Montag, 30. März 2020

HƯƠNG LAN - MỘT ĐỜI SÂN KHẤU


     Cuối năm 2019, buổi ra mắt DVD Hương Lan - Một Đời Sân Khấu đánh dấu 57 năm cuộc đời nghệ thuật dành cho Quý thân hữu, Quý ân nhân và Quý đồng nghiệp của ca sĩ Hương Lan, đã được tổ chức vào ngày thứ sáu, 15.11.2019, tại Phòng trà Queen Bee & Hạt Ngò Bistro, 10752 Westminster Ave, Garden Grove, CA 92844. Có sự hiện diện và trình diễn của nhiều ca nhạc sĩ tên tuổi: Phương Hồng Quế, Băng Châu, Trang Thanh Lan, Ngọc Thúy, Lilian, Thủy Tiên, Châu Ngọc Hà, Ngọc Ngữ, Ngọc Linh, Quốc Anh, Mai Thanh Thúy, Trọng Nghĩa, Tuấn Đạt, MC Trần Quốc Bảo, UNISON Band...
    Được biết thêm là một tháng trước đó vào tối ngày 07.10.2019, DVD Một Đời Sân Khấu cũng đã được ra mắt báo giới vào ngày 07.10.2019 tại Sài Gòn, cũng là nơi mà ca sĩ Hương Lan chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức liveshow với tên gọi Hương Lan – Một Đời Sân Khấu, vào ngày 02.06.2018, chỉ một xuất duy nhất ở rạp hát Hòa Bình có hơn 2.000 chỗ ngồi. Rất tiếc là không thể nào thỏa mãn nhu cầu của khán giả, vì người ái mộ ca sĩ Hương Lan thì không thể đếm bằng những con số.
    Chính vì lý do đó mà Hương Lan phải gấp rút thực hiện cho việc in ấn DVD nhưng phải mất hơn một năm mới giải được cơn khát của người ái mộ đã thương mến tiếng hát Hương Lan mấy chục năm nay từ trong và ngoài nước.
    DVD Một Đời Sân Khấu chia làm hai phần: Cải lương và Tân nhạc. Trong một cuộc phỏng vấn, Hương Lan cho biết: ‘Hương Lan nghĩ việc đầu tiên là nói về nguồn gốc của cuộc đời mình thì phải nói về cải lương, vì sắp kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương của ông Cao Văn Lầu. Cái đó là mình phải làm, và tiết mục đầu tiên là cải lương, phải nói cái gốc của mình trước’..
    Phần cải lương đã được nữ nghệ sĩ lão thành Ngọc Giàu làm cố vấn. Hương Lan đã mất một năm với nhiều tâm huyết để biên tập và xây dựng kịch bản thật chu đáo. Cô tâm sự: “hát nhiều...nhưng chọn bài hay mới là khó”. Dù vậy phần bố cục cũng đã được sắp xếp vừa chi tiết vừa có hậu ý gồm: 2 vọng cổ, 28 ca khúc. Tổng cộng 30 bài hát, mà trong mỗi một tiết mục là một bất ngờ, đã được khán giả ủng hộ bằng những tràng pháo tay vang dội chính là nội dung mà người biên tập muốn gởi gắm:
                                
ƠN CHA NGHĨA THẦY
 
    Hương Lan chưa một lần gặp nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhưng luôn nhớ đến ông như người đã góp công cải tiến bộ môn Cải lương qua hai bài mở đầu: ‘Bạc Liêu hoài cổ’ của tác giả Thanh Sơn, khổ đầu với bốn câu:
Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu
Như sống lại hồn Cao Văn Lầu
Về Bạc Liêu danh tiếng ôn lại giấc ngủ vàng son
Một thời để nhớ ngày đó xa rồi’
và ‘Vịnh khúc hoài lang’ của tác giả Hoàng Song Việt, viết trích đoạn từ nguyên tác ‘Dạ cổ hoài lang’ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1890-1976), do Hương Lan diễn cùng nghệ sĩ Trọng Phúc.
    Hương Lan đi lễ chùa Nghệ Sĩ và Thắp nhang Tổ nghiệp, không quên đến thăm rạp hát Hưng Đạo cùng mẹ Ngọc Giàu, là “nơi đã đào tạo biết bao nhiêu ca sĩ, nghệ sĩ nổi danh từ tân đến cổ nhạc, là nơi mà Hương Lan được hát với ba Hữu Phước cùng rất nhiều nghệ sĩ gạo cội trong đoàn Thanh Minh Thanh Nga”. Và cũng nơi đây, một trong những thành công của Hương Lan trong bộ môn Cải lương chính là bài ‘Dạ cổ hoài lang’ (nghe tiếng trống đêm nhớ chồng), nay được Hương Lan nhắc đến như một lời tri ân:
   “Quý khán thính giả kinh mến, xin cho Hương Lan dành thời khắc đầu tiên của chương trình đêm nay để tri ân cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ông đã tạo ra những câu vọng cổ đầu tiên cho bộ môn nghệ thuật cải lương nói riêng và góp phần vào sự phát triển hưng thịnh của nền sân khấu Việt Nam nói chung trong suốt một trăm năm qua”.
    Với gia đình và thân phụ là một ký ức đẹp tuyệt vời của Thần đồng bé Hương Lan từ lúc 5 tuổi: “May mắn của Hương Lan được sinh ra trong một gia đình mang dòng máu nghệ thuật. Người đã tạo ra và cho Hương Lan niềm yêu sân khấu đó chính là thân phụ tôi, cố nghệ sĩ Hữu Phước”. Hương Lan cũng không quên tri ân nghệ sĩ Ngọc Giàu như một người Mẹ tôn kính, và quý khán thính giả ái mộ gần xa với bài vọng cổ sau đây:
   “Trước khi bức màn nhung buông xuống, xin cho tôi được nói lời tri ân tha thiết chân thành, ơn của khán giả thân yêu và ơn của thầy mình, một người thầy mái đầu đã nhuộm màu sương tuyết, còn đứa học trò thì tóc đã hoa râm. Nhưng kiếp con tằm thì phải trả nợ dâu xanh, nay gặp lại thêm nhiều kỷ niệm. Để đáp lại ân sâu của khán giả tôi xin đem lời ca tiếng hát chân thành. Đêm hội ngộ này Hương Lan sẽ nhớ mãi không quên, một lần nữa xin tri ân cùng khán giả, lời ca tiếng hát ngọt ngào làm đẹp cho đời và làm đẹp cho quê hương”.
    Nghệ sĩ Ngọc Giàu cũng đáp lại một câu vọng cổ thật xúc động và tình thâm. Tiếng vỗ tay không dứt. Sau cùng, người nghệ sĩ được Hương Lan nhắc đến một cách ưu ái là chú Duy Ngọc. Nay chú tuy không còn nữa, nhưng ca sĩ Hương Lan vẫn nhớ đến với lòng biết ơn sau ca khúc ‘Ai ra xứ Huế hát chung với Quang Lê:
   “Bài Ai ra xứ Huế cũng là bài hát đầu tiên lúc Hương Lan vừa chuyển qua tân nhạc, đó cũng là một bài mà Hương Lan hát rất thành công. Lúc đó mới 10 tuổi thì người ta gọi là bé Hương Lan. Nói đến bài hát đó làm Hương Lan nhớ lại ngày xưa hát bài này ở Đại nhạc hội của nhà tổ chức Duy Ngọc. Một vài câu nói để tưởng nhớ đến chú Duy Ngọc, người có công trong cuộc đời và sự nghiệp của Hương Lan”.
 
LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA VIỆT


    Có ba đề tài thuộc về lịch sử và văn hóa nước nhà đã được xen kẽ trong phần mở đầu và giữa chương trình. Hai chị em Hương Lan và Hương Thanh hóa thân xuất sắc trong tiết mục ca cảnh ‘Trưng Nữ Vương’ đã làm sống dậy lịch sử mấy ngàn năm oai hùng chống ngoại xâm truyền kiếp phương Bắc, từ một đất nước không thiếu những bậc anh hùng hào kiệt (Hai Bà Trưng, Bà Triệu), nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, bảo vệ quê hương cho thế hệ trẻ.
    Tiếp đến là ca khúc ‘Hát từ cội nguồn’ với hình ảnh chiếc Trống Đồng, là vật tượng trưng cho tinh hoa văn hóa cũng như ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước cho đến ngày nay.
    Một tiết mục khác mang đậm nét Văn hóa nước nhà khi chiếc Áo Dài truyền thống cũng được đưa vào chương trình, như muốn nói lên một điều: Văn hóa Việt Nam qua chiếc Áo Dài mà suốt chặng đường gần nửa thế kỷ theo chân người Việt Tỵ nạn đi khắp năm châu đã trở thành Modeshow Áo Dài trong những sự kiện thì nay đã phổ biến, từ quê nhà cũng như ở hải ngoại, được thế giới biết đến với sự thán phục và ngợi khen nét đẹp dịu dàng, thanh lịch và sang trọng của người con gái Việt Nam trong chiếc áo dài muôn màu muôn vẻ. Nhạc nền là bài Áo Dài của Võ Thiện Thanh đã khiến người nghe xúc động:
  ‘Ai đi thật xa cũng nhớ cũng thương áo dài của em Quê hương Việt Nam ta quý ta yêu với tà áo dài Ai đi càng xa càng thương nhiều hơn chiếc áo quê hương Nhớ chiều ba mươi cuối năm áo dài thắp hương em vái tổ tiên ông bà’.
 
NGƯỜI NỔI TIẾNG
 
    Từ năm 1961, báo chí Sài Gòn đã tốn quá nhiều giấy mực với Thần đồng bé Hương Lan được thân phụ ‘bế’ lên sân khấu cùng diễn vở cải lương ‘Thiếu phụ Nam Xương’ lúc mới 5 tuổi. Từ đó đến nay đã 60 năm, tuy có lúc buồn vui, thăng trầm, nhưng tên tuổi Hương Lan vẫn bay xa. Tiếng hát Hương Lan lại ngọt ngào quyến rũ, thích nghi với nhiều dòng nhạc. Từ nhạc quê hương mang âm hưởng dân ca Nam Bộ cho đến nhạc vàng, nhạc bolero thì cho đến nay Hương Lan vẫn là tiếng hát chưa có người thay thế.
    Cũng vào thời xa xưa ấy, được sự gợi ý của nhạc sĩ Trúc Phương với thân phụ, nên Hương Lan đã được chuyển qua tân nhạc lúc 10 tuổi. Nếu bao lâu nay Hương Lan đồng hành với chiếc áo dài muôn thuở trên sân khấu, thì ngày xưa bé Hương Lan với chiếc áo đầm xòe trong những chương trình Đại Nhạc Hội Duy Ngọc tại rạp Quốc Thanh với ‘Ai ra xứ Huế’ và ‘Những đồi hoa sim’..., hát tân cổ giao duyên với bố Hữu Phước thì có ‘Lan và Điệp’...Đây là những thành công khởi đầu nhưng đã in sâu vào lòng khán giả qua nhiều thế hệ, là một hành trình dài mấy mươi năm ca hát thành danh cho tới bây giờ.
 
NHỮNG NGÔI SAO SÁNG
 
    Một lần nữa Hương Lan lại có duyên hội ngộ với những ngôi sao ca nhạc ở quê nhà và hải ngoại trong một liveshow đẳng cấp và để đời. Những người mà tài năng và sự nổi tiếng của họ cũng ảnh hưởng ít nhiều với người ái mộ qua mỗi ca khúc. 
    Ngoài nữ nghệ sĩ danh tiếng gốc Huế Ngọc Giàu, Hương Lan còn có em gái Hương Thanh từ Pháp về cùng những đồng nghiệp từ Hoa Kỳ như Ý Lan và đôi danh hài Chí Tài và Hoài Linh, đảm nhiệm vai trò dẫn chương trình, cũng là người kể chuyện dí dỏm xen lẫn đôi lời ngợi khen có cánh dành cho diễn viên chính trong liveshow. Ngoài ra còn có những tên tuổi được mời tham gia gồm Trọng Phúc, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Linh, Quang Lê, Đức Tuấn, Ngọc Linh, Hà Vân. Tất cả đã cùng với đàn chị Hương Lan đứng chung một sân khấu, là một bức tranh không thể nào đẹp hơn với sự góp mặt của nhiều thế hệ.
    Đến đây chúng ta có thể nhìn thấy được trong suốt chương trình, khi toàn hội trường từ nghệ sĩ trên sân khấu, cho đến những hàng ghế hơn 2.000 người, vào lúc mở màn cho đến khi kết thúc, phần đông khán giả vẫn chưa muốn ra về. Chính họ là những ngôi sao thắp sáng cho sự thành công của đêm nhạc mà Hương Lan luôn quan tâm với lòng biết ơn chân thành. Và trong số trên hai ngàn ngôi sao đó của liveshow, chắc chắn không ai quên công sức của tổ chức Tiếng hát Việt, của đạo diễn Trần Vi Mỹ cùng ekip, của nhạc sĩ Đức Trí và ban nhạc Long Black cùng vũ đoàn ABC & ABC Kids, của những Nhà tài trợ, và của tất cả những ai ở hậu trường, họ là những người không tên tuổi nhưng đóng góp không nhỏ cho đến khi cánh màn nhung khép lại.

NGUYỄN SĨ LONG
Vienna, 29.03.2020

Dienstag, 17. März 2020

CORONAVIRUS IN AUSTRIA

 
 Sebastian Kurz (Thủ Tướng Áo)

     Tôi thường thức dậy mỗi sáng vào lúc 6 giờ, hoặc sớm hơn. Gần hai tháng nay có thói quen theo dõi xem con coronavirus nay đã trôi dạt phương nào nên thường đọc và nghe tin tức bệnh dịch mỗi ngày. Vào giữa tháng trước, khi bà con ngồi nhà ung dung xem tin tức từ Vũ Hán, thì cùng thời điểm ấy tôi đã bỏ lỡ một chuyến bay về Sài Gòn cũng vì dịch bệnh nCoV. Bây giờ nghĩ lại, đó là một quyết định đúng đắn, vì những ngày đầu tháng 3 đến nay, từ Việt Nam cho đến Áo và Âu châu nói chung, dường như nCoV đã tìm được nơi trú ẩn tốt để sản sinh, những con số về người bị nhiễm, cách ly và tử vong được thay đổi từng giờ đến chóng mặt.
    Sáng hôm 15.03 cũng vậy, trang báo điện tử Kurier nhằm ngày chủ nhật sau 8 giờ sáng mới đưa tin, nCoV vẫn tiếp tục tăng ở Âu châu, đặc biệt với người láng giềng Ý thêm 21.157 ca nhiễm, 1441 người tử vong. Áo cũng gây chú ý với 758 ca, số người tử vong là 1 vẫn không thay đổi. Sau 12 giờ trưa cùng ngày tôi mở xem một lần nữa thì bất ngờ số ca nhiễm đã tròn 800. Nhưng lại hết sức ngạc nhiên khi Kurier đưa tin một lần nữa lúc 15 giờ, số ca ở Áo vượt lên 860, tăng 205 ca so với chiều hôm trước là 655 ca, được chia ra: Niderösterreich (111), Wien (122), Steiermark (111), Tirol (254), Oberösterreich (159), Salzburg (39), Burgenland (10), Vorarlberg (48) và Kärnten (6). Phục hồi (6). Tử vong 1 (Wien).
    Nếu tính theo thời gian thì nCoV phải mất hơn một tháng mới cập bến được các nước nhỏ của Âu châu, ngày 25.02 là ca nhiễm đầu tiên của Croatia, Thụy Sĩ và Áo, nâng số quốc gia nhiễm dịch nCoV lên 38 nước. Hai bệnh nhân là cặp vợ chồng người Ý sống ở Áo, cùng 24 tuổi, người vợ làm lễ tân khách sạn ở thành phố Innsbruck, là thủ phủ của bang Tirol. Họ bị nhiễm virus trong một chuyến đi đến vùng Lombardy, phía bắc Ý. Cả hai vợ chồng đều dương tính, nên nhà riêng và khách sạn nơi nữ lễ tân làm việc đã bị phong tỏa, có lực lượng cảnh sát canh gác không ai được phép ra vào. Giới chức có thẩm quyền cũng cho hay là chính phủ Áo đã sẵn sàng ứng phó dịch Covid-19 và kêu gọi dân chúng không có gì phải hoảng sợ.
    Tôi không có một chút nào nghi ngờ về những tuyên bố trên. Rất tin tưởng chính phủ Áo thừa khả năng đối phó bệnh dịch, nên vào ngày thứ bảy 29.02 có Show Văn Nghệ Xuân Canh Tý được Hội Phật tử chùa Pháp Tạng tổ chức ở quận 23, gia đình tôi không có ai vắng mặt. Nếu tôi nhớ không lầm thì hôm đó Áo đã có ca nhiễm thứ 9. Thật vậy, chỉ 9 ca nhiễm toàn nước Áo gần chín triệu dân nhưng đã ảnh hưởng đáng kể đến số người tham dự đêm Văn Nghệ chỉ 1/3, tức là khoảng 500 người.
    Từ ngày 25.02 đến 07 tháng 3 Áo ghi nhận có 66 ca. Hai ngày sau 09.03 số ca nhiễm tăng gấp đôi là 131. Ba ngày sau đó, số người nhiễm tăng gần gấp ba lần là 361 và một người tử vong 69 tuổi ở Wien vào ngày 12.03, thì nước Áo mới giật mình khi nhìn qua người láng giềng Ý có ca nhiễm đầu tiên vào ngày 20.02 (tức chỉ trước Áo 5 ngày) mà nay ca nhiễm bệnh đã lên đến con số 12.462 và 827 ca tử vong.
    Trong mười ngày đầu tiên của tháng 3.2020, Áo phát hiện trên 200 ca nhiễm nên vẫn chưa tác động gì mấy đến sinh hoạt thường nhật của người dân thành phố. Tôi ở Wien 23 tuy hơi xa trung tâm nhưng tuần nào vợ chồng chúng tôi cũng có đôi lần đi chợ ở quận 10, thỉnh thoảng thăm các con ở quận 15 và 16, trên đường về nhà thì ngang qua quận 12. Tất cả chẳng có gì thay đổi như chưa có chuyện gì xảy ra với người dân nước Áo khi coronavirus gần như đã chọc thủng những lâu đài của Âu châu. Dù vậy, gia đình chúng tôi cũng đã chuẩn bị những gì cần thiết cho nhu cầu hàng ngày, đồng thời theo dõi tin tức cũng như được các con cập nhật thông tin của chính phủ hướng dẫn và đối phó dịch coronavirus:
 “Tuần sau là trường học đóng cửa. Nhà nước khuyên cha mẹ không nên gởi con cho Ông bà trông, vì bảo vệ sức khỏe cho người lớn tuổi hiện tại là chuyện quan trọng cần thiết nhất. Tụi con tuần này và chắc tuần sau cũng không ghé nữa để giữ an toàn cho ba mẹ”
    Vì vậy, trước khi áp dụng kế hoạch cách ly của các con, vợ chồng chúng tôi đã dành thời gian vào ngày thứ sáu 13.03 là lần cuối cùng đi mua sắm ở vài siêu thị gần nhà. Đây cũng là lần đầu tiên đôi chân của người trọng tuổi đang bước vào một chiến trường mới không cần vũ khí, vì chỉ cần lương thực thì mới có sức khỏe và sự lạc quan để đẩy lùi coronavirus. Nó như bóng ma vô hình nhưng đã và đang làm thế giới ngả nghiêng. Các siêu thị ở quận 23 hôm đó thật dễ chịu, khi xung quanh chúng tôi những người mua sắm tuy có hơi đông đúc và một chút vội vàng hơn mọi ngày, nhưng ai cũng bình tĩnh và lịch sự.
    Buổi chiều chúng tôi về quận 15 thăm cậu con trai út với một ít đồ dùng và thực phẩm để con có đủ sức cầm cự nCoV trong hai tuần lễ, trước khi đón cô con gái về quận 23, vừa đthực hành cách ly và vừa chăm sóc cha mẹ già.
    Nhìn ra thế giới, WHO ngày 11.03 tuyên bố “Covid-19 là đại dịch toàn cầu”, đang tiếp tục lan rộng và diễn biến phức tạp. Các ca nhiễm mới tập trung vào các điểm nóng như Ý, Iran, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Hoa Kỳ.
    Liên Hiệp Âu Châu hiện có 100.000 dân đang bị phong tỏa, trở thành ổ dịch coronavirus lan rộng ở bốn nước lớn Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Đức. Nhiều nước nhỏ cũng đã đóng biên giới để tránh dịch. Bruxelles quyết định tháo khoán 37 tỉ Euro để giảm bớt tác động của dịch nCoV đến kinh tế các nước thành viên.

 
Ảnh Reuters
 
    Ngày 08.03 Ý là tâm dịch lớn thứ hai sau Trung Quốc, đã phong tỏa cả nước với dân số hơn 60 triệu người để hạn chế dịch bệnh lây lan. Họ phải ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, các hoạt động đông người cũng bị nghiêm cấm. Giới chức y tế cho biết một phần nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong cao là tình trạng dân số già của nước này. Phần lớn các ca tử vong từ 80 tuổi trở lên với bệnh lý nền.
    Pháp là tâm dịch lớn thứ 4 ở Châu Âu đóng cửa tất cả nơi công cộng không thiết yếu đối với cuộc sống từ ngày 15.03 bao gồm quán cà phê, nhà hàng, sàn nhảy, rạp chiếu phim, đồng thời kêu gọi người Pháp hạn chế di chuyển và tránh đi lại giữa các thành phố. Từ 16.03 tất cả trường học từ mẫu giáo đến đại học đều đóng cửa cho đến khi có lệnh mới. Chính phủ Pháp cho biết sẽ giảm tần suất chuyến bay, tàu và xe khách giữa các thành phố từ 25.03. Hệ thống tàu điện ngầm của Paris vẫn hoạt động bình thường. Chuyên chở công cộng được duy trì nhưng người cao tuổi trên 70 được khuyên nên tránh ra đường.
    Ngày 14.03, Tây Ban Nha quyết định phong tỏa toàn quốc với dân số hơn 46 triệu. Người dân bị hạn chế đi lại. Toàn bộ cửa hàng, cửa hiệu không cần thiết (ngoại trừ trạm xăng, hiệu thuốc, siêu thị) tại vùng Madrid, nơi bị tác động nghiêm trọng nhất đã được lệnh đóng cửa. Kể từ chủ nhật 15.03, toàn quốc cách ly trong hai tuần lễ, theo mô hình của Ý.
    Ở Đức, mười một trên 16 vùng sẽ đóng cửa trường học từ thứ hai 16.03, cùng với các biện pháp kiểm soát biên giới với Pháp, Áo, Thụy Sĩ, Luxemburg và Đan Mạch. Lệnh kiểm soát biên giới nhằm hạn chế tối đa số người qua lại, nhưng được miễn trừ cho hàng hóa cùng công dân Đức và những người có giấy phép cư trú.
    Áo thì ngừng mọi chuyến bay đến Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Pháp. Tháo khoán 4 tỉ Euro hỗ trợ các công ty bị tổn hại. Cấm tụ tập từ 5 người trở lên, đóng cửa nhà hàng, quán bar, địa điểm vui chơi, cơ sở phục vụ thể thao và các cửa hàng không thiết yếu. Tất cả trường học đóng cửa từ 16.03. Cấm nhập cảnh đối với người đến từ Anh, Hà Lan, Ukraine và Nga. Chính phủ kêu gọi người dân tự cách ly.
    Trở lại dịch nCoV ngày 16.03 đã có trên 157 quốc gia khiến 169.000 người nhiễm bệnh và 6.500 người tử vong với các ca nhiễm mới tập trung tại tâm dịch Tây Ban Nha, Đức, Pháp, và Ý được xem là nơi nóng nhất vì có chung biên ở phía tây Áo, cách thành phố Salzburg chừng 500 km và cách Wien 800 km. Ý phát hiện thêm 3.590 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm lên 24.747, và 368 ca tử vong, nâng số người tử vong lên 1.809.
    Cùng ngày 16 tháng 3 với Ý; Áo ghi nhận thêm 156 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm nCoV lên 1.016 cho các bang: Niederösterreich (152), Wien (128), Steiermark (139), Tirol (254), Oberösterreich (202), Salzburg (58), Burgenland (10), Vorarlberg (55) và Kärnten (18). Phục hồi (6). Tử vong 3: Wien (2), Steiermark (1).
    Bài viết xin được chấm dứt vào ngày 16.03.2020, là ngày mà nhiều nước trong khối Liên Hiệp Âu Châu đã có những quyết sách quan trọng để hòng chặn đứng đại dịch coronavirus, mà một số đ mục đã được trình bày ở trên. Những hướng dẫn dưới đây của chính phủ Áo cũng rất quan trọng:
  Bắt đầu ngày thứ hai 16.03 sẽ giới hạn tất cả các sinh hoạt nơi công cộng. Không ai được phép rời khỏi nhà ngoại trừ những trường hợp như sau:
-Những công dân phải đi làm
-Mua thực phẩm cần thiết
-Trợ giúp những người cần sự giúp đỡ
-Tản bộ một mình hoặc một người khác đang sống chung (lưu ý: chỉ dành cho những trường hợp có nhu cầu thật sự cần thiết).
Ngoài đường phố sẽ có cảnh sát tuần tra, nếu ai vi phạm những địa điểm cấm có thể bị phạt từ 2.180 đến 3.600 €.
Nếu có những triệu chứng ho sốt…gọi ngay số 1450, không được ra khỏi nhà'.

NGUYỄN SĨ LONG
Vienna, 16.03.2020

Samstag, 7. März 2020

NHỮNG NGÀY XUÂN MUỘN MÀNG


     Chỉ còn vài ngày nữa là đến đêm Văn Nghệ do Hội Phật Tử tại Wien tổ chức hằng năm vào mỗi độ Xuân về, nhưng tin về dịch nCov ở Áo đã làm cho BTC mất ăn mất ngủ, đến nỗi một kịch bản xấu nhất cũng đã được mang ra bàn thảo: nếu tình hình lây lan corona bùng phát nhanh như nước láng giềng Ý thì không có cách nào khác hơn là bỏ cuộc. May mắn là cho đến chiều thứ sáu 28.2, ở Áo chỉ có 9 ca nhiễm nên chương trình văn nghệ vẫn tiến hành, từ đưa đón ca nhạc sĩ, sân khấu cho đến ẩm thực…
    Chiều thứ bảy tôi đến hội trường lúc 16 giờ, ai cũng đoán là sẽ vắng khách nhưng từ bếp, quày hàng cho đến hội trường sân khấu tất cả đều đâu vào đấy sẵn sàng. Những năm trước từ 16 giờ khách ngồi kín bàn, mọi lối ra vào nhộn nhịp, người mua kẻ bán không kịp tay. Vậy mà bây giờ ai cũng buồn vì sự vắng lặng, những hàng ghế trống thênh thang từ bên trong ra ngoài hành lang cho đến quày thực phẩm, phòng ăn mới thấy được những ngày xuân trên quê người đã muộn màng nhưng cũng không được trọn vẹn niềm vui, thay vào đó ít nhiều lo âu về những diễn biến của nạn dịch mà không ai có thể lường trước được.
 
Phần 1: BAN NHẠC WIEN

    18:06 giờ, dù hội trường chưa đông nhưng đạo hữu Lê Tuấn đã thay mặt Sư Bác Hội trưởng Huỳnh Bửu Phan (không tham dự vì bệnh) đọc lời Khai mạc trước khi ca sĩ MC Thanh Tùng mở đầu chương trình với ca khúc ‘Đón xuân này nhớ xuân xưa’ với ban nhạc sống Áo. Guitar: Nguyễn Văn Sáng, Lê Tuấn, David và Tâm. Về trống, năm nay ngoài Thanh Phong chơi Bongo, đặc biệt còn có một vị tu sĩ Linh Mục, đến từ Tu viện Pfarr St. Leopold, Klosterneuburg, đó là cha Dũng, lần đầu tiên giúp vui trên sân khấu của Hội Phật tử Wien. Phần âm thanh anh Tân Hiệp đến từ München. 


    Chương trình được tiếp tục với ca khúc Mùa xuân đang đến (Mỹ Ánh & Thu Hà), Cánh thiệp đầu xuân (Thanh Thảo). Cũng như mọi năm, màn múa lân vui nhộn diễn quanh hội trường và sau đó là Lời Chúc Xuân đã được Thượng Tọa Thích Viên Duy, Trụ trì chùa Pháp Tạng gởi đến khán thính giả.
    Những tiết mục của Ban nhạc Wien được tiếp nối với  Vũ Hương (Câu chuyện đầu năm), Thu Nga & Anh Sáng (Ly cà phê Ban Mê), Anh Nhất (Chuyện giàn thiên lý). Tiếp theo là màn biểu diễn của Trung tâm Võ thuật Taekwondo, là một trường dạy võ cho mọi lứa tuổi từ 3 đến 80 tuổi, có đến hai mươi lăm chi nhánh, được đánh giá là lớn nhất trên toàn nước Áo.


    Bên trong hội trường bây giờ khán giả đông hơn nhiều so với lúc khai mạc, chỉ vài hàng phía sau còn trống. chừng bốn máy quay phim đang hướng về sân khấu, người qua kẻ lại nhộn nhịp là một dấu hiệu đáng mừng. Tiếng hát của Nhung Phạm được cất lên trong bài Áo mới Cà Mau, tiếp theo là Bá Vàng (Mẹ tôi), Mộng Thư (Tình là gì), Trần Huân (Điệp khúc mùa xuân) và cuối cùng là vũ khúc Cô Ba Sài Gòn do Phật tử chùa Pháp Tạng trình diễn.

    Tạm rời hội trường tôi đi về hướng các quày thực phẩm. Quày phở và giải khát có khách, quày trong phòng ăn hoạt động trở lại khi có nhiều người chọn thức ăn. Nhìn phía bên trái bốn dãy bàn đông nhưng vẫn còn chỗ. Nhìn ra cổng chính, bàn lắc bầu cua do anh Hùng và anh Quang làm cái coi bộ ăn nên làm ra, lúc này đồng hồ chỉ 20:08 giờ, khán giả độ chừng 500 người. 
 

    Lúc trở về hội trường tôi thật vui khi thấy các anh các chị phụ trách quày hàng ăn và giải khát đã có nụ cười. Đến chỗ ngồi thì đã qua bài Mùa xuân đó có em do Thúy Nga và Đình Cường trình bày. Trên sân khấu Kỳ Phương và Đình Cường đang song ca liên khúc Đồng xanh và Vết thù trên lưng ngựa hoang. Cuối cùng là bài Gởi về Quan Họ do Hoàng Điệp và Bùi Khanh trình diễn. Đến đây tạm ngưng phần 1 của Ban nhạc Wien để nhường sân khấu cho nhạc sĩ Thành Chung và ca sĩ Triệu Thy Ân đến từ München. Thành Chung mở đầu với ca khúc Tôi đưa em sang sông rồi sau đó cùng ca sĩ Triệu Thy Ân song ca nhạc phẩm Cỏ Úa.

  Thy Ân - Thành Chung

    Theo BTC thì ca sĩ Triệu Thy Ân đến từ München, nên ở Áo thì chắc vẫn còn ít người biết đến. Nhưng ở Sài Gòn thì không xa lạ từ nhiều năm trước, khi Thy Ân quê ở Kiên Giang lên Sài Gòn học nhạc, rồi hát nhạc trẻ ở một vài phòng trà như MTV, Điểm Hẹn…Đến đầu năm 2012, tại phòng trà Sài Gòn M&Tôi, Thy Ân đã ra mắt Album đầu tay mang tên ‘Nếm trái cấm’ gồm 7 ca khúc, đánh dấu một chặng đường ca hát của cô. Ngoài một số ca khúc trong Album ‘Nếm trái cấm‘ trên Youtube, thì ở Đức, Thy Ân cũng có tham gia một số sinh hoạt như trong ‘Đêm Nguyện Cầu’ 04.11.2017 Heroldsberg, Nürnberg; Văn nghệ Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019 – chùa Tâm Giác Kirchseeon, Mūnchen
    Đến Wien lần này, ngoài bài Cỏ úa song ca với Thành Chung, Thy Ân tiếp nối với ca khúc Con đường xưa em đi và Xin thời gian qua mau trước khi Thanh Tùng và Tiến Thành song ca Xuân này con về mẹ ở đâu? Tiếp theo là Thúy An & Trần Huân (Cảm ơn) và Lệ Thu (Hãy cho tôi) ca khúc Như hoa mùa xuân do Chân Như trình bày cũng là tiết mục cuối cùng của Ban nhạc Wien.




Phần 2: BAN NHẠC BERLIN

    Được biết anh Kỳ Phương như là gạch nối cho mối duyên văn nghệ của hai Ban nhạc Berlin (được thành lập năm 1980 tại Đức) và Wien, trong đêm Văn nghệ Xuân Canh Tý 2020. Trong chuyến lưu diễn lần này, ngoài nhóm Berlin sang Áo với những ca nhạc sĩ và MC hùng hậu gồm 12 thành viên anh Lâm là trưởng ban, còn có Hoàng đến từ Frankfurt.


    Rất tiếc là BTC cũng không có danh sách từng tiết mục nên người viết bài này chắc sẽ không tránh được thiếu sót khi ghi lại những ca khúc được Ban nhạc Berlin trình bày bắt đầu với anh Khương Đạt (Câu chuyện đầu năm), Khánh Nhung (Bài tango cho em & Nếu em được lựa chọn), Hoàng Hà (Triệu đóa hồng), Hoàng Hà & Kỳ Phương (Hiu hắt đời nhau). Kiều Tuyết là người ca sĩ cuối cùng nhường sân khấu cho Ban xổ số Tombola, một tiết mục được xem là hấp dẫn được mọi người sốt sắng chờ đợi, đồng hồ lúc đó là 23:45 giờ. 

  
    Khi chiếc bàn trên sân khấu đã chuẩn bị xong cho tiết mục cuối cùng, cũng là lúc các giải trúng được công bố gồm: ngoài khoảng 15 giải an ủi, còn có giải nhì 500 Euro tiền mặt và giải nhất: 1 iPhone 11 Pro.
    Tất cả giải trúng đều có người nhận trong tiếng reo vui tràn ngập hội trường, thì mới thấy những ngày xuân cho dù có muộn màng, hay nCov đang lấp ló đâu đó ở thành Wien, thì trong trò chơi may rủi niệm danh từ thiện lần này, vẫn có người may mắn và hạnh phúc đầu năm.
 
TRẰM SEN
07.03.2020

CHÙM ẢNH ĐÊM VĂN NGHỆ WIEN 29.02.2020