ghế bếp đều không mang theo nên ngoài những thứ đã cho, Alain đã tháo bỏ và dọn dẹp tất cả tám món đồ còn lại gồm tủ quần áo, tủ sách, kệ giày…thuộc loại ‘cho không ai lấy, bán không ai mua’ rồi hai cha con chở đến Sở rác ở Maxglan, đến tối thì những bao nhựa vừa to vừa nặng được Alain mang xuống thùng rác là kết quả mỗi ngày mẹ đã chọn lọc và can đảm mạnh tay bỏ những món đồ không cần thiết và có thể chẳng bao giờ dùng đến khi về nhà mới.
    Trưa ngày 09.09 chúng tôi trở lại Wien với những thùng đồ chất đầy xe như mọi lúc. Chiều hôm sau khi nhóm thợ lót nền nhà vừa xong cũng là lúc có xe đến giao bếp. Nhưng vui nhất là ngày 11.09 có Alain đến sớm vì Leiner hẹn giao hàng từ 9 - 12 giờ gồm 2 giường và bàn ăn. Sau trưa khoảng 14 giờ có Bino, Huệ Thiện, Vũ và Alain phụ ráp bếp. Lan Anh giúp cô lo bữa ăn tối đầu tiên ở căn nhà mới. Đến 19 giờ Huệ Nhật đi làm về ghé cùng với Ân Lai, còn hai công chúa Khánh My và Khánh Vy thì chơi đùa, đó cũng là cách hai cháu góp thêm tiếng cười trong một ngày khá nhiều việc nhưng tất cả đều có chung một niềm vui dọn nhà.
    Ngày 15.09 chúng tôi lại trở về nhà. Vậy là sau một thời gian quên tháng quên năm ở phương trời này, nay chỉ còn mười hôm cuối cùng ở  Salzburg thì biết đâu sẽ là những ngày bận rộn đáng nhớ nhất. 
    Việc trước tiên là phải thu dọn và cho đi càng sớm càng tốt những thứ không mang theo nhưng nay vẫn chưa kịp thanh lọc hết. Do vậy ngay hôm sau cho đến trưa ngày 19.09, khi chiếc giường tầng của hai cô con gái thuở nhỏ cùng bàn viết, bàn Computer và tủ lạnh đã có người đến lấy thì căn nhà được thoáng hơn cho việc sơn quét những bức tường có vài nơi loang lổ, đồng thời ghi vào danh sách thêm những thùng đồ đã xong để buổi chiều hôm đó yên tâm tham dự lời mời của anh chị Bảy dùng bữa cơm tình nghĩa, như là dịp nhắc lại chuyện xưa mà từ ba mươi năm trước chúng tôi đã là đồng nghiệp ở hãng Schokolade Mirabell, Grödig. Sau một thời gian anh trở thành xóm giềng khi dọn về Lehen, hai nhà chỉ cách nhau một ngã tư đường, thỉnh thoảng có thêm vợ chồng Viễn đến thăm nên ba gia đình thường họp mặt mỗi khi nhóm G7 tổ chức sinh hoạt ngoài trời hay trong những ngày lễ, Tết đều là dịp để cùng tham gia với bà con xa gần. Nhưng lần này thì với tâm trạng khác, họp mặt không phải là kéo nhau ra bờ hồ Salzachsee tắm nắng, chơi banh hay nướng thịt như mọi năm, mà để gởi gắm tâm sự không được vui khi vợ chồng chúng tôi phải chia tay người anh người chị quá thân thiết như trong gia đình và tình thương mến còn hơn ruột thịt.
 
 
Nhóm G7
 
    Ba ngày sau nhằm vào chủ nhật 22.09, có người  biết tôi luôn đúng giờ giấc nên không cần nhắc lại cuộc hẹn từ thứ bảy cho đến nay đã một tuần lễ. Vậy nên khi tôi đến địa điểm quen thuộc McDonald’s trên đường Sterneckstrasse lúc 7 giờ sáng thì thấy Viễn đã mua sẵn cà phê và điểm tâm cho hai anh em rồi. Viễn là thế, chàng ta chưa một lần sang thăm xứ sở Cao bồi Texas nhưng có biệt tài rút súng rất nhanh, nhiều lúc tôi phải dùng hết sức mạnh vừa xô vừa đẩy thì mới trả được chầu cà phê hay ngay cả những lúc cùng vài anh em ngồi quán. Nói sao cho hết những điều tốt đẹp về chàng trai tuổi ngoài năm mươi tính nết hiền lành và rộng rãi này. Gần bảy tám năm sinh hoạt Phật sự với nhóm G7, Viễn đã mang đến sự nhiệt thành và tinh thần trách nhiệm không có đối thủ trong mọi công việc cũng như luôn sẵn lòng khi ai cần đến thì giúp đỡ hết mình. 
     Hai anh em ngồi đó đến 9 giờ, đâu ngờ lần hẹn hò để chia tay trong dịp dọn nhà lại còn nhận được quà kỷ niệm nữa. Trong những thùng sách vở báo chí của tôi đã chở lên Wien có không ít sách tặng của Viễn. Từ Bút ký chiến trường ‘Những ngày dài trên quê hương’ cho đến ‘Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta’ rồi ‘Cho là nhận’ (Ken Blanchafd & S. Truett Cathy), ‘Sống hạnh phúc chết bình an’ (Đạt Lai Đạt Ma), và nay thêm một tựa sách mới toanh ‘Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh’ (Nguyễn Nhật Ánh) cùng với hai hộp thuốc bổ Multivitamin đựng trong túi xách mà Viễn kín đáo mang theo nên tôi không thấy, và thêm câu nói thân tình khi ra cửa lúc chia tay: -Anh chị giữ gìn sức khỏe nghe...
    Và thật sự vợ chồng chúng tôi khỏe hẳn lên khi trưa ngày 24.09 có hai mẹ con thiếu phụ cùng ba người thợ đến tháo bếp, máy rửa chén và Microwelle mang đi mà không phải trả một khoản tiền nào. Chủ nhà còn cám ơn và rất hài lòng khi nhóm thợ làm thật nhanh gọn và sạch sẽ. Người nhận vui đã đành, còn người cho thì mừng như trúng Lotto vì thời gian chỉ còn hai hôm nữa là đến ngày trả nhà.
    Khoảng một tuần từ khi tôi về Salzburg thì ở Wien, Bino và Vũ ráp xong bếp trong giai đoạn đầu vì còn phải chờ máy móc và một vài phụ kiện chưa đến. Huệ Thiện tiếp tục mua sắm những gì còn thiếu, có việc thì Huệ Nhật cùng Lan Anh và Alain đến phụ hai anh ráp giường tủ vừa xong là đến ngày về Salzburg của ba anh em để giúp ba mẹ một lần cuối dọn sạch đồ đạc trong nhà chất lên LKW vào chiều tối ngày 26.09.2019.
    Chiều hôm đó trời mưa tuy không lớn nhưng làm cả nhà lo ngại. Hợp đồng thuê LKW hãng xe Avis chỉ 24 tiếng, từ 18 giờ chiều 26.09 cho đến 18 giờ 27.09, nhận xe ở Salzburg và trả xe ở Wien. Vì kẹt đường nên 18:30 giờ Bino đi nhận xe mới về tới nhà thì vẫn còn mưa lất phất, chúng tôi bắt đầu chuyển những thùng đồ lên xe lúc trời nhá nhem tối.

     
    Chung cư tôi ở gồm năm tầng, được xây dựng trong thập niên 1950 khi chiến tranh thế giới lần thứ hai chấm dứt được vài năm. Đây là thời kỳ giải quyết hậu quả chiến tranh mà ngành xây dựng cũng bị ảnh hưởng qua những công trình phải được hoàn tất nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu nhà cửa thiếu hụt, vì vậy chất lượng nhà cũng không được tốt như bây giờ. Nhà tôi cũng nằm trong diện này, gần mười năm trở lại đây, thay vì bị đập bỏ để xây cất những dự án mới như một số nơi ở Liefering và Lehen, thì khu nhà tôi được sửa chữa nâng cấp, thay toàn bộ cửa sổ và đắp xốp chống lạnh. Rồi đến mùa hè 2015 được gắn thang máy và thay cửa lớn cho mỗi hộ trong năm tầng lầu. Nhờ vậy mà dọn nhà lần này gặp nhiều thuận lợi và ai cũng mừng khi khiêng chiếc tủ lạnh Samsung rất nặng, cao 180 cm và máy giặt đã được đưa xuống tầng trệt nhanh chóng. Nhưng chỉ với một chiếc Sofa bất đắc dĩ phải mang theo bị mắc kẹt ở cửa lớn nên đã mất hơn một tiếng đồng hồ để mấy cha con ‘ngâm cứu’ cách giải quyết. Đầu tiên Bino cưa hai chân ở phía sau Sofa, Alain đổi chỗ vào bên trong nhà với hy vọng sức trẻ đẩy mạnh hơn nhưng cũng không có kết quả sau vài lần thử sức. Vợ tôi đã ngoài sáu mươi nhưng bất cứ việc gì khó khăn cũng muốn tham gia, Huệ Thiện cũng vậy nhưng năm người xem ra chưa đủ sức. Cuối cùng phải bấm chuông nhờ vợ chồng người láng giềng giúp thì mới kéo được ‘cục nợ’ ra ngoài, ai cũng thấm mệt nhưng vui vì chặng khó khăn, nặng nề và mất nhiều thời gian nhất đã qua. Đến lúc này đã sau 22 giờ với khoảng 30 thùng lớn nhỏ, bàn phòng khách, kệ TV đã lên xe, bốn va li nằm trước cabin, vài chậu hoa lan đã mang xuống nhét ở phía sau và nhờ tài sắp xếp của Bino nên hai chiếc xe đạp cũng đã có chỗ. Gần 23 giờ, chiếc xe thể dục trong nhà (Hometrainer), bàn Sofa, tấm thảm phòng khách cuộn tròn nằm dưới gầm giường trên hai mươi năm không dùng đến đã mang xuống dưới nhưng đều phải bỏ lại vào phút chót, chưa kể gối mền chăn chiếu cho năm người ngủ một đêm nữa rồi sáng mai dậy sớm thu dọn mang ra xe, trước khi trả nhà lúc 8:30 giờ, rồi đi Wien. 
    23:20 giờ Bino đóng cửa xe rồi cùng tôi lên nhà kiểm tra một lần nữa trước khi kết thúc một ngày cuối cùng ở Salzburg. Đến lúc này mới nhớ ra, tôi còn món nợ rất lớn với những người quen về sự thiếu vắng một lời chào từ biệt trong những ngày bận rộn, buồn vui với công việc dọn nhà. Dù biết là cơ hội vẫn còn, nhưng thời gian chẳng đợi chờ ai ở một nơi chốn khác. 
 
TRẰM SEN

Freitag, 1. November 2019

CHIẾC LÁ THU PHAI

http://www.gocnhosb.com/gocVanNghe/Tranh/2019/1910_ChiecLaThuPhai.html
   màu dầu, 50x70, 10.2019 
                                                              
Tóc huyền che nửa bờ vai
Thương thay chiếc lá thu phai giữa trời
Bao giờ nhặt hết buồn rơi
Áo em nhuộm trắng hồn tôi thu vàng.

NGUYỄN SĨ LONG
Vienna, 31.10.2019

Sonntag, 15. September 2019

BIỂN VẪN ĐỢI CHỜ


    Khoảng 15 giờ ngày 15.08 chúng tôi hai gia đình  gồm 11 người đã đến trạm dừng chân đầu tiên trong kỳ nghỉ hè năm nay là Zagreb, thành phố lớn nhất và là thủ đô của nước Cộng hòa Croatia, ở phía nam Wien chừng 370 km. Là thủ đô của nước chỉ hơn bốn triệu dân nên giao thông ở Zagreb không đông đúc như các thành phố lớn ở Âu châu, có thể nhờ vậy mà đoàn xe chúng tôi ba chiếc đi vào trung tâm thành phố đã không gặp kẹt xe hay đợi chờ lâu. Zagreb có nhiều Nhà thờ và danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhưng vì chỉ nghỉ một đêm nên ngay buổi chiều hôm đó sau khi gởi xe chúng tôi đi bộ qua Tunel Gric, một đường hầm xuyên núi để đến phố cổ trên đường Radiceva Ulica và điểm đến đầu tiên là quảng trường Ban Jelacic. Đây là trung tâm của khu vực dành cho người đi bộ và cũng là điểm giao lưu của hầu hết các điểm tham quan đều nằm ở trung tâm thành phố gồm hai khu vực Thượng và Hạ Zagreb: Gornji Grad nằm trên cao nguyên cũng là nơi có Nhà thờ và Quốc hội, còn Donji Gradsau là một khu vực được biết đến với các bảo tàng danh tiếng và Nhà hát quốc gia Croatia. 


    Sau khi dừng chân nhìn cậu bé và đàn bồ câu rượt đuổi chơi đùa, chúng tôi rời quảng trường Ban Jelacic để đến Kaptol, một kiến trúc nổi tiếng mà du khách không thể bỏ nào qua, đó là nơi tọa lạc Nhà thờ Zagreb Cathedral được xây dựng từ thế kỷ 13 và cũng là tòa nhà cao nhất Croatia.


    Là những nước thuộc Âu châu nên ít nhiều cũng có điểm tương đồng ở những khu phố cổ với nhiều con đường dốc hay chật hẹp đôi khi lại khiến du khách thích thú. Ở Zagreb có thêm một điểm đặc biệt nữa là đang đi trên phố cổ, chỉ cần rẽ một bước chân vào con hẻm nhỏ là có thể leo ngọn núi cao để vừa ngắm toàn cảnh thành phố một màu ngói đỏ, vừa nhâm nhi cà phê hay xem tranh trước khi ghé thăm nhà thờ Sankt Catherine với vị trí không xa một Bảo tàng với tên gọi rất đặc biệt chỉ ở Zagreb mới có: Bảo tàng Thất Tình, nơi đây nhận trưng bày mọi vật lưu niệm từ các cuộc tình đổ vỡ, được đóng góp từ khắp nơi trên thế giới gởi về. Đi thêm vài bước là đã thấy nhà thờ Sankt Markus nằm ở một vị trí rất dễ nhìn với màu cờ trên mái ngói. Vì còn ít thời gian nên chúng tôi không dừng lại lâu, chỉ chụp vài tấm hình rồi trở lại đường cũ, đi bộ xuống núi.


    Hôm đó là ngày lễ nhưng trên các con đường phố gần quảng trường Ban Jelacic vẫn có vài Shop mở cửa đón khách. Chúng tôi tuy không có nhu cầu mua sắm nhưng mọi người vẫn thấy vui khi tìm được chỗ nghỉ chân và cũng không bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức hương vị cà phê và ngắm những hàng quán ẩm thực cùng du khách ở phố cổ trên đường trở lại Tunel Gric một lần nữa đến nhà gởi xe.  


    Trời vẫn còn nắng khi về đến khách sạn gần trung tâm mua sắm Avenue Mall khoảng 19 giờ chiều, nhận phòng và thu xếp đồ đạc rồi đi ăn tối. Vậy là trong ngày đầu tiên đã qua một đoạn đường dài 370 km, thời gian chờ đợi ở hai biên giới Slowenia và Croatia thật ra không đáng kể so với lần trở về Áo có tới bốn trạm dừng chân mà Zagreb ít nhiều cũng sẽ để lại cho những dòng người trải nghiệm mùa hè Croatia có được một chút gì để nhớ.


    Sau bữa điểm tâm ở Avenue Mall, chúng tôi khởi hành lúc 11 giờ dưới cơn mưa và cũng là ngày mưa duy nhất trong suốt chuyến đi. Để đến Rab Island, từ Zagreb đến Senj phải mất 2 tiếng đồng hồ với 163 km. Vậy chỉ còn khoảng 70 km nữa là kết thúc cuộc hành trình được tính từ Senj với đường đi quanh co lên đồi xuống núi theo ven biển với tốc độ giới hạn 60 km/h để đến bến tàu Stinica. Ở đây mỗi giờ sẽ có một chuyến phà và chỉ mất chừng 10 phút là có thể đặt chân lên Rab Island, một quần thể biển đảo phong cảnh đẹp và hấp dẫn với nhiều bãi tắm, ven rừng nắng phơi và phố đi bộ...ở phía tây Croatia như vẫn luôn đợi chờ du khách trở lại.


     Khoảng 15:30 giờ chúng tôi đậu xe trước Supetarska Draga 17, là địa chỉ một Apartment ba tầng lầu đầy đủ tiện nghi, chủ nhân là ông bà Josip và Fani, có vị trí như là trung tâm giữa các bãi tắm mà chúng tôi đã đến: Lopar, San Marino, Kampor, Mel và Pudarica. Vào buổi chiều đầu tiên mọi người ra phố cảng Rab dạo chơi sau đúng ba mùa ‘Trăng phương nam’ kể từ tháng 8.2016.
 

    Ngày 17/18.08 Lopar: Từ nhà chỉ mất 8 phút với 6 km đường xe thoáng mát đi qua một vài triền núi sát biển để đến bãi nước cạn Lopar, nơi mà lần trước có ba gia đình đặt phòng chỉ cách bãi tắm khoảng 200m.


    Bãi San Marino là điểm đến trong ngày 19.08 chỉ cách Lopar chừng vài phút xe, ngoài xa có nhiều loại tàu thuyền qua lại và cập bến. Khoảng 11 giờ tuy không còn chỗ nhưng chúng tôi vẫn tìm được một vị trí dựng lều thật đẹp trên đồi thông trông ra biển, nhìn thấy được ngọn núi đã có lần bơi thuyền ra đó leo lên cao nhìn mây treo đỉnh núi.  


    Kampor không có bãi tắm tự nhiên, nhưng nếu đi sớm thì vẫn có thể tìm được chỗ cho vài người hoặc một nhóm nhỏ nằm sát triền núi cao, có bãi gởi xe cạnh Carolina Resort và nhiều khách sạn được che mát dưới những hàng cây cao vút. Lần đầu tiên đến Kampor này chúng tôi chỉ có 5 thành viên tham dự, dù băng qua nhiều đoạn rừng già vắng bóng người nhưng vẫn không tìm ra chỗ vừa ý nên đã tới bãi Mel, một nơi mà ba năm trước đã có lần đến rồi.


    Hôm sau trở lại bãi tắm Lopar và chiều 22.08 về sớm để mọi người chụp vài tấm hình trước nhà lúc còn nắng bên giàn nho thoáng mát đang độ trái chín rồi cùng nhau ra phố cảng Rab cũng chỉ mất 8 phút đường xe. Phố đi bộ người đông, quán ăn tấp nập du khách nên nhiều cửa tiệm không còn chỗ. Tuy vậy vẫn tìm được một nơi vừa ý, khung cảnh đẹp, thức ăn ngon nằm trong con hẻm trên đường chính của phố đi bộ Srednja Ulica. 


    Chúng tôi ghi thêm tên bãi tắm thứ năm trong ngày cuối cùng ra biển là Pudarica. Đây là bãi tắm nước sâu có Restaurant nằm sát bờ biển, nơi những con tàu neo đậu và phục vụ đưa đón khách và những Tour du lịch. 


    Cuộc vui nào rồi cũng phải khép lại. Sau một đêm ngủ muộn nhưng dậy sớm theo giờ ấn định nên chúng tôi đã sang bên kia bờ ở bến tàu Stinica trên chuyến phà lúc 8:40 giờ ngày 24.08.2019. Cũng nhờ đi chuyến phà sớm nên khi bị kẹt xe khoảng 2 km ở Zagreb lúc 11:20 giờ, thời gian đợi chờ để qua trạm thứ nhất chỉ lâu 50 phút. Đó là điều hết sức vui mừng bởi vì sau khi nghỉ chân ở trung tâm Shopping Westgate chừng hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đi vào đường làng đổ xăng rồi tiếp tục cuộc hành trình lúc 14:15 giờ, tưởng như qua được Zagreb là mọi việc êm xuôi nhưng không ngờ, hai trong ba chiếc xe của chúng tôi tiếp tục chạy đường làng không rõ bao nhiêu cây số thì về tới Wien lúc 21:30 giờ, còn chiếc nhập vào xa lộ về đến nhà cùng thành phố lúc giữa khuya.


    Mùa hè sẽ trở về, nhưng tôi có muốn trở lại Rab Island hay không thì chẳng cần nhiều thời gian để suy nghĩ. Dù biết biển vẫn đợi chờ nhưng bốn năm trước chuyến đi của gia đình con gái tôi trên đường trở về Wien, đã phải qua đêm ở Zagreb vì bị kẹt xe đến 50 cây số !

NGUYỄN SĨ LONG
15.09.2019

Dienstag, 11. Juni 2019

TIỄN MẸ

Sương Mai, Sài Gòn 14.02.2019

     Khi chúng tôi về đến Sài Gòn vào sáng sớm thứ năm thì me tôi (mẹ vợ) đã được làm lễ nhập quan trước một ngày. Nhìn căn nhà quen thuộc đã hai mươi năm ghi dấu biết bao buồn vui của một gia đình đông con trong những lần về thăm nhà, thì nay đã khoác chiếc áo tang trong nước mắt tiếc thương cho một đời người vừa nằm xuống thật ngắn ngủi như mới hôm nào mẹ vẫn còn chờ con mà nay đã ra đi không hẹn ngày trở lại.   
    Đây là lần đầu tiên sau ba thập niên ở nước ngoài về quê dự tang lễ nên được biết từ nhiều năm nay ở Sài Gòn đã có những cơ sở chuyên về phục vụ Mai Táng, là nơi mà gia đình có thể tin tưởng để lo việc hậu sự cho người quá vãng. Dường như mọi việc đã chuẩn bị sẵn nên chúng tôi nhanh chóng lễ Phật trong bộ tang phục rồi đứng trước di ảnh mẹ đặt trên quan tài được đơm hoa kết trái đủ màu sắc hòa trong câu kinh tiếng mõ với không gian ấm cúng nghi ngút khói hương trông rất trang nghiêm dưới ánh đèn rực sáng cả căn phòng. Nắp quan tài được kéo lùi khoảng 50 cm, thay vào đó là tấm mica hình cong được lắp đặt như một ngăn lạnh kín gió, con cháu đứng trên một chiếc ghế nhỏ là có thể thấy rõ khuôn mặt hiền từ của mẹ, của bà được trang điểm rất tự nhiên như trong giấc ngủ bình yên.
    Nhìn đôi mắt tuy khép kín nhưng buông thả, dường như mẹ không còn điều gì để nghĩ suy hay lo lắng. Người cũng không trở giấc hay chau mày như những cơn đau thường kéo đến trên giường bệnh. Màu son môi hồng tươi, mái tóc đã được che kín nhưng đôi chân mày vẫn còn nguyên vẹn sắc sảo như nhắc lại quá khứ khi gia đình còn ở quận Phú Nhuận, mỗi lần tôi ghé thăm hay khi đã là con rể, những khi trang điểm thường thấy me rất chăm chút đôi chân mày, để giờ đây khi nằm xuống vẫn phảng phất đâu đó nét trẻ trung xưa khi các cô con gái nay cũng điệu đà có khác chi mẹ thuở sinh tiền. Như được trời phú cho khuôn mặt phúc hậu, tấm lòng người mẹ mười con cũng nhân từ bao la như biển hồ lai láng nên ai cũng thương kính mến yêu. Có lẽ vì vậy mà nay mẹ như đã mãn nguyện, thanh thản ra đi khi một đàn con dâu rể bất kể xa gần đã tận tâm tận lực chăm sóc cho đến hơi thở cuối cùng.
    Trở lại hai mươi bốn năm về trước, ba vợ tôi mất sớm ở tuổi 65, được đưa về an táng nơi quê Truồi theo như ý nguyện. Còn me tôi thì không, bà muốn ở gần con cháu như khi còn sống trên đời nên gia đình đã lo trước nơi an nghỉ tính đến nay đã trên mười năm, ở một khu đất thật đẹp và yên tĩnh phía sau chùa Phật Bửu Tự, Hóc Môn, cách quận 6 Sài Gòn 20 km.

  

   Me tôi quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Mười sáu tuổi bén duyên ba tôi khi ông từ Huế vào Đà Nẵng làm việc. Đến tuổi 17, cô gái quê hiền lành ra làm dâu làng Truồi, một ngôi làng bên sông có nhiều cây trái dâu mít chè tươi với nhiều địa danh ở phía nam Huế chừng 30 km. Theo lời vợ tôi kể lại, thì ôn nội là người cao tuổi trong dòng họ còn chút máu phong kiến, khó tánh như vậy mà rất thương nàng dâu xứ Quảng vì me tôi khéo ăn ở, chịu ‘nằm gai nếm mật' gần mười năm trước khi mang đàn con theo ba tôi vào Sài Gòn nhận nhiệm sở mới. Thuở đó nhà ba me tôi ở Phú Nhuận như là trại tiếp cư trong những cơn biến động. Từ mùa hè đỏ lửa 1972, rồi ba năm sau là mùa xuân 1975, hàng chục bà con từ miền Trung vào lánh nạn, được gia chủ tiếp đón nồng hậu cho đến ngày im tiếng súng mới quy cố hương.

   Người con gái đầu lòng được sinh ra ở Truồi mất sớm nên người con thứ hai giờ đã 65 tuổi, hiện sống cùng vợ con ở Houston là anh trai trưởng, cháu đích tôn nay đã bốn mươi. Vợ tôi là chị Ba, cũng là bà chị của tám người em, giới tính được chia đều 5/5. Từ thuở nhỏ cho đến khi khôn lớn, chị Ba là người gần gũi mẹ nhiều nhất, ngoài giờ đi học thường ở nhà giúp mẹ và trông coi em út cứ mỗi ba năm là có thêm hai đứa chào đời. Hiện giờ còn lại tám anh em, bốn người bên Mỹ, một bên Âu và ba chị em ở Sài Gòn, ba hôm trước ngày động quan các anh em đã về họp mặt đông đủ.

   Từ Đà Nẵng có năm anh em bạn dì đến Sài Gòn sớm nhất vào chiều tối hôm sau. Các cô chú ở Hóc Môn, các cậu dì bên ngoại, các gia đình thông gia từ Huế, Củ Chi, Sài Gòn cho đến Houston, bạn bè và đồng hương xa gần từ bên Áo bên Mỹ cùng bà con lối xóm cũ ở phường 11, Phú Nhuận dường như không thiếu một ai đã điện thoại chia buồn hoặc đến thăm viếng, phúng điếu và tiễn đưa. Có người đã trên hai mươi năm chưa gặp lại vì năm 1999 me tôi bán nhà cũ ở Phú Nhuận để dọn về căn nhà mới xây ở quận 6 vào năm 2000 cho tới bây giờ.   
    Lần cuối chúng tôi về là vào tháng 8.2018 khi me đang được điều trị ở bệnh viện Nguyễn Trãi đã ba tháng nhưng sức khỏe vẫn chưa hẳn bình phục. Thật ra thì me tôi mắc bệnh đường rồi qua thận đã gần một năm trước khi nhập viện, nên phải cần thời gian trị liệu lâu dài. Ngoài các con cháu, me còn có người em gái góa phụ chung sống đã mấy chục năm nay như hình với bóng, dì giúp đỡ việc nhà và trông nom chị những lúc đau yếu. Lần này mẹ đau nặng nên năm gia đình anh em ở nước ngoài kẻ trước người sau về để cùng với các em thay nhau túc trực bên giường bệnh. Đây cũng là lần đầu tiên vợ chồng chúng tôi có chuyến đi dài ngày nhất gần 7 tuần lễ. Cho đến tháng 10.2018 vẫn chưa thấy hy vọng nào về sức khỏe mẹ sẽ được khả quan nên tất cả các con ở xa lần lượt trở về nhà. Cũng may trong lúc đó me tôi tuy không khá hơn nhưng có một khoảng thời gian ổn định nên đã được bác sĩ cho về vào cuối tháng 12.2018, sau gần tám tháng nằm viện. Rồi vào những ngày cuối năm âm lịch vừa qua me tôi trở bệnh, sức khỏe yếu dần nên các con tuy ở xa nhưng tất cả đều chuẩn bị tinh thần để đón nhận tin buồn vào ngày mồng 7 Tết Kỷ Hợi. Một lần nữa chúng tôi lại về để tiễn đưa người mẹ thân yêu đến nơi an nghỉ cuối cùng.
    Nhớ lại những ngày đầu năm Âm lịch ở Áo, không khí năm mới vẫn còn khi mùng 5 Tết đêm Văn Nghệ Xuân vừa xong, ngày chủ nhật vợ chồng chúng tôi còn ở lại Wien chưa về Salzburg thì lúc 4 giờ sáng thứ hai hôm sau, nhận được tin từ bên nhà me tôi đang trong giây phút tử sinh và cho đến 8:30 (14:30 giờ Việt Nam) ngày 11.02.2019 đã trút hơi thở cuối cùng tại Sài Gòn, thượng thọ 87 tuổi.
    Trong lúc vợ tôi đang theo dõi và liên lạc với bên nhà thì tôi thật may mắn liên lạc được với Hòa Thượng Khuông Việt ở Oslo, Na Uy; nên sau đó gia đình đã có ngày giờ tốt cho tang lễ và đồng thời cũng đủ thời gian để các con ở xa về thọ tang.  
    Hai hôm nay Sài Gòn tuy nóng nhưng vẫn còn dễ chịu trong nắng xuân nên hết sức thuận tiện cho tang lễ và sự đi lại của quý Thầy cũng được dễ dàng hơn. Ngoài những lần Út Lan là em bạn dì hướng dẫn gia đình cùng đọc kinh xen giữa hai thời kinh sáng chiều và thả chim phóng sanh như thường lệ, thì tối 15.02 còn có nữ đạo hữu Diệu Hậu là bạn đồng tu với Út Lan, đã cùng 12 Phật tử đến viếng và tụng Kinh Địa Tạng từ 19 giờ đến 21 giờ. Vì là nhà phố nên sau 22 giờ vẫn còn xe cộ và bà con xa gần cùng nhiều bạn bè viếng thăm.
    Để chuẩn bị cho lễ chiều 16.02, thời kinh sáng với thầy Thông Lợi và Thiện Kiến xong lúc 10:40 giờ. Riêng thầy Thông Lợi có thêm một công việc nữa là ghi chép đầy đủ tên tuổi con cháu nội ngoại để mang về cho Hòa Thượng Thích Hải Tịnh chùa Giác Hải. Lúc 14:30 giờ thầy Thông Lợi và Thiện Kiến trở lại cùng với thầy Nguyên Hòa và một thầy nữa. Bốn thầy đặt lại vị trí bàn Phật ngay ngắn phía trước, cách quan tài chừng ba mét và đặt thêm một chiếc bàn trống nữa dành cho Hòa Thượng. Khoảng hai mươi lẵng hoa được di chuyển xếp một hàng dài phía tường bên trái. Tiếp theo là lễ đậy nắp quan tài lúc 15 giờ và cho đến 16:30 giờ thì kết thúc. Sau đó mời quý Thầy dùng cơm và nghỉ ngơi cho tới khi Hòa Thượng Thích Hải Tịnh đến lúc 17:25 giờ, lễ Tịch điện bắt đầu. Chúng tôi thấy Hòa Thượng xách một chiếc va ly nhỏ đặt trên bàn, sau đó Hòa Thượng đi xem xét từng nơi và một vòng quanh quan tài. Như đã vừa ý, Hòa thượng trở lại bàn mở va ly rồi đắp y đội mão, trông Thầy rất uy nghi như một vị Thánh trong thần thoại.


    So với mấy chục năm trước thì ngày nay vấn đề tang lễ đơn giản hơn nhiều với ba lễ chính : Phát tang - Cầu siêu - Lễ táng (hỏa táng hay thổ táng). Khi chưa an táng thì các lễ được gọi là Điện, và Tịch điện thường được cử hành vào buổi chiều trước ngày di quan. Ý nghĩa của Tịch điện đã được Đại Đức Thích Nguyên Hòa giải thích: “...để cho hương linh hiểu rằng cuộc đời này không có gì tồn tại, đừng chấp trước mà khổ vì ai rồi cũng phải ra đi. Bởi vậy nhờ oai lực của Tam Bảo: Phật Pháp Tăng cầu nguyện cho hương linh thức tỉnh, niệm Phật cầu xin về thế giới an lành của Phật A Di Đà...”


  Trong lúc Hòa Thượng và bốn vị Đại Đức hành lễ cùng với mõ và chiêng trống phụ họa nên đã gây thêm sự chú ý của những người qua đường. Nhìn ra bên ngoài hoàng hôn như nhẹ nhàng buông xuống trong không khí buổi lễ thật trang trọng, mọi ánh mắt đều hướng về Hòa Thượng, cũng là nơi mà những vành khăn tang đang chăm chú lắng nghe và thể hiện nhiều cảm xúc trên từng cử động của vị chủ lễ với niềm tin hương linh sẽ sớm được siêu thoát. Sự tin tưởng ấy được biểu lộ hơn nữa sau những lần đứng lên quỳ xuống cùng người  trưởng nam nhận và dâng Sớ, rồi tất cả theo sau Hòa Thượng và quý Thầy đi quanh quan tài nhiều vòng như “nhắc nhở con cháu phải nhớ đến công ơn của người quá vãng” cho đến khi buổi lễ Tịch Điện chấm dứt lúc 19:30 giờ đã làm ấm lòng bà con và tang quyến.
    Sáng ngày 17.02 cả nhà thức dậy sớm hơn thường lệ để chuẩn bị cho một ngày mà ai cũng nghĩ là rất quan trọng nên ít nhiều cũng có sự lo lắng và mong cho mọi việc được viên mãn. Khoảng 11 giờ các gia đình hai bên nội ngoại cùng bà con đến thì cũng là lúc Cơ sở Dịch vụ Mai táng Hồng Phúc Thọ bắt đầu thu dọn đồ đạc, tháo gỡ phông, màn, đèn… và một hàng lẵng hoa đã được mang đi nên căn phòng thoáng mát và rộng hơn nhiều để chuẩn bị cho lễ di quan lúc 13:30.
    Đúng 12 giờ buổi lễ được bắt đầu với thầy Thông Lợi, Thiện Kiến, Nguyên Hòa, Như Hiền và hai thầy mới. Phía bên kia đường xe chở quan tài, người chấp hiệu cùng phu kiệu và một chiếc xe buýt 50 chỗ cũng đã có mặt, ở trong rạp thì ban nhạc khoảng 10 người đang sẵn sàng chờ lệnh. Trước sân cũng có lễ cúng trước khi đến giờ chuẩn bị di quan. 


    Thuở nhỏ ở quê làng tôi cũng đã có một đôi lần được đi xem đám ma. Người chấp hiệu thường là lớn tuổi chừng trên dưới sáu mươi, là Sếp của đội phu kiệu, điều khiển việc đi đứng, nâng lên hạ xuống, qua trái qua phải để đưa quan tài di chuyển bằng hiệu lệnh là hai thanh gỗ ngắn cầm tay. Sau mấy chục năm nay mới thấy lại người chấp hiệu không những trẻ mà còn đẹp trai và cao lớn. Tuy không được các bậc tiền bối truyền hết nghề nhưng về phần lễ nghi vậy là đầy đủ cùng với ban nhạc và kèn trống đã khiến cho những người dự lễ ai cũng bùi ngùi, vì biết rằng đây chính là thời khắc của cuộc chia ly trong nước mắt.
    13:26 giờ đội phu kiệu vào vị trí chờ lệnh. Một tiếng gõ, quan tài được di chuyển ra ngoài. Gặp ngày trời đẹp, xe cộ hai chiều dừng lại chờ cho đến khi quan tài được đưa lên xe tang an toàn. Theo sau là chiếc xe buýt và vài xe Honda theo cùng, tuy giao thông là vấn đề phải lo lắng nhưng một đoàn xe lớn nhỏ đã về đến chùa Phật Bửu Tự, Hóc Môn lúc 14:20 giờ. 


    Quan tài được di chuyển đến sân tượng đài Địa Tạng Vương Bồ Tát, nằm trong khu nghĩa trang sau lưng chùa. Tại đây lúc 14:40 giờ, một buổi lễ ngoài gia đình còn có bà con và bè bạn đưa tiễn nên rất đông, đã được quý Chư tôn đức gồm tám vị chủ trì trước khi hạ huyệt lúc 15:00 giờ, nơi phần mộ chỉ cách tượng đài 50 m. Trong khoảng thời gian này mắt tôi không rời chị Ba đang đứng cùng với hai em Thúy và Thủy, sau lưng thì có hai cháu Trung và Na cách trước huyệt mộ không tới 50 cm. Tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra khi mọi người nghe tiếng gõ đưa quan tài hạ huyệt, chị Ba nhà tôi thì như đã mất kiểm soát khi chồm về phía trước và ngồi xuống khóc la rất thương tâm. Tôi lách qua vừa kịp thì đúng lúc Trung kéo vai áo giữ dì Ba lại.
    Những gì tôi lo lắng thì đã thấy trong ngày Tiễn Mẹ. Có những vết thương không làm đau da thịt nhưng tê buốt trái tim. Tôi là người rất hiểu cô ấy thương yêu mẹ đến mức nào!

NGUYỄN SĨ LONG
Tháng 6.2019

Montag, 27. Mai 2019

HUẾ XƯA


Huế xưa,
tôi đến lúc vừa tuổi 13
đã biết thương chút chút cô bé tóc bỏ đuôi gà
trong lớp học
em thường mặc chiếc jupe màu mạ non
lúc tan trường tôi đứng nhìn em về
dưới hàng cây trứng cá


Huế xưa,
(vài năm sau)
tôi có chiếc xe Honda C50
chở em đi đi về về mọi ngã
qua các cửa thành Chánh Tây, Cửa Hữu, Gia
Đồ, Cửa Ngăn, Thượng Tứ, Đông Ba, An Hòa
trong Thành Nội
tôi đưa em qua những con đường
phượng vĩ và nhãn lồng
có ao cá
có hồ sen nở rực lúc hừng đông
như thành phố được thắp muôn ngàn ngọn nến
tôi còn đưa em đi chơi hồ Tịnh Tâm
ngắm cá lia thia bơi mệt rồi nằm
và ăn cắp gương sen dấu vội trong túi áo
tôi còn dìu em vào cổng thành Đại Nội
leo mấy chục bậc thang lên cửa Ngọ Môn
ngắm Quốc Kỳ bay cao trong gió
ngồi hóng mát những lúc sang hè
nhìn những hàng cây lắc nhẹ
bên trời hoa sứ nở
và thích nhất
là ngắm những cặp tình nhân
ngồi kín đáo dưới những bức thành rêu phủ
hay bên những gốc cây, bờ hồ, tảng đá
(họ hôn nhau mùi mẫn và dễ thương chi lạ!)

 

Huế xưa,
tôi đưa em ra ngoài thành qua cửa Đông Ba
rẽ trái là đường Đào Duy Từ
có nhiều tiệm nem tré chả lụa
em qua cầu Đông Ba lót ván gập ghềnh để
ghé quán chè Thân, hay đến trường Nguyễn 
Du thăm vài người bạn; đôi lúc em muốn
dừng trên cầu, nhìn xuống Bến Tượng để
xem những con đò nằm sát bên nhau thân mật
rẽ phải là đường Phan Bội Châu
phía bên ni có tiệm mì Châu Anh,
tiệm cháo lòng Vĩnh Phú,
tiệm bò tái Đồng Xuân Lâu
phía bên tê là tiệm mè xững Song Hỷ
nổi tiếng khắp hoàn cầu
(em hảo ngọt tha hồ mà mang vào lớp học)


Huế xưa,
đứng ở Ngã Giữa
là có thể gặp đông đủ
bạn bè, tôn nữ dạo phố ban chiều
người xuôi về Bãi Dâu, Bao Vinh
kẻ ngược lên Nam Giao, Kim Long
thành phố thanh bình
các cô ai nấy hai má đều hồng
tay duyên dáng e ấp vành nón lá
nhìn qua bên nớ
chợ Đông Ba người quen kẻ lạ
bước nhẹ nhàng trong chiếc áo dài xinh
các cậu học trò - mắt sáng như tinh
ngắm và ‘nghễ’
người qua lại Huế xưa, thương dễ sợ !


Huế xưa,
tôi cùng em qua cầu Gia Hội
thẳng xuống Chi Lăng
ở bên nớ có quán bún bò O Rớt
ngon tản thần thường húp hết nước trong tô
ngó xéo rạp chiếu bóng Lido
có quán thịt gà xé phay (quên tên)
(nay còn nhớ mang máng một dĩa ba mươi đồng)


Huế xưa,
tôi cùng em ngược đường lên phố cũ
đi qua Trần Hưng Đạo có tiệm Cỏ May
đứng bên hàng mỹ phẩm của chị
                                         Tôn Nữ Hoàng Mai
Em cứ chọn (mà không mất tiền)
một thỏi son màu đỏ nhạt
cho môi thêm hồng và nụ cười thơm ngát
“anh sẽ cùng em trên đường về khao khát
những nụ hôn như trong đại nội hôm rồi…’’
ngó qua bên tê
người ta ngồi chen nhau trong quán Lạc Sơn
mùi cà phê bay sang tận bên ni đường phố
muốn qua ngay mà chắc chi còn chỗ
(làm răng mà bỏ đi cho được, em hỉ ?)


Huế và tôi,
hình như có rất nhiều duyên nợ
chỉ riêng em cũng đủ ‘tắt thở’ đây rồi
chiều lại chiều chở em tận xa xôi
qua cầu Vạn Xuân viếng thăm chùa Thiên Mụ
đứng bên nhau đôi lòng khấn nhủ
xin ơn trên tác hợp vợ chồng
nhìn qua sông Hương lững lờ yên ngủ
Long Thọ im lìm trong khói biếc vờn quanh
tôi lặng nhìn
trong đôi mắt em xanh
có hình ảnh những nhành tre
lung linh theo sóng nước


Huế xưa,
tôi cùng em nhịp bước
đi bộ qua cầu Trường Tiền
em thường mặc chiếc áo dài màu trắng
có thêu tên hai đứa chúng mình
tay em không rời chiếc nón bài thơ
ở trong cặp
kẹo nougat và ô mai nhiều hơn sách vở
em nhìn xa xa cây cầu Bạch Hổ
đang soi mình trên sóng nước Hương Giang
tôi nhìn em
mái tóc xõa dịu dàng
đôi guốc mộc
ôm thân người vai hạc
em thích đếm những chiếc đò
đậu bến thẳng hàng
và những chiếc bơi qua Thương Bạc
lỏng tay chèo trước Phu Văn Lâu
trôi chầm chậm men sông về Vỹ Dạ
dòng nước trong xanh lặng lẽ qua cầu
rất êm ả như bàn tay người kỹ nữ


Huế xưa,
tôi đưa em dạo qua Lê Lợi
con đường đẹp nhất thành phố
có đại học Văn khoa thiếu nữ áo hoa dài
và trường Khoa học
những chàng trai thường tụm năm tụm bảy
bên giảng đường Karaté vui như ngày hội
có trung tâm Liễu Quán gần thư viện
có những hàng cây xanh lá công viên
chân em đi bước nhỏ như nai hiền
qua hai cổng trường Quốc Học và Đồng Khánh
lũ học trò mái tóc thề óng ánh
áo trắng về kín những đường hoa
đây, đại học Luật khoa
mới hôm nào qua một mùa thi
những hàng tên được khắc trên cây đa trầm mặc
tôi thương quá
giảng đường Phan Văn Thiết thân mật
nằm im lìm dưới tàng lá xanh tươi
dây thân ái như một đời
cột chặt tình bạn hữu


Huế xưa,
vào những ngày lễ lớn
tôi đưa em qua Dòng Chúa Cứu Thế, Phú Cam
hay đi lễ chùa Diệu Đế, Từ Đàm
rồi ngược dốc Nam Giao lên chùa Từ Hiếu
ngồi dưới hàng thông vi vút sáo chiều
nghe tiếng chuông ngân và chim hót
em hát tôi nghe bài ca tuổi ngọc
âm thanh nồng như hai má em thơm
tôi còn đưa em đi thăm
đền đài lăng tẩm
của các vua chúa triều Nguyễn ngày xưa
và lên đứng trên đồi Vọng Cảnh
những ngày nắng cũng như mưa
dưới dãy Trường Sơn kiêu hãnh
để thấy dòng sông Hương
muôn đời trầm lặng

  

Huế xưa,
mỗi ngày thêm chất đắng
chiến tranh về rung chuyển nhịp đò đưa
bên nớ bên ni
tay vẫy dần thưa
em ở lại nhạt nhòa đời son trẻ
nhịp cầu qua sông gãy đôi tình thơ bé
mùa hè sang lửa đỏ phủ kinh hoàng
bồng bế nhau đi rời phố xuôi Nam
vẫn không khỏi trời tháng tư ác nghiệt
giã từ em
mùi trinh nguyên tinh khiết
những ngón tay đan cứng nghẹn lời
ngày tôi đi thương nhớ quá đôi môi
và ánh mắt như ngàn sao theo đuổi
làn tóc em
làm sao tôi quên nỗi
trôi dịu hiền
như sóng nước Huơng Giang

Từ đây chẳng thấy xuân sang
trăm năm đứng ngóng thu vàng lá buông
bao giờ tôn nữ còn buồn
thơ còn chảy giữa dòng Hương ngậm ngùi !

NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, tháng 9.1990