Sonntag, 31. Dezember 2017

DẠ VŨ GIÁNG SINH 2017

   
    Khoảng 19:00 giờ tối ngày 26.12.2017 tôi đã có mặt ở đường Perfektastrasse, cách hội trường văn nghệ chỉ vài phút đi bộ. Hình như có sự vắng vẻ bất thường ít khi thấy của một đêm ca nhạc được chờ đợi từ lâu làm tôi lo lắng, chẳng lẽ mọi dự đoán tích cực đã không xảy ra?
    Và đúng như vậy, tôi cũng có chút ngạc nhiên khi đã vào trong hội trường cả tiếng đồng hồ nghe Ban tổ chức mời khán giả nhiều lần ổn định chỗ ngồi cho đến khi chương trình được Như Quỳnh khai mạc lúc 20 giờ với bài Lâu Đài Tình Ái thì 5 hàng ghế trống cuối hội trường vẫn còn chờ khách như lần trước. Đây là lần thứ hai đi nghe Như Quỳnh cách đây chừng mười năm trước ở thành phố München. Như Quỳnh là một tên tuổi quá quen thuộc trên 20 năm nay từ lúc cộng tác với Trung tâm Asia, được xem như là thời khởi nghiệp chỉ hai năm nhưng danh tiếng như chuyến tàu tốc hành để sau đó bước lên sân khấu Trung tâm Thúy Nga vào năm 1996 như ngôi sao màn bạc Hollywood. Hôm nay gặp lại tiếng hát ngày xưa ấy, nếu có chút gì đó về phong cách trình diễn như thiếu đi nét dịu dàng của cô gái Huế thì tôi có thể dễ dàng chấp nhận được vì hôm đó dù mệt và mất ngủ mấy đêm liền nhưng Như Quỳnh vẫn hát hết mình để phục vụ khán giả ‘dễ thương và dễ chịu’ của nước Áo với Ngày Buồn, Duyên Phận, Sài Gòn Đẹp Lắm, LK Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi & Và Tôi Cũng Yêu Em, Cho Vừa Lòng Em và hát chung với Trường Vũ bài Không Giờ Rồi, trước khi rời sân khấu.
    Sau khi trình bày tiếp hai bài Xót Xa và Hận Đồ Bàn, Trường Vũ giới thiệu Túy Ca như là một ca khúc làm nên tên tuổi mình. Trường Vũ có giọng nói hiền lành và tiếng hát khoan thai thật thà, đôi lúc như đứt quãng đã làm mềm lòng biết bao nhiêu người hâm mộ. Với Túy Ca, để cho đúng nội dung bài hát, Trường Vũ đã uống một ly bia nhỏ từ tay khán giả trước khi trình diễn cũng là bài cuối của anh để nhường sân khấu cho MC Xuân Hiếu. 


    MC Xuân Hiếu:  -Cách đây ba hôm khi mà đoàn diễn của chúng tôi đến Hòa Lan và sau đó là hai đêm 24 và 25 ở Đức, chị Như Quỳnh có nói là anh Trường Vũ hát bài Nghèo nhưng đeo kim cương không hà, nên hôm đó nhiều ca sĩ đã nói với  anh Vũ là Giáng Sinh đến rồi, thì anh nên tặng quà cho mọi người đi. Anh Trường Vũ  nói rằng 24 và 25 em nào thích đồ hiệu gì thì anh sẽ tặng, nhưng mà anh khôn lắm vì  tới hai ngày đó tất cả các trung tâm thương mại đều đóng cửa hết. Qua tới Áo hôm 26, mọi người nhắc lại thì anh nói chỉ tặng hai ngày 24 và 25 thôi, giờ anh không tặng nữa. Nay kể lại chút câu chuyện vui vì đoàn chúng tôi đi từ ngày 20 cho đến hôm nay là đến gần hết cuộc hành trình nên rất mệt, trong những chuyến đi có những sự đùa vui như vậy để giúp cho anh chị em nghệ sĩ thoải mái. Rồi đến bất cứ một nơi diễn nào đó, khi biểu diễn trên sân khấu, đứng trên này mà thấy bên dưới cảm nhận  được sự  yêu thương của khán giả dành cho anh chị em nghệ sĩ cũng như những tràng vỗ tay đó là hạnh phúc rất lớn đối với chúng tôi. Xin được chân thành cảm ơn những tình cảm của quý vị rất nhiều, và ngay bây giờ Xuân Hiếu xin được mời quý vị, chúng ta sẽ được gặp gỡ cũng như sẽ cùng thưởng thức tiếng hát của ca sĩ đến từ Trung tâm Thúy Nga, một tràng pháo tay để chúng ta chào đón nữ ca sĩ Kỳ Phương Uyên. 
    Kỳ Phương Uyên vẫy tay chào: - Hello tất cả mọi người! Hello Wien, how are you? Kỳ Phương Uyên có ba là người Huế và mẹ là người Hải Phòng, cô rất ngưỡng mộ hai nhạc sĩ Trịnh công Sơn & Lam Phương và từng học bốn năm khoa thanh nhạc tại nhạc viện Sài Gòn, đoạt giải nhì tiếng hát Truyền hình năm 2006, Uyên cho rằng: ‘khi hát thì nội dung và giai điệu rất quan trọng vì nó giúp mình chuyển tải được cảm xúc đến với người nghe sâu sắc hơn, nên Uyên tập rất kỹ những bài hát của mình và nâng niu ca từ lẫn giai điệu’. Uyên gia nhập Thúy Nga từ năm 2010 và đây là lần thứ hai trở lại Áo trong một năm nên hình như có vẻ tự tin và thân thiết hơn qua giọng nói rất trong trẻo, nụ cười sảng khoái và mạnh mẽ khi Uyên hô hào khán giả cùng nâng ly, nghe có vẻ như tương phản với vóc dáng mong manh dễ nhìn đã chinh phục khán giả trong ca khúc Dancing All Night, Lại Gần Bên Em...


    Kỳ Phương Uyên nhường sân khấu lại cho ca sĩ Dương Hồng Loan đến từ Việt nam, sinh năm 1980 quê ở Đồng Tháp. Từ năm 2002 Dương Hồng Loan đi hát cho những hàng quán nhỏ rồi đến năm 2007 mới chính thức bước lên sân khấu chuyên nghiệp với dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca được rất nhiều khán giả yêu mến cùng với nhiều chuyến lưu diễn phương xa, mà trong lần này Dương Hồng Loan đã đứng chung sân khấu với nhiều nghệ sĩ tên tuổi hải ngoại như chúng ta đã thấy. Kỷ niệm cho chuyến đi này ngoài những tình cảm ấm áp, chắc Dương Hồng Loan sẽ nhớ đến về những ‘nhầm lẫn đáng yêu’ của khán giả về điểm giống nhau giữa cô và MC Xuân Hiếu, được mọi người chú ý và ngợi khen trong dịp lưu diễn ở Âu châu lần này. Dương Hồng Loan hát bốn bài: Mùa Noël Năm Ấy, Câu Chuyện Đầu Năm, Chiều Nay Không Có Em và cuối cùng là Vùng Lá Me Bay, là ca khúc được nhiều người ở Wien chọn làm bài ruột. 
    Người ca sĩ được mong chờ nhiều nhất có lẽ là Tuấn Anh, anh không còn trẻ nhưng chắc chắn vẫn còn chỗ đứng trong một thời gian nữa vì giọng hát vẫn còn rất hay, ăn nói lưu loát, chọc cười khéo léo, và cũng là người ‘giao lưu’ lâu nhất trong chương trình qua nhiều đề tài, mang đến những tiếng cười thoải mái cho khán giả xen lẫn những ca khúc I’d love you to want me, Anh Còn Nợ Em, Trái Tim Ngục Tù, Chiếc Áo Bà Ba, Lời tỏ Tình Trong Đêm và bài cuối cùng khiến cả hội trường xúc động theo người hát, khi Tuấn Anh trình bày ca khúc nổi tiếng Anh Là Ai của Việt Khang trong tiếng nấc ngậm ngùi đến khóc khi kết thúc bài hát. 

 
    Dương Triệu Vũ với dáng dấp trẻ trung tiếp nối chương trình bốn ca khúc: Sáu Mươi Năm Cuộc Đời, Trả Nợ Tình Xa, Mười Năm Tình Cũ và Xa Em Kỷ Niệm. Sau nhiều năm đi hát trong cũng như ngoài nước nên Vũ đã có nhiều tiến bộ khi thổ lộ tâm tình dường như đã mạnh mẽ hơn, mạnh nhưng vẫn sợ khán giả chưa tin nên phải thề: ‘Mỗi khi có lũ lụt hay xây nhà tình thương Vũ đều giúp rất nhiều tiền. Vũ thề với quý vị là tất cả số tiền nhận được tại Áo Vũ sẽ không giữ một đồng. Hôm nay là ngày Giáng Sinh, Giáng Sinh là ngày của sự biết ơn của sự cho đi, Vũ nghĩ lúc cho đi là hạnh phúc nhất. Chút xíu nữa đây Vũ sẽ gởi mỗi bàn 4 CD, mọi người cho nhiêu tiền cũng được, không cho cũng không sao, và toàn bộ số tiền Vũ sẽ làm từ thiện hết. Vũ mà giữ một đồng, Vũ sẽ chết tại chỗ!’ và Vũ đã làm như lời hứa. Quang Minh và Hồng Đào tiếp tục chương trình khi Dương Triệu Vũ rời sân khấu lúc 0:16 giờ. 


    Quang Minh ra trước vẫy tay chào khán giả:
-Hello! Hello! Thôi thì cảm ơn quý vị, đúng là tiếng đồn không sai, nghệ sĩ nói khán giả ở Áo là một trong những khán giả dễ thương nhất thế giới, xin một tràng pháo tay cho chính quý vị. Quang Minh mở đầu câu chuyện khi hỏi thăm kinh tế ở Áo nay lên hay xuống, rồi chuyển qua các đề tài tiếu lâm như mua nhà ở Mỹ, cho đến chuyện về Việt Nam làm hướng dẫn viên du lịch, dịch vụ nhổ tóc bạc, dịch vụ đón Việt Kiều Tân Sơn Nhất…Hài của Quang Minh & Hồng Đào vui và dễ cười phản ảnh phần nào mảng đời thực của xã hội bấy giờ nên chỉ nghe chơi thôi chứ đọc thì hơi khó, được kết thúc vào lúc 0:50 giờ, cũng là giờ giải lao trong chốc lát trước khi tiếp tục phần 2, xổ số trúng thưởng iPhone 8 áp dụng cho tất cả hạng mục vé.
    Trước khi rời sân khấu, Hồng Đào đã cám ơn một khán giả đã tặng QM & HĐ 200 Euro, cô nói số tiền này sẽ được sung vào quỹ từ thiện. 


    Chừng 1 giờ khuya chúng tôi đến chào bà Ngoại cùng mọi người để ra về. Ngoại năm nay 88 tuổi, là mẹ chị Lan đang ngồi cùng bàn với anh chị Hai, anh chị Bắc và chị Khiếm. Sau đó là hàng ghế của Hương Thịnh, gần bên là anh chị Phương từ Tirol lên, anh chị Hiếu và Khải & Mai Châu từ Salzburg. Nhớ hồi chiều mới vào trước quày vé đã gặp Kim Phượng và gia đình các em từ Linz: Ánh, Thu Lộc, Vàng Dung, lần này có thêm Hiển Trọng và gặp Sĩ Nô vào cuối giờ. Với bà con Wien thì có một đôi vợ chồng rất thân tình từ ba mươi năm qua và đến nay vẫn thường liên lạc, đó là chú Vũ văn Hùng và cô Quế, cô Phương, cô Rơi, anh Có & Quyên, cháu Trí và cũng là lần đầu tiên được biết chồng chị Khiếm. Ở quày ẩm thực còn có Dung, anh Hoàng và gia đình Hội Nhà Bờm. Ngoài ra còn nhóm Ngũ Sắc thì Vũ & Lan Anh đang ở Houston nên chỉ có ba gia đình: Thành Quỳnh, Huy Thúy An, Nô Như Kiều Nam cùng những người bạn thân của họ mà hai tuần trước có mặt trong Đêm Đông là Cúc và Hương Alland. 

    
    Trong một lần khoảng giữa chương trình, khi tôi đi ngang qua những dãy bàn cuối hội trường thì bất ngờ được Thành và Quỳnh nắm tay kéo vào bàn để Quỳnh chụp hình với một người mà khi ngồi xuống băng ghế mới biết là Trường Vũ, với Thúy An bên cạnh và một người sau lưng tôi không biết tên. Ngày hôm sau tôi nhận được tấm hình đó, nay nhắc lại để cám ơn Thành Quỳnh cùng tất cả quý vị như là chút kỷ niệm trong đêm Đại Nhạc Hội Dạ Vũ Giáng Sinh 2017 tại Wien.

NGUYỄN SĨ LONG
31.12.2017

Sonntag, 24. Dezember 2017

PHỐ ĐI BỘ


Hohensalzburg nhìn từ Vườn hoa Mirabell

    Nhà tôi ở khu Lehen, cách trung tâm Salzburg chừng 1 km. Ai cũng nghĩ gần thành phố thì ngựa xe nhộn nhịp ồn ào hoặc phố xá đông người qua lại dạo chơi hay mua sắm. Đã hơn 20 năm qua không phải như vậy, mỗi sáng cuối tuần thức dậy, nhìn ra cửa sổ thỉnh thoảng một vài chiếc xe chạy ngang, hiếm khi mới thấy người đi bộ, yên tĩnh như một góc thị trấn nào đó ở miền quê không xa kinh kỳ là mấy.
    Salzburg cách thủ đô Wien 300 km về phía tây với 150.000 dân, là một thành phố du lịch nên rất nhiều du khách đến thăm viếng và chiêm ngưỡng nét cổ kính có lịch sử lâu đời cùng những địa danh như Festung Hohensalzburg, Schloss Mirabell, Schloss Hellbrunn, Kloster Nonnberg, Salzburger Dom, Festspielhaus…và Mozarts Geburtshaus là nơi mà nhạc sĩ Wolfgang Amadeus Mozart chào đời năm 1756 nằm trên đường Getreidegasse, là một con đường nhỏ chỉ dành cho người đi bộ ở phố cổ (Altstadt) tấp nập du khách thập phương. Ở một địa điểm khác không xa Getreidegasse, Christkinderlmarkt ở Residenzplatz mỗi năm mở một lần vào mùa đông trong dịp lễ Giáng sinh mà chúng ta sẽ viếng thăm lần này.
    Trước khi viếng khu chợ Christkinderlmarkt gần nhà thờ Dom, chúng ta hãy bắt đầu từ Lehen theo hướng bờ sông Salzach, vừa đi vừa ngắm lâu đài Hohensalzburg trên núi, rồi chỉ cần 15 phút là đến Haus der Nature. Từ đây đi thẳng 200 mét nữa là đến nhà thờ St. Blasius, ở nơi này chúng ta có thể thấy tiệm cà phê Carpe Diem nằm đối diện ở ngã ba đường Getreidegasse và Bürgerspitalplatz. Getreidegasse nổi tiếng không phải vì nhiều dinh thự đồ sộ hay đường rộng như những khu phố đi bộ Kärntner Strasse hay Mariahilfer Strasse ở Wien, mà được biết đến nơi thiên tài âm nhạc Mozart chào đời ở phố nhỏ nhưng rất đông người bốn mùa qua lại thăm viếng và mua sắm. Dọc hai bên đường là những căn nhà nhiều tầng nằm sát nhau với cả trăm thương hiệu, có nhiều nhà hàng Âu Á và thức ăn nhanh trên đường đi hay trong những con hẻm nhỏ quanh co nối liền Griessgasse và Universitätplatz, hoặc quán cà phê trên những tầng lầu với không gian có phần chật hẹp hơn, hay những đoàn người xuôi ngược đôi khi phải đụng vai nhau, lách qua nhường lại để đi cho hết cuối đường. Đó chính là đặc điểm của Getreidegasse mà ai đã đến một lần thì khó quên. 
 
 
Getreidegasse nhìn từ Rathausplatz

    Chúng ta hãy bắt đầu từ cà phê Carpe Diem để thả bộ  ngược đường Getreidegasse. Đối diện Carpe Diem là tiệm nữ trang Juwelen Haasmann bên cạnh Kedma. Vừa qua khỏi Hotel Blaue Gans, con đường tăng thêm phần lôi cuốn với các thương hiệu quen thuộc như Salamander, Stassny, Geox, Tommy Hilfiger, Red Bull World, Jack Wolfskin, Swarovski, Douglas, Zara, Longchamp, Rolex, Mango, H&M, và Trang phục truyền thống Trachten Wenger cùng vô số tiệm lớn nhỏ xen lẫn trên đường đi với Café Getreidegasse, Café Mozart…nhà hàng Á Đông Japan Restaurant Nagano và China Restaurant Yuen nằm trong một con hẻm nhỏ phía sau lưng McDonald’s. Kế đến là Restaurant s’Herzl, Indien  Restaurant và  Nordsee nằm sát bên Mozarts Geburtshaus, Getreidegasse 9.
    Mozarts Geburtshaus là căn phố 5 tầng lầu được sơn màu vàng, đối diện bên kia đường là Hagenauerplatz. Nhờ có quảng trường này tuy không rộng cho lắm nhưng vào mùa hè khi du khách đến quá đông, chật đường qua lại nên họ thường đứng ở đây để nhìn lên tòa nhà, chụp hình, quay phim; trong khi một số khác lên lầu để được hướng dẫn xem một số vật dụng thời xưa mà đến nay vẫn còn được trưng bày trong ba tầng lầu như bàn làm việc, giường ngủ, tranh vẽ, tài liệu, trang phục, nhạc cụ...Tôi có đến thăm một lần lâu rồi nên bây giờ không nhớ hết những chi tiết, nhưng hồi đó có ghi lại 4 câu thơ:
Nhà ông Mozart hiển linh
Năm châu đỗ lại chụp hình dạo thăm
Từ nơi chăn chiếu ông nằm
Còn vương tiếng nhạc xa xăm gọi hồn.
(Góp Nhặt Ở Salzburg - NSL)


    Rời Mozarts Geburtshaus chừng 100 mét là đến Rathausplatz, hướng mắt nhìn ra bên ngoài sẽ thấy cầu Staatsbrücke bắc ngang sông Salzach,  qua khỏi cầu đi thẳng sẽ gặp đường Linzergasse, là con phố đi bộ thứ hai của Salzburg; khu vực này có nhiều Hotel, Shop, hàng quán nhưng không bằng Getreidegasse nên chúng ta sẽ tiếp tục đi qua Kranzlmarkt để đến Alter Markt. Từ Alter Markt chúng ta hãy ghé qua cà phê Tomaselli, đây là một điểm hẹn rất được ưa thích vào mùa hè, trước khi viếng thăm Christkinderlmarkt ở Residenzplatz chỉ vài bước chân.
    Christkinderlmarkt là một phiên chợ mỗi năm một lần thường được khai trương sau giữa tháng 11 và kết thúc vào chiều ngày 26 tháng 12. Năm nay chợ đón khách vào ngày 23.11 và ngày đóng cửa thì vẫn không thay đổi. Khu chợ lấy quảng trường Residenzplatz để dựng sạp theo hình tròn, phía Residenzgalerie cũng có một dãy nối tiếp đến trước nhà thờ Dom. Có đủ loại hàng được bày bán trông rất đẹp như quày đồ trang sức dây chuyền, vòng đeo tay, nhẫn; quày hàng thủy tinh, kế đến là hàng nhồi bông: ông già Noël, người và vật; đèn trang trí cây thông, hình ngôi sao hay những trái tim làm bằng vải có dây treo, xâu chuỗi, nhiều loại hang đá làm bằng gỗ cưa, tranh vẽ, các loại thiệp Giáng sinh, thiệp sinh nhật, Postcard và cả hàng trăm loại hàng nhỏ được sắp xếp trên những khay đủ màu sắc nhưng không biết tên gọi là gì và cũng chẳng hiểu được dùng vào việc chi ? 


    Sau khi đi một vòng ‘xem cho biết’, khu chợ khiến khách phải nhớ đến là sự lựa chọn ẩm thực và giải khát qua các quày hàng Café, Cappuccino hay Bosna, Frankfurter, Hot Dog, Schnitzelsemmerl, Brezen và chắn chắn là không thể thiếu các loại bia rượu như Stiegl, một đặc sản của Salzburg hoặc nhẹ hơn là Orangepunsch hay Beerenpunsch với Ofenkartoffeln...là đủ ấm áp chuyện trò và ấm lòng trong đêm đông trước khi tạm biệt chợ Giáng Sinh ra về như là một chút gì để nhớ chuyến thăm Phố đi bộ Getreidegasse và Christkinderlmarkt 2017 ở Salzburg.
    Năm nay ở Salzburg ấm hơn mọi khi, cả tuần trước Giáng Sinh trung bình từ 1 đến 4 độ, mưa ít và tuyết cũng không muốn ghé thăm vì sợ phiền lòng bà con đang bận rộn chuẩn bị cho mùa lễ. Riêng nhóm G7 Salzburg, từ sau Vu Lan vào tháng 9.2017 cho đến nay vẫn còn ‘nghỉ đông’ vì lịch họp mặt đã dời đến giữa tháng 2.2018 để mỗi gia đình có rộng rãi thời gian vui chơi cuối năm cũng như chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán vào ngày 16.02 (nhằm 01 tháng giêng năm Mậu Tuất) và Chương trình Văn nghệ Xuân ngày 24.02.2018 của Hội Phật Giáo tại Wien.
    Đêm Noël rồi cũng đến để thỏa lòng chờ mong tròn một năm của mọi người. Nhân dịp này gởi lời chúc đến bạn đọc, Nhóm G7 Salzburg, Nhóm Ngũ Sắc Wien cùng bạn hữu xa gần một Đêm Giáng Sinh Hạnh Phúc và An Lành.

NGUYỄN SĨ LONG
24.12.2017

Samstag, 23. Dezember 2017

MẸ HIỀN



Ở bên nhà tôi còn người mẹ
Tóc bạc thân gầy áo mỏng che 
Đôi mắt đã chảy bao nhiêu lệ
Từ buổi tôi đi giữa nắng hè.

Mẹ ở bên đó con bên này
Thư viết ngàn trang mấy năm nay
Tấm hình mẹ gởi con còn giữ
Mỗi lúc nhìn mắt thấy cay cay.

Con mẹ một đàn như ong vỡ
Nên chẳng khi nào thấy mẹ vui
Mấy mươi năm sóng đời xô đẩy
Nỗi niềm riêng mẹ vẫn chưa nguôi.

Thương mẹ, con thương, thương thật nhiều
Tháng ngày góp lại những chiêm bao
Thì như con vẫn rất gần mẹ
Cho dẫu ngăn cách ở xứ nào.

Ở bên nhà tôi còn người mẹ
Như bóng hàng cây để chở che
Cơn mưa trút xuống đời lưu lạc
Còn mẹ thân yêu để nhớ về.

NGUYỄN SĨ LONG
20.07.1994

Montag, 18. Dezember 2017

CHÁU NGOẠI

Wien, 6.2006  
    Cách đây vài năm, lúc còn nghe rõ mỗi khi tôi gọi về thăm, mẹ thường chấm dứt câu chuyện bằng vài lời gần như thường lệ xưa thiệt là xưa nhưng không khi mô đề mốt: ‘rứa bé Như có thêm đứa mô khôn(g) con? – à còn bé Ty nữa, răng lâu rồi nội khôn(g) nghe chi hết?’ Tôi nghĩ trong bụng: mạ ơi là mạ, mạ quá thiệt thà, bên ni vợ chồng con trai của mạ ở cách Wien chỉ 300 cây số mà còn không nghe thì mạ xa cả ngàn dặm răng mà nghe được! 
   Thiệt tình mà nói thì hai cô con gái nhà tôi lì không chịu nổi. Bà ngoại đã rất nhiều lần xuống nước năn nỉ ỷ ôi, nào là sanh đi con vì ngoại sắp về hưu rồi để ngoại nuôi cho, nào là chỉ một đứa con thì buồn lắm, chừng 18 tuổi nó cuốn gói theo bạn gái thì cản ngăn cũng không kịp...Còn bé Ty thì hay né khi đoán mẹ sẽ trở lại đề tài này nên thường đánh trống lảng qua chuyện khác. Cuối cùng thì có một vẫn còn hơn không, nên cho đến nay Ân Lai đã 11 tuổi vẫn là đứa cháu ngoại duy nhất, là tâm điểm chú ý và thương yêu của cả gia đình. Sau ngày Ân Lai chào đời vào tháng 6.2006, dì Ty nhanh chóng mở một sổ tiết kiệm, có người đoán là khi 18 tuổi, Ân Lai có thể mua được chiếc xe (không biết là xe đạp hay Mẹt xê đì). Bà ngoại thì hết quà đến cáp, hết áo đến quần, hết đồ chơi rồi đến đồ thiệt. Riêng ông ngoại thì phải chờ đến năm 2009 khi chuyển đổi công việc, cứ mỗi chiều đi làm về, ông ngoại mở bóp lấy 1 Euro bỏ vô trong hộp  kín cho cháu. Mỗi năm chờ đến tháng 12, ông bà ngoại thường ‘mời’ cháu về Salzburg chơi và khui ‘con heo’, nhìn cháu đếm tiền lẻ cả nhà ai cũng sốt ruột, nếu thiếu thì ông ngoại sẽ bù cho đủ ba trăm, cháu chỉ vui trong giây lát rồi đưa cho mẹ Như và sau đó quên luôn cho đến năm sau. Ân Lai rất ngoan, chăm học và lễ phép, mê đọc sách, ít nói, điềm đạm và cũng mê iPad như các đứa trẻ khác, được dì Ty cưng vô cùng, cậu Alain cũng rất thương cháu. Thỉnh thoảng lên Wien thăm, cháu thường chơi đàn cho ông bà ngoại nghe, nhưng lần này cũng là lần đầu tiên đại gia đình hai bên nội ngoại được làm khán giả để nghe Ân Lai cùng bạn học trình diễn Klavier (Piano) và hát dưới sự hướng dẫn của thầy Mag. Gerasim Mangurov lúc 18:00 ngày 09.12.2017 ở Kunstraum der Ringstrassen Galerien.


    Hội trường có sức chứa khoảng 50 người, chúng tôi đến lúc 17:50 giờ chỉ còn 2 dãy ghế trống sau cùng, rồi sau đó gia đình cô Trâm, vợ con các chú Bé và Xi của Ân Lai đến đông đủ, chỉ thiếu bà Nội và cô Trang. Stefan đã đến trước cùng với bố con anh Nô và Hương Giang. Vui hơn nữa là gặp lại Robert, cùng Vũ & Lan Anh và hai cháu mà mới đêm hôm qua chúng tôi đều là những người cùng đốt lửa Đêm Đông cho đến 2 giờ sáng.


    Ân Lai là  người  mở  đầu  chương trình  với   bài   Sonatina   in  C Dur - Op. 36, No. 1 (Clementi) và Wilde Reiter (R. Schumann). Tiếp theo là cô bé Selina Stochita nhỏ hơn Ân Lai vài tuổi với Freude schöner Götterfunken (Beethoven) và Kleiner Mozart. Khán giả đã có dịp cười vui với 2 nghệ sĩ tý hon này. 


    Chương trình được tiếp nối với 12 tiết mục được các diễn viên lớn tuổi trình diễn cho đến 19 giờ, rồi sau đó là chụp vài tấm hình lưu niệm. Thầy Gerasim Mangurov mời quan khách dùng bữa ăn nhẹ do Frau Le chiêu đãi ngay kế bên hội trường. Rất đông khách tham dự đến quày Buffet rồi thong thả chuyện trò cho đến chừng 19:30 thì kết thúc. Riêng bà con hai họ Lê & Nguyễn nán lại chốc lát để thăm hỏi nhau rồi chia tay.  

        
    Theo dự tính thì chúng tôi sẽ đi ngắm phố đêm nhưng vì gió lớn và quá lạnh nên phái đoàn đã đi bộ đến Restaurant Sài Gòn gần đó, rồi phải trở ra vì không đủ chỗ ngồi nên đã chia hai nhóm: Alain, Hương Giang đi với chị Ty và Stefan, còn nhóm già lên xe 7 chỗ về nhà anh Vũ vì còn một nồi phở đang chờ. Vậy là thêm một lần nữa được thưởng thức tài nghệ của Lan Anh qua hương vị phở quê nhà, một món ăn mà ba đời nhà họ Lê ai cũng like, và ông ngoại Ân Lai cũng vậy.
    Chúc Vũ & Lan Anh cùng Khánh My & Khánh Vy đón một mùa Giáng Sinh và Năm Mới 2018 ở Houston với Đại gia đình, Sức khỏe và Hạnh phúc.

NSL, 18.12.2017       

Freitag, 15. Dezember 2017

ĐÊM ĐÔNG


    
    Khoảng một năm trở lại đây, khi ngôi chùa Pháp Tạng ở Seybelgasse được đưa vào sinh hoạt, thì quận 23 có thêm nhiều địa chỉ để thăm viếng như lần này đến nhà Vũ & Lan Anh nằm trên đường Liesinger Flur Gasse đã trở nên quen thuộc, không những cho thân hữu ở Wien mà còn có một vài gia đình ở Linz và Salzburg, đã nhiều lần được mời tham dự những sự kiện lớn nhờ địa điểm tổ chức có sân rộng, xa khu dân cư nên rất thuận tiện cho những buổi Party, hoặc tiệc sinh nhật cho hàng chục người lớn nhỏ chơi đùa ca hát mà không sợ làm phiền đến xóm giềng. Được biết Vũ và Lan Anh có 2 cháu gái, một cháu sinh vào mùa hè tháng 6 và một cháu sinh vào tháng 12. Do đó từ ba năm nay, Vũ & Lan Anh cùng nhóm Ngũ Sắc và thân hữu ở Wien & Linz thường chung tay tổ chức mỗi năm 2 lần: Mùa hè vào tháng 6, Kinderfest dành cho trẻ em thuộc nhiều lứa tuổi, sân có trang bị Luftburg để có thêm nhiều trò chơi mới hấp dẫn hơn. Khi mùa đông tới thì sẽ chọn một ngày thuận tiện cho mọi người trong tuần đầu tiên của tháng 12 dương lịch. Vì trời lạnh không thích hợp cho giới cao niên, nên khách mời cũng có phần giới hạn, và dù tuyết rơi hay mưa gió thì bếp lửa vẫn được đốt lên trước sân nhà để mọi người cùng ngồi bên nhau, ôm đàn ca hát giữa Đêm Đông như vào chiều tối ngày 08.12.2017 mà vợ chồng chúng tôi đã được mời tham dự. Thật là ý nghĩa, đây cũng là dịp họp mặt để bạn bè hàn huyên tâm sự, đàn hát tạm quên những ngày bận rộn, căng thẳng của đời sống thường nhật khi thời gian đang khép lại để đón chào lễ Giáng Sinh và một Năm Mới 2018 sắp đến. 
 

    17:30 giờ trời tạnh và tối hẳn, chảo lửa như trái cầu lớn được cắt đôi, đường kính chừng 1 mét cháy sáng khắp một góc sân gần nhà bếp có mái che, đã có các cháu trong gia đình Ngũ Sắc và Hương Chu cùng hai vị khách trẻ lần đầu gặp đó là Hòa và Thịnh, từ Linz có các anh em Vàng Dung và Thu Lộc. Chúng tôi vừa chọn chiếc bàn gần bếp thì cũng vừa lúc Kim Phượng, Hương (Thịnh) và Quỳnh đến, rồi cùng thưởng thức món cháo lòng nóng hổi được các cô chú ở Linz mang lên, thật là ngon miệng và ấm lòng khi đêm lạnh chỉ vừa mới bắt đầu. Một lát sau đó vòng tròn quanh bếp lửa được nới rộng thêm để chào đón Robert cùng 2 con và những người bạn mới được giới thiệu là hai Thầy đến từ Chủng viện Heiligenkreuz, các cô Cúc, Hương Alland và Hương Mỹ, qua đó mới biết anh Mỹ là con dì Tư, người mà tôi rất thương kính từ khi quen biết Dì trong sinh hoạt Phật sự. Chúng tôi vừa chuyện trò vừa nhìn Vũ châm thêm củi, nướng Maroni và khoai lang, có khoảng 15 cháu nhỏ vừa tham gia hát vừa nghịch lửa nên không khí thật vui nhộn và ấm cúng, trong đó có bài Jingle Bells rất sôi nổi qua tiếng đàn của anh Nô và tiếng vỗ tay của mọi người. 


    Trời về đêm lạnh dần nên chừng sau 20:30 giờ các cháu rút lên nhà và đến 22 giờ thì chỉ còn một cậu bé được anh Nô đệm đàn nên đã hát luôn mấy bài tiếng Việt, cháu phát âm rất chuẩn và rất tự nhiên trước khán giả đang chăm chú lắng nghe. Cậu bé đó là Jerry Lâm, 8 tuổi, con của Huy & Thúy An. Jerry không những hát giỏi tiếng Việt mà còn nhớ nhiều bài, điều đó chứng tỏ là ở nhà mẹ thường hát thì con hát theo. Vậy thì cũng không có gì ngạc nhiên khi An có nhiều người đánh giá là một giọng ca mang âm điệu miền Tây đang lên của nhóm Ngũ Sắc mà tôi cũng đã được nghe. Bên cạnh đó còn hai người bạn của Vũ là Ivo và Christian, luôn giữ bếp nóng với các món nướng được mang ra mời khách rất nhiệt tình.
    Khoảng 23 giờ mọi người thu dọn sân bãi rồi lên lầu, một số người về nhà vì có con dại hay nhà xa. Ở phòng khách rộng 70 mét vuông, các cháu vừa nhận quà xong; có cháu chơi đùa, xem phim hay ngủ trên Sofa. Rồi đến lượt người lớn cũng được Ban tổ chức phát số để nhận quà. Khoảng gần 40 người vui cười thoải mái khi một gói quà được mở chỉ thích hợp cho quý bà, thì một ông nhận được! Đến lượt tôi nhận một hộp quà khá đẹp, khi mở ra là một chiếc áo ngủ màu trắng, hai dây! Rất nhiều trường hợp như vậy nên ai cũng chờ đến phiên mình trong niềm vui chung. Cũng nhờ có 26 phiếu phát ra thì mới ‘điểm danh’ được số người  tham dự: Nhóm Ngũ Sắc có 4 gia đình: Vũ Lan Anh 4 người, Thành Quỳnh & con cháu 9, Huy An 3 và Nô Như 3. Từ Linz có 4 thân hữu Vàng Dung & Lộc Thu và hai Thầy Vương & Châu. Wien có Kim Phượng, đặc biệt có 4 cô cùng tên Hương là: Hương Chu, được Lan Anh giới thiệu như nhà chụp ảnh để ‘cúng Facebook’ trước khi nhập tiệc. Hương Thịnh 4. Hương Alland và Hương Mỹ. Thanh Hòa 3. Vợ chồng Cúc. Robert 3. Vợ chồng Nga Ny. Hai bạn của Vũ từ Sofia sang và Christian 3. Cô Mai (TX). Salzburg 2. Tất cả 51 người. Trong số 51 người thì có hai vị khách thật đặc biệt là chồng của Hương (Alland) và Cúc. Hai người bạn Tây ngồi yên không nói một lời, không thấy cười một tiếng, không dùng bữa và hay hơn hết là không cằn nhằn khi vợ vui chơi với bạn bè đến 2 giờ sáng! Thật là dễ chịu.
    Dàn nhạc Karaoke Vũ đã chuẩn bị sẵn sàng và được cô Mai (TX) mở màn và nhiều ca sĩ đang lên hát đến 2 giờ sáng. Khi mọi người ra về gần hết thì hai anh Vàng và Nô kết thúc chương trình Đốt Lửa Đêm Đông với một bản nhạc mùi và rất mùi trước khi chia tay.
    Tựa bài viết này do Lan Anh đặt. Rất tiếc là mưa và đêm tối nên một số hình ảnh được chọn lọc quá ít ỏi. Chúng tôi không quên cám ơn gia chủ và BTC đã mang đến cho mọi người một đêm thật vui, ấm cúng và thân tình.

NSL, 15.12.2017     

Sonntag, 10. Dezember 2017

SÀI GÒN, THUỞ GIAO THỜI


    Phái đoàn Tu sĩ Phật giáo và Đoàn Công tác Cứu trợ Nạn nhân Chiến cuộc An Lợi từ Long Thành về đô thành chỉ ba hôm trước khi Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30.04.1975 sau những ngày di tản...buồn. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa quên vào buổi trưa hôm ấy từ trên sân thượng của tòa nhà 380A Công Lý nhìn về phía chùa Vĩnh Nghiêm, từng đoàn người dân có, lính có, lại có nhóm kéo lê báng súng đi về hướng Sài Gòn. Đó là những giờ khắc lịch sử mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận niềm vui vỡ òa hay nỗi buồn tức tưởi. Dù vậy, những tổ chức thiện nguyện vẫn tiếp tục công việc của họ là phải theo dõi tình hình để bảo vệ sinh mạng của đồng bào bất chấp những hiểm nguy vẫn còn đâu đó trong buổi giao thời. Đây là lý do mà tôi đã được phái đi vào ngày 2 tháng 5 để cập nhật tình hình trong các trại tạm cư ngoại vi Sài Gòn khi chiến sự đã dần lắng dịu. Ngày 6 tháng 5, đoàn công tác An Lợi mang phẩm vật về Long Thành phân phối cho khoảng 5000 đồng bào, đây cũng là lần sau cùng chúng tôi về thăm trại, nơi mà từ đầu tháng 4.1975 một nhóm 10 sinh viên trường Đại học Vạn Hạnh đã có mặt để phân phối thực phẩm cho đến khi đồng bào người trước kẻ sau lần lượt trở về quê quán khi không còn tiếng súng.
    Đến giữa tháng 6 chúng tôi về Nông trại Thanh Văn để bốc thăm và nhận lô đất canh tác trước khi tổ chức chuẩn bị giải tán. Lần về tiếp theo tôi rủ thêm ba người bạn học là Tú, Chứng và Thắng về trại làm nông dân thử thời vận. Sau năm ngày vừa thuê mướn và bạn bè cùng làm, kết quả đã xong được 39 vồng gồm khoai lang, sắn và đậu phụng, đậu xanh. Sau đó chúng tôi tạm quên những ngày mệt mỏi rã rời, thì mới hiểu thế nào lao động là vinh quang, để về Sài Gòn thu xếp vật dụng cá nhân dọn qua đường Kỳ Đồng, tạm thời ở với Thắng khi Văn phòng của Trường TNPSXH sẽ đóng cửa vào cuối tháng 7.1975. Rồi giữa tháng 9.1975, tôi mua được căn nhà chung vách với nhà người bạn ở khu Tân Việt, trong con đường hẻm đối diện với trại Hoàng Hoa Thám gần ngã tư Bảy Hiền. Căn nhà mua với giá 100.000 đồng, cũng may là khi chưa đổi tiền, có bề ngang chừng 3,6m x 7m, trên gác lửng có cửa sổ, nhờ vậy mà nhà được thoáng mát trong những ngày hè nắng nóng. Hồi ấy, khi mua nhà tôi không hề biết mắc hay rẻ, nhưng với tôi thì thấy vừa túi tiền và nhất là đã đến lúc phải có một căn nhà để bắt đầu cho cuộc sống mới thật sự không hề dễ dàng khi mình không có nghề nghiệp cũng như không có nơi nương tựa trong một xã hội được xem như hoàn toàn mới mẻ.
    Với xóm giềng thì trước lạ sau quen. Đây là khu của người Bắc Công Giáo, từ đầu đến cuối hẻm chỉ có hai gia đình là người Trung rất được xóm giềng cảm mến. Lớp trẻ thì có Hải, mở phòng vẽ trong xóm và một người mà sau này thân thiết như anh em tên là Tâm, hơn tôi chừng bảy tám tuổi, sống với nghề làm khung hình tại nhà nhưng rất đông khách, hát hay, đàn giỏi và phong cách rất nghệ sĩ với mái tóc muối tiêu bềnh bồng nên thường được anh em gọi một biệt danh thân mật là Tâm Đầu Bạc. Trong thời gian này tôi chưa có công ăn việc làm, nên sau khi mua sắm giường, tủ và một ít vật dụng trong nhà tạm đầy đủ, những lúc rảnh rỗi sang nhà Hải để học vẽ chân dung, một đôi khi về Sài Gòn rồi ghé thăm quán cà phê đối diện Văn phòng mà thời gian trước đây khi đang còn làm việc, có những sáng ngồi với thầy Thọ và Văn Hồng, hay đôi lúc với bạn bè hoặc tán gẫu với hai chị em chủ quán người Huế và cháu gái chừng 13 tuổi là chỗ quen biết từ lâu. Ba cô cháu trời cho dáng dấp đều thon thả thanh tú nên được bọn chúng tôi đặt tên là Ba Xương Quán. Thỉnh thoảng cũng có khi đi ngang trường Vạn Hạnh trước chợ Trương Minh Giảng, ngôi trường mới chưa kịp quen thầy quen bạn và thi cử thì nay đã cửa khóa then cài, im vắng buồn thiu, thầy và bạn mỗi người một nơi như bầy chim chưa kịp hợp đàn thì đã tan tác trong cơn bão tố. Ngoài ra tôi vẫn lên xuống nông trại để chăm sóc, nhổ cỏ bón đất cho hoa màu, nhưng hoa thì chẳng thấy mà màu thì từ khoai cho đến sắn đều nắng cháy da khô và bị sùng hư gần hết. Đến ngày thu hoạch tính ra cả vốn lẫn lời không đủ tiền xe lên xuống nên bạn bè thấy nghề cày sâu cuốc bẫm cực nhọc nhưng không có tương lai nên từ từ không ai thiết tha nữa. Tôi cũng vậy, thấy sức mình chắc cũng không kham nổi nên muốn tặng lại miếng đất mà cũng không có ai nhận nên đành lặng lẽ ra đi không hẹn ngày trở về để kiếm đường làm ăn khác ở Sài Gòn, nơi mà tôi có được căn nhà thì đã là điều đáng mừng. Nghề làm nông xem như đã đặt dấu chấm hết.
    Sau ngày đổi tiền 22.09.1975 vài tháng (tôi chỉ đổi được 150.000 đồng tiền cũ để nhận 300 đồng tiền mới), cuộc sống xung quanh hình như có ít nhiều biến chuyển khi có tin cư dân Sài Gòn ở một vài nơi có những gia đình thuộc diện phải đi vùng Kinh Tế Mới. Trong khi đó thì vật giá leo thang, đời sống ngày càng khó khăn hơn và đã thấy không ít gia đình thanh lọc những đồ đạc trong nhà không cần dùng nữa đem ra bán. Khi trong những khu chợ trời mới mọc hay ở tư gia đã có những người mua bán đồ gia dụng từ áo quần cũ, chén bát kiểu, tủ bàn ghế, máy móc, radio, tivi cho đến xe hơi, nhà cửa, thuốc tây...thì trong giới làm ăn thế hệ mới, đủ mọi thành phần ngoài xã hội lại được nhiều người biết đến nhờ đã đặt ra những từ ‘chạy mánh’ và ‘trúng mánh’ như là nét đặc trưng của xã hội thời bấy giờ.
    Tôi trở lại Sài Gòn giữa tháng 2.1976 cũng bằng đường bộ sau hai tuần về Huế ăn Tết. Những ngày đông lạnh và mưa dầm khiến mùa xuân Cố Đô quê mình thêm buồn như thiếu vắng nụ cười khi đời sống đang bên bờ ảm đạm. Cả gia đình cùng những hộ được chia đất canh tác thuộc khu vực gần sân bay nội thành nay là hợp tác xã trồng rau cải là thu nhập chính mà cũng không đủ ăn. Với tôi dù việc học đã bị gián đoạn và cũng chưa có một công việc nào chắc chắn ở Sài Gòn, nhưng ba mẹ vẫn để tôi tự do chọn nơi sinh sống và cũng không có lời can ngăn nào khi thưa với song thân là tôi có ý định tìm cách ra nước ngoài một khi thuận lợi. Thật ra thì ý định ra đi này được một sinh viên gốc Huế đang học ở Sài gòn, với sự hậu thuẫn của gia đình làm nghề biển đứng ra tổ chức, tập hợp nhân tài lực, phương tiện và chọn địa điểm xuất phát là một ngôi làng ven biển gần cửa Thuận An cách thành phố Huế 15 km, dự trù sẽ ra khơi vào mùa hè 1976 nếu tất cả mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch. Tôi lại về Huế vào mùa hè sau khi ở Sài gòn chừng bốn tháng, gia đình ai cũng ngạc nhiên nhưng tôi giữ kín mục đích của chuyến về thăm nhà lần này. Hai hôm sau nhận được tin về ngày giờ và địa điểm nên đêm cuối tôi và người em trai ngủ trước hiên nhà để sáng mai đi sớm. Khi giờ hẹn đã trôi qua cho đến gần sáng và mấy ngày sau đó, tôi vẫn không biết vì lý do gì mà tôi đã bỏ cuộc ?
    Khoảng bốn tháng sau đó ở Sài Gòn tôi nhận được tin dữ từ Huế: Chuyến đi mà tôi không tham gia vào phút cuối bị bão đánh vỡ ghe gần bờ biển đảo Hải Nam. Trong số những người tử nạn, có một người là chị em tiệm cà phê Ba Xương Quán, một số khác may mắn thoát nạn nhờ ôm được ván trôi vào bờ. Sau những thủ tục điều tra giữa hai nước, chính quyền đảo Hải Nam đã trả về cho Hà Nội, người chủ ghe tên Thắng vừa là bạn học ở trường Vạn Hạnh, vừa là em cô cậu với tôi, một sinh viên 26 tuổi đầy bản lãnh và thừa ý chí bị đưa vào trại Bình Điền, Huế lãnh án 8 năm tù giam. 
    Tháng 5.1988 nhận được thư Thắng đề ngày 12 tháng 4 được gởi từ California khi tôi còn là một thuyền nhân ở tại Palawan, Philippines. Tôi rất mừng biết bạn đã đến được bến bờ tự do, được người yêu đợi chờ và mở rộng vòng tay chào đón như một vị anh hùng.

NGUYỄN SĨ LONG
Salzburg, 07.12.2017

Donnerstag, 9. November 2017

EM THEO BỐ VƯỢT BIÊN


Em theo bố vượt biên
Một đêm gió rất hiền
Biển trời mây êm ả
Em lên một con thuyền

Em nghe lòng nhấp nhô
Sao trời say sóng vỗ
Từng con nước lao xao
Ru em ngủ mơ hồ

Em nhớ mẹ đêm nao
Tiễn em trong nghẹn ngào
Tay cầm tay bịn rịn
Ngắn ngủi một câu chào

Mấy tuần sau tấp đảo
Em thấy mình xanh xao
Nhiều đêm em không ngủ
Ôi, mẹ hiền nơi đâu?

Em và bố đều buồn
Nhìn nhau dấu lệ tuôn
Bố bảo: “Con phải học,
Ngày sau nhớ cội nguồn”

Giờ đầu tiên đến trường
Em bỡ ngỡ thẹn thùng
Chiếc bàn và tấm bảng
Sao mà giống quê hương

Em kính các cô thầy
Làm việc rất hăng say
Dạy chúng em cặn kẽ
Từng môn học rất hay

Nơi đây trường Việt ngữ
Em đã viết được thư
Gởi về quê thăm mẹ
Dạt dào cả tâm tư

Những ngày trên xứ lạ
Em vẫn nhớ quê nhà
Luôn siêng năng học tập
Cho vui lòng mẹ cha.

NGUYỄN SĨ LONG
Sbg, 30.03.1990

Freitag, 3. November 2017

GIẤC MƠ ĐOÀN TỤ


Kiều Nam, Sài Gòn 1987

    Cuối tuần này vợ chồng chúng tôi có một vị khách từ Wien về thăm Salzburg. Đó là cô bé mà ba mươi năm trước là út trong một tiểu gia đình có hai cô con gái. Ông bố thì bỏ nhà ra đi thầm lặng, làm cô bé bốn tuổi vẫn vô tư và kiên nhẫn chờ đợi từ ngày này sang ngày khác, mỗi khi khóc thì hỏi mẹ và hỏi chị sao ba đi đâu lâu quá mà không về ? Cuối cùng mẹ phải nói thật, rồi ba mẹ con ôm nhau khóc. Cả nhà lo lắng và nhớ thương mỏi mòn theo năm tháng buồn vui cùng với niềm hy vọng kéo dài suốt ba năm rưỡi mới gặp lại nhau. Ngày ông bố ra đi, cô chị chỉ 8 tuổi nhưng đã biết an ủi mẹ, chăm sóc và dạy em học, sau nữa là viết thư thăm ba khá đều đặn. Người ở bên đảo trong trại tỵ nạn cũng không khác gì mấy, cầm lá thư bên nhà gởi qua chưa đọc là đã rưng rưng. Hơn ba năm tốn không biết bao nhiêu giấy mực để gởi gắm tâm tình với cả trăm lá thư qua lại như là bằng chứng cho sự kiên nhẫn và chịu đựng với nhiều thử thách từ mọi phía.
    Vào tháng 2.1991, gia đình chúng tôi đã thực hiện được giấc mơ đoàn tụ trong nước mắt, những vòng tay yêu thương mừng tủi tưởng như chẳng bao giờ bù đắp được những trống vắng quá dài cùng với khổ đau, đồng thời tri ân sự may mắn đã dẫn dắt những mảnh đời ly hương về miền đất tự do, xa lạ và hiền hòa. Ở Salzburg, bốn người chung sống trong căn nhà nhỏ nhưng vẫn thấy an vui tròn ba năm trước khi dọn về địa chỉ mới tiện nghi hơn để nghĩ rằng, kể từ đây mọi việc sẽ được ổn định, thật sự an cư lạc nghiệp vậy thì chẳng có lý do gì để đổi thay trong tương lai.

 
Chân Như, Sài Gòn 1987
 
    Khi hai chị em bắt kịp bạn bè về việc học thì ba mẹ lại ước mơ một cậu con trai cho thêm vui cửa vui nhà, sau nữa là hy vọng một ngày nào đó ông già sẽ có bạn cùng ngồi xem bóng đá. Một lần nữa được sở cầu như nguyện như chuyến vượt biển những năm về trước. Khi cậu em được bốn tuổi thì người chị lớn đi học xa, vài ba tháng về thăm nhà một lần. Bốn năm sau đến lượt cô em cũng bỏ Salzburg theo chân người chị một đi không trở lại vì đã đồng ý cùng in thiệp hồng với người mình thương. Cậu Út sinh sau đẻ muộn nhưng sớm nổi tiếng khi được phong chức cháu đích tôn của một gia đình ở Huế có đông anh em. Tin bay về tận quê nhà hai bên nội ngoại kéo dài niềm vui cho đến khi tiểu gia đình ngày xưa ở Sài gòn nay đã có cháu trai đầu tiên trên xứ người. Mỗi lần con cháu và rể về thăm là cả nhà rộn ràng tiếng cười, bà ngoại nấu đủ thứ chiêu đãi, cháu Ân Lai được cưng chìu không khác chi dì Ty thời thơ ấu. 
    Ngày lại ngày nhẹ nhàng trôi qua nhanh đến nỗi khi cậu Út chuẩn bị đi lính thì cũng đồng nghĩa là ngày đứa con thứ ba sẽ nối gót hai người chị lên Wien học không còn xa nữa, và ngày về hưu của ba mẹ cũng đã gần kề. Chuyện gì đến đã đến, từ tháng 10 năm ngoái đến nay đã có những sáng nhớ chiều mong, đêm nằm lo lắng nhưng không thể có lý do nào chính đáng để cản ngăn con trẻ tự chọn cho mình một hướng đi tương lai trên đường học vấn.
    Sau ngày đưa con đi ‘du học trong nước’ trở về, căn nhà quen thuộc và thân thiết đã hai mươi ba mùa xuân đi qua, nay đã có lúc cô quạnh khi nhớ lại giấc mơ đoàn tụ thuở trước, như là kỷ niệm về hương vị đắng cay và ngọt ngào thật quý báu của một đời người. Rồi mai đây, nếu có sự đổi dời hay dự tính nào thấy cần thiết cho đời sống tốt hơn, thì đó sẽ là tin mừng để mỗi thành viên gia đình ghi thêm một giấc mơ nữa trong niềm vui sum họp.

NGUYỄN SĨ LONG
02.11.2017

Freitag, 22. September 2017

ÁNH LỬA TRẠI

 
 
Đôi Lời Giới Thiệu :

    Tôi đi vượt biên vào giữa năm 1987, để lại vợ và 2 con ở Sài gòn. Gần 4 năm sau, vào tháng 2.1991 từ Salzburg tôi lên Wien để đón vợ và 2 con sang Áo đoàn tụ. Kiều Nam hay còn gọi là Bé Ty lúc đó được 8 tuổi. Hai cháu đến trường học tiếng Đức, về nhà nói tiếng Việt để khỏi quên tiếng Mẹ. Vài năm sau gia đình chúng tôi thường sang München (Munich) lễ chùa Tâm Giác (trước đó là Niệm Phật Đường Tâm Giác), nhờ vậy mà ngoài sinh hoạt Phật sự vào những ngày lễ lớn, hai cháu còn rèn luyện thêm tiếng Việt nhờ tiếp xúc với các anh chị trong gia đình Phật tử và bạn bè cùng lớp.
    Bé Ty cũng theo chân người chị Chân Như lên thủ đô Wien học sau khi hoàn tất chương trình 5 năm ở trường Bundeshandelsakademie II, Salzburg vào năm 2003. Ở Wien, Kiều Nam phải mất 2 năm để đổi trường. Cuối cùng, WU mới là ngôi trường trao bằng tốt nghiệp vào tháng 12. 2011.
    Dưới đây là bài văn đầu tay của Kiều Nam, được đăng trên báo Hoa Sen (Nội san của Hội VHXHPT Việt Nam tại Áo) số 13, ấn bản tháng 2.2000, lúc 17 tuổi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

  The Grand Palace, Bangkok 2013

ÁNH LỬA TRẠI 

    Nhận lời mời của gia đình Phật tử Chánh Tín về cuộc cắm trại trong ba ngày tại München, năm chị em chúng tôi đã đáp xe lửa từ Salzburg vào một buổi chiều hè tháng 8.1999. Trời đẹp, nắng ấm chắc không nhiều thì ít đã làm an tâm những người bạn của tôi lần đầu tiên xa nhà để tham dự mấy ngày sinh hoạt ngoài trời mà thật ra từ khi đến định cư tại Áo, chính tôi cũng chưa có lần nào được gặp nhau trong những ngày hè như thế này.
    Vừa rời nhà ga München được mấy bước đã thấy anh Lâm đang đứng chờ chúng tôi. Sau khi chị tôi và tôi giới thiệu ba cô bạn lần đầu tiên đến München, anh Lâm đưa chúng tôi đến Niệm Phật Đường Tâm Giác. Tôi đã cùng với ba mẹ tham dự các ngày lễ nhiều lần ở đây, nhưng hôm nay tự nhiên thấy một cái gì vui hơn, nô nức hơn về những trò chơi đang chờ chúng tôi vào ngày mai. Đang suy nghĩ miên man thì xe đã đến trước cổng Niệm Phật Đường. Anh Sử và anh Hưng khiêng những thùng đồ cần dùng cho buổi cắm trại vô xe. Chúng tôi tới chào hỏi hai anh và luôn tiện giới thiệu chị Nghi, Maria và Bích cho mọi người làm quen. Tất cả chúng tôi vào bên trong và được gặp anh Bình dưới nhà bếp. Chúng tôi gọi anh là ’Bình sữa’ vì có một người cùng tên nữa nên đặt tên như vậy cho tiện. Sau vài lời chào hỏi tôi ra ngoài phụ anh Hưng cắt rau cải để chuẩn bị cho anh Bình sữa nấu ăn. Một lát sau thì các anh chị em cũng xuống phụ một tay, chúng tôi vừa làm vừa đùa giỡn rất là vui. Chúng tôi chia làm hai nhóm, một nhóm phụ anh Bình nấu ăn còn một nhóm thì dọn chén đũa ra. Đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức tài nghệ của anh Bình. Ai cũng phải công nhận là anh Bình nấu đồ ăn chay rất ngon.
    Sau khi dùng cơm xong, chúng tôi lái xe tới chỗ cắm trại, nơi mà mấy anh đang dựng lều lên. Lúc đó các anh chị ở Nürnberg, anh Thành ở Berlin và các anh ở München đã có mặt đầy đủ. Chúng tôi chào hỏi và giới thiệu nhau với khoảng 22 người tham dự. Sau khi dựng lều xong thì chúng tôi đốt lửa trại và ngồi quanh vòng tròn, cùng nướng khoai, ăn chuối, ăn trứng. Trong nhóm có anh V. Thành nói chuyện rất là tiếu lâm. Anh mà nói chuyện là bắt buộc người ta phải cười thôi. Anh Thành thấy Bích và tôi 'còn non' chưa biết 'chuyện đời' nên anh chọc hai đứa tới bến luôn. Bích và tôi thì nói không lại anh nên đành cười huề vốn thôi.
    Vì thời tiết trở lạnh nên khoảng 10 giờ đêm chúng tôi rút quân vô lều lớn. Trong lều chị Loan và chị tôi đã chuẩn bị bánh trái và nước cho các anh em ngồi lại trà đàm. Đầu tiên thì mỗi người phải tự giới thiệu mình để cho dễ xưng hô. Sau đó mấy anh nghĩ ra những trò chơi rất vui tươi, các anh ai cũng đã lớn rồi nhưng mà vẫn chơi các trò chơi với tất cả tâm hồn. Chúng tôi chơi cái này tới cái kia, mà trò chơi nào cũng đem tới các anh em chúng tôi những tiếng cười vui vẻ. Khi không còn ai nghĩ ra trò chơi mới được nữa thì chúng tôi bắt đầu đổi qua ca hát. Anh Sơn thì đàn cho các anh em chúng tôi hát, nhờ dịp này mà chúng tôi mới khám phá ra những 'nhân tài còn nằm trong lá ủ' của thành phố München có những giọng hát rất hay. Chúng tôi chơi tới 2 giờ khuya. Mấy cô con gái thì được ngủ yên giấc ở trong mấy cái lều nhỏ tới sáng, còn các anh thì phải thay nhau trực cho tới lúc mặt trời mọc, mấy anh thì ngủ chung với nhau trong cái lều lớn mà chúng tôi đã tham dự trò chơi hồi tối. Vì chúng tôi đã lấy bánh kẹo ra ăn nên buổi tối đã có một đàn kiến kéo tới, mấy anh thiệt là vất vả để 'chống lại'. Nếu mà không phải thức để trực thì lại phải ngủ với kiến! Tuy vậy, qua sáng mai thấy ai cũng rất là tỉnh táo.
    Chúng tôi dùng điểm tâm bằng bánh mì và uống cà phê, sau đó định múa Tai Tschi với anh Dũng, nhưng ai cũng làm biếng hết và hơi mắc cở nên chỉ chơi bóng chuyền trong vòng tròn để giản gân giản cốt thôi. Một lát sau thì anh Lâm và anh Sử đến đề nghị chơi Ruck Zuck, trò chơi này phải chia ra hai đội, mỗi đội phải diễn tả một con thú, nhưng không được nói chuyện. Cứ mỗi một người diễn tả và một người phán đoán, nếu đoán được thì người đó phải diễn tả cho người kế tiếp. Đội nào đoán xong trước là thắng. Sau đó anh Sử lại đề nghị chia chúng tôi ra hai nhóm để phụ anh Bình sữa nấu ăn, một nhóm khác đi tìm cũi và dựng luới để chơi bóng chuyền. Bích và tôi tự nguyện vô nhóm đi lấy cũi và dựng lưới. Trong lúc chúng tôi dựng lưới lên thì có nhóm thiếu niên của GĐPT qua chơi, sau khi làm xong việc rồi chúng tôi rủ các anh chị chơi chung. Chúng tôi còn giao là đội nào thua thì phại cõng đội thắng từ đầu sân đến cuối sân. Vì thấy anh Điệp và anh Hưng chơi hay nên tôi lúc nào cũng chạy qua đội của hai anh, ngu gì mà cõng chứ ? Vì chơi rất vui và các anh chơi hay, hấp dẫn nên chúng tôi chơi cho tới giờ ăn trưa mới chịu nghỉ giải lao. Đồ ăn chay anh Bình và các chị nấu ai ăn cũng ngon miệng hết. Tôi thấy anh Bình hơi bị thiệt thòi, vì ai chơi gì thì chơi, lúc nào anh cũng đứng bên cái lò bếp, bởi vậy đi đâu mà có anh Bình thì khỏi sợ bị đói. Anh Bình chỉ thật sự an tâm đi bơi thuyền với chúng tôi sau khi đã 'phục vụ' xong bữa ăn cho tất cả anh em. Chúng tôi có hai ba cái thuyền bằng phao, mỗi cái chứa được ba hoặc bốn người, tôi ngồi chung với anh Dũng, anh Tiến và Tâm còn thuyền bên kia thì có anh Điệp, anh Hưng và Bích. Đáng lẽ chúng tôi định chơi đua thuyền, nhưng đua đâu không thấy, mới chèo được một khoảng sông thì mấy người ở thuyền phía bên kia bắt đầu tạt nước chúng tôi. Nước lạnh như vậy mà họ nỡ lòng tạt cho chúng tôi ướt từ đầu tới chân. Chúng tôi tức quá và dĩ nhiên phải tạt lại, chúng tôi vừa run lập cập vừa tạt nước cho đến khi họ cũng ướt hết cả người thì chúng tôi mới vui-lòng-hả-giận. Ai ngờ lúc đang chèo về bến thì anh Bình sữa từ đâu bơi tới và cho chúng tôi tắm nước lạnh thêm một lần nữa, tiếc một cái là anh đã bơi dưới sông rồi cho nên tạt nước lại anh cũng vô dụng thôi. Mấy chị đứng tên bờ thấy chúng tôi chơi bạo quá nên không dám bước chân lên thuyền nữa bước.
    Vì thấy thời tiết càng lúc càng lạnh nên chúng tôi không bơi thuyền nữa. Một lát sau thì các cô, chú, bác ghé tới thăm. Sau khi dùng cơm chiều xong thì chúng tôi vẫn không chịu ngồi yên và cùng nhau chơi những trò chơi đua rượt, những trò chơi này từ nhỏ tới lớn tôi chưa hề chơi qua, chắc mấy anh sưu tầm những trò chơi dữ lắm. Chúng tôi ra điều kiện là đội nào thua phải cõng, nhưng lần này không được may mắn như lần trước, tôi bị cõng nhiều hơn là được cõng. Khi trời gần tối, chúng tôi bắt đầu chơi những trò chơi vòng quanh ánh lửa trại. Khi các cô, chú, bác từ giã ra về thì trời cũng đã tối dần và cũng bắt đầu mưa nên chúng tôi quyết định vô lều lớn chơi tiếp.
 
    
   Trước tiên là có một cuộc tranh luận cũng như mỗi người nói lên những cảm nghĩ riêng của mình  về chủ đề 'hạnh phúc là gì?' Lúc ban đầu thì còn hơi nhút nhát nhưng từ từ thì cuộc nói chuyện rất là thú vị. Mỗi người có một nhận xét, một cách suy nghĩ và cái lý riêng của họ. Riêng tôi, vì tôi không có khiếu bày tỏ những suy nghĩ của riêng mình nên tôi chỉ ngồi đó và lắng nghe anh chị nói chuyện thôi. Trong lúc này tôi thấy các anh chị rất là chững chạc và có những suy nghĩ rất đứng đắn. Khi thấy càng lúc càng ít đề tài để nói nên chúng tôi đổi qua chương trình văn nghệ, từ nhạc trẻ tới hò và cải lương, loại nhạc nào cũng có hết. Tối hôm nay có tiếng đàn anh Triệu đệm với anh Sơn. Anh Bình thì ngâm mấy câu cải lương mùi mẫn, còn anh V. Thành thì hò những câu hò tiếu lâm có một không hai. Tôi được anh V. Thành hát tặng một câu hò nhớ đời: 'Hò ơi…thương Ty không biết để đâu, để trong lỗ mũi lâu lâu anh hách xì…' Không khí trong lều rất vui tươi, chúng tôi vừa ăn bánh vừa uống trà và hát hò tới hơn ba giờ sáng. Tôi tuy buồn ngủ rồi nhưng thấy vui quá nên cũng ráng thức với mọi người.
    Tuy hôm trước đi ngủ muộn nhưng sáng hôm sau 7:30 tôi đã dậy rồi. Vì thấy các người khác vẫn còn ngủ nên tôi nằm ráng tới 8:00 giờ mới chịu chui ra khỏi lều. Hôm nay không dùng điểm tâm với bánh mì nữa mà là mì gói, cũng nhờ anh Bình pha chế thêm vào những rau cải nên ăn rất ngon. Sau đó chúng tôi ngồi trò chuyện một lát rồi dọn dẹp. Ai làm được cái gì thì làm cái đó, tuy nhiều người nhưng dọn cũng lâu lắm mới xong. Chúng tôi xách đồ ra xe và lái xe về lại NPĐ sau khi thu dọn xong lều trại và đồ đạc. Mấy anh em ngồi giải lao một chút thì một lát sau anh Sử đề nghị làm một vòng tròn và anh nói mấy câu tạm biệt và những lời cám ơn cho sự góp mặt của chúng tôi, những người từ xa đến.
    Phải nói là chúng tôi cám ơn mấy anh ở München mới đúng, các anh đã cho chúng tôi một cơ hội để gặp bạn bè đồng hương, và trong ba ngày cắm trại này mấy anh lo cho chúng tôi rất là chu đáo, Anh Sử nói lời giã từ lúc này vì lo một lát sau còn rất nhiều việc, sợ không có cơ hội để nói thôi, chứ không có nghĩa là từ giờ phút đó là…đường ai nấy đi. Sau khi trao địa chỉ cho nhau để giữ liên lạc thì chúng tôi lên xe để tham quan thành phố München.
    Trước tiên các anh dẫn chúng tôi đến Englischer Garten. Chỗ này lớn lắm với nhiều phong cảnh rất đẹp bên cạnh dòng suối, nước trong xanh thật tươi mát như cây kem anh Lâm đãi ăn trước khi rời khỏi khu vườn để dạo trong thành phố một lần nữa trước khi các anh chị tiễn năm chị em chúng tôi ra nhà ga để về lại Salzburg.
    Thời giờ như thể tên bay, mới đó mà đã sáu tháng trôi qua. Hôm nay ngồi ghi lại vài dòng cảm nghĩ chắc cũng chưa nói hết những nét đẹp và hữu ích và nhiều kỷ niệm trong lần cắm trại này. Xin gởi lời cám ơn đến Gia đình Phật tử Chánh Tín và các anh chị đến từ Nürnberg, Berlin. Hẹn một mùa hè khác…đang tới.

KIỀU NAM
08.01.2000

Samstag, 16. September 2017

CẢM XÚC NGÀY VU LAN


    Vào 7 giờ sáng ngày 10.09.2017, chúng tôi gồm  5 anh em trong nhóm G7 đã có mặt ở Hội trường St. Vinzenz Pallotti nằm trên đường Hans Sachs Gasse để trang hoàng phòng lễ, căng banderole, dựng bàn thờ, sắp đặt chỗ, bàn ghế từ bên trong cho đến bên ngoài hội trường và cuối cùng là nhà bếp để chuẩn bị cho Đại Lễ Vu Lan, Phật Lịch 2561, sẽ được Đại Đức Thích Viên Duy, trụ trì chùa Pháp Tạng chứng minh diễn ra vào lúc 11 giờ. 
    Khoảng 8:30 giờ đã xong những phần chính nên đh. Viễn và Khải ở lại. Sĩ, Quân và tôi về trước để phụ giúp quý bà nội trợ đang còn nấu nướng ở nhà. Lúc mang thức ăn ra hội trường chừng 10 giờ thì có một số Phật tử Salzburg đã đến, rồi thấy anh chị Phương từ Tirol lên, quý đh. Loan & Cường, và Hương & Ân phụ xách giúp đồ nấu và ‘phụ tùng’ vào nhà bếp, trông mọi người ai cũng vui vẻ vì lâu quá không gặp dù ở chung một thành phố. Vào cửa chính thật bất ngờ gặp lại anh chị Tèo từ Linz xuống, tính lại thời  gian thì gần 20 năm mới hội ngộ nên thăm hỏi nhau rất nồng nhiệt. Cạnh cầu thang thấy anh chị Bảy đang trò chuyện với anh chị Hiếu và anh chị Quang cùng một số cô bác xa gần người nhớ kẻ quên. Khoảng 10:30 giờ ở khu vực gần quầy nước và cà phê khá nhộn nhịp khi Phật tử Salzburg đến đã khá đông, chúng tôi thấy các em và các cháu đang cùng mọi người phụ giúp nhà bếp hay ở quầy Buffet. Gần 10:45 giờ được tin chiếc xe Bus đưa Thầy và Phật tử Wien tham dự ‘chuyến hành hương’ thành phố Salzburg có chút trở ngại nên 11 giờ mới đến điểm hẹn. Khi cùng một số Phật tử đi ra hướng sân vận động cũ để đón phái đoàn, tôi gặp Giáo sư Phó Tiến sĩ Kurt Krammer đang trên đường đến hội trường, là khách mời của Khải và Mai Châu. Tôi có chút quen biết với ông Krammer vào niên khóa 1993-1994 khi hai cô con gái nhà tôi học lớp Giáo lý Phật giáo do ông giảng dạy cho học sinh tại Salzburg. Ở Áo, Phật giáo  được công nhận là một tôn giáo chính thức từ năm 1983 nhưng mười năm sau mới có lớp Giáo lý đầu tiên với 5 học sinh vào mùa thu 1993. Nhân chuyến thăm Áo quốc của Đức Đạt Lai Đạt Ma, Gs Krammer đã hướng dẫn nhóm học sinh Phật học của ông đi Graz để chiêm ngưỡng vị Phật sống vào cuối tháng 6.1995. Tôi chào ông Krammer vừa xong thì phái đoàn Phật tử cũng đang từ Tulpenstrasse đi tới. Thấy mọi người ai cũng tươi tỉnh chào hỏi dù ngày hôm qua tại chùa Pháp Tạng, Đại lễ Vu Lan cũng đã được tổ chức vào buổi chiều cùng với chương trình văn nghệ đến tối, vậy mà hôm nay về Salzburg vẫn rất thoải mái là điều hết sức vui mừng.
    11:25 giờ thầy Viên Duy cử hành Nghi thức Đại Lễ Vu Lan với khoảng 110 Phật tử về tham dự, trong đó có 2 Vùng phụ cận là Linz và Tirol. Riêng Đạo tràng Wien mỗi khi ở Salzburg có lễ thì Phật tử thủ đô thường ‘đóng góp nhân lực’ từ 1 hoặc 2 xe Bus, mà ấn tượng nhất là vào năm 2011, Đại lễ Vu Lan đã được tổ chức vào ngày 10.09 tại hội trường Laufenstrasse (hội trường nhỏ chỉ bằng một nửa so với lần này). Dù được ‘tin vui bất ngờ’ nhưng G7 vẫn chuẩn bị đầy đủ 180 phần cơm hộp để đón tiếp 2 xe Bus từ Wien xuống. Sau lễ, Ban tổ chức đã hướng dẫn phái đoàn đi tham quan thành phố. Năm nay chùa Pháp Tạng tổ chức chuyến đi cho 54 Phật tử, trong đó có một gia đình Phật tử Việt 4 người ở Hy Lạp trở về thăm Wien cũng đi theo đoàn. Có lẽ đây là lần đầu tiên thầy trò ngôi chùa mới làm chuyến vân du về một thành phố du lịch nổi tiếng ở miền tây nước Áo, nơi đó Đạo tràng Salzburg luôn nhiệt tình và hiếu khách. 
 
  Mỹ Uyên (Salzburg)
 
    Sau cử hành Đại Lễ Vu Lan là phần Thuyết Pháp, Nghi thức Bông Hồng Cài Áo và cuối cùng là phần văn nghệ gồm 6 tiết mục (Wien 4 & Salzburg 2) với những ca khúc về Mẹ trong Lễ Báo Hiếu đã khiến người nghe tuôn trào cảm xúc lúc Mỹ Uyên với bài ‘Phận Xa Cha Mẹ’ được cất lên cùng những tiếng nấc nghẹn ngào làm đứt quãng lời nhạc nhưng vẫn thiết tha qua tiếng đàn đệm của đh. Lê Tuấn. Cả trăm ánh mắt không rời cô giáo Uyên trên sân khấu khi nước mắt long lanh trong từng câu hát. Cả hội trường xúc động, không ai hẹn ai, cùng lau nước mắt…

Bé Trinh (Wien)
 
    Chương trình văn nghệ kết thúc lúc 13:15 giờ sau tiếng hát thật dễ thương của Bé Trinh, tiếp theo là mời quan khách và Phật tử dùng Buffet trước cửa hội trường. Hai chiếc bàn dài được ghép lại để có mặt bằng lớn đặt nồi cơm điện và những món chay của G7 và đồng bào Phật tử cúng dường: hủ tiếu xào, món kho thập cẩm, sườn chiên giòn & sả ớt, canh chua, tàu hũ dồn, mắm Thái (chay), rau xào, xôi vị, rau củ kho chay, mì căng sả ớt, gỏi, xôi, cà ri, cà tím um, bánh khoai mì nướng, rau câu trái cây, bánh tiêu...Riêng nồi bún bò Huế phải đặt trong bếp để giữ nóng nên Ban ẩm thực đã nhanh tay làm mỗi mâm khoảng 6 tô rồi đưa qua cửa thông từ bếp ra ngoài, cạnh quầy Buffet. Chúng tôi thấy quý Phật tử ai cũng thoải mái đứng chờ đến phiên mình, và đây chính là khoảnh khắc thật vui, thật đẹp khi mọi người chuyện trò thăm hỏi nhau trong một ngày lễ mà đôi khi ba bốn năm mới có một lần. 
 

     Bên cạnh quầy Buffet còn có một chiếc bàn nữa được dành độc quyền cho đh. Nguyễn Hồng Loan, một thành viên G7 giới thiệu  6 loại bánh ngọt và nồi chè (hình trên). Ngoài ra, đh. Loan còn làm 51 phần bánh cuốn được đóng hộp dành tặng phái đoàn Phật tử Wien để lót lòng trên đường trở về Chùa vào buổi chiều tối.
    Sau giờ ngọ trai, đại chúng tụng một thời kinh nữa rồi trở lại phần văn nghệ. Theo lời yêu cầu của thính chúng, Thầy Viên Duy đã trình bày hai bài hát, trong đó tôi chọn bài ‘Đêm Tụng Kinh Pháp Hoa’ nghe Thầy hát rất hay. Chương trình văn nghệ chấm dứt lúc 15:30 giờ, tiếp theo là chụp hình lưu niệm, trước khi chia tay bà con Phật tử xa gần và tiễn phái đoàn Wien lên xe Bus ra trung tâm tham quan thành phố Salzburg.
 
                   
 
   Trên đường trở về Wien, phái đoàn đã nghỉ chân trên xa lộ lúc trời chưa tối để thưởng thức món bánh cuốn Nguyễn Hồng Loan. Xe Bus đưa phái đoàn Phật tử Wien về đến Chùa bình an lúc 21:30 giờ cùng ngày.
     Sau Đại lễ Vu Lan, BTC nhận được nhiều lời ngợi khen thân tình. Thay mặt Phật tử Salzburg, chúng tôi xin nhận tấm lòng ưu ái của quý vị về một Ngày Vu Lan với nhiều cảm xúc nhưng chắc không tránh khỏi sơ sót, xin niệm tình tha thứ cho.
 
NSL
Sbg, 16.09.2017