Sonntag, 30. Dezember 2018

LỤC BÁT CUỐI NĂM

    Vườn hoa Mirabell, Salzburg
 WIEN
                 tặng Lê Nguyễn
Hai năm mới ghé một ngày
Thuốc chưa cháy hết đã quay trở về
Còn bao nhiêu chuyện cà kê
Năm sau trở lại ta thề phải say.

SCHWECHAT
                                   tặng M.
Nửa đêm thức giấc đợi người
Giọt sương làm nghẹn môi cười của em
Nụ hôn chưa thấy đã thèm
Bốn con mắt đỏ, bóng đèn lặng câm.

LINZ
                     tặng Vũ Văn Hùng
Chúc mừng bạn vẫn yêu đời
Duyên tình thắm thiết vạn lời bướm hoa
Khi mô có một mái nhà
Nhớ treo tranh tặng là ta vui rồi.

VÖCKLABRUCK
                                    tặng Gabi
Mấy năm xa vợ xa nhà
Đêm nằm bệnh viện nhớ tà áo xưa
Có em da trắng tóc thưa
Sớm hôm thăm hỏi cũng vừa lòng đơn.

GRAZ
                      tặng Hùng & Yến
Ừ thôi đóng cửa tìm môi
Vòng tay đủ ấm cho người cô thân
Bốn mùa là những ngày xuân
Bóng hình nhập một châu trân cũng thừa.

SALZBURG
                           tặng ta
Ở đây đất lạ người thưa
Năm người mười ý khó vừa lòng nhau
Buồn buồn ta dạo bên cầu
Chân về ngõ vắng nghe sầu tha hương.

NGUYỄN SĨ LONG
1991 

Freitag, 21. Dezember 2018

RÊU PHONG

 
Rêu phong (tranh Lê Văn Tấn, 11.2018)

Em muốn về ư với quê mình
Với thành rêu phủ với tường xinh
Còn đâu áo trắng bao năm trước
Nón lá nghiêng vành giữa thần kinh ?
(NSL, Em đã về chưa)

    Rêu phong là bức tranh thứ hai tôi được xem trong những ngày cuối của tháng 11, cũng là lúc Lê Nguyễn tạm gác bút để kết thúc năm 2018 với 15 tác phẩm bao gồm nhiều chủ đề. Ngay thời điểm này nếu nhìn ở góc độ nghệ thuật, thì mới thấy người nghệ sĩ đôi khi không cần giới hạn về tuổi tác, lúc tuổi càng cao thì càng say mê và sức sáng tác càng khỏe. Với Lê Nguyễn, trong những năm trở lại đây trước và sau khi về hưu, có tháng anh đã hoàn thành đến bốn tác phẩm, tính trung bình mỗi tháng có hai ba đứa con tinh thần ra đời.  
    Bốn câu thơ trên được Lê Nguyễn trích trong khổ thứ hai của bài ‘Em đã về chưa', đăng trên báo Làng Văn tính đến nay đã gần ba mươi năm mà Lê Nguyễn vẫn còn nhớ như mượn ý tưởng để làm đề tài, dù Huế không còn xa lạ khi anh đã về thăm hai lần: 
   -‘may mắn là không lần nào bị mưa dầm thối đất, xứ của mưa buồn thúi ruột, xứ của lũ lụt triền miên, tôi đến vào mùa hạ cháy da. Dưới cơn nắng hạ kinh hồn, tôi đã đứng trên cầu Tràng Tiền, giữa dòng sông Hương nhìn con nước trôi xuôi, những làn gió mát từ dưới sông đưa lên mơn trớn da mặt, thật dễ chịu. Xe taxi chở chúng tôi đi cũng đã chạy qua con đường rợp bóng mát hàng phượng vĩ, nơi có trường Quốc Học, Đồng Khánh. Một thời qua văn thơ tuổi học trò tôi đã từng đọc rất nhiều các văn thi sĩ gốc sông Hương núi Ngự. Hình như đất này là của các văn nhân thi sĩ hay sao ấy, đọc đâu cũng thấy cũng gặp. Chẳng bù với quê nhà của tôi, mấy chục năm mới xuất hiện một đôi người. Có phải tại đất Huế buồn quá chăng ?
    Lê Nguyễn quê Bến Tre, xa quê hương mấy mươi năm mà cũng biết đến màu tím Huế và những cơn mưa dầm thối đất, xứ của mưa buồn thúi ruột…và tất nhiên trước khi chọn chủ đề về Huế thì thế nào anh cũng ‘nghiên cứu' rất kỹ, nhất là các cô gái Huế từ mái tóc cho đến nụ cười…Bởi vậy khi ngắm ‘Rêu phong’ thì người trai xứ Huế thuở nào nay xa quê không khỏi chạnh lòng xao xuyến khi người trong tranh và cảnh vật đẹp như giấc mơ của thuở tuổi học trò. Nhớ những con đường phượng bay bên tường thành phong kín rêu xanh, nhớ chiếc nón bài thơ nghiêng nghiêng mái tóc dài tha thướt, nhớ tà áo xưa một thời hoa gấm lụa là, nhưng tình đời cũng không kém phần oan nghiệt chia xa: 

’Tôi phận bạc như rêu phong thành nội 
Em kiêu sa trên nhung gấm lụa là 
Đời đã lỡ không môn đăng hộ đối
Sao cam đành đôi ngã chia xa’
(Tùy Anh, Hương Lửa Nghìn Sau).

  Nón lá (tranh Lê Văn Tấn, 04.2014)

    Cám ơn Lê Nguyễn đã tặng tác giả bài thơ 'Em đã về chưa' một tác phẩm đẹp tuyệt vời. Hy vọng trong tương lai nếu có dịp nào đó về thăm quê nhà thì cũng nên trở lại Huế thêm một lần nữa, để người thích tranh vẫn còn được nhìn thấy Huế trên từng nét bút tươi trẻ và nồng nàn bên cõi trời Tây.

NGUYỄN SĨ LONG
21.12.2018

Montag, 10. Dezember 2018

CHUYẾN HÀNH HƯƠNG PHƯƠNG BẮC*

  Chánh Điện Chùa Khuông Việt

    Suốt 30 năm định cư tại Áo từ cuối năm 1988 cho đến nay, tôi chỉ có một lần lên miền bắc Âu trong chuyến thăm ba ngôi chùa gồm: chùa Viên Giác (Hannover, Đức); chùa Khuông Việt (Oslo, Na Uy) và chùa Quảng Hương (Aarhus, Đan Mạch) do Hội Văn hóa Xã hội Phật tử Việt Nam tại Áo tổ chức vào mùa hè 2002. Gần một năm trước đó, trong Đại lễ Vu Lan PL 2545 được Hòa Thượng Thích Trí Minh chủ trì tại Niệm Phật Đường Lorbeergasse, Wien vào ngày 15.09.2001, Ban Chấp hành Hội và bà con Phật tử đã vô cùng hoan hỉ nhận lời mời của Hòa Thượng sang thăm chùa Khuông Việt vào mùa hè năm tới.
    Những ngày cuối tháng 6, Đại lễ Phật Đản 2546 tổ chức vừa xong là chuẩn bị ngay cho chuyến đi xa 10 ngày. Đạo hữu Phó hội trưởng Lê Tuấn làm Trưởng đoàn với danh sách ngoài 50 Phật tử, còn có sự tham dự của Đại Đức Seelawansa, là vị tu sĩ người Tích Lan cư trú và dạy học ở Wien. Chuyến xe được khởi hành vào sáng sớm 12.07 từ thủ đô Wien ngang qua Salzburg ở miền tây nước Áo rồi lấy hướng lên miền bắc Đức và điểm dừng là chùa Viên Giác Hannover lúc 21:30 giờ cùng ngày với chặng đầu tiên trên tuyến đường Wien Salzburg Hannover hơn 1.000 cây số nhưng thấy mọi người đều khỏe. Đêm hôm đó tuy khách thập phương về Chùa khá đông nhưng quý Thầy đã chuẩn bị chỗ ngủ rất chu đáo. Nhận phòng xong, chúng tôi người trước kẻ sau gặp nhau ở chánh điện Lễ Phật trước khi chia tay chừng 1 giờ sáng. Tôi và một số đạo hữu thấy mình vẫn còn tỉnh táo và cũng muốn khám phá ngôi chùa đã làm nên tiếng tăm của một vị Thầy, nên thả bộ trước sân khá lâu trước khi đi ngủ. Lúc đó tôi như thể đang đợi chờ hay tìm kiếm một ‘người quen chưa gặp' mà chỉ hai hôm trước đây sau khi liên lạc mới biết là anh sẽ không có mặt trong Khóa Tu Gieo Duyên trùng thời gian đoàn hành hương Phật tử Áo quốc đến chùa Viên Giác. Đó là Đạo hữu Nguyễn Hòa, tên thật của nhà thơ Tùy Anh, là người mà cho đến khi viết bài này vẫn chưa chưa có duyên hội ngộ.
    Ngày 13.07 phái đoàn đã được quý Thầy hướng dẫn ra hồ ngắm cảnh, chụp hình và tham quan thành phố. Hôm sau dậy sớm lúc 5 giờ sáng để tiếp tục chặng đường cuối, đến Oslo vào lúc nửa đêm 14.07.2002 và đã được Hòa Thượng Khuông Việt cùng quý Tăng Ni đón tiếp và chăm sóc chu đáo. Ngày 15.07 buổi sáng đi leo núi và buổi chiều thăm Vigeland Park, chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi nhưng được Thầy dẫn đi khắp thành phố Oslo, một thành phố với nét đẹp hiền hòa và thân thiện. Giờ vẫn còn nhớ là mỗi sáng bên thiện nam chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn để cùng thưởng thức hương vị của một loại trà đặc biệt thơm ngon do chính Hòa Thượng pha chế với đôi bàn tay như ảo thuật.

  Chùa Quảng Hương

    Sau bốn ngày được tiếp đón nồng hậu, chúng tôi chia tay Thầy cùng Tăng Ni và Phật tử chùa Khuông Việt trong bịn rịn vào ngày 18.07 để trên đường trở về còn ghé Đan Mạch thăm Đại Đức Thích Giác Thanh (đệ tử thầy Khuông Việt) trụ trì chùa Quảng Hương. Thêm một lần nữa chúng tôi được đón tiếp như những vị khách quý làm mọi người hết sức cảm động, lại được Thầy dẫn đi thăm Legoland để xem những tác phẩm nghệ thuật vô cùng độc đáo rồi sau đó phải nói lời tạm biệt. Thầy Giác Thanh trước đây đã có một lần sang thăm hai đạo tràng Wien và Salzburg vào năm 1994 nên ai cũng thấy thân tình, tiếc là đoàn phải trở lại Hannover trước khi về Áo vào ngày 21.07.2002.

Chùa Viên Giác

    Ngày 20.07 đoàn hành hương Phật tử Áo một lần nữa trở lại chùa Viên Giác ngủ qua đêm và lần này được gặp Hòa Thượng Phương Trượng. Đạo hữu Phó Hội trưởng Lê Tuấn là người đã có nhiều dịp tiếp xúc với Hòa Thượng Thích Như Điển trước đây qua các sinh hoạt Phật sự vì vậy mà buổi tọa đàm Thầy dành cho phái đoàn hết sức tự nhiên và vui vẻ, sau đó Thầy dẫn mọi người ra sân trước vườn sau để chụp hình và giới thiệu những khu đất quanh Chùa với những dự tính trong tương lai.
    Sáng sớm ngày 21.07.2002 đoàn chúng tôi lại khăn gói lên đường, mang theo niềm vui trở về nhà sau chuyến viếng thăm ba ngôi chùa Viên Giác, Khuông Việt và Quảng Hương với lòng biết ơn sâu sắc về những ân tình mà quý Thầy cùng Tăng chúng đã dành cho đoàn hành hương Phật tử Áo quốc. 
    Đã mười sáu năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ vì tiếc nuối cuộc hẹn với nhà thơ Tùy Anh đã không thành. Vậy thì chắc sẽ chờ dịp thăm bắc Âu một lần nữa hay chăng?

NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, 08.08.2018 
* Trích: Báo Viên Giác Hannover, số 228, tháng 12.2018.   

Samstag, 1. Dezember 2018

MỘT MÌNH



Mỗi đêm chân bước về nhà
Sương khuya từng giọt như sa vào lòng
Một mình đứng giữa hư không
Tường vôi trắng mịn mênh mông bến bờ.

Mỗi đêm là một bến mơ
Dư âm sót lại hững hờ cách ngăn
Một mình nghe gió thở than
Nín hơi thở nhẹ đêm trăng vẫn tàn.

NGUYỄN SĨ LONG

Donnerstag, 8. November 2018

ĐA TẠ

  Con đường nào (tranh Lê Văn Tấn)
sơn dầu 40x50, 03.2017

    Khoảng đầu tháng 8, khi tập thơ Mẹ Hiền tôi gởi tặng đã đến tay Lê Nguyễn, cũng là lúc tôi nhận được E-mail của anh. Ngoài những lời cám ơn và thăm hỏi thân tình, anh còn mời vợ chồng tôi ghé chơi bất cứ lúc nào thuận tiện. Bởi vậy nhân dịp giữa tháng 10.2018 tôi có mặt ở Wien nên đã đến thăm anh như đã hứa.  
    Hôm đó Lê Nguyễn ra đầu ngõ đón tôi và Lê Tuấn. Tuy không nhớ căn nhà nào trong khu vực có nhiều lối vào vì đã hai mươi lăm năm không gặp lại nhau, nhưng tôi vẫn nhận ra anh. Dù có đổi thay đôi chút nhưng so với tuổi tác thì trông anh vẫn còn trẻ.
    Thuở ấy tôi và Lê Nguyễn xấp xỉ bốn mươi, tôi tuy ở xa nhưng thỉnh thoảng về Wien sinh hoạt Phật sự nên đã có nhiều dịp gặp nhau khi anh phụ trách tờ Nội san Hoa Sen giúp anh Lê Văn Ty, là Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Áo. Vào năm 1995 khi anh Ty rời Ban Chấp Hành Hội cũng là lúc anh không có nhiều thời gian nên tôi đã thay anh để làm tiếp tờ Hoa Sen cho đến khi đình bản vào năm 2003.
    Với báo Hoa Sen, anh làm hết mọi chuyện từ vẽ tranh bìa, minh họa cho đến góp thơ văn, trình bày và in ấn. Trong thời gian này anh Lê Văn Ty và tôi có đến thăm một lần nhưng không nhớ là hồi đó Lê Nguyễn đã vẽ tranh treo tường chưa, giờ thì nhiều màu sắc hơn khi chủ nhà đưa tôi đi một vòng từ phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn... nơi nào cũng có sách, tranh và hoa. Ngoài tranh của chồng, có lẽ ở phòng khách còn chỗ nên Hoàng Thanh phu nhân trong một chuyến về thăm quê nhà đã mua hai bức tranh nữa cho đủ bộ sưu tập.
    Tranh của Lê Nguyễn gồm hai nội dung: Chân dung và Chủ đề. Về tranh chủ đề có chừng 50 tác phẩm đủ sắc màu mang lại sự tươi mát cho không gian sáng tác của anh qua nhiều đề tài nhưng nổi bật hơn cả là ‘sông nước đồng quê' và nhất là tranh ‘thiếu nữ', luôn thu hút người thưởng lãm cho dù khó tính đến đâu cũng không thể quay đi vì chỉ một nụ cười của ‘người đẹp trong tranh’ nhưng nói lên được rất nhiều điều. Tôi rất thích “hương xuân” là bức tranh thiếu nữ đầu tiên tôi được xem. Sau đó là “hoa tím”, “nguyện cầu”…để thấy sự già dặn và khéo léo khi tác giả lột tả được chủ đề. Và mới nhất trong tuần này với “thu vàng”, người xem sẽ ngây ngất như đang ở Huế ‘nhìn những mùa thu đi' trong tiếc nuối nhưng vẫn còn mãi với thời gian. Theo tôi đây là một phân khúc rất thành công của họa sĩ Lê Văn Tấn.
    Với tranh chân dung có khoảng 40 tác phẩm dành cho gia đình từ ông bà, bố mẹ cho đến vợ con và một vài nhân vật có tiếng tăm, đồng nghiệp và bạn bè xa gần đó đây. Ngoài số bạn bè ấy, trong lần viếng thăm này tôi thật vui và cảm động khi bất ngờ được Lê Nguyễn tặng bức chân dung ‘Mạ’, là tác phẩm mới nhất của anh được hoàn tất trong tháng 9, phỏng theo tấm hình ‘Mạ tôi’ trong bài “Hai Người Mẹ” trên Blog cuối tháng 8.2018 vừa qua. Nét đẹp của bức tranh không những là hình ảnh của ‘Mạ’ ngoài đời hay trong tranh chỉ là một, mà tác giả còn dùng màu tím như để tôn vinh sự trang nhã của người phụ nữ trong màu áo tím, là sắc màu mà mỗi khi nhắc đến ai cũng nghĩ đến Huế.

  Mạ (tranh Lê Văn Tấn)
  màu dầu, 30x40, 09.2018

    Nhắc đến gia đình thì giữa chúng tôi cũng có điểm giống nhau khi chỉ mới mấy tuần gần đây thôi vào giữa tháng 10, khi tôi trở lại Áo thì mẹ tôi vẫn chưa được bình phục, y như trường hợp của Lê Nguyễn vào cuối tháng 11.2016 khi nhận được tin báo từ Việt Nam mẹ bị đau nặng có lẽ sẽ qua đời. Vợ chồng anh và hai con khẩn cấp bay về Việt Nam nên đã có một thời gian ở bệnh viện để chăm sóc mẹ nhưng rồi cũng phải trở về Áo. Không lâu sau đó, đến tháng 1.2017 nhận được tin mẹ qua đời thì gia đình anh không thể về được nữa, mọi việc hậu sự đều được hai người em lo lắng. Với mẹ tôi cũng vậy, nay như ngọn đèn trước gió và không ai tránh khỏi tuổi già nay yếu mai đau.
    Không ngờ lần gặp lại Lê Nguyễn cũng là lúc hai chúng tôi đã về hưu vì sanh cùng năm nhưng khác quê quán. Lê Nguyễn gốc ở Mỏ Cày, Bến Tre, sống với bà nội từ khi chào đời cho đến tuổi đi học mới theo ba má lên Sài Gòn, cựu học sinh trường Hồ Ngọc Cẩn. Vào Mùa hè đỏ lửa xong chứng chỉ Dự bị Khoa học, mới thập thò trước ngưỡng cửa Y khoa thì bị động viên vào quân đội, khóa 4/72 Thủ Đức. Sau tháng 4.1975 vượt đường biển đến Thái Lan, định cư ở Áo tháng 6.75. Anh tốt nghiệp Tiến sĩ Hóa Học vào tháng 3.1987, đây cũng là năm tôi đi vượt biên ở Cần Thơ vào mùa hè, đến Áo tháng 12.1988. Hai năm sau đó, khi chúng tôi quen nhau qua tờ Hoa Sen với nhiều ấn bản khoảng từ trước năm 1990, thì đến nay tôi vẫn còn nhớ mỗi số đều có tranh bìa và minh họa rất đẹp được ký tên Lê Nguyễn, thì chắc chắn một điều, không phải tự nhiên mà anh vẽ được như thế tính đến nay đã gần ba mươi năm. Thắc mắc này đã được anh giải đáp: 
   "Tôi có khiếu chút đỉnh về hội họa và rất mê vẽ. Người thầy vẽ đầu tiên là người thầy năm học lớp Nhất (lớp 5 sau này) ở trường tiểu học Hùng Vương Chợ Lớn. Khi vào trung học Hồ Ngọc Cẩn, cũng như mọi trường trung học khác, trường tôi có một người thầy họa sĩ dạy vẽ từ lớp 6 tới lớp 9. Qua Áo, tôi có mua một số sách để học thêm về kỹ thuật, dạo sau này thì vào internet học lóm của các họa sĩ. Bây giờ về hưu rảnh rỗi quá nhiều nên giết thời giờ bằng sở thích của mình thì không còn gì bằng. Lại được bà vợ luôn khuyến khích, tìm dùm đề tài, nhưng bả cũng chính là người chê nhiều nhất. Lâu lâu được hai đứa con nhờ bố vẽ cho vài bức treo chơi (làm bố khoái tỉ luôn). Mấy ngày nay mũi nở hơi lớn vì được thêm anh thích tranh".       
     Thật vậy, tôi rất thích tranh Lê Nguyễn. Mỗi tác phẩm của anh là mỗi góc kỷ niệm, của quê hương ruộng vườn, sông nước hiền hòa nên rất gần gũi, thân thiện và lôi cuốn người xem.
     Đa tạ Lê Nguyễn với bức chân dung ‘Mạ' cùng nhiều cảm xúc và ấm áp, như không gian đã được thu ngắn khoảng cách để mỗi ngày được nhìn thấy người Mẹ yêu quý trong tâm niệm bình an.

NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, 08.11.2018 

Sonntag, 4. November 2018

THU VÀNG

 
Thu Vàng (tranh Lê Văn Tấn, Wien)
màu dầu, 50x70, 11.2018

Trông ai giữa lối thu về
Như cô gái Huế tóc thề che ngang
E ấp chiếc nón dịu dàng
Áo em trắng giữa muôn vàn lá rơi.

Ngày em trở lại bên đời
Mắt môi rạng rỡ nụ cười thơ ngây
Nếu như được phút giây say
Thơ xin ngủ giữa rừng cây thu vàng.

NGUYỄN SĨ LONG
01.11.2018

Sonntag, 28. Oktober 2018

TRẦN ĐAN HÀ ĐỌC: MẸ HIỀN



Đôi Lời Giới Thiệu:
    Đan Hà & Trần Đan Hà là bút hiệu của nhà thơ Trần Văn Huyền, sinh năm 1945 tại Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Vượt biên đến Palawan, Philippines. Định cư ở tỉnh Reutlinger, Đức vào năm 1983. Cộng sự viên Báo Viên Giác Hannover. Hiện tôi có một tác phẩm của Trần Đan Hà trên kệ sách là thi tập “Tìm Trong Yêu Dấu”, Viên Giác xuất bản năm 1997.
    Được nhà thơ Trần Đan Hà đọc và giới thiệu thi tập Mẹ Hiền với độc giả Viên Giác trong số báo 227, tháng 10.2018 là hết sức bất ngờ và thật vinh dự. Đây là một bài viết được tác giả dành nhiều tâm tình cùng thì giờ để chọn lọc và trích dẫn, trong đó đặc biệt có hai bài Mẹ Mãi Là Mùa Xuân và Huế Xưa. 
    Chân thành cảm ơn nhà thơ Trần Đan Hà và nay gởi đến bạn đọc xa gần. 

