Chỉ còn vài ngày nữa là đến đêm Văn Nghệ do Hội Phật Tử tại Wien tổ chức hằng năm vào mỗi độ Xuân về, nhưng tin về dịch nCov ở
Áo đã làm cho BTC mất ăn mất ngủ, đến nỗi một kịch bản xấu nhất cũng đã được
mang ra bàn thảo: nếu tình hình lây lan corona bùng
phát nhanh như nước láng giềng Ý thì không có cách nào khác hơn là bỏ
cuộc. May mắn là cho đến chiều thứ sáu
28.2, ở Áo chỉ có 9 ca nhiễm nên chương trình văn nghệ vẫn tiến
hành, từ đưa đón ca nhạc sĩ, sân khấu cho đến ẩm thực…
Chiều
thứ bảy tôi đến hội trường lúc 16 giờ, ai cũng đoán là sẽ vắng
khách nhưng từ bếp, quày hàng cho đến hội trường sân khấu tất cả đều đâu vào đấy
sẵn sàng. Những năm trước từ 16 giờ khách ngồi kín bàn, mọi lối ra vào nhộn nhịp, người
mua kẻ bán không kịp tay. Vậy mà bây giờ ai cũng buồn vì sự vắng lặng, những
hàng ghế trống thênh thang từ bên trong ra ngoài hành lang cho đến quày thực phẩm, phòng ăn mới thấy được
những ngày xuân trên quê người đã muộn màng nhưng cũng không được trọn vẹn niềm vui, thay vào đó ít nhiều
lo âu về những diễn biến của nạn dịch mà không ai có thể lường trước được.
Phần 1: BAN NHẠC WIEN
18:06 giờ, dù hội trường chưa đông
nhưng đạo hữu Lê Tuấn đã thay mặt Sư
Bác Hội trưởng Huỳnh Bửu Phan (không tham dự vì bệnh) đọc lời Khai mạc trước
khi ca sĩ MC Thanh Tùng mở đầu chương trình với ca khúc ‘Đón xuân này nhớ xuân
xưa’ với ban nhạc sống Áo.
Guitar: Nguyễn Văn Sáng, Lê Tuấn, David và Tâm. Về
trống, năm nay ngoài Thanh Phong chơi Bongo, đặc biệt còn có một vị tu sĩ Linh Mục, đến từ Tu viện Pfarr St. Leopold, Klosterneuburg, đó là
cha Dũng, lần đầu tiên giúp vui trên sân khấu của Hội Phật tử Wien. Phần âm
thanh anh Tân Hiệp đến từ München.
Chương trình được tiếp tục với ca khúc Mùa xuân đang đến (Mỹ Ánh & Thu Hà), Cánh thiệp đầu xuân (Thanh Thảo).
Cũng như mọi năm, màn múa lân vui nhộn diễn quanh hội trường và sau đó là Lời Chúc Xuân đã được Thượng Tọa Thích Viên Duy, Trụ trì chùa Pháp Tạng
gởi đến khán thính giả.
Những tiết mục của Ban nhạc Wien được tiếp nối với Vũ Hương (Câu chuyện đầu năm), Thu Nga & Anh
Sáng (Ly cà phê Ban Mê), Anh Nhất (Chuyện giàn thiên lý). Tiếp theo là màn biểu diễn của Trung tâm Võ
thuật Taekwondo, là một trường dạy võ cho mọi lứa tuổi từ
3 đến 80 tuổi, có đến hai mươi lăm chi nhánh, được đánh giá là lớn
nhất trên toàn nước Áo.
Bên
trong hội trường bây giờ khán giả đông
hơn nhiều so với lúc
khai mạc,
chỉ vài hàng phía sau còn trống. Có chừng bốn máy quay phim đang hướng về sân khấu, người
qua kẻ lại nhộn nhịp là một dấu hiệu đáng mừng. Tiếng hát của Nhung Phạm được cất
lên trong bài Áo mới Cà Mau, tiếp theo là Bá Vàng (Mẹ tôi), Mộng Thư (Tình là
gì), Trần Huân (Điệp khúc mùa xuân) và cuối cùng là vũ khúc Cô
Ba Sài Gòn do Phật tử chùa Pháp
Tạng trình diễn.
Tạm rời hội trường tôi đi về hướng các quày thực phẩm.
Quày phở và giải khát có khách, quày trong phòng ăn hoạt động trở lại khi có nhiều người chọn
thức ăn. Nhìn phía bên
trái bốn dãy bàn đông nhưng vẫn còn chỗ. Nhìn ra cổng chính, bàn lắc
bầu cua do anh Hùng và anh Quang làm
cái coi bộ ăn nên làm ra, lúc này đồng
hồ chỉ 20:08 giờ,
khán giả độ chừng 500 người.
Lúc trở về hội trường tôi thật vui khi thấy các anh các chị
phụ trách quày hàng ăn và giải khát đã có nụ cười. Đến chỗ ngồi thì đã qua bài Mùa xuân đó có em
do Thúy Nga và Đình Cường trình bày. Trên sân khấu Kỳ Phương và Đình Cường đang
song ca liên khúc Đồng xanh và Vết thù trên lưng ngựa hoang. Cuối cùng là bài Gởi
về Quan Họ do Hoàng Điệp và Bùi Khanh trình diễn. Đến đây tạm ngưng phần 1 của Ban nhạc Wien để nhường sân khấu cho nhạc sĩ Thành
Chung và ca sĩ Triệu Thy Ân đến từ München. Thành Chung mở đầu với ca khúc Tôi đưa em sang
sông rồi sau đó cùng ca sĩ Triệu
Thy Ân song ca nhạc phẩm Cỏ Úa.
Thy Ân - Thành Chung
Theo BTC thì
ca sĩ Triệu Thy Ân đến từ München, nên ở Áo thì chắc vẫn còn ít người biết đến. Nhưng ở Sài Gòn thì không xa lạ
từ nhiều năm trước, khi Thy Ân quê ở Kiên Giang lên Sài Gòn học nhạc, rồi hát nhạc
trẻ ở một vài phòng trà như MTV, Điểm Hẹn…Đến đầu năm 2012, tại phòng trà Sài
Gòn M&Tôi, Thy Ân đã ra mắt Album đầu tay mang tên ‘Nếm trái cấm’ gồm
7 ca khúc, đánh dấu một chặng đường ca hát của cô. Ngoài một số ca khúc trong
Album ‘Nếm trái cấm‘ trên Youtube,
thì ở Đức, Thy Ân cũng
có tham gia một số sinh hoạt như trong ‘Đêm Nguyện
Cầu’ 04.11.2017 Heroldsberg,
Nürnberg; Văn
nghệ Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019 – chùa Tâm Giác Kirchseeon, Mūnchen…
Đến Wien lần này, ngoài bài Cỏ úa song ca với Thành
Chung, Thy Ân tiếp nối với ca khúc Con đường xưa em đi và Xin thời gian qua mau trước khi Thanh
Tùng và Tiến Thành song ca Xuân này con về mẹ ở đâu? Tiếp
theo là Thúy An & Trần Huân (Cảm ơn) và Lệ Thu (Hãy cho tôi)
và ca khúc Như hoa mùa xuân do Chân Như trình bày cũng là tiết mục cuối cùng của
Ban nhạc Wien.
Phần 2: BAN NHẠC BERLIN
Được biết anh Kỳ Phương như là gạch nối cho mối duyên văn
nghệ của hai Ban nhạc Berlin (được thành lập năm 1980 tại Đức) và Wien, trong đêm Văn nghệ Xuân Canh Tý 2020. Trong chuyến lưu diễn lần này, ngoài nhóm Berlin
sang Áo với những ca nhạc sĩ và MC hùng hậu gồm 12 thành viên và anh Lâm là trưởng ban, còn có Hoàng Hà đến từ Frankfurt.
Rất tiếc là BTC cũng không có danh
sách từng tiết mục nên người viết bài này chắc sẽ không tránh được thiếu sót khi
ghi lại những ca khúc được Ban nhạc Berlin trình bày bắt đầu với anh Khương Đạt
(Câu chuyện đầu năm), Khánh Nhung (Bài tango cho em & Nếu em được lựa chọn),
Hoàng Hà (Triệu đóa hồng), Hoàng Hà & Kỳ Phương (Hiu hắt đời nhau). Và Kiều
Tuyết là người ca sĩ cuối cùng nhường sân khấu cho Ban xổ số Tombola, một tiết
mục được xem là hấp dẫn được mọi người sốt sắng chờ đợi, đồng hồ lúc đó là
23:45 giờ.
Khi
chiếc bàn trên sân khấu đã chuẩn
bị xong cho tiết mục cuối cùng, cũng là lúc các giải trúng được công bố gồm: ngoài
khoảng 15 giải an ủi, còn có
giải nhì 500 Euro tiền mặt và giải nhất: 1 iPhone 11 Pro.
Tất cả giải trúng đều có người nhận trong tiếng reo vui tràn ngập hội trường,
thì mới thấy những ngày xuân cho dù có muộn màng, hay nCov đang
lấp ló đâu đó ở thành Wien, thì trong trò chơi may rủi niệm
danh từ thiện lần này, vẫn có người
may mắn và hạnh phúc đầu năm.
TRẰM SEN
07.03.2020
CHÙM ẢNH ĐÊM VĂN NGHỆ WIEN 29.02.2020
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen