Sương Mai, Sài Gòn 14.02.2019
Khi chúng tôi về đến Sài
Gòn vào sáng sớm thứ năm thì me tôi (mẹ vợ) đã được làm lễ nhập quan trước một
ngày. Nhìn căn nhà quen thuộc đã hai mươi năm ghi dấu biết bao buồn vui của
một gia đình đông con trong những lần về thăm nhà, thì nay đã khoác chiếc áo
tang trong nước mắt tiếc thương cho một đời người vừa nằm xuống thật ngắn ngủi
như mới hôm nào mẹ vẫn còn chờ con mà nay đã ra đi không hẹn ngày trở lại.
Đây là lần đầu tiên sau
ba thập niên ở nước ngoài về quê dự tang lễ nên được biết từ nhiều năm nay ở
Sài Gòn đã có những cơ sở chuyên về phục vụ Mai Táng, là nơi mà gia đình có thể
tin tưởng để lo việc hậu sự cho người quá vãng. Dường như mọi việc đã chuẩn bị
sẵn nên chúng tôi nhanh chóng lễ Phật trong bộ tang phục rồi đứng trước di ảnh
mẹ đặt trên quan tài được đơm hoa kết trái đủ màu sắc hòa trong câu kinh tiếng
mõ với không gian ấm cúng nghi ngút khói hương trông rất trang nghiêm dưới ánh
đèn rực sáng cả căn phòng. Nắp quan tài được kéo lùi khoảng 50 cm, thay vào đó
là tấm mica hình cong được lắp đặt như một ngăn lạnh kín gió, con cháu đứng
trên một chiếc ghế nhỏ là có thể thấy rõ khuôn mặt hiền từ của mẹ, của bà được
trang điểm rất tự nhiên như trong giấc ngủ bình yên.
Nhìn đôi mắt tuy khép
kín nhưng buông thả, dường như mẹ không còn điều gì để nghĩ suy hay lo lắng.
Người cũng không trở giấc hay chau mày như những cơn đau thường kéo đến trên
giường bệnh. Màu son môi hồng tươi, mái tóc đã được che kín nhưng đôi chân mày
vẫn còn nguyên vẹn sắc sảo như nhắc lại quá khứ khi gia đình còn ở quận Phú
Nhuận, mỗi lần tôi ghé thăm hay khi đã là con rể, những khi trang điểm thường
thấy me rất chăm chút đôi chân mày, để giờ đây khi nằm xuống vẫn phảng phất đâu
đó nét trẻ trung xưa khi các cô con gái nay cũng điệu đà có khác chi mẹ thuở
sinh tiền. Như được trời phú cho khuôn mặt phúc hậu, tấm lòng người mẹ mười con
cũng nhân từ bao la như biển hồ lai láng nên ai cũng thương kính mến yêu. Có lẽ
vì vậy mà nay mẹ như đã mãn nguyện, thanh thản ra đi khi một đàn con dâu rể bất
kể xa gần đã tận tâm tận lực chăm sóc cho đến hơi thở cuối cùng.
Trở lại hai mươi bốn năm
về trước, ba vợ tôi mất sớm ở tuổi 65, được đưa về an táng nơi quê Truồi theo
như ý nguyện. Còn me tôi thì không, bà muốn ở gần con cháu như khi còn sống
trên đời nên gia đình đã lo trước nơi an nghỉ tính đến nay đã trên mười năm, ở
một khu đất thật đẹp và yên tĩnh phía sau chùa Phật Bửu Tự, Hóc Môn, cách quận
6 Sài Gòn 20 km.
Me tôi quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Mười sáu tuổi bén duyên ba tôi khi ông từ Huế vào Đà Nẵng làm việc. Đến tuổi 17, cô gái quê hiền lành ra làm dâu làng Truồi, một ngôi làng bên sông có nhiều cây trái dâu mít chè tươi với nhiều địa danh ở phía nam Huế chừng 30 km. Theo lời vợ tôi kể lại, thì ôn nội là người cao tuổi trong dòng họ còn chút máu phong kiến, khó tánh như vậy mà rất thương nàng dâu xứ Quảng vì me tôi khéo ăn ở, chịu ‘nằm gai nếm mật' gần mười năm trước khi mang đàn con theo ba tôi vào Sài Gòn nhận nhiệm sở mới. Thuở đó nhà ba me tôi ở Phú Nhuận như là trại tiếp cư trong những cơn biến động. Từ mùa hè đỏ lửa 1972, rồi ba năm sau là mùa xuân 1975, hàng chục bà con từ miền Trung vào lánh nạn, được gia chủ tiếp đón nồng hậu cho đến ngày im tiếng súng mới quy cố hương.
Người con gái đầu lòng được sinh ra ở Truồi mất sớm nên người con thứ hai giờ đã 65 tuổi, hiện sống cùng vợ con ở Houston là anh trai trưởng, cháu đích tôn nay đã bốn mươi. Vợ tôi là chị Ba, cũng là bà chị của tám người em, giới tính được chia đều 5/5. Từ thuở nhỏ cho đến khi khôn lớn, chị Ba là người gần gũi mẹ nhiều nhất, ngoài giờ đi học thường ở nhà giúp mẹ và trông coi em út cứ mỗi ba năm là có thêm hai đứa chào đời. Hiện giờ còn lại tám anh em, bốn người bên Mỹ, một bên Âu và ba chị em ở Sài Gòn, ba hôm trước ngày động quan các anh em đã về họp mặt đông đủ.
Từ Đà Nẵng có năm anh em bạn dì đến Sài Gòn sớm nhất vào chiều tối hôm sau. Các cô chú ở Hóc Môn, các cậu dì bên ngoại, các gia đình thông gia từ Huế, Củ Chi, Sài Gòn cho đến Houston, bạn bè và đồng hương xa gần từ bên Áo bên Mỹ cùng bà con lối xóm cũ ở phường 11, Phú Nhuận dường như không thiếu một ai đã điện thoại chia buồn hoặc đến thăm viếng, phúng điếu và tiễn đưa. Có người đã trên hai mươi năm chưa gặp lại vì năm 1999 me tôi bán nhà cũ ở Phú Nhuận để dọn về căn nhà mới xây ở quận 6 vào năm 2000 cho tới bây giờ.
Lần cuối chúng tôi về là
vào tháng 8.2018 khi me đang được điều trị ở bệnh viện Nguyễn Trãi đã ba tháng
nhưng sức khỏe vẫn chưa hẳn bình phục. Thật ra thì me tôi mắc bệnh đường rồi
qua thận đã gần một năm trước khi nhập viện, nên phải cần thời gian trị liệu
lâu dài. Ngoài các con cháu, me còn có người em gái góa phụ chung sống đã mấy
chục năm nay như hình với bóng, dì giúp đỡ việc nhà và trông nom chị những lúc
đau yếu. Lần này mẹ đau nặng nên năm gia đình anh em ở nước ngoài kẻ trước
người sau về để cùng với các em thay nhau túc trực bên giường bệnh. Đây cũng là
lần đầu tiên vợ chồng chúng tôi có chuyến đi dài ngày nhất gần 7 tuần lễ. Cho
đến tháng 10.2018 vẫn chưa thấy hy vọng nào về sức khỏe mẹ sẽ được khả quan nên
tất cả các con ở xa lần lượt trở về nhà. Cũng may trong lúc đó me tôi tuy không
khá hơn nhưng có một khoảng thời gian ổn định nên đã được bác sĩ cho về vào
cuối tháng 12.2018, sau gần tám tháng nằm viện. Rồi vào những ngày cuối năm âm
lịch vừa qua me tôi trở bệnh, sức khỏe yếu dần nên các con tuy ở xa nhưng tất
cả đều chuẩn bị tinh thần để đón nhận tin buồn vào ngày mồng 7 Tết Kỷ Hợi. Một
lần nữa chúng tôi lại về để tiễn đưa người mẹ thân yêu đến nơi an nghỉ cuối
cùng.
Nhớ lại những ngày đầu năm Âm lịch ở Áo, không khí
năm mới vẫn còn khi mùng 5 Tết đêm Văn Nghệ Xuân vừa xong, ngày chủ nhật vợ
chồng chúng tôi còn ở lại Wien chưa về Salzburg thì lúc 4 giờ sáng thứ hai hôm
sau, nhận được tin từ bên nhà me tôi đang trong giây phút tử sinh và cho đến
8:30 (14:30 giờ Việt Nam) ngày 11.02.2019 đã trút hơi thở cuối cùng tại Sài
Gòn, thượng thọ 87 tuổi.
Trong lúc vợ tôi đang
theo dõi và liên lạc với bên nhà thì tôi thật may mắn liên lạc được với Hòa
Thượng Khuông Việt ở Oslo, Na Uy; nên sau đó gia đình đã có ngày giờ tốt cho
tang lễ và đồng thời cũng đủ thời gian để các con ở xa về thọ tang.
Hai hôm nay Sài Gòn tuy
nóng nhưng vẫn còn dễ chịu trong nắng xuân nên hết sức thuận tiện cho tang lễ
và sự đi lại của quý Thầy cũng được dễ dàng hơn. Ngoài những lần Út Lan là em
bạn dì hướng dẫn gia đình cùng đọc kinh xen giữa hai thời kinh sáng chiều và
thả chim phóng sanh như thường lệ, thì tối 15.02 còn có nữ đạo hữu Diệu Hậu là
bạn đồng tu với Út Lan, đã cùng 12 Phật tử đến viếng và tụng Kinh Địa Tạng từ
19 giờ đến 21 giờ. Vì là nhà phố nên sau 22 giờ vẫn còn xe cộ và bà con xa gần
cùng nhiều bạn bè viếng thăm.
Để chuẩn bị cho lễ chiều
16.02, thời kinh sáng với thầy Thông Lợi và Thiện Kiến xong lúc 10:40 giờ. Riêng
thầy Thông Lợi có thêm một công việc nữa là ghi chép đầy đủ tên tuổi con cháu
nội ngoại để mang về cho Hòa Thượng Thích Hải Tịnh chùa Giác Hải. Lúc 14:30 giờ
thầy Thông Lợi và Thiện Kiến trở lại cùng với thầy Nguyên Hòa và một thầy nữa.
Bốn thầy đặt lại vị trí bàn Phật ngay ngắn phía trước, cách quan tài chừng ba
mét và đặt thêm một chiếc bàn trống nữa dành cho Hòa Thượng. Khoảng hai mươi
lẵng hoa được di chuyển xếp một hàng dài phía tường bên trái. Tiếp theo là lễ
đậy nắp quan tài lúc 15 giờ và cho đến 16:30 giờ thì kết thúc. Sau đó mời quý
Thầy dùng cơm và nghỉ ngơi cho tới khi Hòa Thượng Thích Hải Tịnh đến lúc 17:25
giờ, lễ Tịch điện bắt đầu. Chúng tôi thấy Hòa Thượng xách một chiếc va ly nhỏ đặt trên bàn, sau đó Hòa Thượng đi xem xét từng nơi và một vòng quanh quan tài. Như đã vừa ý, Hòa thượng trở lại bàn mở va ly rồi đắp y đội mão, trông Thầy rất uy nghi như một vị Thánh trong thần thoại.
So với mấy chục năm
trước thì ngày nay vấn đề tang lễ đơn giản hơn nhiều với ba lễ chính : Phát
tang - Cầu siêu - Lễ táng (hỏa táng hay thổ táng). Khi chưa an táng thì các lễ
được gọi là Điện, và Tịch điện thường được cử hành vào buổi chiều trước ngày di
quan. Ý nghĩa của Tịch điện đã được Đại Đức Thích Nguyên Hòa giải thích: “...để
cho hương linh hiểu rằng cuộc đời này không có gì tồn tại, đừng chấp trước mà
khổ vì ai rồi cũng phải ra đi. Bởi vậy nhờ oai lực của Tam Bảo: Phật Pháp Tăng
cầu nguyện cho hương linh thức tỉnh, niệm Phật cầu xin về thế giới an lành của
Phật A Di Đà...”
Trong lúc Hòa Thượng và
bốn vị Đại Đức hành lễ cùng với mõ và chiêng trống phụ họa nên đã gây thêm sự
chú ý của những người qua đường. Nhìn ra bên ngoài hoàng hôn như nhẹ nhàng
buông xuống trong không khí buổi lễ thật trang trọng, mọi ánh mắt đều hướng về
Hòa Thượng, cũng là nơi mà những vành khăn tang đang chăm chú lắng nghe và thể
hiện nhiều cảm xúc trên từng cử động của vị chủ lễ với niềm tin hương linh sẽ
sớm được siêu thoát. Sự tin tưởng ấy được biểu lộ hơn nữa sau những lần đứng
lên quỳ xuống cùng người trưởng nam
nhận và dâng Sớ, rồi tất cả theo sau Hòa Thượng và quý Thầy đi quanh
quan tài nhiều vòng như “nhắc nhở con cháu phải nhớ đến công ơn của người
quá vãng” cho đến khi buổi lễ Tịch Điện chấm dứt lúc 19:30 giờ đã làm ấm lòng bà con và tang quyến.
Sáng ngày 17.02 cả nhà
thức dậy sớm hơn thường lệ để chuẩn bị cho một ngày mà ai cũng nghĩ là rất quan
trọng nên ít nhiều cũng có sự lo lắng và mong cho mọi việc được viên mãn.
Khoảng 11 giờ các gia đình hai bên nội ngoại cùng bà con đến thì cũng là lúc Cơ
sở Dịch vụ Mai táng Hồng Phúc Thọ bắt đầu thu dọn đồ đạc, tháo gỡ phông, màn,
đèn… và một hàng lẵng hoa đã được mang đi nên căn phòng thoáng mát và rộng hơn nhiều
để chuẩn bị cho lễ di quan lúc 13:30.
Đúng 12 giờ buổi lễ được
bắt đầu với thầy Thông Lợi, Thiện Kiến, Nguyên Hòa, Như Hiền và hai thầy mới.
Phía bên kia đường xe chở quan tài, người chấp hiệu cùng phu kiệu và một chiếc
xe buýt 50 chỗ cũng đã có mặt, ở trong rạp thì ban nhạc khoảng 10 người đang
sẵn sàng chờ lệnh. Trước sân cũng có lễ cúng trước khi đến giờ chuẩn bị di
quan.
Thuở nhỏ ở quê làng tôi
cũng đã có một đôi lần được đi xem đám ma. Người chấp hiệu thường là lớn tuổi
chừng trên dưới sáu mươi, là Sếp của đội phu kiệu, điều khiển việc đi đứng,
nâng lên hạ xuống, qua trái qua phải để đưa quan tài di chuyển bằng hiệu lệnh
là hai thanh gỗ ngắn cầm tay. Sau mấy chục năm nay mới thấy lại người chấp hiệu
không những trẻ mà còn đẹp trai và cao lớn. Tuy không được các bậc tiền bối
truyền hết nghề nhưng về phần lễ nghi vậy là đầy đủ cùng với ban nhạc và kèn
trống đã khiến cho những người dự lễ ai cũng bùi ngùi, vì biết rằng đây chính
là thời khắc của cuộc chia ly trong nước mắt.
13:26 giờ đội phu kiệu
vào vị trí chờ lệnh. Một tiếng gõ, quan tài được di chuyển ra ngoài. Gặp ngày
trời đẹp, xe cộ hai chiều dừng lại chờ cho đến khi quan tài được đưa lên xe
tang an toàn. Theo sau là chiếc xe buýt và vài xe Honda theo cùng, tuy giao
thông là vấn đề phải lo lắng nhưng một đoàn xe lớn nhỏ đã về đến chùa Phật Bửu
Tự, Hóc Môn lúc 14:20 giờ.
Quan tài được di chuyển
đến sân tượng đài Địa Tạng Vương Bồ Tát, nằm trong khu nghĩa trang sau lưng
chùa. Tại đây lúc 14:40 giờ, một buổi lễ ngoài gia đình còn có bà con và bè bạn
đưa tiễn nên rất đông, đã được quý Chư tôn đức gồm tám vị chủ trì trước khi hạ
huyệt lúc 15:00 giờ, nơi phần mộ chỉ cách tượng đài 50 m. Trong khoảng thời
gian này mắt tôi không rời chị Ba đang đứng cùng với hai em Thúy và Thủy, sau
lưng thì có hai cháu Trung và Na cách trước huyệt mộ không tới 50 cm. Tôi biết
chuyện gì sẽ xảy ra khi mọi người nghe tiếng gõ đưa quan tài hạ huyệt, chị Ba
nhà tôi thì như đã mất kiểm soát khi chồm về phía trước và ngồi xuống khóc la rất thương tâm. Tôi lách qua vừa kịp thì đúng lúc Trung kéo vai áo giữ
dì Ba lại.
Những gì tôi lo lắng thì
đã thấy trong ngày Tiễn Mẹ. Có những vết thương không làm đau da thịt nhưng tê
buốt trái tim. Tôi là người rất hiểu cô ấy thương yêu mẹ đến mức nào!
NGUYỄN SĨ LONG
Tháng 6.2019
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen