Đại Nội, Huế
-Con à, dậy đi con...
Mẹ tôi vừa gọi vừa chỉ tay về hướng cửa sổ, ba tôi đang ngồi ở đó hướng mắt nhìn bên ngoài.
Ba tôi ra dấu im lặng rồi theo hướng tay ông chỉ, tôi nhìn ra phía bên kia đường sát hàng rào vườn cam, chú ý lắm mới thấy những bóng người ẩn hiện trong màn đêm, đầu đội nón cối, tay ôm súng, đi lom khom theo hàng dọc, mỗi người cách nhau vài thước hướng về phía sân bay đang nằm im lìm cách nhà tôi chừng nửa cây số.
Bản tính của ba tôi xưa nay vốn bình tĩnh, ông chăm chú quan sát trong lúc mẹ tôi thì lo lắng, đứng ngồi không yên. Tôi thì quá kinh ngạc và cảm thấy run khi bất ngờ thấy họ chính là bóng dáng những người mà tôi đã gặp rất nhiều lần không đầy ba năm trước đây khi gia đình tôi vẫn còn ở quê làng. Thỉnh thoảng họ xuất hiện vào buổi chiều tối. Có người gọi họ là du kích làng, du kích xã hay bộ đội và cũng có người gọi là Việt Cộng. Dù gọi họ là gì đi nữa thì tôi vẫn thấy sợ vì đã vài lần họ đến nhà gặp mẹ hoặc gặp tôi để hỏi ba tôi có nhà hay không?
Khi toán người bên kia đường rời khỏi tầm nhìn thì ba tôi quay sang mẹ:
-Nên thức các con dậy, họ đã vào được đây rồi chắc sẽ có đánh nhau. Ngoài bắn vào, trong bắn ra thì nhà mình không thể là nơi trú ẩn an toàn.
Tôi mới chỉ xa quê chưa đầy ba năm nên còn nhớ rất rõ thời thơ ấu của mình với những cánh diều con sáo, nhà cửa và ruộng vườn mênh mông. Ngoài dãy nhà ngói ông nội để lại ba tôi còn xây thêm một căn nhà dưới nữa và một phòng kín như căn hầm nổi để làm phim ảnh dùng cho nghề chụp hình của ba tôi và phòng này trong thời gian qua đã từng là nơi để tránh đạn hoặc pháo kích. Bởi vậy nếu đem so sánh thì căn nhà mẹ vừa làm không an toàn cho lắm.
Hồi đó ba mẹ tôi không tiên liệu được thời cuộc cho nên khi làm xong căn nhà dưới vào năm 1961 thì chỉ hai ba năm sau đó từ làng trên cho đến xóm dưới mất dần an ninh và bom đạn ngày một nhiều. Ba tôi là một hội viên của Hội đồng Xã trong thời kỳ chính quyền nhà Ngô đã sụp đổ, không còn kiểm soát được làng mạc vì những người phía bên kia đã thỉnh thoảng xuất hiện về đêm, đã có vài vụ bắt bớ nên ba tôi thường ít khi ngủ nhà, di chuyển hôm nay chỗ này mai chỗ khác, có lúc vô Huế vài hôm mới về thăm nhà vào ban ngày rồi lại đi.
Tuy có người giúp việc nhưng mẹ thường bận rộn với việc nhà, chăm sóc con cái hoặc thuê mướn thầy thợ trong làng đến làm việc đồng áng với những vụ mùa lúa gạo và đôi khi còn phụ giúp chồng sửa phim sang hình nữa.
Khi an ninh ngày càng giảm thì ba tôi phải bỏ nghề chụp ảnh vì phải vắng nhà thường xuyên, làng xã đã xảy ra nhiều trận đánh một mất một còn quá nguy hiểm nên mẹ tôi cũng ngưng luôn hành nghề hộ sinh để có thì giờ nghiên cứu đường đi nước bước, giờ giấc rất tỉ mỉ và kín đáo (chỉ tôi biết) để đưa cả nhà đi trốn, đến nỗi ông nội tôi cũng không hay là sẽ có một cuộc vượt làng vào một đêm nào đó sau khi mẹ tôi thu xếp xong mọi việc có liên quan.
Lúc 2 giờ sáng vào một đêm tháng 6 năm 1965 khi hai người du kích còn đang say giấc ở nhà trên thì ở nhà dưới tôi đã cùng mẹ lặng lẽ thực hiện kế hoạch đã định, dẫn ba đứa em chui qua lũy tre sau vườn để ra ruộng rồi rẽ trái lên phía đường làng đi vào độn cát, nhắm hướng đập Trằm Sen để vào Phò Trạch, quận Phong Điền, điều mà từ bao lâu nay ở vùng quê này chưa từng xảy ra.
Trên đường khuya trời tối đen như mực chỉ có tiếng chim kêu dẫn đường, mẹ nhắc tôi niệm Quán Thế Âm mà mẹ đã dạy học thuộc từ nhiều tháng trước. Những bàn chân lầm lũi bước đều (mẹ bồng em bé) không ai nghe tiếng thở của kẻ đồng hành, cũng không dám quay lại vì sợ du kích đuổi theo. Tội nghiệp các em còn quá nhỏ chưa hiểu chuyện đời, khi thức dậy giữa đêm đứa nào cũng ngơ ngác nhưng bảo gì làm nấy vì dường như chúng cũng biết được chuyện đi trốn trong đêm là phải im lặng và phải tự sức mình làm chứ không ai giúp.
Để đến được Phò Trạch phải vượt qua chừng 12 km, đoạn đường đã đi qua là vùng đất của những đồi sim và cây chổi chen chúc cùng hoa xương rồng và hoa dại trên những độn cát trắng dẫn đến đường đất đỏ và đây cũng là trạm nghỉ chân dưới cầu Thiềm, vừa rửa mặt vừa nhìn lại phía sau thì trời vẫn chưa sáng. Chuyến đi lại tiếp tục trên đường giao thông chính và tới đích vào lúc rạng đông.
Nước mắt ràn rụa, mẹ con ôm nhau mừng mừng tủi tủi như chết đi sống lại. Đó là kỷ niệm sâu đậm về lòng quả cảm của một người mẹ quá sức lớn lao đối với một đứa trẻ 13 tuổi như tôi thuở đó. Sau vài tiếng đồng hồ nghỉ chân ở nhà bà con, chúng tôi đón xe đò vào thành phố và gặp ba tôi ở Huế, gia đình lại được đoàn tụ sau những gian khó cùng mồ hôi và nước mắt, bao nhiêu lo âu và mệt nhọc tan biến.
Đây là khoảng thời gian khó khăn vì tất cả đều bắt đầu lại từ con số không; thuê nhà, công ăn việc làm cho ba tôi và trường lớp cho một đàn con năm đứa.
Sau một thời gian ở nhờ bà con, gia đình tôi đã thuê được nhà gần cửa Gia Đồ rồi một lần nữa chuyển qua phường Tây Lộc cũng trong Thành Nội. Đầu năm 1967 ba mẹ tôi mua được một miếng đất cạnh vườn cam trước khi ba tôi lên Pleiku làm nghề chụp ảnh, mấy mẹ con ở nhà đã cùng thợ thầy xây được căn nhà để có nơi trú ẩn và từng bước ổn định cuộc sống nơi 'đất khách quê người' trong một giai đoạn mà tình hình chiến sự ngày càng ác liệt.
Tháng 9.1967 mẹ con chúng tôi dọn vào căn nhà mới, tuy tiện nghi không bằng ở quê làng nhưng bớt đi một mối lo là hàng tháng không phải trả tiền thuê mướn và con cái có nơi để yên tâm học hành đó là ưu tiên hàng đầu.
Ba tôi (1969)
Rồi ngày xuân cũng đến với mọi người mọi nhà, ba tôi vừa từ Pleiku về hôm 28 tết, chỉ ngủ được ba đêm trong căn nhà mới nhưng đã biết chiến tranh sẽ xảy ra trong thành phố này khi tình cờ trong khuya hôm nay đã mắt thấy tai nghe những gì mà có lẽ ông chưa bao giờ nghĩ tới. Tôi thấy nét mặt ông dù bình tĩnh nhưng cũng không dấu được sự lo âu.
Ba tôi xem đồng hồ rồi đứng dậy nói với mọi người :
-Đã gần hai giờ sáng, nếu nghe tiếng súng hay tiếng pháo thì dù xa hay gần cũng phải chuẩn bị đi ngay, qua nhà anh Quốc cho an toàn hơn rồi tính sau.
Chẳng bao lâu sau đó súng nổ hầu như khắp nơi, vợ chồng con cái đều chạy về hướng nhà anh Quốc mà không xác định được tiếng súng từ đâu vì quá sợ và bối rối. Mẹ đã giao trách nhiệm cho mỗi người mang theo gì nên tất cả đều nhanh nhẹn ra khỏi nhà thì tầm đạn cũng vừa vút qua trên ngọn tre cán giáo.
Súng nổ càng lúc càng to và đều đặn không ngưng nghỉ, hình như có cả đạn pháo kích rơi trong Thành Nội nữa. Đã từng sống với bom đạn nên tôi đã nghĩ nơi đây sẽ có thiệt hại về người và không ít nhà cửa sẽ bị hư hại hoặc thiêu rụi.
Khoảng sau 5 giờ sáng tình hình có vẻ dịu bớt, chẳng biết số phận sân bay thế nào nhưng nhiều khu vực trong Thành Nội vẫn còn nghe tiếng súng. Trời gần sáng, lợi dụng sự hơi yên tĩnh trong khu Tây Lộc ba tôi cẩn thận nhìn trước nhìn sau để về thăm chừng nhà thì ôi thôi căn nhà mồ hôi nước mắt của thuở ban đầu đi lập nghiệp chỉ ở được ba tháng nay đã biến thành tro bụi. Từ trong đống lửa chưa tàn vẫn còn khói bay cho đến lúc trời sáng, ba tôi đã nhanh nhẹn gom lại một vài đồ đạc và vật dụng còn dùng được.
Khi hay tin căn nhà đã bị cháy mẹ tôi đã khóc hết nước mắt. Chắc mẹ nhớ lại lúc ba tôi lên Pleiku làm việc thì mẹ đã cùng với thợ thầy và con cái chung sức dựng lên mái ấm gia đình, vậy mà chỉ sau một đêm xuân trong khói súng đã làm nên cảnh màn trời chiếu đất cho biết bao nhiêu người. Mấy đứa em thấy mẹ khóc cũng khóc theo, tôi quay đi chỗ khác và nín không để khóc thành tiếng.
Khi tôi quay lại vẫn thấy nước mắt mẹ chảy dài, ba thì lẳng lặng vấn một điếu thuốc với đôi mắt thất thần bên hiên nhà hàng xóm làm lòng tôi quá xúc động và nghẹn ngào. Tôi tự nhủ mình đã bước qua tuổi 16 rồi thì không còn là một đứa trẻ nữa, hãy đứng lên cùng mẹ và như mẹ, một người phụ nữ đã hứng chịu biết bao nhiêu vết thương của chiến tranh từ quê nhà cho đến tỉnh thành nhưng vẫn mạnh mẽ, tự tin và chưa bao giờ than van. Từ sự nể phục tôi càng hiểu được niềm đau xót của mẹ lúc này và thương kính mẹ vô cùng. Đón mùa xuân năm nay mẹ có sáu mặt con và ở độ tuổi ba mươi tám.
Sau gần một tuần lánh nạn, tin tức từ xóm giềng mang thêm nỗi lo âu vì hai bên đang giằng co nhau từng con đường và khu phố trong Thành Nội. Ba mẹ tôi quyết định chia làm hai nhóm để tránh trường hợp cả gia đình bị trúng pháo kích vì nơi đây cũng không xa sân bay là mấy. Mẹ và tôi dẫn ba đứa nhỏ lên khu nhà phố có nhiều người quen đối diện chợ Tây Lộc, còn ba tôi và hai đứa em nữa ở lại khu vực gần nhà để khi nào thấy tình hình lắng dịu thì trở về nhà dọn dẹp, dựng lều để phòng khi tiếng súng kết thúc có nơi ở tạm.
Nhà anh Quốc có sân rộng quay mặt ra đường Cường Để, cả tuần nay vắng người qua lại. Những ngày đầu xuân thường có mưa phùn lành lạnh nhưng hôm nay trời quang đãng. Thấy tình hình có vẻ êm ả, mấy mẹ con vội vàng dẫn nhau đi tìm nơi lánh nạn. Đi nhanh qua dãy chợ thấy cửa đóng im lìm, một vài chiếc xe vừa vội vàng phóng nhanh rồi mất hút cuối đường thì hàng loạt súng và pháo nổ xé trời, mọi người chạy vội vàng đến nhà chú Tung thấy cửa mở hé nhưng khi vào trong nhà thì chẳng thấy ai. Chưa kịp chui hết vào dưới gầm giường thì sau tiếng nổ ầm, một đuôi đạn pháo kích hình tròn có năm sáu cánh xung quanh từ mái nhà rơi xuống ngay bắp đùi đứa em út, may mà chỉ bị phỏng nhẹ. Em gái tôi nằm gần đó nghĩ là quả pháo bị hư không nổ, sợ quá nên ai cũng nghiến răng quên đau tìm đường chạy đi nơi khác.
cầu Trường Tiền (ảnh Internet)
Trong thời gian ở khu nhà gần chợ đã đổi chỗ hai lần nhưng không nhớ rõ là đã ở đó được bao lâu. Khi tiếng súng dịu bớt và tin tức nghe được là cầu Trường Tiền đã bị giật sập, quân mình đã chiếm lại được ba phần tư Thành Nội, phía bên kia chỉ còn cố thủ một góc phía tây nên mấy mẹ con đã trở về nhà rồi sau đó cùng với xóm giềng và đồng bào về nhập trại tiếp cư ở trường Nông Lâm Súc, đây cũng là ngôi trường thứ hai của bậc trung học mà tôi đang học sau khi thi đậu vào lớp đệ tam, niên khóa 1967-1968.
Biến cố Tết Mậu Thân kết thúc sau hai mươi lăm ngày đêm đã để lại nhiều tang thương khó quên trong lòng người dân xứ Huế dù ở quê nhà hay khắp bốn phương trời lưu lạc, và gia đình tôi cũng không phải là ngoại lệ. Nhà cháy nên ba tôi phải tìm công việc khác để ở lại Huế và cùng với vợ con dựng lại nhà, bỏ luôn nghề nhiếp ảnh cho đến tuổi đời bảy mươi mốt thì ra đi.
Một mùa xuân nữa sắp trở về, sau gần ba mươi năm làm cánh chim phiêu bạt tôi chưa một lần trở lại Huế trong dịp Tết để được quỳ trước bàn thờ Ông bà Tổ tiên, cùng mẹ cùng anh em đón một mùa xuân mới và ôn lại những chuyện ngày xưa...như chuyện có một mùa xuân trong khói súng đã cuốn trôi căn nhà của mẹ trong nước mắt thuở nào.
NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, 15.11.2015
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen