Vào tuần cuối cùng của tháng 11 năm 2014 con gái tôi gởi mấy dòng tin nhắn viết rằng : “con thật xúc động khi vừa đọc bài viết của ba trên báo, giờ con mới biết là chuyến đi này quá nguy hiểm và nghĩ dại là nếu không nhờ tàu cứu thì chẳng biết ba sẽ ra sao?”
Ngày đó...lâu lắm rồi tôi về Cần Thơ, xuống thuyền ở bến Ninh Kiều trong chuyến vượt biển cuối cùng sau khi gởi lại Sài Gòn người bạn đời và hai cô con gái. Cháu đầu lòng 8 tuổi và cháu thứ hai 4 tuổi. Chuyến đi thật may mắn chỉ sau ba đêm bốn ngày dù bị hải tặc cướp nhưng đã được tàu Cap Anamur vớt trên Biển Đông.
Tôi hơi ngạc nhiên vì báo đã ra mắt được sáu tháng rồi vậy mà đến giờ này con tôi mới đọc xong. Đây là tờ kỷ yếu của nhóm bạn học cũ mà tôi là một thành viên. Sau tháng 4.1975 bạn bè cũng tan hàng, có kẻ ra đi và cũng có người ở lại nhưng mãi cho đến năm 2013 mới tìm được nhau qua Email. Dù chưa được trọn vẹn nhưng niềm vui hội ngộ qua thư từ và hình ảnh cũng là dịp để ôn lại những kỷ niệm buồn vui cùng những thăng trầm nghiệt ngã, trong đó có bài viết về chuyến vượt biển mà nội dung câu chuyện đã gần ba mươi năm tôi chưa từng kể chi tiết cho ai nghe, và cũng chính sự bất ngờ đó đã gây ấn tượng cho con gái tôi về sự nguy hiểm đến tính mạng của biết bao nhiêu người trên chiếc thuyền nhỏ bé và sau nữa là sự xuất hiện của chiếc tàu Cap Anamur đã cứu thoát hàng ngàn sinh mệnh trên con đường vượt biển.
Nghe con bày tỏ cảm xúc và có sự lưu tâm nên tôi cũng có phần cảm động xen lẫn với niềm vui, bởi vì sau gần bốn năm cha con xa cách, đến năm tám tuổi cháu mới được đoàn tụ trên đất khách quê người. Tuy lớn lên và được giáo dục trong nền văn hóa mới nhưng tình cảm gia đình cũng đã bộc lộ rõ nét để chuyên chở niềm rung động trước những hiểm nguy hoặc khó khăn cùng sự tương trợ của tha nhân đã khiến cho cô bé không dừng ở đó khi gọi cho tôi và nói rằng: “mấy hôm nay con đã tìm hiểu thêm về tổ chức Cap Anamur và Hội Mũ Xanh, nay tuy họ không còn cho tàu ra biển nữa nhưng vẫn còn hoạt động cứu trợ nhân đạo đến các quốc gia nghèo đói hay chiến tranh như tại Châu Phi, Trung Đông hay Châu Á. Con sẽ gởi ủng hộ một chút gì như là để cám ơn họ đã cứu ba”.
Nghe con nói tới đây tôi không cầm được nước mắt nhưng trong lòng cảm thấy có một điều gì đó vui vui.
Cũng nên nhắc lại buổi chiều hoàng hôn trên Biển Đông trước khi được tàu vớt vào sáng hôm sau. Lúc đó tuy trời vừa tối nhưng nhờ ánh đèn pin nên tôi vẫn còn nhìn được những khuôn mặt tái xanh khi thấy ba tên hải tặc to con bước xuống lòng thuyền. Tôi nghĩ là trong giây phút ấy ai cũng biết là mình khó mà sống sót nhưng đâu có ngờ rằng rạng sáng hôm sau cả hơn một trăm con người nhỏ bé trên đại dương mênh mông vẫn còn đang run sợ trong chiếc thuyền bé nhỏ thì bỗng nhiên như được tái sinh khi một chiếc tàu ‘vĩ đại' sừng sững trước mũi thuyền đã mang họ trở về lại trần gian.
Hôm đó là ngày 30.05.1987. Buổi sáng mát rượi, biển lặng và không lạnh lùng như hôm qua, đường chân trời hiền hòa và thân thiện như những chàng thủy thủ và thuyền nhân gởi gắm những nụ cười hay ánh mắt biết ơn thật đẹp để rồi khoảng 9 giờ sáng, họ cùng đứng bên nhau nhìn chiếc thuyền vượt biển đang được các thủy thủ đốt cháy trước khi tiếp tục cuộc hành trình mang theo 103 thuyền nhân mà sau khi nhập trại tỵ nạn Palawan, Philippines được gọi là Group 103/642 Cap Anamur 3.
Sau khi chờ những đốm lửa cuối cùng đưa xác con thuyền chìm dưới đại dương cũng là lúc chiếc La Moqueuse lại lên đường. Tôi không nhớ rõ là đến ngày thứ mấy trên chuyến hải hành đó, đã có một buổi chiều cho đến tối nhiều chiếc tàu đã diễn ra một cuộc “tập trận chung” trên biển để chuyển giao nhiều nhóm thuyền nhân từ các con tàu khác sang tàu mẹ. Nếu nhớ không lầm thì đó là chiếc Rose Schiaffino cập bến cảng Palawan vào ngày 06 tháng 6.1987.
Hôm từ cảng được xe đưa về Barrack nhập trại, nếu lòng ai không vướng bận những chuyện buồn lo hay nhớ nhà thì có thể nhận ra ngay: đây là một điểm hẹn chờ xe buýt đến đón khách đi hành hương chứ không phải là một trại tỵ nạn. Những tiếng cười nói gọi nhau ơi ới. Thuốc, nước mời nhau thân tình. Những nhóm người tấp đảo hoặc được tàu Cap vớt trong những chuyến trước thì nay ra cổng tìm thân nhân hoặc bè bạn trong chuyến sau nên không khí rất nhộn nhịp làm những người mới đến cũng thấy an tâm và vui lây. Riêng tôi niềm vui ấy sẽ được nhân lên gấp bội vì trong chốc lát nữa đây sau khi những thủ tục nhập trại hoàn tất tôi sẽ đi gởi điện về nhà. Tôi không thể tưởng tượng được vợ con và gia đình tôi sẽ vui sướng đến mức nào?
Bức điện tín về đến Sài Gòn đúng hai tuần kể từ khi tôi ra đi. Nhận được tin tôi, người khóc nhiều nhất là cô bé 4 tuổi sau khi nghe mẹ nói là ba còn đi lâu lắm chưa biết ngày nào về. Có lẽ cô bé vẫn còn ký ức tiềm ẩn đâu đó về lần ra đi của người cha thuở nào cho nên vào cuối năm 2014 khi đọc bài Trước Mũi Thuyền là lúc cô đã ba mươi rồi mà cũng khóc như thuở còn thơ dại.
Và không lâu sau cuộc gọi lần trước, tôi nhận được một Email ngắn gọn: “Dạ, ba nè, con gởi cho ba thấy để ba đừng nghĩ là con quên!” và kèm theo một phiếu chuyển 100 Euro vào tài khoản: Cap Anamur/Deutsche Not Ärzte e. V. vào ngày 03.12 2014.
Trong khoảng thời gian nhà tôi ở Sài Gòn nhận được điện tín từ Philippines thì ở trại Palawan cũng sôi nổi với những bức điện được đánh đi từ thân nhân bên Pháp chỉ với một lời khuyên ngắn ngủi : đừng đi Pháp ! Có bao nhiêu người ghi tên đi Pháp thì tôi không rõ nhưng đã có khoảng trên 200 thuyền nhân được tàu đưa về Âu châu, ghé Pháp trước khi cập cảng Hamburg, Đức.
Thời gian sau này nếu có ai đó nhắc đến thành phố Hannover thì người ta sẽ nghĩ ngay đến chùa Viên Giác Hannover. Thành phố Hamburg cũng vậy, đã trở nên nổi tiếng với người Việt tỵ nạn nhờ con tàu Cap Anamur do Tiến sĩ Rupert Neudeck sáng lập để cứu người vượt biển từ chuyến đầu tiên vào tháng 8.1979 cho đến chuyến cuối cùng tháng 7.1987 đã vớt được 11.300 thuyền nhân trên Biển Đông.
Rất tiếc là trong ngày Lễ kỷ niệm 35 năm Cap Anamur được tổ chức vào ngày 09.08.2014 tại cảng Hamburg tôi không có mặt nên đã lỡ một cơ hội được tai nghe mắt thấy những yếu nhân và đồng bào tỵ nạn khắp nơi về tham dự, đặc biệt trong đó có anh Nguyễn Hữu Huấn vừa là một thành viên và cũng là đồng trưởng ban tổ chức đại hội mà chúng tôi, những người vừa nhập trại, đã có dịp trò chuyện cùng anh một lần trước sân trại tỵ nạn Palawan vào tháng 6.1987.
Nhân nhắc lại chuyến đi gần ba mươi năm trước, tôi xin góp thêm một lời tri ân đến Ông Bà Tiến sĩ Rupert Neudeck, đến tất cả thành viên của Ủy ban Cap Anamur, đến chính quyền và người dân Đức, cùng nhiều cá nhân và đoàn thể trên thế giới đã hưởng ứng nồng nhiệt lời kêu gọi “Một Con Tàu Cho Việt Nam”, nhờ vậy mà Ủy ban Cap Anamur mới có đủ sức mạnh về tài lực để đẩy con tàu Cap Anamur ra khơi làm vang dội thế giới với tấm lòng bao la như Thái Bình Dương, nơi mà nhiều thế hệ thuyền nhân Việt Nam sẽ còn nhớ mãi với tất cả tấm lòng kính mến và biết ơn.
NGUYỄN SĨ LONG
20.02.2016
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen