Samstag, 16. Juli 2016

NHÌN LẠI NHAU



Bốn mươi năm tình lỡ
Nhìn lại nhau như mơ
Những tấm hình em gởi
Ôi xiết bao bất ngờ.

Nhớ ngày xa xưa ấy
Cuộc tình trong phút giây
Tưởng chừng như cơn bão
Xua tan những lâu đài.

Một lần ngồi trước biển
Sóng xô cuộc đời nhau
Chiều vương trên môi lạnh
Tình xa đến bạc đầu.

Bốn mươi năm nhìn lại
Tháng ngày ngỡ phôi phai
Người về trong ký ức
Nghe rộn ràng quanh đây.

Em như vẫn hồn nhiên
Vẫn bờ môi dịu hiền
Bên vườn hoa xuân thắm
Để quên đi muộn phiền ?

Tình cờ nhận ra nhau
Mái tóc đã thay màu
Nụ hôn xưa còn nhớ
Để làm quà kiếp sau.

Lỡ mai kia gặp lại
Anh xin nắm bàn tay
Ấm bài thơ viết vội
Dẫu cho tình nhạt phai.
  
NGUYỄN SĨ LONG 
Sbg, 11.02.2015

Mittwoch, 13. Juli 2016

HOA MUỐI

hoa muối (Ảnh Internet)

Khi mô em về Huế
Nhớ chọn những ngày xuân
Sau mai vàng đua nở
Còn hoa muối thơm lừng

Hoa điểm màu trăng lạnh
Từng búp nhỏ mong manh
Sương đêm vừa say ngủ
Hoa tung cánh yên lành

Biết bao lần anh đã
Thơ thẩn dưới tàng cây
Trăng khuya ngàn hoa nở
Hương thơm đến cuối ngày

Mùa hoa muối nở đầy
Em còn tuổi thơ ngây
Gót chân son mềm mại
Lạc giữa trời hoa bay

Bên hàng cây đến lớp
Hàng vạn bước chân qua
Bao nhiêu tà áo lụa
Bấy nhiêu nét mặn mà

Ngày xưa nhìn hoa nở
Tưởng mùa xuân không tàn
Vàng thu từ đâu lại
Hoa nào chẳng ly tan

Em như dòng suối bạc
Giữ nắng dùm bình minh
Anh tựa hòn đá lạc
Giữa vô thường lặng thinh

Mai em về lại Huế
Anh làm chim gọi đàn
Hái một chùm hoa muối
Nhớ những lần xuân sang.

NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, 22.10.2015

MÙA THI



Đường Lê Lợi, Huế

Giấc ngủ trưa bỏ quên trong đại nội

Với chồng cours dày cộm mấy năm rồi

Ai quên hẹn để ai thầm nhớ trộm

Một chiếc răng hơi khểnh lúc ai cười.

 

Nhớ con đường từ nhà qua Lê Lợi

Hàng cây nghiêng che kín những trưa hè

Ngõ trường Luật thả chân về Tổng Hội

Ly cà phê thơm ngát với bạn bè.

 

Tà áo nào đã bay ngang Thành Nội

Bận lòng anh mùa thi cử gần kề

Sẽ có thằng ở lại, thằng đi lính

Và có thằng tình phụ đến hôn mê.

 

Có những cơn mưa giữa ngày mùa hạ

Lối em về hoa phượng rụng đầy tay

Đừng để lại chút môi hồng nắng nhạt

Rồi phiêu du trong nỗi nhớ vơi đầy.

 

Mùa thi chưa qua giảng đường vắng vẻ

Áo nhà binh thấm đẫm giọt mồ hôi

Chàng sinh viên mới năm nào non trẻ

Nay băng rừng, mai lội suối xa xôi.

 

Rời cuộc chia tay chồng cours trĩu nặng

Mùa thi sang nghe hoang vắng chân người

Dòng Hương xưa vẫn ngàn đời câm lặng

Làm chứng nhân cho bao cuộc đổi dời.

 

Ngày trở lại cây đa già thấm mệt

Màu vôi phai không dấu được ngậm ngùi 

Sân trường cũ thắm tươi tình thầy bạn

Hội ngộ nào không xây lại niềm vui?

 

NGUYỄN SĨ LONG

1.7.2015

Sonntag, 3. Juli 2016

TRƯỚC MŨI THUYỀN



    Sau bữa ăn tối, cả nhà đang chuyện trò vui vẻ thì Lân đứng dậy tìm túi xách loay hoay thu xếp đồ đạc rồi nói với ba mình:
    -Ba à, mai con đi công tác hai ngày ở Cần Thơ. Khi con về sẽ đưa ba đi chơi và thăm vài gia đình bà con nghe.
    -Con cứ lo công việc, ba ở chừng một tuần thôi rồi về, ngoài nhà còn nhiều việc lắm.
    -Dạ, khi mô nhớ mạ thì ba về.
    Lân thấy nghèn nghẹn trong cổ khi chưa biết những gì sẽ xảy ra trong chuyến đi vào ngày mai mà không thể nói cho ba mình biết. Có thể sẽ trở về như những lần trước hay đi ‘lọt’ mà không có tin tức gì cho gia đình lo lắng thì cũng không ổn khi đang có ông nội vào thăm con cháu.
    Chỉ trong vòng hai tháng, đây là lần thứ ba Lân về Cần Thơ trong đường dây của chị Cúc sau khi hai vợ chồng quyết định bán căn nhà ở Phú Nhuận để tính chuyện đi xa. Lân chưa từ bỏ ý định vượt biển dù nay đã có gia đình vợ và hai con cùng với công ăn việc làm, nhà cửa ổn định và có một điều quan trọng là vốn liếng đang hẹp dần khi mà những năm vừa qua cứ mỗi lần lên xe xuống tàu cũng phải mất một hai chỉ vàng gọi là lộ phí. Từ năm 1976 cho đến nay Lân đã tham gia cùng bạn bè tổ chức hay đi theo các đường dây ngay tại Sài gòn hay về miền Tây. Nhớ hồi đó khi còn ở khu Bảy Hiền đã một lần ra Huế, để nhà cửa cho bạn bè ở rồi lại trở vô. Khi có gia đình đã cùng vợ mới cưới ra Phan Thiết một lần nhưng cũng bất thành. Một lần khác bên Phú Xuân đi cùng với anh Sĩ quan Đại úy xóm giềng sau lưng nhà đã chạy bỏ của lấy người, nhảy tàu vượt cạn qua sông, đi xích lô về nhà mới biết là chân không còn đôi dép.
    Chuyến đi lần này Lân có nhận lời dẫn theo hai đứa con của cặp vợ chồng môi giới, anh chị này cũng là người Huế, chủ tiệm vàng ở gần chợ Trương Minh Giảng. Ba chú cháu phó thác cho đệnh mệnh vì chẳng ai biết bơi cả, mà dù có biết bơi đi chăng nữa khi ra giữa biển trời mênh mông nếu gặp bão lớn, cướp biển hay hải tặc thì cũng chết.
    Năm giờ sáng bốn người trong nhóm hẹn nhau ở Ngã Bảy, địa điểm đón xe như hai lần trước, đến Cần Thơ lại một lần nữa sắp gặp dì Tư tốt bụng đã hai lần ‘nhốt gà và cho gà ăn no đủ’ thuộc nhóm Sài Gòn nhưng đã phải trở về. Vừa vào nhà thấy dì Tư đã dọn bàn cho bữa cơm trưa. Dì Tư nói rất nhỏ cho mọi người vừa đủ nghe để yên tâm:
    -Cô Ba cho biết là nhóm mình tối nay được bốc ưu tiên, dì Tư bảo đảm đây là lần cuối đón các cháu.
    -Dạ cám ơn dì Tư, tụi cháu cũng mong được như vậy.
    Từ bốn giờ chiều nhóm Sài gòn đã đi theo người hướng dẫn để xuống đò khách ở bến Ninh Kiều, đò chạy chừng hai mươi phút ‘đàn gà con’ lại xuống bến đi đến một địa điểm khác để nhốt một lần nữa trước khi lên ‘cá nhỏ’ mà chẳng biết sẽ đợi bao lâu.
    Rồi giờ G cũng đã điểm, tất cả có sáu người lần lượt xuống ‘cá nhỏ’ chèo đi trong đêm gần cả tiếng đồng hồ mới đến ‘cá lớn’. Cũng may là trót lọt không có ai bị rớt xuống sông khi cá lớn há mồm để gà mẹ hay gà con đều nhảy lên được từ hai phía. Lân đẩy hai đứa cháu lên trước vào cá lớn xong thì mới lo cho mình. Người lái cá nhỏ giúp mọi người rất chuyên nghiệp, nhờ vậy người và đồ đạc được nhanh chóng và an toàn.
    Chẳng biết lúc nào tàu đã ra biển nhưng chừng giữa đêm có người đi thu giấy mật mã, đây chỉ là tín hiệu đầu tiên báo cho thân nhân biết để yên lòng là tàu đã ra khỏi cửa biển an toàn.
    Đêm đầu tiên bình an vô sự. Vài cánh chim lạc đàn trong ánh bình minh mát dịu, biển lặng như tấm thảm nhung đậm màu dưới nắng hồng ban mai. Chim bay về đâu, không biết. Quê hương ta đâu, không thấy. Lân nghe nhói trong tim mình khi nhớ ra đã hơn mười năm qua vẫn một lòng kiên quyết ra đi như muốn trốn chạy quê hương dù biết sẽ đánh đổi cá tính mạng nhưng vẫn chưa hề từ bỏ giấc mơ. Bây giờ đây chỉ vỏn vẹn chưa đầy một ngày khi thuyền rời bến mà lòng chàng đã cảm thấy bồn chồn khó tả, nhớ như in hai khuôn mặt mỹ miều của hai nàng công chúa thương yêu, nhớ đến người vợ vì quá thương chồng và chìu chồng nên đã không ngại chìa một bàn tay để tham gia vào canh bạc mà không bao giờ dám nghĩ đến phần thắng. Lân biết mình đang khóc mà không ngăn nỗi khi thấu hiểu được tấm lòng của người vợ hiền.
    Bước sang ngày thứ ba vào khoảng ba giờ chiều từ đường chân trời phía trước thấy thấp thoáng vài chiếc rồi hàng chục chiếc tàu nhấp nhô và lớn dần. Mọi con mắt hướng về đủ bốn phía để xem. Đa số ai cũng im lặng để quan sát thì một trong số các anh lái thuyền nói đó là tàu cá Thái Lan.
    Đi giữa biển trời bao la mới thấy mình nhỏ bé và chiếc tàu vượt biển đơn độc giữa hàng chục chiếc tàu lớn cá thấy mà rùng mình nếu ai đó có mặt trong chuyến đi này đã từng nghe qua "chuyện dài hải tặc Thái Lan" thì chắc không tránh khỏi động tâm.
    Nhưng bao nghi ngờ về mặt trái của những chiếc tàu cá tiêu tan khi họ cho một ít thực phẩm, cá, nước và dầu. Trong thời gian được tàu Thái tiếp tế một số người hớn hở ra mặt nhưng cũng có một số e dè cho đến khi buổi chiều chưa tan trên biển thì cuộc hành trình lại tiếp tục. Nhìn lại phía sau những chiếc tàu cá giờ đây chỉ còn là những chấm đen khi ẩn khi hiện trong buổi hoàng hôn thật đẹp. Ngắm cảnh trong giây phút này mới biết thiên nhiên đôi lúc đã khiến cho ta phải yếu lòng giữa vẻ đẹp thật hoang vu man dại và lạnh lùng.
    Hoàng hôn rồi cũng đi để nhường cho màn đêm bắt đầu xuống. Lúc đó khoảng gần bảy giờ tối thì nghe có tiếng máy tàu và nước vỗ lao xao. Đột nhiên mọi người nhìn thấy có tàu ép sát (lúc đó không biết mấy chiếc) và hai ngư dân Thái bước lên trước mũi và một người bên hông. Cả tàu đứng tim, mọi người hình như đều đã biết được số phận mình nên hình như đã ngồi chết trân tại chỗ và mắt thì không rời ba người đàn ông lực lưỡng, ở trần chỉ mặc quần cụt đang bước xuống lòng tàu. Riêng Lân chỉ chừng cách đây mấy tiếng đồng hồ thôi khi đứng ngắm biển chiều đã có phút giây tiếc là đã không mang con gái đầu lòng theo và bây giờ trong giây phút tử sinh này lại thấy mừng khi có lẽ cái chết nếu đến thì sẽ không có đứa con thương yêu bên mình. Nhưng thật ra đó là những suy nghĩ nhanh chóng trong đau đớn khi cái chết đang được báo trước mà vợ con thì chẳng hay biết gì. Chẳng có chút gì sợ hãi, Lân khép mắt lại bình tĩnh niệm Quan Âm Cứu Khổ Cứu Nạn và cố ngăn những giọt nước mắt chực trào khi nghĩ đến những người thân yêu trong gia đình.
    Việc xảy ra chỉ hơn một năm trước đây thôi khi cuộc sống đang phẳng lặng thì một hôm Lân bàn với vợ:
    -Em à, khi chiều anh gặp chị Cúc, chị nói có đường dây đi ở Cần Thơ rất bảo đảm, chị đã đưa được nhiều chuyến rồi.
    -Chị kêu giá bao nhiêu vậy anh?
    -Bốn cây.
    -Mình làm gì có đủ mà anh tính, em thấy thật là ngoài sức của mình.
    Lân muốn nói ý định của mình mà không nói được vì quả thật là khó khăn để thuyết phục vợ tham gia một ván bài mà chín mươi phần trăm chưa đặt tiền thì đã thấy thua. Lân chưa sắp đặt xong câu nói của mình thì vợ tiếp lời :
    -Anh đã đi nhiều chuyến rồi rất may là không bị bắt mà cũng đã tốn nhiều tiền, anh nghĩ bây giờ chạy tiền ở đâu mà tính chuyện đi ?
    Mừng vì vợ vô tình nói thay điều mình suy nghĩ nên Lân tiếp lời:
    -Vợ chồng mình giờ chỉ có căn nhà vừa là tài sản vừa là vốn liếng. Anh muốn lấy nguồn vốn này đi buôn một chuyến.
    -Anh đang nói chuyện đi đứng, bây giờ chuyển qua đi buôn, em không hiểu.
    Lân hạ giọng: -Anh biết nói điều này sẽ làm cho em khó nghĩ, ý anh là chỉ còn cách bán nhà thì mới có tiền để đi, không đi được thì có vốn để làm ăn buôn bán.
    -Rồi mình ở đâu ?
    -Nhà thuê thì ở đâu mà không có, em đừng lo.
    Tháng 10.1986 gia đình bốn người và chú em trai dọn vô căn nhà thuê ở gần khu chợ Kiến Thiết, Phú Nhuận không xa nhà ông bà nhạc cho lắm, thỉnh thoảng vẫn qua lại bình thường và em út trong nhà chẳng có ai thắc mắc vì sao lại bán nhà rồi đi ở nhà thuê.
    Trong mấy ngày nay đang chuẩn bị đi thì ba của Lân vào Sài gòn. Vui vì có Nội vô thăm các cháu nhưng vừa buồn vừa lo vì không biết có nên tâm sự với ba hay im lặng. Lân vừa gặp được ba mình chỉ mới hai ngày và cho đến hôm nay ông vẫn nghĩ là Lân đi công tác, chứ đâu có ngờ…bây giờ Lân đang có mặt trong 'canh bạc' khi nghe tiếng chân người xào xạc. Qua ánh đèn pin le lói Lân thấy người đàn ông đi tới trong tay cầm chiếc nón lá lật ngửa để mọi người bỏ tiền, vàng hay bất cứ những gì mình có vào đó. Một tên thì cầm đèn pin đi theo, còn tên thứ ba thì đứng nhìn như để đề phòng nếu có lộn xộn. Tên cầm nón chỉ chiếc đồng hồ Lân đang mang trên tay, hắn cười khi thấy chiếc đồng hồ được bỏ vào nón. May quá không ai bị lục soát hay trấn lột. Hình như cả ba tên cướp có vẻ như vội vàng và không có dấu hiệu sẽ giở trò gì khác.Tên cầm nón đi trở lại cho đến khi thấy không còn ai góp nữa thì cả ba tên rút lui nhanh chóng từ phía mũi thuyền, tính chung thời gian 'quyên góp' khoảng chừng mười phút. Mọi người nhìn nhau thở phào thoát chết kỳ diệu, đối tượng chính là các cô các bà một số đã nhanh nhẹn khi thấy hải tặc lên tàu đã quẹt tay chung quanh phuy dầu rồi bôi lên mặt cho lem luốc, xấu xí để mong đánh lừa hải tặc mà họ đã từng nghe trong những chuyện dài vượt biển.
    Con tàu vẫn lầm lũi đi trong đêm, có người ngủ kẻ thức nhưng ai cũng nghĩ rằng số phận của mọi người trên tàu không có gì bảo đảm vì bọn hải tặc thuộc những chiếc tàu khác có thể trở lại cướp bóc nhiều lần, bắt bớ như nhiều chuyến đi đã từng gặp.
    Lân và hai người cháu khi lên tàu đã ngồi phía sau, gần các phuy dầu, chỗ này có vẻ kín đáo nên một vài người phái nữ lại xê dịch đến đây để đề phòng thảm họa, có người tìm đồ ăn vội vài miếng rồi nằm nghiêng ngửa bên nhau. Thấy hai cháu vẫn còn cảm giác lo sợ, đã ba ngày không nghe nói nửa lời. Lân an ủi:
    -Ăn một chút gì rồi nằm ngủ. Chú nghĩ là mình đã chạy khá xa khu vực có tàu đánh cá rồi, họ không trở lại nữa đâu, đừng sợ…
    Bao điều suy nghĩ miên man trong đêm tối như hòa chung nỗi thao thức của sóng nước dập dồn bên ngoài và rồi Lân chợp mắt lúc nào không hay, lâu lâu cũng mơ mơ màng màng nghe tiếng thì thầm của vài người xung quanh trong cơn mê ngủ nhưng vẫn lo đề phòng trước những nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
    Chẳng biết đã thiếp đi bao lâu nhưng bất chợt Lân dụi mắt, xa xa trong tầm nhìn phía trước khi Lân đang mắt nhắm mắt mở thì thấy một vầng hào quang đang lơ lửng trên bầu trời đêm và nhấp nhô phía trước mũi thuyền. Lân nhẹ nhàng ngồi dậy, nhắm, dụi rồi lại mở mắt ra. Mọi người đều ngủ và chỉ nghe tiếng máy cùng con  tàu  vẫn  chạy  trong  đêm  tối và  lần này cũng lại thấy bóng hình như Đức Phật Quán Thế Âm trong vòng hào quang lúc nãy giữa một vùng trắng ảo lung linh trước mũi thuyền.
    Bây giờ Lân mới thấy tỉnh táo để cảm nhận sự việc với một điều chắc chắn là mình không hề nằm mơ, dụi mắt ba bốn lần nhưng vẫn thấy hình bóng ấy trông rất quen thuộc như đang ở nhà mỗi chiều tối thắp nhang bàn Phật. Không còn đồng hồ để xem giờ nhưng tin rằng lúc này con tàu đã thoát nạn, chàng lại đi vào giấc ngủ với cảm giác an tâm nghĩ đến Mẹ Cứu Khổ Cứu Nạn chắc vẫn còn đâu đây để chở che con tàu đang rẽ sóng cho đến khi nghe tiếng ồn ào từ loa phóng thanh dội vào thì đã 6 giờ sáng.
    -Tàu Pháp! tàu Pháp! Mọi người la lên trong niềm vui mừng tột cùng khi chiếc tàu hải quân Pháp chạy thật chậm vài vòng trước khi ném dây kéo về phía chiếc thuyền vượt biển. Một người sau lưng Lân nói lớn:- Đây là một trong những chiếc tàu ra biển vớt người tỵ nạn của tổ chức Cap Anamur, tôi nghĩ là cũng nhờ đoàn tàu này hiện diện trên Biển Đông cho nên tối hôm qua tàu mình mới thoát chết.
    Một người khác tiếp lời:
    -Anh nói đúng như suy nghĩ của tôi, hôm qua tôi thấy ba tên cướp rất là vội vàng hẳn là có lý do.
    Lại nghe từ loa phóng thanh:
   -Xin đồng bào giữ trật tự, không chen lấn và hãy yên tâm chúng tôi sẽ đưa tất cả mọi người lên tàu lớn, người già em bé và phụ nữ lên trước, xin quý ông vui lòng lên sau.
   Thang dây từ trên cao được thả xuống, mọi người tuần tự kẻ trước người sau leo lên với sự trợ giúp của những người lính hải quân trên tàu La Moqueuse. Có người nói đùa hôm nay cả tàu đếm được 103 thuyền nhân đã leo lên thiên đường, tuyệt đẹp và hồi hộp đến rơi nước mắt không khác gì một đoạn phim đến hồi gay cấn.
   Lân bước chậm về khu nhà tắm sau khi nhận đồ dùng cá nhân. Chàng nhớ đến người vợ đang chờ tin chồng và nghĩ là canh bạc chỉ vừa mới bắt đầu vì ở đâu đó vẫn còn biết bao nhiêu người đang đem sinh mạng mình để mặc cả với rủi may. Cầu cho họ thấy được chút ánh sáng trước mũi thuyền trong đêm tối để vẫn còn cơ hội đi về miền đất hứa đang chờ đón họ ở phía mặt trời mọc.

MINH HƯNG NSL
Salzburg, 4.2014

Samstag, 2. Juli 2016

NHƯ MỘT LỜI TRI ÂN

    
   Vào tuần cuối cùng của tháng 11 năm 2014 con gái tôi gởi mấy dòng tin nhắn viết rằng : “con thật xúc động khi vừa đọc bài viết của ba trên báo, giờ con mới biết là chuyến đi này quá nguy hiểm và nghĩ dại là nếu không nhờ tàu cứu thì chẳng biết ba sẽ ra sao?”
    Ngày đó...lâu lắm rồi tôi về Cần Thơ, xuống thuyền ở bến Ninh Kiều trong chuyến vượt biển cuối cùng sau khi gởi lại Sài Gòn người bạn đời và hai cô con gái. Cháu đầu lòng 8 tuổi và cháu thứ hai 4 tuổi. Chuyến đi thật may mắn chỉ sau ba đêm bốn ngày dù bị hải tặc cướp nhưng đã được tàu Cap Anamur vớt trên Biển Đông.
    Tôi hơi ngạc nhiên vì báo đã ra mắt được sáu tháng rồi vậy mà đến giờ này con tôi mới đọc xong. Đây là tờ kỷ yếu của nhóm bạn học cũ mà tôi là một thành viên. Sau tháng 4.1975 bạn bè cũng tan hàng, có kẻ ra đi và cũng có người ở lại nhưng mãi cho đến năm 2013 mới tìm được nhau qua Email. Dù chưa được trọn vẹn nhưng niềm vui hội ngộ qua thư từ và hình ảnh cũng là dịp để ôn lại những kỷ niệm buồn vui cùng những thăng trầm nghiệt ngã, trong đó có bài viết về chuyến vượt biển mà nội dung câu chuyện đã gần ba mươi năm tôi chưa từng kể chi tiết cho ai nghe, và cũng chính sự bất ngờ đó đã gây ấn tượng cho con gái tôi về sự nguy hiểm đến tính mạng của biết bao nhiêu người trên chiếc thuyền nhỏ bé và sau nữa là sự xuất hiện của chiếc tàu Cap Anamur đã cứu thoát hàng ngàn sinh mệnh trên con đường vượt biển.
    Nghe con bày tỏ cảm xúc và có sự lưu tâm nên tôi cũng có phần cảm động xen lẫn với niềm vui, bởi vì sau gần bốn năm cha con xa cách, đến năm tám tuổi cháu mới được đoàn tụ trên đất khách quê người. Tuy lớn lên và được giáo dục trong nền văn hóa mới nhưng tình cảm gia đình cũng đã bộc lộ rõ nét để chuyên chở niềm rung động trước những hiểm nguy hoặc khó khăn cùng sự tương trợ của tha nhân đã khiến cho cô bé không dừng ở đó khi gọi cho tôi và nói rằng: “mấy hôm nay con đã tìm hiểu thêm về tổ chức Cap Anamur và Hội Mũ Xanh, nay tuy họ không còn cho tàu ra biển nữa nhưng vẫn còn hoạt động cứu trợ nhân đạo đến các quốc gia nghèo đói hay chiến tranh như tại Châu Phi, Trung Đông hay Châu Á. Con sẽ gởi ủng hộ một chút gì như là để cám ơn họ đã cứu ba”.
    Nghe con nói tới đây tôi không cầm được nước mắt nhưng trong lòng cảm thấy có một điều gì đó vui vui.
    Cũng nên nhắc lại buổi chiều hoàng hôn trên Biển Đông trước khi được tàu vớt vào sáng hôm sau. Lúc đó tuy trời vừa tối nhưng nhờ ánh đèn pin nên tôi vẫn còn nhìn được những khuôn mặt tái xanh khi thấy ba tên hải tặc to con bước xuống lòng thuyền. Tôi nghĩ là trong giây phút ấy ai cũng biết là mình khó mà sống sót nhưng đâu có ngờ rằng rạng sáng hôm sau cả hơn một trăm con người nhỏ bé trên đại dương mênh mông vẫn còn đang run sợ trong chiếc thuyền bé nhỏ thì bỗng nhiên như được tái sinh khi một chiếc tàu ‘vĩ đại' sừng sững trước mũi thuyền đã mang họ trở về lại trần gian.
    Hôm đó là ngày 30.05.1987. Buổi sáng mát rượi, biển lặng và không lạnh lùng như hôm qua, đường chân trời hiền hòa và thân thiện như những chàng thủy thủ và thuyền nhân gởi gắm những nụ cười hay ánh mắt biết ơn thật đẹp để rồi khoảng 9 giờ sáng, họ cùng đứng bên nhau nhìn chiếc thuyền vượt biển đang được các thủy thủ đốt cháy trước khi tiếp tục cuộc hành trình mang theo 103 thuyền nhân mà sau khi nhập trại tỵ nạn Palawan, Philippines được gọi là Group 103/642 Cap Anamur 3.
    Sau khi chờ những đốm lửa cuối cùng đưa xác con thuyền chìm dưới đại dương cũng là lúc chiếc La Moqueuse lại lên đường. Tôi không nhớ rõ là đến ngày thứ mấy trên chuyến hải hành đó, đã có một buổi chiều cho đến tối nhiều chiếc tàu đã diễn ra một cuộc “tập trận chung” trên biển để chuyển giao nhiều nhóm thuyền nhân từ các con tàu khác sang tàu mẹ. Nếu nhớ không lầm thì đó là chiếc Rose Schiaffino cập bến cảng Palawan vào ngày 06 tháng 6.1987.
    Hôm từ cảng được xe đưa về Barrack nhập trại, nếu lòng ai không vướng bận những chuyện buồn lo hay nhớ nhà thì có thể nhận ra ngay: đây là một điểm hẹn chờ xe buýt đến đón khách đi hành hương chứ không phải là một trại tỵ nạn. Những tiếng cười nói gọi nhau ơi ới. Thuốc, nước mời nhau thân tình. Những nhóm người tấp đảo hoặc được tàu Cap vớt trong những chuyến trước thì nay ra cổng tìm thân nhân hoặc bè bạn trong chuyến sau nên không khí rất nhộn nhịp làm những người mới đến cũng thấy an tâm và vui lây. Riêng tôi niềm vui ấy sẽ được nhân lên gấp bội vì trong chốc lát nữa đây sau khi những thủ tục nhập trại hoàn tất tôi sẽ đi gởi điện về nhà. Tôi không thể tưởng tượng được vợ con và gia đình tôi sẽ vui sướng đến mức nào?
    Bức điện tín về đến Sài Gòn đúng hai tuần kể từ khi tôi ra đi. Nhận được tin tôi, người khóc nhiều nhất là cô bé 4 tuổi sau khi nghe mẹ nói là ba còn đi lâu lắm chưa biết ngày nào về. Có lẽ cô bé vẫn còn ký ức tiềm ẩn đâu đó về lần ra đi của người cha thuở nào cho nên vào cuối năm 2014 khi đọc bài Trước Mũi Thuyền là lúc cô đã ba mươi rồi mà cũng khóc như thuở còn thơ dại.
    Và không lâu sau cuộc gọi lần trước, tôi nhận được một Email ngắn gọn: “Dạ, ba nè, con gởi cho ba thấy để ba đừng nghĩ là con quên!” và kèm theo một phiếu chuyển 100 Euro vào tài khoản: Cap Anamur/Deutsche Not Ärzte e. V. vào ngày 03.12 2014.
    Trong khoảng thời gian nhà tôi ở Sài Gòn nhận được điện tín từ Philippines thì ở trại Palawan cũng sôi nổi với những bức điện được đánh đi từ thân nhân bên Pháp chỉ với một lời khuyên ngắn ngủi : đừng đi Pháp ! Có bao nhiêu người ghi tên đi Pháp thì tôi không rõ nhưng đã có khoảng trên 200 thuyền nhân được tàu đưa về Âu châu, ghé Pháp trước khi cập cảng Hamburg, Đức.
    Thời gian sau này nếu có ai đó nhắc đến thành phố Hannover thì người ta sẽ nghĩ ngay đến chùa Viên Giác Hannover. Thành phố Hamburg cũng vậy, đã trở nên nổi tiếng với người Việt tỵ nạn nhờ con tàu Cap Anamur do Tiến sĩ Rupert Neudeck sáng lập để cứu người vượt biển từ chuyến đầu tiên vào tháng 8.1979 cho đến chuyến cuối cùng tháng 7.1987 đã vớt được 11.300 thuyền nhân trên Biển Đông.
    Rất tiếc là trong ngày Lễ kỷ niệm 35 năm Cap Anamur được tổ chức vào ngày 09.08.2014 tại cảng Hamburg tôi không có mặt nên đã lỡ một cơ hội được tai nghe mắt thấy những yếu nhân và đồng bào tỵ nạn khắp nơi về tham dự, đặc biệt trong đó có anh Nguyễn Hữu Huấn vừa là một thành viên và cũng là đồng trưởng ban tổ chức đại hội mà chúng tôi, những người vừa nhập trại, đã có dịp trò chuyện cùng anh một lần trước sân trại tỵ nạn Palawan vào tháng 6.1987.
    Nhân nhắc lại chuyến đi gần ba mươi năm trước, tôi xin góp thêm một lời tri ân đến Ông Bà Tiến sĩ Rupert Neudeck, đến tất cả thành viên của Ủy ban Cap Anamur, đến chính quyền và người dân Đức, cùng nhiều cá nhân và đoàn thể trên thế giới đã hưởng ứng nồng nhiệt lời kêu gọi “Một Con Tàu Cho Việt Nam”, nhờ vậy mà Ủy ban Cap Anamur mới có đủ sức mạnh về tài lực để đẩy con tàu Cap Anamur ra khơi làm vang dội thế giới với tấm lòng bao la như Thái Bình Dương, nơi mà nhiều thế hệ thuyền nhân Việt Nam sẽ còn nhớ mãi với tất cả tấm lòng kính mến và biết ơn.
 
NGUYỄN SĨ LONG
20.02.2016

MÙA XUÂN TRONG KHÓI SÚNG

Đại Nội, Huế  
 
    Vào những ngày xuân mang hương vị thanh bình của một thành phố miền Trung rất nổi tiếng đẹp và thơ mộng vào đêm mùng 1 rạng ngày mùng 2 Tết. Lúc cả nhà đang ngủ thì nghe tiếng mẹ nói rất nhỏ rồi lay nhẹ :
    -Con à, dậy đi con...
    Mẹ tôi vừa gọi vừa chỉ tay về hướng cửa sổ, ba tôi đang ngồi ở đó hướng mắt nhìn bên ngoài.
     Ba tôi ra dấu im lặng rồi theo hướng tay ông chỉ, tôi nhìn ra phía bên kia đường sát hàng rào vườn cam, chú ý lắm mới thấy những bóng người ẩn hiện trong màn đêm, đầu đội nón cối, tay ôm súng, đi lom khom theo hàng dọc, mỗi người cách nhau vài thước hướng về phía sân bay đang nằm im lìm cách nhà tôi chừng nửa cây số.
    Bản tính của ba tôi xưa nay vốn bình tĩnh, ông chăm chú quan sát trong lúc mẹ tôi thì lo lắng, đứng ngồi không yên. Tôi thì quá kinh ngạc và cảm thấy run khi bất ngờ thấy họ chính là bóng dáng những người mà tôi đã gặp rất nhiều lần không đầy ba năm trước đây khi gia đình tôi vẫn còn ở quê làng. Thỉnh thoảng họ xuất hiện vào buổi chiều tối. Có người gọi họ là du kích làng, du kích xã hay bộ đội và cũng có người gọi là Việt Cộng. Dù gọi họ là gì đi nữa thì tôi vẫn thấy sợ vì đã vài lần họ đến nhà gặp mẹ hoặc gặp tôi để hỏi ba tôi có nhà hay không?
    Khi toán người bên kia đường rời khỏi tầm nhìn thì ba tôi quay sang mẹ:
   -Nên thức các con dậy, họ đã vào được đây rồi chắc sẽ có đánh nhau. Ngoài bắn vào, trong bắn ra thì nhà mình không thể là nơi trú ẩn an toàn.
    Tôi mới chỉ xa quê chưa đầy ba năm nên còn nhớ rất rõ thời thơ ấu của mình với những cánh diều con sáo, nhà cửa và ruộng vườn mênh mông. Ngoài dãy nhà ngói ông nội để lại ba tôi còn xây thêm một căn nhà dưới nữa và một phòng kín như căn hầm nổi để làm phim ảnh dùng cho nghề chụp hình của ba tôi và phòng này trong thời gian qua đã từng là nơi để tránh đạn hoặc pháo kích. Bởi vậy nếu đem so sánh thì căn nhà mẹ vừa làm không an toàn cho lắm.
    Hồi đó ba mẹ tôi không tiên liệu được thời cuộc cho nên khi làm xong căn nhà dưới vào năm 1961 thì chỉ hai ba năm sau đó từ làng trên cho đến xóm dưới mất dần an ninh và bom đạn ngày một nhiều. Ba tôi là một hội viên của Hội đồng Xã trong thời kỳ chính quyền nhà Ngô đã sụp đổ, không còn kiểm soát được làng mạc vì những người phía bên kia đã thỉnh thoảng xuất hiện về đêm, đã có vài vụ bắt bớ nên ba tôi thường ít khi ngủ nhà, di chuyển hôm nay chỗ này mai chỗ khác, có lúc vô Huế vài hôm mới về thăm nhà vào ban ngày rồi lại đi.
    Tuy có người giúp việc nhưng mẹ thường bận rộn với việc nhà, chăm sóc con cái hoặc thuê mướn thầy thợ trong làng đến làm việc đồng áng với những vụ mùa lúa gạo và đôi khi còn phụ giúp chồng sửa phim sang hình nữa.
     Khi an ninh ngày càng giảm thì ba tôi phải bỏ nghề chụp ảnh vì phải vắng nhà thường xuyên, làng xã đã xảy ra nhiều trận đánh một mất một còn quá nguy hiểm nên mẹ tôi cũng ngưng luôn hành nghề hộ sinh để có thì giờ nghiên cứu đường đi nước bước, giờ giấc rất tỉ mỉ và kín đáo (chỉ tôi biết) để đưa cả nhà đi trốn, đến nỗi ông nội tôi cũng không hay là sẽ có một cuộc vượt làng vào một đêm nào đó sau khi mẹ tôi thu xếp xong mọi việc có liên quan.
    Lúc 2 giờ sáng vào một đêm tháng 6 năm 1965 khi hai người du kích còn đang say giấc ở nhà trên thì ở nhà dưới tôi đã cùng mẹ lặng lẽ thực hiện kế hoạch đã định, dẫn ba đứa em chui qua lũy tre sau vườn để ra ruộng rồi rẽ trái lên phía đường làng đi vào độn cát, nhắm hướng đập Trằm Sen để vào Phò Trạch, quận Phong Điền, điều mà từ bao lâu nay ở vùng quê này chưa từng xảy ra.
    Trên đường khuya trời tối đen như mực chỉ có tiếng chim kêu dẫn đường, mẹ nhắc tôi niệm Quán Thế Âm mà mẹ đã dạy học thuộc từ nhiều tháng trước. Những bàn chân lầm lũi bước đều (mẹ bồng em bé) không ai nghe tiếng thở của kẻ đồng hành, cũng không dám quay lại vì sợ du kích đuổi theo. Tội nghiệp các em còn quá nhỏ chưa hiểu chuyện đời, khi thức dậy giữa đêm đứa nào cũng ngơ ngác nhưng bảo gì làm nấy vì dường như chúng cũng biết được chuyện đi trốn trong đêm là phải im lặng và phải tự sức mình làm chứ không ai giúp.
    Để đến được Phò Trạch phải vượt qua chừng 12 km, đoạn đường đã đi qua là vùng đất của những đồi sim và cây chổi chen chúc cùng hoa xương rồng và hoa dại trên những độn cát trắng dẫn đến đường đất đỏ và đây cũng là trạm nghỉ chân dưới cầu Thiềm, vừa rửa mặt vừa nhìn lại phía sau thì trời vẫn chưa sáng. Chuyến đi lại tiếp tục trên đường giao thông chính và tới đích vào lúc rạng đông.
    Nước mắt ràn rụa, mẹ con ôm nhau mừng mừng tủi tủi như chết đi sống lại. Đó là kỷ niệm sâu đậm về lòng quả cảm của một người mẹ quá sức lớn lao đối với một đứa trẻ 13 tuổi như tôi thuở đó. Sau vài tiếng đồng hồ nghỉ chân ở nhà bà con, chúng tôi đón xe đò vào thành phố và gặp ba tôi ở Huế, gia đình lại được đoàn tụ sau những gian khó cùng mồ hôi và nước mắt, bao nhiêu lo âu và mệt nhọc tan biến.
    Đây là khoảng thời gian khó khăn vì tất cả đều bắt đầu lại từ con số không; thuê nhà, công ăn việc làm cho ba tôi và trường lớp cho một đàn con năm đứa.
    Sau một thời gian ở nhờ bà con, gia đình tôi đã thuê được nhà gần cửa Gia Đồ rồi một lần nữa chuyển qua phường Tây Lộc cũng trong Thành Nội. Đầu năm 1967 ba mẹ tôi mua được một miếng đất cạnh vườn cam trước khi ba tôi lên Pleiku làm nghề chụp ảnh, mấy mẹ con ở nhà đã cùng thợ thầy xây được căn nhà để có nơi trú ẩn và từng bước ổn định cuộc sống nơi 'đất khách quê người' trong một giai đoạn mà tình hình chiến sự ngày càng ác liệt.
    Tháng 9.1967 mẹ con chúng tôi dọn vào căn nhà mới, tuy tiện nghi không bằng ở quê làng nhưng bớt đi một mối lo là hàng tháng không phải trả tiền thuê mướn và con cái có nơi để yên tâm học hành đó là ưu tiên hàng đầu.

   
Ba tôi (1969)

    Rồi ngày xuân cũng đến với mọi người mọi nhà, ba tôi vừa từ Pleiku về hôm 28 tết, chỉ ngủ được ba đêm trong căn nhà mới nhưng đã biết chiến tranh sẽ xảy ra trong thành phố này khi tình cờ trong khuya hôm nay đã mắt thấy tai nghe những gì mà có lẽ ông chưa bao giờ nghĩ tới. Tôi thấy nét mặt ông dù bình tĩnh nhưng cũng không dấu được sự lo âu.
    Ba tôi xem đồng hồ rồi đứng dậy nói với mọi người :
    -Đã gần hai giờ sáng, nếu nghe tiếng súng hay tiếng pháo thì dù xa hay gần cũng phải chuẩn bị đi ngay, qua nhà anh Quốc cho an toàn hơn rồi tính sau.
    Chẳng bao lâu sau đó súng nổ hầu như khắp nơi, vợ chồng con cái đều chạy về hướng nhà anh Quốc mà không xác định được tiếng súng từ đâu vì quá sợ và bối rối. Mẹ đã giao trách nhiệm cho mỗi người mang theo gì nên tất cả đều nhanh nhẹn ra khỏi nhà thì tầm đạn cũng vừa vút qua trên ngọn tre cán giáo.
    Súng nổ càng lúc càng to và đều đặn không ngưng nghỉ, hình như có cả đạn pháo kích rơi trong Thành Nội nữa. Đã từng sống với bom đạn nên tôi đã nghĩ nơi đây sẽ có thiệt hại về người và không ít nhà cửa sẽ bị hư hại hoặc thiêu rụi.
    Khoảng sau 5 giờ sáng tình hình có vẻ dịu bớt, chẳng biết số phận sân bay thế nào nhưng nhiều khu vực trong Thành Nội vẫn còn nghe tiếng súng. Trời gần sáng, lợi dụng sự hơi yên tĩnh trong khu Tây Lộc ba tôi cẩn thận nhìn trước nhìn sau để về thăm chừng nhà thì ôi thôi căn nhà mồ hôi nước mắt của thuở ban đầu đi lập nghiệp chỉ ở được ba tháng nay đã biến thành tro bụi. Từ trong đống lửa chưa tàn vẫn còn khói bay cho đến lúc trời sáng, ba tôi đã nhanh nhẹn gom lại một vài đồ đạc và vật dụng còn dùng được.
    Khi hay tin căn nhà đã bị cháy mẹ tôi đã khóc hết nước mắt. Chắc mẹ nhớ lại lúc ba tôi lên Pleiku làm việc thì mẹ đã cùng với thợ thầy và con cái chung sức dựng lên mái ấm gia đình, vậy mà chỉ sau một đêm xuân trong khói súng đã làm nên cảnh màn trời chiếu đất cho biết bao nhiêu người. Mấy đứa em thấy mẹ khóc cũng khóc theo, tôi quay đi chỗ khác và nín không để khóc thành tiếng.
    Khi tôi quay lại vẫn thấy nước mắt mẹ chảy dài, ba thì lẳng lặng vấn một điếu thuốc với đôi mắt thất thần bên hiên nhà hàng xóm làm lòng tôi quá xúc động và nghẹn ngào. Tôi tự nhủ mình đã bước qua tuổi 16 rồi thì không còn là một đứa trẻ nữa, hãy đứng lên cùng mẹ và như mẹ, một người phụ nữ đã hứng chịu biết bao nhiêu vết thương của chiến tranh từ quê nhà cho đến tỉnh thành nhưng vẫn mạnh mẽ, tự tin và chưa bao giờ than van. Từ sự nể phục tôi càng hiểu được niềm đau xót của mẹ lúc này và thương kính mẹ vô cùng. Đón mùa xuân năm nay mẹ có sáu mặt con và ở độ tuổi ba mươi tám.
    Sau gần một tuần lánh nạn, tin tức từ xóm giềng mang thêm nỗi lo âu vì hai bên đang giằng co nhau từng con đường và khu phố trong Thành Nội. Ba mẹ tôi quyết định chia làm hai nhóm để tránh trường hợp cả gia đình bị trúng pháo kích vì nơi đây cũng không xa sân bay là mấy. Mẹ và tôi dẫn ba đứa nhỏ lên khu nhà phố có nhiều người quen đối diện chợ Tây Lộc, còn ba tôi và hai đứa em nữa ở lại khu vực gần nhà để khi nào thấy tình hình lắng dịu thì trở về nhà dọn dẹp, dựng lều để phòng khi tiếng súng kết thúc có nơi ở tạm.
    Nhà anh Quốc có sân rộng quay mặt ra đường Cường Để, cả tuần nay vắng người qua lại. Những ngày đầu xuân thường có mưa phùn lành lạnh nhưng hôm nay trời quang đãng. Thấy tình hình có vẻ êm ả, mấy mẹ con vội vàng dẫn nhau đi tìm nơi lánh nạn. Đi nhanh qua dãy chợ thấy cửa đóng im lìm, một vài chiếc xe vừa vội vàng phóng nhanh rồi mất hút cuối đường thì hàng loạt súng và pháo nổ xé trời, mọi người chạy vội vàng đến nhà chú Tung thấy cửa mở hé nhưng khi vào trong nhà thì chẳng thấy ai. Chưa kịp chui hết vào dưới gầm giường thì sau tiếng nổ ầm, một đuôi đạn pháo kích hình tròn có năm sáu cánh xung quanh từ mái nhà rơi xuống ngay bắp đùi đứa em út, may mà chỉ bị phỏng nhẹ. Em gái tôi nằm gần đó nghĩ là quả pháo bị hư không nổ, sợ quá nên ai cũng nghiến răng quên đau tìm đường chạy đi nơi khác.

  cầu Trường Tiền (ảnh Internet)

    Trong thời gian ở khu nhà gần chợ đã đổi chỗ hai lần nhưng không nhớ rõ là đã ở đó được bao lâu. Khi tiếng súng dịu bớt và tin tức nghe được là cầu Trường Tiền đã bị giật sập, quân mình đã chiếm lại được ba phần tư Thành Nội, phía bên kia chỉ còn cố thủ một góc phía tây nên mấy mẹ con đã trở về nhà rồi sau đó cùng với xóm giềng và đồng bào về nhập trại tiếp cư ở trường Nông Lâm Súc, đây cũng là ngôi trường thứ hai của bậc trung học mà tôi đang học sau khi thi đậu vào lớp đệ tam, niên khóa 1967-1968.
    Biến cố Tết Mậu Thân kết thúc sau hai mươi lăm ngày đêm đã để lại nhiều tang thương khó quên trong lòng người dân xứ Huế dù ở quê nhà hay khắp bốn phương trời lưu lạc, và gia đình tôi cũng không phải là ngoại lệ. Nhà cháy nên ba tôi phải tìm công việc khác để ở lại Huế và cùng với vợ con dựng lại nhà, bỏ luôn nghề nhiếp ảnh cho đến tuổi đời bảy mươi mốt thì ra đi.
    Một mùa xuân nữa sắp trở về, sau gần ba mươi năm làm cánh chim phiêu bạt tôi chưa một lần trở lại Huế trong dịp Tết để được quỳ trước bàn thờ Ông bà Tổ tiên, cùng mẹ cùng anh em đón một mùa xuân mới và ôn lại những chuyện ngày xưa...như chuyện có một mùa xuân trong khói súng đã cuốn trôi căn nhà của mẹ trong nước mắt thuở nào.

NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, 15.11.2015