TRẦN ĐAN HÀ ĐỌC: MẸ HIỀN*

    Qua anh Phù Vân tôi hân hạnh được biết thi hữu Nguyễn Sĩ Long hiện ở Áo, là tác giả thi phẩm Mẹ Hiền, xuất bản tháng 6.2018. Và tôi được một bản gởi tặng. Xin có đôi lời cảm nhận sau khi đọc cùng lời vô vàn biết ơn.
    Mẹ Hiền, hai tiếng này nghe thân thương, êm ái, ngọt ngào biết bao. Bởi chúng ta ai cũng có sự hiện diện của mẹ hiền trong tâm. Mẹ hiền là suối mát, là giọt sương mai tưới tẩm cho hoa lá cỏ cây. Mẹ Hiền là nguồn yêu thương đang chảy bất tận trong huyết quản của chúng ta. Mẹ Hiền là hương hoa, đường mật, bánh kẹo, sữa ngọt hiến tặng cho nhu cầu tuổi nhỏ. 
    Có một lần tôi nghe thầy Nhất Hạnh định nghĩa về mẹ như sau: “Ý niệm về mẹ không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành…”     
    Trong chúng ta có ai đi xa mà không một lần nhớ mẹ? Nhất là trong hoàn cảnh tha hương này. Tuy mỗi người mỗi khác nhưng chung quy đều thể hiện một tấm lòng khao khát được uống no nê tình yêu thương của mẹ. Đối với người Phật tử thì sự thể hiện ấy qua hình ảnh mùa Vu Lan Báo Hiếu, là dịp để cho người con được cài lên ngực một bông hồng hiếu hạnh, để tỏ lòng biết ơn cha mẹ còn hiện tiền và tưởng niệm song thân đã quá vãng. Nhắc nhở đến công ơn sinh thành dưỡng dục mà suốt cuộc đời này có mấy ai báo đáp cho nổi? Vì ca dao nhân gian nói: "Mẹ thương con biển hồ lai láng. Con thương mẹ tính tháng tính ngày"! Nghe thật xót xa lắm phải không ? Nhưng thực tế chuyện tình đời là như vậy, biết sao!
    Thi hữu Nguyễn Sĩ Long có lẽ được sinh ra trong "Chiếc nôi văn hóa tuy cổ xưa nhưng đầy nhân bản, chịu ảnh hưởng và ràng buộc bởi Tứ đức tam tùng, Công dung ngôn hạnh" (Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh là câu răn mình). Thế cho nên hoài niệm của anh về mẹ thật khác người, tuy giản dị bình dân, nhưng rất tỉ mỉ nhắc lại những giây phút thần tiên trong đời. Bằng lời ngợi ca về mẹ chân chất mộc mạc nhưng uyên áo vô cùng. Thấm đậm biết bao là tình. Tình thương ấy mãi chảy trong anh như một nguồn suối mát. Cho nên anh luôn cảm nhận và chỉ thấy mẹ là biểu tượng đẹp nhất: "Mẹ mãi là mùa xuân".
    Chúng ta hãy bước vào khung trời hoài niệm mẹ của anh để cùng cảm thông:
“Chín tháng cưu mang hai mươi năm nuôi dưỡng
Con ra đời trong tổ ấm tình thương
Ở quanh con không có bốn mùa thay đổi
Chỉ một mùa xuân bên tay mẹ, mảnh vườn”.
    Hình ảnh mẹ là mang nặng đẻ đau, nâng niu bú mớm, tần tảo nuôi con. Ngày ngày siêng năng chăm bón những liếp cải vườn cà. Mồ hôi mẹ đã đổ xuống rất nhiều nơi mảnh vườn yêu thương dịu ngọt, thoang thoảng một mùi hương tươi mát của mùa xuân. Anh mang mùa xuân của mẹ ra đi để còn nhớ mãi công đức sanh thành dưỡng dục. Hay mùa xuân của mẹ đã chảy mãi trong anh bằng những giọt yêu thương bắt nguồn từ thời thơ ấu, chỉ cần nhắm mắt để tận hưởng:
“Con nhắm mắt mỗi lần ôm vú mẹ
Nuốt từng dòng sữa ngọt say mê
Mẹ cúi xuống mắt tròn xoe âu yếm
Giọt lệ mừng chảy xuống má tê tê”.
    Thử hỏi còn cảm giác nào sung sướng cho bằng “nằm nhắm mắt ôm vú mẹ” để tận hưởng. Chỉ nhớ đến giây phút tận hưởng này thôi cũng đã thấy nguồn năng lượng hạnh phúc vô biên của tuổi nhỏ.
    Những hoạt cảnh tiếp theo cũng không kém phần trân trọng và yêu dấu muôn đời:
“Mẹ đút cho con từng miếng cơm muỗng cháo
Thức suốt đêm khi con sổ mũi nhức đầu
Mẹ đan cho con từng bao tay chiếc áo
Bên cuộc đời dù trăm nỗi bể dâu”.
    Sự hy sinh của người mẹ thật vô bờ bến. Nếu không nhắc lại những chi tiết cụ thể ấy, mà chỉ chung chung ‘công đức sanh thành dưỡng dục’ thì e rằng không mấy ai cảm nhận được tình mẹ sâu sắc!
    Đến công trình giáo dưỡng cũng bắt đầu từ những bài học vỡ lòng. Đơn giản nhưng thiết thực nhất, cần thiết nhất qua tình tự của những người Mẹ Việt Nam:
“Mẹ dạy cho con từng lời nói bước đi
Mẹ dạy cho con cầm cây bút chì
Mẹ dạy cho con vòng tay kính cẩn
Cúi đầu chào thưa gởi mỗi lần đi”.
    Những làng quê miền Trung là hình ảnh của nương dâu ruộng lúa, của con sông bờ đê, của lũy tre chiều ru gió. Phía sau rặng tre thường nghe văng vẳng tiếng võng đưa giữa trưa hè kĩu kịt, hòa cùng tiếng ru trẻ ầu ơ: “Ru con con théc cho muồi. Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu. Mua vôi chợ Quán chợ Cầu. Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh…”. Âm thanh ấy nghe một lần là nhớ dù thời gian phôi pha và không gian ngăn cách:
“Quên sao được những câu hò giọng hát
Rất chan hòa trong giấc ngủ âm thanh
Lời mẹ ru có vị ngọt chất lành
Con khôn lớn vẫn nhớ từng nhịp điệu”.
    Dư âm của điệu hò câu hát ấy vẫn còn ghi đậm trong tâm. Vì đây cũng là âm thanh ngọt ngào như tiếng sáo diều muôn thuở, tạo nên hoạt cảnh êm đềm thôn xóm. Nhưng cảnh êm đềm ấy chợt biến mất, khi giặc tràn qua xóm làng gây nên cảnh tang tóc:
“Quên sao được xóm làng xưa xơ xác
Ngày đạn bom đêm pháo kích kinh hồn
Mẹ cõng con khắp đường quê tan nát
Xót xa nhìn nhà cháy ở quanh thôn”.
    Bối cảnh lịch sử chiến tranh ấy bây giờ nhắc lại chỉ thêm đau lòng. Nhưng nếu không nhắc lại thì làm sao mà hình dung được tấm lòng của mẹ đối với con trong những lúc tản cư lánh nạn?
“Im tiếng súng mẹ thở phào nhẹ nhõm
Nhưng ngờ đâu con mẹ phải ra đi
Đời mẹ chưa vui bây giờ thấp thỏm
Sợ tin buồn sau cánh cửa chia ly”.
    Chiến tranh đã gây biết bao tang thương, đổ vỡ không bao giờ có thể hàn gắn được. Cùng thấy thêm cảnh mẹ già tựa cửa ngóng trông con đang còn ngày đêm ngoài chiến trận…và sau nầy trôi nổi tha hương:
“Con bất hạnh trên dòng đời trôi nổi
Thiếu mẹ hiền như mất cả mùa xuân
Con cúi đầu xin một lòng tạ lỗi
Ngày đầu năm không có mặt quây quần”.
    Sau chiến tranh lại thêm cảnh biệt ly. Nghe sao mà não lòng quá. Ôi thân phận của một nước nhược tiểu. Đã trải qua không biết bao nhiêu cơn phong ba bão táp đã ập xuống trên mảnh đất Mẹ Việt Nam. Thế nhưng nguồn hy vọng đang réo gọi trong con với lời nguyện cầu mẹ được :
“Sống trăm tuổi bạc đầu nhưng vẫn khỏe
Đợi con về trong khúc khải hoàn ca”.

    Hoài niệm tiếp theo là quê hương và tuổi trẻ, thời cắp sách đến trường vui với bạn bè thầy cô, thời hoa mộng ấy đẹp như khung trời cũ, em xưa. Đã một thời dìu bước anh đi vào đời. Quê hương của anh có dòng sông Hương êm đềm trôi xuôi chở theo bao huyền thoại đẹp. Những con đường có lá me bay, có hàng phượng vĩ, và có những tà áo trắng tinh khôi của các nữ sinh Đồng Khánh:
“Có những cơn mưa giữa ngày mùa hạ
Lối em về hoa phượng rụng đầy tay…”
    Lối em về đẹp não nùng với hai hàng cây bên đường che mát. Trên cao những nhánh phượng trổ bông đỏ cả một góc trời. Chân bước đi mà ngỡ như trôi theo dòng sông soi bóng nhuộm vẻ đẹp muôn màu. Có rất nhiều điều yêu dấu rồi anh sẽ kể trong “Huế xưa”:
“tôi đưa em qua những con đường
phượng vĩ và nhãn lồng
có ao cá
có hồ sen nở rực lúc hừng đông
như thành phố được thắp muôn ngàn ngọn nến”

Cũng có lúc:

“leo mấy chục bậc thang lên cửa Ngọ Môn
ngắm Quốc Kỳ bay cao trong gió
ngồi hóng mát những lúc sang hè
nhìn những hàng cây lắc nhẹ
bên trời hoa sứ nở
và thích nhất
là ngắm những cặp tình nhân
ngồi kín đáo dưới những bức thành rêu phủ
hay bên những gốc cây, bờ hồ, tảng đá
(họ hôn nhau mùi mẫn và
                                   dễ thương chi lạ!)"


    Tuổi học trò là tuổi mộng mơ. Đi lang thang mà không biết đi đâu, đến mà không biết rằng mình đến:
“Huế xưa,
tôi đưa em ra ngoài thành qua cửa Đông Ba
rẽ trái là đường Đào Duy Từ...
đến trường Nguyễn Du thăm vài người bạn
đôi lúc em muốn dừng trên cầu nhìn xuống Bến Tượng 
để xem những con đò nằm sát bên nhau thân mật
rẽ phải là đường Phan Bội Châu
phía bên ni có tiệm mì Châu Anh
tiệm cháo lòng Vĩnh Phú
tiệm bò tái Đồng Xuân Lâu
phía bên tê là tiệm mè xững Song Hỷ
nổi tiếng khắp hoàn cầu
(em hảo ngọt tha hồ mà
                           mang vào lớp học)"
..........
"Huế và tôi,
Hình như có rất nhiều duyên nợ
chỉ riêng em cũng đủ ‘tắt thở’ đây rồi
chiều lại chiều chở em tận xa xôi
qua cầu Vạn Xuân viếng thăm chùa Thiên Mụ
đứng bên nhau đôi lòng khấn nhủ
xin ơn trên tác hợp vợ chồng...
………
    Dòng Hương Giang mơ màng xuôi chảy dưới chân núi Ngự, là biểu tượng của tình cha nghĩa mẹ (như nước trong nguồn chảy ra) vẫn luôn êm đềm theo năm tháng. Cũng là biểu tượng cho quê hương và Mẹ. Huế xưa có muôn màu muôn vẻ. Có lễ hội nguy nga của các tôn giáo muôn đời kính ngưỡng. Có những ngày Tết cho phố phường khoe sắc, phô hương. Có những ngôi trường vang danh một thời, đã trải dài qua bao thế hệ được đào tạo thành người hữu dụng cho Quốc gia Xã hội. Có những con đường thơ mộng đã dìu nhiều thế hệ đi qua. Có Văn hóa Cung đình trộn lẫn với Văn học Dân gian tạo nên một nền văn minh hòa đồng của dân tộc. Có những loại thực phẩm được chế biến theo lối gia truyền, cho nên sau này dầu có đến đâu rồi cũng không sao có đầy đủ hương vị đặc biệt riêng của Huế. Thế nhưng nghiệt ngã thay Huế xưa cũng có những ngày tang thương biến đổi, đang đổ xuống bởi bom đạn chiến tranh, bởi hận thù phân hóa: 
“Huế xưa,
mỗi ngày thêm chất đắng
chiến tranh về rung chuyển nhịp đò đưa
bên nớ bên ni
tay vẫy dần thưa
em ở lại nhạt nhòa đời son trẻ
nhịp cầu qua sông gãy đôi tình thơ bé
mùa hè sang lửa đỏ phủ kinh hoàng
bồng bế nhau đi rời phố xuôi Nam
vẫn không khỏi trời tháng tư ác nghiệt
giã từ em
mùi trinh nguyên tinh khiết
những ngón tay đan cứng nghẹn lời
ngày tôi đi thương nhớ quá đôi môi
và ánh mắt như ngàn sao theo đuổi
làn tóc em
làm sao tôi quên nổi
trôi dịu hiền
như sóng nước Huơng Giang..."
    Tất cả những nguyên liệu vừa ngọt ngào vừa đằm thắm của Huế đã nuôi lớn cuộc đời không phải chỉ là giai đoạn. Mà là mãi mãi ghi khắc trong tâm lòng biết ơn sự sáng tạo của nhiều thế hệ đi qua. Của nhiều bà mẹ không ngớt lo toan, tính toán làm sao cho con mình không thua kém bạn bè. Của chiều dài của lịch sử có ngọt bùi có cay đắng trộn lẫn vào nhau. Cho người còn nuôi hy vọng: “qua cơn khổ cực đến ngày thái lai”.
    Ngày sinh nhật sáu mươi tuổi, anh ngồi suy nghiệm cuộc đời còn hiện diện đến ngày nay là nhờ nhiều nhân duyên. Những người đã cho anh hình hài vóc dáng, đã nuôi dưỡng lớn khôn, đã dạy dỗ nên người đều là những ân nhân tương tác. Được gói ghém trong 55 bài thơ, 36 tấm hình màu phong cảnh và các bản nhạc được phổ thơ của các thân hữu như bản Mẹ Hiền, Thuyền Em Trên Biển Đông, Sài Gòn Bản Tình Ca Muôn Đời…Cám ơn anh đã đem đến những hương vị ngọt ngào, tươi mát, trong sáng và tinh khôi bằng những trang thơ rất dễ thương, và sau cùng thêm lời cảm tạ:
“Hôm nay về giữa sáu mươi
Tạ ơn nhân thế tạ đời cưu mang
Quê hương còn lắm cơ hàn
Thơ xin nhận bớt đôi phần đắng cay…”

    Một tấm lòng rộng mở trang hoài niệm. Một lời cảm tạ đến tất cả những nhân duyên tác thành. Và xin nhận bớt những bất hạnh của mẹ cha và của quê hương dâu biển cuộc đời để tỏ lòng hiếu hạnh.
  
TRẦN ĐAN HÀ
*Báo Viên Giác Hannover, số 227, tháng 10.2018  

Freitag, 28. September 2018

MÁI ẤM TÌNH THƯƠNG

  Anh Tuấn & Mai Trâm và các con
    hàng trước: Alex áo xanh 
    
    Khoảng 12 giờ ngày 22.09.2018, ba anh em chúng tôi từ Mỹ và Áo về, cùng một người cháu ở Sài Gòn đã có cuộc viếng thăm chùa Linh Sơn ở số 43/20 đường Đoàn Như Hài, quận 4. Trong lần đầu tiên này mới biết Chùa còn một văn phòng nữa nằm ở mặt tiền chỉ cách chùa vài căn là Cơ Sở Bảo Trợ Xã Hội Tâm Đức. Tại đây, ở quày Reception chúng tôi đã được cô Thảo tiếp đón và nhận một số phẩm vật gồm 100 kg gạo, dầu ăn, bánh, sữa và tiền mặt do một cậu bé 9 tuổi tên Alex, là con út của đôi vợ chồng trẻ có bốn con trai hiện đang sống ở thành phố Houton, Texas mà chúng tôi đã thay mặt cháu để mang tặng các trẻ mồ côi đang được nhà Chùa nuôi dưỡng. Số tiền này Alex đã dành dụm bao lâu thì tôi không rõ, nhưng cả nhà ai cũng xúc động khi một đứa trẻ mới 9 tuổi được sinh ra ở Mỹ, nói chưa rành nhưng hiểu tiếng Việt đã có suy nghĩ thật lớn khi biết được những đứa trẻ mồ côi thiếu cả cha lẫn mẹ là điều bất hạnh nên cần phải giúp đỡ. Do đó vào ngày 20.9 cháu đã thưa với mẹ Mai Trâm:
  -Mấy hôm trước mẹ cho 10 đô thì con đã xài hết rồi, nay con muốn xin hết số tiền còn lại được không mẹ?
  -Được, nhưng mẹ muốn biết là con định làm gì một lúc với số tiền này?
  -Dạ, con muốn giúp trẻ mồ côi ở Việt Nam.
Trâm quá bất ngờ với ý định của con nên hỏi thêm:
  -Do đâu mà con biết về trẻ mồ côi ?
  -Dạ, con có biết…
  -Ok, mẹ sẽ điện cho bà ngoại giúp con.
  -Con cám ơn mẹ.
    Trâm cảm động ôm con rồi lập tức gọi cho bà ngoại Alex đang ở Việt nam trong chuyến về thăm mẹ đang nằm viện cùng với em gái cũng ở Houston và vợ chồng người chị ruột từ Áo về. 


    Ngay sau khi nhận cuộc gọi của Trâm, anh em chúng tôi lập tức lên mạng tìm kiếm thì mới biết ở Việt Nam hiện nay có khoảng 150.000 trẻ em mồ côi nhưng chỉ có gần 12.000 em được nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ Xã hội là các trại trẻ mồ côi, trẻ em tàn tật...và nhiều tổ chức tôn giáo cũng thành lập các cô nhi viện hoặc Mái Ấm Tình Thương như tên gọi của Cơ sở Bảo trợ Xã hội Tâm Đức, chùa Linh Sơn đã được chúng tôi chọn như là địa chỉ đầu tiên đến thăm viếng và tặng quà. Sau thủ tục ghi tên vào Sổ Vàng Công Đức (Golden Heart), chúng tôi được phép lên ba tầng lầu của cơ sở để tai nghe mắt thấy các cháu khi sắp đến giờ ngủ trưa.
    Ở lầu 1A là phòng của bé trai và bé gái. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là phòng ốc rất sạch sẽ, nền nhà được lót gạch bông bóng loáng, các cháu được chia hai dãy nằm quay đầu vào tường với gối ôm. Ở dãy bên trái thấy một bảo mẫu đang dỗ một lúc ba em bé nằm cạnh nhau, một cô khác đi lui đi tới kiểm tra, còn một vài cháu chưa ngủ nên quay qua quay lại nhìn khách đang đứng ngoài cửa. Cuối phòng có một vài tiếng trẻ khóc rất nhỏ lọt ra ngoài.
    Bước lên lầu hai chúng tôi nghe tiếng kinh vọng đến hành lang. Phòng 2A là của bé gái và trên lầu 3A là phòng bé trai, các cháu và hai bảo mẫu kẻ thức người ngủ trông rất trật tự và yên tĩnh. Cộng chung ba phòng có khoảng gần 60 cháu, mặc đồng phục trắng. Chúng tôi đứng nhìn trong chốc lát, chụp vài tấm hình rồi đi xuống.
    Khi chúng tôi trở lại tầng trệt thì cô Thảo đã chuẩn bị xong tấm thiệp ‘Sổ Vàng Công Đức’ trao cho bà ngoại Alex với lời cám ơn thân tình cùng vài câu chuyện thương tâm về không ít trường hợp những đứa trẻ vừa mở mắt chào đời đã mồ côi cha mẹ. Trong sự chăm chú lắng nghe, cô Thảo đã lấy khăn giấy cho ba vị nữ khách sắp nói lời từ biệt trong nước mắt hạnh phúc, khi đã thay cháu Alex góp thêm một bàn tay cho Mái Ấm Tình Thương, tuy thật nhỏ bé nhưng chan chứa tình người.

TRẰM SEN 
Sài Gòn, 28.09.2018     

Samstag, 1. September 2018

HUẾ BÂY CHỪ

Đại Nội, Huế - 13.08.2013

Huế bây chừ nhiều nắng hơn mưa
Kín ngõ thu sang buổi giao mùa
Đường qua Lê Lợi xưa Tôn nữ
Thấp thoáng em về ai đón đưa? 

Chưa nghe ai hỏi sao ta buồn
Vì răng đi biệt mà vẫn thương
Vẫn mang xứ Huế theo khắp chốn
Mang cả giai nhân với giảng đường.

Huế bây chừ lắm phố nhiều xe
Ta đứng trông theo áo lụa về
Bụi trần che khuất khung trời cũ
Ai nhớ cho mình những hàng me?

Chẳng có ai ngờ cánh phượng rơi
Là Huế trong ta đẹp tuyệt vời 
Nếu như cơn gió còn quay lại 
Mang cả mùa thu nhuộm đất trời.

Chẳng nghe ai nói Huế đổi thay
Dòng Hương vẫn ngủ giữa ban ngày
Ta về nghe lại chi mô rứa
Như mới hôm nào tay trong tay.

Huế bây chừ mưa nắng buồn vui
Áo tím ngày xưa mấy phương trời
Một mai sương khói không về nữa
Còn thiết tha chi những chuyện đời.

NGUYỄN SĨ LONG
Thành Nội, Huế - 01.9.2018

Montag, 27. August 2018

HAI NGƯỜI MẸ



  Mạ Tôi (Huế 2004)

    Chuyến bay của hãng Turkish Airlines đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất lúc 16:26 giờ ngày 12.08.2018, rất may mắn là không phải chờ lâu qua cổng Hải quan và nhận hành lý nên vợ chồng chúng tôi được các em nhanh chóng đón về nhà ở quận 6 và đã có mặt ở bệnh viện Nguyễn Trãi thăm người bệnh khoảng sau 18:30 giờ cùng ngày. Nếu so với những chuyến về thăm nhà nhiều năm trước thường là mùa hè, thì chuyến đi này rơi vào gần giữa tháng 8 với nhiều căng thẳng về sức khỏe của hai bà mẹ nên không thể đặt vé trước, vì ngày 01.08 tôi có hẹn ở bệnh viện Salzburg để phẫu thuật mắt và quan trọng nhất là me tôi (mẹ vợ, 86 tuổi) đã nhập viện trở lại hôm 24.06 với nhiều lo lắng vì bệnh tình không được tốt lắm, theo cách nói của gia đình bên nhà để trấn an những người ở xa. Do đó vợ tôi hằng ngày đều liên lạc thường xuyên để có thể bay về Sài gòn bất cứ lúc nào nếu nhận được tin xấu.
    Cũng may là hơn hai tháng trôi qua sức khỏe của me tôi có phần thuyên giảm nhưng chẳng khá hơn, dầu sao thì cũng đã yên tâm khi ngày hẹn 01.08 đã đến và ca phẫu thuật mắt vừa xong thì ngay tối hôm đó, con tôi đã đặt được hai vé của hãng Turkish Airlines, sẽ cất cánh từ Vienna ngày 11.08, đến Sài Gòn buổi chiều ngày hôm sau nên vừa đủ thì giờ để thăm mẹ và cũng là bà ngoại của các cháu ở nước ngoài không về được đang nằm điều trị trên giường bệnh. Thấy me nằm yên lặng không nhận ra con từ xa về trông thật đau lòng. Từ thuốc men, ăn uống đều có bác sĩ, y tá cùng các con trợ giúp và thay nhau túc trực ngày đêm tính đến nay trong hai lần nhập viện đã tròn ba tháng. Mới cách đây đúng ba năm, vợ chồng tôi cùng với Thúy, cô em vợ từ Houston về và con cháu trong nhà đã gọi xe cấp đưa me vô bệnh viện Nguyễn Trãi một lần vào ngày 30.07.2015, và đây là lần thứ hai sau một thời gian tạm ổn thì nay cơn đau đã trở lại nên sẽ được điều trị lâu hơn theo sự chẩn đoán của bác sĩ. Vợ chồng chúng tôi tuy chậm trễ nhưng vẫn còn kịp, nhất là vợ và hai cô em gái từ Houston cũng đã về, có thời gian cùng nhau chăm sóc mẹ già.

  Me Tôi (Sài Gòn 1999) 

    Tôi quen biết gia đình bên vợ qua một người bạn từ đầu năm 1976, ba me vợ tôi hồi đó còn trẻ lắm so với tuổi tác nên chúng tôi gọi nhau là anh em. Anh cũng là người Huế, chị quê ở Quảng Nam về làm dâu làng Truồi, Phú Lộc, cách Huế ba mươi cây số, sinh hạ được mười người con, năm trai năm gái. Sau một thời gian đến chơi và thăm viếng như một người khách rồi thân tình như người trong gia đình. Thời gian đó tôi là gã độc thân xa nhà lỡ vận, thỉnh thoảng những lần đi chơi về khuya vì nhà ở Tân Việt (đối diện trại Hoàng Hoa Thám) xa nên ghé anh chị ở lại qua đêm. Hai anh em ngủ ở phòng sau trên lầu một, sáng sớm mở radio thật nhỏ nghe lén đài BBC Luân Đôn, và mười lần như một vào buổi sáng, lúc nào chị cũng mua cho tôi một tô bún, một ly cà phê trước khi về nhà. Cùng năm đó Sương Mai, người con gái thứ hai của anh chị 20 tuổi, trước 1975 làm việc ở Cục Tâm Lý Chiến, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị được ba năm thì Sài Gòn sụp đổ cùng lúc mất việc làm. Trong số anh em trong nhà thì Sương Mai không ham vui tụ tập bè bạn, ít ra đường, giúp mẹ việc nhà, thích đọc truyện, hát hay, sau nữa là rất hiếu thảo với cha mẹ.
    Mùa xuân năm 1977 Sương Mai lên bến xe Ngã Bảy tiễn tôi về Huế, mở đầu một chuyện tình được hai bên gia đình công nhận và lễ Thành Hôn có mạ tôi ngoài Huế vô tham dự, được tổ chức vào dịp Giáng Sinh 25.12.1977. Khi chúng tôi chuyển về nhà mới ở Phú Nhuận, chỉ cách nhà me chừng trăm mét thì danh tính những đứa con của ba me được nối dài thêm khi vài đứa em tôi từ Huế vào Sài Gòn để học hành hay tìm việc làm đều được ba me thương mến, đùm bọc và xem như những người con của mình, trong đó có người em thứ năm tên Khánh, từ đó tới nay vẫn thường xuyên lui tới thăm viếng hay khi me đau yếu đều có mặt để cùng lo lắng không khác gì con ruột suốt ba mươi năm qua từ khi tôi ra nước ngoài năm 1987. Sở dĩ tôi dông dài như thế là để nói lên một điều: me tôi là một người mẹ có trái tim nhân hậu, bao dung và rộng rãi nên dù bao năm cách trở tôi vẫn thương kính như mạ tôi ở Huế. Đó là hai người mẹ của đời tôi vậy.
    Tôi chỉ có được bốn buổi chiều vào bệnh viện thăm me trước khi về Huế trưa ngày 16.08.2018. Nhà trông vắng vẻ, chỉ có Việt ở nhà. Cửa phòng mạ hé mở nhưng không nhận ra con khi tôi đến gần. Như để nhìn cho rõ, mạ đưa một bàn tay che mắt nhìn tôi chừng vài giây:-Ai rứa? -Dạ con, Long. Mạ hỏi lại:-Ai? Việt đứng gần la lớn vì mạ bị lãng tai:-Anh Long! Lần này mạ nghe được, thân thể mạ yếu đuối nhưng đôi tay mạnh mẽ ôm chặt đứa con trai và khóc lớn ngon lành như chưa từng thấy. Tôi ôm mái đầu bạc sợi ngắn sợi dài rồi lần xuống đôi vai gầy guộc thảm thương. Mạ ốm nhiều, đượm nét buồn. Có ai biết trời Huế đang nắng nhưng mẹ con tôi ngập giữa cơn mưa tháng tám?
    Tôi dìu mạ ra ngồi ở phòng khách rồi cùng em trai soạn hoa quả và vài hộp bánh mang từ Áo về đặt trên bàn thờ. Ba tôi mất ở tuổi 71, vậy là đã hai mươi hai năm qua rồi. Mai đây khi mạ ra đi, chẳng biết mắt ba còn đủ sáng để nhận ra người bạn đời trẻ đẹp năm xưa, hay chỉ đứng trông theo cuối nẻo đường tình ngàn thu vĩnh biệt?
    Tôi trở lại ngồi bên mạ, khác những năm trước về thăm, lần này mạ chẳng thích gì nữa, kể cả những tờ Euro còn mới tinh như mỗi lần thích đếm, lật qua lật lại nhìn tới nhìn lui, nhưng giờ chẳng thiết tha: -'Mạ có ăn xài chi mô mà con lo'. Tôi lấy cuốn Album ra tìm hình cho mạ coi, mạ vẫn còn nhớ con dâu, nhớ hai đứa cháu gái sinh ở Sài Gòn, nhưng đến đứa cháu trai út sinh bên Áo nay đã hai mươi ba tuổi thì mạ xem hơi lâu rồi mỉm miệng cười:-Đẹp trai hí.


    Thấy mẹ vui tôi mở túi xách lấy một gói quà nhỏ như bao thư viết độc nhất một chữ hoa: MẠ. Mạ nhìn tôi rồi mở gói quà, mắt mạ như sáng lên khi thấy hình người mẹ bồng con, tôi chỉ vào hình người mẹ thì mạ trả lời -Mạ, tôi chỉ vào hình baby thì mạ nói lớn: -Sĩ Long. Tôi vui quá kéo ngón tay xuống hàng dưới cùng, mạ đọc nhanh mà không suy nghĩ: -Mẹ Hiền. 
    Tôi ôm mạ nghẹn ngào nước mắt. Nhớ khi lên máy bay từ Vienna đến Istanbul rồi Sài Gòn ra Huế, tôi không nghĩ và chờ đợi điều gì khác ngoài giây phút hạnh phúc này.

NSL 
Thành Nội, Huế - 27.08.2018