Montag, 30. März 2020

HƯƠNG LAN - MỘT ĐỜI SÂN KHẤU


     Cuối năm 2019, buổi ra mắt DVD Hương Lan - Một Đời Sân Khấu đánh dấu 57 năm cuộc đời nghệ thuật dành cho Quý thân hữu, Quý ân nhân và Quý đồng nghiệp của ca sĩ Hương Lan, đã được tổ chức vào ngày thứ sáu, 15.11.2019, tại Phòng trà Queen Bee & Hạt Ngò Bistro, 10752 Westminster Ave, Garden Grove, CA 92844. Có sự hiện diện và trình diễn của nhiều ca nhạc sĩ tên tuổi: Phương Hồng Quế, Băng Châu, Trang Thanh Lan, Ngọc Thúy, Lilian, Thủy Tiên, Châu Ngọc Hà, Ngọc Ngữ, Ngọc Linh, Quốc Anh, Mai Thanh Thúy, Trọng Nghĩa, Tuấn Đạt, MC Trần Quốc Bảo, UNISON Band...
    Được biết thêm là một tháng trước đó vào tối ngày 07.10.2019, DVD Một Đời Sân Khấu cũng đã được ra mắt báo giới vào ngày 07.10.2019 tại Sài Gòn, cũng là nơi mà ca sĩ Hương Lan chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức liveshow với tên gọi Hương Lan – Một Đời Sân Khấu, vào ngày 02.06.2018, chỉ một xuất duy nhất ở rạp hát Hòa Bình có hơn 2.000 chỗ ngồi. Rất tiếc là không thể nào thỏa mãn nhu cầu của khán giả, vì người ái mộ ca sĩ Hương Lan thì không thể đếm bằng những con số.
    Chính vì lý do đó mà Hương Lan phải gấp rút thực hiện cho việc in ấn DVD nhưng phải mất hơn một năm mới giải được cơn khát của người ái mộ đã thương mến tiếng hát Hương Lan mấy chục năm nay từ trong và ngoài nước.
    DVD Một Đời Sân Khấu chia làm hai phần: Cải lương và Tân nhạc. Trong một cuộc phỏng vấn, Hương Lan cho biết: ‘Hương Lan nghĩ việc đầu tiên là nói về nguồn gốc của cuộc đời mình thì phải nói về cải lương, vì sắp kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương của ông Cao Văn Lầu. Cái đó là mình phải làm, và tiết mục đầu tiên là cải lương, phải nói cái gốc của mình trước’..
    Phần cải lương đã được nữ nghệ sĩ lão thành Ngọc Giàu làm cố vấn. Hương Lan đã mất một năm với nhiều tâm huyết để biên tập và xây dựng kịch bản thật chu đáo. Cô tâm sự: “hát nhiều...nhưng chọn bài hay mới là khó”. Dù vậy phần bố cục cũng đã được sắp xếp vừa chi tiết vừa có hậu ý gồm: 2 vọng cổ, 28 ca khúc. Tổng cộng 30 bài hát, mà trong mỗi một tiết mục là một bất ngờ, đã được khán giả ủng hộ bằng những tràng pháo tay vang dội chính là nội dung mà người biên tập muốn gởi gắm:
                                
ƠN CHA NGHĨA THẦY
 
    Hương Lan chưa một lần gặp nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhưng luôn nhớ đến ông như người đã góp công cải tiến bộ môn Cải lương qua hai bài mở đầu: ‘Bạc Liêu hoài cổ’ của tác giả Thanh Sơn, khổ đầu với bốn câu:
Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu
Như sống lại hồn Cao Văn Lầu
Về Bạc Liêu danh tiếng ôn lại giấc ngủ vàng son
Một thời để nhớ ngày đó xa rồi’
và ‘Vịnh khúc hoài lang’ của tác giả Hoàng Song Việt, viết trích đoạn từ nguyên tác ‘Dạ cổ hoài lang’ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1890-1976), do Hương Lan diễn cùng nghệ sĩ Trọng Phúc.
    Hương Lan đi lễ chùa Nghệ Sĩ và Thắp nhang Tổ nghiệp, không quên đến thăm rạp hát Hưng Đạo cùng mẹ Ngọc Giàu, là “nơi đã đào tạo biết bao nhiêu ca sĩ, nghệ sĩ nổi danh từ tân đến cổ nhạc, là nơi mà Hương Lan được hát với ba Hữu Phước cùng rất nhiều nghệ sĩ gạo cội trong đoàn Thanh Minh Thanh Nga”. Và cũng nơi đây, một trong những thành công của Hương Lan trong bộ môn Cải lương chính là bài ‘Dạ cổ hoài lang’ (nghe tiếng trống đêm nhớ chồng), nay được Hương Lan nhắc đến như một lời tri ân:
   “Quý khán thính giả kinh mến, xin cho Hương Lan dành thời khắc đầu tiên của chương trình đêm nay để tri ân cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ông đã tạo ra những câu vọng cổ đầu tiên cho bộ môn nghệ thuật cải lương nói riêng và góp phần vào sự phát triển hưng thịnh của nền sân khấu Việt Nam nói chung trong suốt một trăm năm qua”.
    Với gia đình và thân phụ là một ký ức đẹp tuyệt vời của Thần đồng bé Hương Lan từ lúc 5 tuổi: “May mắn của Hương Lan được sinh ra trong một gia đình mang dòng máu nghệ thuật. Người đã tạo ra và cho Hương Lan niềm yêu sân khấu đó chính là thân phụ tôi, cố nghệ sĩ Hữu Phước”. Hương Lan cũng không quên tri ân nghệ sĩ Ngọc Giàu như một người Mẹ tôn kính, và quý khán thính giả ái mộ gần xa với bài vọng cổ sau đây:
   “Trước khi bức màn nhung buông xuống, xin cho tôi được nói lời tri ân tha thiết chân thành, ơn của khán giả thân yêu và ơn của thầy mình, một người thầy mái đầu đã nhuộm màu sương tuyết, còn đứa học trò thì tóc đã hoa râm. Nhưng kiếp con tằm thì phải trả nợ dâu xanh, nay gặp lại thêm nhiều kỷ niệm. Để đáp lại ân sâu của khán giả tôi xin đem lời ca tiếng hát chân thành. Đêm hội ngộ này Hương Lan sẽ nhớ mãi không quên, một lần nữa xin tri ân cùng khán giả, lời ca tiếng hát ngọt ngào làm đẹp cho đời và làm đẹp cho quê hương”.
    Nghệ sĩ Ngọc Giàu cũng đáp lại một câu vọng cổ thật xúc động và tình thâm. Tiếng vỗ tay không dứt. Sau cùng, người nghệ sĩ được Hương Lan nhắc đến một cách ưu ái là chú Duy Ngọc. Nay chú tuy không còn nữa, nhưng ca sĩ Hương Lan vẫn nhớ đến với lòng biết ơn sau ca khúc ‘Ai ra xứ Huế hát chung với Quang Lê:
   “Bài Ai ra xứ Huế cũng là bài hát đầu tiên lúc Hương Lan vừa chuyển qua tân nhạc, đó cũng là một bài mà Hương Lan hát rất thành công. Lúc đó mới 10 tuổi thì người ta gọi là bé Hương Lan. Nói đến bài hát đó làm Hương Lan nhớ lại ngày xưa hát bài này ở Đại nhạc hội của nhà tổ chức Duy Ngọc. Một vài câu nói để tưởng nhớ đến chú Duy Ngọc, người có công trong cuộc đời và sự nghiệp của Hương Lan”.
 
LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA VIỆT


    Có ba đề tài thuộc về lịch sử và văn hóa nước nhà đã được xen kẽ trong phần mở đầu và giữa chương trình. Hai chị em Hương Lan và Hương Thanh hóa thân xuất sắc trong tiết mục ca cảnh ‘Trưng Nữ Vương’ đã làm sống dậy lịch sử mấy ngàn năm oai hùng chống ngoại xâm truyền kiếp phương Bắc, từ một đất nước không thiếu những bậc anh hùng hào kiệt (Hai Bà Trưng, Bà Triệu), nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, bảo vệ quê hương cho thế hệ trẻ.
    Tiếp đến là ca khúc ‘Hát từ cội nguồn’ với hình ảnh chiếc Trống Đồng, là vật tượng trưng cho tinh hoa văn hóa cũng như ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước cho đến ngày nay.
    Một tiết mục khác mang đậm nét Văn hóa nước nhà khi chiếc Áo Dài truyền thống cũng được đưa vào chương trình, như muốn nói lên một điều: Văn hóa Việt Nam qua chiếc Áo Dài mà suốt chặng đường gần nửa thế kỷ theo chân người Việt Tỵ nạn đi khắp năm châu đã trở thành Modeshow Áo Dài trong những sự kiện thì nay đã phổ biến, từ quê nhà cũng như ở hải ngoại, được thế giới biết đến với sự thán phục và ngợi khen nét đẹp dịu dàng, thanh lịch và sang trọng của người con gái Việt Nam trong chiếc áo dài muôn màu muôn vẻ. Nhạc nền là bài Áo Dài của Võ Thiện Thanh đã khiến người nghe xúc động:
  ‘Ai đi thật xa cũng nhớ cũng thương áo dài của em Quê hương Việt Nam ta quý ta yêu với tà áo dài Ai đi càng xa càng thương nhiều hơn chiếc áo quê hương Nhớ chiều ba mươi cuối năm áo dài thắp hương em vái tổ tiên ông bà’.
 
NGƯỜI NỔI TIẾNG
 
    Từ năm 1961, báo chí Sài Gòn đã tốn quá nhiều giấy mực với Thần đồng bé Hương Lan được thân phụ ‘bế’ lên sân khấu cùng diễn vở cải lương ‘Thiếu phụ Nam Xương’ lúc mới 5 tuổi. Từ đó đến nay đã 60 năm, tuy có lúc buồn vui, thăng trầm, nhưng tên tuổi Hương Lan vẫn bay xa. Tiếng hát Hương Lan lại ngọt ngào quyến rũ, thích nghi với nhiều dòng nhạc. Từ nhạc quê hương mang âm hưởng dân ca Nam Bộ cho đến nhạc vàng, nhạc bolero thì cho đến nay Hương Lan vẫn là tiếng hát chưa có người thay thế.
    Cũng vào thời xa xưa ấy, được sự gợi ý của nhạc sĩ Trúc Phương với thân phụ, nên Hương Lan đã được chuyển qua tân nhạc lúc 10 tuổi. Nếu bao lâu nay Hương Lan đồng hành với chiếc áo dài muôn thuở trên sân khấu, thì ngày xưa bé Hương Lan với chiếc áo đầm xòe trong những chương trình Đại Nhạc Hội Duy Ngọc tại rạp Quốc Thanh với ‘Ai ra xứ Huế’ và ‘Những đồi hoa sim’..., hát tân cổ giao duyên với bố Hữu Phước thì có ‘Lan và Điệp’...Đây là những thành công khởi đầu nhưng đã in sâu vào lòng khán giả qua nhiều thế hệ, là một hành trình dài mấy mươi năm ca hát thành danh cho tới bây giờ.
 
NHỮNG NGÔI SAO SÁNG
 
    Một lần nữa Hương Lan lại có duyên hội ngộ với những ngôi sao ca nhạc ở quê nhà và hải ngoại trong một liveshow đẳng cấp và để đời. Những người mà tài năng và sự nổi tiếng của họ cũng ảnh hưởng ít nhiều với người ái mộ qua mỗi ca khúc. 
    Ngoài nữ nghệ sĩ danh tiếng gốc Huế Ngọc Giàu, Hương Lan còn có em gái Hương Thanh từ Pháp về cùng những đồng nghiệp từ Hoa Kỳ như Ý Lan và đôi danh hài Chí Tài và Hoài Linh, đảm nhiệm vai trò dẫn chương trình, cũng là người kể chuyện dí dỏm xen lẫn đôi lời ngợi khen có cánh dành cho diễn viên chính trong liveshow. Ngoài ra còn có những tên tuổi được mời tham gia gồm Trọng Phúc, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Linh, Quang Lê, Đức Tuấn, Ngọc Linh, Hà Vân. Tất cả đã cùng với đàn chị Hương Lan đứng chung một sân khấu, là một bức tranh không thể nào đẹp hơn với sự góp mặt của nhiều thế hệ.
    Đến đây chúng ta có thể nhìn thấy được trong suốt chương trình, khi toàn hội trường từ nghệ sĩ trên sân khấu, cho đến những hàng ghế hơn 2.000 người, vào lúc mở màn cho đến khi kết thúc, phần đông khán giả vẫn chưa muốn ra về. Chính họ là những ngôi sao thắp sáng cho sự thành công của đêm nhạc mà Hương Lan luôn quan tâm với lòng biết ơn chân thành. Và trong số trên hai ngàn ngôi sao đó của liveshow, chắc chắn không ai quên công sức của tổ chức Tiếng hát Việt, của đạo diễn Trần Vi Mỹ cùng ekip, của nhạc sĩ Đức Trí và ban nhạc Long Black cùng vũ đoàn ABC & ABC Kids, của những Nhà tài trợ, và của tất cả những ai ở hậu trường, họ là những người không tên tuổi nhưng đóng góp không nhỏ cho đến khi cánh màn nhung khép lại.

NGUYỄN SĨ LONG
Vienna, 29.03.2020

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen