Huế 1966
Mẹ ơi con hứa xuân sau
sẽ về
Dù cho dù cho xuân đã đi
qua
Dù cho én
từng bầy bay về ngàn
Dẫu gì rồi con cũng về
Chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi...
Chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi...
(Mùa xuân của mẹ, Trịnh Lâm Ngân)
Biết bao mùa xuân xa gia
đình đã đi qua đời tôi khi rời quê nhà tính đến nay vừa 33 năm tròn, nhưng xa
mẹ xa Huế thì đã 46 năm kể từ khi vào Sài Gòn cuối thu 1974 để tiếp tục việc học. Tuy vậy, do không ở thường bên mẹ để ôn lại những ngày xưa cũ
nên tôi vẫn thương tiếc dòng thời gian sẽ không bao giờ trở lại khi sức khỏe
mẹ ngày càng yếu với tuổi đời khi đã bước qua 90.
Mỗi lần nhớ mẹ nhớ nhà
hay có lúc bất chợt nhớ lại những điều mà mẹ kể từ hàng chục năm trước cho đến
những năm gần đây mỗi khi tôi về thăm nhà là lòng tôi như quặn thắt xót thương
cho đời mẹ gặp quá nhiều khổ đau về những gì đã xảy ra trên bảy mươi năm trước. Đó là thuở tôi chưa mở mắt chào đời.
Mẹ tôi sinh vào tháng 1
năm 1930 tại làng Hiền Sĩ, xã Phong An, quận Phong Điền, cũng là quận quê nội tôi ở làng Chính An, xã Phong Lộc. Năm 1946 lúc 16 tuổi, mẹ được Ôn mệ ngoại cho vào học
hộ sinh ở Bệnh viện Trung Ương Huế, tức chưa tròn một năm sau khi Nhật lật đổ
chính quyền đô hộ Pháp ngày 09.03.1945. Vài tháng sau đó Nhật đầu hàng Đồng Minh
vào ngày 15.08, rồi đến việc Bảo Đại thoái vị ngày 25.08.1945 trước áp lực Việt
Minh giành chính quyền ở Hà Nội vào ngày 19.08.1945. Đầu tháng 9.1945 ở Huế
tình hình rối ren và phức tạp khi quân Nhật chờ quân Đồng Minh đến
giải giới còn có quân của Tưởng Giới Thạch và sau đó quân Pháp trở lại Huế khi quân
Tưởng Giới Thạch rút đi. Bên cạnh đó cuộc Tổng khởi nghĩa của Việt Minh tuy
thắng lợi nhưng khi quân Pháp đánh chiếm Sài Gòn ngày 23.09.1945 như là lời cảnh
báo thực dân Pháp sẽ quay trở lại Việt Nam và cuộc Kháng chiến của Việt Minh
chắc vẫn còn lâu dài. Trong số những người thoát ly theo Phong trào Kháng chiến
thời ấy, thì gia đình mẹ tôi ở Hiền Sĩ có hai người anh trai đều đã lập gia
đình tham gia, địa bàn hoạt động là nhiều làng xã thuộc huyện Phong Điền, tỉnh
Thừa Thiên, Huế.
Đến năm 1947 vỡ mặt trận
nên mẹ ở lại Huế làm hộ sinh
cho vợ lính vợ Tây vài tháng rồi trở về
làng, cùng năm với quân Pháp và Bảo Vệ mở chiến dịch càn quét vùng chiếm đóng
bờ bắc sông Bồ, mà làng Hiền Sĩ thiệt hại rất nặng về sinh mạng. Mẹ may mắn
thoát chết, năm đó mười bảy tuổi.
Đến năm 1949, người anh
lớn sinh năm 1916 liên lạc đưa mẹ ra phụ trách hộ sinh xã Phong Lộc. Đi chưa
tới đất cát Phong Lai thì gặp vợ chồng người dì bà con đang trên đường đi trốn
vì trong làng Tây lùng. Theo dì đến Cửa Việt nhưng Tây bắn dữ quá nên quay lại,
lên chiến khu Hòa Mỹ ở khoảng hai mươi ngày rồi trở về xã Phong Lộc, ở tại làng
Trung Thạnh làm hộ sinh cho xã. Đây cũng là thời gian ba tôi làm Thông tin ở
huyện Phong Điền nên đã gặp mẹ trong những lần đi kịch ở Bến Chợ. Được biết ba tôi
chơi đàn Mandolin khá giỏi và mẹ tôi ngâm thơ rất hay, có lẽ nhờ vậy mà ‘đôi
trẻ’ như tâm đầu ý hợp nên duyên vợ chồng trong một lễ cưới vô cùng đặc biệt
trăm năm có một, vì từ khi khôn lớn cho tới bây giờ tôi chưa nghe ai nói hôn lễ
lại tổ chức vào ban đêm. Nhưng đây là một câu chuyện có thật về lễ Thành hôn
của ba mẹ tôi ở quê nội làng Chính An vào cuối năm 1950. Cô dâu không mặc áo
cưới, chỉ ca hát văn nghệ giúp vui với số người tham dự hạn chế. Mệ ngoại ở
Hiền Sĩ không ra được, nhưng có anh trai và chị kế của mẹ thay mặt. Ôn nội tôi
cho làm heo và người cô tặng một chiếc nhẫn, đó là tất cả trong một đêm vui của
ba mẹ từ thế kỷ trước. Sau này lớn lên tôi mới hiểu là lịch sử lặp lại một lần
nữa khi nhà Ngô sụp đổ năm 1963, thì những năm sau đó lúc tôi đã trên mười
tuổi, cũng đã biết là du kích về làng mạc hoạt động thường là ban đêm, thỉnh
thoảng cũng có những trận đánh giữa ban ngày của hai phe Quốc - Cộng. Đó là những
năm tháng quê tôi luôn có bom đạn rình rập và thôn xóm bất an kéo dài cho đến
1975.
Qua năm 1951 mẹ tôi đang
ở làng ngoại thì bị Bảo Vệ bắt và đưa vô Huế giam, nhờ khai có nghề y tá hộ
sinh nên mẹ không bị đánh đập, tra khảo hay vào nhà tù. Mẹ được hai ông quan
lớn đối xử tử tế trong thời gian giúp việc cho vợ quan khi ông vắng nhà. Có
thể nhờ vậy nên được thả sau hai tháng gần như giam lỏng mà không có một tội
danh nào về mặt giấy tờ. Cuối năm đó mẹ trở lại Huế một lần nữa với người chị
kế, ở nhà bà con khoảng một tuần là đến ngày chuyển bụng. Vì là con so nên mẹ
đã trải qua lần sinh nở khó khăn lúc tôi chào đời ở Nhà Bảo sanh Bác sĩ Mori
người Pháp trên đường Huỳnh Thúc Kháng, gần cầu Gia Hội, Huế.
Mẹ và dì ở lại nhà bảo
sanh mười ngày rồi thuê xe xích lô về làng ngoại Hiền Sĩ. Hai mẹ con được mệ và
dì chăm sóc tám tháng trước khi về làng nội Chính An, và đây cũng là lần đầu
tiên cha con gặp nhau sau ngày tôi chào đời ở Huế. Đến năm 1952 ba tôi bị sốt
nặng nên ở làng dưỡng bệnh và làm ruộng. Mẹ tiếp tục làm hộ sinh trong xã Phong
Lộc cho đến ngày ký Hiệp định Geneve 1954.
Trong lúc ở làng đang
thay đổi chính quyền thì ba tôi vào Huế xin việc, làm bán hàng cho hiệu Đức
Sinh ở trên đường Trần Hưng Đạo. Năm 1955 ba ra bán ở thị trấn Đông Hà, vừa học
nhiếp ảnh ở hiệu Quang Vinh. Trong thời gian này hai mẹ con chúng tôi có ra Đông Hà
nhưng không nhớ là ở được bao lâu. Đến năm 1960 trở về làng Chính An, ba tôi
làm ruộng và chụp ảnh, đồng thời mở một tiệm hình bên chợ Đại Lộc, Hương Điền.
Nhưng những ngày tháng
thanh bình không được bền lâu. Đến năm 1965 mẹ bỏ trốn làng ra đi, dẫn một đàn
con bồng bế nhau chạy tìm đất sống ở Huế. Rồi Tết Mậu Thân 1968 mang chiến
tranh lửa đạn vào thành phố cũng không tha căn nhà mới xây dựng, ở được ba
tháng rồi chỉ trong phút giây thành tro bụi. Nỗi buồn khổ của mẹ dường như
không còn đủ nước mắt để xóa nhòa dĩ vãng cùng những bất hạnh mà mẹ đã âm thầm
chịu đựng từ thời thôn nữ tuổi học trò cho tới bây giờ.
Mẹ tôi là út trong gia
đình có sáu người con, hai trai và bốn gái. Ôn ngoại tôi sinh năm 1885, làm
trưởng họ. Ngay ở làng Hiền Sĩ ngoại có hai khu vườn rộng đầy cây trái xanh
tươi như tuổi thanh xuân cô con gái út được Ôn mệ một mực cưng chiều, cho lên
thành phố Huế học ngành Hộ Sinh nhưng không may đã sớm mồ côi cha lúc mười bảy tuổi, Ôn bị Tây
bắn ở làng Thanh Tân trong một cuộc truy lùng những gia đình có con tham gia
Kháng chiến vào năm 1947, năm đó Ôn 62 tuổi. Lúc tang gia còn bối rối, nước mắt
chưa kịp lau khô thì một đại nạn lại ập xuống kinh hoàng. Người chị thứ tư sinh
năm 1922 cùng hai con sinh đôi và người vú nuôi cũng bị Tây bắn cùng năm ở làng
Thanh Tân. Có nỗi đau đớn và thương tâm nào hơn lúc hai cháu sinh đôi thì chính mẹ là bà mụ, khi vừa tốt nghiệp nghề hộ sinh mới được ba tháng. Không đầy một
năm sau, người anh trai thứ ba sinh năm 1919, cán bộ Việt Minh, cũng không
thoát được sự tàn bạo của quân Pháp. Cậu bị bắt và bị giết ở xóm Bù năm 1948.
Chỉ trong vòng hai năm,
gia đình Ngoại đã mất đi năm sinh mạng và người vú nuôi. Sau hiệp định
Geneve 1954 thêm hai người con, một trai một gái tập kết ra Bắc, còn cô con Út lấy
chồng phương xa nhưng cùng quận huyện đó là mẹ tôi, nên cuối cùng chỉ còn lại người chị đầu có ba con
ở gần ngoại cho đến ngày gần đất xa trời năm 1974 vì bệnh đau tim. Mệ thì đến chín mươi tuổi vẫn còn làm được
việc nhà rồi ra đi thanh thản vào năm 1979, hưởng thọ 91 tuổi.
Hôm nay là Sinh Nhật 90
của Mẹ. Con xin chắp tay nguyện cầu Mẹ luôn được bình an, đón chờ những ngày xuân mang theo niềm hy vọng cho mọi người mọi nhà trong năm mới, sum họp
và hạnh phúc.
Dẫu gì rồi con cũng về…chỉ bên Mẹ là mùa xuân thôi.
NGUYỄN SĨ LONG
Vienna, 11.01.2020
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen