Sonntag, 10. Dezember 2017

SÀI GÒN, THUỞ GIAO THỜI


    Phái đoàn Tu sĩ Phật giáo và Đoàn Công tác Cứu trợ Nạn nhân Chiến cuộc An Lợi từ Long Thành về đô thành chỉ ba hôm trước khi Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30.04.1975 sau những ngày di tản...buồn. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa quên vào buổi trưa hôm ấy từ trên sân thượng của tòa nhà 380A Công Lý nhìn về phía chùa Vĩnh Nghiêm, từng đoàn người dân có, lính có, lại có nhóm kéo lê báng súng đi về hướng Sài Gòn. Đó là những giờ khắc lịch sử mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận niềm vui vỡ òa hay nỗi buồn tức tưởi. Dù vậy, những tổ chức thiện nguyện vẫn tiếp tục công việc của họ là phải theo dõi tình hình để bảo vệ sinh mạng của đồng bào bất chấp những hiểm nguy vẫn còn đâu đó trong buổi giao thời. Đây là lý do mà tôi đã được phái đi vào ngày 2 tháng 5 để cập nhật tình hình trong các trại tạm cư ngoại vi Sài Gòn khi chiến sự đã dần lắng dịu. Ngày 6 tháng 5, đoàn công tác An Lợi mang phẩm vật về Long Thành phân phối cho khoảng 5000 đồng bào, đây cũng là lần sau cùng chúng tôi về thăm trại, nơi mà từ đầu tháng 4.1975 một nhóm 10 sinh viên trường Đại học Vạn Hạnh đã có mặt để phân phối thực phẩm cho đến khi đồng bào người trước kẻ sau lần lượt trở về quê quán khi không còn tiếng súng.
    Đến giữa tháng 6 chúng tôi về Nông trại Thanh Văn để bốc thăm và nhận lô đất canh tác trước khi tổ chức chuẩn bị giải tán. Lần về tiếp theo tôi rủ thêm ba người bạn học là Tú, Chứng và Thắng về trại làm nông dân thử thời vận. Sau năm ngày vừa thuê mướn và bạn bè cùng làm, kết quả đã xong được 39 vồng gồm khoai lang, sắn và đậu phụng, đậu xanh. Sau đó chúng tôi tạm quên những ngày mệt mỏi rã rời, thì mới hiểu thế nào lao động là vinh quang, để về Sài Gòn thu xếp vật dụng cá nhân dọn qua đường Kỳ Đồng, tạm thời ở với Thắng khi Văn phòng của Trường TNPSXH sẽ đóng cửa vào cuối tháng 7.1975. Rồi giữa tháng 9.1975, tôi mua được căn nhà chung vách với nhà người bạn ở khu Tân Việt, trong con đường hẻm đối diện với trại Hoàng Hoa Thám gần ngã tư Bảy Hiền. Căn nhà mua với giá 100.000 đồng, cũng may là khi chưa đổi tiền, có bề ngang chừng 3,6m x 7m, trên gác lửng có cửa sổ, nhờ vậy mà nhà được thoáng mát trong những ngày hè nắng nóng. Hồi ấy, khi mua nhà tôi không hề biết mắc hay rẻ, nhưng với tôi thì thấy vừa túi tiền và nhất là đã đến lúc phải có một căn nhà để bắt đầu cho cuộc sống mới thật sự không hề dễ dàng khi mình không có nghề nghiệp cũng như không có nơi nương tựa trong một xã hội được xem như hoàn toàn mới mẻ.
    Với xóm giềng thì trước lạ sau quen. Đây là khu của người Bắc Công Giáo, từ đầu đến cuối hẻm chỉ có hai gia đình là người Trung rất được xóm giềng cảm mến. Lớp trẻ thì có Hải, mở phòng vẽ trong xóm và một người mà sau này thân thiết như anh em tên là Tâm, hơn tôi chừng bảy tám tuổi, sống với nghề làm khung hình tại nhà nhưng rất đông khách, hát hay, đàn giỏi và phong cách rất nghệ sĩ với mái tóc muối tiêu bềnh bồng nên thường được anh em gọi một biệt danh thân mật là Tâm Đầu Bạc. Trong thời gian này tôi chưa có công ăn việc làm, nên sau khi mua sắm giường, tủ và một ít vật dụng trong nhà tạm đầy đủ, những lúc rảnh rỗi sang nhà Hải để học vẽ chân dung, một đôi khi về Sài Gòn rồi ghé thăm quán cà phê đối diện Văn phòng mà thời gian trước đây khi đang còn làm việc, có những sáng ngồi với thầy Thọ và Văn Hồng, hay đôi lúc với bạn bè hoặc tán gẫu với hai chị em chủ quán người Huế và cháu gái chừng 13 tuổi là chỗ quen biết từ lâu. Ba cô cháu trời cho dáng dấp đều thon thả thanh tú nên được bọn chúng tôi đặt tên là Ba Xương Quán. Thỉnh thoảng cũng có khi đi ngang trường Vạn Hạnh trước chợ Trương Minh Giảng, ngôi trường mới chưa kịp quen thầy quen bạn và thi cử thì nay đã cửa khóa then cài, im vắng buồn thiu, thầy và bạn mỗi người một nơi như bầy chim chưa kịp hợp đàn thì đã tan tác trong cơn bão tố. Ngoài ra tôi vẫn lên xuống nông trại để chăm sóc, nhổ cỏ bón đất cho hoa màu, nhưng hoa thì chẳng thấy mà màu thì từ khoai cho đến sắn đều nắng cháy da khô và bị sùng hư gần hết. Đến ngày thu hoạch tính ra cả vốn lẫn lời không đủ tiền xe lên xuống nên bạn bè thấy nghề cày sâu cuốc bẫm cực nhọc nhưng không có tương lai nên từ từ không ai thiết tha nữa. Tôi cũng vậy, thấy sức mình chắc cũng không kham nổi nên muốn tặng lại miếng đất mà cũng không có ai nhận nên đành lặng lẽ ra đi không hẹn ngày trở về để kiếm đường làm ăn khác ở Sài Gòn, nơi mà tôi có được căn nhà thì đã là điều đáng mừng. Nghề làm nông xem như đã đặt dấu chấm hết.
    Sau ngày đổi tiền 22.09.1975 vài tháng (tôi chỉ đổi được 150.000 đồng tiền cũ để nhận 300 đồng tiền mới), cuộc sống xung quanh hình như có ít nhiều biến chuyển khi có tin cư dân Sài Gòn ở một vài nơi có những gia đình thuộc diện phải đi vùng Kinh Tế Mới. Trong khi đó thì vật giá leo thang, đời sống ngày càng khó khăn hơn và đã thấy không ít gia đình thanh lọc những đồ đạc trong nhà không cần dùng nữa đem ra bán. Khi trong những khu chợ trời mới mọc hay ở tư gia đã có những người mua bán đồ gia dụng từ áo quần cũ, chén bát kiểu, tủ bàn ghế, máy móc, radio, tivi cho đến xe hơi, nhà cửa, thuốc tây...thì trong giới làm ăn thế hệ mới, đủ mọi thành phần ngoài xã hội lại được nhiều người biết đến nhờ đã đặt ra những từ ‘chạy mánh’ và ‘trúng mánh’ như là nét đặc trưng của xã hội thời bấy giờ.
    Tôi trở lại Sài Gòn giữa tháng 2.1976 cũng bằng đường bộ sau hai tuần về Huế ăn Tết. Những ngày đông lạnh và mưa dầm khiến mùa xuân Cố Đô quê mình thêm buồn như thiếu vắng nụ cười khi đời sống đang bên bờ ảm đạm. Cả gia đình cùng những hộ được chia đất canh tác thuộc khu vực gần sân bay nội thành nay là hợp tác xã trồng rau cải là thu nhập chính mà cũng không đủ ăn. Với tôi dù việc học đã bị gián đoạn và cũng chưa có một công việc nào chắc chắn ở Sài Gòn, nhưng ba mẹ vẫn để tôi tự do chọn nơi sinh sống và cũng không có lời can ngăn nào khi thưa với song thân là tôi có ý định tìm cách ra nước ngoài một khi thuận lợi. Thật ra thì ý định ra đi này được một sinh viên gốc Huế đang học ở Sài gòn, với sự hậu thuẫn của gia đình làm nghề biển đứng ra tổ chức, tập hợp nhân tài lực, phương tiện và chọn địa điểm xuất phát là một ngôi làng ven biển gần cửa Thuận An cách thành phố Huế 15 km, dự trù sẽ ra khơi vào mùa hè 1976 nếu tất cả mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch. Tôi lại về Huế vào mùa hè sau khi ở Sài gòn chừng bốn tháng, gia đình ai cũng ngạc nhiên nhưng tôi giữ kín mục đích của chuyến về thăm nhà lần này. Hai hôm sau nhận được tin về ngày giờ và địa điểm nên đêm cuối tôi và người em trai ngủ trước hiên nhà để sáng mai đi sớm. Khi giờ hẹn đã trôi qua cho đến gần sáng và mấy ngày sau đó, tôi vẫn không biết vì lý do gì mà tôi đã bỏ cuộc ?
    Khoảng bốn tháng sau đó ở Sài Gòn tôi nhận được tin dữ từ Huế: Chuyến đi mà tôi không tham gia vào phút cuối bị bão đánh vỡ ghe gần bờ biển đảo Hải Nam. Trong số những người tử nạn, có một người là chị em tiệm cà phê Ba Xương Quán, một số khác may mắn thoát nạn nhờ ôm được ván trôi vào bờ. Sau những thủ tục điều tra giữa hai nước, chính quyền đảo Hải Nam đã trả về cho Hà Nội, người chủ ghe tên Thắng vừa là bạn học ở trường Vạn Hạnh, vừa là em cô cậu với tôi, một sinh viên 26 tuổi đầy bản lãnh và thừa ý chí bị đưa vào trại Bình Điền, Huế lãnh án 8 năm tù giam. 
    Tháng 5.1988 nhận được thư Thắng đề ngày 12 tháng 4 được gởi từ California khi tôi còn là một thuyền nhân ở tại Palawan, Philippines. Tôi rất mừng biết bạn đã đến được bến bờ tự do, được người yêu đợi chờ và mở rộng vòng tay chào đón như một vị anh hùng.

NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, 07.12.2017

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen