Sonntag, 31. Dezember 2017

DẠ VŨ GIÁNG SINH 2017

   
    Khoảng 19:00 giờ tối ngày 26.12.2017 tôi đã có mặt ở đường Perfektastrasse, cách hội trường văn nghệ chỉ vài phút đi bộ. Hình như có sự vắng vẻ bất thường ít khi thấy của một đêm ca nhạc được chờ đợi từ lâu làm tôi lo lắng, chẳng lẽ mọi dự đoán tích cực đã không xảy ra?
    Và đúng như vậy, tôi cũng có chút ngạc nhiên khi đã vào trong hội trường cả tiếng đồng hồ nghe Ban tổ chức mời khán giả nhiều lần ổn định chỗ ngồi cho đến khi chương trình được Như Quỳnh khai mạc lúc 20 giờ với bài Lâu Đài Tình Ái thì 5 hàng ghế trống cuối hội trường vẫn còn chờ khách như lần trước. Đây là lần thứ hai đi nghe Như Quỳnh cách đây chừng mười năm trước ở thành phố München. Như Quỳnh là một tên tuổi quá quen thuộc trên 20 năm nay từ lúc cộng tác với Trung tâm Asia, được xem như là thời khởi nghiệp chỉ hai năm nhưng danh tiếng như chuyến tàu tốc hành để sau đó bước lên sân khấu Trung tâm Thúy Nga vào năm 1996 như ngôi sao màn bạc Hollywood. Hôm nay gặp lại tiếng hát ngày xưa ấy, nếu có chút gì đó về phong cách trình diễn như thiếu đi nét dịu dàng của cô gái Huế thì tôi có thể dễ dàng chấp nhận được vì hôm đó dù mệt và mất ngủ mấy đêm liền nhưng Như Quỳnh vẫn hát hết mình để phục vụ khán giả ‘dễ thương và dễ chịu’ của nước Áo với Ngày Buồn, Duyên Phận, Sài Gòn Đẹp Lắm, LK Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi & Và Tôi Cũng Yêu Em, Cho Vừa Lòng Em và hát chung với Trường Vũ bài Không Giờ Rồi, trước khi rời sân khấu.
    Sau khi trình bày tiếp hai bài Xót Xa và Hận Đồ Bàn, Trường Vũ giới thiệu Túy Ca như là một ca khúc làm nên tên tuổi mình. Trường Vũ có giọng nói hiền lành và tiếng hát khoan thai thật thà, đôi lúc như đứt quãng đã làm mềm lòng biết bao nhiêu người hâm mộ. Với Túy Ca, để cho đúng nội dung bài hát, Trường Vũ đã uống một ly bia nhỏ từ tay khán giả trước khi trình diễn cũng là bài cuối của anh để nhường sân khấu cho MC Xuân Hiếu. 


    MC Xuân Hiếu:  -Cách đây ba hôm khi mà đoàn diễn của chúng tôi đến Hòa Lan và sau đó là hai đêm 24 và 25 ở Đức, chị Như Quỳnh có nói là anh Trường Vũ hát bài Nghèo nhưng đeo kim cương không hà, nên hôm đó nhiều ca sĩ đã nói với  anh Vũ là Giáng Sinh đến rồi, thì anh nên tặng quà cho mọi người đi. Anh Trường Vũ  nói rằng 24 và 25 em nào thích đồ hiệu gì thì anh sẽ tặng, nhưng mà anh khôn lắm vì  tới hai ngày đó tất cả các trung tâm thương mại đều đóng cửa hết. Qua tới Áo hôm 26, mọi người nhắc lại thì anh nói chỉ tặng hai ngày 24 và 25 thôi, giờ anh không tặng nữa. Nay kể lại chút câu chuyện vui vì đoàn chúng tôi đi từ ngày 20 cho đến hôm nay là đến gần hết cuộc hành trình nên rất mệt, trong những chuyến đi có những sự đùa vui như vậy để giúp cho anh chị em nghệ sĩ thoải mái. Rồi đến bất cứ một nơi diễn nào đó, khi biểu diễn trên sân khấu, đứng trên này mà thấy bên dưới cảm nhận  được sự  yêu thương của khán giả dành cho anh chị em nghệ sĩ cũng như những tràng vỗ tay đó là hạnh phúc rất lớn đối với chúng tôi. Xin được chân thành cảm ơn những tình cảm của quý vị rất nhiều, và ngay bây giờ Xuân Hiếu xin được mời quý vị, chúng ta sẽ được gặp gỡ cũng như sẽ cùng thưởng thức tiếng hát của ca sĩ đến từ Trung tâm Thúy Nga, một tràng pháo tay để chúng ta chào đón nữ ca sĩ Kỳ Phương Uyên. 
    Kỳ Phương Uyên vẫy tay chào: - Hello tất cả mọi người! Hello Wien, how are you? Kỳ Phương Uyên có ba là người Huế và mẹ là người Hải Phòng, cô rất ngưỡng mộ hai nhạc sĩ Trịnh công Sơn & Lam Phương và từng học bốn năm khoa thanh nhạc tại nhạc viện Sài Gòn, đoạt giải nhì tiếng hát Truyền hình năm 2006, Uyên cho rằng: ‘khi hát thì nội dung và giai điệu rất quan trọng vì nó giúp mình chuyển tải được cảm xúc đến với người nghe sâu sắc hơn, nên Uyên tập rất kỹ những bài hát của mình và nâng niu ca từ lẫn giai điệu’. Uyên gia nhập Thúy Nga từ năm 2010 và đây là lần thứ hai trở lại Áo trong một năm nên hình như có vẻ tự tin và thân thiết hơn qua giọng nói rất trong trẻo, nụ cười sảng khoái và mạnh mẽ khi Uyên hô hào khán giả cùng nâng ly, nghe có vẻ như tương phản với vóc dáng mong manh dễ nhìn đã chinh phục khán giả trong ca khúc Dancing All Night, Lại Gần Bên Em...


    Kỳ Phương Uyên nhường sân khấu lại cho ca sĩ Dương Hồng Loan đến từ Việt nam, sinh năm 1980 quê ở Đồng Tháp. Từ năm 2002 Dương Hồng Loan đi hát cho những hàng quán nhỏ rồi đến năm 2007 mới chính thức bước lên sân khấu chuyên nghiệp với dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca được rất nhiều khán giả yêu mến cùng với nhiều chuyến lưu diễn phương xa, mà trong lần này Dương Hồng Loan đã đứng chung sân khấu với nhiều nghệ sĩ tên tuổi hải ngoại như chúng ta đã thấy. Kỷ niệm cho chuyến đi này ngoài những tình cảm ấm áp, chắc Dương Hồng Loan sẽ nhớ đến về những ‘nhầm lẫn đáng yêu’ của khán giả về điểm giống nhau giữa cô và MC Xuân Hiếu, được mọi người chú ý và ngợi khen trong dịp lưu diễn ở Âu châu lần này. Dương Hồng Loan hát bốn bài: Mùa Noël Năm Ấy, Câu Chuyện Đầu Năm, Chiều Nay Không Có Em và cuối cùng là Vùng Lá Me Bay, là ca khúc được nhiều người ở Wien chọn làm bài ruột. 
    Người ca sĩ được mong chờ nhiều nhất có lẽ là Tuấn Anh, anh không còn trẻ nhưng chắc chắn vẫn còn chỗ đứng trong một thời gian nữa vì giọng hát vẫn còn rất hay, ăn nói lưu loát, chọc cười khéo léo, và cũng là người ‘giao lưu’ lâu nhất trong chương trình qua nhiều đề tài, mang đến những tiếng cười thoải mái cho khán giả xen lẫn những ca khúc I’d love you to want me, Anh Còn Nợ Em, Trái Tim Ngục Tù, Chiếc Áo Bà Ba, Lời tỏ Tình Trong Đêm và bài cuối cùng khiến cả hội trường xúc động theo người hát, khi Tuấn Anh trình bày ca khúc nổi tiếng Anh Là Ai của Việt Khang trong tiếng nấc ngậm ngùi đến khóc khi kết thúc bài hát. 

 
    Dương Triệu Vũ với dáng dấp trẻ trung tiếp nối chương trình bốn ca khúc: Sáu Mươi Năm Cuộc Đời, Trả Nợ Tình Xa, Mười Năm Tình Cũ và Xa Em Kỷ Niệm. Sau nhiều năm đi hát trong cũng như ngoài nước nên Vũ đã có nhiều tiến bộ khi thổ lộ tâm tình dường như đã mạnh mẽ hơn, mạnh nhưng vẫn sợ khán giả chưa tin nên phải thề: ‘Mỗi khi có lũ lụt hay xây nhà tình thương Vũ đều giúp rất nhiều tiền. Vũ thề với quý vị là tất cả số tiền nhận được tại Áo Vũ sẽ không giữ một đồng. Hôm nay là ngày Giáng Sinh, Giáng Sinh là ngày của sự biết ơn của sự cho đi, Vũ nghĩ lúc cho đi là hạnh phúc nhất. Chút xíu nữa đây Vũ sẽ gởi mỗi bàn 4 CD, mọi người cho nhiêu tiền cũng được, không cho cũng không sao, và toàn bộ số tiền Vũ sẽ làm từ thiện hết. Vũ mà giữ một đồng, Vũ sẽ chết tại chỗ!’ và Vũ đã làm như lời hứa. Quang Minh và Hồng Đào tiếp tục chương trình khi Dương Triệu Vũ rời sân khấu lúc 0:16 giờ. 


    Quang Minh ra trước vẫy tay chào khán giả:
-Hello! Hello! Thôi thì cảm ơn quý vị, đúng là tiếng đồn không sai, nghệ sĩ nói khán giả ở Áo là một trong những khán giả dễ thương nhất thế giới, xin một tràng pháo tay cho chính quý vị. Quang Minh mở đầu câu chuyện khi hỏi thăm kinh tế ở Áo nay lên hay xuống, rồi chuyển qua các đề tài tiếu lâm như mua nhà ở Mỹ, cho đến chuyện về Việt Nam làm hướng dẫn viên du lịch, dịch vụ nhổ tóc bạc, dịch vụ đón Việt Kiều Tân Sơn Nhất…Hài của Quang Minh & Hồng Đào vui và dễ cười phản ảnh phần nào mảng đời thực của xã hội bấy giờ nên chỉ nghe chơi thôi chứ đọc thì hơi khó, được kết thúc vào lúc 0:50 giờ, cũng là giờ giải lao trong chốc lát trước khi tiếp tục phần 2, xổ số trúng thưởng iPhone 8 áp dụng cho tất cả hạng mục vé.
    Trước khi rời sân khấu, Hồng Đào đã cám ơn một khán giả đã tặng QM & HĐ 200 Euro, cô nói số tiền này sẽ được sung vào quỹ từ thiện. 


    Chừng 1 giờ khuya chúng tôi đến chào bà Ngoại cùng mọi người để ra về. Ngoại năm nay 88 tuổi, là mẹ chị Lan đang ngồi cùng bàn với anh chị Hai, anh chị Bắc và chị Khiếm. Sau đó là hàng ghế của Hương Thịnh, gần bên là anh chị Phương từ Tirol lên, anh chị Hiếu và Khải & Mai Châu từ Salzburg. Nhớ hồi chiều mới vào trước quày vé đã gặp Kim Phượng và gia đình các em từ Linz: Ánh, Thu Lộc, Vàng Dung, lần này có thêm Hiển Trọng và gặp Sĩ Nô vào cuối giờ. Với bà con Wien thì có một đôi vợ chồng rất thân tình từ ba mươi năm qua và đến nay vẫn thường liên lạc, đó là chú Vũ văn Hùng và cô Quế, cô Phương, cô Rơi, anh Có & Quyên, cháu Trí và cũng là lần đầu tiên được biết chồng chị Khiếm. Ở quày ẩm thực còn có Dung, anh Hoàng và gia đình Hội Nhà Bờm. Ngoài ra còn nhóm Ngũ Sắc thì Vũ & Lan Anh đang ở Houston nên chỉ có ba gia đình: Thành Quỳnh, Huy Thúy An, Nô Như Kiều Nam cùng những người bạn thân của họ mà hai tuần trước có mặt trong Đêm Đông là Cúc và Hương Alland. 

    
    Trong một lần khoảng giữa chương trình, khi tôi đi ngang qua những dãy bàn cuối hội trường thì bất ngờ được Thành và Quỳnh nắm tay kéo vào bàn để Quỳnh chụp hình với một người mà khi ngồi xuống băng ghế mới biết là Trường Vũ, với Thúy An bên cạnh và một người sau lưng tôi không biết tên. Ngày hôm sau tôi nhận được tấm hình đó, nay nhắc lại để cám ơn Thành Quỳnh cùng tất cả quý vị như là chút kỷ niệm trong đêm Đại Nhạc Hội Dạ Vũ Giáng Sinh 2017 tại Wien.

NGUYỄN SĨ LONG
31.12.2017

Sonntag, 24. Dezember 2017

PHỐ ĐI BỘ


Hohensalzburg nhìn từ Vườn hoa Mirabell

    Nhà tôi ở khu Lehen, cách trung tâm Salzburg chừng 1 km. Ai cũng nghĩ gần thành phố thì ngựa xe nhộn nhịp ồn ào hoặc phố xá đông người qua lại dạo chơi hay mua sắm. Đã hơn 20 năm qua không phải như vậy, mỗi sáng cuối tuần thức dậy, nhìn ra cửa sổ thỉnh thoảng một vài chiếc xe chạy ngang, hiếm khi mới thấy người đi bộ, yên tĩnh như một góc thị trấn nào đó ở miền quê không xa kinh kỳ là mấy.
    Salzburg cách thủ đô Wien 300 km về phía tây với 150.000 dân, là một thành phố du lịch nên rất nhiều du khách đến thăm viếng và chiêm ngưỡng nét cổ kính có lịch sử lâu đời cùng những địa danh như Festung Hohensalzburg, Schloss Mirabell, Schloss Hellbrunn, Kloster Nonnberg, Salzburger Dom, Festspielhaus…và Mozarts Geburtshaus là nơi mà nhạc sĩ Wolfgang Amadeus Mozart chào đời năm 1756 nằm trên đường Getreidegasse, là một con đường nhỏ chỉ dành cho người đi bộ ở phố cổ (Altstadt) tấp nập du khách thập phương. Ở một địa điểm khác không xa Getreidegasse, Christkinderlmarkt ở Residenzplatz mỗi năm mở một lần vào mùa đông trong dịp lễ Giáng sinh mà chúng ta sẽ viếng thăm lần này.
    Trước khi viếng khu chợ Christkinderlmarkt gần nhà thờ Dom, chúng ta hãy bắt đầu từ Lehen theo hướng bờ sông Salzach, vừa đi vừa ngắm lâu đài Hohensalzburg trên núi, rồi chỉ cần 15 phút là đến Haus der Nature. Từ đây đi thẳng 200 mét nữa là đến nhà thờ St. Blasius, ở nơi này chúng ta có thể thấy tiệm cà phê Carpe Diem nằm đối diện ở ngã ba đường Getreidegasse và Bürgerspitalplatz. Getreidegasse nổi tiếng không phải vì nhiều dinh thự đồ sộ hay đường rộng như những khu phố đi bộ Kärntner Strasse hay Mariahilfer Strasse ở Wien, mà được biết đến nơi thiên tài âm nhạc Mozart chào đời ở phố nhỏ nhưng rất đông người bốn mùa qua lại thăm viếng và mua sắm. Dọc hai bên đường là những căn nhà nhiều tầng nằm sát nhau với cả trăm thương hiệu, có nhiều nhà hàng Âu Á và thức ăn nhanh trên đường đi hay trong những con hẻm nhỏ quanh co nối liền Griessgasse và Universitätplatz, hoặc quán cà phê trên những tầng lầu với không gian có phần chật hẹp hơn, hay những đoàn người xuôi ngược đôi khi phải đụng vai nhau, lách qua nhường lại để đi cho hết cuối đường. Đó chính là đặc điểm của Getreidegasse mà ai đã đến một lần thì khó quên. 
 
 
Getreidegasse nhìn từ Rathausplatz

    Chúng ta hãy bắt đầu từ cà phê Carpe Diem để thả bộ  ngược đường Getreidegasse. Đối diện Carpe Diem là tiệm nữ trang Juwelen Haasmann bên cạnh Kedma. Vừa qua khỏi Hotel Blaue Gans, con đường tăng thêm phần lôi cuốn với các thương hiệu quen thuộc như Salamander, Stassny, Geox, Tommy Hilfiger, Red Bull World, Jack Wolfskin, Swarovski, Douglas, Zara, Longchamp, Rolex, Mango, H&M, và Trang phục truyền thống Trachten Wenger cùng vô số tiệm lớn nhỏ xen lẫn trên đường đi với Café Getreidegasse, Café Mozart…nhà hàng Á Đông Japan Restaurant Nagano và China Restaurant Yuen nằm trong một con hẻm nhỏ phía sau lưng McDonald’s. Kế đến là Restaurant s’Herzl, Indien  Restaurant và  Nordsee nằm sát bên Mozarts Geburtshaus, Getreidegasse 9.
    Mozarts Geburtshaus là căn phố 5 tầng lầu được sơn màu vàng, đối diện bên kia đường là Hagenauerplatz. Nhờ có quảng trường này tuy không rộng cho lắm nhưng vào mùa hè khi du khách đến quá đông, chật đường qua lại nên họ thường đứng ở đây để nhìn lên tòa nhà, chụp hình, quay phim; trong khi một số khác lên lầu để được hướng dẫn xem một số vật dụng thời xưa mà đến nay vẫn còn được trưng bày trong ba tầng lầu như bàn làm việc, giường ngủ, tranh vẽ, tài liệu, trang phục, nhạc cụ...Tôi có đến thăm một lần lâu rồi nên bây giờ không nhớ hết những chi tiết, nhưng hồi đó có ghi lại 4 câu thơ:
Nhà ông Mozart hiển linh
Năm châu đỗ lại chụp hình dạo thăm
Từ nơi chăn chiếu ông nằm
Còn vương tiếng nhạc xa xăm gọi hồn.
(Góp Nhặt Ở Salzburg - NSL)


    Rời Mozarts Geburtshaus chừng 100 mét là đến Rathausplatz, hướng mắt nhìn ra bên ngoài sẽ thấy cầu Staatsbrücke bắc ngang sông Salzach,  qua khỏi cầu đi thẳng sẽ gặp đường Linzergasse, là con phố đi bộ thứ hai của Salzburg; khu vực này có nhiều Hotel, Shop, hàng quán nhưng không bằng Getreidegasse nên chúng ta sẽ tiếp tục đi qua Kranzlmarkt để đến Alter Markt. Từ Alter Markt chúng ta hãy ghé qua cà phê Tomaselli, đây là một điểm hẹn rất được ưa thích vào mùa hè, trước khi viếng thăm Christkinderlmarkt ở Residenzplatz chỉ vài bước chân.
    Christkinderlmarkt là một phiên chợ mỗi năm một lần thường được khai trương sau giữa tháng 11 và kết thúc vào chiều ngày 26 tháng 12. Năm nay chợ đón khách vào ngày 23.11 và ngày đóng cửa thì vẫn không thay đổi. Khu chợ lấy quảng trường Residenzplatz để dựng sạp theo hình tròn, phía Residenzgalerie cũng có một dãy nối tiếp đến trước nhà thờ Dom. Có đủ loại hàng được bày bán trông rất đẹp như quày đồ trang sức dây chuyền, vòng đeo tay, nhẫn; quày hàng thủy tinh, kế đến là hàng nhồi bông: ông già Noël, người và vật; đèn trang trí cây thông, hình ngôi sao hay những trái tim làm bằng vải có dây treo, xâu chuỗi, nhiều loại hang đá làm bằng gỗ cưa, tranh vẽ, các loại thiệp Giáng sinh, thiệp sinh nhật, Postcard và cả hàng trăm loại hàng nhỏ được sắp xếp trên những khay đủ màu sắc nhưng không biết tên gọi là gì và cũng chẳng hiểu được dùng vào việc chi ? 


    Sau khi đi một vòng ‘xem cho biết’, khu chợ khiến khách phải nhớ đến là sự lựa chọn ẩm thực và giải khát qua các quày hàng Café, Cappuccino hay Bosna, Frankfurter, Hot Dog, Schnitzelsemmerl, Brezen và chắn chắn là không thể thiếu các loại bia rượu như Stiegl, một đặc sản của Salzburg hoặc nhẹ hơn là Orangepunsch hay Beerenpunsch với Ofenkartoffeln...là đủ ấm áp chuyện trò và ấm lòng trong đêm đông trước khi tạm biệt chợ Giáng Sinh ra về như là một chút gì để nhớ chuyến thăm Phố đi bộ Getreidegasse và Christkinderlmarkt 2017 ở Salzburg.
    Năm nay ở Salzburg ấm hơn mọi khi, cả tuần trước Giáng Sinh trung bình từ 1 đến 4 độ, mưa ít và tuyết cũng không muốn ghé thăm vì sợ phiền lòng bà con đang bận rộn chuẩn bị cho mùa lễ. Riêng nhóm G7 Salzburg, từ sau Vu Lan vào tháng 9.2017 cho đến nay vẫn còn ‘nghỉ đông’ vì lịch họp mặt đã dời đến giữa tháng 2.2018 để mỗi gia đình có rộng rãi thời gian vui chơi cuối năm cũng như chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán vào ngày 16.02 (nhằm 01 tháng giêng năm Mậu Tuất) và Chương trình Văn nghệ Xuân ngày 24.02.2018 của Hội Phật Giáo tại Wien.
    Đêm Noël rồi cũng đến để thỏa lòng chờ mong tròn một năm của mọi người. Nhân dịp này gởi lời chúc đến bạn đọc, Nhóm G7 Salzburg, Nhóm Ngũ Sắc Wien cùng bạn hữu xa gần một Đêm Giáng Sinh Hạnh Phúc và An Lành.

NGUYỄN SĨ LONG
24.12.2017

Samstag, 23. Dezember 2017

MẸ HIỀN



Ở bên nhà tôi còn người mẹ
Tóc bạc thân gầy áo mỏng che 
Đôi mắt đã chảy bao nhiêu lệ
Từ buổi tôi đi giữa nắng hè.

Mẹ ở bên đó con bên này
Thư viết ngàn trang mấy năm nay
Tấm hình mẹ gởi con còn giữ
Mỗi lúc nhìn mắt thấy cay cay.

Con mẹ một đàn như ong vỡ
Nên chẳng khi nào thấy mẹ vui
Mấy mươi năm sóng đời xô đẩy
Nỗi niềm riêng mẹ vẫn chưa nguôi.

Thương mẹ, con thương, thương thật nhiều
Tháng ngày góp lại những chiêm bao
Thì như con vẫn rất gần mẹ
Cho dẫu ngăn cách ở xứ nào.

Ở bên nhà tôi còn người mẹ
Như bóng hàng cây để chở che
Cơn mưa trút xuống đời lưu lạc
Còn mẹ thân yêu để nhớ về.

NGUYỄN SĨ LONG
20.07.1994

Montag, 18. Dezember 2017

CHÁU NGOẠI

Wien, 6.2006  
    Cách đây vài năm, lúc còn nghe rõ mỗi khi tôi gọi về thăm, mẹ thường chấm dứt câu chuyện bằng vài lời gần như thường lệ xưa thiệt là xưa nhưng không khi mô đề mốt: ‘rứa bé Như có thêm đứa mô khôn(g) con? – à còn bé Ty nữa, răng lâu rồi nội khôn(g) nghe chi hết?’ Tôi nghĩ trong bụng: mạ ơi là mạ, mạ quá thiệt thà, bên ni vợ chồng con trai của mạ ở cách Wien chỉ 300 cây số mà còn không nghe thì mạ xa cả ngàn dặm răng mà nghe được! 
   Thiệt tình mà nói thì hai cô con gái nhà tôi lì không chịu nổi. Bà ngoại đã rất nhiều lần xuống nước năn nỉ ỷ ôi, nào là sanh đi con vì ngoại sắp về hưu rồi để ngoại nuôi cho, nào là chỉ một đứa con thì buồn lắm, chừng 18 tuổi nó cuốn gói theo bạn gái thì cản ngăn cũng không kịp...Còn bé Ty thì hay né khi đoán mẹ sẽ trở lại đề tài này nên thường đánh trống lảng qua chuyện khác. Cuối cùng thì có một vẫn còn hơn không, nên cho đến nay Ân Lai đã 11 tuổi vẫn là đứa cháu ngoại duy nhất, là tâm điểm chú ý và thương yêu của cả gia đình. Sau ngày Ân Lai chào đời vào tháng 6.2006, dì Ty nhanh chóng mở một sổ tiết kiệm, có người đoán là khi 18 tuổi, Ân Lai có thể mua được chiếc xe (không biết là xe đạp hay Mẹt xê đì). Bà ngoại thì hết quà đến cáp, hết áo đến quần, hết đồ chơi rồi đến đồ thiệt. Riêng ông ngoại thì phải chờ đến năm 2009 khi chuyển đổi công việc, cứ mỗi chiều đi làm về, ông ngoại mở bóp lấy 1 Euro bỏ vô trong hộp  kín cho cháu. Mỗi năm chờ đến tháng 12, ông bà ngoại thường ‘mời’ cháu về Salzburg chơi và khui ‘con heo’, nhìn cháu đếm tiền lẻ cả nhà ai cũng sốt ruột, nếu thiếu thì ông ngoại sẽ bù cho đủ ba trăm, cháu chỉ vui trong giây lát rồi đưa cho mẹ Như và sau đó quên luôn cho đến năm sau. Ân Lai rất ngoan, chăm học và lễ phép, mê đọc sách, ít nói, điềm đạm và cũng mê iPad như các đứa trẻ khác, được dì Ty cưng vô cùng, cậu Alain cũng rất thương cháu. Thỉnh thoảng lên Wien thăm, cháu thường chơi đàn cho ông bà ngoại nghe, nhưng lần này cũng là lần đầu tiên đại gia đình hai bên nội ngoại được làm khán giả để nghe Ân Lai cùng bạn học trình diễn Klavier (Piano) và hát dưới sự hướng dẫn của thầy Mag. Gerasim Mangurov lúc 18:00 ngày 09.12.2017 ở Kunstraum der Ringstrassen Galerien.


    Hội trường có sức chứa khoảng 50 người, chúng tôi đến lúc 17:50 giờ chỉ còn 2 dãy ghế trống sau cùng, rồi sau đó gia đình cô Trâm, vợ con các chú Bé và Xi của Ân Lai đến đông đủ, chỉ thiếu bà Nội và cô Trang. Stefan đã đến trước cùng với bố con anh Nô và Hương Giang. Vui hơn nữa là gặp lại Robert, cùng Vũ & Lan Anh và hai cháu mà mới đêm hôm qua chúng tôi đều là những người cùng đốt lửa Đêm Đông cho đến 2 giờ sáng.


    Ân Lai là  người  mở  đầu  chương trình  với   bài   Sonatina   in  C Dur - Op. 36, No. 1 (Clementi) và Wilde Reiter (R. Schumann). Tiếp theo là cô bé Selina Stochita nhỏ hơn Ân Lai vài tuổi với Freude schöner Götterfunken (Beethoven) và Kleiner Mozart. Khán giả đã có dịp cười vui với 2 nghệ sĩ tý hon này. 


    Chương trình được tiếp nối với 12 tiết mục được các diễn viên lớn tuổi trình diễn cho đến 19 giờ, rồi sau đó là chụp vài tấm hình lưu niệm. Thầy Gerasim Mangurov mời quan khách dùng bữa ăn nhẹ do Frau Le chiêu đãi ngay kế bên hội trường. Rất đông khách tham dự đến quày Buffet rồi thong thả chuyện trò cho đến chừng 19:30 thì kết thúc. Riêng bà con hai họ Lê & Nguyễn nán lại chốc lát để thăm hỏi nhau rồi chia tay.  

        
    Theo dự tính thì chúng tôi sẽ đi ngắm phố đêm nhưng vì gió lớn và quá lạnh nên phái đoàn đã đi bộ đến Restaurant Sài Gòn gần đó, rồi phải trở ra vì không đủ chỗ ngồi nên đã chia hai nhóm: Alain, Hương Giang đi với chị Ty và Stefan, còn nhóm già lên xe 7 chỗ về nhà anh Vũ vì còn một nồi phở đang chờ. Vậy là thêm một lần nữa được thưởng thức tài nghệ của Lan Anh qua hương vị phở quê nhà, một món ăn mà ba đời nhà họ Lê ai cũng like, và ông ngoại Ân Lai cũng vậy.
    Chúc Vũ & Lan Anh cùng Khánh My & Khánh Vy đón một mùa Giáng Sinh và Năm Mới 2018 ở Houston với Đại gia đình, Sức khỏe và Hạnh phúc.

NSL, 18.12.2017       

Freitag, 15. Dezember 2017

ĐÊM ĐÔNG


    
    Khoảng một năm trở lại đây, khi ngôi chùa Pháp Tạng ở Seybelgasse được đưa vào sinh hoạt, thì quận 23 có thêm nhiều địa chỉ để thăm viếng như lần này đến nhà Vũ & Lan Anh nằm trên đường Liesinger Flur Gasse đã trở nên quen thuộc, không những cho thân hữu ở Wien mà còn có một vài gia đình ở Linz và Salzburg, đã nhiều lần được mời tham dự những sự kiện lớn nhờ địa điểm tổ chức có sân rộng, xa khu dân cư nên rất thuận tiện cho những buổi Party, hoặc tiệc sinh nhật cho hàng chục người lớn nhỏ chơi đùa ca hát mà không sợ làm phiền đến xóm giềng. Được biết Vũ và Lan Anh có 2 cháu gái, một cháu sinh vào mùa hè tháng 6 và một cháu sinh vào tháng 12. Do đó từ ba năm nay, Vũ & Lan Anh cùng nhóm Ngũ Sắc và thân hữu ở Wien & Linz thường chung tay tổ chức mỗi năm 2 lần: Mùa hè vào tháng 6, Kinderfest dành cho trẻ em thuộc nhiều lứa tuổi, sân có trang bị Luftburg để có thêm nhiều trò chơi mới hấp dẫn hơn. Khi mùa đông tới thì sẽ chọn một ngày thuận tiện cho mọi người trong tuần đầu tiên của tháng 12 dương lịch. Vì trời lạnh không thích hợp cho giới cao niên, nên khách mời cũng có phần giới hạn, và dù tuyết rơi hay mưa gió thì bếp lửa vẫn được đốt lên trước sân nhà để mọi người cùng ngồi bên nhau, ôm đàn ca hát giữa Đêm Đông như vào chiều tối ngày 08.12.2017 mà vợ chồng chúng tôi đã được mời tham dự. Thật là ý nghĩa, đây cũng là dịp họp mặt để bạn bè hàn huyên tâm sự, đàn hát tạm quên những ngày bận rộn, căng thẳng của đời sống thường nhật khi thời gian đang khép lại để đón chào lễ Giáng Sinh và một Năm Mới 2018 sắp đến. 
 

    17:30 giờ trời tạnh và tối hẳn, chảo lửa như trái cầu lớn được cắt đôi, đường kính chừng 1 mét cháy sáng khắp một góc sân gần nhà bếp có mái che, đã có các cháu trong gia đình Ngũ Sắc và Hương Chu cùng hai vị khách trẻ lần đầu gặp đó là Hòa và Thịnh, từ Linz có các anh em Vàng Dung và Thu Lộc. Chúng tôi vừa chọn chiếc bàn gần bếp thì cũng vừa lúc Kim Phượng, Hương (Thịnh) và Quỳnh đến, rồi cùng thưởng thức món cháo lòng nóng hổi được các cô chú ở Linz mang lên, thật là ngon miệng và ấm lòng khi đêm lạnh chỉ vừa mới bắt đầu. Một lát sau đó vòng tròn quanh bếp lửa được nới rộng thêm để chào đón Robert cùng 2 con và những người bạn mới được giới thiệu là hai Thầy đến từ Chủng viện Heiligenkreuz, các cô Cúc, Hương Alland và Hương Mỹ, qua đó mới biết anh Mỹ là con dì Tư, người mà tôi rất thương kính từ khi quen biết Dì trong sinh hoạt Phật sự. Chúng tôi vừa chuyện trò vừa nhìn Vũ châm thêm củi, nướng Maroni và khoai lang, có khoảng 15 cháu nhỏ vừa tham gia hát vừa nghịch lửa nên không khí thật vui nhộn và ấm cúng, trong đó có bài Jingle Bells rất sôi nổi qua tiếng đàn của anh Nô và tiếng vỗ tay của mọi người. 


    Trời về đêm lạnh dần nên chừng sau 20:30 giờ các cháu rút lên nhà và đến 22 giờ thì chỉ còn một cậu bé được anh Nô đệm đàn nên đã hát luôn mấy bài tiếng Việt, cháu phát âm rất chuẩn và rất tự nhiên trước khán giả đang chăm chú lắng nghe. Cậu bé đó là Jerry Lâm, 8 tuổi, con của Huy & Thúy An. Jerry không những hát giỏi tiếng Việt mà còn nhớ nhiều bài, điều đó chứng tỏ là ở nhà mẹ thường hát thì con hát theo. Vậy thì cũng không có gì ngạc nhiên khi An có nhiều người đánh giá là một giọng ca mang âm điệu miền Tây đang lên của nhóm Ngũ Sắc mà tôi cũng đã được nghe. Bên cạnh đó còn hai người bạn của Vũ là Ivo và Christian, luôn giữ bếp nóng với các món nướng được mang ra mời khách rất nhiệt tình.
    Khoảng 23 giờ mọi người thu dọn sân bãi rồi lên lầu, một số người về nhà vì có con dại hay nhà xa. Ở phòng khách rộng 70 mét vuông, các cháu vừa nhận quà xong; có cháu chơi đùa, xem phim hay ngủ trên Sofa. Rồi đến lượt người lớn cũng được Ban tổ chức phát số để nhận quà. Khoảng gần 40 người vui cười thoải mái khi một gói quà được mở chỉ thích hợp cho quý bà, thì một ông nhận được! Đến lượt tôi nhận một hộp quà khá đẹp, khi mở ra là một chiếc áo ngủ màu trắng, hai dây! Rất nhiều trường hợp như vậy nên ai cũng chờ đến phiên mình trong niềm vui chung. Cũng nhờ có 26 phiếu phát ra thì mới ‘điểm danh’ được số người  tham dự: Nhóm Ngũ Sắc có 4 gia đình: Vũ Lan Anh 4 người, Thành Quỳnh & con cháu 9, Huy An 3 và Nô Như 3. Từ Linz có 4 thân hữu Vàng Dung & Lộc Thu và hai Thầy Vương & Châu. Wien có Kim Phượng, đặc biệt có 4 cô cùng tên Hương là: Hương Chu, được Lan Anh giới thiệu như nhà chụp ảnh để ‘cúng Facebook’ trước khi nhập tiệc. Hương Thịnh 4. Hương Alland và Hương Mỹ. Thanh Hòa 3. Vợ chồng Cúc. Robert 3. Vợ chồng Nga Ny. Hai bạn của Vũ từ Sofia sang và Christian 3. Cô Mai (TX). Salzburg 2. Tất cả 51 người. Trong số 51 người thì có hai vị khách thật đặc biệt là chồng của Hương (Alland) và Cúc. Hai người bạn Tây ngồi yên không nói một lời, không thấy cười một tiếng, không dùng bữa và hay hơn hết là không cằn nhằn khi vợ vui chơi với bạn bè đến 2 giờ sáng! Thật là dễ chịu.
    Dàn nhạc Karaoke Vũ đã chuẩn bị sẵn sàng và được cô Mai (TX) mở màn và nhiều ca sĩ đang lên hát đến 2 giờ sáng. Khi mọi người ra về gần hết thì hai anh Vàng và Nô kết thúc chương trình Đốt Lửa Đêm Đông với một bản nhạc mùi và rất mùi trước khi chia tay.
    Tựa bài viết này do Lan Anh đặt. Rất tiếc là mưa và đêm tối nên một số hình ảnh được chọn lọc quá ít ỏi. Chúng tôi không quên cám ơn gia chủ và BTC đã mang đến cho mọi người một đêm thật vui, ấm cúng và thân tình.

NSL, 15.12.2017     

Sonntag, 10. Dezember 2017

SÀI GÒN, THUỞ GIAO THỜI


    Phái đoàn Tu sĩ Phật giáo và Đoàn Công tác Cứu trợ Nạn nhân Chiến cuộc An Lợi từ Long Thành về đô thành chỉ ba hôm trước khi Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30.04.1975 sau những ngày di tản...buồn. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa quên vào buổi trưa hôm ấy từ trên sân thượng của tòa nhà 380A Công Lý nhìn về phía chùa Vĩnh Nghiêm, từng đoàn người dân có, lính có, lại có nhóm kéo lê báng súng đi về hướng Sài Gòn. Đó là những giờ khắc lịch sử mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận niềm vui vỡ òa hay nỗi buồn tức tưởi. Dù vậy, những tổ chức thiện nguyện vẫn tiếp tục công việc của họ là phải theo dõi tình hình để bảo vệ sinh mạng của đồng bào bất chấp những hiểm nguy vẫn còn đâu đó trong buổi giao thời. Đây là lý do mà tôi đã được phái đi vào ngày 2 tháng 5 để cập nhật tình hình trong các trại tạm cư ngoại vi Sài Gòn khi chiến sự đã dần lắng dịu. Ngày 6 tháng 5, đoàn công tác An Lợi mang phẩm vật về Long Thành phân phối cho khoảng 5000 đồng bào, đây cũng là lần sau cùng chúng tôi về thăm trại, nơi mà từ đầu tháng 4.1975 một nhóm 10 sinh viên trường Đại học Vạn Hạnh đã có mặt để phân phối thực phẩm cho đến khi đồng bào người trước kẻ sau lần lượt trở về quê quán khi không còn tiếng súng.
    Đến giữa tháng 6 chúng tôi về Nông trại Thanh Văn để bốc thăm và nhận lô đất canh tác trước khi tổ chức chuẩn bị giải tán. Lần về tiếp theo tôi rủ thêm ba người bạn học là Tú, Chứng và Thắng về trại làm nông dân thử thời vận. Sau năm ngày vừa thuê mướn và bạn bè cùng làm, kết quả đã xong được 39 vồng gồm khoai lang, sắn và đậu phụng, đậu xanh. Sau đó chúng tôi tạm quên những ngày mệt mỏi rã rời, thì mới hiểu thế nào lao động là vinh quang, để về Sài Gòn thu xếp vật dụng cá nhân dọn qua đường Kỳ Đồng, tạm thời ở với Thắng khi Văn phòng của Trường TNPSXH sẽ đóng cửa vào cuối tháng 7.1975. Rồi giữa tháng 9.1975, tôi mua được căn nhà chung vách với nhà người bạn ở khu Tân Việt, trong con đường hẻm đối diện với trại Hoàng Hoa Thám gần ngã tư Bảy Hiền. Căn nhà mua với giá 100.000 đồng, cũng may là khi chưa đổi tiền, có bề ngang chừng 3,6m x 7m, trên gác lửng có cửa sổ, nhờ vậy mà nhà được thoáng mát trong những ngày hè nắng nóng. Hồi ấy, khi mua nhà tôi không hề biết mắc hay rẻ, nhưng với tôi thì thấy vừa túi tiền và nhất là đã đến lúc phải có một căn nhà để bắt đầu cho cuộc sống mới thật sự không hề dễ dàng khi mình không có nghề nghiệp cũng như không có nơi nương tựa trong một xã hội được xem như hoàn toàn mới mẻ.
    Với xóm giềng thì trước lạ sau quen. Đây là khu của người Bắc Công Giáo, từ đầu đến cuối hẻm chỉ có hai gia đình là người Trung rất được xóm giềng cảm mến. Lớp trẻ thì có Hải, mở phòng vẽ trong xóm và một người mà sau này thân thiết như anh em tên là Tâm, hơn tôi chừng bảy tám tuổi, sống với nghề làm khung hình tại nhà nhưng rất đông khách, hát hay, đàn giỏi và phong cách rất nghệ sĩ với mái tóc muối tiêu bềnh bồng nên thường được anh em gọi một biệt danh thân mật là Tâm Đầu Bạc. Trong thời gian này tôi chưa có công ăn việc làm, nên sau khi mua sắm giường, tủ và một ít vật dụng trong nhà tạm đầy đủ, những lúc rảnh rỗi sang nhà Hải để học vẽ chân dung, một đôi khi về Sài Gòn rồi ghé thăm quán cà phê đối diện Văn phòng mà thời gian trước đây khi đang còn làm việc, có những sáng ngồi với thầy Thọ và Văn Hồng, hay đôi lúc với bạn bè hoặc tán gẫu với hai chị em chủ quán người Huế và cháu gái chừng 13 tuổi là chỗ quen biết từ lâu. Ba cô cháu trời cho dáng dấp đều thon thả thanh tú nên được bọn chúng tôi đặt tên là Ba Xương Quán. Thỉnh thoảng cũng có khi đi ngang trường Vạn Hạnh trước chợ Trương Minh Giảng, ngôi trường mới chưa kịp quen thầy quen bạn và thi cử thì nay đã cửa khóa then cài, im vắng buồn thiu, thầy và bạn mỗi người một nơi như bầy chim chưa kịp hợp đàn thì đã tan tác trong cơn bão tố. Ngoài ra tôi vẫn lên xuống nông trại để chăm sóc, nhổ cỏ bón đất cho hoa màu, nhưng hoa thì chẳng thấy mà màu thì từ khoai cho đến sắn đều nắng cháy da khô và bị sùng hư gần hết. Đến ngày thu hoạch tính ra cả vốn lẫn lời không đủ tiền xe lên xuống nên bạn bè thấy nghề cày sâu cuốc bẫm cực nhọc nhưng không có tương lai nên từ từ không ai thiết tha nữa. Tôi cũng vậy, thấy sức mình chắc cũng không kham nổi nên muốn tặng lại miếng đất mà cũng không có ai nhận nên đành lặng lẽ ra đi không hẹn ngày trở về để kiếm đường làm ăn khác ở Sài Gòn, nơi mà tôi có được căn nhà thì đã là điều đáng mừng. Nghề làm nông xem như đã đặt dấu chấm hết.
    Sau ngày đổi tiền 22.09.1975 vài tháng (tôi chỉ đổi được 150.000 đồng tiền cũ để nhận 300 đồng tiền mới), cuộc sống xung quanh hình như có ít nhiều biến chuyển khi có tin cư dân Sài Gòn ở một vài nơi có những gia đình thuộc diện phải đi vùng Kinh Tế Mới. Trong khi đó thì vật giá leo thang, đời sống ngày càng khó khăn hơn và đã thấy không ít gia đình thanh lọc những đồ đạc trong nhà không cần dùng nữa đem ra bán. Khi trong những khu chợ trời mới mọc hay ở tư gia đã có những người mua bán đồ gia dụng từ áo quần cũ, chén bát kiểu, tủ bàn ghế, máy móc, radio, tivi cho đến xe hơi, nhà cửa, thuốc tây...thì trong giới làm ăn thế hệ mới, đủ mọi thành phần ngoài xã hội lại được nhiều người biết đến nhờ đã đặt ra những từ ‘chạy mánh’ và ‘trúng mánh’ như là nét đặc trưng của xã hội thời bấy giờ.
    Tôi trở lại Sài Gòn giữa tháng 2.1976 cũng bằng đường bộ sau hai tuần về Huế ăn Tết. Những ngày đông lạnh và mưa dầm khiến mùa xuân Cố Đô quê mình thêm buồn như thiếu vắng nụ cười khi đời sống đang bên bờ ảm đạm. Cả gia đình cùng những hộ được chia đất canh tác thuộc khu vực gần sân bay nội thành nay là hợp tác xã trồng rau cải là thu nhập chính mà cũng không đủ ăn. Với tôi dù việc học đã bị gián đoạn và cũng chưa có một công việc nào chắc chắn ở Sài Gòn, nhưng ba mẹ vẫn để tôi tự do chọn nơi sinh sống và cũng không có lời can ngăn nào khi thưa với song thân là tôi có ý định tìm cách ra nước ngoài một khi thuận lợi. Thật ra thì ý định ra đi này được một sinh viên gốc Huế đang học ở Sài gòn, với sự hậu thuẫn của gia đình làm nghề biển đứng ra tổ chức, tập hợp nhân tài lực, phương tiện và chọn địa điểm xuất phát là một ngôi làng ven biển gần cửa Thuận An cách thành phố Huế 15 km, dự trù sẽ ra khơi vào mùa hè 1976 nếu tất cả mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch. Tôi lại về Huế vào mùa hè sau khi ở Sài gòn chừng bốn tháng, gia đình ai cũng ngạc nhiên nhưng tôi giữ kín mục đích của chuyến về thăm nhà lần này. Hai hôm sau nhận được tin về ngày giờ và địa điểm nên đêm cuối tôi và người em trai ngủ trước hiên nhà để sáng mai đi sớm. Khi giờ hẹn đã trôi qua cho đến gần sáng và mấy ngày sau đó, tôi vẫn không biết vì lý do gì mà tôi đã bỏ cuộc ?
    Khoảng bốn tháng sau đó ở Sài Gòn tôi nhận được tin dữ từ Huế: Chuyến đi mà tôi không tham gia vào phút cuối bị bão đánh vỡ ghe gần bờ biển đảo Hải Nam. Trong số những người tử nạn, có một người là chị em tiệm cà phê Ba Xương Quán, một số khác may mắn thoát nạn nhờ ôm được ván trôi vào bờ. Sau những thủ tục điều tra giữa hai nước, chính quyền đảo Hải Nam đã trả về cho Hà Nội, người chủ ghe tên Thắng vừa là bạn học ở trường Vạn Hạnh, vừa là em cô cậu với tôi, một sinh viên 26 tuổi đầy bản lãnh và thừa ý chí bị đưa vào trại Bình Điền, Huế lãnh án 8 năm tù giam. 
    Tháng 5.1988 nhận được thư Thắng đề ngày 12 tháng 4 được gởi từ California khi tôi còn là một thuyền nhân ở tại Palawan, Philippines. Tôi rất mừng biết bạn đã đến được bến bờ tự do, được người yêu đợi chờ và mở rộng vòng tay chào đón như một vị anh hùng.

NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, 07.12.2017